TRỞ LẠI HIỆP-ĐỊNH PARIS: NÊN CHĂNG?
Mấy tuần qua, chúng tôi và một vài tác-giả đã có dịp bàn đến chuyện vãn hồi hay phục-hoạt Hiệp-định Hòa-bình Paris1973. Cho rằng việc đó là khó, không dễ, như một vài người đã chỉ ra, không có nghĩa là ta không có thể tìm cách thử được. Vì sao? Vì không thử thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Hà-nội đã vi-phạm (đủ các điều trong đó) thì Hà-nội sẽ tiếp-tục vi-phạm. Bắc-kinh đã vi-phạm (sự toàn vẹn lãnh-thổ của miềnNam) thì Bắc-kinh sẽ tiếp-tục vi-phạm.
Đó là nếu ta không làm gì. Nhưng thử một chuyện khó khăn có nghĩa chăng là: “Ý tưởng phục hồi một hiệp định đã trở thành vô giá trị, với toan tính dựa dẫm nặng nề một lần nữa vào thế lực ngoại quốc, là một hoang tưởng và một dại dột.”
Một dại dột? Thử hỏi, chúng ta, những người không CS, còn gì để mất để mà có thể gọi được là “dại dột” trong chuyện này? Dùng thước đo này thì Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, v.v. đều là “dại dột” cả vì ai chẳng biết là trong tương-quan lực-lượng giữa nhà Hán và Hai Bà, giữa nhà Ngô và Bà Triệu, giữa quân Mông-cổ và Trần Bình Trọng, ai chẳng biết là nó không cân-xứng, là “trứng trọi đá,” là “châu chấu đá xe”? Vậy thì là họ “dại dột” cả? Vậy nếu họ cứ theo lời khuyên của những người “khôn” không “dại dột” thì liệu ngày hôm nay chúng ta có còn một nước Việt-nam để mà nói chuyện nữa không?
Đó là chưa kể, tại sao ta đã vội cho là “hiệp định [Paris1973] đã trở thành vô giá trị”? Dựa theo tiêu-chuẩn nào? Rồi lại nghĩ là có người “toan tính dựa dẫm (sic) nặng nề (sic) một lần nữa (sic) vào thế lực ngoại quốc”? Thật quái-đản trong khi những ngưởi chủ-trương trở lại Hiệp-định Paris chỉ muốn dựa vào quốc-tế (trong đó có ngũ cường và Liên-hiệp-quốc, nghĩa là rất khác sự cáo buộc với ba chữ “sic” trên đây) để lấy lại công-lý cho VNCH và nhân-dân miền Nam Việt-nam!
Thêm vào đó lại còn vài lý-do nữa ta không thể quên được Hiệp-định Hòa-bình 1973. Trước hết vì đó là lịch-sử, và như một vài còm trong Đàn Chim Việt đã viết, ta cần biết rõ ràng và cặn kẽ lịch-sử của nước ta và cũng cần để lại những thông tin chính-xác cho con cháu chúng ta, để cho họ khỏi hiểu lầm việc làm của những người đi trước. Nhưng trên hết, chúng ta cần trở lại Hiệp-địnhParisvì chính người Cộng-sản ở Hà-nội cũng không muốn ta quên như bản tin sau mới ra cách đây mấy ngày trên CAND Online:
“Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp ĐịnhParis1973 (27/1/1973 – 27/1/2013), hàng loạt sự kiện, hoạt động sẽ diễn ra cả ở ViệtNamlẫn ở Pháp. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CHXHCNVN Nguyễn Phương Nga cho biết như vậy, riêng tại Hà Nội, ngày 25/1, sẽ diễn ra lễ kỷ niệm cấp Nhà nước với sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thành viên hai đoàn đàm phán với bạn bè quốc tế.” (CAND Online)
Thứ nữa, nếu ta không làm được gì hơn thì cứ nhắc lại những vi-phạm của Hà-nội và Bắc-kinh (dựa trên những văn-kiện có thật, với đầy đủ các điều khoản này nọ) chẳng là điều nên làm lắm sao?
Người yêu nước là người có viễn-kiến
Người thiếu hiểu biết thường cho những người yêu nước là những người “dại dột,” bỏ cái êm ấm của nhà cao cửa rộng, của vợ đẹp con khôn để đi làm chuyện chưa chắc đã thành công. Song chính thật, người yêu nước phải là người có viễn-kiến, nhìn được xa, trông được rộng, ít nhất là quá được cái mũi của mình, quá được quyền-lợi cá-nhân và gia-đình làng xã của mình, và xa đôi khi đến cả hàng trăm năm, hàng ngàn năm như cuộc tranh đấu của dân Lạc-Việt (Hai Bà v.v.) để thoát ra khỏi cái định-mệnh Hán-hóa đã xảy ra với hàng chục nhóm trong loài “Bách Việt” ở miền Nam Trung-quốc.
