Một chiếc xe hơi Mercedes-Benz đang vùn vụt chạy trên đường xa-lộ về hướng Atlantic City. Trong xe, hai người đàn ông và hai người đàn bà đang vui vẻ chuyện trò.
Bà Lý quay qua hỏi bà Hoàng: “Lần trước chị được hay thua?”
Bà Hoàng nói ỡm ờ: “Dạ cũng trung bình.”
Bà Lý mỉm cười: “Trung bình nghĩa là hòa, không được, không thua, phải không? Như thế là chị giỏi lắm đó. Đánh liền hai ngày mà không thua là hay lắm.”
Ông Hoàng chen vào giải thích: “Nhà tôi nói ‘trung bình’ có nghĩa là ‘thua trung bình’, tức là thua khoảng bốn, năm trăm đô-la thôi”
Bà Lý bây giờ mới hiểu: “Thua bốn, năm trăm đô-la cũng là nhiều lắm chứ; sao anh lại nói ‘bốn, năm trăm đô-la thôi’. Thế chắc là anh Hoàng còn thua nhiều hơn nữa, phải không?”
Ông Hoàng vui vẻ trả lời ngay; “Dạ không. Tôi không đánh chác gì, nên chả bao giờ thua. Tôi chỉ đi cùng bà xã ra Atlantic City cho vui thôi. Tôi thích ra đi bộ trên boardwalk, ngắm cảnh, ngắm người, mua vài cái vé xổ số thôi. Một người thua thì còn chịu được, chứ cả hai vợ chồng cùng đánh, rồi cùng thua thì mấy hồi mà sạt nghiệp hở chị?”
Bà Hoàng thấy chạm lòng tự ái và cảm thấy cần phản công lại: “Có lần em thua; nhưng cũng có lần em được chứ! Anh không nhớ năm ngoái em được hai ngàn hay sao? Và mới tháng trước em rút số được mười lăm ngàn. Chứ anh cứ mua sổ số đều đều, mấy chục năm nay mà em có thấy anh được lần nào đâu. Mỗi tuần anh mua ít ra cũng mười đô-la sổ số; một năm là 520 đô-la; mười năm là 5,200 đô-la; như vậy ba mươi năm nay ở Hoa-Kỳ, anh tiêu ít ra là 15,600 đô-la vào sổ số. Nếu số tiền đó để vào ngân hàng với lãi xuất bốn phần trăm, thì cũng thành gấp đôi rồi, tức là hơn 30,000. đô-la rồi.”
Thấy tình hình có vẻ đến hồi căng thẳng, bà Lý chen vào để chuyển đầu đề câu chuyện: “Chị đánh mà được như vậy thì cũng giỏi đấy; nhưng cô Xuân, em anh Lý còn hay hơn nữa là chưa đánh mà đã được.”
Bà Hoàng tò mò hỏi: “Chưa đánh mà đã được, là làm sao?”
