Tình hữu nghị giữa Israel với Hoa Kỳ tuy không có “16 chữ vàng” thề ước như giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng chắc chắn còn thắm thiết hơn. Vậy mà, trong khi chế độ Cộng Sản ở Việt Nam lúc nào cũng sợ hãi, tránh né không dám nói một câu sợ có thể làm mất lòng Trung Cộng, thì mối bang giao giữa hai nước Mỹ và Israel vừa mới trải qua nhiều cuộc đụng độ công khai, có thể gọi là “lăng nhục” lẫn nhau. Bởi vì Israel là một đồng minh của nước Mỹ, nhưng quốc gia nhỏ bé hơn 7 triệu dân này nhất định không chịu đóng vai một chư hầu.
Giữa Tháng Ba 2010, đúng lúc Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Jerusalem, chính phủ Israel công bố một chương trình xây thêm 1,600 đơn vị gia cư cho một nơi định cư mới của người Do Thái tại miền Ðông Jerusalem, xây giữa một khu sinh sống của người Á rập. Ông Biden phản đối ngay là khu định cư mới này gây trở ngại cho hòa bình. Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố hành động của Israel có tính cách cố tình hạ nhục (insult) chính phủ Mỹ. Ít khi có một nhân viên chính phủ Mỹ nói những lời lẽ nặng nề như vậy với một chính phủ Israel.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu lập tức ngỏ lời xin lỗi phó tổng thống Mỹ, đổ tội cho ông bộ trưởng nội vụ công bố không đúng lúc, và không hỏi ý chính phủ. Nhưng ông Netanyahu nói ông vẫn tiếp tục khu định cư mới chứ không chịu bỏ, Mỹ thích hay không cũng mặc.
Sau đó, Tổng Thống Barack Obama muốn làm giảm bớt căng thẳng, tuyên bố mối bang giao giữa hai nước vẫn bền chặt không thay đổi vì biến cố trên. Nhưng ông Netanyahu lại đổ thêm dầu vào lửa, một tuần sau, khi ông bay sang Washington theo lời mời của Hội AIPAC, một tổ chức lớn của người gốc Do Thái ở Mỹ, vẫn giúp vận động cho chính phủ Israel.
Tại sao chính phủ Mỹ lại tỏ ra giận dữ khi Israel xây khu định cư mới? Vì mới Tháng Sáu năm ngoái, Tổng Thống Obama đã tới Ai Cập nêu lên một chương trình tìm kiếm hòa bình ở vùng Trung Ðông, trong đó một mấu chốt là phải giải quyết những xung đột còn lại giữa nước Israel và người Palestine. Một trong những điều kiện để Israel và Palestine có thể ngồi xuống nói chuyện hòa bình lâu dài, ông Obama nói, là chính phủ Israel phải ngưng không lập thêm những khu định cư mới trên các vùng đất mà họ chiếm đóng từ năm 1967, đặc biệt là tại phía Ðông Jerusalem.
Từ khi nước Israel tự thành lập năm 1947, hàng triệu người Palestine thuộc giống dân Á rập đã phải di cư và cho tới nay vẫn chưa thành lập được một quốc gia của họ; trong khi chính phủ các nước Á rập chung quanh thì không công nhận quốc gia Israel. Iran, một nước Hồi Giáo không thuộc giống Á rập thì vẫn chủ trương phải xóa bỏ quốc gia Israel. Liên Hiệp Quốc và các nước lớn đều đồng ý miền đất này phải lập ra hai quốc gia riêng biệt, Israel cho người Do Thái và Palestine cho người Á rập.
Từ năm 1967, Israel đã chiếm đóng một phần lớn đất đai của các nước Á rập chung quanh, kể cả phía Ðông của thành phố Jerusalem trước thuộc nước Jordan. Các chính phủ Israel sau đó đã cho người Do Thái tới định cư ở các nơi trong vùng đất chiếm đóng, để đặt ra một tình trạng đã rồi trước khi có những thỏa hiệp phân chia địa giới tạo hòa bình lâu dài. Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã làm nghị quyết yêu cầu Israel ngưng hành động trái với luật pháp quốc tế này, nhưng các chính phủ Israel thường làm ngơ. Jerusalem là một trường hợp đặc biệt. Ðây là vùng thánh địa của ba tôn giáo lớn: Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, và Hồi Giáo. Chính phủ Israel đã thiết lập thủ đô tại Jerusalem nhưng nhiều nước không công nhận. Các chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc đều chủ trương quy chế của thành phố thánh địa này phải được một hội nghị quốc tế thảo luận.
