Ngành tự/từ-điển-học Việt-nam có một lịch-sử khá dầy trải dài trên nhiều thế-kỷ. Song nói chung, người ta chưa biết đến nhiều về nó bởi, một phần, ngành Việt-học, nhất là ở Tây-phương, trong một thời-gian dài dễ bị coi là một nhánh của ngành Hán-học và một phần cũng bởi chính người Việt ta, cho đến gần đây, không chú ý đủ đến giá-trị của những tài-liệu Việt-ngữ hiện-tồn. “Nôm na là cha mách qué,” chẳng hạn, không phải là một thành-ngữ do một ngoại-nhân ác-ý nào đẻ ra mà chính lại là một quan-niệm sai lầm đến từ ngay miệng cha ông chúng ta, những nhà nho thờ phượng cái học cổ-truyền của người Trung-hoa và do đó dè bỉu cái của chính chúng ta.
Nhưng nếu hỏi, thật ra câu đó nghĩa là gì thì cũng không mấy người thực-sự biết rõ nó nghĩa là gì. Vì vậy nên ở đây tôi xin đưa ra một cách đọc gợi ý.
Như chúng ta đều biết, trong một thời-gian dài, chẳng riêng gì dưới thời Bắc-thuộc mà ngay cả trong gần một nghìn năm độc-lập, tự-chủ, dưới các triều-đại vua VN, chính chữ Hán là ngôn ngữ chính-thức của nước ta. Không chỉ chiếu biểu, v.v. là phải viết bằng chữ Hán, các ghi chú lịch-sử dù là chính-thống hay không, vẫn phải viết bằng chữ Hán luôn. Không lạ là những sử-gia như G.S. Keith Taylor ở Cornell hay Alexander Woodside ở Harvard trước kia và giờ dạy ở University of British Columbia (Vancouver, Canada), khi họ học sử VN, họ cho là chỉ cần biết thạo chữ Nho là đủ để đi vào ngành sử-học VN.
Điều tôi muốn nói ở đây không phải là một người như G.S. Keith Taylor không biết Chữ Nôm. Sự thực là tôi biết rất rõ, ông có biết Chữ Nôm (ông đang dịch Truyện Sãi Vãi từ bản Nôm) nhưng vì tài-liệu lịch-sử của nước nhà phần lớn viết bằng chữ Hán nên nói chung, các sử-gia (nhất là Tây-phương) không mấy chú tâm đến các nguồn tài-liệu chữ Nôm khi viết một quyển như cuốn The Birth of Vietnam1 của ông. Hệ-luận của một tình-trạng như thế là một sử-gia như G.S. Alexander Woodside, khi nghiên cứu sử nhà Nguyễn dễ trông thấy một “khuôn mẫu Trung-hoa” (“Chinese model”2) mà không hẳn đã trông ra phần tính-cách Đông-Nam-Á ở trong đó, như câu “phép vua thua lệ làng” (tương-tự như tục-luật adat của người Nam-dương) khá phổ-biến ngay dưới thời nhà Nguyễn. Ngay cả một sử-gia như ông John Whitmore, người đã viết một cuốn sách khá độc-đáo, cuốn Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421), ông cũng không có nhiều điều để nói về vai trò của Chữ Nôm trong triều Hồ Quý Ly vì một lý-do đơn giản: hiện không còn bằng-chứng nào về các bản dịch sang Chữ Nôm của các sách lấy từ trong Tứ Thư Ngũ Kinh Trung-hoa (như là thiên “Vô dật” trong Thư-kinh, dịch năm 1395 để dạy vua, hay sách Minh đạo, có nghĩa là “Làm rõ nghĩa Đạo,” nhằm duyệt lại Nho-giáo, nhất là xét lại sách Luận-ngữ của Khổng-tử, viết ra năm 1392).3
Các sử-gia Việt-nam có khuynh-hướng đổ tội cho nhà Minh đã cướp sách của ta mang về Tàu hay huỷ các sách đó, chẳng riêng gì sách Nôm (như của Nguyễn Thuyên,4 Nguyễn Sĩ Cố,5 Chu Văn An,6 v.v.) mà còn hầu hết các sách của ta viết trước thế-kỷ XV bởi quân xâm-lược hồi bấy giờ được Minh Thành-tổ ra lệnh hẳn hoi về chuyện này trong thời-gian họ chiếm nước ta (1407-27), để lại những khoảng trống hốc hác trong văn-học Nôm thời Lý-Trần. Song tôi lại cũng ngờ là ngay các nho-sĩ Việt-nam, vì quá chuộng văn-chương Trung-hoa, cũng có bàn tay trong việc dè bỉu di-sản Nôm của cha ông ta trước đó. Vì những quy-luật của Chữ Nôm không được định nghĩa rõ ràng như các quy-luật của tiếng Hán, tiếng nói mà ta gọi là “Nôm na” bị xem là quê mùa, thiếu tính-cách điển-lệ (“mách qué”). Đối với những “nhà nho” đã từng bỏ ra cả một phần đời để học tiếng Hán hay tiếng Hán-Việt thì tiếng Hán, chữ Hán phải được xem là “sang trọng” trong khi tiếng Nôm dân dã kia chỉ xem là tiếng của đàn bà (“mách” chuyện), không có học bao nhiêu (nên gọi là “qué”).
Những khởi đầu của tự/từ-điển-học Việt-nam
Trên đây tôi phải hơi dông dài một chút vì, theo thiển-ý, lịch-sử từ-điển-học Việt-nam (hay tự-điển-học trong truyền-thống Trung-hoa), cũng tương-tự như lịch-sử từ/tự-điển-học các nước, đều bắt đầu từ nhu-cầu cần thông-đạt qua các ngôn-ngữ, ở đây chủ-yếu là giữa tiếng Việt và tiếng Hán.