Bà Lý mỉm cười kể: “Hôm đó, vợ chồng cô Xuân đi casino với anh Lý và em. Buổi tối, trước khi đi ngủ, cô ấy cẩn thận cất tất cả tiền nong vào tủ sắt ở trong phòng khách sạn. Sáng sớm hôm sau, cô ấy muốn lấy tiền xuống chơi slot machines, nhưng ngại mở tủ sắt, e tiếng lạch cạch làm mất giấc ngủ của chồng. Cô ấy thấy ví tiền của chồng còn để ngay trên bàn, nên mở ra lấy mấy tờ hai mươi đô-la xuống chơi. Cô ấy chọn một máy 25 xu, bỏ vào một tờ 20 đô-la. Máy bắt đầu nhả ra tiền quarters. Cô ấy tính nhẩm: 20 đô-la thì máy sẽ nhả ra 80 quarters; nhưng đủ 80 quarters rồi, mà máy cứ tiếp tục nhả ra nhiều quarters nữa. Cô ấy giật mình, không biết có phải cô ấy đã bỏ chập hai tờ 20 đô-la vào máy chăng? Nếu vậy thì máy sẽ nhả ra 160 quarters. Nhưng đến 160 quarters mà máy vẫn không ngừng; rồi đến 200 quarters, máy vẫn không ngừng; rồi 300, 350 máy vẫn tiếp tục nhả ra nhiều tiền nữa. Đến khi máy ngưng lại thì cô ấy nhìn thấy con số 400 ở trên máy. Cô ấy sung sướng lắm. Thế là mới bỏ vào 20 đô-la; chưa đánh chác gì mà đã thành 100 đô-la. Muốn ăn chắc, cô ấy thu tất cả chỗ bạc cắc, mang ra đổi lại thành bạc giấy và mang lên phòng để cất đi. Thấy ông chồng đã dậy, cô ấy hớn hở khoe liền và kể lại sự việc đã xảy ra. Ông chồng suy nghĩ một phút rồi hỏi: ‘Em có lấy tiền trong ví anh ra chơi không? Anh có để một tờ 100 đô-la cùng một ngăn với những tờ 20 đô-la đó.’ Lúc bấy giờ cô Xuân mới nghĩ ra. Thì ra cô ấy đã bỏ nhầm tờ 100 đô-la vào máy mà cứ tưởng là đã bỏ vào 20 đô-la thôi”
Nghe đến đây, ông Hoàng thấy cũng cần phải đóng góp vào cho vui câu chuyện:
“Tôi vừa nói với anh chị là tôi ra chơi Atlantic City mà không bao giờ đánh bạc. Sở dĩ như vậy là vì một sự việc xảy ra đã hơn 30 năm về trước. Ngày đó tôi mới tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh Trưởng Phan Thiết. Tôi cùng bốn người bạn độc thân thuê một căn nhà cách tòa tỉnh trưởng độ hai cây số. Bà chủ nhà biết chúng tôi làm việc ở tòa tỉnh thì cứ gọi chúng tôi là “Các Quan”. Tôi nghe thấy hơi chướng tai, nên yêu cầu bà ấy cứ gọi chúng tôi là ‘Các Ông’ như bà ấy gọi mọi người khác; nhưng bà ấy quen miệng rồi, không làm sao thay đổi được. Thế là chúng tôi đành chịu nhận lấy cái danh hiệu ‘Các Quan’. Cái danh hiệu này làm tôi mỉm cười vì ngày tôi ra đời, bố tôi đã đi lấy số tử vi cho tôi và ông kể lại là ông rất sung sướng khi thày bói tử vi nói số tôi sau này sẽ làm quan.
Một ngày Chủ Nhật trời mưa gió, không ai muốn ra khỏi nhà. Đọc sách báo mãi cũng chán, tôi hỏi đùa mấy anh bạn, ‘Bây giờ các quan muốn làm gì đây?’ Một anh bạn như nghĩ ra điều gì lý thú lắm, mỉm cười nói: ‘Em có cỗ bài xì đây, các quan có muốn chơi xì phé không?’
Không đợi anh bạn phải hỏi đến lần thứ hai, chúng tôi ngồi ngay vào bàn chơi.
Lúc đầu góp rất nhỏ, được thua chẳng bao nhiêu, nhưng cũng rất hào hứng; chúng tôi chơi đến quá nửa đêm mới đi ngủ. Rồi từ đó, chẳng những Thứ Bảy, Chủ Nhật, mà hầu như tối nào chúng tôi cũng quay quần lại quanh bàn xì phé cho đến nửa đêm và càng ngày càng ăn thua lớn hơn.
