Chắc hẳn nhiều người Việt đã nghe đến cái tên Hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush của Hải quân Hoa Kỳ, tuy nhiên có lẽ còn khá ít người biết rằng trong số những người tham gia dự án đóng con tàu này có một phụ nữ gốc Việt. Người phụ nữ đó là bà Giao Phan, hiện là Phó Giám đốc cơ quan quản trị các chương trình tiếp thu quân dụng của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Trong câu chuyện phụ nữ kỳ này, bà Giao Phan sẽ chia sẻ với quí vị những điều mọi người ít biết đến về Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ.
Hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush là 1 trong 10 siêu Hàng không Mẫu hạm, chủng loại Nimitz class, của Hải quân Hoa Kỳ [Hình: United States Navy]
Bà Giao nói rằng bà cảm thấy may mắn vì được giao nhiệm vụ quan trọng như vậy và hơn nữa việc tham gia dự án xây dựng mẫu hạm này còn có một ý nghĩa quan trọng hơn.
“Lúc 30 tháng 4, Ba tôi với người Bác bay trên một máy bay trực thăng với ông phi công, chiếc máy bay đã cũ và không có đủ xăng. Lúc mà họ sợ máy bay bị rớt vì hết xăng cũng là lúc họ nhìn thấy một tàu của Hải quân Hoa Kỳ ở ngoài khơi, chính lúc đó họ đã cảm thấy dấu hiệu của sự sống và tự do. Bởi vậy, lúc nghe tôi nhận chức này, cả ba tôi và tôi đều sung sướng vì coi như đã trả được món nợ cho Hoa Kỳ, mà không có gì trả nợ cho xứng bằng là được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất. Chiến hạm này còn là biểu tượng cho quyền tối cao của hải quân Hoa Kỳ, cho nên tôi rất thích.”
Bà Giao Phan và gia đình sang Mỹ định cư sau khi cuộc chiến tranh kết thúc lúc bà mới 15 tuổi. Bà còn nhớ đó là giai đoạn khó khăn nhất của gia đình mình. Bà kể rằng từ một gia đình thượng lưu ở Việt Nam, nhưng khi qua Mỹ gia đình bà đã phải sống nhờ vào các khoản tiền trợ cấp của chính phủ Hoa Kỳ, từ trợ cấp y tế cho tới quần áo, trong một thời gian dài, vì công việc duy nhất mà Ba của bà tìm được là công việc lao công trong khách sạn.
Bà nói rằng nếu không có sự giúp đỡ đó của chính phủ Mỹ thì chị em bà đã không có được sự thành công như ngày hôm nay. Chính vì luôn mang ơn sự cưu mang của nước Mỹ nên bà đã gia nhập Hải quân Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư công chánh tại Đại học Công nghệ Virginia (Virginia Polytechnic Institute) vào năm 1984 với mong muốn làm một điều gì đó để trả nợ cho quê hương thứ hai của mình. Bà Giao đã làm việc cho Hải quân Hoa Kỳ trong suốt hơn 20 năm sau đó.
Vào ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, bà cũng là người đã có mặt tại Ngũ Giác Đài, một trong những địa điểm bị tấn công. Sự kiện đó đã làm bà bắt đầu chú ý và ngưỡng mộ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ vì những hoạt động đối phó với các hoạt động khủng bố của họ, rồi sau đó là các hoạt động đối phó với trận bão Katrina. Bà đã tự hỏi không biết mình có thể làm gì để đóng góp vào những công việc quan trọng như vậy.
Bà Giao nói không có gì trả nợ Hoa Kỳ cho xứng bằng việc được tham dự vào dự án xây dựng một hàng không mẫu hạm tối tân nhất.
