Trong phê-bình văn-học, bàn về ảnh-hưởng của một nền văn-học này lên trên một nền văn-học khác có thể nói là một trong những vấn-đề nhiêu khê nhất của nhân-loại. Nếu ai cũng biết là văn-học Trung-hoa đã ảnh-hưởng sâu đậm lên văn-học cổ-điển của Việt Nam thì đi vào chi-tiết, rất khó gỡ ra ảnh-hưởng của một tác-phẩm như Kim Vân Kiều truyện của Thanh-tâm Tài-nhân lên Đoạn trường tân-thanh của Nguyễn Du: ảnh-hưởng thì đã rõ nhưng ảnh-hưởng tới đâu thì là cả một vấn-đề. Mà không gỡ được ra điều này, không làm tỏ tường được cái mức ảnh-hưởng của tác-phẩm trước lên trên tác-phẩm sau thì câu chuyện giá-trị và độc-đáo-tính của Nguyễn Du và Truyện Kiều trở nên rất “problématique”. Tương-tự, đề-tài tôi được giao để trình bầy hôm nay cũng không dễ chút nào. Ta vẫn hiểu Tam giáo là Nho, Lão, Phật, nhưng Nho-giáo (hay còn gọi là “Khổng-giáo”) chủ-yếu là một triết-lý xã-hội, liệu có gộp cả triết-lý Âm Dương hay Ngũ Hành hay Dịch-thuyết là những điều sau này được gán ghép vào với Nho-giáo hay không? Thành thử trong một thời-hạn rất eo hẹp, tôi không thể có tham-vọng đi sâu được vào bất cứ vấn-đề gì mà đành phải phác-họa một vài nét chính, chỉ mong sao cho đóng góp của mình không đến nỗi vô ích.
ẢNH-HƯỞNG NHO-GIÁO
Đến nước ta từ đời nhà Hán, Nho-giáo được đẩy mạnh dưới thời Sĩ Nhiếp (187-226), người mà trong một thời-gian rất lâu được coi là “Nam-giao học-tổ”. Nhưng Nho-giáo đến thời này không còn là Khổng-giáo nguyên-thủy như được trình bầy trong Luận-ngữ với sự phu-diễn của Mạnh-tử và Tuân-tử nữa mà là Khổng-giáo như đã được Hoài-nam-tử và Đổng Trọng-thư diễn-dịch lại. Thế có nghĩa là những quan-niệm chính của Khổng-tử, như Tam Cương (Quan-hệ Vua tôi, Cha con, Vợ chồng), Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) hay Chính-Danh vẫn còn giá-trị nhưng giờ đây đã được ghép thêm các tư tưởng về kinh tế (như quan-niệm “Tỉnh-điền”), chính-trị (như chính-quyền phải là “nhân-chính”, cai trị bằng lòng Nhân chứ không bằng cái Lợi, hoặc quan-niệm người dân có quyền làm cách mạng để lật đổ một chính-quyền hà khắc) và giáo-dục của Mạnh-tử; như quan-niệm “Mệnh Trời” trao cho một ông Vua hay một chính-quyền của Hoài-nam-tử, hoặc quan-niệm Vua (“Vương” trong tiếng Hán) là ngang hàng với và ở giữa Trời và Đất của Đổng Trọng-thư. Tóm lại, đây là một thứ Nho-giáo rất tích-cực, lạc-quan (“Nhân chi sơ tính bản thiện”), dấn thân (“Xuất” trong quan-niệm “Xuất, Xử”), chưa đến nỗi bị những quan-niệm như Trung quân một cách mù quáng làm thui chột đi cái ý-chí ra giúp người, giúp đời của người quân-tử. Cái Nho-học đó cũng còn là một nền Khổng-học như đã chịu ảnh-hưởng của phe Pháp-gia dưới thời nhà Tần với sự cải cách chữ viết và đo lường của Lý Tư (để vào quy-củ) nhưng cũng lại học từ Tần Thủy-hoàng chính-sách đốt sách (“phần thư”) và chôn học trò (“khanh nho”). Một cuộc cách mạng văn-hóa lớn như thế, do ngoại-nhân mang đến và áp đặt lên dân ta, không thể không gặp một sức cản, thậm chí cả chống đối, rất mạnh từ phía người dân bản-địa, nghĩa là cha ông ta và nhất là giới phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ, còn quen với nếp sống bộ-tộc với nhiều rơi rớt của một chế-độ mẫu-quyền. Chẳng thế mà những người đầu tiên đứng lên chống lại chính-sách đồng-hóa này của nhà Hán lại là những phụ nữ Việt Nam, từ Hai Bà (làm vua 40-43 theo C.N.) cho đến Bà Triệu (248 theo C.N.). Những chính-sách tàn-bạo nhằm đồng-hóa dân ta đã bị cưỡng lại một cách mãnh-liệt, đưa đến những sự đàn áp đẫm máu mà cuộc hành quân của Mã Viện nhắm vào Hai Bà là điển-hình (kể cả việc lấy trống đồng mang về Trung-quốc đúc thành ngựa đồng hay việc dựng cột “Đồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt”). Ảnh-hưởng Nho-giáo như vậy đối với Việt Nam là có cả mặt tích-cực (ta nhận một cách vui vẻ và còn biết ơn nữa) lẫn mặt tiêu-cực (ta chống, cưỡng, để bảo vệ nếp sống cổ-truyền của tổ tiên để lại, và nhất là địa-vị của người đàn bà trong xã-hội Việt Nam). Về mặt khoa-học, ta cũng có thể kể thêm thuyết về Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) và các triệu-trưng (điềm xấu hay tốt) có thể ảnh-hưởng đến một triều-đại của Đổng Trọng-thư.
