Tuần trước tôi vừa “nhập viện”. Nói cho cam, chẳng phải tôi xin vào Viện Mồ Côi làm gì vì đã quá già, cũng không phải vào Viện Hán Học xin thầy mấy chữ thánh hiền, vào Viện Thẩm Mỹ để sửa sang lại dung nhan, cũng chẳng phải vào viện Nghiên Cứu Mác- Lê Nin của ông Hoàng Minh Chính để làm quái gì, vậy mà bạn bè, bà con cứ nói một hai là tôi “nhập viện”.
Đơn giản là tôi mới vào nhà thương, hay nói chữ nghĩa là tôi vào nằm bệnh viện, cái gì mà cứ nằng nặc một hai gán ép cho tôi là “nhập viện”, cho danh chính ngôn thuận, nếu gọi nhà thương là viện thì bệnh nhân nằm nhà thương gọi luôn là “viện sĩ” cho được việc. Cũng như trước đây mấy chục năm, bọn Cộng Sản cứ một hai đòi “cải tạo” chúng tôi và đặt cho chúng tôi một danh từ khá kêu là “cải tạo viên”.
Từ trước năm 1975, chúng ta chữ nghĩa có lẽ còn ít ỏi, lại không thích dùng quá nhiều chữ Tàu, nên những chữ chúng ta dùng rất đơn giản, thế mà ngày nay…. Ngày nay, ngay cả những bạn ngày xưa dạy học cùng trường, sau này trong những cuốn đặc san của các cựu học sinh, cũng uốn viết, uốn lưỡi để nói rằng :“… năm 1972, tôi “nhận công tác giảng dạy” tại trường X.” nghe tức anh ách cả bụng. Đi dạy học thì cứ nói là đi dạy học, cần gì phải gọi là nhận công tác giảng dạy.
Ở hải ngoại nhiều bậc thức giả đã lên tiếng về cái điều gọi là loạn chữ nghĩa, mà cách dùng chứng tỏ CSBV lệ thuộc vào văn hóa Tàu Cộng một cách quái đản, khiến người ngoài nước không hiểu nổi khi đọc chữ nghĩa của người trong nước. Những chữ có “mùi Tàu” quen dùng và đã ảnh hưởng không ít đến truyền thông và người Việt ở hải ngoại vẫn thường nhan nhản thấy và nghe hằng trăm, nghìn chữ nghĩa nghe rổn rảng như những miếng sắt va chạm nhau của anh mù đấm bóp của những ngày tháng Saigon năm xưa, như những chữ “chất lượng”, “liên hệ”, “đăng ký”, “xuất khẩu”, “tranh thủ”, “khẩn trương”, “nhất trí, “hồ hởi-phấn khởi”, “bức xúc”, “nghiêm túc”, “quân hàm”, “sự cố”, “tham quan”, “chuyển ngữ”, “quá độ”, “cực kỳ”…“Thể tạng” con người thì trong nước dùng là “cơ địa”, nghe qua bạn có hiểu nổi không? “Triều cường” là gì? “Vĩ mô” là gì ? Nào là “chùm”, nào là “luồng! Phải chăng phải tra cứu loại “tự điển Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” mới hiểu nổi. Các bạn nghĩ thế nào với những danh từ kỹ thuật số (digital), máy quét (scanner), phần mềm (software)…
Trong địa hạt giao thông, vận tải không biết sao những người chuyên về các vấn đề này lại là những người thích dùng chữ mới, nghe rất kêu, cứng ngắc như “bê tông cốt sắt” nhưng rất vô nghĩa và xốp ruột như loại “bê tông cốt tre”, sản phẩm nổi tiếng của XHCN. Bạn nghĩ thế nào với những “cụm từ” (lại nói theo kiểu mới) như “kéo giảm tai nạn”,“ùn tắc giao thông”, “phân luồng xe chạy”, “bố trí lệch ca”để nói về giao thông, vận tải.
