Tưởng nhớ Gheorghiu (22/6/1992—22/6/2015)
Đọc Lại Giờ Thứ Hai Mươi Lăm
1. TIỂU SỬ, VĂN NGHIỆP
Tưởng nhớ nhà văn nổi tiếng Lỗ Ma Ni Constantin Virgil Gheorghiu lìa trần tại Paris tháng 6 -1992, chúng ta cùng đọc lại tác phẩm đầu tay tuyệt diệu của ông: Giờ Thứ Hai Mươi Lăm xuất bản năm 1949, dầy khoảng 450 trang. Đó là cuốn sách bán chạy nhất Âu châu sau Thế chiến thứ hai, ngay vài tuần lễ đầu đã bán được hơn nửa triệu cuốn, đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới. Truyện cũng đã một thời làm say mê cả một lớp thế hệ Sài Gòn năm xưa thập niên 50, 60, độc giả miền Nam xa xưa đã thấy trong tác phẩm không khí của thời binh đao khói lửa và thân phận bi thảm của con người thời chiến, nó rất gần với hoàn cảnh đất nước ta thời ấy. Cuốn sách đã khiến cho người Tây phương vô cùng xúc động hãi hùng về những tội ác rùng rợn của quân Nga gây ra khi họ tràn sang xâm chiếm Đông Âu.
Gheorghiu sinh ngày 15-9-1916 tại Moldavie, Bắc Lỗ Ma Ni (Roumanie) mất ngày 22-6-1992 tại Paris. Ông Học trung học từ 1928-1936, sau đó học thần học và triết học tại đại học Bucharest và Heidelberg (Đức), năm 1939 lấy vợ là nữ sĩ, năm 1942, 43 hai vợ chồng phục vụ tại Bộ ngoại giao Roumanie ở Zagred, xứ Croatie, phía Bắc Nam Tư. Khi quân Nga xâm chiếm đất nước ông ngày 23-8-1944, Gheorghiu và vợ lưu vong. Thế chiến Thứ Hai kết thúc ông và vợ bị người Mỹ giam giữ năm 1945 mỗi người một nơi lý do kẻ thù của Nga cũng là kẻ địch của Mỹ vì Mỹ và Nga là đồng minh. Hai năm sau 1947 mới được thả ra, hai vợ chồng đoàn tụ tại Heidelberg Đức quốc. Không thể sống tại Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp. Trong thời gian ở tù ông viết cuốn Ora 25 bằng tiếng Lỗ Ma Ni, năm 1949 cho dịch ra tiếng Pháp lấy tên La Vingt-cinquième heure (Giờ Thứ Hai Mươi Lăm) rồi xuất bản tại Paris, được nhà văn, triết gia Gabriel Marcel viết tựa giới thiệu và nổi tiếng ngay.
Những truyện của Gheorghiu viết sau 1949 có khoảng hơn 10 tác phẩm được người đọc đón nhận, trong đó nhiều cuốn có giá trị văn chương cao, nhưng về sau ông chống đối Cộng Sản Nga cực đoan, đưa chính trị vào văn chương nhiều nên ít được chú ý. Một số tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Tôi xin giới thiệu một số truyện hay tiếp theo cuốn đầu tay của Gheorghiu, tác phẩm của ông không dài lắm, riêng hai cuốn đầu dầy gần 500 trang, những cuốn sau đó chỉ vào khoảng trên dưới 200 trang.
