Đã gần hai tháng trôi qua nhưng dư âm của cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ở Miến Điện vẫn có sức lan tỏa lớn. Vẫn còn nhiều dè dặt, thậm chí là hoài nghi về những đổi thay chính trị chóng vánh ấy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không được quyền tin tưởng vào một tương lai mới, tốt đẹp hơn cho xứ sở vàng này.
Miến Điện thay đổi, Việt Nam thì chưa
Nhiều nguyên nhân của sự thay đổi được nói đến: 1/do tác động của Hoa Kỳ và phương Tây lên chính quyền Miến Điện vì họ không muốn Miến Điện với vị trí địa chính trị quan trọng, rơi vào tay Trung cộng; 2/do sức ép về sự nghèo khổ, lạc hậu và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc; 3/do tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của những người lãnh đạo Miến Điện trước hiện trạng đất nước bị cô lập với thế giới ; 4/do sự đấu tranh ngoan cường của nhân dân Miến Điện dưới biểu tượng Aung San Suu Kyi, cùng với tác động của các cuộc nổi dậy ở Ả Rập khiến Nhà cầm quyền nhận thấy sự cần thiết phải nới lỏng chính sách cai trị “bàn tay sắt” của mình nếu không muốn chịu chung số phận với những kẻ độc tài đã ra đi ở Ả Rập…
Có thể mức độ tác động của những nhân tố này lên sự cải cách chính trị ở Miến Điện là không giống nhau, nhưng thiển nghĩ nguyên nhân của vấn đề nằm trong mối quan hệ cộng hưởng tất cả các nhân tố này. Không phải là cái này hay cái kia mà là tất cả; vấn đề là nhấn tố nào đóng vai trò cốt yếu, thúc đẩy các nhân tố còn lại.
Với nguyên nhân đầu tiên, tức là vị tri chiến lược của Miến Điện đã giúp họ, ta có thể đặt câu hỏi là Việt Nam với bờ biển dài nhìn ra một vùng biển chiến lược không quan trong trong con mắt người phương Tây và Mỹ sao? Nếu căn cứ vào nguyên nhân thứ hai, tức tình trạng nghèo khổ và bị cô lập, thì ta ngỡ ngàng tự hỏi: Bắc Triều Tiên không nghèo khổ và bị cô lập với thế giới ư? Về nguyên nhân thứ ba, nếu tập đoàn độc tài Miến Điện yêu nước thì sao lại khiến Miến Điện kiệt quệ như thế rồi mới đổi ý, tại sao mới đây họ vẫn đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình năm 2007; lâu nay họ vẫn cai trị bằng chính sách khắc nghiệt, tại sao bỗng nhiên trở nên đầy lương tri như thế? Và với nguyên nhân cuối cùng, ta có thể nhận thấy rằng, người Mỹ và phương Tây chỉ can thiệp vào những nơi mà tự nó đã có một phong trào vững mạnh và cũng chính sự phản kháng mạnh mẽ ấy của người dân Miến mới là điều gợi lên trong tâm trí những kẻ cầm quyền ý muốn thay đổi nhiều nhất, vì họ cảm thấy thực sự bất an về tương lai của mình. Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi nghĩ, đây mới là nguyên nhân nền tảng, là điều kiện tiên quyết, ảnh hưởng đến các nguyên nhân còn lại.
Miến Điện phản kháng mạnh mẽ, Việt Nam thì chưa
Từ cách nhìn nhận rằng một phong trào quần chúng phản kháng bền vững và mạnh mẽ là vô cùng quan trọng, nhiều câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi, và có lẽ cũng ám ảnh khá nhiều người. Tại sao ngay từ năm 1974 đã có những cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện, và năm 1988 đã có nửa triệu người tham gia meeting nghe bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn? Tại sao năm 2007, hơn 20.000 người bao gồm các nhà sư và dân chúng Miến Điện đi biểu tình, còn Việt Nam vào năm 2011, số người đi biểu tình chỉ bằng 1/10 con số ấy vào lúc cao điểm (dù ở ta, chỉ là biểu tình phản đối Trung Quốc chứ không phải là biểu tình đòi tự do dân chủ-một đòi hỏi tiến bộ, quan trọng và cũng nhạy cảm hơn nhiều)?