Hãy bỏ sang bên câu chuyện con bạch-trĩ (“trĩ trắng”) mà một sứ-giả Việt Thường mang sang biếu Chu Thành-vương, vào khoảng năm 1100 tr. CN theo như sử sách Trung-hoa, đòi hỏi phải có mấy lần dịch qua lại mọi người mới hiểu nhau, ta vẫn còn câu chuyện của thời Sĩ Nhiếp, thứ-sử Giao-chỉ, về sau thành Giao-châu, 187-226, như được kể trong sách Đại Nam quốc-ngữ7 của Văn-đa cư-sĩ Nguyễn Văn San, “Đại Nam” là tên của nước ta vào cuối thế-kỷ XIX, khoảng 1880?). Ông viết:
“Liệt quốc ngôn ngữ bất đồng, nhất quốc hữu nhất quốc ngữ. Ngã quốc, tự Sĩ vương dịch dĩ Bắc âm, kỳ gian bách vật do vị tường thức, như ‘thư cưu’ bất tri hà điểu, ‘dương đào’ bất tri hà mộc. Thử loại thậm đa. Thị thư chú dĩ quốc âm thứ đắc bị khảo: hoặc hữu dị tri giả, diệc bất tất chú.” Có nghĩa là: “Tiếng nói các nước, mỗi nước đều có tiếng riêng của mình. Nước ta, từ khi Sĩ vương [tức Sĩ Nhiếp đời Hán] đem tiếng Bắc dịch [sang tiếng Nam], thì thấy trong số tiếng dịch ấy có nhiều tên còn chưa rõ. Tỷ như ‘thư cưu’ [trong bài đầu của Kinh Thi], chẳng biết [gọi] là con chim gì; ‘dương đào’ [cây khế] chẳng biết gọi là cây gì. Các chữ như thế rất nhiều. Sách này đem [các từ ngữ như thế] chua bằng tiếng nước ta [=Việt], may ra đủ để tra cứu; hoặc có chữ Hán nào dễ biết thì cũng không cần chua.” |
Rằng Nguyễn Văn San đã không dựng đứng câu chuyện này có thể thấy được trong bài tựa chữ Hán sách Chỉ Nam ngọc-âm giải nghĩa,8 một tác-phẩm có trước ông có thể tới bốn thế-kỷ, trong đó ta có thể đọc:
“Chí ư Sĩ vương chi thời, di xa tựu quốc, tứ thập dư niên, đại hành giáo hoá, giải nghĩa Nam tục, dĩ thông chương cú, tập thành quốc ngữ thi ca, dĩ thức hiệu danh. Vận tác Chỉ Nam phẩm vựng, thượng hạ nhị quyển, học giả nan tường.” Dịch nghĩa: “Đến thời Sĩ-vương dời xe đến nước ta, trong hơn bốn chục năm, ông đã làm công việc giáo-hoá trên một qui-mô lớn, giải nghĩa bằng tiếng nước Nam cho [mọi người] hiểu thấu các chương cú, làm thành một cuốn thơ ca bằng quốc-ngữ, để mà biết gọi tên. Làm sách vần Chỉ Nam phẩm vựng, thượng hạ hai quyển, người học khó tường.” |
Và tác-giả sách Chỉ Nam ngọc-âm giải nghĩa sau đó cho rằng ông đã cải thiện cuốn Chỉ Nam phẩm vựng [của Sĩ Nhiếp] bằng cách “chọn kỹ càng các âm ngọc, cho cách đọc các chữ, giải nghĩa chúng, tự tay viết thật rõ, có thể nói được rằng làm sáng tỏ những điều chính-yếu nhất, khiến cho người đọc có thể theo vần mà thuộc ngay. Trời không phụ người [chịu khó] đọc sách, rồi sẽ có con cháu đỗ đạt.”
Theo thuyết trên đây thì ít ra ở Việt-nam có một truyền-thống cho rằng Chữ Nôm hay một hình-thức của chữ Nôm có gốc gác từ Sĩ Nhiếp vào thế-kỷ II theo CN. Cụ Trần Văn Giáp có lẽ có lý khi cụ đưa ra giả-thuyết là “thứ chữ này dùng để dạy người Hán tiếng Việt; dạy người Việt học chữ Hán. Về phía người Hán thì lợi dụng nó để truyền bá tư tưởng phong kiến, chính sách của kẻ thống trị dễ việc áp bức dân chúng. Về phía người Việt Nam thì mượn những chữ phiên âm đặt thêm chữ khác làm thành chữ Nôm, để ghi nhớ và truyền đạt những gì theo ý muốn mình: phong tục, tập quán, thi ca, kỹ thuật, thiết thực cho đời sống.”9
Như vậy thì ta thấy có một tiến-trình song song giữa thời Sĩ Nhiếp ở Giao-châu và mười lăm thế-kỷ sau khi các nhà truyền giáo người Âu sang nước ta vào TK XVII. Những người nước ngoài này, dù là người Hán TK II hay người Âu TK XVII, khi sang nước ta đều có nhu-cầu trao đổi với người bản-xứ. Vì không biết tiếng nên hiển-nhiên là họ tìm cách ghi xuống bằng tiếng nước họ các âm Việt mà họ nghe được. Và cũng hiển-nhiên không kém là cách viết này khá tuỳ tiện, không theo một hệ-thống nào. Ở TK XVII, chẳng hạn, giáo-sĩ người Ý Cristoforo Borri viết các từ Việt xuống bằng cách dựa theo lối viết của người Ý.10 Ngược lại, các ông cố-đạo Bồ-đào-nha như João Roiz hay Gaspar Luis11 (1621) hoặc Antonia Barbosa thì lại viết theo kiểu Bồ. Và cũng vì các giáo-sĩ này chưa phân-biệt được các thanh điệu (dấu giọng) Việt-nam nên họ chỉ tìm cách viết xuống cách đọc của tiếng Việt mà không ghi dấu nào cả. Trong trường-hợp Sĩ Nhiếp thì ta không có bằng-chứng nào rõ ràng là ông ta viết “chữ Việt” theo cách của ông ta như thế nào (tác-phẩm được gán cho ông, cuốn Chỉ Nam phẩm vựng, thì ngày nay đã mất hay cũng chưa chắc là đã có trong quá-khứ) nhưng ta có thể xem cách người Trung-hoa trong những thế-kỷ gần ta hơn chép các âm Việt xuống để mà thấy là họ cũng theo cùng một nguyên-tắc, nghĩa là nghe thấy thế nào thì chép xuống bằng những âm na ná có trong tiếng Hán. Ta có thể lấy trường-hợp Trần Cang-trung, sứ-giả người Trung-hoa do nhà Nguyên gửi sang nước ta ở thế-kỷ XIII thì biết, như được ghi trong sách Sứ Giao-châu thi-tập. Trong sách này, ông ghi lại 18 từ ngữ tiếng Việt, được chuyển-tả sang thứ tiếng Trung-hoa ông ta nói thời bấy giờ.12 Cũng tương-tự, khoảng 200 năm sau dưới đời nhà Minh, một (hay hơn một) tác-giả vô danh thuộc Tứ Di Quán (hoặc Tứ Dịch Quán) ở Bắc-kinh cũng đã thu thập một bảng từ ngữ khoảng 700 chữ tiếng Việt để đưa vào một danh-sách mang tên An-nam dịch-ngữ.13 Cuốn này cũng theo cùng một nguyên-tắc, nghĩa là lấy tiếng Bắc-kinh (na ná) thời đó để ghi xuống các âm Việt. Nếu đôi ba chỗ, cách ghi của An-nam dịch-ngữ có thể giống cách viết chữ Nôm của ta sau này, nói chung tất cả những chữ dùng để chuyển-tả (transcribe) tiếng Việt trong An-nam dịch-ngữ đều không phải là Chữ Nôm mà chỉ là chữ Hán dùng để ghi xuống các âm Nôm mà thôi. Do đó, An-nam dịch-ngữ không thể coi được là một cuốn sách thực-sự ghi tiếng Việt (vì lối ghi khá vụng về, ba rọi), nó lại đặc-biệt không thể gọi được là một tự-điển song ngữ chính-danh (vì muốn thế, nó phải là từ tiếng Hán sang tiếng Nôm hay ngược lại), cùng lắm ta chỉ có thể coi nó như một cuốn sổ kiểu aide-mémoire dành cho một người nói tiếng Tàu muốn bập bẹ dăm ba câu, chữ Việt.
Cuốn “tự-điển” thực thọ đầu tiên trong tiếng Việt: Chỉ Nam ngọc-âm giải nghĩa
Tất cả những điều trên đều nằm trong sự tính toán của tác-giả cuốn tự-điển Hán-Nôm đầu tiên mà đáng kể (3394 mục từ) để có thể được xem là một cuốn tự-điển thực thọ. Tôi đang muốn nói đến cuốn Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa, mà một bản “trùng-san” đã được in ra vào năm 1761 dưới thời Cảnh Hưng.