Năm 1952, ông viết La Seconde Chance, dầy hơn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm một chút, đã được Hằng Hà Sa, Bích Ty dịch ra tiếng (Việt Lối Thoát Cuối Cùng) thập niên 50, 60, bản tiếng Việt rất lưu loát bay bướm không thua gì bản chính tiếng Pháp. Truyện không có trọng tâm như cuốn La Vingt-cinquième heure có nghĩa là nhiều nhân vật nhưng vai chính không nổi bật. La Seconde Chance không nổi tiếng như cuốn đầu tay Giờ Thứ Hai Mươi Lăm nhưng có phần lôi cuốn hơn, đây cũng là một trong những truyện hay nhất của tác giả về thảm kịch thời hậu chiến. Nội dung toát ra bầu không khí kinh hoàng bao trùm lên thân phận của những người tỵ nạn Do Thái trốn tránh phát xít sang Sô Viết bị ngược đãi tàn nhẫn, những cảnh trồng cây trên xác chết tại sa mạc trong vùng Sô viết, cảnh phát xít bách hại người Do thái trong lò sát sinh… y như trong cơn ác mộng. Gheorghiu bị ám ảnh bởi nỗi hãi hùng Sô viết, nó cũng chính là nỗi kinh hoàng của khối Đông Âu khởi đầu từ những ngày tàn của cuộc Thế chiến.
L’Homme qui voyagea seul, Người Lữ Khách Cô Đơn viết năm 1954 dầy hơn 200 trang thể hiện tâm trạng u uất cay đắng của tác giả khi bị người ta kết án là bênh vực cho phát xít, bênh vực cho kẻ thù. Ông nói kẻ thù của các anh chứ không phải của tôi, người Đức đã giúp chúng tôi chống lại bọn Sô viết xâm lược dầy xéo đất nước tôi.
Đông Âu đã bị làm vật hy sinh, về điểm này trong bộ Lịch sử Thế chiến Thứ hai (Histoire de la seconde guerre mondiale) cho biết sở dĩ Mỹ nhường Đông Âu cho Nga để nhờ Nga phụ một tay đánh quân Nhật ở Á Châu khi mặt trận Âu châu kết thúc vì Nhật còn 5 triệu quân, cuộc chiến có thể kéo dài khoảng hai năm nữa. Truyện thể hiện nỗi niềm cay đắng của các dân tộc nhược tiểu, không tự quyết định số phận của mình mà phó thác cho sự mua bán đổi chác của các siêu cường.
Năm 1960 ông viết La Cravache, Chiếc Roi Ngựa, truyện dầy gần 200 trang. Người đọc có cảm tưởng như cốt truyện diễn ra trong khoảng ba bốn năm trời dài đằng đẵng nhưng đến khi kết thúc mới biết tất cả chỉ sẩy ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Gheorghiu như muốn cho độc giả thấy thiên tài vượt bực có một không hai của mình. Đó là ngày 23-8-1944, ngày dài nhất của lịch sử nước Lỗ Ma Ni khi xích sắt của xe tăng Nga tràn qua nghiền nát quê hương Gheroghiu mang theo biết bao tội ác dã man, ngày kinh hoàng nhất của lịch sử đất nước ông trong cảnh hoang tàn cướp bóc, bắn giết, hãm hiếp man rợ … của quân xâm lược diễn ra khắp nơi khởi đầu cho 45 năm nô lệ của người dân nước Lỗ.
Năm 1958 Gheorghiu viết Les Mendiants de miracles, Những Kẻ Ăn Mày Phép Lạ, khoảng 200 trang, bối cảnh Phi châu, tác giả luận về chính trị nhiều.
2. LUẬN ĐỀ TÁC PHẨM
Những truyện kế tiếp của Gheorghiu, mặc dù nhiều cuốn có nội dung sâu sắc, lôi cuốn kỳ diệu nhưng vẫn không thể làm lu mờ được tác phẩm đầu tay, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm vẫn là tác phẩm tiêu biểu của Gheorghiu. Đây là cuốn tiểu thuyết luận đề, Gheorghiu với tư cách nhân chứng của thời đại cho rằng nền văn minh máy móc đã hủy hoại nhân phẩm, giá trị con người xuống hàng số không. Tác phẩm đầu tay của ông cũng thể hiện phần nào cuộc đời mình, trong đó nhân vật Traian, văn sĩ người viết cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm là hình ảnh của C.V. Gheorghiu.