Hiện tại, trên cương vị phó giám đốc, bà quản lý và giám sát dự án tiếp thu quân dụng trị giá 27 tỷ đôla, trong đó gồm việc duy trì và hiện đại hóa các loại máy bay, tàu chiến v..v để phục vụ cho nhiều hoạt động trên biển của lực lượng tuần duyên. Bà cũng đứng trong hàng ngũ những nhân viên dân sự cấp cao nhất trong Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, đơn vị quân sự duy nhất trong khuôn khổ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Bà cho biết thêm về các hoạt động hiện tại của chương trình tiếp thu quân dụng mà bà chịu trách nhiệm:
“Lực lượng bảo vệ bờ biển muốn đạt được kết quả mỹ mãn trong các nhiệm vụ cao cả, thì chúng tôi cần được trang bị với các phi cơ, phản lực, trực thăng, tàu bè mới và tối tân, nhưng hiện nay các tàu bè và máy bay này cũ quá. Vì vậy công việc chúng tôi làm là cơ quan quản trị là phải theo dõi các hoạt động từ việc đấu thầu cho tới việc kiểm tra diễn tiến đóng tàu của nhà thầu, rồi sau đó bàn giao cho tàu mới hay máy bay mới. Mới đây chúng tôi cũng vừa hoàn tất hai tuần dương hạm lớn nhất và tối tân nhất chưa từng có trong lực lượng, cùng hàng trăm chiếc tàu nhỏ để thay thế những chiếc tàu cũ, rồi cũng hoàn thành 10 phi cơ và trực thăng để bổ sung vào tổng số máy bay mà hiện nay được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng.”
Bà Giao cho biết mặc dù phải đảm trách rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng lực lượng bảo vệ bờ biển lại được ít người biết tới:
“Tôi nhận thấy so với những binh chủng khác của quân đội Hoa Kỳ thì Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ không được nhiều người biết tới cho lắm, tuy rằng chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực và có rất nhiều trách nhiệm đối với người dân Hoa Kỳ. Nhất là mới đây lực lượng đã được chính phủ Hoa Kỳ giao cho vai trò lãnh đạo tất cả các cơ quan của chính phủ liên bang trong việc đối phó với dầu loang ở vịnh Mexico. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, tức U.S Coast Guard, được thành lập vào năm 1790 và hiện có hơn 40 ngàn nhân viên đang phục vụ khắp mọi nơi trên Hoa Kỳ. Tuy nhiên, rất ít người biết là lực lượng này đã ra đời trước cả hải quân Hoa Kỳ.”
Bà Giao Phan giải thích thêm rằng sở dĩ bà gọi U.S Coast Guard là Lực lượng Bảo vệ Bờ biển thay vì Lực lượng Tuần duyên vì nhiệm vụ của lực lượng này vượt ra ngoài các hoạt động tuần duyên thông thường. Bà nói thêm về tầm quan trọng của lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ:
Không chỉ nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong Hải quân cũng như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ, bà Giao Phan cũng đã nhận được những giải thưởng cao quí nhất mà Hải quân Mỹ trao tặng cho những nhân viên dân sự có thành tích và những đóng góp suất sắc nhất, trong đó gồm có những huân chương như Superior Civilian Service Award vào năm 2006, và Navy Meritorious Civilian Award vào năm 2004.
Bà Giao Phan khiêm tốn nói về những thành tích mà bà đạt được:
“Được vinh danh những giải thưởng này thì thực sự tôi rất mắc cỡ vì bối rối. Ai cũng biết đâu có người nào có thể đạt được thành công một mình đâu. Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên và rất vinh dự nhưng cũng biết là mình đã may mắn được làm việc chung và được học hỏi trong nhiều năm qua lúc phục vụ hải quan và lực lượng bờ biển Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình còn mang nợ nhiều hơn nữa với những giới lãnh đạo cao cấp của mình, cũng như các bạn đồng nghiệp và nhân viên của mình. Những lúc như vậy tôi cảm thấy mình may mắn và được nhiều người trợ giúp quá.”
Bà Giao cho biết có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ gốc Việt có thể tham gia vào lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng như cơ hội để các bạn thăng tiến tại đơn vị này, nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin và quyết tâm cao:
“Tôi tin tưởng rất mạnh vào câu châm ngôn của Việt Nam ‘Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi cách, sông ngăn’. Do đó với lớp trẻ thì tôi có một lời nhắn nhủ các em là điều quan trọng nhất là dù có đi đường nào chăng nữa thì cũng phải đạt được một trình độ đại học, phải học thật tốt vì đó là một nền tảng vững chắc đưa tới sự phát triển sự nghiệp trong tương lai. Cho dù các em có chọn bất cứ ngành nào thì cũng phải có lòng đam mê với công việc và phải linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi.”
