Sau khi nhậm chức chủ tịch nước (Trung Quốc) vào đầu năm 2013, Tập Cận Bình sang Mỹ gặp Tổng Thống Obama ở California. Trong các trao đổi ngoại giao giữa hai vị lãnh đạo người ta để ý là họ Tập đã dùng đến thuật ngữ “Giấc mơ Trung Hoa”. Tác động ngoại giao này nhằm tạo nên một bầu không khí thân thiện và hoà hõan giữa hai nước nhưng đồng thời nó cũng muốn tỏ ra một sự ngang hàng giữa Bắc Kinh và Washington trên bàn cở chính trị thế giới.
Người ta cũng còn nhớ là vào thời gian năm 1983, Tập Cận Bình cũng đã có một lần sang Mỹ. Hối đó ông đến ở nhà một gia đình nông dân quen thuộc tại Muscatine (Iowa) khoảng hai tuần lễ. Và có thể là trong hai tuần lễ đó ông đã tiếp cận với “Giấc mơ Hoa Kỳ” của người Mỹ và tư tưởng này đã khiến ông xây dựng trong đầu óc mình một mô hình về “Giấc mơ Trung Hoa” cho giới trẻ Trung Quốc.
Thật ra thì hai giấc mơ này khác nhau một trời một vực nếu ta tìm hiểu sâu xa thực tế liên quan đến nội dung của hai thuật ngữ đó. Sự khác biệt này sẽ được trình bày chi tiết hơn trong những đoạn viết tiếp theo để độc gỉả tiện theo dõi.
Giấc mơ Hoa Kỳ và người dân Trung Quốc ngày nay.
“Giấc mơ Hoa Kỳ” là một đặc điểm của Hiệp Chủng Quốc. Đỏ là một tổng hợp những lý tưởng mà người Mỹ trân qúy đeo đuổi thực hiện, những lý tưởng đã đưa đến thành công và thịnh vượng, những lý tưởng đã mang lại sự thăng tiến xã hội qua sự cần cù và cố gắng làm việc.
Theo sự định nghĩa của James Truslow Adams trong tác phẩm Epic Of America xuất bản năm 1931 thì: “Giấc mơ Hoa Kỳ” là một giấc mơ về một mảnh đất trên đó cuộc sống được giàu sang hơn và có ý nghĩa hơn cho tất cả mọi người, một mảnh đất trên đó mọi người đều có cơ hội thăng tiến theo đúng khả năng và ước vọng của mình.
Giấc mơ đó không hoàn toàn chỉ là một giấc mơ về xe hơi nhà lầu, về lương cao và công ăn việc làm dễ kiếm, mà là còn là một giấc mơ về một trật tự xã hội trong đó người dân, nam cũng như nữ, đều có thể phát triển toàn diện bằng khả năng mà tạo hóa ban cho, và mỗi người đều được những người khác nhìn nhận mà không quan tâm gì đến lý lịch, nơi sinh và nguồn gốc.
“Giấc mơ Hoa Kỳ”, xuất hiện trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc, công bố rõ rệt rằng : “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng (All men are created equal) và họ được Thượng Đế ban cho những quyền bất khả chuyển nhượng, trong đó có : cuộc sống, sự tự do và sự mưu cầu hạnh phúc”.
Người di dân nào đến Mỹ cũng ưu tiên dành thời gian để đi thăm tượng “Nữ thần Tự Do” tại New York. Nữ thần Tự Do tượng trưng cho những cơ hội mới trong cuôc sống con người, và là biểu tượng của giấc mơ mà người Mỹ nào cũng trân qúy và ôm ấp.
“Giấc mơ Hoa Kỳ” đã lan tỏa ra khắp năm châu bốn bể nên làn sóng di dân của nhân loại sang miển “đất hứa” vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng nghỉ cho đến ngày nay. Ngay cả tại những vùng mà kinh tế đang phát triển, một số người dành dụm được ít tiền cũng chuẩn bị ra đi để tránh khỏi phải sống cực nhục dưới những chế độ chuyên chế vô nhân đạo.