Trong một thời-gian khá lâu, cuốn này được xem là một tác-phẩm của thế-kỷ thứ XVII14 (Lê Văn Quán 1981) là sớm nhất nhưng các chữ cổ ở trong đó, nhất là các hình-thức cổ của Chữ Nôm trong đó, làm cho những học-giả như cụ Đào Duy Anh cho là ta có thể đoán cho nó một niên-đại sớm sủa hơn, vào đầu nhà Lê15 (TK XV, Đào Duy Anh 1979). Cụ Trần Văn Giáp, dựa vào một ghi chú viết ngay ở bìa cuốn sách (“Minh giám bản”), cho rằng phải cho nó là sản-phẩm của đầu thế-kỷ XV, khi nhà Minh còn đang xâm-chiếm nước ta (1407-1427).16 Bà Trần Xuân Ngọc Lan, người đã bảo vệ một luận-án tiến-sĩ về Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa (1983), hơi do dự giữa ba niên-đại được đề nghị (bởi cả ba đều do những học-giả có tiếng tăm và uy-quyền đưa ra), do vậy nên bà chọn cách nói hơi bảo thủ là “CNNÂ chỉ có thể ra đời trong khoảng thời-gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII.”17 Tuy-nhiên, ta cũng có thể cảm thấy sự nghi ngại nơi bà khi trong một số bài viết, bà đã nhắc đến tính-cách rất cổ của một số từ ngữ trong sách, với những từ ngữ còn cổ hơn cả những từ thấy trong thơ Nguyễn Trãi (1380-1442).
Vấn-đề xem chừng chưa được giải-quyết cho đến khi ông Ngô Đức Thọ, một chuyên-gia về “chữ huý,” trong một bài thuyết-trình đọc tại Hội-nghị quốc-tế về Nôm họp ở Hà-nội cách đây hơn ba năm (hai ngày 13 và 14 tháng 11, 2004), chứng minh được một cách khá thuyết-phục rằng đây là một tác-phẩm có từ đời nhà Hồ (1400-1407).18 Năm Tân-tỵ mà ta thấy được ghi trong bài tựa, do đó, chỉ có thể là năm 1401, và như vậy cuốn sách là đương-thời với thơ quốc-âm Nguyễn Trãi, và điều này giải thích được một số đặc-điểm mà ta sẽ không thể hiểu được nếu cho nó một niên-đại chậm muộn hơn nhiều. Ở trên chúng ta đã nói đến những từ ngữ cổ mà bà Trần Xuân Ngọc Lan đã đưa ra, chúng ta cũng cần phải nói đến mấy chữ “Minh Giám Bản” có thể thấy được ở ngay bìa sách, viết khá lớn, nằm ở giữa và phía trên bìa. Cụ Trần Văn Giáp cho rằng mấy chữ đó có nghĩa là “Bản do nhà Minh đã xét,” nghĩa là có từ thời thuộc Minh (1407-27). Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm phản-đối dữ dội cách đọc này nhưng rồi ông cũng không đưa ra được một cách nào dễ chấp nhận hơn.
Dầu sao đi nữa, ngay nếu ta chỉ chấp nhận một cách tạm bợ niên-đại do ông Ngô Đức Thọ đề nghị—mà chính tôi không thấy có lý-do nào để không chấp nhận kết-luận của ông—thì ta cũng có ở Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa một tác-phẩm khá cổ kính trong lịch-sử tự/từ-điển-học Việt-nam, cả về niên-đại lẫn nội-dung phong phú. Và nếu ta chấp nhận năm 1401 là năm cuốn sách được in ra lần đầu (hay ít nhất cũng là năm hoàn-tất) thì đương-nhiên cuốn Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa trở thành cuốn tự-điển sớm nhất của ta mà còn lại đến giờ (chỉ thua, nếu có, khi so với cuốn Chỉ nam phẩm vựng của Sĩ Nhiếp, song cuốn này chưa chắc đã có thật mà rồi chữ trong đó, nếu có cũng chưa chắc đã là chữ Nôm); nó có trước cuốn An-nam dịch-ngữ ít nhất là từ 150 đến 200 năm và cuốn Từ-điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (cuốn Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum, Roma, 1651) đúng 250 năm.
Những tự-điển khác do người Việt làm ra
Sau quyển Chỉ Nam, tự-điển-học Việt-nam còn ghi được một số tự-điển khác mà, theo cụ Trần Văn Giáp, những cuốn chính là:
Tự-học toản-yếu19 hay còn gọi là Tam thiên tự văn giải nghĩa (“Sách giải nghĩa ba nghìn chữ Hán”), tác-giả Ngô Thời Nhiệm (1746-1803), một bộ có từ cuối thế-kỷ XVIII. Cuốn sách này mà có thể có người còn nhớ những câu đầu (“Thiên Trời, Địa Đất, Cử cất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba…”) là một cuốn sách nhằm cho trẻ học thuộc lòng, một loại sách vần dễ nhớ và không rườm rà. Một khi thuộc thì người học đã biết được ba nghìn chữ Hán, kèm theo với nghĩa Nôm của chúng. Tóm lại là một thứ tự-điển thuộc nằm lòng.
Chỉ nam bị loại,20 một cuốn sách giống như song gọn hơn cuốn Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa mặc dầu có nhiều phạm-trù hơn (59 loại thay vì chỉ có 38 loại thấy trong cuốn sau), với từ ngữ nhà Phật được nhấn mạnh hơn. Tác-phẩm này có thể là sản-phẩm của những năm đầu thế-kỷ XIX.
Nhật-dụng thường-đàm21 (“Chuyện nói hàng ngày”), tác-giả là Phạm Đình Hổ (1768-1839). Đây là một cuốn sách nhỏ tập trung vào những từ ngữ thường-dùng trong ngày, được trình bầy thành 32 loại (Chữ Hán, tiếp theo sau là có ghi nghĩa Nôm), tạm đủ để dùng hàng ngày. Cuốn này ra có lẽ dưới thời vua Minh Mạng (1820-40).
Đến giữa thế-kỷ XIX, một tác-giả vô danh tìm cách làm cho gọn hơn cuốn Tam thiên tự của Ngô Thời Nhiệm, mà ông ta cho là tham quá, nên chỉ ra một cuốn sách vỡ lòng bằng một phần ba cuốn kia thôi mang tên Thiên tự văn giải âm22 (“Một nghìn chữ Hán, giải nghĩa bằng âm Nôm”), cũng còn gọi là Nhất thiên tự, chỉ dạy trẻ khoảng 1.000 chữ Hán (đích-xác là 1.015 chữ) dịch sang Nôm, sắp xếp theo vần lục bát:
Thiên Trời, Địa Đất, Vân mây,
Vũ mưa, Phong gió, Trú ngày, Dạ đêm…
Xong là đến hai tự-điển Hán-Nôm về Phật-học, cuốn Phạn-Hoa danh-nghĩa và Thiền-gia Phạn-số, cả hai23 đều do Hoà-thượng [chùa?] Phước Điền tên An Thiền, làm xong năm 1845.