Nếu có người trong chúng ta không thuộc lịch-sử thì tôi xin phép được nhắc lại (thật vắn tắt) đôi điều:
Trường-hợp ông Theodor Herzl và nước Do-thái.
Ông Herzl (1860-1904) viết cuốn sách về một “Nhà nước Do-thái” (Der Judenstaat trong tiếng Đức), tức giấc mộng của ông, vào năm 1895, sau hơn 18 thế-kỷ người Do-thái bị đánh bật ra khỏi Palestine và trở thành những người lưu vong (“les juifs errants”) trên khắp thế-giới. Mười năm sau, ông mới vận-động được một số nước, trong đó có nước Anh, chấp nhận nguyên-tắc về một nước Do-thái dựng lại ởPalestine. Và hơn 40 năm sau nữa, vào năm 1948, giấc mộng của Theodor Herzl mới thành sự thật với sự ra đời củaIsrael. Ông Theodor Herzl, theo cách suy nghĩ thiển cận của một vài người, chắc phải là một người vô cùng dại dột và hoang-tưởng, nhất là vì ông chết nhiều năm trước khi ý-tưởng “dại dột” kia của ông được thành tựu!
Trường-hợp người Palestinians.
Sau khi Anh để cho người Do-thái trở về định cư rồi lập quốc ởPalestine thì người Ả-rập sẵn ở đó có một sự lựa chọn, chấp nhận cho người Do-thái trở về chung sống hòa-bình với mình hay tìm cách đẩy người Do-thái xuống biển. Không may, ngườiPalestine đã chọn con đường thứ hai để rồi thất bại một cách ê chề. Bàn cờ bị lật ngược, người Do-thái đã đẩy được người Palestinians đi để tạo ra một khoảng trống mà sau này thành lãnh-thổIsrael. Người Palestinians thua (dài dài) dù có được sự hậu-thuẫn của nhiều nước Ả-rập khác và họ đã phải trả giá đắt cho ý tưởng ngông cuồng của họ vào lúc đầu (1948). Tuy-nhiên, sau nhiều năm nghiền ngẫm họ cũng đã học được bài học kiên trì nên ngày nay, sau khoảng 60 năm, họ cũng đã tìm được một sự công-nhận ngày càng rộng rãi của thế-giới, kể cả đồng-minh số 1 của Israel, đó là nước Mỹ, để ngày nay Mỹ ủng-hộ cả Israel và một nước Palestine độc-lập.
Lịch-sử các nước Đông-Âu.
Gần ta hơn là kinh-nghiệm các nước Đông-Âu. Chỉ đôi ba năm sau khi Thế-chiến II kết thúc, hầu hết các nước này rơi vào trong vòng kiềm-tỏa của Liên-Xô với sự thỏa thuận ngầm của Anh, Mỹ, Pháp (vì họ cho là Mạc-tư-khoa có quyền dựng lên một vùng ảnh-hưởng–sphere of influence–của họ để làm một thứ trái độn với các nước Tây-phương). Nếu ta chỉ biết nghĩ ngắn hạn thì tất cả những vụ đấu tranh của các nước Đông-Âu từ Poznan, Ba-lan, đến Budapest, Hung-gia-lợi (1956), chắc là “dại dột” và “hoang-tưởng” cả! Không có những sự “dại dột” và “hoang-tưởng” đó thì làm gì có mùa Xuân Praha (1968), dẫn tới Hiến-chương 1977, ở Tiệp hay Công-đoàn Đoàn-kết (1980) ở Ba-lan để đưa đến sự sụp đổ của toàn khối CS Đông-Âu (1989), thậm chí đến cả sự tan vỡ của đế-quốc CS là Liên-Xô (1991)!
Trường-hợp chính-phủ “giải phóng” De Gaulle.
Tháng 6/1940, quân-đội Đức tràn sang Pháp, Pháp đầu hàng. Tướng De Gaulle, lúc bấy giờ đứng một mình trơ trọi ở Luân-đôn, xin được phép đưa ra một lời kêu gọi trên BBC (“Appel du 18 juin” 1940). Lúc đầu, không mấy người muốn theo về với ông nhưng ông kiên trì nên cuối cùng các lực-lượng “Pháp tự do” (“Free French forces”) cũng đến với ông và đến tháng 6/1944, chỉ hai tháng trước ngày giải phóng Paris ông De Gaulle mới lập được chính-phủ “lưu vong” của ông–để cuối cùng trở thành một trong các nước Đồng-minh có quyền quyết-định số-phận của nước Đức bại trận sau đó.