ẢNH-HƯỞNG ĐẠO-GIÁO
Nhưng Nho-giáo đến đời Hán thì cũng đã bị ảnh-hưởng nặng nề của Lão-giáo, tức cái học theo Lão-tử (hay còn gọi là Lão Trang vì Lão-tử có một người kế thừa xuất sắc nơi Trang-tử), còn gọi là Đạo-giáo (cái học về “Đạo”). Song cái “Đạo” (một nghĩa là “con đường”) mà vẽ ra được thì không thể là “thường-đạo” (“cái đạo thường hằng, bất biến”): “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Vì sao? Vì bản-chất của “Đạo” là biến. Nói cách khác, nghịch với Nho-giáo luôn luôn chủ-trương những nguyên-tắc cố-định (như “rường cột”), Đạo-giáo chủ-trương “Đạo” luôn luôn biến-động, thay hình đổi dạng. Quan-niệm Âm Dương không ai nói là của đạo Lão nhưng rất có thể đạo Lão đã bị ảnh-hưởng khá hiển-hiện của thuyết này, đặc-biệt khi ta thấy qua lối vẽ hình Thái-cực, trong đó cái Âm (màu đen) đã mang mầm mống của cái Dương (màu trắng) và ngược lại. Thuyết Âm-Dương cũng quan-niệm vạn vật không tĩnh mà lúc nào cũng tương-tác, từ Không có thể đẻ ra, đi đến Có và từ Có lại có thể trở về Không. Vì thế cho nên những tư-tưởng của Lão-tử, rồi Trang-tử, mới cho rằng “một sinh ra hai, hai sinh ra ba” và cứ như thế đến vô tận; rồi con người nhiều khi cũng không biết mình là bướm thật hay chỉ là bướm mơ làm người. Lối tư-duy đó là một hệ-thống tư duy mở, khác với những sự đóng khung của Nho-giáo, và một đằng nó đã dẫn Lão Trang đi vào những tư-tưởng thật cao siêu, bay bổng, nghĩa là đi vào con đường nghệ-thuật, con đường thơ, họa, triết; còn một đằng đi vào con đường luyện kim huyền-bí (alchemy), như luyện chì thành vàng hoặc nấu các thứ để đi tìm thuốc trường-sinh. Cả hai con đường đều dựa trên quan-điểm cho rằng: bản-chất của một thứ này có thể chuyển đổi thành một bản-chất khác (quan-niệm động, không tĩnh, như nhộng thành bướm, nòng nọc thành ếch nhái, lăng quăng thành muỗi, nước thành nước đá hay ngược lại) và có thể thành một thứ tốt hơn. Điều nghịch-lý của Đạo-giáo là một đằng thì tin như vậy, như luyện đan nghĩa là phải can-thiệp vào tiến-trình tự-nhiên của vạn vật, của Tạo hóa, nhưng đằng khác lại chủ-trương “Vô vi” nghĩa là “không làm gì” cả, không can-thiệp để khỏi làm hỏng, làm sai quấy đi sự chuyển động tự-nhiên của vạn vật. Đừng mong biến mùa đông thành mùa hạ, hãy từ bỏ ý định đổi gái thành trai (hay ngược lại)! Nói cách khác, Đạo-giáo tin rằng mọi sự (trong đó có vạn vật) có cái lô-gích tự-tại của nó, ta không làm gì để thay đổi, uốn nắn nó theo ý ta được. Trái lại, nếu ta muốn thành Tạo hóa để cưỡng cái lô-gích tự-tại đó thì tất-yếu ta chuốc lấy phần thất bại về ta. Ở đây, cần mở một dấu ngoặc để cho thấy là Đạo-giáo chủ-trương