“Những người bị bắt vì tham nhũng, về cơ bản thuộc hai loại: hoặc họ là những người thua cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực tại địa phương, hoặc lòng tham của họ quá đáng tới mức làm ảnh hưởng tới an toàn của tất cả các đối tượng khác trong hệ thống. Những kẻ tham lam bị bắt giữ nhân danh sự bảo đảm an toàn cho những kẻ tham nhũng khác” – Ricchard McGregor.
Newsweek: “Đảng Cộng sản Trung Quốc như là Chúa Trời. Nó hiện hữu khắp mọi nơi. Chỉ có điều là, cũng giống như Chúa Trời, không thể nhìn thấy nó”- một nhân vật trong cuốn sách của ông đã nói như thế.
Richard McGregor: Vài năm trước tôi đã có bữa ăn tối với Rupert Murdoch, người đã khẳng định rằng trong suốt vô số cuộc hành trình qua Trung Quốc ông không hề nhìn thấy một người cộng sản nào [2] . Ở Tây phương, sự chú ý của các phương tiện truyền thông tập trung vào sự chuyển đổi kinh tế ở đất nước này. Điều đó không có gì ngạc nhiên cả – sự gia tăng kinh tế của Trung Quốc đã tác động đến cuộc sống hàng ngày của dân chúng trên thế giới. Chúng ta mặc quần áo Trung Quốc, trẻ em của chúng ta chơi đồ chơi Trung Quốc, rất nhiều người mất việc làm do sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi số lượng các văn bản dành cho đề tài suy tư về sự cần thiết phải thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ nhiều hơn hàng trăm lần số bài nói về tình hình trong đảng cộng sản. Trước hết chúng ta biết về đảng này rất ít. Khi tôi đề nghị một bài viết về Ban Tổ chức Trung ương, người ta hỏi tôi: “Ông quan tâm đến nhân vật nào? Và thực sự cơ quan ấy là cái gì vậy?”.
Newsweek: Vâng, trước khi đến với cuốn sách của ông, tôi đã không biết tồn tại một ngữ cảnh như thế.
Richard McGregor: Trụ sở của Ban Tổ chức Trung ương nằm cách Thiên An Môn khoảng một cây số. Trên tường toà nhà thậm chí không gắn bảng thông tin rằng có một cơ quan trong đó. Khi nhân viên từ đây gọi điện thoại ra ngoài, số hiện ra là một chuỗi số không. Nói cho cùng, tất cả các số đều giữ bí mật, ngoại trừ số -12 380 – theo đó, máy trả lời tự động thông báo cho đương sự tiếp xúc với cơ sở đảng trực thuộc của mình về tất cả các vấn đề tổ chức. Website của Ban – mới có cách đây không lâu – cũng đưa ra cùng một cách thức, tức là chẳng có cơ hội nào có thể liên hệ. Trong năm 2009, người ta bổ nhiệm phát ngôn viên của tổ chức này, nhưng cho đến nay chưa thấy phát biểu công khai bao giờ.
Tóm lại, Ban Tổ chức Trung ương có vẻ không tồn tại. Trong khi đó, hãy tưởng tượng nếu có một tổ chức tương tự ở Hoa Kỳ, thì tựa như nó giữ vai trò chấp thuận việc bổ nhiệm các thành viên của chính phủ ở Washington, tất cả các thống đốc, thị trưởng, thủ trưởng các công ty lớn và các cơ quan liên bang, ban giám đốc, tổng biên tập của các tờ báo và kênh truyền hình, hiệu trưởng các trường đại học… Tôi sẽ không liệt kê thêm nữa. Những cuộc thăng quan tiến chức không chỉ diễn ra sau những cánh cửa đóng lại, mà còn chẳng một ai phải giải trình vì sao.
Newsweek: Tại sao đảng cộng sản lại chú trọng quá nhiều bí ẩn đến thế?