Khó là chắc nhưng có phải là “dại dột” hay “hoang-tưởng” không?
Không ai nói là sau khi mất miền Namvào tay Cộng-sản là mọi sự dễ dàng. Nếu dễ dàng thì kinh-nghiệm của những ông Hoàng Cơ Minh, Lê Quốc Túy, Trần Văn Bá… đã phải thành công rồi. Nhưng không, khó rất khó!
Song khó có phải là một lý-do nên bỏ cuộc như có người muốn khuyên ta không?
Dựa vào kinh-nghiệm quốc-sử cũng như kinh-nghiệm của các nước gần gũi ta hơn, rõ ràng là những người đi con đường dễ dãi, tức là “không dại dột” kiểu Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, chắc phải xem là khôn ngoan hơn.
Song những người như chúng tôi, và không ít những người yêu nước khác, có lẽ không ngại con đường khó khăn hơn nếu con đường đó hứa hẹn một ngày mai tươi sáng. Nữa là ở đây, ta lại có tới hai hiệp-định quốc-tế để ủng-hộ cho cuộc đấu tranh chính-nghĩa của ta, Hiệp-định Hòa-bìnhParis1973 (27/1/1973) và Định-ước Quốc-tế đảm bảo cho việc thực-thi Hiệp-định đó (1/3/1973).
Ta không thể nghe một mình ai để mà quyết-định là “Hiệp-địnhParis” đã chết, “đã trở thành vô giá trị.”
Một hiệp-định quốc-tế, thật ra, không bao giờ tự nó chết cả. Hiệp-định Pháp bán đất Louisiane cho Mỹ (1803) hay Nga nhượng bộ Alaskacho Mỹ (1867) cho đến nay vẫn còn nguyên giá-trị của nó. Để xóa bỏ được những điều ước năm Nhâm-tuất (1862), rồi Giáp-tuất (1872) hay Hiệp-ước Patenôtre (1884) sau đó dẫn đến bảo hộ mà triều Tự Đức ký với Pháp thì chính vua Bảo Đại đã phải tuyên-bố hủy bỏ chúng ngày 11/3/1945 (Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, trang 31), nghĩa là ông Bảo Đại đã lấy lại độc-lập cho nước nhà sáu tháng trước khi ông Hồ Chí Minh đứng ở Ba-đình tuyên-bố “độc-lập” lần thứ hai!
Và cũng vì tôi chưa nghe thấy ai, ngoại-trừ một hai người không có thẩm-quyền, cho là hai Hiệp-định Paris 1973 và Định-ước quốc-tế sau đó (ngày 1/3/1973) đã chết nên ta cũng có quyền nghi ngờ quyết-định đơn-phương kiểu tùy tiện đó!
Còn điều vài người khác lo xa (như “không ai muốn ViệtNamlại bị chia cắt ra làm hai phần một lần nữa”) thì thật là chuyện lo bò trắng răng. Đã ai nói là trở lại “Hiệp-địnhParis” là để chia đôi đất nước?
Trở lại Hiệp-địnhParischỉ có nghĩa là vào năm 1973, ít nhất cũng đến tháng 4/1975, là có một thực-tế do Hiệp-định Genève đẻ ra, đó là đã có hai quốc gia VN với hai thể-chế khác nhau. Hiệp-định Paris là nhằm giải-quyết vấn-đề thống nhất VN bằng con đường “hòa-bình,” với không bên nào “thôn tính” bên nào (Chương V của Hiệp-định), song nó đã bị vi-phạm. Do đó mới cần đặt lại vấn-đề trở về Hiệp-định đó, một hiệp-định được quốc-tế và Liên-hiệp-quốc long trọng tuyên-bố tôn trọng.
Thiết tưởng một sự thật như vậy là trong sáng như pha-lê! Không có điều gì là khó hiểu cả.
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong đêm 18/1/2013
Đồng Xuân, Bang Trinh-nữ, Hoa-kỳ-quốc
2 Comments
Phan Van Song
Anh Bích thân,
Không có gì là dại dột cả, không có gì là hoang tưởng cả. Ít ra chúng ta phải làm và dám làm và cố làm. Không làm gì hết thì không bao giờ đạt được gì cả. Ta cứ làm nếu không đạt được thi kết quả cũng như ta không làm vậy thôi.
Cứ làm và phải làm. và can đảm làm. Mình ủng hộ các anh. Càng dại dôi càng đông càng tốt . The more the merriest !