Một buổi sáng, mở cửa ra đi làm, tôi giật mình thấy một biểu ngữ lớn treo ngay trước cửa tiệm, đối diện với căn nhà chúng tôi ở, trên có hàng chữ đỏ rực: ‘CỜ BẠC LÀ BÁC THẰNG BẦN’. Tôi giận lắm, chắc là người chủ tiệm đã có ý xỏ xiên, bêu riếu chúng tôi với hàng xóm láng giềng. Buổi chiều khi đi làm về, tôi rẽ vào nói chuyện với người chủ tiệm. Tôi hỏi ngay:’Có phải anh định nói xa gần gì chúng tôi với cái biểu ngữ kia không?’ Người chủ tiệm hoảng hốt hỏi lại tôi: ‘Biểu ngữ nào? Có phải ông nói cái biểu ngữ mới treo trước cửa tiệm nhà tôi kia không? Mấy hôm trước, có người do ông tỉnh trưởng sai đến, yêu cầu chúng tôi để họ treo một biểu ngữ lên ở chỗ đó. Chúng tôi đâu có dám trái lệnh ông tỉnh trưởng, cứ để họ làm gì thì làm. Tôi cũng không để ý xem biểu ngữ nói gì nữa.’ Tôi tái mặt đi. Thế này là chết bỏ mẹ rồi. Có người đã báo cáo cho ông tỉnh trưởng biết những tác phong của chúng tôi ngoài giờ làm việc. Tôi còn nhớ ngay buổi họp đầu tiên khi tôi đến nhận việc, ông tỉnh trưởng đã nhấn mạnh nhiều lần: ‘Là người lãnh đạo, chúng ta phải làm gương tốt cho thuộc cấp cũng như cho dân chúng, không phải chỉ trong khi làm việc, mà cả ngoài lúc làm việc nữa.’ Thế là từ đó tôi thề không bao giờ chơi cờ bạc nữa. Dần dần thành quen, tôi không còn ham cờ bạc nữa.”
Ông Lý quay qua ông Hoàng, mỉm cười: “Thế tức là trong cung tử vi của anh không có số đánh bạc. Tôi vẫn tin rằng tất cả là do số mệnh. Anh được làm ‘quan’ cũng là do số mệnh; anh không đánh bạc cũng là do số mệnh. Tôi kể chuyện này cho anh nghe rồi anh sẽ tin tôi.” Rồi ông Lý thủng thẳng bắt đầu:
“Câu chuyện xảy ra ở tiểu bang Illinois, cách đây vài năm. Một nữ sinh tên là Alice vừa tốt nghiệp trung học và kiếm được việc làm tạp thời ở một tiệm Seven-Eleven. Ngày đầu cô bé này nhận việc, ông chủ tiệm giao cho việc bán sổ số. Ngày hôm đó lô độc đắc MegaMillion đã lên tới 60 triệu đô-la, nên vừa sáng sớm mà đã năm sáu người đứng sắp hàng chờ mua sổ số. Đứng đầu hàng là một bà mà ai cũng gọi là Helen. Bà này đưa cho Alice một đô-la và một mẫu in trên đó bà ta đã tô đậm những con số mà bà ta chọn sẵn. Alice cho mẫu in đó vào máy bán sổ số. Thường thì máy cần năm hay mười dây để đọc những con số mà khách hàng đã chọn. Nhưng sáng nay không hiểu vì lý do gì mà máy chạy chậm hơn mọi khi. Alice thấy máy đã nhả mẫu in ra mà không in vé số ra ngay thì nóng ruột. Cô bé tưởng máy chưa đọc được mẫu in, nên nó cầm lấy mẫu in đưa vào máy một lần nữa. Máy vẫn không in vé ra. Nó sốt ruột hơn, cầm mẫu in đưa qua máy luôn ba lần nữa. Bấy giờ máy mới in vé ra; nhưng lại in liền 5 vé vì Alice đã cho mẫu in chạy qua máy tất cả 5 lần. Alice hoảng hốt nhận ra lỗi lầm của nó, quay ra năn nỉ với bà Helen: ‘Cái này là lỗi tại tôi, nhưng cũng có thể là số bà may mắn lắm đấy, hay là bà lấy cả năm vé cho hên.’ Bà Helen nghe cũng bùi tai; nhưng khi nhìn đến vé số, thì cả 5 vé đều có những số giống y hệt nhau, vì cùng do một mẫu in mà ra. Bà ta lắc đầu nói: ‘Nếu là năm vé với những con số khác nhau thì tôi cũng có thể mua cho có thêm hy vọng. Còn 5 vé giống hệt như nhau, thì tôi mua làm gì cho tốn thêm tiền. Nếu tôi trúng thì một vé hay năm vé cũng vậy thôi.’ Nói rồi bà ấy chỉ cầm lấy một vé và bỏ đi. Alice hiểu bà ta nói có lý. Nó đành bỏ 4 vé còn lại vào túi áo và lấy ra 4 đô-la tiền riêng của nó để trả vào cho tiệm.
