Ở Việt Nam, việc kiểm soát an toàn phóng xạ chưa được lưu tâm đúng mức, do đó chưa được đặt trên căn bản tổ chức hoàn chỉnh, đặc biệt là đối với những công nghệ hầm mõ, công nghệ ciment, công nghệ chuyển vận tàu biển, và công nghệ nhà máy lọc dầu. Thậm chí, trong lãnh vực nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm và trong bịnh viện, một số hóa chất chứa đồng vị phóng xạ hay bức xạ dùng để trị liệu cũng không được lưu tâm đến vấn đề an toàn.
Trong quá khứ, vào tháng 10 năm 2002, tại công ty Nhà Máy Tàu biển Hyundi-Vinashin ở Khánh Hòa cũng đã xảy ra thất thoát nguồn phóng xạ gamma có hoạt độ 42,45 mCi. Và tháng 12 năm 2003, Cty cổ phần Ciment Việt Trung, Hà Nam cũng đã đánh mất nguồn phóng xạ Cs- 137 dùng để đo mức xả tự động của lò clinker. Cho đến nay, hai sự thất thoát nầy vẫn chưa có thông tin công bố tìm lại được nguồn phóng xạ trên. Cũng như Cty Ciment Sông Đà vừa treo giải thưởng 10 triệu đồng cho người tìm thấy nguồn phóng xạ bị mất vào ngày 30/7.
Chất phóng xạ
Chất phóng xạ và những tia bức xạ đã hiện hữu trước khi loài người có mặt trên trái đất nầy. Chúng hiện diện trong đất, đá, cây cỏ, không khí qua các tia bức xạ phóng chiếu từ mặt trời. Nồng độ của phóng xạ trong môi trường thay đổi từng vùng địa chất. Phổ biến nhất là các đồng vị phóng xạ Kalium40, Uranium238, Thorium232, và Radium220. Đó là những phóng xạ có trong thiên nhiên. Đó là phóng xạ tự nhiên. Tuy nhiên, trên thế giới qua gần một thế kỷ phát triển công nghệ hạch nhân, chất phóng xạ nhân tạo dược hình thành trong nghiên cứu, chữa trị, và các công nghiệp sản xuất. Đó là những đồng vị phóng xạ của các kim loại như Ceasium, sSrontium, và khí Hydro nặng (H3).
Chất phóng xạ trong thiên nhiên có thể xâm nhập vào con người qua da, hoặc đường tiêu hóa hay hơi thở. Còn phóng xạ nhân tạo xâm nhập vào cơ thể qua các phương cách trị liệu. Sự tác động của phóng xạ vào cơ thể qua nhiều loại bức xạ khác nhau như tia alpha, beta, gamma. Mức tác động của bức xạ lên con người được tính bằng đơn vị mSilvert (hay ký hiệu mSv), hay pico Curie (ký hiệu (pCi).
Theo Ủy ban An toàn Bức xạ Quốc tế, liều lượng giới hạn cho phép được tiếp nhiễm các loại bức xạ trong một năm là 1 mSv; điều đó có nghĩa là trong vòng một năm, mỗi người dân bình thường không nên nhận một liều lượng bức xạ nhân tạo quá 1 mSv. Sở dĩ có mức giới hạn cho phép trên là Ủy ban đã xuyên qua tính xác suất và đưa ra kết luận như sau, nếu có một trịệu người bị chiếu xạ bởi một liều phóng xạ có cường độ 1 mSv thì có 40 người có nguy cơ bị ung thư.
Trong không khí, khí Radon là một đồng vị phóng xạ tự nhiên của chuổi hóa chất Uranium238 như Radon222, và Radon119 đến từ chuổi Uranium235. Radon222 có nguy cơ tiếp nhiễm rất cao, vì thời gian bán hủy của chúng là 3,8 ngày, trong lúc đó, các đồng vị thông thường trong thiên nhiên có thời gian bán hủy chi một vài giây mà thôi. Do đó, Radon 222 là chất phóng xạ có nguy cơ tạo ra ung thư phổi rất cao. Theo tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), nồng độ khí Radon cơ thể chúng ta có thể tiếp xúc trong một năm không quá 2 đến 2,5 pCi. Ngoài ra, Radon còn tìm thấy trong các vật liệu xây dựng có nguồn gốc như đá granite, trong đất sét, các nguyên vật liệu làm nhà cửa lấy từ gốc than đá.
Hiện nay, trên thế giới, có nhiều nơi có mật độ phóng xạ thiên nhiên cao như Ramsar (Iran), Kerale (Ấn Độ), Guarpapi (Brazil), và Yanjang (Trung Quốc). Nhiều nới có độ bức xạ lên đến 130 pCi/năm.
Ở Việt Nam có một số vùng có bức xạ lên đến 4 pCi/năm. Đặv biệt, tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ đã lấy nhiều mẫu đất và đo đạc vào tháng 9 vừa qua, đã khám phá rằng mức phóng xạ là 10,27 mSv/năm, gấp 10 lần mức phóng xạ trung bình mà một người dân bình thường tiếp nahn trong một năm.
Nguy cơ tiếp nhiễm do phóng xạ tự nhiên hay phóng xạ nhân tạo
Việt Nam hiện có Cục Kiểm soát và An toàn Bức xa (KSATBX)ï trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Còn Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ đã được ban hành vào năm 1996. Xuyên qua các tai nạn thất thoát kể trên đây, Cục KSATBX đã gữi công văn cho các Sở KH&CN địa phương yêu cầu kiểm soát nguồn phóng xạ thường gặp trong công tác tháo gở mức xả tự động trong công nghệ ciment. Cục cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nguồn phóng xạ cần phải học tập Pháp lệnh an toàn bức xạ cũng như Nghị định 51 về xử phạt khi vi phạm.
