Tự do cá nhân là một nguyên tắc rất quan trọng trong nền Dân Chủ của Hoa Kỳ. Tự do cá nhân được Tu Chính Án Thứ Nhất thuộc Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ, bao gồm các tự do về tôn giáo, ngôn luận, báo chí và hội họp. Vị Chánh Án Robert H. Jackson, trong vụ án Bộ Giáo Dục Tiểu Bang West Virginia v. Barnette, đã nói: Nếu có các vì sao trong chùm sao Hiến Pháp, đó là không một viên chức nào, dù lớn hay nhỏ, có quyền ra lệnh một thứ gì là chính thống (orthodox) về chính trị, quốc gia, tôn giáo hay ý kiến. Thế nhưng trong thực tế, thường có các câu hỏi thế nào là tự do. Tự do ngôn luận có cho phép người dân muốn nói gì thì nói hay không? Tự do tôn giáo có phải là người dân không cần tôn trọng luật pháp vì các niềm tin tôn giáo?
Một chính quyền dân chủ phải đối đầu với việc cân bằng giữa các tự do của người dân và các thẩm quyền của chính quyền, và chính quyền phải bảo vệ người dân có quyền suy nghĩ và nói ra theo niềm tin của họ.
1. Tự Do Tôn Giáo
Tự do tôn giáo được coi là quan trọng kể từ thời thuộc địa Bắc Mỹ. Các người dân thuộc địa Tân Anh Cát Lợi đã bỏ nước Anh, vượt qua Đại Tây Dương để tránh các đàn áp tôn giáo vào đầu thế kỷ 17. Thế nhưng trong khi các người định cư ban đầu đã tránh khỏi những điều bắt buộc của Nhà Thờ Anh Cát Lợi, thì chính họ lại không dung thứ các niềm tin khác lạ của những người không giống họ. Mỗi xứ thuộc địa trên miền Bắc Mỹ đã có các nhà thờ chính thức và chỉ có các hội viên của nhà thờ mới có quyền đi bầu. Đã có các người khác tôn giáo không được niềm nở đón tiếp tại một số tiểu bang. Các miền đất Rhode Island, Maryland và Pennsylvania là nơi phát triển của các tôn giáo như Công Giáo La Mã, Tin Lành, Do Thái, Quakers… Ít tôn giáo có lòng dung thứ.
Tinh thần dung thứ (toleration) đã phát triển dần dần trong thế kỷ 19 nhưng vào thời lập quốc của Hoa Kỳ, Tiểu Bang Virginia đã viết ra Bản Tuyên Ngôn Các Quyền Lợi (a Declaration of Rights) trong đó bao gồm sự tự do tôn giáo. Thời đó đã có các tranh luận giữa các nhà lãnh đạo của xứ Virginia, với các ông George Washington và Patrick Henry theo chủ trương cần phải có một thứ thuế yểm trợ cho nhà thờ Thiên Chúa của tiểu bang, trong khi các ông Thomas Jefferson và James Madison lại tin tưởng rằng chính quyền không được liên hệ tới các vấn đề tôn giáo. Từ tư tưởng này, cơ quan lập pháp tiểu bang Virginia đã thông qua một đạo luật năm 1786 có tên là Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo (the Statute of Religious Liberty) qua đó cấm đoán các ảnh hưởng của chính quyền tác dụng vào các niềm tin cá nhân. Đây là một vết son trong Lịch Sử Tự Do và ông Thomas Jefferson coi văn bản kể trên là đóng góp thứ hai của ông vào nền chính trị của Hoa Kỳ.