Sáng sớm hôm sau, bà Helen lấy báo ra dò sổ số và mừng quýnh thấy mình đã trúng lô độc đắc. Bảng kết quả sổ số cũng nói thêm là có 5 vé trúng lô độc đắc. Bà giật mình, thôi chết rồi, 5 vé này là 5 vé mà cô bé bán sổ số đã năn nỉ bà mua hộ. Bà đã chỉ lấy một vé, còn 4 vé kia…. bây giờ ở đâu. Bà nghĩ giờ này còn sớm, có thể cô bán sổ số chưa dò kết quả sổ số và chưa biết những vé kia là vé trúng. Bà liền vội vàng đến tiệm Seven-Eleven. Cô bé kia có mặt ở tiệm. Thế tức là nó chưa biết gì. Bà tươi cười nói: ‘Hôm qua tôi mua sổ số ở đây. Cô bấm nhầm vào máy và máy in ra 5 vé trong khi tôi chỉ có tiền mua 1 vé thôi. Về nhà nghĩ lại, tôi thấy như vậy thật thiệt thòi cho cô quá. Làm thế này lương có được bao nhiêu mà phải lấy tiền túi ra trả bù cho tiệm. Thôi thì để tôi mua dùm cả 4 vé kia cho.’ Alice cảm động về tấm lòng tốt của bà khách hàng này, vội vàng đưa tay vào túi áo để lấy mấy vé số ra đưa cho bà khách hàng. Nhưng tìm mãi mà không thấy vé số đâu. Bấy giờ nó mới nghĩ ra rằng sáng nay nó mặc áo khác đi làm. Vé số còn nằm trong túi áo kia ở nhà. Nó quay qua giải thích cho bà khách hàng như vậy và nói thêm: ‘Hay là bà trở lại đây vào giờ ăn trưa. Em sẽ có thì giờ về nhà lấy vé số cho bà.’ Nhưng bà khách hàng cứ nằng nặc dục nó về nhà ngay bây giờ: ‘Sao cô không nói với ông chủ là cô có chuyện khẩn cấp phải về nhà một chút rồi trở lại ngay. Tiệm lúc này chưa đông khách, chắc là ông ấy chịu để cho cô đi đấy.’ Alice bắt đầu thắc mắc tại sao mà bà khách hàng này lại cần mấy vé số kia gấp như vậy… hay là… vé trúng lớn rồi. Nó nói với ông chủ tiệm là nó có việc khẩn cấp phải về nhà ngay, rồi mua một tờ báo và đi cửa sau về nhà. để mặc bà Helen đứng chờ trong tiệm. Chờ mãi không thấy Alice trở lại, bà ta biết Alice đã khám phá ra kết quả sổ số. Bà ta ức lắm, đi tìm luật sư để kiện, đòi Alice phải chia một nửa số tiền trúng số cho bà ta với lý luận là bà ta là người đã chọn những con số trúng. Nhưng tòa án bác bỏ lý luận này và để Alice hưởng trọn số tiền 48 triệu.”