Richard McGregor: Đảng cộng sản đã ra đời như là một tổ chức ngầm và sự không tin đối với thế giới bên ngoài nằm trong bản chất tự nhiên của nó. Bản chất này thuộc về truyền thống cách mạng. Nhưng có thêm một cái gì đó – nếu hoạt động minh bạch, đảng cộng sản sẽ như một trong nhiều tổ chức hiện có khác. Điều này xung đột với nguyên tắc hoạt động. Đảng cộng sản thậm chí không đăng ký như là một tổ chức. Sự bảo mật và thiếu tư cách pháp lý làm cho nó đứng trên luật pháp. Không chỉ có vậy – từ quan điểm pháp lý, thực sự không có nó. Chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động của mình, không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ ai. Vậy bản chất thật sự của mối quan hệ lệ thuộc giữa đảng và chính phủ là gì? Các biển số xe hơi đăng ký cho ta bài học hay nhất. Tại Thượng Hải, biển số xe của bí thư là 00001, và phó bí thư là 00002.
Vatican là một trong số ít quốc gia trên thế giới mà Trung Quốc không thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi ở Bắc Kinh, trong các cuộc đàm phán chính thức với Vatican, có người nhận thấy một vòm bí ẩn bao phủ lên cả hai nước, và thật khó hiểu tại sao họ lại không nói chuyện được với nhau, đặc phái viên Trung Quốc nhận xét đùa rằng: “Mọi thứ chúng tôi đều có chung. Ngoại trừ một – các ngài đại diện cho Chúa, còn chúng tôi – cho quỷ…”.
Newsweek: Đảng Cộng sản ngày hôm nay như thế nào so với những năm 70?
Richard McGregor: Giờ đây là những người có tay nghề cao hơn rất nhiều, có nhận thức hơn về thế giới, có khả năng tổng động viên được nhân dân và ít bị ràng buộc bởi ý thức hệ. Họ tự tin vào sức mạnh của mình đến mức kiêu ngạo. Các lãnh đạo đảng sống trong niềm tin rằng, họ đã tìm được mô hình phát triển thế giới và sẽ sớm thay thế mô hình phương Tây. Tất nhiên, tất cả mọi người đưa ra câu hỏi: khi nào thì Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về GDP? Thông thường, người ta nói thời điểm 2027, đồng nghiệp của tôi từ tờ “Financial Times” Martin Wolf lập luận điều này sẽ xảy ra trong năm 2020. Được thôi, nhưng là cái gì từ điều này? Người Trung Quốc không có khả năng đảm nhận vai trò của Hoa Kỳ. Tất cả các chính sách của họ đang tập trung vào các vấn đề trong nước. Họ không có tầm nhìn lãnh đạo thế giới. Chính sách của họ là hoàn toàn mang tính địa phương.
Newsweek: Mark Leonard, tác giả của cuốn sách “What Does China Think” (tạm dịch: Nghĩ gì về Trung Quốc – ND), nói với tôi rằng, đảng cộng sản hôm nay giống như một giới ưu tú doanh nghiệp hơn là danh pháp cũ.
Richard McGregor: Sự vận hành của đảng cộng sản thực sự được tổ chức tuyệt vời. Nên nhớ rằng Trung Quốc có truyền thống lâu dài của một bộ máy quan liêu hiệu quả, có gì đó tự nhiên nhiều hơn ở tất cả các nước cộng sản cũ. Điều này không có gì chung với Liên Xô cũ. Quy tắc đánh giá con người cho một vị trí nhất định được xác định rõ, hơn 70 điểm. Các lãnh đạo địa phương được đánh giá theo các chỉ số giống như được tạo ra bởi các nhà tư vấn kinh doanh: nhịp độ tăng trưởng kinh tế, mức đầu tư, không khí và nước sạch, điều kiện tiếp cận giao thông công cộng, v.v… Tất cả được tính đến trong đánh giá về con người này. Để chọn các ứng viên thích hợp, người ta sử dụng máy phát hiện nói dối, các bài kiểm tra tâm lý và phỏng vấn môi trường sống – tức là những gì mà các tay săn người chuyên nghiệp sử dụng ở phương Tây.
