Sáng (26-9), triển lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng” chính thức mở cửa tại vườn sinh thái Đầm Bông (phố Trần Điền, khu đô thị mới Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Điều đáng tiếc, một góc của triển lãm này lại để du khách giẫm đạp rùa.
Triển lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng” trưng bày 1.000 cá thể rùa quý hiếm, 1.000 đồng tiền đã qua sử dụng và 1.000 vật dụng, nông cụ tư liệu sản xuất của nhà nông… Đây được xem là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh các giá trị của nền văn minh lúa nước, đồng thời góp phần quảng bá tới khách tham quan nhận thức về sự cần thiết của việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn các loài động vật quý hiếm (trong đó có loài rùa).
Tuy nhiên, chính khu vực triển lãm rùa lại trở thành nơi để du khách giẫm đạp rùa. Nhiều khách vô tư đứng hoặc dùng sức giẫm đạp lên mai rùa để tạo dáng chụp ảnh, bất chấp sự can ngăn của người ngoài. Điều đáng nói, bảo vệ triển lãm chỉ đứng nhìn, cười mà không căn ngăn. Chỉ khi có một bảo vệ khác đến nhắc nhở, rùa mới được đưa trở lại chỗ cũ.
Đem câu chuyện rùa bị giẫm trao đổi với “Giáo sư rùa” Hà Đình Đức khi ông tham quan triển lãm, chỉ nhận được câu trả lời ngán ngẩm rằng: “Điều này thuộc sự quản lý của Ban tổ chức!”. Trước đó 2 ngày, báo Tuổi Trẻ đưa tin về việc giẫm đạp rùa, đại diện của KAT Group (đơn vị tổ chức triển lãm), ông Phạm Văn Hà đã khẳng định hoàn toàn không có chuyện tự do giẫm lên lưng rùa. Vậy còn những hình ảnh dưới đây thì sao?
Mẹ hướng dẫn con đứng trên mai rùa để tạo dáng chụp ảnh. Bà mẹ còn bảo con rằng có thể giẫm lên mai rùa, vì đây là rùa đá, to và nặng, người lớn còn có thể giẫm lên được. Ảnh chụp lúc 10g34 ngày 26-9 – Ảnh: Tiến Thành
Một ông bố thử sức nặng của mình trên mai rùa tội nghiệp. Ảnh: Tiến Thành
Mời các bác thoải mái giẫm đạp rùa!?
Báo chí vừa thông tin ở triển lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng” nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ trưng bày 1.000 con rùa, 1.000 đồng tiền cổ và 1.000 vật dụng của nhà nông đã qua sử dụng.
Trên một website đưa thông tin về triển lãm có hình ảnh buổi giới thiệu triển lãm, trong đó có ảnh một phụ nữ giẫm lên lưng rùa
Thông tin cho biết hoạt động này nhằm “tôn vinh các giá trị văn hóa của nền văn minh lúa nước, đồng thời kêu gọi việc bảo vệ động vật hoang dã đến với người dân”.
Tuy nhiên, không hiểu báo chí đăng tải có nhầm không, hay ban tổ chức đã thật sự thông báo như vậy mà báo ghi: “Triển lãm đặc biệt với sự xuất hiện của 1.000 con rùa quý hiếm như rùa núi vàng, rùa núi viền, rùa đất lớn, rùa sen vàng, rùa sen đen… Trong đó riêng loài rùa núi vàng có giá trị tới 140 triệu đồng/con. Nhiều loài rùa có tuổi đời cao trên 80 năm, trọng lượng có con lên tới 30kg, đặc biệt du khách tới tham quan có thể thoải mái đứng giẫm lên được”.
Tôi không thể hình dung sau thông tin này sẽ có bao nhiêu người tham quan muốn được giẫm thử lên những con rùa được trưng bày tại triển lãm. Hà Nội đã có hàng loạt vụ “tàn sát hoa” trong các dịp lễ hội gần đây, chắc ban tổ chức hiểu tâm lý người dân vốn rất thích… phá tại các lễ hội nên đưa ra thông tin “thú vị” này để thu hút khách tham quan? Tôi thật sự lo không biết số phận các con rùa sẽ ra sao sau vụ giẫm đạp này.
Xét về văn hóa đây là điều không thể chấp nhận được. Chỉ cần dự một triển lãm bình thường, với những hiện vật quý bao giờ ta cũng thấy biển “Không sờ vào hiện vật”. Tôi không chắc ban tổ chức có cho khách sờ vào các đồng tiền cổ hay các vật dụng nhà nông hay không, vậy mà với rùa thì lại “thoải mái đứng giẫm lên”.
Còn xét về mặt môi trường, đây có thể là một sai lầm rất lớn mà ban tổ chức một lễ hội lớn như vậy có thể mắc phải. Trong khi chúng ta đang cố gắng tuyên truyền về bảo vệ động vật, nhất là những loài quý hiếm thì ban tổ chức lại mang cả 1.000 con rùa quý hiếm ra để mọi người hành hạ cho… vui. Tôi không biết ban tổ chức sẽ “kêu gọi người dân bảo vệ động vật hoang dã” bằng cách nào với hình thức này, chắc để chứng minh cái mai của các loài rùa quý nó cứng thế nào? Một lễ hội 1.000 năm mới có một lần, du khách quốc tế sẽ nghĩ gì về chúng ta?
Việc đưa ra 1.000 con rùa quý hiếm để trưng bày liệu có phải là “hình thức” không? Có nên trưng bày cái gì đó ít nguy cơ hơn, nhất là khi nhận thức về bảo vệ động vật và hành vi nơi công cộng của người dân mình còn chưa được văn minh?
Gần đây, những người dân yêu quý cụ rùa hồ Gươm, các chuyên gia môi trường đã vô cùng xót xa khi nghe tin cụ rùa hồ Gươm dính lưỡi câu chùm. Trong khi chúng ta đang lo cho sức khỏe của cụ và vô cùng bức xúc trước những kẻ câu trộm vô ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật thì ban tổ chức lại quăng ngay một “lưỡi câu chùm” khác mà quy mô lại lớn hơn nhiều.
Rất mong các nhà tổ chức tìm hiểu xem việc đưa thông tin này có chính xác không và đính chính.
HOÀNG THỊ MINH HỒNG
[Ảnh: Tiến Thành. Nguồn:Tuổi Trẻ]
“Không có chuyện chúng tôi cho phép giẫm lên lưng rùa”
Trước thông tin trên, trợ lý báo chí và truyền thông của KAT Group (đơn vị tổ chức triển lãm), ông Phạm Văn Hà khẳng định hoàn toàn không có chuyện tự do giẫm lên lưng rùa như các thông tin đã nêu. “Triển lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng” đến 9g ngày 26-9 mới khai mạc, mở cửa tự do đón du khách vào tham quan. Chắc chắn không có chuyện chúng tôi cho phép du khách giẫm lên lưng rùa” – ông Hà khẳng định.