Nguyên tắc về cách dung thứ của các tôn giáo từ tiểu bang Virginia đã lan qua các tiểu bang khác và đã ảnh hưởng tới các nhà lập quốc Hoa Kỳ khi họ viết ra Bản Hiến Pháp và cũng vì thế, Hiến Pháp Hoa Kỳ đã gồm câu văn: không một trắc nghiệm nào bị đòi hỏi trong việc hợp lệ vào một văn phòng hay một chức vụ công tại Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là không một chức vụ nào của chính quyền Hoa Kỳ được dành cho các hội viên của một tôn giáo đặc biệt. Tuy nhiên, cách giới hạn này vẫn khiến cho nhiều người Mỹ vào thời thuộc địa e ngại rằng chính quyền mới sẽ thiết lập nên một loại nhà thờ chính thức của quốc gia để rồi giới hạn các tự do tôn giáo. Cho nên vào năm 1791, khi Bản Dân Quyền (the Bill of Rights) được thêm vào Hiến Pháp Hoa Kỳ, thì Tu Chính Án Thứ Nhất đã được bắt đầu bằng câu văn: Quốc Hội không được làm luật cho phép thiết lập một tôn giáo hay cấm đoán việc thực hành tự do về niềm tin. Như vậy trong Tu Chính Án Thứ Nhất (the First Amendment) có hai điều khoản: điều khoản căn bản (the establishment clause) và điều khoản thực hành tự do (the free exercise clause).
2. Điều khoản căn bản
Tu Chính Án Thứ Nhất đã cấm đoán chính quyền Hoa Kỳ không được làm ra luật lệ nào để thiết lập nên một tôn giáo chính thức. Vai trò của chính quyền đối với tôn giáo đã được Tòa Án Tối Cao theo dõi và trong vụ án Everson kiện Bộ Giáo Dục (Everson v. Board of Education), vị thẩm phán Hugo Black đã nói về định nghĩa của Điều Khoản Căn Bản vào năm 1947, như sau: không một chính quyền tiểu bang hay liên bang có quyền thiết lập ra một thứ nhà thờ (church). Không chính quyền nào có quyền thông qua các luật lệ giúp đỡ một tôn giáo, các tôn giáo, hay yểm trợ một tôn giáo này hơn tôn giáo kia. Không chính quyền nào có thể bắt buộc một cá nhân phải đi nhà thờ hay xa lánh một nhà thờ ngoài ý muốn của người đó, hay bắt buộc người đó phải tin tưởng hay không tin tưởng vào một tôn giáo nào. Ngoài ra, vị thẩm phán Black còn nói rõ rằng chính quyền không được tham gia vào công việc của các nhóm tôn giáo hay đánh thuế để yểm trợ tôn giáo. Dẫn chứng bằng lời nói của ông Thomas Jefferson, thẩm phán Black đã minh xác rằng mục đích của điều khoản căn bản là tạo ra một bức tường phân cách Nhà Thờ và Quốc Gia (a wall of separation between church and state).
Măc dù theo nguyên tắc đã có một bức tường phân cách nhà thờ và quốc gia, ngăn chia tôn giáo và chính quyền nhưng trên thực tế, trong đời sống và văn hóa Hoa Kỳ, vẫn còn ảnh hưởng của niềm tin và các giá trị cổ truyền của loại truyền thống Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo (Judeo-Christian tradition). Kể từ năm 1865, trên các đồng tiền của Hoa Kỳ có khắc hàng chữ Chúng tôi tin tưởng vào Thượng Đế (In God We Trust) và trong câu tuyên thệ trung thành (the Pledge of Allegiance) vẫn có câu một quốc gia, tin vào Thượng Đế (one nation, under God). Vào đầu các buổi họp của Quốc Hội và các viện tiểu bang, vẫn có phần cầu nguyện do vị mục sư hay tuyên úy điều khiển. Tòa Án Tối Cao khi bắt đầu một buổi họp, đã dùng câu Cầu xin Thượng Đế giúp đỡ Hoa Kỳ và Tòa Án Danh Dự này. Và kể từ năm 1952, mỗi Tổng Thống đều ban hành một ngày cầu nguyện (a National Day of Prayer).
Các thực hành nghi lễ mang tính tôn giáo kể trên có vi phạm vào điều khoản căn bản không? Câu hỏi này đã được đề cập tại Tòa Án Tối Cao vào năm 1983 trong vụ án Marsh v. Chambers, hay vụ kiện cơ quan lập pháp tiểu bang Nebraska có quyền hợp pháp dùng tuyên úy (chaplain) hay không. Tòa Tối Cao cho rằng tập quán bắt đầu một buổi họp bằng lời cầu nguyện đã trở nên một phần của cơ cấu của xã hội chúng ta (a part of the fabric of our society) và vị Chánh Án Tòa Tối Cao là ông Warren Burger đã nói rằng việc thực hành cầu nguyện kể trên chỉ là cách công nhận các niềm tin của nhiều người trong quốc gia này.