Newsweek: Và nó vận hành thực sự sao?
Richard McGregor: Tại sao Trung Quốc hiện nay rất thành công trong việc đối phó với những vấn đề lớn? Bởi vì người ta chấp nhận nguyên tắc trước khi bắt đầu làm việc ở cấp Bộ, người đó phải qua chức vụ thị trưởng một thành phố lớn – ở Trung Quốc những thành phố như thế nghĩa là ít nhất có 10 triệu người. Nói cách khác, người ta lựa chọn những người quen giải quyết các vấn đề lớn. Ngoài ra, sự lệ thuộc vào đảng mang lại cái quyền mà những người Trung Quốc khác không có – quyền bày tỏ quan điểm bất đồng. Nơi tự do cởi mở nhất ở Trung Quốc là Trường Đảng tại Bắc Kinh. Ở đây không có ức chế nào, có thể nói chuyện về bất cứ chủ đề nào.
Hôm nay, các chức vụ cao nhất trong đảng cộng sản do giới kỹ trị (technocrat) ưu tú nắm giữ. Tất cả thành viên của Bộ Chính trị – ngoại trừ hai người – đều là kỹ sư. Nhưng lại thiếu các nhà kinh tế – trong Bộ Chính trị chỉ có mỗi một người có bằng kinh tế, và bằng này là của một trường đại học tại Bình Nhưỡng, không phải là một tiến cử tốt nhất. Trong thế hệ tiếp theo, giới ưu tú của Đảng sẽ có nhiều nhân tài hơn, trình độ được đào tạo tốt hơn.
Newsweek: Ông đã trích dẫn lời của một quan chức nói rằng hơn một nửa số điện thoại gọi đến số di động riêng của ông ta bắt đầu với câu hỏi: “Ông có thể giúp giải quyết việc làm cho con trai tôi?”. Chỉ cần có người cha nằm trên đỉnh quyền lực là có thể làm nên sự nghiệp sao?
Richard McGregor: Là thành viên của tầng lớp quý tộc của đảng có thể nhận được những hợp đồng béo bở và trở nên rất giàu có. Nhưng không đảm bảo rằng người ta sẽ tham gia quản trị của đất nước. Thậm chí điều này tạo nên một trở ngại nào đó trong việc tạo dựng công danh lớn trong đảng, bởi vì theo quy luật, “dân quý tộc” không được ưa thích. Ngay cả Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, hai nhân vật quan trọng nhất trong nước, đều không có nguồn gốc đặc biệt ưu đãi nào. Họ chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình.
Newsweek: Nguyên tắc cơ bản của quyền lực tư tưởng của đảng cộng sản mơ hồ đến mức một người trong số các nhân sĩ cố gắng ra khỏi tình trạng này, đã nói: “Tự chúng tôi định nghĩa cái gì là chủ nghĩa cộng sản, cái gì không”. Bởi vì làm sao mà dung hoà được chủ nghĩa cộng sản, ví dụ, với tư nhân hoá hàng loạt?
Richard McGregor: Trong phần thế giới của chúng ta mọi người thường hay so sánh Trung Quốc – với kỷ nguyên đầu thế kỷ XIX của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta cũng tin mọi thứ sẽ chuyển động theo hướng tư nhân hóa. Ông Bush cha đã mắc lỗi tương tự khi đưa ra câu hỏi vào năm 1998 tại Bắc Kinh: “Chương trình tư nhân hoá của các anh diễn tiến như thế nào?”, và khi người Trung Quốc trả lời tư nhân hoá không phải là bản chất của sự vật, ông đã kết thúc bằng nụ cười. Tức là ông ta muốn cắt nghĩa “Tôi hiểu các anh không thể nói cho tôi biết sự thật, vì sự thật là cái không thích hợp với đức tin cộng sản”.