Người Miến Điện không sợ hãi sao? Không, đã là con người không ai muốn mang sự an toàn và sinh mạng của mình ra thách đố, đặc biệt là thách đố những kẻ cai trị có vũ trang. Người Miến Điện cũng vậy. Bằng chứng là theo các phóng viên quốc tế có mặt tại Miến Điện, sau những tuyên bố cải cách của chính quyền, nhiều người dân còn rất dè dặt, có người còn không dám dừng lại nhìn ảnh Aung San và con gái quá lâu vì họ e ngại những sự “cởi trói” này là giả dối (kiểu như năm 1986 Nguyễn Văn Linh “cởi trói văn nghệ sĩ “).
Người Miến Điện dám dấn thân vì họ từng có kinh nghiệm với nền dân chủ ư? Đồng ý kinh nghiệm về một nền dân chủ là điều kiện thúc đẩy lòng kháo khát được sống tự do. Nhưng người dân bình thường rất dễ quên, trong một khoảng thời gian đủ dài bị cai trị quá khắt nghiệt, họ sẽ quên mất mình từng được hưởng điều gì; huống chi lớp người đã từng kinh qua nền dân chủ ở Miến Điện vào thời điểm năm 1988 đã già và những người hăng hái đấu tranh nhất trong cuộc nổi dậy 8888 lại là những người trẻ. Và một câu hỏi quan trọng được đặt ra ở đây là : người miền Nam Việt Nam không có kinh nghiệm với dân chủ sao?
Hay vì dân Miến Điện quá đói khổ và thiếu thốn mọi phương tiện khiến họ phải đấu tranh, còn ở Việt Nam dù sao vẫn còn có thể chịu đựng được? Chúng ta hãy nhớ lại, năm 1962 khi Ne Win thiết lập chế độ độc tài, thì đến năm 1974, tức là 12 năm sau, đã có những cuộc biểu tình phản kháng chế độ. Còn ở miền Bắc Việt Nam, từ năm 1954 trải qua cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu cùng thời kỳ tem phiếu bao cấp đói khổ cùng cực, cho đến năm 1986 là hơn ba mươi năm, thành thị và làng quê tan hoang nhưng không có cuộc phản kháng nào xảy ra cả. Ở miền Nam, từ năm 1975 đến 1986 trải qua thời kỳ bao cấp quằn quại cũng gần 12 năm nhưng mọi thứ vẫn im ắng. Bởi vậy, sự nghèo đói không thể là động lực giúp dân chúng vượt qua sợ hãi để đứng lên, nếu không muốn nói là nó có thể làm kiệt quệ tinh thần phản kháng.
Vậy thì tại sao Miến Điện có một phong trào phản kháng mạnh mẽ như thế, còn chúng ta thì không? Có lẽ nếu muốn đơn giản hóa vấn đề, ta chỉ cần quy kết cho vận mệnh mỗi dân tộc. Nhưng dù sao trước tiên chúng ta hãy tự cho mình cơ hội suy nghĩ một chút về vấn đề này.
Người Miến Điện giữ được nội lực, Người Việt Nam thì đã mất nội lực
Từ trước khi bà Aung San Suu Kyi về nước năm 1988, những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra; nhưng không thể phủ nhận sự tham gia và lãnh đạo của bà đối với Liên Đoàn quốc gia vì Dân chủ đã làm phong trào đấu tranh dân chủ Miến Miến có thêm sức mạnh và sự gắn kết. Nhận định và đánh giá cao vai trò của bà-con gái một vị anh hùng dân tộc trong việc kết nối mọi thành phần đấu tranh, các trưởng lão dày dạn kinh nghiệm đã mời bà tham gia và trở thành người lãnh đạo Liên đoàn cũng như phong trào đối lập, dù trước đó bà chưa có kinh nghiệm chính trị nào. Tôi thật sự khâm phục những con người khả kính này, những con người đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên cái tôi hão huyền để có được một người lãnh đạo có uy tín, một biểu tượng của phong trào-điều mà những người đối lập ở Việt Nam chưa có được. Bởi, như một người bạn mà tôi quý trọng đã nói rằng : “những người hoạt động ở Việt Nam có một tâm lý rất lạ: một mặt họ chống lại lãnh đạo (hiểu theo nghĩa lãnh tụ), mặt khác họ hành xử đầy tính lãnh tụ”. Vậy là ngay từ bước đầu tiên này chúng ta đã không thể sánh với người Miến Điện; còn chuyện thế nào là lãnh đạo, thế nào là lãnh tụ và vai trò của người lãnh đạo, tôi xin được nói trong một bài khác.