Đến cuối đời Tự Đức (1847-83), lại có thêm hai cuốn giá trị, một tự-điển song ngữ Hán-Nôm, cuốn Đại Nam quốc-ngữ24 do Nguyễn Văn San, tức Văn Đa cư-sĩ (sách hoàn-tất khoảng năm 1880 nhưng chỉ đến năm 1899 mới được in ra); và một cuốn tự-điển chuyên-đề, Nam-phương danh-vật bị-khảo,25 trình bầy thành 32 loại khác nhau, do Đặng Xuân Bảng (1828-1910) hoàn-tất, in ra năm 1902. Cuối cùng thì ngay vua Tự Đức, một người rất uyên bác, cũng có sách Tự Đức thánh-chế Tự-học giải-nghĩa-ca26 mà một trong những mục-đích có thể là để tìm cách chuẩn-hoá cách viết chữ Nôm.
Những đặc-điểm chung của những tự-điển do người Việt làm ra kể trên
Được viết ra trong vòng năm thế-kỷ, tất cả những tự-điển do người Việt làm ra nói trên đều chia xẻ những đặc-điểm như sau:
1/ Tất cả đều là tự-điển một chiều, nghĩa là chỉ có từ tiếng/chữ Hán sang tiếng Việt, chữ Nôm (không có tới một quyển là theo hướng ngược lại). Điều này nói lên nhu-cầu rất cấp-thiết là phải học chữ Hán (để đi thi, ra làm quan, làm công-chức v.v.), tiếng Nôm nếu có thì cũng chỉ là để giúp học chữ Hán mà thôi.
2/ Cách sắp xếp các từ-mục, khác với cách sắp xếp như ta có sau này, tỷ như trong Khang-hi Tự-điển thì là theo bộ và số nét, thì lại sắp xếp theo loại đề-tài mà ta có thể có được từ 30 đến 100 loại. Đây cũng là phản ảnh một nhu-cầu học theo đơn-vị (tỷ-dụ, hôm thì học về thời-tiết, thiên-văn, hôm thì học về thân-thể con người ta, họ hàng thân thuộc, v.v.).
3/ Để giúp cách học cho dễ nhớ, các từ ngữ được sắp xếp sao cho nghe du dương, dễ nhớ dễ thuộc: như dùng thể lục bát trong Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa, Thiên tự văn, hay thơ bốn chữ trong Tam thiên tự.
4/ Trong quá-trình học “sách thánh hiền” và chữ nho của các cụ ta, Chữ Nôm chỉ được dạy một cách gián-tiếp, như một môn phụ-giảng thôi, không có lớp lang hay phương-pháp gì. Ấy vậy mà Chữ Nôm, vì là tiếng mẹ đẻ nên vẫn ăn sâu vào tâm khảm của nhiều người trong các thế-hệ cha ông, đưa họ đến chỗ trở thành những nhà thơ lớn, những tiểu-thuyết-gia hay sử-gia bằng thơ rất đặc-biệt của văn-học Việt-nam.
Không biết bao nhiêu tuyệt-tác của văn-học Việt-nam, lạ thay, lại là sản-phẩm của lối học gián-tiếp, không chuyên này. Đó là trường-hợp thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi, Chinh-phụ-ngâm của Đoàn Thị Điểm, Cung-oán ngâm-khúc của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, hoặc thơ Hồ Xuân Hương, tất cả đều viết bằng chữ Nôm, chứng tỏ là tiếng mẹ có một sức hút phi-thường dù như phải cạnh-tranh với một thứ tiếng được ưu-đãi, đứng chân trên như chữ Hán, chữ nho.
Và người Âu đã đến
Với người Âu đến Việt-nam vào thế-kỷ XVI và nhất là thế-kỷ sau, thế-kỷ XVII, thì một động-lực mới đã diễn ra. Giờ đây, chính những người mới đến thấy có nhu-cầu học tiếng Việt—để trước hết là buôn bán và, trong trường-hợp các cố đạo, là để đem rao giảng tin vui về Đức Chúa.
Lúc đầu, họ học bằng cách nghe rồi chép xuống, dùng ngay chữ viết của nước họ để ghi những âm Việt (dùng tiếng Ý trong trường-hợp Cristoforo Borri, Bồ-đào-nha trong trường-hợp các thầy Gaspar de Amaral hoặc Antonio Barbosa). Chẳng bao lâu, họ hiểu rằng tiếng Việt là một tiếng có thanh điệu nên để cho người ta hiểu mình thì mình cũng phải học các dấu giọng. Chính điều này dẫn đến việc hệ-thống-hoá chữ Việt la-tinh, như ta được thấy trong cuốn Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (1651, Roma) của Alexandre de Rhodes.
Trong khi đó, vì người dân Việt thường ngày dùng Chữ Nôm để ghi chép hay viết lách nên các giáo-sĩ Tây-phương cũng hiểu ra rằng để có thể gây ảnh-hưởng trong xã-hội này, họ cần phải học lối chữ viết này chứ không thể chỉ ôm chết lấy lối viết tiếng Việt bằng chữ La-mã (lối viết mà sau này gọi là “Quốc-ngữ”), lối viết mà lúc bấy giờ chỉ có một thiểu-số rất nhỏ là người theo đạo Thiên-chúa biết. Đó là lý-do tại sao ngay từ thế-kỷ XVIII đã có một nỗ lực in ra một cuốn từ-điển Chữ Nôm-Latinh để giúp các cố đạo học tiếng Việt: đó là cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum27 của Pigneau de Béhaine, mà một bản chép tay, ghi 1772, hiện còn giữ ở Société des Missions Etrangères ở Paris.
Sang thế-kỷ XIX, lại có một cuốn từ-điển cùng tên nhưng có thêm tên sách bằng tiếng Việt, Nam Việt Dương hợp tự vị,28 do Linh-mục J.L. Taberd in ra ở Serampore, Bengal, vào năm 1838. Gần 40 năm sau có thêm cuốn Dictionarium anamitico-latinum,29 có ghi tên hai tác-giả, Taberd và Theurel, in ra năm 1877. Rồi đến lượt Huình-Tịnh Paulus Của đưa ra đại-tác-phẩm của ông, bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị30 gồm hai tập, in ra năm 1895-96 ở Sài-gòn. Gần như liền sau có bộ Dictionnaire annamite-français31 (1898) của Génibrel, cũng in ở Sài-gòn, và bộ từ-điển Việt-Pháp trùng tên, 2 tập, của Jean Bonet32 (1899-1900), xuất bản ở Paris, viết theo cùng một mẫu. Những cuốn từ-điển này đều xem như người dùng đã sẵn biết Chữ Nôm cũng như biết cả cách viết chúng sang Quốc Ngữ: bộ của Huình Tịnh Của, chẳng hạn, không cả có phần tra Chữ Nôm sắp xếp theo bộ và số nét (như trong trường-hợp một cuốn tự-điển Trung-hoa) dù như Chữ Nôm là cùng một gốc gác với lối viết chữ Hán.
Gần ta hơn nữa, các tự-điển Chữ Nôm (bắt đầu từ cuốn của Vũ Văn Kính và Nguyễn Quang Xỹ, Tự Điển Chữ Nôm, xuất bản năm 1971 ở Sài-gòn, chạy tuốt luôn đến cuốn Đại Tự Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính, in ở Sài-gòn năm 1999) đều theo một cách trình bầy. Chỉ có ở Bảng Tra Chữ Nôm, xuất bản do Viện Ngôn ngữ học Hà-nội năm 1976, là ta có được một cuốn đầu tiên trình bầy chữ Nôm theo bộ, và ở trong từng bộ, theo số nét. Và cuối sách có một phụ-lục liệt-kê tất cả các cách đọc, sắp xếp theo thứ tự alphabet Quốc Ngữ.