Chính vì vậy, việc chính phủ Netanyahu công bố xây thêm 1,600 đơn vị nhà ở được coi là một hành động khiêu khích. Việc xây khu định cư này có tính cách thách đố đối với chính phủ Mỹ. Công bố chương trình đó đúng lúc ông phó tổng thống Mỹ sang Jerusalem để làm trung gian hòa bình, phải coi đó là một hành động chứng tỏ chính phủ Israel bất chấp ý kiến của chính phủ nước đồng minh thân thiết nhất của họ. Nhiều tờ báo ở Israel giải thích hành động trên là do chính phủ Netanyahu bắt đầu coi thường chính quyền Obama, khi thấy ông Obama đang thất thế. Lúc đó, đảng Dân Chủ vừa mới mất một ghế nghị sĩ và mất ưu thế 60 phiếu ở Thượng Viện. Dự luật Cải tổ Y tế coi như sắp chết yểu. Uy tín của ông tổng thống Mỹ đang xuống, nhiều đại biểu Quốc Hội đảng Dân Chủ đang lo sẽ thất cử năm nay. Tại thủ đô Israel người ta đang chờ ông Obama sẽ trở thành một “Carter thứ hai,” một vị tổng thống Dân Chủ thất bại và chỉ nắm quyền một nhiệm kỳ.
Cho nên, ông Netanyahu đã tìm cơ hội, trong lúc chính phủ Mỹ đang yếu thì cứ “làm tới” để bảo vệ quyền lợi của dân Israel!
Từ khi lập quốc, Israel đã phải đối đầu với hơn 200 triệu người Á rập ở các nước chung quanh. Họ được Mỹ giúp, không có nước Mỹ thì họ chết. Hiện nay mỗi năm nước Mỹ viện trợ Israel trên 3 tỷ Mỹ kim, ngay trong lúc kinh tế Mỹ đang xuống cũng không bỏ được. Cho nên họ phải thỏa hiệp với các chính phủ Mỹ trong bất cứ hành động nào, khi chiến tranh cũng như khi tìm hòa bình. Nhưng các chính phủ Israel không bao giờ theo đúng các kế hoạch hòa bình của các chính phủ Mỹ. Họ không thể tin vào người Á rập như các chính phủ Mỹ có thể tin. Nếu chính phủ Mỹ tin, rồi bị lừa, thì sự thiệt hại cho nước Mỹ cũng chỉ thu nhỏ trong một khu vực trên thế giới mà thôi. Ngược lại, nếu Israel cũng tin, rồi bị lừa, thì có thể mất nước! Người Việt Nam đã có kinh nghiệm này, hồi trước năm 1975. Mỹ có thể tin lời hứa của những Lê Ðức Thọ, Nguyễn Thị Bình; sau đó có bị Việt Cộng lừa thì nước Mỹ cũng chỉ cần đợi mấy chục năm sẽ trở lại Việt Nam và được Việt Cộng hoan nghênh hơn cả Việt Nam Cộng Hòa thời trước. Nhưng những người Việt dân chủ tự do thì nếu bị lừa là mất tất cả! Nước Israel không muốn lâm vào tình trạng đó! Mặt khác, họ biết các chính phủ Mỹ, dù thuộc đảng nào, cũng vẫn phải là đồng minh của Israel.
Cho nên, bất cứ khi nào có thể làm được là chính phủ Israel lại đi chệch ngoài con đường của Mỹ, để tự lo lấy thân mình. Ðối với quốc gia Israel, gài được thêm một khu định cư mới nào vào vùng đất người Á rập sinh sống, là lấn được một bước mới. Vì khuynh hướng của Liên Hiệp Quốc là chia Jerusalem làm đôi, nửa phía Ðông sẽ cho người Á rập dùng làm thủ đô, phía Tây cho Israel, còn một vùng nhiều thánh tích sẽ được quốc tế hóa cho tín đồ các tôn giáo tự do tới. Israel thì chủ trương tất cả Jerusalem sẽ là thủ đô của nước họ. Cho nên càng nhiều người Israel sinh sống, định cư ở Ðông Jerusalem càng có lợi cho Israel. Lập thêm một khu định cư, cũng có thể dùng như một quân cờ để mặc cả với các nước Á rập (và với Mỹ) sau này trong các cuộc thương thuyết. Cho nên, khi tới Washington D.C. tuần trước, Thủ Tướng Netanyahu đã nói trước hội AIPAC rằng: “Jerusalem không phải là một khu định cư. Ðó là thủ đô của chúng ta từ 3000 năm trước!” Tuyên bố như trên, ở giữa thủ đô nước Mỹ! Ngay sau khi ngoại trưởng Mỹ đã lên tiếng cho là chính phủ Israel đã “hạ nhục” nước Mỹ trong hành động công bố việc lập thêm khu định cư! Ông Netanyahu quả thật đã đánh một nước bài táo bạo!