Nói đến đây, ông Lý dừng lại chờ xem phản ứng của mọi người. Bà Hoàng gật đầu nói: “Đúng như anh nói, thế thật là có số mệnh cả. Cô Alice không có ý định mua sổ số mà rồi tình cờ đã bị dồn vào thế phải mua sổ số; có vé trúng rồi, suýt nữa quên mất mà lại có người đến nhắc cho. Như vậy thì tôi phải tin là có số mệnh. Nhưng đã nói đến số mệnh thì tôi xin kể để anh chị nghe một chuyện còn ly kỳ hơn, về một nhà thơ nổi tiếng trong văn học Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ 19, cụ NCT. Những ai đã học trung học ở Việt Nam trước năm 1975 đều thuộc lòng những bài thơ về chí khí người thanh niên của cụ mà cho đến ngày nay khi đọc lên còn làm cho bao nhiêu chàng trai bừng lên với dũng khí anh hùng. Nhưng cũng như những người tài ba khác, cụ NCT có nhiều cái đam mê, nhất là mê uống rượu, mê đàn bà đẹp, và mê cờ bạc. Chắc các anh chị còn nhớ giai thoại khi cụ 73 tuổi mà còn cưới một người vợ lẽ 20 tuổi. Đêm tân hôn, cô vợ trẻ này hỏi chú rể năm nay bao nhiêu tuổi và cụ trả lời rằng 50 năm trước cụ mới có 23 tuổi ‘Tân nhân dục vấn lang niên kỷ. Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam.’
Cụ con nhà giàu. Khi cụ 24 tuổi thì cha mẹ qua đời, để lại cho cụ một gia tài khá lớn. Có lần chơi cờ bạc, cụ thua hết luôn cả sản nghiệp. Buồn quá, cụ đi ra con sông lớn gần đó, định nhẩy xuống sông tự tử cho rồi. Nhưng khi tới bờ sông, thấy nước sông chảy lững lờ, thì cụ biết cụ sẽ không thể tự tử ở chỗ ấy được. Một người bơi giỏi như cụ mà nhảy xuống dòng nước lững lờ thì sẽ bơi vào bờ chứ làm sao mà chìm được. Cụ đi dọc theo bờ sông, để xem có chỗ nào nước chảy xiết hơn không. Đi một hồi, cụ thấy một chiếc thuyền lớn, trên có cắm nhiều cờ hiệu, đang bỏ neo dừng lại. Đọc những chữ trên cờ hiệu, cụ hiểu rằng đây là thuyền quan thượng thư, vâng lệnh vua đi kinh lý vùng này. Có lẽ đến chỗ này, gặp phong cảnh hữu tình, nên dừng lại để thưởng ngoạn. NCT nấp vào sau một gốc cây để quan sát. Một lúc sau, chàng thấy một thiếu nữ diễm kiều, từ trong khoang bước ra, say sưa đứng ngắm cảnh một hồi, rồi lại thướt tha nhẹ bước trở vào trong khoang. Chàng mê mẩn tâm thần và quyết tâm tìm gặp người đẹp trên thuyền mà chàng yên chí là ái nữ quan thượng thư. Chờ cho mặt trời vừa lặn là chàng bơi ra và bám vào dây thừng neo thuyền mà trèo lên. Nhưng quân canh trông thấy, hô hoán lên và đổ sô lại bắt trói NCT đem đến trình cho quan thượng thư. Quan thượng thư lớn tiếng hỏi ‘Nhà ngươi lẻn vào thuyền của ta với mục đích gì?’ NCT bình tĩnh trả lời ‘Bẩm quan lớn, chiều nay con đang tò mò nhìn lên thuyền quan lớn, thì thấy tiểu thư bước ra, sắc đẹp lộng lẫy, dáng người thướt tha. Con quá say mê nên muốn tìm gặp tiểu thư để tỏ vài lời ngưỡng mộ.’ Quan thượng thư tái mặt đi. Ở cái thời buổi mà chữ trinh, chữ tiết là tất cả giá trị của người con gái mà tên này dám nói trước mặt đám lính là nó mò lên thuyền để tìm gặp con gái quí của quan, thì ôi thôi, còn gì là danh dự nữa, mặc dù nó chưa được sơ múi gì. Còn ai sẽ dám đến hỏi con gái quan về làm vợ nữa. Quan thượng thư nhìn lại NCT và thấy anh chàng vạm vỡ, mặt mày sáng sủa, ăn nói khôn ngoan. Quan đổi dọng hỏi ‘Anh con cái nhà ai? Và làm nghề gì?’ NCT thong thả kể chuyện gia đình cũng như cuộc đời thư sinh của mình; nhưng không nhắc đến chuyện vừa thua bạc hết cả sản nghiệp. Quan thượng thư nói tiếp: ‘Anh nói anh là thư sinh; vậy anh hãy làm một bài thơ cho ta xem tài cán anh được chừng nào.’ NCT lấy dọng và đọc ngay:
‘Chí làm trai, dọc ngang, ngang dọc.