Trong vụ án Cantwell v. Connecticut, Tòa Án Tối Cao quy định rằng các chính quyền tiểu bang không được xâm phạm hay cấm cản các biểu lộ niềm tin tôn giáo nào không gây ra nguy hiểm cho xã hội. Tòa Tối Cao như vậy đã ủng hộ sự tự do hoàn toàn về niềm tin và coi tôn giáo là các niềm tin hay triết lý sống. Tòa Tối Cao cũng không quyết định tôn giáo nào đáng được sự bảo vệ của Tu Chính Án Thứ Nhất và như vậy, luật lệ nào đặt một tôn giáo ra ngoài vòng pháp luật, đều bị coi là vi hiến, dù cho tôn giáo đó có suy tôn Quỷ Sa Tăng hay nhà độc tài Adolph Hitler, nhưng đồng thời, các tội ác (crimes) không thể lấy lý do tôn giáo để biện hộ.
Đối với Lời Thề Trung Thành, Tòa Tối Cao năm 1943 cũng bác bỏ các luật lệ tiểu bang đòi hỏi người công dân phải đọc lời thề kể trên và vào năm 1961, trong vụ án Torcaso v. Watkins, Tòa Tối Cao phủ nhận đạo luật của tiểu bang Maryland bắt buộc các nhân viên của tiểu bang này phải tuyên thệ niềm tin nơi Thượng Đế. Về việc kiện chính quyền yểm trợ tôn giáo, đã xẩy ra tại Pawtucket thuộc tiểu bang Rhode Island. Trong 40 năm, các nhân viên của thị xã Pawtucket đã dựng nên cảnh trí Chúa Giáng Sinh với cây thông và ông già Santa Claus ngồi trên xe do các con hươu kéo, tại khu thương mại trung tâm thị xã. Một số cư dân của địa phương này đã kiện chính quyền yểm trợ tôn giáo. Tòa Án Tối Cao sau đó đã phán quyết rằng việc trưng bày cảnh trí Giáng Sinh đã không làm lợi trực tiếp cho một tôn giáo nào và ông già Santa Claus và các con hươu không là các biểu tượng tôn giáo (symbols), cho nên cảnh trí kể trên chỉ là kỷ niệm của một ngày lễ quốc gia.
Một vấn đề khác là chính quyền Hoa Kỳ từ cấp liên bang xuống địa phương đã miễn thuế cho các nhà thờ, họ đã không đánh thuế vào các tài sản do nhà thờ dùng vào mục đích tôn giáo trong khi đó các tài sản của nhà thờ dùng vào các hoạt động thương mại hay sinh lời vẫn bị đánh thuế. Chính sách này được căn cứ vào niềm tin theo đó, đánh thuế vào nhà thờ là đe dọa các tự do tôn giáo vì theo vị chánh án John Marshall quyền lực về đánh thuế liên quan tới quyền lực về phá hủy (the power to tax involves the power to destroy). Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng do miễn thuế, chính quyền đã nâng dỡ tôn giáo.
Năm 1970 trong vụ án Frederick Walz kiện Sở Thuế của thành phố New York, ông Walz đã cho rằng đạo luật miễn các thuế tài sản địa phương (local property taxes) dành cho nhà thờ không những đã làm gia tăng thuế tài sản của các người dân như ông ta, mà còn cho thấy sự yểm trợ công dành cho tôn giáo. Tòa Tối Cao sau đó đã tuyên phán rằng việc miễn thuế như vậy không có chủ đích yểm trợ tôn giáo mà chỉ cho thấy chính sách trung lập từ thiện của chính quyền (benevolent neutrality) và như vậy, các việc miễn thuế không vi phạm điều khoản căn bản của Tu Chính Án Thứ Nhất.