-“Trong quá trình bê tông quá độ bị lún, sự cố bất ngờ các khuyết tật nên các đơn vị dược giao nhiệm vụ quản trắc phải báo cáo diễn biến đột xuất của hầm chui, và tôi đề nghị nâng tĩnh không của cầu lên từ 3m lên 3.5m.” (nói về cầu Văn Thánh)
– “Chốt lại vấn đề kích cầu sản xuất, tiếp theo mạch phân công nhiệm vụ phải tùy vào sự giải trình cũng như thái độ cầu thị của Bộ Trưởng”.
-“Phạm trù quản lý đô thị hiện nay có rất nhiều bất cập, mảng đô thị của chúng ta nói rất mờ nhạt.”
-“Phạm trù chuyên chở đại chúng chưa được phủ kín đến vùng dân cư đông đúc mà còn tồn tại nhiều lỗ hổng.” (phát biểu của Bộ Trưởng Giao Thông)
-“PMU 18 là sai phạm nghiêm trọng, bộc lộ yếu kém ở cấp vĩ mô, xin ông cho phóng viên nắm bắt giải trình cụ thể.” (câu hỏi của phóng viên nhà báo).
– “Vốn kiên cố hóa trường học giải ngân quá chậm.” (Ông Bộ Trưởng Giáo Dục nói về ngân sách giáo dục).
Những chữ nghĩa loại này nhan nhản trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước (Việt Nam Cộng Sản). Chưa gặp được ông Thủ Tướng để phỏng vấn vì ông quá bận, thì ký giả báo đảng viết rằng:“Thủ Tướng có nhiều cuộc họp bất thường, chưa tìm được thời gian thích hợp để phỏng vấn, nên đành tranh thủ những khe hẹp trong lịch trình đông đặc của Thủ tướng để xen vào.”Không biết đối với một vị nữ thủ tướng thì nhà báo có dùng nguyên văn như vậy không? Nói chúng đây là những danh từ rất lạ mà nhà báo trong nước hay các viên chức viết, báo cáo diễn văn, không viết nổi một câu văn bình thường dễ nghe, mà vì mặc cảm đã cố tạo ra những danh từ rất kêu, nhưng xem chừng vô nghĩa và rất dung tục. Hồi chúng ta còn ngồi ở ghế nhà trường mà viết những loại chữ nghĩa như thế trong bài luận văn thì chắc chắn bị thầy, cô “sổ toẹt”.
Trong ngôn ngữ, có một số tiếng do nhân gian dùng lâu thành quen, nên cũng có một số không đúng với nguyên nghiã của nó, tuy nhiên xã hội chủ nghĩa hiện nay đang có khuynh hướng cố tạo ra những danh từ kêu to, lạ lùng và không kém kỳ quái và thô lậu. Vì sao phải dùng “tình trạng của tôi rất căng, nếu nói ra không biết cô có nắm bắt được không?”hay “tranh thủ những khe hẹp trong chương trình dày đặc…của Thủ Tướng!”
Nhà văn Đặng Trần Huân lúc sinh thời đã có viết một bài báo nhan đề là “Nghĩ thương cho chữ nghĩa” cũng trong tấm lòng xót xa của những người trí thức nghĩ về tình trạng bất hạnh của ngôn ngữ đang bị biến dạng, dày vò một cách thô bạo trong bàn tay của những kẻ thiếu văn hóa.
Ba mươi ba năm nay, do tình thế của đất nước, ba triệu người Việt phải sống cuộc đời tỵ nạn ngoài quê hương của mình, sự khác biệt trong và ngoài nước càng ngày càng thấy rõ, từ văn hóa, phong tục, cho đến ngôn ngữ, khiến chúng ta không chỉ cảm thấy xa cách về địa lý mà còn ngay khi ở ngay trên quê hương, vẫn cảm thấy mình lạc lõng, xa lạ. Chúng ta có thể nhìn cách lối diễn tả, cử chỉ, ngôn từ, để biết người ấy ở đâu, chịu chi phối bởi thứ văn hóa nào.