Phải có danh gì với núi sông.’
Mới đọc đến đây là quan thượng thư đã vỗ tay khen: ‘Hay! Hay lắm! Anh quả thật là người có tài. Bây giờ ta nhận ra rồi. Thân phụ anh khi còn sinh thời là bạn chí thân với ta. Có lần ông đã nói với ta nếu ông có được con trai và ta có con gái thì sẽ cho hai người kết duyên với nhau (chỗ này hình như quan thượng thư đã phịa ra). Như vậy thật quả là duyên số mà anh đã tìm đến gặp ta hôm nay.’ Rồi quan sai quân hầu mang quần áo mới cho NCT thay và đưa chàng về kinh đô làm hôn lễ cùng aí nữ của quan.
Câu chuyện truyền ra trong dân chúng. Rồi người ta đặt tên cho chuyện này là ’Đen Bạc, Đỏ Tình’ và từ đó người ta dùng câu tục ngữ này để an ủi những người thua bạc.
Nghe đến đây, bà Lý nói chen vào để góp ý kiến: “Theo tôi nghĩ, việc NCT bơi ra thuyền của quan thượng thư để mong được gặp cô gái đẹp kia cũng chỉ là đánh bạc. Nhưng lần này chàng ta may mắn hơn thôi. Các anh chị thử nghĩ coi: Khi NCT lội xuống sông, nếu gặp chỗ nước chảy xiết, có thể mất mạng như không. Hoặc khi quân lính trông thấy NCT bám vào giây thừng leo lên thuyền lại lấy súng hay cung tên ra bắn thì NCT bỏ mạng rồi. Hoặc khi quân lính đã bắt trói mang đến trình quan thượng thư, quan thượng thư không thèm hỏi han gì, chỉ ra lệnh cho lính đánh cho NCT một trận nhừ tử rồi đem ném lại trên bờ sông, thì có phải là NCT đã thua lỗ lớn không? Như vậy thì nói rằng NCT đã đánh bạc và đưọc vợ thì cũng không phải là không đúng.”
Bà Hoàng thắc mắc: “Chị nói như vậy thì hầu như làm việc gì cũng có thể coi là đánh bạc hay sao? Tôi mua nhà cũng là đánh bạc; người ta lấy vợ, lấy chồng cũng là đánh bạc, có phải ý chị muốn nói thế không?”
Bà Lý trả lời ngay, không một chút ngần ngại: “Vâng. Đúng như thế. Chị cũng như rất nhiều người mua nhà và mong giá nhà càng ngày càng lên cao hơn; rồi khi cần thì bán nhà đi để được lời lớn. Nhưng giá nhà lên xuống thình lình; nếu có người được lời lớn thì cũng đã có nhiều người bị lỗ lã, bị ngân hàng tịch thu nhà luôn, mất cả vốn lẫn lời. Thế thì có khác gì đánh bạc đâu? Lấy vợ, lấy chồng cũng thế; có ai chắc gì tương lai sẽ ra sao đâu? Như cậu em tôi, đi học ở đại học, gặp một cô bạn cùng lớp, xinh đẹp, duyên dáng. Hai người lấy nhau, tưởng như trai tài, gái sắc, hạnh phúc tràn trề. Nào ngờ đâu, chỉ hai năm sau, cô ấy đòi ly dị để lấy một người đàn ông khác. Như vậy lấy vợ, lấy chồng thì cũng có khác gì đánh bạc đâu? May mắn thì được êm đẹp, hạnh phúc; sui sẻo thì tan cửa, nát nhà. Theo tôi nghĩ, mỗi khi chúng ta phải quyết định một việc gì mà không có đủ dữ kiện, hay không thể lường trước được hậu quả thì kể như là đánh bạc. Có khi chắc ăn 99 phần trăm rồi mà thua sạch sành sanh; có khi khác, tưởng thua là cái chắc thì lại ăn lớn. Tôi xin đưa ra một thí dụ: Vợ chồng Chị Bích, bạn thân với chúng tôi, có một tiệm phở mang tên là Phở Bắc Hà Nội. Khách hàng ai cũng khen ngon; tiệm lúc nào cũng đông nghẹt. Phấn khởi, vợ chồng chị ấy sang một cửa tiệm lớn ở trung tâm thành phố để mở thêm một tiệm thứ hai mang tên là Phở Bắc Hà-Nội 2. Nhưng sau một năm mà khách chỉ lèo tèo năm ba người. Lỗ lã quá, vợ chồng chị ấy phải sang lại cho người khác. Chị ấy cứ nói với tôi là làm ăn buôn bán cũng như đánh bạc. Khi vận may, thì khấm khá; gặp hồi sui sẻo thì thua lỗ.”