“Tại ngôi làng Fantana hiền hòa xứ Roumanie, Moritz, chàng nông dân chất phác có người yêu Suzanna, con gái một địa chủ giầu có tàn ác, không được cha chấp nhận cuộc hôn nhân nàng đã trốn theo Moritz. Anh nhờ Traian, văn sĩ, con mục sư Koruga (Chính Thống giáo) giúp đỡ tiền bạc đã mua đất, làm nhà, có hai con, Traian đang viết dở cuốn sách lấy tên Giờ Thứ Hai Mươi Lăm. Gia đình yên ấm, sóng gió bỗng dưng nổi lên, gia đình ly tán. Tên trưởng đồn cảnh binh làng Fantana muốn trăng hoa cô vợ trẻ Suzanna bèn làm giấy đưa Moritz đi đào kênh phòng thủ để hắn ở nhà dụ dỗ nàng. Một sự xui xẻo, ở trại tập trung người ta ghi nhầm anh là gốc Do thái, thế là chàng không hy vọng ngày về. Ở nhà Suzanna phải làm giấy ly dị để giữ căn nhà, nàng vẫn chờ đợi Moritz.
Chàng được đưa tới trại khác, tại đây một ông bác sĩ cùng năm người Do thái hối lộ trưởng trại để trốn qua Hung gia Lợi. Bác sĩ cho Moritz theo để khiêng đồ dùm ông. Mục sư và con trai Traian lo khiếu nại cho Moritz nhưng không có kết quả. Eleonora, người yêu của Traian gốc Do thái vội kết hôn với chàng để có chỗ tựa vì chàng người nước Lỗ.
Sau khi sang Hung, ông bác sĩ và năm người bạn Do thái được giúp đỡ làm giấy tờ qua Mỹ tỵ nạn, Moritz ở lại bị công an bắt dọc đường về bót điều tra, họ nghi chàng được đưa sang Hung làm tình báo gián điệp rồi tra tấn dã man anh đến ngất xỉu, Moritz khai thật nhưng họ không tin vẫn đánh đập chàng hết ngày này sang ngày khác. Đức quốc xã ép Hung giao năm chục ngàn người sang làm nhân công, chính phủ Hung lựa người Do thái, bọn tù, tội phạm để giao cho Đức. Moritz được người Hung thả ra rồi đưa sang Đức làm lao nô, các nước khác cũng phải giao người cho Đức, giá trị con người không còn nữa.
Quân Nga chiếm Roumanie, đàn bà bị hãm hiếp, đàn ông bị bắt bớ đánh đập, bị bắn chết, nhiều người trốn vào rừng kháng chiến. Quân Nga lập tòa án nhân dân xử tử khoảng mười người gồm mục sư Koruga, quản đồn cảnh binh, tám người nhà giầu… Mẹ Moritz và vợ chàng Suzanna vô rừng tìm xác mục sư, ông chưa chết, được hai mẹ con bà cứu giao cho quân Đức đi ngang qua chở về Đức. Mẹ Moritz bị quân Nga giết vì cứu mục sư, Suzanna bế con bỏ làng trốn.
Quân Nga tiến vào Đức, cha Suzanna nay là sĩ quan Đức lại nhà Hilda (vợ thứ hai Moritz) cạo râu, thay quân phục chào quốc trưởng rồi tự sát, Hilda theo lời dặn của ông tưới săng đốt xác ông nhưng nàng và con bị chết cháy theo. Traian (con mục sư Koruga) và vợ đi bộ 200 dặm để tới tỉnh Weimar thuộc Mỹ nhưng bị bắt giam vì là dân nước nghịch Roumanie. Traian được chở tới trại giam thuộc khu do Mỹ kiểm soát, trại tù này nằm giữa cánh đồng, chứa mười lăm ngàn người (15,000) tại đây chàng gặp lai Moritz, mặc dù đã cứu được năm người tù binh, họ vẫn không tin anh và giam anh lại, Moritz đã bị lưu đầy trong 14 trại giam.