Hậu quả đầu tiên là ông Obama trả đũa. Tổng thống Mỹ đã tiếp thủ tướng Israel tại Tòa Bạch Ốc, nhưng không cho chụp hình. Cũng không có họp báo chung, không có thông cáo chung, không một bản tin nào được phát ra. Chưa một vị thủ tướng nước nào tới Tòa Bạch Ốc mà lại được ông tổng thống Mỹ tiếp đãi như vậy. Gặp nhau 90 phút, chắc không ai nhượng bộ ai, ông Obama đã rút khỏi phòng bầu dục, trở về nhà ăn cơm tối một mình! Ông Netanyahu được đưa vào một phòng khác, họp riêng với các cố vấn. Hơn 80 phút sau, ông Netanyahu xin được gặp lại, ông Obama tiếp, thêm 35 phút nữa; nhưng cũng không có kết quả nào!
Phe của Thủ Tướng Netanyahu ở Israel, và những người ủng hộ ông ở Mỹ, đã ào ào phản đối ông Barack Obama, coi là ông đã “cố tình hạ nhục” vị thủ tướng của một nước đồng minh của Mỹ. Phe đối lập với ông Netanyahu thì coi chính ông thủ tướng mình đã gây sự trước và chỉ làm hại quyền lợi cho quốc gia. Việc ngưng thiết lập các khu định cư mới đã được thỏa hiệp với chính phủ Mỹ tiền nhiệm của Tổng Thống George W. Bush, để tiến tới hòa bình. Chính phủ Netanyahu đã vi phạm thỏa thuận đó, vì tưởng có thể “bắt nạt” được một ông Obama đang yếu. Nhưng sau khi đã ký đạo luật Cải tổ Y tế, sau khi thỏa hiệp được với Nga về giảm vũ khí nguyên tử, thì các chính phủ ngoại quốc rất khó bắt nạt ông Obama!
Những người đối lập với ông Netanyahu coi hành động của tổng thống Mỹ là hợp lý. Nếu muốn đi tới một thỏa hiệp giữa Israel và Palestine thì không có nước Mỹ không được. Mỹ phải đóng vai trò trung gian, nhưng chính phủ Mỹ chỉ được tin cậy trong vai trò này nếu chứng tỏ là không thiên vị. Và phải đủ mạnh để không bị Israel lấn. Mai mốt, nếu chính phủ Mỹ cứng rắn hơn khi yêu cầu phe Palestine phải nhượng bộ, thì ông Obama sẽ lấy câu chuyện tiếp ông Netanyahu ở Tòa Bạch Ốc vừa qua làm một thí dụ cho thấy nước Mỹ không phải lúc nào cũng làm theo ý chính phủ Israel. Phe Palestine sẽ khó từ chối. Quyền lợi của nước Mỹ sẽ chỉ bị hại nếu vấn đề Palestine không được giải quyết. Cuộc xung đột này là một khích động giúp cho các nhóm khủng bố tuyển thêm các thanh niên chống Mỹ ở khắp thế giới Hồi Giáo và Á rập.
Phe đối lập với ông Netanyahu đang hy vọng sẽ thay thế ông trong mùa bầu cử tới. Nhưng chính phủ Mỹ cũng không thể nghĩ rằng người thay thế ông Netanyahu sẽ “dễ bảo” hơn. Israel là một quốc gia có hàng chục đảng chính trị chia ghế trong Quốc Hội, chính phủ bây giờ đang là một chính phủ liên hiệp rất phức tạp và mong manh, có thể tan rã bất cứ lúc nào. Nhưng khi phải đối phó với các nước ngoài, kể cả nước đồng minh số một của họ là Hoa Kỳ, các chính phủ Israel lúc nào cũng bảo vệ quyền lợi quốc gia trước hết. Và lúc nào lấn được chính phủ Mỹ là họ cứ tìm cách lấn, nếu lấn không được sẽ tính lại sau.
Dân chúng và các nhà chính trị Israel không bao giờ chấp nhận vai trò một chư hầu của Mỹ. Ðịa vị Trung Quốc đối với Việt Nam không quan trọng bằng Mỹ đối với Israel. Nhưng không hiểu sao các ông tổng bí thư, chủ tịch, thủ tướng Việt Nam đối với các chính phủ Trung Quốc lại quá ngoan ngoãn! Không biết bao giờ mới có người dám đứng lên như ông Netanyahu?
Ngô Nhân Dụng