Quí vị có thể tìm hiểu thêm về bà Giao Phan cũng như các hoạt động của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tại trang web: www.uscg.mil.
04 tháng 10 2010
Ms. Giao L. Phan
Deputy Director of Acquisition Programs & Program Executive Officer US Coast Guard
Ms. Phan assumed duties as the Coast Guard Deputy Director of Acquisition Programs on Nov. 13, 2007. As Deputy Director, Ms. Phan is responsible for supporting the Coast Guard’s Program Executive Officer (PEO) in overseeing the execution of all Coast Guard major acquisition programs and projects, a $27 billion investment portfolio, which provides for the sustainment, modernization, and recapitalization of surface, air, command and control, and logistics assets for the Coast Guard’s multiple maritime missions. Working closely with the Coast Guard’s Technical Authorities, this includes delivering the Coast Guard’s first National Security Cutter (USCGC Bertholf), and new Response Boat – Medium assets; refurbishing 270’ and 210’ Medium Endurance Cutters and 110’ Island Class Patrol Boats through the Mission Effectiveness Program to extend asset life cycles; delivering new fixed wing Maritime Patrol Aircraft and re-engined rotary wing assets; and enhancing enterprise C4ISR capabilities.
Ms. Phan previously worked as a naval engineering and acquisition professional with the Department of the Navy, managing the development and acquisition of complex weapons systems, and serving as the U.S. Navy’s Deputy Program Manager for In-Service Aircraft Carriers Program. With a budget in excess of $10 billion, she was responsible for new construction, overhauling refueling complexes, and overseeing in-service aircraft carrier life cycle support programs.
Other career highlights include assignment as the Assistant Program Manager for Nimitz Class New Construction, where she directed and oversaw the $6 billion design, construction, test, evaluation, delivery and outfitting of the final Nimitz-class ship, the USS George H. W. Bush; and assignment as the Director for Aircraft Carriers and Amphibious Ships in the Office of Deputy Assistant Secretary of the Navy (Research, Development and Acquisition) for Ships, with execution and oversight of more than $20 billion in major ship programs. Ms. Phan served as the Electronics Systems Manager for the Seawolf Fast Attack Submarine Program, managing all aspects of design, development and ship integration for the Electronic Warfare, Navigation Radar, and Periscope systems.
Ms. Phan began her civil service career with the Navy in 1984. Her awards include the Superior Civilian Service Award (2006), and the Navy Meritorious Civilian Award (2004). She earned her undergraduate degree in Civil Engineering from the Virginia Polytechnic Institute in 1981, and received an MS in Management from the Florida Institute of Technology in 1997.
2 Comments
Đặng thị Bích Thủy
Kính gửi chị Giao L. Phan và ban biên tập diện báo Việt Thức,
Qua một sự tình cờ hay may mắn cá nhân, Tôi đã tìm dến được với tờ điện báo Việt Thức của quý vị. Đây quả là một món ăn tinh thần hiếm quý và hữu ích cho cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Đọc qua bài viết về chị Giao L. Phan, tôi xin chân thành gửi lời cám ơn đến riêng chị Giao L. Phan, cám ơn 2 dấng sinh thành của Chị và cám ơn ban biên tập Việt Thức đã cho tôi thêm một lần được hảnh diện và tự hào làm người dân Việt Nam.
Nay kính,
Thủy
Dạ Hà
Chúng ta có quyền hãnh diện về những gì dân tộc chúng ta, con em chúng ta đang thực hiện, thành đạt về mặt chân thức và phẩm giá con người. Đồng thời phải tiếp tục cảnh giác về những mất mát, sa đọa nhân cách, lầm lẫn xã hội, văn hoá, ý thức hệ mà chúng ta còn vướng víu, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ứng dụng kinh nghiệm máu mủ và giáo dục chân chính sẽ giúp dân tộc chúng ta, con em chúng ta vươn lên. Rất mong.
Trân trọng, Dạ Hà