Traian tuyệt thực phản đối trưởng trại cho mang xác mục sư Koruga mà không cho anh theo dự để xem ông có được làm phép theo Chính thống giáo không. Phóng viên Mỹ đến thăm, họ đưa Traian đi nơi khác để che dấu vì chàng sẽ nói sự thật. Tù nhân chết đói hàng ngày. Traian tuyệt thực, họ đưa anh vào nhà thương điên, anh làm nhiều đơn từ họ không xét, Train chống lại nền văn minh máy móc, nó tiêu diệt con người, rồi chàng được thả ra khỏi nhà thương điên. Traian cho Moritz cái tẩu thuốc và đưa đôi kính đeo mắt cho Moritz nhờ anh sau này trao cho vợ chàng tức Eleonora. Traian thản nhiên đi ra cổng chính, càng ngày càng gần hàng rào kẽm gai, bọn tù hồi hộp theo dõi, người lính gác bấm cò hai lần, phát thứ hai khiến Traian ngã gục, chàng đi tìm cái chết.
Bốn ngày sau Traian chết, Moritz nhận được thư của Suzanna, nàng kể lại những ngày gian truân, bị quân Nga hãm hiếp nhiều phen, có đứa con với chúng, nàng xin tha thứ. Moritz được gọi đi Nuremberg xét xử, cuối cùng được thả về xum họp với Suzanna, Moritz cũng gặp lại vợ Traian Eleonora, anh trao cho chị ta kính đeo mắt của Traian”.
Giờ Thứ Hai Mươi Lăm là cuốn tiểu thuyết luận đề thể hiện niềm sợ hãi sự diệt vong của loài người, hậu quả do xã hội kỹ thuật máy móc mang lại. Một xã hội máy móc, tôn sùng kỹ thuật có nguy cơ tận diệt nhân loại. Moritz, Traian, Koruga.. những nạn nhân của xã hội máy móc, những con người vô tội nhưng đã phải cam chịu nhiều oan khiên đầy đọa vô cớ, nhất là Moritz, người thể hiện thân phận bi đát nhất của thời đại máy móc mà giá trị con người đã xuống thấp đến chỗ không còn gì cả. Một nông dân chất phác, hiền lành hoàn toàn vô tội bị kẻ gian hãm hại, đi đào kênh. Moritz bị ghi nhầm là Do thái trong danh sách đưa tới gia đình tan nát, trốn sang Hung bị công an tra tấn dã man vì tình nghi làm gián điệp, bị bán cho phát xít Đức, được chúng cho vào lính, coi tù rồi cứu được năm người tù binh Pháp nhưng vẫn bị Mỹ giam cầm hết trại tù này sang trại tù khác. Khi chiến tranh chấm dứt, anh chỉ thấy toàn là trại giam, những hàng rào kẽm gai…
Hậu quả của văn minh máy móc là sự tiêu diệt xã hội loài người, đó là ngày tận thế, Giờ thứ hai mươi lăm. Nhân vật Traian trong truyện, người viết cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm, cho biết đó là giờ mà mọi cấp cứu đều vô vọng, dù Chúa cứu thế ra đời cũng không không thể cứu vãn được, đó không phải là giờ chót mà giờ kế sau giờ cuối cùng. Giờ của xã hội, văn minh Tây phương.
Theo Gheroghiu văn hóa Tây phương không còn quí trọng con người sẽ bị diệt vong, xã hội kỹ thuật khinh rẻ con người khiến giá trị con người ngày càng giảm nhất là tại Nga, con người còn rẻ hơn nữa. Moritz đã bị Hung Gia Lợi bán cho Đức quốc xã làm nô lệ đổi lấy một thùng đạn, khi ấy Moritz nghĩ mình sẽ làm nô lệ suốt đời. Sang Đức làm lao nô trong một nhà máy sản xuất quốc phòng, Moritz được người ta nói máy móc là một người thợ hoàn hảo nhất, ta phải học nó để làm việc, nó dậy ta kỷ luật, trật tự, sự hoàn chỉnh… Moritz sợ máy móc và sợ những con người giống máy móc, văn sĩ Traian nói với vợ:
“Tây phương tạo lên một xã hội giống như cái máy và con người sống trong xã hội phải thích ứng theo luật lệ của máy móc, họ tưởng là thành công nhưng thực ra đã giết lần mòn con người khi họ buộc con người phải theo những luật lệ đã chi phối cái ô tô, đồng hồ, đối với xã hội kỹ thuật, con người coi như không có”.