Có một người lãnh đạo nhiều uy tín là một điều quan trọng, nhưng sẽ là vô ích nếu người dân không hưởng ứng. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, khi nói về sự lớn mạnh của phong trào phản kháng ở Miến Điện chính là cái NỘI LỰC của họ. Dù sợ hãi chế độ độc tài, người Miến Điện đã có được một thứ NỘI LỰC mà người Việt Nam không có. NỘI LỰC ấy nằm ở sức mạnh văn hóa.
Mặc dù dưới những năm cầm quyền của mình, Ne Win muốn học tập Trung Quốc, định hướng cho Miến Điện theo con đường XHCN. Nhưng nhìn chung Miến Điện không bị áp đặt một chủ thuyết nào lên toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế. Chế độ cầm quyền ở đó là quân phiệt chứ không phải cộng sản như Việt Nam. Một chính thể độc tài không mang theo mình một chủ thuyết độc hại như chủ nghĩa cộng sản thì bản chất nó cũng gần giống với một nền quân chủ chuyên chế; nó có thể làm cho xã hội trì trệ và lạc hậu, nhân cách xuống cấp ở một mức độ nào đó nhưng ít ra nó không phá hủy triệt để những giá trị văn hóa truyền thống của xã hội, để thay vào đó là một loại văn hóa, loại mô hình xã hội bệnh hoạn, duy ý chí như trường hợp Việt Nam, Trung Quốc.
Ở Miến Điện, văn hóa, đạo đức và tôn giáo vẫn giữ được giá trị nội tại, đời sống văn hóa tinh thần của người dân vẫn nhân văn và thuần phác. Một nền luân lý Phật giáo đúng nghĩa đứng ở vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần của họ. Như những nhà báo quốc tế ghi nhận thì, người dân Miến tuy sống nghèo khổ nhưng rất hiền lành, đa số họ thiền định mỗi ngày. Nghèo khổ và lạc hậu ở họ không đồng nghĩa với sự hèn nhát và sự xuống dốc về văn hóa và đạo đức. Chính vì giữ được sức mạnh tinh thần ấy, chính vì đứng trên cái trụ văn hóa nhân bản, trong đói khổ, đàn áp và sợ hãi, người dân Miến không ngừng phản kháng, đòi tự do, dân chủ.
Trái lại, dưới chế độ cộng sản Việt Nam, văn hóa, đạo đức và các truyền thống tôn giáo tốt đẹp đã gần như bị hủy hoại tận gốc rễ. Một xã hội hiện đại nửa mùa, một nền văn hóa mới theo kiểu Tây phương chưa xây dựng được (mà chỉ bắt chước người ta những thói xấu), còn cội nguồn văn hóa truyền thống thì đã biến thái thành những thứ quái dị. Những nhân đức hiền lành, chất phác, lòng yêu nước thiết tha biến thành những mánh mung, lừa đảo, vị kỷ. Một tôn giáo truyền thống từng góp phần to lớn xây dựng nên khí chất Việt Nam, bây giờ đã trở thành một thứ mê tín dị đoan. Đã mấy mươi năm sống dưới một chế độ độc tài hủy diệt văn hóa, bóp méo ý chí lành mạnh và làm thui chột năng lực tinh thần thì lúc đói khổ chúng ta chỉ lo miếng cơm, lúc sung túc chúng ta chỉ lo hưởng thụ. Mất cái gốc tinh thần (văn hóa, luân lý) chúng ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về ý chí và nhân cách. Cái gốc của mọi hành động là tinh thần, ý chí yếu đuối, tinh thần bạc nhược, thì chẳng thể làm những việc lớn lao (nếu không có những điều kiện đột biến làm đòn bẩy).