Tại Trung Quốc ngày nay, người ta tính rằng giai cấp trung lưu đã đạt tới con số 500 triệu dân, và con số này tiếp tục gia tăng cùng nhịp độ với sư phát triển kinh tế. Trong đám người này, một số đông đã chuyển tiền và cho vợ con sang Mỹ. Số sinh viên Á Châu, trong đó đa số đến từ Trung Hoa lục địa, đã đạt tới mức kỷ lục trong năm nay (2014-2015) tại các đại học Hoa Kỳ. Đó là chưa nói đến số tiền khổng lồ chuyển từ Hoa Lục vào các ngân hàng của Hiệp Chủng Quốc. Đây là một vài khía cạnh liên quan đến thực tế rất dễ kiểm soát, nói lên tính phổ quát của thuật ngữ “Giấc Mơ Hoa Kỳ” đối với thế giới bên ngoài.
Tập Cận Bình và “Giấc Mơ Trung Hoa”
Năm 2010 , tác giả Helen H. Wang xuất bản một cuốn sách nhan đề “Giấc Mơ Trung Hoa”. Chuốn sách in lại nội dung phỏng vấn 100 người thuộc giới trung lưu Trung Quốc. Mặc dầu không đưa ra một định nghĩa nào chính xác về thuật ngữ “Giấc Mơ Trung Hoa” nhưng cuốn sách vẫn được trao tặng giải thưởng Eric Offer.
Năm 2011 cuốn sách được dịch ra tiếng Trung Hoa và bán hết ngay. Năm 2012 cuốn sách được in lại lần thứ hai và Helen H Wang tặng cho Tom Friedman một ấn bản. Căn cứ vào ấn bản này, Tom Friedman viết cuốn : “China needs Its Own Dream” và cuốn sách này, sau khi được chọn đăng trên tờ The New York Times, đã trở thành tác phẩm đợc đón nhận rộng rãi nhất tại Trung Quốc.
Cuốn sách ảnh hưởng cả đến một số người lãnh đạo trí thức trong Trung Nam Hải. Tập Cận Bình định nghĩa như sau : “Giấc Mơ Trung Hoa” của tôi là sự trẻ trung hóa, sự phục hồi sinh lực của quốc gia chúng ta. Hiện nay tôi đang lo tổ chức hai lễ kỷ niệm lớn : lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ vào năm 2021 và lễ kỷ niệm 100 năm ngay thành lập Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào năm 2049”
Tháng 5 năm 2013 Tập Cận Bình kêu gọi : “ mọi tầng lớp trong ĐCSTQ phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Thanh niên phải đặc biệt chú trọng đến tuổi trẻ của mình, phải sống với tinh thần tiên phong khai phá, phải dành mọi khôn ngoan và nỗ lực cho việc thực hiện “Giấc Mơ Trung Hoa”.
Theo Robert Lawrence Kuln, tác gỉả cuốn “How China´s leaders think “ thì “Giấc Mơ Trung Hoa” gồm bốn tiếu chuẩn cần đạt tới : 1/ một nước Trung Hoa hùng mạnh về các phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học và quân sự, 2/ một nước Trung Hoa văn minh, công bằng và ngay thẳng, có văn hóa cao và đạo đức tốt 3/ một nước Trung Hoa hài hòa và ổn định giữa các giai cấp trong xã hội 4/ một nước Trung Hoa tươi đẹp, vơi môi trường sống trong sạch sẽ và ô nhiễm tối thiểu.
Ý kiến trên đã được Tập Cận Bình nói trước đám đông ngày 29/11/2012 và nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vì thế, ĐCSTQ muốn đưa định nghĩa này vào các sách giáo khoa. Thật ra “Giấc Mơ Trung Hoa của họ Tập không phải là giấc mơ cuả người Mỹ mà là giấc mơ Đại Hán.