Hai chục ngàn tù nhân bị giam theo thủ tục phòng hờ, khi cần một phạm nhân chỉ cần bấm số là ra ngay, khỏi phải chạy tìm kiếm mất thì giờ, con người đã ở trong guồng máy phải chờ giống như một sợi chỉ đã luồn trong máy dệt không thể lấy ra được mà phải chờ khi nó ra khuôn. Tù nhân bị giam giữ vô cớ hết năm này sang năm khác không còn tin tưởng vào công lý loài người, nó đã biến mất trên thế gian này.
Tâm tư của nhân vật Traian thể hiện luận đề của tác phẩm, chàng chính là hình ảnh của tác giả Gheorghiu. Traian nói xã hội kỹ thuật Tây phương không còn hợp với đời sống cá nhân vì nó bóp chết con người, loài người sẽ phạm tội nặng, xã hội ấy sẽ bị diệt vong như bao xã hội khác trong lịch sử. Xã hội Tây phương hy sinh con người cho lý thuyết, cho kế hoạch đã tiêu diệt con người, nó tìm hiểu và nâng cao đời sống con người bằng những con số toán học và thống kê. Các luật lệ máy móc, hoạt động của cơ giới không bao giờ tạo được ý nghĩa cho đời sống con người khi ấy đời sống con người sẽ tiêu vong.
Và rồi Traian đi tìm cái chết, người ta cho anh chỉ là người điên quẫn chí, nhưng anh đã phản kháng lại nền văn minh máy móc và đem xác thân ra để đòi công bằng công lý cho cá nhân mình, cho Moritz cũng như cho hàng vạn người bị giam cầm oan uổng. Họ đã là nạn nhân của một nền văn minh chỉ biết coi con người như những con số, đã đưa giá trị con người xuống hàng số không.
3. CƠN ÁC MỘNG SÔ VIẾT
Một khía cạnh bi đát thứ hai của thân phận con người thời chiến tranh máy móc được Gheorghiu diễn tả một cách chân thực nhất, nó đã khiến cho thế giới Tây phương thời hậu chiến vô cùng sững sờ kinh ngạc trước sự tàn bạo dã man của Hồng quân Sô viết khi họ tràn qua làm cỏ Đông Âu.
Cộng quân đi tới đâu người dân bỏ chạy đến đấy, họ đều chạy trối chết để xa lánh bọn Sô viết ác ôn để sang phía Mỹ, phía Anh hay Pháp. Họ không nghĩ đi đường nào mà chỉ nhắm mắt chạy trốn Hồng quân, trốn sự tàn bạo dã man, khủng bố giết chóc tra tấn của chúng. Họ nhắm hướng nào không có quân Nga và nhắm mắt chạy về hướng ấy không bao giờ quay gót trở lại vì phía sau lưng họ chỉ toàn là cảnh tối đen và đẫm máu, sau lưng họ là chém giết, họ ôm chầm lấy vùng đất không còn bóng dáng quân Nga. Những người tỵ nạn không cần biết đó là nơi nào miễn là chạy thoát khỏi tay bọn sát nhân Sô viết.
… Suzanna nói chắc anh tưởng em đã chết, đã chín năm trôi qua chúng ta không có tin tức nhau nay nhờ Hội Hồng thập tự em bèn gửi thư cho anh, lòng em bao giờ cũng nghĩ anh vẫn còn sống, em xin cầu nguyện Đấng thiêng liêng che chở phù hộ cho anh vì anh chưa làm gì nên tội.