Ở ngoài Việt-nam, G.S. Takeuchi Yonosuke có cuốn Chữ Nôm Jiten (1980), in ở Nhật, là cuốn đầu tiên trình bầy Chữ Nôm theo vần alphabet Quốc Ngữ, và cũng có luôn một phụ-lục Chữ Nôm sắp xếp theo số nét. Cũng tương-tự, Paul Schneider (Xuân Phúc) ở Pháp có Dictionnaire historique des Idéogrammes vietnamiens (Nice, 1992), sắp xếp ngang nhau cách ghi lại theo alphabet cũng như cách sắp theo bộ và số nét. Ở Mỹ, Linh-mục Anthony Trần Văn Kiệm có cuốn Giúp Đọc Nôm và Hán Việt, xuất bản năm 1998 ở Texas; cuốn này coi ngang bằng cả hai yếu-tố, yếu-tố Hán-Việt lẫn yếu-tố Nôm thấy trong các bản văn; tác-phẩm này cũng sắp xếp các chữ theo bộ và số nét, theo đó là một danh-sách sắp xếp theo chữ Quốc-ngữ và cho một cách vắn tắt các từ-nguyên, hay nói đúng hơn là các bộ-phận cấu-thành một chữ Nôm, đôi lời giải thích gọn ghẽ và tỷ-dụ ngắn.
Để tổng-kết kinh-nghiệm làm tự-điển Chữ Nôm trong khoảng ba thế-kỷ qua, ta có thể nói được rằng đây là những nét chính:
1/ Chữ Nôm được sắp xếp theo thứ tự cách đọc Quốc Ngữ.
2/ Có bảng tra chữ Nôm được sắp thành một danh-sách tổ-chức theo bộ và số nét.
3/ Nghĩa các từ-mục.
4/ Từ-nguyên hay nói đúng hơn là cấu-trúc của các chữ Nôm.
5/ Thí-dụ (So sánh châm-ngôn của từ-điển Larousse: “Un dictionnaire sans exemple est une squelette,” Một từ-điển không có thí-dụ là một bộ xương cách trí), phần lớn là được ghi theo cách đọc Quốc Ngữ ngày nay.
6/ Trích dẫn từ các văn-bản cổ-điển ghi lại bằng Nôm (lấy từ nguyên-bản).
Nếu ta dùng danh-sách những đặc-điểm trên đây thì ta có thể sắp xếp một số các từ-điển Chữ Nôm cận-hiện-đại nêu trên thành một bảng như sau (dấu cộng có nghĩa là có, dấu trừ có nghĩa là không có, một dấu cộng để trong ngoặc đơn có nghĩa là có nhưng chỉ tượng-trưng thôi, không phải là một đặc-điểm chủ-yếu):
Các từ-điển chữ Nôm | (1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Pigneau de Béhaine (1772) | + | + | + | – | (+) | – |
J.L. Taberd (1838) | + | + | + | – | (+) | – |
Taberd-Theurel (1877) | + | + | + | – | (+) | – |
Huình-Tịnh Của (1895-96) | + | – | + | – | (+) | – |
J.F.M. Génibrel (1898) | + | – | + | – | (+) | – |
Jean Bonet (1899-1900) | + | – | + | + | (+) | – |
Vũ Văn Kính & Nguyễn Quang Xỹ (1971) | + | – | + | + | (+) | – |
Bảng Tra Chữ Nôm (1976) | + | + | + | – | (+) | – |
Takeuchi Yonosuke (1988) | + | + | + | + | (+) | (+) |
Paul Schneider (1992) | + | + | + | + | + | + |
Trần Văn Kiệm (1998):- Hán-Việt- Nôm | ++ | ++ | ++ | ++ | (+)(+) | — |
Vũ Văn Kính, Đại Tự Điển Chữ Nôm (1999) | + | – | + | + | (+) | – |
Nguyễn Quang Hồng (2005) | + | + | + | + | + | – |
Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (2008) | + | + | – | + | + | + |
Từ bảng trên đây, ta có thể thấy được rằng ngành từ/tự-điển-học Chữ Nôm đã có những bước tiến rất lớn trong vòng nửa thế-kỷ qua, một xu-hướng được khuyến khích và đẩy mạnh trong mấy năm gần đây do những phát triển đáng kể về tin-học và Internet. Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn chính là một sản-phẩm sở dĩ có được là nhờ những tiến-bộ về tin-học đó, đã giúp cho một số nhà nghiên cứu ở mấy quốc gia khác nhau có phương-tiện liên-kết với nhau để đan tri-thức và khả-năng của mình lại trong một thời-gian gần như kỷ-lục ngõ hầu hoàn-tất một bản vi-tính cuốn từ-điển Chữ Nôm này, dựa trên các nguyên-tắc lịch-sử, lần đầu tiên được công-bố trên trang nhà của Viện Việt-học (Westminster, California) vào Tết Ất-dậu 2005 và giờ đây đã được sửa chữa và tăng bổ để đưa in ra thành sách (khoảng 1700 trang, giấy mỏng).
Như tên của sách cho ta biết, tầm quan-trọng của cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn nằm ở trong hai chữ “trích dẫn,” ngụ ý trích từ nguyên-bản các sách cổ-điển, từ phú nhà Trần mà cụ Đào Duy Anh tin là của vua Trần Nhân-tông (trị vì 1279-93), hay thơ Nôm của Nguyễn Trãi (đầu thế-kỷ XV), cho đến các tuồng chèo cổ ghi bằng Nôm và cả những tác-phẩm bằng Chữ Nôm ở đầu thế-kỷ XX. Nhưng khác với cuốn Tự Điển Chữ Nôm đồ sộ do G.S. Nguyễn Quang Hồng đứng chủ-biên (Nhà xb Giáo Dục, 2005), một tác-phẩm lớn do Viện Hán Nôm ở Hà-nội bảo trợ (với sự ủng-hộ của Viện Khoa học xã hội), cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn lại còn dầy hơn nữa mà hoàn-toàn do một số người tình nguyện ở sáu quốc gia làm chung với nhau qua Internet. Trong vòng không quá 5 năm, nỗ lực của khoảng 13 nhà Nôm-học và chuyên-gia vi-tính ở hải-ngoại, tự-nguyện bỏ thời giờ và sức khoẻ của mình, đã mang lại được một cuốn tự-điển Chữ Nôm thật đặc-sắc, có khả-năng thành một mốc-điểm lịch-sử trong ngành tự-điển-học Việt-nam, với đặc-điểm chính là tất cả những thơ văn trích dẫn trong sách đều được chép lại dưới dạng Chữ Nôm gốc, hoàn-toàn như được thấy trong nguyên-bản—như vậy, nếu cách đọc Quốc-ngữ đi kèm mà có sai thì người dùng tự-điển cũng không bị lầm lẫn theo. Trong nghĩa này, cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn có thể xem được là cuốn tự-điển đầu tiên trong tiếng Việt mà dựa trên các nguyên-tắc sử-học, tương-tự như cuốn Oxford Dictionary of the English Language; tuy-nhiên, quy-mô thì chưa thể so sánh được vì cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn chỉ thu hẹp trong khuôn khổ di-sản Chữ Nôm của Việt-nam mà thôi. Cũng vì đây là một tác-phẩm đầu tiên thuộc loại này nên tôi chắc chắn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn không thể không có sơ sót được, nghĩa là còn nhiều điều có thể cải thiện được. Các tác-giả, tôi được uỷ quyền để nói, sẽ rất biết ơn các thức-giả và đàn anh có thể chỉ ra cho chúng tôi những thiếu sót còn tồn tại để chúng tôi có thể sửa sang được trong tương-lai để có một tác-phẩm hoàn-hảo hơn.
Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ
Ngày 7 tháng 4, 2008
Bản tiếng Việt hoàn-tất ngày 17 tháng 6, 2008
SÁCH THAM-KHẢO
Alexandre de Rhodes (1651). Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (“Từ-điển Việt-Bồ-La”). Rô-ma: Dòng Tên và Phái-bộ Truyền giáo. (Cuốn này đã được dịch sang tiếng Việt, Từ Điển Annam-Lusitan-Latinh, do Nhà xb Khoa học xã hội in ra năm 1991, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh. Tuy bản dịch của Linh-mục Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt and Linh-mục Đỗ Quang Chính, nói chung là đáng tin cậy song vẫn còn một vài sai lầm đáng tiếc. Như “Cocincina,” chẳng hạn, vào thời Alexandre de Rhodes là nói về “Đàng Trong” chứ không phải là “Nam Bộ”; tương-tự, “Tunquin” là “Đàng Ngoài” chứ không phải “Bắc Bộ.”)
Chen Ch’ing-ho/Trần Kinh-hoà (1953). An Nam dịch ngữ khảo thích (“Annan Yi Yu: An Investigation and Annotations”). Văn Sử Triết Học-báo (Đại-học Quốc-lập Đài-loan), Tập 5.
—– (1966-68). A Bibliographical and Linguistic Study on the An-Nan Yi-Yu (“Nghiên cứu thư-tịch và ngôn-ngữ-học về tập An-nam dịch-ngữ”). In lại từ tập-san Shigaku (Sử-học), Tập XXXIX, Số 3, 4, Tập XL, Số 1, 2, 3.
Davidson, Jeremy H.C. (1975). A New Version of the Chinese-Vietnamese Vocabulary of the Ming Dynasty (“Một bản mới về Từ ngữ Hán-Việt đời nhà Minh”). BSOAS, 38/2.
Đào Duy Anh (1979). Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nhà xb Khoa học xã hội: Bản in lại, không đề năm, ở Pháp.
Gaspardone, Emile (1953). Le lexique annamite des Ming (“Bản từ ngữ An-nam của nhà Minh”). Journal Asiatique. Bộ CCXLI, Tiểu-tập 3, x, Số 3.
Lê Ngọc Trụ (1961). Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Tuyển tập Ngôn ngữ Văn tự Việt Nam/Essays on Vietnamese Language and Writing, San Jose: Dòng Việt, 1993, 30-47 (Tóm lược bằng tiếng Pháp, 48-50).
Lê Văn Quán (1981). Nghiên cứu về Chữ Nôm. Hà Nội: Nhà xb Khoa học xã hội.
Nguyễn Đình Hoà (1963). The Book of One Thousand Characters (“Nhất Thiên Tự”). Văn-hoá Nguyệt-san (Bộ Quốc-gia Giáo-dục, Sài-gòn) Số 12 (Tháng 10-1963), 1665-78.
—– (1987). Alexandre de Rhodes’ Dictionary (1651) (“Cuốn từ-điển của Alexandre de Rhodes, 1651”). Papers in Linguistics (= Advances in Lexicography, Phần II, do William Frawley và Roger Steiner chủ-biên) 19.1, 1-18.
—– (1991a). Vietnamese Lexicography (“Từ-điển-học Việt-nam”). Wőrterbűcher / Dictionaries / Dictionnaires (An International Encyclopedia of Lexicography). Berlin-New York: Walter de Gruyter, 2583-89.
—– (1991b). The Role of Early Dictionaries of Vietnamese in the Standardization of the National Language (“Vai trò của các từ-điển sơ-thời trong việc chuẩn-hoá chữ Quốc-ngữ”). Lexicographia 7/1991, 50-59. Tűbingen: Max Niemayer Verlag.
Nguyễn Khắc Kham (1961-62). Lược sử công trình biên soạn tự điển Việt ngữ từ thế kỷ thứ XVII. Luận đàm (Cơ-quan ngôn-luận của Tổng Hội Giáo Giới Việt Nam), Bộ I, Số 12 (Tháng 11-12 năm 1961), Bộ II, Số 1 (Tháng 1 năm 1962) và Bộ II, Số 2 (Tháng 2 năm 1962). Có in lại trong Tuyển tập Ngôn ngữ Văn tự Việt Nam/Essays on Vietnamese Language and Writing. San Jose: Dòng Việt, 1993, 51-68.
Nguyễn Tài Cẩn (1985). Một số vấn đề về chữ Nôm. Hà Nội: Nhà xb Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Trần Văn Giáp (1969). Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm. Nghiên cứu lịch sử 127 (tháng 10/1969).
—– (1970, 1990). Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Hà Nội: Tập I (Thư viện Quốc gia, 1970, Nhà xb Văn hoá tái-bản, 1984), Tập II (Nhà xb Khoa học xã hội, 1990). (Bản in năm 1990 tên sách bằng tiếng Anh trên bìa là “The Han Nom Treasury,” nhưng bên trong, nơi trang đầu thì lại được sửa lại một chút thành “The Han Nom Books Treasury, An annotated bibliography of books on Vietnamese literature and history”)
—– (2002). Lược khảo vấn đề chữ Nôm (từ khởi thuỷ đến thế kỷ XIX), Lê Văn Đặng thực hiện văn bản. St Paul, MN: Ngày Nay Publishing.
Trần Xuân Ngọc Lan (1985). Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Hà Nội: Nhà xb Khoa học xã hội.
Vương Lộc (1997). An Nam dịch ngữ. Hà Nội-Đà Nẵng: Nhà xb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.
Chú-thích
1 Keith W. Taylor, The Birth of Vietnam (“Việt-nam khai sinh”), University of California Press, 1983. Chỉ để xin đưa ra một thí-dụ, ta cứ hãy tưởng-tượng một bộ sơ-sử Việt-nam mà không nhắc đến các truyền-thuyết được thu thập trong sách Việt-điện u-linh tập hay Lĩnh-nam chích quái. Chính ông Taylor cũng công-nhận tầm quan-trọng của bộ sách trên: “Đặc-biệt, [Việt-điện u-linh tập] là cuốn sách sớm nhất mà còn lại đến ngày nay ghi chép về hai lãnh-tụ phong trào độc-lập [của VN]: Triệu Quang Phục vào thế-kỷ VI và Phùng Hưng vào thế-kỷ VIII.” (trang 354)
2 Alexander B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model (“Việt-nam và Mẫu Trung-hoa”). Cambridge, MA: Harvard University Press, 1971.