Việc miễn thuế cho các tài sản tôn giáo địa phương cũng đã làm gia tăng phần đóng thuế của các cộng đồng nhỏ, thí dụ như vụ thuế tài sản của cộng đồng Hardenburg, trong miền núi Catskill thuộc tiểu bang New York. Do là nơi an lành của các tổ chức tôn giáo và các tổ chức từ thiện bất vụ lợi, hàng ngàn mẫu đất đã không phải nộp thuế, ngoài ra nhà thờ Các Nhân Chứng của Jehovah (Jehovah’s Witnesses) đang sở hữu 8,000 acres (1 acre = 4,047 mét vuông), nhóm Phật Giáo Thiền Tông (Zen Buddhists) mua được 1,000 acres và nhóm các nhà sư Tây Tạng Dungkar Gompar cũng có 780 acres đất. Việc miễn đóng thuế sở hữu (property tax) tại thị trấn Hardenburg đã làm cho thuế của người dân địa phương tăng lên gấp ba lần trong các năm từ 1971 tới 1976. Do giận dữ vì tăng thuế, 213 cư dân của Hardenburg trong tổng số 236 người đã trở thành tu sĩ đã thọ giới (ordained ministers) của Nhà Thờ Đời Sống Toàn Cầu (the Universal Life Church), một tổ chức tôn giáo qua thư từ (mail-order religious organization). Lập luận là các tu sĩ, những người dân này tuyên bố rằng đất nhà, đất vườn, đất ruộng của họ là tài sản của nhà thờ và vì vậy được miễn thuế. Tiểu bang New York vì thế đã kiện họ ra tòa và Tòa Án đã phán xét rằng các cư dân của Hardenburg đã quan tâm nhiều về cách trốn thuế hơn là thực hành tôn giáo, rồi vào năm 1984, cơ quan thuế vụ IRS cũng tuyên bố rằng Nhà Thờ Đời Sống Toàn Cầu không được công nhận là một tổ chức tôn giáo nếu xét về phạm vi thuế vụ.
3. Tôn giáo và trường học
Phần lớn các tranh luận về điều khoản căn bản liên quan tới vấn đề tôn giáo và trường học, công cũng như tư. Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn như chính quyền có thể dùng tiền thuế để giúp đỡ các trường tư tôn giáo không? Các khóa học tôn giáo, việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh có được cho phép tại các trường học do tiểu bang yểm trợ không? Bức tường ngăn cách nhà thờ và trường học được đặt tại chỗ nào?
a) Việc trợ giúp của chính quyền dành cho các trường tôn giáo
Theo một đạo luật của New Jersey, tiểu bang hoàn lại tiền xe buýt cho học sinh các trường tôn giáo. Các người chịu thuế đã phản đối sự việc kể trên vào năm 1947, cho rằng chính quyền đã giúp đỡ tôn giáo nhưng Tòa Tối Cao đã ủng hộ đạo luật tiểu bang. Tòa lý luận rằng mục đích chính của đạo luật là bảo đảm sự an toàn của các trẻ em, hơn là trợ giúp tôn giáo. Cách lý luận này được ghi nhận là lý thuyết vì lợi ích của trẻ em (child benefit theory). Về sau, vào năm 1971 trong vụ án Lemon v. Kurtzman, Tòa Tối Cao đã đặt ra các tiêu chuẩn căn cứ vào đó, chính quyền có thể giúp đỡ các trường học thuộc hệ thống tôn giáo mà không vi phạm điều khoản căn bản. Sự giúp đỡ này phải không làm lợi mà cũng không làm hại tôn giáo và chính quyền phải tránh quá vướng mắc vào tôn giáo. Tòa Tối Cao cũng không cho phép các tiểu bang trả lương cho các thầy cô giáo của các trường học thuộc tôn giáo vì như vậy là quá vướng mắc.
Từ các tiêu chuẩn đặt ra, tiền thuế có thể được dùng tại các trường tôn giáo để giúp trẻ em có bữa ăn trưa miễn phí, giúp về dịch vụ y tế và các sách giáo khoa (không phải là các sách dạy giáo lý). Mặt khác, các trường công lập không được phép cho các trường thuộc hệ thống tôn giáo mượn các trợ huấn cụ như máy hát, máy chiếu hình, bản đồ…vì những dụng cụ này có thể được dùng để giảng dạy tôn giáo.