Nàng kể tiếp, khi quân Nga đến chúng bắn mục sư Koruga và mấy người khác, em và mẹ anh đã lôi mục sư ra đường, ngài chưa chết, em và mẹ đã giao cho đoàn xe nhà binh Đức chở ngài đi. Hôm sau mẹ bị bọn tay sai Nga bắn chết vì cứu mục sư, em phải dẫn con trốn khỏi làng sợ chúng giết, em chạy xa đến tận nước Đức. Quân Nga bắt được em, chúng cho các con bánh mì, kẹo và quần áo, bốn ngày sau em bị bệnh thì một bọn lính Nga tông cửa vào nhà tìm đàn bà con gái, chúng bắt em và cô con ông chủ nhà mới mười bốn tuổi, chúng bắt tụi em uống rượu và cưỡng hiếp chúng em cho đến sang’.
… em kể lại cho anh nghe chuyện ấy vì em không muốn dấu anh điều gì, em ngất xỉu khi tỉnh dậy thì các con khóc như ri, đêm sau bọn lính trở lại hãm hiếp chúng em. Hôm sau em trốn xuống hầm nhưng chúng cũng tìm được và lại làm chuyện tồi bại như mọi khi, hai tuần liên tiếp dù trốn ngoài vườn, bên những nhà lân cận chúng cũng đều tìm được em và cưỡng hiếp em trước mắt các con. Em định tự tử cho xong nhưng nghĩ tới các con, nếu em chết chúng sẽ bơ vơ xứ lạ nên bỏ ý định quyên sinh nhưng khi ấy em tự coi như đã chết rồi.
Suzanna kể tiếp … em phải lánh xa quân Nga, chạy trốn về vùng chiếm đóng của quân Anh hay Mỹ nhưng dọc đường quân Nga bắt được em nhiều lần, hãm hiếp em trước mắt trẻ con, đàn bà con gái nào bị chúng bắt được đều chịu chung số phận. Trước khi vào được vùng do Anh kiểm soát bọn Nga giữ em lại ba ngày và hãm hiếp em ngày đêm, lần chót này em có thai với chúng nay đã năm tháng .
Chuyện lính Nga hãm hiếp đàn bà dã man tại các nước Đông Âu nay cũng chẳng xa lạ gì, khoảng 10 năm trước đây, phim ảnh, sách báo đã tố cáo năm 1945 có tới hai triệu phụ nữ Đức bị quân Nga hãm hiếp nhưng bức thư của Suzanna vẫn gây xúc động hơn bao giờ hết, sau thế chiến nó đã khiến Tây phương vô cùng kinh ngạc, họ không ngờ quân Nga dã man đến thế.
4. KẾT LUẬN
Tác giả có cảm tình với Đông phương, ông nói xã hội kỹ thuật Tây phương tạo được tiện nghi cho con người nhưng không tạo được linh hồn trí óc. Khi xã hội kỹ thuật sụp đổ, những giá trị nhân bản sẽ được tái sinh, ánh sáng sẽ rọi từ Đông phương, từ Á châu, họ sẽ thu phục làm chủ xã hội kỹ thuật nhưng không làm nô lệ máy móc và tôn thờ nó như ở Tây phương. Họ sẽ làm chủ máy móc bằng trí khôn của họ như một người nhạc trưởng. Mục sư Koruga kể cho viên sĩ quan Mỹ nghe một đoạn ngắn trong Lão Tử Đạo Đức kinh (chương 31) để diễn tả tinh thần nhân bản của Đông phương:
“Thắng cũng chẳng hay gì. Dù có hay đi nữa. Chỉ là thích chém giết. Kẻ ham chém giết. Ắt chẳng thu phục nhân tâm.