Vì thế, giáo dục dân trí thông qua những luận bàn nghiêm túc về văn hóa (kể cả văn hóa chính trị), đạo đức, xã hội, chính trị… sẽ là cực kỳ cần thiết để vực dậy cái nội lực đã hư hao ấy; để chính sự phục hồi này, nếu không tạo được một biến cố cho sự đổi thay thì nó cũng giúp cho một thể chế tiến bộ trong tương lai dễ vận hành hơn. Và như John Stuart Mill đã nói: “Một dân chúng có thể còn chưa sẵn sàng cho một thiết chế tốt đẹp, nhưng việc nhen nhóm lên lòng mong ước có được thiết chế ấy phải là phần việc cần thiết cho sự chuẩn bị”. Văn hóa suy đồi, tinh thần khiếp nhược chính là những thứ chúng ta phải chung tay từng giờ để tháo gỡ, hầu mang lại một nội lực mới cho dân tộc. Có nội lực ấy rồi, không những chúng ta có thể dễ dàng xóa bỏ chế độ độc tài, mà còn có thể tiến vào chế độ dân chủ tự do không chút trở ngại.
Sài Gòn, ngày 25 tháng 5 năm 2012
Huỳnh Thục Vy
6 Comments
Bao Tran
Sẽ là khập khễnh khi so Miến Điện với VN ta vì điều kiện văn hóa , chính trị và xã hội quá khác nhau. Rất là dài để nói hết nhưng tại VN nhiều người bỏ qua vai trò của đảng CS trong lịch sữ ta. Dù thích hay không thì CS đã đi vào cuộc sống Việt từ thời Việt Minh và mọc cội rễ rất sâu đậm trong lòng một bộ phận dân chúng. Người CS đã thành công chiếm lĩnh tiềm thức một bộ phận lớn dân chúng và làm họ chấp nhận mà không cần xem xét đúng sai. Nó cũng giống như con cái những người thuộc một tôn giáo thường chấp nhận tôn giáo đó mà không cần tìm hiểu. Việt Nam nhất định phải được dân chủ hóa , nhưng tất cả những con đường mà người ta đang hô hào tôi chưa cảm thấy có tính khả thi trong ĐK Việt Nam. Bạn cần nhớ rằng hàng chục triệu người CS và cảm tình viên của nó sẽ vì nhiều lý do khác nhau mà bảo vệ nó bằng mọi gía với mọi cách. Người Mỹ cũng sẽ không làm gì được nhiều, hơn nữa cái họ cần là một chính quyền ổn định và quan hệ tốt với Mỹ. VC biết điều đó và đang cố gắng làm đẹp lòng Nhà Trắng trong khi mặt khác thẳng tay dẹp những mầm mống đa đảng đe dọa vai trò của họ. Trong khuôn khổ này tôi không thể bàn nhiều với bạn nhưng nếu có ĐK tôi tin có thể nói với bạn 3 ngày 3 đêm không hết. Chúc bạn luôn đi tới cho một ngày quyền làm người được tôn trọng thật sự.
Chu Việt
Chí lý. Luận điểm của Thục Vy giúp giải thích tai sao người Việt tị nạn CS tại hải ngoại cho đến nay vẫn thiếu vắng một lãnh đạo tầm cỡ.
Bao Tran
Trong một lần theo dỏi cuộc ẩu đả bằng mồm giữa hai nhóm thân VC và Trung Cộng tôi nghe nhóm TC nói :” Nếu VC chết thì TC cũng không thể sống thọ”. Trung Nam Hải hiểu chuyện đó và chi mọi giá để nắm cổ và bảo vệ VC.(Trong khi đó sự còn mất của VN không đem đến cái chết chiến lược với Mỹ. Nó chỉ tạo ra khó khăn lâm thời mà thôi ). Một lần khác một người bạn thân đang giử một chức vụ quan trọng trong một Cty thuộc một gia đình quý tộc VC sau chuyến công tác tại Thượng Hải về đã gọi điện thoại tâm sự và hỏi tôi một số vấn đề. Qua câu chuyện tôi nhận ra TC dùng các Cty tư nhân để ban tặng những lợi ích kinh tế khổng lồ và sự ràng buộc chặt chẽ với giới quý tộc VC. Người Hoa vốn giỏi tổ chức ngầm và đi đêm. Tôi tin rằng họ đã thành công xây dựng một đảng CS Trung Hoa ngầm ngay trong lòng đảng CSVN. Đây là một trong những lý do cơ bản khiến chuyện tự chuyển mình dân chủ hóa của chính quyền VN gần như là không thể. Trong vấn đề VN , không khéo người Mỹ sẽ thất bại lần thứ hai.