Trong khi đó, người Trung Quốc chưa bao giờ thực sự muốn tư nhân hoá ở quy mô lớn, ít nhất vì khu vực tư nhân quá mạnh sẽ đe dọa sự độc quyền của đảng. Trong đầu thập niên 90 người ta đã suy tính chuyển giao quyền sở hữu tất cả các doanh nghiệp nhà nước và đất đai trực tiếp vào tay của Đảng. Sau đó, họ đã từ bỏ ý định này, bởi vì luật chuyển giao quyền sở hữu danh nghĩa của tất cả dân chúng Trung Quốc cho một nhóm được lựa chọn gây ra quá nhiều tranh cãi. Cuối cùng người ta quyết định kiểu khác: “Chúng ta hãy tống khứ đi những cái nhỏ, giữ lại những cái lớn”. Những công ty nhỏ, không đáng kể, làm ăn thua lỗ, đã được bán. Nhưng sự kiểm soát đối với các ngành chiến lược và các công ty lớn đã được tăng cường – chính nhưng người lãnh đạo đảng là ông chủ thực sự, và các quy tắc hoạt động của họ đã được hiện đại hóa. Kết quả là, những con khủng long nhà nước trước đây đã bắt đầu có lãi. Trong năm 2007, khi tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc, các công ty nhà nước mang lại lợi nhuận tổng cộng 140 tỷ USD, trong khi một thập kỷ trước đó lợi nhuận gần bằng không. Tái cơ cấu khu vực nhà nước là ý nghĩa thực sự của sự thay đổi ở Trung Quốc. Khu vực tư nhân chiếm ít hơn 30% toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Newsweek: Sự kiểm soát của đảng đối với doanh nghiệp tạo ra tham nhũng lớn hơn.
Richard McGregor: Trung Quốc hiện nay là một quốc gia tham nhũng. Tuy nhiên, ở mức nhỏ hơn, ví dụ, so với Indonesia thời Suharto, nơi mà lợi nhuận bất hợp pháp của giai cấp thống trị là nguyên tắc duy nhất của sự vận hành hệ thống và vì thế tất cả bị lật ngược. Tại Trung Quốc, tham nhũng đang được kiểm soát. Đang có một thứ thuế kiểu như trên doanh thu cho mỗi giao dịch – mức thông thường của nó ở khoảng 10%. Tham nhũng cho phép phân phối một phần giàu có trong giới cầm quyền, là một loại keo để kết giữ hệ thống hiện có. Các nhân vật ở đỉnh quyền lực thường có lương thấp, nhưng núi tiền xung quanh họ không thể tưởng tượng nổi, và được vun bồi với vận tốc cực lớn. Có thể xem như là múc một xô nước từ con sông – không ai chú ý.
Newsweek: Tôi là quan chức Trung Quốc và tôi nhận hối lộ. Với những rủi ro nào để phải kết thúc trong nhà tù? Hoặc thậm chí tệ hơn – bị xử bắn?
Richard McGregor: Không lớn. Những người bị bắt vì tham nhũng, về cơ bản thuộc hai loại: hoặc họ là những người thua cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực tại địa phương, hoặc lòng tham của họ quá đáng tới mức làm ảnh hưởng tới an toàn của tất cả các đối tượng khác trong hệ thống. Những kẻ tham lam bị bắt giữ nhân danh sự bảo đảm an toàn cho những kẻ tham nhũng khác. Thường xảy ra đối với những người trước khi nghỉ hưu – tỷ lệ không cân đối phần lớn những người bị bắt ở tuổi 58 hoặc 59. Người Trung Quốc hay gọi là hội chứng 59 – anh 59 tuổi, sau một năm nữa sẽ nghỉ hưu – nói chung lương hưu rất thấp – và đây là cơ hội cuối cùng để kiếm được số tiền nào đó. Vì thế họ đánh mất hệ thống phanh hãm. Tuy nhiên, bất chấp những tiếng ồn ào đi kèm với các chiến dịch chống tham nhũng, ngay cả khi bị bắt quả tang, gần như ít khi bị kết thúc trong nhà tù. Trong 30 năm qua, gần 200 ngàn quan chức bị phát hiện nhận hối lộ thì 80% nhận khuyến cáo. Các cuộc điều tra chỉ chiếm 6% và chỉ 3% trường hợp có án toà.