b) Việc giảng dạy tôn giáo trong các trường công lập
Trong rất nhiều năm và tại nhiều nơi, đã có các chương trình giảng dạy tôn giáo tại các trường công lập. Trong một ngày đi học, các học sinh ngoài các giờ học chính thức, còn được giảng dạy về tôn giáo theo các đạo Tin Lành, Công Giáo La Mã hay Do Thái Giáo. Sự việc này đã được nêu lên vào cuối thập niên 1940 tại Champaign, tiểu bang Illinois. Trong vụ án McCollum kiện Bộ Giáo Dục (1948), Tòa Tối Cao đã tuyên phán rằng việc giảng dạy tôn giáo trên phần đất của trường công lập là vi phạm điều căn bản (the establishment clause). Vị quan tòa Black đã tuyên bố rằng chương trình giáo dục như vậy chắc chắn là đã dùng hệ thống giáo dục công lập có thuế yểm trợ để giúp đỡ các nhóm tôn giáo phổ biến niềm tin của họ. Quyết định về vụ án McCollum đã gây chấn động tới nhiều cộng đồng có các chương trình tương tự. Năm 1952 trong vụ án Zorach v. Clauson, tòa án đã phán quyết rằng chương trình học tôn giáo tại tiểu bang New York được thực hiện bên ngoài phần đất của trường công lập vì vậy không liên hệ tới lớp học công hay việc dùng công quỹ. Trong các năm về sau, Tòa Án đã dành vài ngoại lệ cho các hoạt động tôn giáo trên phần đất của các trường công lập và năm 1984, Quốc Hội đã thông qua một đạo luật cho phép các nhóm tôn giáo được quyền hội họp tại trường tiểu học và trung học vào ngoài giờ đi học.
Một vấn đề quan trọng khác là việc cầu nguyện trong học đường. Trong nhiều thập niên, trẻ em tại các trường công lập của Hoa Kỳ thường bắt đầu một ngày học hành bằng lời cầu nguyện. Tại tiểu bang New York, Hội Đồng Giáo Dục (the Board of Regents) đã viết sẵn lời cầu xin cho học sinh như sau: Thượng Đế là Đấng Toàn Năng, chúng con biết rõ chúng con lệ thuộc vào Ngài, và chúng con xin Ngài ban phước lành cho chúng con, cho cha mẹ chúng con, cho các thầy cô giáo và đất nước của chúng con. Sự việc này đã khiến cho phụ huynh của 10 trường công lập tại New Hyde Park, N.Y., phản đối lời cầu nguyện do Hội Đồng Giáo Dục thảo ra và trong vụ án Engel v. Vitale (1962), các cha mẹ học sinh viện lý rằng việc cầu nguyện kể trên đã vi phạm điều khoản căn bản (the establishment clause). Khi xét xử vụ này, đa số các vị thẩm phán Tòa Tối Cao đã đồng ý và quan tòa Black đã nói: chúng tôi cho rằng trong việc dùng hệ thống trường công lập để khuyến khích đọc lời cầu nguyện của Hội Đồng Giáo Dục, tiểu bang New York đã dùng cách thực hành không thích hợp với điều khoản căn bản… Chúng tôi cho rằng trên đất nước này, không một cơ quan nào của chính quyên có quyền soạn ra các lời cầu nguyện chính thức cho một nhóm người Mỹ phải đọc…. Đây là quyết định đầu tiên trong một loạt các quyết định về tôn giáo đối với các đạo luật tiểu bang liên quan tới vấn đề giáo dục mà đã gây nên các phản đối và chỉ trích.
Năm 1963, Tòa Án Tối Cao đã cấm việc đọc Thánh Kinh trong các trường công lập sau 2 vụ án tương tự: Học Khu Abington kiện Schempp và Murray kiện Curlett. Trong vụ án Abington, các người Schempps theo đạo Nhất Thể (Unitarians) đã phản đối một số câu văn trong Thánh Kinh nên tiểu bang Pennsylvania đòi hỏi rằng tối thiểu 10 câu Thánh Kinh phải được đọc mà không bình luận, vào lúc bắt đầu mỗi ngày học, còn trong vụ án thứ hai, các người Murrays thuộc nhóm vô thần (atheists) đã chống lại đạo luật của miền Baltimore bắt nghe Thánh Kinh mà không cho bình luận. Đối với cả hai trường hợp, Tòa Tối Cao đã phán xét rằng việc đọc Thánh Kinh trong các trường công lập là vi phạm điều khoản căn bản ngay cả nếu có một số học sinh được miễn đọc. Tòa Tối Cao một lần nữa nhấn mạnh rằng chính quyền phải đứng trung lập, không ủng hộ mà cũng không phản đối tôn giáo. Các học sinh có thể học Thánh Kinh như một môn học thuộc về Văn Chương hay Lịch Sử nhưng không thể dùng Thánh Kinh làm một hình thức thờ phượng.