Ngoài ra, vào năm 2006, Cục KSATBX và Viện Battelle Memorial thuộc Cơ quan Quản lý Hạch nhân của Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận hợp tác tham gia “Chương trình giảm thiểu nguy cơ bức xạ toàn cầu”(IRTR). Chương trình có mục đích nhằm giảm thiểu nguy cơ sử dụng nguồn bức xạ gây hại cho sứa khỏe của con người và môi trường.
Đây cũng là một vấn đề thuộc lãnh vực an ninh các nguồn phóng xạ, và hiện nay, được các chuyên gia quốc tế chú ý sau khi phát hiện một số hoạt động khủng bố có ý định sử dụng “bom bẩn”. Những quả bom bẩn nầy được chế từ các nguồn phóng xạ có thể phát tán các bức xạ có thể gây ra tử vong, hoặc ô nhiễm phóng xạ tại các vùng đông dân cư hay khu công nghiệp, hoặc gây nên sự hoảng sợ và bất ổn trong nước.
Theo thỏa thuận trên, Hoa Kỳ qua Bộ Năng lượng sẽ viện trợ kỹ thuật không bồi hoàn cho Việt Nam nhằm tăng cường bảo vệ tại những cơ sở xạ trị, trung tâm chiếu xạ, và cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ. Trước đó, hai bên đã đồng phối hợp tổ chức một buổi hội thảo dưới chủ đề “Bảo vệ thực thể và quản lý an ninh các nguồn phóng xạ”.
Ngoài biện pháp xử lý, kiểm soát, và khám mức ô nhiễm lên môi trường và con người, hiện nay, Bộ KH&CN đang tiến hành tổng kiểm tra công tác quản lý và xử dụng nguồn phóng xạ tại 117 cơ sở sản xuất có nguồn phóng xạ đã đăng ký hay chưa đăng ký, cũng như kiểm soát nguồn phóng xạ trên toàn quốc..
Riêng đối với việc thất thoát hộp phóng xạ của Viện Công nghệ Xạ hiếm vừa qua, Thanh tra Bộ KH&CN vừa quyết định xử phạt 44 triệu đồng VN và thu hồi giấy phép hoạt động bức xạ của Viện kể trên.
Một số đề nghị
Như tất cả chúng ta đều biết, nguy cơ và ảnh hưởng của những chất phóng xạ lên con người xảy ra tùy theo mức độ tiếp nhiễm:
Gọi là cấp tính, nếu con người bị tiếp nhiễm trực tiếp một liều lượng bức xạ cao, có thể gây ra tử vong.
Gọi là mãn tính, tùy theo thời gian bị tiếp nhiễm lâu dài nhiều khi kéo dài hàng chục năm dưới một liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên.
Theo thống kê năm 2004 của Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ hạch nhân, trên toàn quốc có 2000 máy quang tuyến X để dùng chẩn đoán bịnh trong ngành y tế, 14 máy xạ trị Cobalt60, 4 máy gia tốc để tách đồng vị, 524 nguồn xạ trị áp sát các bộ phận trong cơ thể bịnh nhân, và hơn 300 nguồn phóng xạ dùng để kiểm soát trong các công nghệ như than và ciment.
Các số liệu chính xác trên sẽ giúp cho các cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát phẩm chất và số lượng phóng xạ nếu có sự bất trắc xảy ra. Do đó, tình trạng tiếp nhiễm cấp tính khó có cơ hội thành hình ở Việt Nam.
Tuy nhiên, vì trong thiên nhiên và một số vật liệu xây dựng trong nhà ở có chứa một số bức xạ, như gạch men Đà Nẵng, gạch men nâu, đá granite có hàm lượng thay đổi từ 0,6 đến 1,22 mSv/năm. Điều đó có thể gây tác hại cho người sống thường xuyên trong nhà được xây dựng bằng những vật liệu trên.
Thêm nữa, trong môi trường sống của chúng ta hiện tại, có khoảng 80% bức xạ tự nhiên do khí Radon từ thiên nhiên góp phần vào. Do đó, biện pháp an toàn hay nhất là làm thế nào để giảm thiểu tối đa việc tiếp nhiễm trong điều kiện sinh sống hàng ngày, nghĩa là nhà phải thoáng khí để các nguồn phóng xạ không tích tụ nhiều trong nhà.
Và sau cùng, lời khuyên của những chuyên gia quốc tế về an toàn bức xạ hạch nhân là nguyên lý ALARA tức là As Low As Reasonable & Achievable, được tạm dịch là cần phải giảm thiểu càng nhiều càng tốt.
Nhiễm độc phóng xạ ở Việt Nam không còn là một vấn nạn trong phạm vì một nhà máy sản xuất, hay một bịnh viện, hoặc trung tâm nghiên cứu, mà hiện nay nguy cơ nầy có thể lan rộng ra thàng một khu vực rộng lớn một khi nhà máy điện hạch nhân thành hình ở Ninh Thuận cũng như việc khai quật quặng mõ Uranium ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam do Trung Cộng khai thác trở thành hiện thực.
Đây là một cảnh báo quan trọng, mong tất cả các nhà làm khoa học trong và ngoài nước tiếp tục nêu lên những thảm trạng có thể xảy ra qua việc sử dụng nguồn phóng xạ, cũng như khuyến cáo và ngăn chận những đề án trong đó có nguồn phóng xạ góp dự phần vào ngõ hầu giúp đở người dân thấp cổ bé miệng có thể tránh được những tai nạn xảy ra trong một ương lai không xa.
Mai Thanh Truyết
West Covina 6.2010, Đăng lại 3.22.2011 www.vietthuc.org