mình phải nương theo tự-nhiên mà sống chứ làm như lối suy nghĩ Mác-Lê ấu trĩ, đòi đốt giai-đoạn thì hậu-quả tự-nhiên là mình “đốt đít mình”. Thay vì tiến lên “đỉnh cao trí-tuệ loài người” thì ta dễ đổ “từ người xuống vượn” trong một thời-gian chớp nhoáng, kỷ-lục! Marx, hơn hai nghìn năm sau, có theo Hegel mới nhìn ra cái biện-chứng-pháp của sự-vật và lịch-sử, song Lão-tử và Kinh Dịch đã trông ra điều này từ trước vài nghìn năm mà chi-tiết-hóa hơn nhiều (hãy xem Bát Quái và 64 quẻ). Ảnh-hưởng của Lão-giáo vào Việt Nam có thể thấy trong hơn một cách. Ở mức cao thì đạo Lão là đạo của người quân-tử khi rút lui khỏi chính-trường: một ông quan khi về hưu (“xử” trong quan-niệm “xuất, xử”) thường quay ra những thú vui như cầm, kỳ, thi, họa, chơi núi non bộ, câu cá hay du sơn, đi đây đi đó. Ở mức tiền-khoa-học thì đó là chuyện đi luyện đan. Ở mức bình-dân thì người Việt dùng Lão-giáo để bẻ quẹo, châm biếm những điều dạy trong Nho-giáo, như: “Nhất Sĩ, nhì Nông / Hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sĩ”. Về mặt chính-trị, Lão-giáo cũng dẫn đến quan-niệm “Vô vi”, hơi giống quan-niệm laisser aller hay laisser faire của Pháp. Khi sư Pháp-thuận đáp câu hỏi của vua Lê Đại Hành (980-1005) về cách trị dân, “Vô vi cư điện các / Xứ xứ tức đao binh” (“Cứ theo chính-sách vô vi, không can-thiệp ở nơi điện các [nhà Vua] thì tất tất mọi nơi đều ngưng, không còn đao binh”), là ông đưa ra một quan-điểm Lão-giáo, không phải của Phật-giáo. Một bài học đích đáng cho nhiều chính-quyền ngày nay ở các nước, kể cả một nước văn-minh như Mỹ, Pháp, Anh và nhất là ở một nước nặng thói nhũng nhiễu dân như ở Việt Nam ngày hôm nay.
ẢNH-HƯỞNG PHẬT-GIÁO
Phật-giáo đến Việt Nam bằng hai đường, đường biển từ Tây-trúc (Ấn-độ ngày nay) từ Nam lên và đường bộ sau khi đã vào Trung-hoa, từ Bắc xuống. Điều chắc chắn là đến thế-kỷ II thì Mâu Bác, người theo Đạo-giáo ở Trung-quốc, khi chạy loạn sang Giao-châu (khoảng 180 theo C.N.) đã bắt gặp đạo Phật ở đây để rồi theo đạo. Ông có quyển Lý hoặc luận nhằm trả lời những điều người đương-thời thường chê trách Phật-giáo, và một trong những điều đó là quan-niệm “xuất gia” (bỏ nhà, bỏ gia-đình để đi tu) của nhà Phật mà tổ tiên chúng ta xem là trái với lẽ thiên-nhiên. Dù như Mâu Bác đã trả lời khá uyên bác song về mặt này, không riêng gì Mâu Bác mà cả Phật-giáo đã thua truyền-thống gia-đình của Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Phật-giáo Việt Nam là truyền-thống Phật-giáo độc-nhất mà tôi biết có những chức tương-đương với vai vế trong một gia-đình, một tộc họ: sư cụ, sư ông, sư bà, sư bác, sư cô, chú tiểu.