Tập Cận Bình hung bạo hơn Hồ Cẩm Đào. Năm 2013 Tập Cận Bình với tư cách là Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương đã tuyên bố với quân đội : “Theo giấc mơ Trung Hoa là cố gắng không ngừng đi theo con đường đã vạch, với ý chí cương quyết không bao giờ rời bỏ con đường xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, lịch sử Trung Quốc của họ Tập là lịch sử của Hán tộc đi gây chiến khắp nơi, từ Tây Tạng, Mông Cổ, Hồi Ngột, đến các nước vùng Đông Nam Á như Triều Tiên, Việt Nam, Miến Điện.
Tập Cận Bình và cải cách chống tham nhũng
Đối với ngời dân Trung Quốc thì “Giấc Mơ Trung Hoa” chẳng qua chi là “Giấc Mơ Hoa Kỳ” du nhập vào Trung Quốc cho nên phải coi đó là những giấc mơ cá nhân. Người dân Trung Quốc mong mỏi nền kinh tế của đất nước được phát triển liên tục, phong trào đô thị hóa được tiếp tục lâu dài, bộ máy cai trị được giảm thiểu tối đa, quyền hành của nhà nước cũng như lợi ích phe nhóm đươc đưa xuống mức thấp nhất. Những người Trung Quốc tự do định nghĩa giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ hiến trị, giấc mơ về một tương lai pháp trị và tam quyền phân lập.
Ý nghĩa chính của “Giấc Mơ Trung Hoa” ngày nay là tính “khả trì” (sustainable) của nền kinh tế Trung Quốc. Tính “khả trì” này cần thiết để cho lòng dân khỏi mất tin tưỡng vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ Tập ý thức được điều đó và ngay sau khi nắm uy thế cao nhất của đất nước, họ Tập đã tập trung tối đa vào vấn đề chống tham nhũng.
Khi còn là phó chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng : “ĐCSTQ chỉ là nơi tập trung những thành phần giá áo túi cơm cần phải được trong sạch hóa”. Ông cho rằng những tệ nạn trong đảng cầm quyền 63 năm qua là : thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm ở những mức độ khác nhau. Tệ nạn này làm mất uy tín của Đảng đối với dân chúng. ĐCSTQ đã biến thành nơi chia chác quyền lợi. Vào đảng để vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng, vì đất nước vì nhân dân.
Tại Trung Quốc hiện nay, tham nhũng được giới lãnh đạo coi là một thảm họa đe dọa sư tồn vong của chế độ. Tập Cận Bình nhậm chức khi vụ án Bạc Hy Lai- Cốc Khai Lai đang làm dư luận sôi động. Mức án tử hình cho Cốc Khai Lai và tù chung thân cho Bạc Hy Lai làm hàng ngũ cao cấp của Đảng run sợ.
Đầu năm 2014 vụ án Chu Vĩnh Khang lại còn gây rung động nhiều hơn vì chức vụ của Chu cao hơn và quan trọng hơn chức vụ của Bạc Hy Lai. Số cán bộ liên quan đến Chu Vĩnh Khang bị cất chức và bị bắt giam không ngừng. Hàng trăm người đã bị tống giam. Họ toàn là cán bộ cao cấp trong ngành công an và ngành dầu khí.
Hàng trăm nhà kinh doanh lớn và tỷ phú đỏ cũng bị sờ gáy, trong số đó có Lưu Hán và Ngô Bích, lừng danh ở Tứ Xuyên, có quan hệ chặt chẽ với Chu Vĩnh Khang và con trai Chu Vĩnh Khang là Chu Bân.
Thế giới đang choáng váng bởi chiến dịch “Đả Hổ Diệt Ruồi” của Tập Cận Bình. Ông Tập đã tước bỏ nguyên tắc “bất khả xâm phạm” dành cho các nhân vật lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính Trị của ĐCSTQ khi bắt giữ Chu Vĩnh Khang. Một câu hỏi được nêu ra là sau ho Chu thì sẽ đến lượt ai ?