Bà Hoàng vẫn chưa chịu: “Chị nói như thế thì cả thế giới này là một sòng bạc hay sao? Và tất cả chúng ta đều là những con bạc hay sao?”
Bà Lý mỉm cười: “Chị nói sao giống như thi sĩ Shakespeare vậy. Chị còn nhớ trong lớp Văn Chương Anh chị và tôi học ở Đại Học Văn Khoa, giáo sư Chazal đã nhiều lần trích dẫn câu ‘Thế giới là một sân khấu và mỗi người chúng ta là một diễn viên’ trong một tác phẩm của Shakespeare không? Bây giờ chị nói cả thế giới này là một sòng bạc và mỗi người là một con bạc cũng rất chí lý. Chị coi có sòng bạc nào lớn bằng Thị Trường Chứng Khóan (The Stock Market) không? Người ta mua bán cổ phần là người ta đánh cá rằng cổ phần đó sẽ lên giá hay xuống giá. Người mua thì cá là cổ phần đó sẽ lên giá; người bán thì cá là cổ phần đó sẽ xuống giá. Người nào cá trúng thì thắng; người nào cá sai thì thua liểng siểng. Đã có bao nhiêu người trở thành giàu sang, phú quí nhờ vào thị trường chướng khoán và cũng đã có bao nhiêu người sạt nghiệp vì thị trường chứng khoán, chị có biết không? Ở đất Hoa Kỳ này, ai mà không dính dáng nhiều ít vào thị trường chứng khoán? Những ai đi làm và có đóng góp vào quĩ hưu bổng cũng đều biết rằng người ta đem số tiền của mọi người đóng góp vào để đầu tư dưới hình thức này hay hình thức khác trong thị trường chứng khoán. Như vậy chị nói mỗi chúng ta là một con bạc là rất đúng.”
Bà Lý còn đang muốn nói nữa, nhưng ông Hoàng đã nói chen vào: “Chị nói rằng làm gì cũng là đánh bạc. Thế thì tôi lái xe thế này cũng là đánh bạc hay sao?”