Dế mèn
Để dễ so sánh, hãy lấy một ví dụ, tạm gọi là thuần CS, như Bắc Hàn. Đây có thể tạm coi là “mẫu chuẩn” để đối chứng như trong một thí nghiệm khoa học. Ở mẫu này, chúng ta có thể thấy tác động của sự tẩy não gần như tuyệt đối: CNCS có thể tẩy hết mọi giá trị văn hóa của con người, và toàn thể con người ở đó suy nghĩ, hành xử, yêu ghét, tin tưởng, mơ ước… gần giống như nhau. Rất thuần về văn hóa.
Chúng ta không so sánh về mặt dân trí được; dân trí phải đặt trên một chuẩn nào đó chứ. Với chuẩn văn hóa của chúng ta, chúng ta chê dân trí Bắc Hàn thấp, dân trí Cuba thấp, dân trí Miến điện cao hơn. Với chuẩn văn hóa của người Mỹ, họ chê dân trí của TQ và VN là nô lệ, thấp. Vân vân. Nhưng ngược lại, dân VN và TQ vẫn coi thường dân trí Mỹ (theo chuẩn VH XHCN ở 2 nơi này), và có lẽ dân Bắc Hàn lại cho là dân trí họ rất cao, hơn Mỹ vạn làn chăng? (Tương tự Nguyễn Thị Doan và Nguyễn Phú Trọng đề cao nền dân chủ XHCN).
Vậy thì cái quan trọng, đó là chọn “chuẩn về văn hóa”. Từ đây mới đánh giá trình độ dân trí, đánh giá triển vọng và tiềm năng của một dân tộc, một đất nước.
Nền văn hóa nào đề cao nhân quyền, bình đẳng xã hội, và tôn trọng các giá trị nhân bản thì nền văn hóa đó mới trường tồn, dân tộc và quốc gia đó mới phát triển bền vững được. Và điều này quan trọng hơn, đó là tiến trình văn minh của loài người nói chung, đều hướng đến xây dựng một nền văn hóa như vậy.
Nhìn như vậy, dân tộc VN, dẫu muộn, và nền văn hóa bị xâm hại nghiêm trọng nhiều năm bởi chủ nghĩa cực đoan, phi nhân bản, cũng đang gấp rút xây dựng lại nền văn hóa của mình (vốn đang xây dở dang trước kia). Ngày hôm nay chúng ta đã thấy xuất hiện nhiều trí thức dấn thân, và người dân bắt đầu thức tỉnh giữa một xã hội đầy dẫy bất công và sa đọa về mọi mặt. Sự tranh đấu dấn thân của mọi giới đang ngày càng tăng. Lãnh tụ là người đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng, hiểu được hoàn cảnh đất nước, và có tầm nhìn xa rộng để lãnh đạo. Lãnh tụ đó chưa có rồi sẽ có, không bao lâu nữa đâu. Hãy tỉnh táo và đoàn kết lại.
Bao Tran
Con đầu đàn đi trước toàn đàn bước theo , lãnh tụ đi trước toàn đảng theo sau…đây là hình thái cổ xưa nhất của nhân loại thoát thai từ cuộc sống nguyên thủy và đỉnh cao là nhà nước CS. CM châu Âu từ nhiều TK trước đã giới thiệu cho ta nền Cộng Hòa với hình thái tổ chức phân chia trách nhiệm và mọi cá nhân dù ở trách nhiệm nào cũng đều có Nhân Quyền , Nhân Phẩm ngang nhau. Tôi cho rằng tư duy đem Lãnh Tụ vào nền Cộng Hòa cần được chúng ta xóa bỏ. Chúng ta cần học và tìm cách làm sao để thực hiện hình thái tổ chức mới này một cách hoàn thiện. Người Việt ta hình như còn nặng tư duy phong kiến hoặc thực dân chăng? Dài lắm để phân tích hết chuyện này nhưng nếu các Bác cho tôi một cơ hội hôm nào tôi sẽ viết một bài thật dài về xã hội loài người đi từ cái chai đến xã hội mở.