Cám ơn Anh Bích.
Phan Văn Song
Nguyễn Quốc Khải
Đài phát thanh Radio France International (RFI) mới phỏng vấn LS Trần Thanh Hiệp về Hiệp Định Paris 1973. Về vấn đề phục hồi Hiệp Định Paris 1973, LS Hiệp đã nhận định nguyên văn như sau:
“Tôi có nghe thấy và đọc một số thông tin về sáng kiến làm sống lại Hiệp định Paris. Tôi không nắm rõ được tình hình nên không muốn khẳng định rằng hiện đã có kế hoạch nào để thực hiện hay không ? Nhưng, với tư cách là một người đã từng tham dự hòa đàm Paris, với kinh nghiệm chuyên môn về luật quốc tế , với kinh nghiệm bản thân từng chứng kiến mọi biến cố lịch sử trọng đại từ 1945 đến nay, tôi có thể nói ý nghĩ thầm kín của của tôi là Hiệp định Paris tuy nói là chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam nhưng dường như chỉ là một « cái xác không hồn », văn tự thì đề cao nhân nghĩa nhưng cách ứng xử của một trong những thành phần tham gia thì chỉ là một loạt tội ác…
Do vậy, đặt lại vấn đề làm sống lại Hiệp định Paris thì cũng không thể giải quyết gì được chuyện tương lai đất nước. Chi bằng cả nước dồn nỗ lực làm sống lại lý tưởng đoàn kết dân tộc, xây dựng dân chủ tự do, mang lại nhân phẩm cho mỗi con người Việt Nam mà Hiệp định Paris đã xưng tụng, thiết kế thực hiện nhưng hiệp định này đã bị dìm chết. Quốc tế và Cộng sản Hà Nội đã làm lỡ dịp may này.”
Sau đây là toàn bộ bài phỏng vấn mới phổ biến trên mạng của RFI.
oo0oo
40 Năm Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973: Dịp May Bị Bỏ Qua
Tú Anh
Radio France Internternational
24-1-2013
Ngày 27/01/2013 tới đây ghi dấu 40 năm Hiệp định Hòa bình Paris 1973. Hiệp định này được Hà Nội xem là “móc son chiến lược” dẫn đến cuộc tổng tấn công và chiến thắng quân sự vào tháng 04/1975. Mỹ ngưng can thiệp tại Đông nam Á, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ nhưng giờ đây nhiều ý kiến trong và ngoài nước lo ngại hệ quả Hiệp định Paris tác động đến sinh mệnh của Việt Nam trước gọng kềm quân sự và chính trị của Bắc Kinh.
“Hiêp Định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết vào ngày 27/01/1973. Sau bốn năm đàm phán lúc đầu công khai giữa bốn bên Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, về sau là mật đàm giữa hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ.
Hiệp định này giúp cho Hoa Kỳ ngưng tham chiến tại Việt Nam, thu hồi tù binh. Hà Nội được duy trì các sư đoàn xâm nhập vào miền nam. Sài gòn và Chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam được kêu gọi hòa giải dân tộc, tổ chức bầu cử, chấm dứt xung đột võ trang.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon hứa sẽ viện trợ cho hai miền nam bắc 7 tỷ đô la để tái thiết nếu hòa ước được tôn trọng. Hai nhà mật đàm Henry Kisinger và Lê Đức Thọ được Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy trao giải thưởng 1973, nhưng ông Lê Đức Thọ từ chối.
Ngày 6 tháng 01 năm 1975, tỉnh Phước Long bị đánh chiếm nhưng Hoa Kỳ không phản ứng mà còn cắt viện trợ cho Sài Gòn. Vài hôm sau, Hà Nội tung chiến dịch « Hồ Chí Minh » đưa đến chiến thắng 30/04/1975.
40 năm sau, báo chí tại Việt Nam có dịp đưa lại những lập luận khẳng định Hòa ước Paris chỉ là « móc chiến lược » để tìm chiến thắng quân sự thay vì củng cố hòa bình tái thiết đất nước. Trả lời phỏng vấn của tờ Courrier du Vietnam, Đại sứ Việt nam bên cạnh Unesco, ông Dương Văn Quảng nhận định « Hiệp định Paris tạo điều kiện cần thiết về quân sự, chính trị và ngoại giao để tổng tấn công năm 1975 ».
Báo mạng ViêtNamNet mượn lời phân tích trên bán nguyệt san Mỹ Counter Punch chỉ trích tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu « sai lầm không nỗ lực làm cho Hiệp định có hiệu lực, chia quyền …với người Cộng sản dân tộc chủ nghĩa » nên phải lưu vong vào mùa xuân 1975.