Báo Bí Mật Trung Hoa xuất bản tại Mỹ cho rằng trong niềm say sưa của cơn săn hổ Tập Cận Bình đã bước thêm bước nữa cao hơn và đó là : Tăng Khánh Hồng. Họ Tăng là cánh tay phải của Giang Trạch Dân. Ông là Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương của ĐCSTQ trong giai đoạn 1999-2002. Với vị trí này ông đưa phe cánh vào những chức vụ quan trọng của Đảng và hướng dẫn Giang hoàn tất triết lý chính trị được gọi là thuyết “Ba Đại Diện”.
Sự nghiệp của Tăng Khánh Hồng lên nhanh như diều gặp gió. Ông từng làm bí thư thứ nhất của ĐCSTQ trong thời gian 2002-2007, rồi phó chủ tịch nước trong thời gian 2003-2008. Những năm nói trên ông là nhân vật quyền lực số hai tại Trung Quốc. Năm 2009 ̣ đánh dấu sự suy đồi của gia đình họ Tăng khi con trai ông bị tố cáo tham nhũng 32,4 triệu đô la Úc để mua một biệt thư sang trong tại Sydney.
Ngày 26/7/2014 tin Tăng Khánh Hồng bị quản thúc tại gia đã được Tân Tử Lăng xác nhận. Trước khi họ Tăng bị quản thúc, tờ Epoch Times loan tin là Giả Khánh Lâm, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị cũng đã bị bắt giam vì tội tham nhũng .
Giới quân sự cũng không được yên thân. Tướng Từ Tài Hậu bi sa lưới trước tiên về tội mua quan bán chức, rồi gần đây hơn là đến lượt tướng Quách Bá Hùng bị điều tra vì tội tham nhũng. Có tin đồn là Quách Bá Hùng, nguyên phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, đang điều phối một kế hoạch chống lại chiến dịch đánh tham nhũng của Tập Cận Bình. Nếu kế hoạch của Quách Bá Hùng thất bại và hồ sơ chống tham nhũng của Tập Cận Bình hoàn tất, thì vụ án khổng lồ này sẽ làm rung chuyển thế giới.
Bản chất “Giác Mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình
“Giấc Mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình không giống “Giấc Mơ Hoa Kỳ” cùa Obama và cũng không phải là giấc mơ của người Trung Quốc hiện nay. Cải cách “Săn hổ đuổi ruồi” mà họ Tập đang thực hiện, vẫn mang tính “bảo thủ” như những lời trăn trối của Đắng Tiểu Bình trước khi qua đời. Họ Tập chưa bao giờ quên nội dung của Tài Liệu Mật số 9, được luân lưu trong hàng ngũ những nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tháng 7 năm 2012.
Tài liệu nói trên, nhắc nhở phải cố hết sức tránh 7 điều cấm kỵ liên quan đến những giá trị phương Tây, trong đó có: chủ nghĩa dân chủ đại nghi, tính phổ quát của những nhân quyền và những xã hội dân sự Họ Tập chắc cũng không quên lời dặn của Đặng Tiêu Bình là : muốn thành công trong mọi dự tính cải cách thì phải tạo dựng được một chính quyền trung ương vững mạnh.
Điểm đặc biệt khiến những nhà quan sát theo dõi và ghi nhận là ngay từ lúc trở thành nhân vật “số một” của Trung Quốc thì họ Tập đã nắm trong tay cả bốn quyền lực quan trọng nhất của đất nước : Tổng Bí Thư Đảng, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương và Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị. Và để tuân theo những lời trăn trối của Đặng Tiểu Bình, họ Tập đã đàn áp mạnh mẽ phong trào “Dân Tộc Mới” ( New Citizens Movements).
Những tai hại trước mắt của tham nhũng : một vài thí dụ
Phúc trình năm 2004 của Tổ Chức Transparency International đã nêu ra trường hợp của ba viên chức tham nhũng nhất thế giới là ; Suharto của Nam Duong, Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân, Mobutu Sese Seko của Dân Chủ Cộng Hòa Congo. Ba lãnh tụ này đã cướp của dân nghèo tổng cộng là 50 tỹ Mỹ Kim.