Newsweek: Như vậy hối lộ là một hoạt động rất an toàn: 3% hình phạt đối với người bị bắt quả tang có nghĩa rằng mối nguy hiểm thực tế cho tội nhận hối lộ là không đáng kể.
Richard McGregor: Hơn nữa đây là một thương vụ với tỷ lệ hoàn vốn rất cao. Thật khó tưởng tượng một sự đầu tư nào có nhiều lợi nhuận hơn. Tôi cung cấp cho ông chỉ một ví dụ. Khi tôi đang viết sách, người ta bắt giữ bí thư đảng ở tỉnh lẻ của một vùng với diện tích nhỏ có dân số vài trăm ngàn người. Đó là một khu vực rất nghèo – nhiều trẻ em không đi học vì cha mẹ không có tiền trả xe buýt hoặc sách giáo khoa, tỷ lệ thất nghiệp đáng kinh ngạc. Người đàn ông bị bắt giữ đã trả cho chức vụ bí thư đảng số tiền 300 ngàn nhân dân tệ. Khi đứng trước các nhà điều tra, ông ta thừa nhận đã nhận hối lộ năm triệu nhân dân tệ. Ông ta lãnh đạo cơ quan chỉ hai năm – trong một khu vực mà sản xuất giảm đi 30%, nhưng bản thân thì vẫn thu lợi nhuận từ khoản đầu tư lên tới hơn 1.500 %!
Một doanh nghiệp đảng viên bị bắt về tội tham nhũng, cho biết: “Bất kỳ quan chức nào ở Trung Quốc cũng có ba cuộc sống: cuộc sống công, cuộc sống riêng và cuộc sống bí mật”. Khi chính phủ lên án những người bị bắt giữ về tội tham nhũng, luôn luôn thích soi mói vào đời sống riêng tư, có bao nhiêu tình nhân, bao nhiêu lần ân ái tình dục. Bởi vì bằng cách này có thể giải thích tham nhũng là triệu chứng của sự sụp đổ đạo đức cá nhân, chứ không phải là vấn đề liên quan tới bản chất thực của hệ thống. Trong khi đó, giới cổ áo đen – những người có cuộc sống sang trọng nhờ ăn hối lộ – phát triển mạnh. Thậm chí ngay cả với những người có chức vụ trung bình, mức hối lộ phải tính tới hàng triệu đôla.
Newsweek: Những chức vụ nào đắt tiền nhất?
Richard McGregor: Bí thư, Trưởng ban tổ chức đảng của địa phương. Bởi vì những người này quyết định ai được làm việc này hoặc việc khác. Trả tiền cho chức vụ của mình, nhưng sau đó họ có rất nhiều chức vụ để bán.
Newsweek: Giả sử tôi không may mắn. Tôi bị bắt quả tang, tổ chức đảng không hài lòng với hình thức khiển trách. Điều gì tiếp theo?
Richard McGregor: Nếu anh là một quan chức cao cấp, anh sẽ đứng trước cơ quan chống tham nhũng của đảng, Ủy ban Kỷ luật Trung ương ở Bắc Kinh. Các quan chức Đảng cao cấp trong trường hợp hoạt động tội phạm được hưởng các quy tắc tương tự như quân nhân tại Hoa Kỳ. Họ không thể bị bắt giữ bởi cảnh sát trước khi các cáo buộc chưa được nghiên cứu: tại Mỹ bởi hệ thống tư pháp quân sự, còn ở Trung Quốc bởi đảng cộng sản. Chỉ duy nhất Ủy ban Kỷ luật Trung ương có quyền thẩm vấn các quan chức lớn. Ngoài ra để có thể mở cuộc điều tra, phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên cơ quan của đảng ở cấp bậc cao hơn trong hệ thống.