Chỉ mong sao hải ngoại đừng “bê” nguyên con một bản tin của Hà Nội với những chữ nghĩa rối bời để ném vào mặt độc giả, hay viết lách , ăn nói bằng những loại chữ nghĩa mới mẻ, nghe rổn rảng nhưng thực sự kệch cỡm, vô nghĩa.
Nói xa nói gần, để kết thúc sự rối rắm này, tôi cũng xin loan báo với bạn bè, là tôi vừa “xuất viện”, vì ở đầu bài tôi bị “nhập viện”, may mắn không phải nhập nhà vĩnh biệt hay lò thiêu, thì đến lúc được “xuất viện”. Đây chắc chắn không phải ám chỉ tôi vừa tốt nghiệp Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, hay tốt nghiệp Viện Mác–Lê mà đơn giản là tôi vừa ra khỏi nhà thương. Vậy mà đi đâu bạn bè cũng chúc mừng tôi vừa “xuất viện”. Trong muôn nghìn thứ “viện” trên đời này sao chữ nghĩa Cộng Sản cứ bắt “viện” phải là cái “nhà thương”, mà chúng ta lại phải cứ dùng một cách lười biếng vô ý thức, cóp nhặt mà không hề suy nghĩ. Không lẽ bây giờ lại phải thua thêm một keo vì những thứ văn hóa, chữ nghĩa như thế sao?
Huy Phương
One Comment
ChânPhương
Trước hết, xin được kính chúc sức khỏe tác giả Huy Phương mau chóng bình phục hoàn toàn và viết được thêm nhiều bài báo xuất sắc như bài phân tích dí dỏm này.
Thứ đến xin được gọi tác giả là Chú Huy Phương, chiếu theo tuổi tác áng chừng khi biết chú đã đứng trên bục giảng năm 1972 khi bản thân cháu cũng vừa bước chân vào trung học tại Saigon.
Sau cùng, xin được cảm ơn về “câu chuyện phiếm” rất hay với những nhận xét tinh tế, vô cùng chính xác cùng với lập luận rất chặt chẽ và hợp lý. Đây là một trong những bài báo hiếm thấy có được sự phân tích sâu sắc đi vào bản chất của vấn nạn chữ nghĩa của chúng ta hiện nay.
Dường như, toàn bộ “câu chuyện phiếm” đã nói lên những suy nghĩ lâu nay vẫn anh ách trong lòng kẻ hậu thế. Nhất là câu nói như đang rút từng đoạn ruột dưới đây của tác giả:
“Chỉ mong sao hải ngoại đừng “bê” nguyên con một bản tin của Hà Nội với những chữ nghĩa rối bời để ném vào mặt độc giả, hay viết lách , ăn nói bằng những loại chữ nghĩa mới mẻ, nghe rổn rảng nhưng thực sự kệch cỡm, vô nghĩa.”
Thật vậy, nếu truyền thông hải ngoại vẫn còn thờ ơ và thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ sự trong sáng và kho tàng phong phú của Quốc ngữ do Ông Cha để lại; chỉ một thế hệ nữa thôi, tiếng Việt sẽ không còn giữ được vai trò trong việc giao tiếp hằng ngày giữa người Việt với nhau nữa. Vì giữa người nói và người nghe, giữa người viết và người đọc sẽ không thể hiểu được nhau do khác biệt không chỉ là ngữ vựng được dùng đến. Mà, mỗi từ vựng được đưa ra trong đối thoại cũng được (hay bị?) hiểu một cách hoàn toàn khác nhau!
Khi đó, có lẽ để hiểu nhau một cách chính xác không nhầm lẫn; phải chăng người Việt cần dùng một thứ ngoại ngữ khác không phải là tiếng “Mẹ Đẻ” của mình? Sẽ là một tương lai đáng buồn lắm thay…
Rất mong, sau công việc hằng ngày ở sở, ở nhà; cháu xin được phần nào góp sức vào bài viết vô cùng giá trị này của chú Huy Phương.
Kính,
Chân Phương.