Bà Lý suy nghĩ một giây, rồi nói tiếp: “Vâng, anh nói đúng. Nếu anh lái xe đúng theo luật định, giữ đúng tốc lực và theo đúng bảng chỉ đường thì anh không đánh bạc; nhưng nếu anh muốn vượt giới hạn tốc lực để đi nhanh hơn, tới sớm hơn; hay anh rẽ ngang, rẽ dọc, bất chấp bảng chỉ đường thì là anh đánh bạc vì anh có thể bị cảnh sát phạt nặng hay anh có thể gây ra tai nạn. Anh thử nghĩ coi: Nếu tốc lực hạn định là 55 miles mà cho xe chạy đến 75 miles thì một giờ nhanh được thêm độ 20 miles. Từ Washington, DC ra Atlantic City khoảng 200 miles. Người lái với tốc lực 75 miles sẽ đến sớm hơn được một giờ. Nhưng nếu bị cảnh sát bắt quả tang, thì bị phạt cả mấy trăm đô-la; rồi tiền đóng bảo hiểm hàng năm cũng tăng lên bội phần. Chưa kể là lái xe nhanh quá tốc lực hạn định dễ gây ra tai nạn cho chính mình cũng như cho người khác. Như vậy có phải là một cách đánh bạc và có thể thua nặng không? Đánh bạc như vậy là rất dại”
Ông Hoàng không chịu; “Sự đời không có giản dị như vậy đâu, chị ơi! Mọi người chúng ta ai cũng biết những kinh nghiệm hãi hùng của bao nhiêu người Việt Nam vượt trùng dương đi tìm tự do. Ai cũng hy vọng đến được vùng đất hứa, được tự do, được no ấm. Và ai cũng biết cái nguy cơ của sóng gió trên mặt đại dương, cái hiểm nghèo khi bị làm mồi cho hải tặc. Vậy mà cả triệu người đã mang mạng sống của chính mình và gia đình mình ra đánh bạc. Ai dám nói là họ dại? Nhưng những người thuyền nhânViệt Nam không phải là những người đầu tiên đã dám đánh bạc như thế. Từ khi khám phá ra Mỹ Châu đến nay, bao nhiêu người đã liều mạng để tìm đến đây. Bao nhiêu người đã thiệt thân. Nhưng những người tới nơi được đã tìm thấy tự do và một cuộc sống mới thoải mái hơn. Chính nhờ những người dám đánh bạc này mà Mỹ Châu, nhất là Hoa Kỳ, đã phát triển vượt bực hơn bất cứ xứ nào trên thế giới. Như vậy, chị nói họ là những người đánh bạc khôn hay dại? Rồi còn những người mạo hiểm lên Bắc Cực hay xuống Nam Cực, lên không gian hay lặn sâu xuống lòng biển. Họ cũng là những người đánh bạc theo những hình thức khác. Chính vì có những người dám đánh bạc như vậy, mà nhân loại đã tiến lên được.”
Ông Lý bây giờ mới lên tiếng thắc mắc: “Thế còn những người không đánh bạc, hay không dám đánh bạc thì sao?”
Ông Hoàng lơ đãng trả lời: “Họ vẫn còn ôm lấy mảnh đất hương hỏa ông cha để lại, vẫn còn cày sâu, cuốc bẫm. Có người chưa bao giờ dám đi ra khỏi nơi chôn rau, cắt rốn đến 20 dặm.”
Bỗng ông Hoàng giật mình nhìn vào kính hậu nói; “Thôi chết tôi rồi, có xe cảnh sát chiếu đèn rọi đang đuổi theo xe mình. Từ nẫy đến giờ, mải nói chuyện, không để ý đến đồng hồ tốc lực, có lẽ đã đi quá tốc lực giới hạn rồi.”
Ngay lập tức, ông cho xe chạy táp vào lề và từ từ ngưng lại. Xe cảnh sát cũng ngưng lại sau xe ông Hoàng vài thước. Người cảnh sát mở cửa xe bước xuống và tiến đến trước cửa xe ông Hoàng: “Ông làm ơn cho tôi xem bằng lái xe.”
Ông Hoàng lấy ngay bằng lái xe đưa ra và nói: “Chắc tôi đã sơ ý chạy quá tốc lực hạn định đôi chút. Xin ông bỏ qua cho.”
Người cảnh sát nói: “Ông có biết tốc lực giới hạn ở quãng đường này là 55 miles không? Máy đo của tôi đã ghi là xe ông chạy tới 88 miles. Tôi rất tiếc phải cho ông giấy phạt. Nhưng ông nên cám ơn tôi vì thực ra tôi muốn cứu mạng ông và mạng nhiều người khác. Tôi hy vọng ông sẽ học được một bài học và sẽ lái xe cẩn thận hơn. Số tiền phạt là $895. Tôi cũng phải phạt ông 3 chấm vì ông đã lái xe quá liều lĩnh mà chúng tôi quen gọi là reckless driving.”
Rồi người cảnh sát đưa tay lên ngang mày, chào theo kiểu nhà binh và mỉm cười lễ độ nói: “Chúc quí vị đi chơi nhiều may mắn.”
Phạm Hữu Bính