Phật-giáo Việt Nam về sau có những dòng thiền như của Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci), nhập Việt vào năm 580 (ở chùa Pháp-vân), và Vô-ngôn-thông, sang nước ta vào năm 820. Hầu hết các sư thuộc về đời nhà Lý (1010-1225) là các thiền-sư nhưng phải đợi đến đời Trần Thái-tông (1218-1277), tác-giả Khóa-hư-lục, Trần Quốc Tảng (tức Tuệ-trung Cư-sĩ, 1230-1291), tác-giả Phóng-cuồng-ca, và Trần Nhân-tông (1258-1308), người lập ra phái Phật-giáo nhập thế Trúc-lâm Yên-tử, thì Thiền-học Việt Nam mới đạt đến cao-điểm của nó. Chúng ta phải đợi hơn 700 năm, đến cuối thế-kỷ XIX với phái Bửu-sơn Kỳ-hương và thế-kỷ XX với việc sáng đạo Phật-giáo Hòa-hảo của Đức Huỳnh Giáo-chủ (1939), chúng ta mới có một học-phái Phật-giáo riêng nữa của người Việt. Hơi giống Trúc-lâm Yên-tử, Phật-giáo Hòa-hảo cũng là một nền Phật-giáo nhập thế, do đó nên có ảnh-hưởng chính-trị khá lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong các phái Thiền Việt Nam, chúng ta còn có phái Lâm-tế và phái Thảo-đường bên cạnh những trường-phái trên. Chúng ta không rõ bao giờ Tịnh-độ-tông đi vào Việt Nam nhưng ta cũng có thể ức-đoán là vào khoảng thế-kỷ XI-XII. Vì cách tu tập tương-đối đơn-giản của Tịnh-độ-tông (chỉ cần nêu tên và tụng niệm Phật A-di-đà) nên chẳng bao lâu, phái này lan tràn ra khắp nước để ngày nay thường lẫn chung với các phái Thiền-tông để thành một nét đặc-biệt của Phật-giáo Việt Nam, đặc-biệt phổ-biến trong những thời buổi loạn ly. Chúng ta bước vào các chùa Việt Nam, câu đầu tiên thường là câu: “Nam-mô A-di-đà Phật”! Bàn về ảnh-hưởng của Phật-giáo đối với Việt Nam thì nói bao lâu cũng không hết nhưng bỏ sang bên những vấn-đề định-chế, chùa chiền, tu tập (những vấn-đề tri-thức-luận như đốn-ngộ hay tiệm-ngộ v.v.), hay ảnh-hưởng trên văn-chương, âm-nhạc, mỹ-thuật, thẩm mỹ… thì có lẽ rõ nhất còn lại là một chữ “tâm”. Như Kinh Ruột Dhammapada cho thấy, “mọi nghiệp khởi tự tâm”. Cho nên hệ-luận là Phật cũng “tại tâm”. “Khẩu Phật, Tâm Xà” là một sự bội-phản của đạo Phật. Và trong cái thực-tiễn của cuộc sống, người Việt đã biết, đã hiểu rõ từ lâu: “Thứ nhất là tu tại gia / Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Vì Phật-giáo gần trái tim của con người Phật-tử, thậm chí nằm ngay trong tim nên con người ấy có thể đi đến năm châu, tứ xứ vẫn mang theo được; hơn thế nữa, còn chia xẻ được với người nước khác (xem gương Đức Đạt Lai Lạt Ma và các thầy Tây-tạng). Nên Phật-giáo Việt Nam, nếu đúng nghĩa, sẽ đem “thân tâm thường an lạc” và nụ cười ra với đời và với thế-giới. Chẳng thế mà người Phật-tử Việt Nam đi đến đâu cũng cố xây chùa: “Mái chùa che chở hồn dân-tộc…”
TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN
Đạo Phật thịnh-hành ở Việt Nam có cả nghìn năm, đặc-biệt nở rộ dưới đời nhà Lý và một phần lớn đời Trần (1225-1400), trước khi vị-trí của nó bị lung lay. Ngay khi Nho-học đã đạt được thế thượng-phong vào cuối đời nhà Trần, nó cũng không đẩy hẳn được Phật-giáo sang bên. Chính vì thế mà thay vì để cho thành một xung đột nguy-hiểm, người ta đã tìm cách hòa-giải giữa cả ba luồng tư tưởng mà người Việt ta cưu mang thời bấy giờ. Từ đó mới nảy sinh ra quan-niệm “Tam giáo đồng nguyên”, cả ba đạo Nho-Phật-Lão đều cùng một nguồn gốc mà ra. Vẫn biết đây là một sự hôn-phối có phần nào gượng ép nhưng như đạo Cao Đài dựng ra các đây gần một thế-kỷ (vào năm 1919), la raison politique étant la meilleure, người ta đã sẵn sàng gạt bỏ đi những dị-biệt giữa các hệ-thống tư tưởng cốt nhằm đi đến một sự đồng-thuận mà bao giờ cũng là đảm bảo cuối cùng cho sự trường-tồn của quê hương, đất nước Việt Nam: ngày nào người Việt còn chưa nhìn được ra là những lợi ích của dân-tộc và Tổ-quốc phải vượt được lên trên hết, trên cả những tín ngưỡng thiết thân đối với từng cá-nhân trong chúng ta thì ngày đó, đất nước còn nguyên nguy-cơ chia rẽ và toàn-dân, một lần nữa, lại đứng trước hiểm-họa bị ngoại-bang thao túng để một lần nữa có thể mất đi nền độc-lập và sự toàn vẹn lãnh-thổ của Tổ-quốc chúng ta.
NGUYỄN NGỌC BÍCH