3 John K. Whitmore, Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421) (Việt-nam, Hồ Quý Ly, và nhà Minh (1371-1421)). New Haven, CT: Yale Center for International and Area Studies, Council on Southeast Asia Studies, 1985. Whitmore viết: “Hồ Quý Ly có dùng chữ Nôm và phong-cách trí-thức của người Việt được phát triển trong mười năm trước đó hay không là một điều khó xác-định.” (trang 42)
4 “[Nguyễn] Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đây.” Ngô Sĩ Liên và ngkh, Đại Việt sử-ký toàn-thư, Q. V, 41b, dưới năm 1282 (Dịch từ bản in Nội-các quan-bản 1697 do Hoàng Văn Lâu dịch và chú-thích, Hà Văn Tấn hiệu-đính, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1993, Tập II, trang 47). Tập thơ của Nguyễn Thuyên, Phi-sa tập, thì hình như đến thế-kỷ XVIII hãy còn nên Lê Quý Đôn (1726-1784) có thể viết được trong “Nghệ văn chí”: “Phi-sa tập, 1 quyển, có nhiều thơ quốc âm.”
5 Nguyễn Sĩ Cố (? – 1312) phục-vụ dưới thời Trần Anh-tông (trị vì 1293-1313). Ông được mô-tả là “thuộc dòng Đông Phương Sóc, giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm nhiều thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đó.” Đại Việt sử-ký toàn-thư, sđd, Q. VI, 22a, dưới năm 1306 (Bản dịch, Tập II, trang 91).
6 Chu Văn An (? – 1370) được biết là có tập Quốc-ngữ thi-tập, 1 quyển, nay đã mất. Xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến-chương loại-chí, phần “Văn tịch chí,” bản dịch do Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1992, Tập III, trang 99.
7 Về Nguyễn Văn San (hoạt-động mạnh khoảng 1860-1865), xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập II, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1990, trang 22. Đoạn trích là lấy từ tựa của sách Đại Nam quốc-ngữ.
8 Tác-phẩm nghiên cứu kỹ càng nhất về Chỉ nam ngọc-âm giải nghĩa là của Trần Xuân Ngọc Lan, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1985. Đoạn trích là lấy từ bài tựa bằng chữ Hán (theo Trần Văn Giap, cạnh đó sách cũng còn có một bài tựa bằng thơ chữ Nôm viết theo thể thơ lục bát (18 câu đầu và 8 câu cuối) với ở giữa xen kẽ 4 đoạn song thất lục bát. Xem thêm Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 8-13.
9 Trần Văn Giáp, Lược khảo vấn đề chữ Nôm (từ khởi thuỷ đến thế kỷ XIX), St. Paul, MN: Ngày Nay Publishing, 2002, trang 17.
10 Về Cristoforo Borri, xem Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1620-1659, Saigon: Tủ Sách Ra Khơi, 1972, Đường Mới in lại ở Paris, 1985, trang 27-32, nhất là trang 30. Các trang 31-32 cho ta thấy những thí-dụ cách ghi tiếng Việt thời bấy giờ do Linh-mục Francesco Buzomi, một người Ý khác.
11 Bàn về các cha người Bồ-đào-nha, Đỗ Quang Chính, sđd., cho ta thấy những cách ghi sơ-thời của họ về tiếng Việt như của các cha Gaspar Luis (trang 26-27, 32-34), Antonio de Fontes (trang 34-37), Gaspar d’Amaral (trang 51-67), Antonio Barbosa (trang 67-68). Nếu hai vị đầu tiên xem chừng chưa biết cách ghi dấu giọng trong tiếng Việt thì đến năm 1632, hai vị sau đã có cách, trong khi đó Alexandre de Rhodes (1591-1660), một người nói tiếng Pháp thì mãi đến 1636 hay ngay cả sau đó vẫn chưa biết cách dùng các dấu để ghi thanh điệu. Đây là một sự chậm tiến của ông mà mãi đến khi xuất bản sách Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (“Từ-điển Việt-Bồ-La”) của ông vào năm 1651 (450 trang 2 cột) ở Roma, ông mới bổ khuyết được.
12 18 chữ này được Lê Quý Đôn chép lại trong sách Kiến văn tiểu-lục. Xem Đào Duy Anh, Chữ Nôm: Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1975, tái-bản do nhà sách Sudestasie ở Paris, 1979, trang 46-47.
13 Tác-phẩm này, cuốn An-nam Dịch-ngữ, đã được nhiều tác-giả nghiên cứu khá tường tận, trong đó phải kể Emile Gaspardone (trong tiếng Pháp), Jeremy Davidson (tiếng Anh), Kondō Moroshige (tiếng Nhật), Chen Ching-ho/Trần Kinh-hoà (tiếng Trung-hoa, Nhật-bản và Việt-nam). Xin xem phần Sách tham-khảo. Bản nghiên cứu cập nhật nhất về tác-phẩm này, một mẫu mực có lẽ vì tổng-kết được hết cả những ưu-điểm của những sách đi trước, là bản do Vương Lộc, An Nam dịch ngữ, Nhà xb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 1997.
14 Lê Văn Quán, trong Nghiên cứu về Chữ Nôm, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1981, đã nêu ra những từ ngữ mà ông cho là chỉ có sau khi đã có sách của Lý Thời-trân, sách Bản-thảo cương mục (cuối thế-kỷ XVI), ra đời, do vậy mà ông rất khẳng-định là cho một niên-đại khá trễ cho tác-phẩm này: “Trên cơ sở những cứ liệu ấy chúng ta có thể nhất trí rằng: sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa phải xuất hiện sau thế kỷ thứ XVI.” (trang 152)
15 Đào Duy Anh, trong Chữ Nôm, sđd., đoán-định một niên-đại sớm hơn cho sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa dựa trên sự so sánh: “Thấy cách viết Chữ Nôm của sách ấy (phù hợp với cách viết nói trong bài tựa) rất gần với cách viết của Quốc âm thi tập, tức dùng nhiều chữ đơn, chúng tôi đoán rằng nó cũng là tác phẩm thuộc thời Lê sơ.” (trang 115)
16 Trần Văn Giáp, trong “Lược khảo về nguồn gốc chữ Nôm,” Nghiên cứu Lịch sử 127 (tháng 10-1969), cho rằng ba chữ đề ngang trên trốc trang bìa “Minh giám bản” là bằng-chứng hùng-hồn đây là một tác-phẩm ở vào đầu thế-kỷ XV (nhà Minh xâm-chiếm Việt-nam từ năm 1407 đến năm 1427). Phản-bác lại trong bài “Góp ý với ông bạn Trần Văn Giáp về bài ‘Nguồn gốc chữ Nôm” cũng được in trong Nghiên cứu Lịch sử 140 (tháng 10 và 11-1971), trang 57-61, Hoa-Bằng Hoàng Thúc Trâm tuyệt-đối bác bỏ cách diễn-dịch của ông Giáp (trang 57) nhưng rồi chính ông cũng không đưa ra được một cách diễn-dịch nào thuyết phục hơn.