Tuy nhiên ,các tài liệu của Mỹ được giải mật cho thấy Sài gòn bị đồng minh Hoa Kỳ « bức tử ». Bốn mươi năm nhìn lại, nhiều blogger người Việt như Hoàng Thanh Trúc trên blog « Dân làm báo » và Nguyễn Quốc Khải trên « Đàn chim Việt » đưa ra hai nhận xét : một là Hiệp định Paris đã đưa Việt Nam vào chế độ độc tài, sau khi chiến thắng đảng Cộng sản Việt Nam đã không thực thi dân chủ theo nguyện vọng của dân. Thứ hai, kẻ chủ động và chiến thắng không phải là Hà Nội mà có lẽ là Bắc Kinh.
Được RFI đặt câu hỏi, Luật sư Trần Thanh Hiệp, một trong những thành viên phái đoàn VNCH tham gia hoà đàm tại Paris, hiện đang sống tại Pháp, chia sẻ một số ý kiến của ông, trong phần phỏng vấn sau đây.
Luật sư Trần Thanh Hiệp :
« Tôi chỉ là luật sư hành nghề tự do tại Sài Gòn không thuộc thành phần của chính phủ cũng như ngoại giao đoàn… tôi tham gia hòa đàm cũng như một số đồng nghiệp như nữ luật sư Nguyễn Thị Vui, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy hoặc tại Paris như luật sư Nguyễn Đắc Khê…. Đều không phải là người của chính quyền. Chúng tôi được mời tham gia phái đoàn đàm phán vì được tín nhiệm là luật gia.
Về những mục tiêu của Hiệp định Paris 1973 :
Luật sư Trần Thanh Hiệp : « Đối với tôi, hiệp định chỉ có hai (loại) mục tiêu : một là những mục tiêu được công bố trước dư luận và hai là những mục tiêu thầm kín, dư luận không biết.. Đối với Hoa Thịnh Đốn, Hà Nội và Sài Gòn thì mục tiêu của Hiệp định Paris là tái lập hòa bình ở Việt Nam. Từ mục tiêu chúng có tính cách lý tưởng , mỗi phía đều theo đuổi mục tiêu riêng và cụ thể như Mỹ thì muốn an toàn rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Hà Nội trái lại, chỉ tìm cách giữ lại tại miền Nam những lực lượng quân sự đã xâm nhập. Riêng Việt Nam Cộng Hòa đã phải co cụm lại vì cần phải tự vệ trước ý đồ đánh chiếm của Hà Nội nên trọng tâm của Việt Nam Cộng Hòa không phải là lập lại hòa bình mà vẫn phải là củng cố khả năng tự vệ bằng quân lực và chính trị …. Tôi hy vọng lịch sử sẽ soi sáng những vùng tối trong tương lai…
Hiệp định Paris là liều « thuốc hiện hình » đã cho thấy ai là kẻ hiếu chiến… người Cộng sản hãnh diện họ là người lính tiền phong của xã hội chủ nghĩa đứng trên tuyến đầu chống tư bản chủ nghĩa….
Sáng kiến vận động phục hồi Hiệp định Paris 1973 của « Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH » :
Luật sư Trần Thanh Hiệp : « Tôi có nghe thấy và đọc một số thông tin về sáng kiến làm sống lại Hiệp định Paris. Tôi không nắm rõ được tình hình nên không muốn khẳng định rằng hiện đã có kế hoạch nào để thực hiện hay không ? Nhưng, với tư cách là một người đã từng tham dự hòa đàm Paris, với kinh nghiệm chuyên môn về luật quốc tế , với kinh nghiệm bản thân từng chứng kiến mọi biến cố lịch sử trọng đại từ 1945 đến nay, tôi có thể nói ý nghĩ thầm kín của của tôi là Hiệp định Paris tuy nói là chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam nhưng dường như chỉ là một « cái xác không hồn », văn tự thì đề cao nhân nghĩa nhưng cách ứng xử của một trong những thành phần tham gia thì chỉ là một loạt tội ác…
Do vậy, đặt lại vấn đề làm sống lại Hiệp định Paris thì cũng không thể giải quyết gì được chuyện tương lai đất nước. Chi bằng cả nước dồn nỗ lực làm sống lại lý tưởng đoàn kết dân tộc, xây dựng dân chủ tự do, mang lại nhân phẩm cho mỗi con người Việt Nam mà Hiệp định Paris đã xưng tụng, thiết kế thực hiện nhưng hiệp định này đã bị dìm chết. Quốc tế và Cộng sản Hà Nội đã làm lỡ dịp may này ».