Newsweek: Và chắc chắn chức vụ càng cao, càng khó giành được sự chấp thuận để tiến hành điều tra.
Richard McGregor: Vâng, bảo vệ những người ở thượng tầng là mục đích. Nguy cơ của trường hợp quan chức trên thượng tầng bị bắt giữ là tối thiểu. Một trong những ngoại lệ rất hiếm hoi là Chen Liangyu, Thị trưởng Thượng Hải – đó là trong năm 2008 bị kết án 18 năm tù vì nhận hối lộ từ nhà thầu. Để bắt đầu điều tra Chen, đã phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên của Bộ Chính trị, cơ quan tối cao của đảng, bao gồm cả Hồ Cẩm Đào…
Newsweek: Dù vậy nhưng cuối cùng người ta cũng đồng ý mở cuộc điều tra?
Richard McGregor: Một thủ tục gọi là “shuanggui” điều chỉnh tất cả, tức là lưỡng chỉnh. Người bị tình nghi bị bắt giữ bởi Uỷ ban Kỷ luật Trung ương và kể từ đó không có sự chia sợi tóc ra thành bốn. Việc bắt giữ có thể kéo dài tới sáu tháng mà không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào, những người bị bắt giữ không có quyền liên hệ với luật sư hay gia đình của mình. Ủy ban có thể làm với họ những gì thấy thích. Làm mất ngủ, điều trần mười mấy tiếng đồng hồ, xâm phạm sự toàn vẹn cá nhân thường ngày. Lính bảo vệ có thể nhìn ngó họ ngay cả trong nhà vệ sinh. Lợi ích của họ được tôn trọng chỉ ở một khía cạnh: họ phải được lưu giữ trong các nhà trệt. Ý tưởng này nhằm tránh tình trạng những năm 90, khi nhiều quan chức bị bắt đã tự tử bằng cách nhảy ra ngoài cửa sổ.
Newsweek: Phán quyết của Ủy ban kỷ luật như trông như thế nào?
Richard McGregor: Khi kết quả điều tra xấu đối với người bị tình nghi, người ta tuyên bố khai trừ ra khỏi đảng. Chỉ sau đó thì mới chyển qua mảng công lý dân sự, nơi rất hiểu các tín hiệu của đảng. Bị khai trừ khỏi đảng tương đương với án tử hình hoặc ngồi tù dài hạn. Một luật sư Bắc Kinh làm tư vấn pháp lý cho những người bị giam giữ về tội tham nhũng nói rằng trong giai đoạn “shuanggui” họ vẫn còn đấu tranh cho tự do. Nhưng khi đã chuyển giao cho tòa án dân sự, thì quyền con người chỉ còn là thứ giẻ rách. Họ biết rằng từ thời điểm này không còn hy vọng nào nữa. ■
“Newsweek” phỏng vấn Richard McGregor – Lê Diễn Đức dịch [1]
———————
[1] : Dịch từ bài “Đảng Cộng sản Trung Quốc, tức là đảng-hãng kinh doanh”, “Newsweek” ấn bản tiếng Ba Lan ngày 5/01/2011:
http://www.newsweek.pl/artykuly/sekcje/swiat/chinska-partia-komunistyczna–czyli-partia-korporacja,70097,1. Tựa bài là của người dịch.
[2] : Bạn đọc tham khảo thêm bài của Richard McGregor trên “Foreign Policy” tháng 1/2 năm 2011: “China Is Communist in Name Only” (Trung Quốc là cộng sản chỉ trong tên gọi):
http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/01/02/5_myths_about_the_chine…