Năm 1968, Tòa Tối Cao cũng bác bỏ một đạo luật của tiểu bang Arkansas cấm các trường công lập không được giảng dạy thuyết Tiến Hóa (evolution), mà chỉ được đề cập tới lý thuyết tạo dựng nên trời đất của Thánh Kinh. Tòa Tối Cao phán rằng đạo luật kể trên không mang tính trung lập về tôn giáo. Năm 1985, Tòa Tối Cao cũng vô hiệu hóa một đạo luật của tiểu bang Alabama cho phép các thầy cô giáo bắt học sinh giữ một lúc cầu nguyện trong yên lặng, vào lúc ban đầu của mỗi ngày (vụ án Wallace v. Jaffree). Quyết định này đã ảnh hưởng tới các luật lệ tương tự của 23 tiểu bang.
Tòa Án Tối Cao trước sau vẫn phán quyết rằng việc cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và giảng dạy một phần tôn giáo dù dưới hình thức nào đều vi phạm điều khoản căn bản, theo như Hiến Pháp quy định, dù vậy, vẫn có một số nhóm các nhà hoạt động tôn giáo vận động cho một thứ tu chính án cho phép việc cầu nguyện tự ý (voluntary prayers) trong các trường công lập. Vào cuối thập niên 1980, công cuộc vận động kể trên đã không hội đủ 2 phần 3 chấp thuận trong Quốc Hội và vấn đề tôn giáo trong trường học vẫn tiếp tục là đề tài tranh cãi.
4. Điều khoản thực hành tự do
Trong khi điều khoản căn bản cấm đoán chính quyền không được phép yểm trợ cho tôn giáo thì điều khoản thực hành tự do (the free exercise clause) ngăn ngừa chính quyền giới hạn việc thi hành tôn giáo của người dân. Điều khoản này bảo đảm cho người dân có quyền tin tưởng và thờ phượng theo như họ mong muốn và chính quyền không được phép can thiệp vào.
Từ trước năm 1972, một đạo luật của tiểu bang Wisconsin đã bắt buộc mọi cha mẹ phải gửi các con tới trường trung học. Đạo luật này bị giáo phái Tin Lành Amish phản đối. Trong hàng thế kỷ, các người Amish này đã chủ trương nên sinh sống xa lánh xã hội mới, họ đã kiện tiểu bang Wisconsin là đã can thiệp vào niềm tin tôn giáo của họ. Trong vụ án Wisconsin v. Yoder (1972) này, Tòa Án Tối Cao đã phán xét rằng tiểu bang Wisconsin không có quyền bắt các học sinh theo đạo Amish phải học quá lớp 8 và người Amish có tự do thực hành niềm tin của họ. Cũng trong một trường hợp tương tự với vụ án Sherbert v. Verner năm 1963, Tòa Án Tối Cao ra lệnh rằng các người theo đạo Seventh-Day Adventist có quyền hưởng tiền thất nghiệp (unemployment benefits) dù rằng họ không làm việc vào ngày thứ bẩy (ngày Sabbath).