17 Trần Xuân Ngọc Lan, trong sách Chỉ nam, sđd., dựa vào ngữ-âm-học để bác bỏ khả-năng cuốn sách có trước thế-kỷ XIV. Bà cũng cho là nó không thể trễ hơn thế-kỷ XVII trên căn-bản các từ ngữ trong sách và ý-nghĩa của chúng (trang 61). Bà do đó đã chọn một lập-trường trung-dung mà cho rằng các cứ-liệu nội-bộ cho thấy tác-phẩm “chỉ có thể ra đời trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII.” (trang 60)
18 Ngô Đức Thọ, “Thông tin mới nhất về Chỉ Nam ngọc âm,” Thời đại mới 5 (tháng 7-2005).
19 Về Tự-học toản-yếu, thường được biết dưới tên Tam thiên tự giải âm, xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, sđd., Tập II, trang 14-17. Về sách này, Trần Văn Giáp kết-luận, “tuy mới đọc, ta thấy nó chỉ là một quyển sách dạy học vỡ lòng cũng như lời tác giả đã nói, nhưng thực ra, nó chính là một sách tự điển Hán Việt thông thường và phổ biến, làm về cuối thế kỷ thứ XVIII, đồng thời với việc khắc in để phổ biến của các sách Chỉ nam ngọc âm [có lẽ ông ám-chỉ bản “trùng-san”] và Chỉ nam bị loại và xuất hiện trước các sách Nhật dụng thường đàm, Thiên tự văn và Đại Nam quốc ngữ, v.v…” (Lược khảo, sđd, trang 14)
20 Không nên nhầm lẫn với nguyên-mẫu của nó, sách Chỉ Nam ngọc-âm giải nghĩa, mà một trong ấn-bản mang tên Trùng-san Chỉ nam bị loại các bộ dã đàm tính bổ di đại-toàn-tự (quốc-tục). Xem Trần Văn Giáp, Lược khảo, sđd., trang 26-28. Về cuốn này, Trần Văn Giáp viết: “Khoảng mười năm đầu thế kỷ thứ XIX, lại có người giọn lại bộ Chỉ nam ngọc âm cũ, và giải nghĩa gọn gàng thành bộ Chỉ nam bị loại. Bộ này chưa được đem in, chỉ truyền lại bằng bản sao chép. Còn tác giả, chắc cũng là một vị sư, vì thấy chú ý đến danh từ Phật giáo, nhất là Phật giáo Việt Nam, như An nam tứ khí, v.v…” (trang 23) Là một tác-phẩm nhỏ hơn, sách Chỉ nam bị loại vẫn có nhiều loại-mục hơn cuốn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa: 59 loại-mục cả thảy so với chỉ có 38 loại-mục trong sách kia (trang 27).
21 Về sách này, mà một ấn-bản có tựa ghi năm 1827, xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 18.
22 Xem Nguyễn Đình Hoà, “The Book of One Thousand Characters,” (“Sách ‘Nhất Thiên Tự’”) Văn hoá nguyệt san 12 (Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, tháng 10-1963), trang 1665-78, và Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 19-20. Tuy là một tác-phẩm vô danh, Thiên tự văn giải nghĩa cũng đã được gán cho Vũ Quốc Trân, tác-giả truyện thơ Bích-câu kỳ-ngộ.
23 Xem Trần Văn Giáp, Lược khảo, sđd., trang 25.
24 Như trên, trang 14-18. Xem thêm Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 21-22.
25 Xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 24. Về tác-giả Đặng Xuân Bảng, xem Như trên, Tập I, trang 310.
26 Xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu, sđd., Tập II, trang 23. Xem thêm Lược khảo, sđd., trang 31-33. Tuy không phải là một tác-phẩm lớn song theo Trần Văn Giáp, đây vẫn là một tác-phẩm hữu ích bởi tuy sách “dài, nhiều chữ khó, nghĩa khó ít dùng” sách vẫn “đạt được việc chính xác lối viết chữ Nôm và dùng để tra cứu các chữ, không thể đem phổ biến cho việc học chữ Hán được. Do đó, sách chỉ có thể là một tài liệu, một công cụ sắc bén cho các nhà nghiên cứu ngữ ngôn văn tự Việt Nam, nhất là lối viết chữ Nôm.” (trang 32)
27 Trần Nghĩa, “Một bộ từ điển Việt-La tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được,” Nghiên cứu Hán Nôm 1984, trang 127-136. Theo nguồn tin này thì tự-điển của Pigneau de Béhaine (1741-1799), Giám-mục Adran, gồm một danh-mục 67 trang liệt-kê 4.293 Chữ Nôm, sắp xếp theo bộ và số nét trình bầy bên cạnh cách viết chữ Quốc-ngữ của chúng (mà nhiều khi có hơn một cách đọc cho một chữ Nôm), tiếp theo sau là phần từ-điển sắp xếp theo thứ tự ABC (662 trang).
28 Lê Ngọc Trụ, “Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX,” in lần đầu trong Việt Nam Khảo cổ Tập san (Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn) 1961, trang 113-141, xong được in lại trong Tuyển tập Ngôn ngữ Văn tự Việt Nam/Essays on Vietnamese Language and Writing, San Jose: Dòng Việt, 1993, trang 30-47 (Tóm tắt tiếng Pháp, trang 48-50). Tác-giả mô-tả cuốn tự-điển Taberd như sau: “Quyển Nam Việt Dương hợp tự vị có 46 trang văn phạm, 620 trang tự vị, 52 trang phụ lục về hoa quả miền Nam (Hortus Floridus Cocincinae) với bảng kê các chữ nôm trong tự vị, sắp theo bộ và số nét.” (trang 40) Bộ tự-điển quan trọng này trong lịch-sử từ-điển-học VN cách đây ít năm đã được in lại bởi Trung Tâm Quốc Học và Nhà xb Văn Học, Thành phố HCM, 2004. (Tuy-nhiên, vì nhà xuất bản có lẽ không có người biết tiếng La-tinh nên tên tác-giả được ghi thành “A J. L. Taberd” trong khi đó chữ “A” ở đây chỉ có nghĩa là “bởi.”)
29 Trong lời tựa bộ tự-điển này, in do Missionis Tunquini Occidentalis (Các nhà dòng miền Đông Bắc-kỳ) ở Ninh Phú (Kẻ Sở) vào năm 1877, Taberd-Theurel có đoạn giới-thiệu như sau: “Cuốn tự điển của Cố Alexandre de Rhodes đã gồm có bảy hay tám nghìn chữ và trong số đó có nhiều chữ đồng nghĩa. Cuốn tự điển Việt-La của Cố Taberd có chừng 10.000 chữ, mỗi chữ được cắt nghĩa tỉ mỉ hơn trong tự điển của Cố Alexandre de Rhodes. Ngoài ra, mỗi chữ đã dùng theo thứ tự bộ chữ. Do những ưu điểm đó, cuốn tự điển Việt-La của Taberd đã được nhiệt liệt hoan nghênh và đã được phổ cập rộng rãi.” Trích trong Nguyễn Khắc Kham, sđd., trang 54.
30 Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Saigon: Imprimerie Rey, Curiol & Cie , 1895 (Tập I, A-L, 608 trang), 1896 (Tập II, M-X, 596 trang). Một bản in facsimile đã được nhà sách Khai Trí đưa ra ở Sài Gòn vào năm 1974, sau đó được in lại thành một quyền do nhà in Xuân Thu ở Mỹ (không thấy ghi năm).
31 J.F.M. Génibrel, Dictionnaire annamite-français, Saigon, 1898, 987 trang.
32 Jean Bonet, Dictionnaire annamite-français, Paris, 1899-1900, xxv, 440 + 532 trang.