Theo phúc trình được phổ biến gần đây nhất của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thì những viên chức tham nhũng của Trung Quốc vào khoảng 18.000 người đã chuyển ra nước ngoài 160 tỷ Mỹ Kim. Con số này tương ương với toàn bộ ngân sách giáo dục Trung Quốc trong khoảng thời gian 1978-1998.
Ngoài sự mất mát về tài chính, tham nhũng đã gây ra những hậu quả sấu xa về an toàn thực phẩm vì các viên chức được hối lộ đã không thi hành luật lệ. Phúc trình năm 2007 của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ước tính rằng có khoảng 300 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm mỗi năm, và đây không phải là tai họa duy nhất.
Hối lộ còn gây ra nạn xập cầu làm chết không biết bao nhiêu người, và những chất phế thải từ những nhà máy hóa học làm độc hại môi trường không phải là những việc mà chính phủ có thể làm ngơ. Hối lộ che đậy những bê bối này, gây thiệt hại đến sinh mạng và sức khoẻ của dân tộc.
Thời điểm để thử nghiệm dân chủ
Có hai khía cạnh của nền kinh tế Trung Quốc báo hiệu lúc này là lúc phải thử nghiệm dân chủ. Một là, GDP theo đầu người (giữa 4000 và 6000 Mỹ Kim), đã đạt tới mức phải bắt đầu dân chủ hóa. Hai là, nếu lơ là với vấn đề dân chủ hóa thì sự phát triển “nóng bỏng” của Trung Quốc sẽ chậm lại và làm gia tăng những tranh chấp nội bộ. Tham nhũng sẽ trở thành một gánh nặng không chịu nổi.
Khi kinh tế phát triển, người ta sẵn sàng chịu đựng một vài hối lộ. Nhưng khi kinh tế không phát triển được nữa thì cùng một mức tham nhũng như trước cũng không ai dung thứ. Nếu Trung Quốc tiếp tục giữ sinh hoạt chính trị hiện nay thì các nguồn tài chánh thất thoát ra nước ngoài sẽ gia tăng và niềm tin vào tương lai kinh tế của đất nước sẽ giảm xuống.
Tập Cận Bình đang đứng trước thời vận đề làm một việc ích quốc lợi dân : đó là việc hoàn chỉnh tiến trình phát triển kinh tế mà Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng. Không có một quốc gia nào lại chỉ chấp nhận những thành tố căn bản của nền dân chủ mà lại không chấp nhận tất cả. Trung Quốc đã đạt được tiến bộ kinh tế và xã hội lớn lao trong vài thập niên qua. Giờ đây đã đến lúc phải thử nghiệm dân chủ.
Nhiều học giả đã chứng minh là những chế độ dân chủ tốt hơn các chế độ độc tài trong việc cung cấp dịch vụ công cộng. Và các quốc gia chuyển tiếp sang chế độ dân chủ sẽ thấy mình tiến bộ ngay lập tức. Một Trung Quốc dân chủ có thể sẽ không làm tốt hơn cho Trung Quốc về mức phát triển tính theo GDP như hiện nay, nhưng chắc chắn sẽ làm cho mức phát triển đó toàn diện hơn và đồng đều hơn.
Những lợi ích không chỉ đến với chính phủ và một số ít những nhà tư bản thân thuộc mà sẽ đến với tất cả mọi người bởi vì một chế độ dân chủ hoạt động vững vàng sẽ đem lại thành quả tốt đẹp cho tất cả mọi thành phần dân chúng.
Tập Cận Bình muốn được coi là “Truyền Nhân” của Đặng Tiểu Bình. Tập không ngớt ca ngợi Đặng là người đã thay đổi “dòng chảy của lịch sử nhân loại”. Theo cách suy nghĩ này thì có lẽ Tập đang ấp ủ tham vọng trở thành một lãnh tụ có tầm cỡ để được nhân dân Trung Quốc xếp vào bộ ba Mao-Đặng-Tập. Muốn được như thế ngoài việc thắng lợi trong chiến tranh chống tham nhũng, Tập còn phải mang lại cho nhân dân Trung Hoa một nền dân chủ mà toàn dân đang mong đợi.
Nguyễn Cao Quyền
Tháng 9 năm 2014