(Nguyên văn: Thắng nhi bất mỹ. Nhi mỹ chi giả. Thị lạc sát nhân. Phù lạc sát nhân giả. Tắc bất khả dĩ đắc chí ư thiên hạ hĩ)”
Quân Nga đã gần tới, người sĩ quan Đức thất trận, cạo nhẵn râu ria, mặc quân phục mới chỉnh tề, đeo huy chương đầy ngực, dơ tay chào Quốc trưởng rồi tự sát, ông đã làm xong nhiệm vụ cuối cùng của đời mình. Hình ảnh anh hùng và quá đẹp của một sĩ quan Quốc xã lúc thất trận cho thấy Gheorghiu có cảm tình với họ, đó cũng là điểm khiến tác giả bị người ta chỉ trích ông thân phát xít. Nhân vật của Gheroghiu ở đây có tính biểu tượng hơn là hiện thực, để diễn tả luận đề về thân phận bi đát của con người ở nhiều chỗ độc giả thấy nó gượng ép mất tự nhiên: Lưu lạc bao nhiêu năm tại nhiều nước cuối cùng Moritz, mục sư Koruga, văn sĩ Traian.. lại gặp nhau trong trại giam của Mỹ tại Đức.. cuối truyện Moritz gặp lại Eleonora, vợ Traian và trao lại cho bà chiếc kính đeo mắt của chồng.
Dù vậy Giờ Thứ Hai Mươi Lăm vẫn là cuốn tiểu thuyết diễn tả được thân phận bi thảm nhất của con người trong một nền văn minh kỹ thuật thời chinh chiến. Bi kịch lại được kết thúc hạnh phúc (happy – ending), Suzanna mười mấy năm chung thủy chờ chồng, trong ngày hội ngộ, Suzanna mặc chiếc áo dài xanh mà nàng đã mặc mười ba năm trước khi bỏ nhà trốn theo Moritz. Chiếc áo này nàng đã mang trên người mấy tuần khi hai người yêu đương hạnh phúc bên nhau với mối tình đẹp đẽ trong đời. Chiếc áo này vợ chồng nàng rất thích và cho là đẹp nhất, Suzanna đã cất dấu nó mười mấy năm qua, đi đâu nàng cũng mang nó theo bên mình. Nàng thề khi nào chàng về tới cửa mới đem áo xanh ra mặc, nàng mòn mỏi chờ chồng mười mấy năm đằng đẵng nay mới đem ra mặc để kỷ niệm những ngày đầu tiên của đời phu thê. Moritz thấy nàng không thay đổi nhiều, da nàng có nhăn, tóc đã bạc mầu nhưng nàng vẫn như xưa, vẫn như trong cuộc tình nồng thắm bên đồng cỏ làng Fantana khi họ còn son trẻ.
Nghệ thuật của Gheorghiu cho tới nay vẫn còn mới lạ, những hình ảnh biểu tượng của ông đã diễn tả một cách hiện thực nhất, bi đát nhất tình trạng hãi hùng bên bờ vực thẳm mà loài người đang vươn tới. Giờ Thứ Hai Mươi Lăm nay đã thành một từ quen thuộc, được nghe nhắc đến rất nhiều, người ta thường hiểu đó là những giờ phút cuối cùng nhưng theo ý nghĩa của luận đề trong tác phẩm nó là giờ sau giờ chót, giờ tận thế mà con người đang tiến đến.
Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua, Giờ Thứ Hai Mươi Lăm vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất, hàng trăm năm mới có tác phẩm hay như vậy
Trọng Đạt
One Comment
Hà Tuấn
Cám ơn tác giả Trọng Đạt đã viết rất hay về Ghorghiu trong cuốn Giờ thứ 25.
Tôi cảm khái nhất mấy dòng cuối trong cuốn sách khi được chụp ảnh, lính Mỹ nhắc chàng Moritz : “Keep smiling!”
Cười sao nổi khi cuộc đời lênh đênh qua nghịch cảnh, qua 14 trại giam!!!