Sự tự do tôn giáo được bảo đảm bằng Tu Chính Án Thứ Nhất nhưng các tòa án luôn luôn đặt ra một số giới hạn về quyền tự do thực hành tôn giáo. Người dân Hoa Kỳ có tự do tôn giáo nhưng họ không có quyền vi phạm các đạo đức, sự an toàn, an sinh và sức khỏe của các người khác trong xã hội. Hơn một thế kỷ về trước, vào năm 1879, có một người theo đạo Mormon tên là Reynolds cư ngụ tại tiểu bang Utah, đã bị truy tố vì kết hôn với hai phụ nữ. Vì nhà thờ Mormon vào thời bấy giờ chấp nhận chế độ đa thê nên ông Reynolds đã phản kháng, cho rằng việc thi hành luật lệ đã vi phạm vào sự tự do tôn giáo của ông ta (vụ án Reynolds v. United States). Tòa Án khi đó đã phán quyết rằng: không thể nại cớ Tu Chính Án Thứ Nhất để bảo vệ các hành động không thiện cảm với hòa bình, trật tự tốt và luân lý của xã hội. Kể từ đó, đã có các giới hạn tự do tôn giáo, như các luật lệ sau:
– Bậc cha mẹ từ chối việc chữa trị y khoa cho các con bị đau ốm, nại cớ vì lý do tôn giáo, có thể bị truy tố về tội hình sự (vụ án People v. Peirson, 1903).
– Không được dùng các con rắn độc trong các buổi lễ tôn giáo (vụ án Bunn v. North Carolina, 1949).
– Các nhà lãnh đạo tôn giáo trốn tránh việc trả thuế lợi tức có thể bị cầm tù (vụ án Hocky v. Sun Myung Moon, 1982).
– Các đại học tôn giáo vi phạm kỳ thị chủng tộc sẽ bị tước bỏ quyền miễn thuế (vụ án Bob Jones University v. United States, 1982).
– Các người Do Thái không được phép đội mũ đỉnh đầu (skullcaps) khi mặc quân phục (vụ án Goldman v. Secretary of Defense, 1986).
Đã có các trường hợp vi phạm, vì niềm tin tôn giáo của cá nhân xung khắc với các nguyên tắc chung của xã hội hay quốc gia và cũng vì vậy, trong thời kỳ chiến tranh, sự việc đất nước cần tới các công dân phục vụ trong quân đội được coi là ưu tiên hơn các niềm tin tôn giáo từ chối tham gia vào việc cầm súng.
Một vấn đề tranh luận khác là việc chào quốc kỳ. Vào các thập niên 1930 và 1940, đã có 17 tiểu bang thông qua các đạo luật bắt buộc các học sinh theo học các trường công lập phải chào lá cờ Mỹ vào buổi sáng. Sự việc này đã khiến các người theo đạo Nhân chứng của Jehovah phản đối, vì họ cho rằng chào một lá cờ là tôn sùng một biểu tượng tà giáo. Vì vậy, con cháu của những người kể trên đã không tuân theo luật lệ chào cờ và rồi hai em Lillian 10 tuổi và William Gobitis 12 tuổi, bị đuổi khỏi trường học. Vụ tranh cãi này đã được mang ra trước pháp đình và Tòa Án Tối Cao đã phán quyết rằng luật chào cờ làm thăng tiến sự đoàn kết quốc gia (national unity) và đây là căn bản của nền an ninh quốc gia.
Vụ án kể trên (School District v. Gobitis, 1940) đã bị các học giả về luật pháp và giới truyền thông chỉ trích nên ba năm về sau, Tòa Tối Cao đã xét lại quyết định, với ba vị chánh án xác nhận rằng phán quyết về vụ Gobitis là một sai nhầm. Năm 1943 trong vụ án Bộ Giáo Dục tiểu bang West Virginia v. Barnett, cũng liên quan tới các con em của giáo phái Nhân Chứng của Jehovah không chịu chào cờ, Tòa Án đã xác nhận sự quan trọng của việc đoàn kết quốc gia nhưng cũng tuyên bố rằng chính quyền không nên bắt buộc các công dân thực thi các lễ nghi ái quốc nếu họ không muốn.
Việc tranh đấu cho sự tự do tôn giáo được khởi đầu do các ông Thomas Jefferson, James Madison và George Mason cùng một số nhà lãnh đạo chính trị khác bằng đạo luật Tự Do Tôn Giáo của Tiểu Bang Virginia vào năm 1786, nhờ vậy đã có sự ngăn cách giữa Nhà Thờ và Quốc Gia và từ đó, mọi người dân Hoa Kỳ được hoàn toàn tự do duy trì niềm tin của mình./.
Phạm Văn Tuấn