Mùa Tạ Ơn, nhà nhà, người người nói chuyện báo ân đáp nghĩa, chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp, mà mình đi nói chuyện ngược đời, không biết bạn đọc có mở lòng tha thứ không?
Năm 1621, bữa tiệc tạ ơn đầu tiên được những người sống sót trên tàu May Flower tổ chức để cám ơn những người thổ dân da đỏ đã cưu mang và nuôi sống họ qua những ngày giá buốt, khó khăn đã trở thành một ngày lễ truyền thống của nước Mỹ về ý nghĩa của sự tạ ơn. Nhưng những điều ấy có nghĩa gì khi ngày nay chúng ta nhìn lại cộng đồng người da đỏ trên đất Bắc Mỹ đã bị diệt chủng như thế nào trong lịch sử!
Dưới ngọn đuốc “mọi người đều bình đẳng” chính phủ Mỹ đã không tôn trọng nguyên tắc này, sự xóa môi trường và chính sách tàn độc nhằm tiêu diệt, đồng hóa và tước đoạt quyền sở hữu đất đai của các bộ lạc người Da Ðỏ có thể bị xem là tội ác lớn nhất của những con người “chịu ơn” trả cho những người mà họ “mang ơn”.
Vào đầu thế kỷ XIX người Da Ðỏ bị tập trung vào những khu dành riêng cho họ gọi là “reservation”, chẳng qua là những trại tập trung. Trong đó người Da Ðỏ buộc phải bỏ y phục dân tộc, cắt tóc ngắn, tập ăn muỗng nĩa, đặt tên lại theo cách của người da trắng, phải học tiếng Anh và Kinh Thánh. Những thói quen như dùng tên ná, đan lát đều được cấm tiệt. Chính phủ Mỹ cưỡng ép một nền giáo dục, gọi là “văn minh hóa” bằng cách dùng võ lực cưỡng ép trẻ da đỏ vào các trường nội trú.
Năm 1832 sau khi thành lập các trại tập trung để cầm giữ người da đỏ, chính phủ Mỹ thành lập “Văn Phòng Ðặc Trách về người da đỏ” thi hành các luật lệ và phân phối thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác cho các bộ lạc (có khác chi thời bao cấp, tem phiếu của VC). Chính quyền thi hành chính sách truyền đạo cưỡng bức để bắt người da đỏ sang đạo Cơ Ðốc. Không thành công thì chính phủ lại quay sang cấm tất cả việc cử hành các nghi thức tôn giáo cổ truyền và đưa ra tòa “tòa án xử tội phạm da đỏ” thành lập năm 1883, để xét xử bất cứ người da đỏ nào không tuân lệnh, cắt bỏ khẩu phần (kiểu 13 cân của VC trong các trại tập trung) và bị bỏ vào nhà giam (thời đó chắc chưa có “conex”!).
Vào ngày 29 tháng 12 năm 1890, khi các chiến sĩ của bộ lạc Sioux và gia đình khoảng ba trăm năm chục người đóng trại ở Wounded Knee Creek, ở South Dakota ngày nay, bị Trung đoàn Kỵ Binh số 7 bao vây ra lệnh phải giao nạp vũ khí. Trong không khí căng thẳng ấy, người ta nghe tiếng súng nổ và bắt đầu một cuộc thảm sát đẫm máu xẩy ra, kỵ binh Mỹ bắn xối xả vào các chiến binh Sioux và gia đình gồm vợ con, cha mẹ của họ, làm cho 300 người da đỏ bị thương vong.
Ðến cuối những năm 1800 thì phần lớn đất đai của người da đỏ đã bị chiếm đoạt, vì chính phủ muốn chiếm đất của người da đỏ chia cho dân da trắng đến định cư. Một đạo luật mang tên: “General Allotment Act” năm 1887 cắt các khu đất đai mênh mông thành lô chia cho những người da đỏ, nhưng chính phủ Mỹ làm chủ nắm bằng khoán đất trong thời gian hai mươi lăm năm, sau đó cho phép chính phủ “mua lại” để phân phối cho dân da trắng đến định cư. Con cháu của những người trên con tàu May Flower ngày xưa đã chiếm đoạt đất đai và bóc lột đẩy người da đỏ bảo bọc cha ông họ ngày trước vào chỗ nghèo đói, văn hóa bị suy tàn và dần dà bị diệt chủng.
Sau người Mỹ hơn 100 năm, con cháu những người Anh đi trên 11 chiếc thuyền buồm mang theo 950 tù nhân nam nữ Anh quốc, đặt chân tại vùng đất phía Nam của nước Úc ngày nay đã đối xử với thổ dân Úc là những người chủ nhà, không khác người Mỹ đã đối với dân da đỏ. Một chính sách đồng hóa và tiêu diệt thổ dân khốc liệt đã được thi hành. Từ năm 1930 đến 1970, 500 nghìn trẻ em thổ dân đã bị tách khỏi gia đình khi còn rất nhỏ từ tay cha mẹ, có người chỉ mới mười tháng tuổi, và đem nuôi tại khoảng 500 cô nhi viện, nhà thờ hay các gia đình trên khắp nước Úc để xóa bỏ tên tuổi, văn hóa, cội nguồn của chúng. Hầu hết các em phải chịu đau đớn về tinh thần, bị đánh đập, đôi khi bị xâm phạm tình dục, lao động vất vả hay bị bỏ đói…
Ngày 16 tháng 11 năm 2008, Thủ Tướng Australia Kevin Rudd đã thay mặt chính phủ liên bang đọc lời xin lỗi gửi tới “Thế hệ những người Úc bị đánh cắp” (Australia’s Stolen Generation) về những “đau khổ, mất mát và dằn vặt” mà họ phải gánh chịu trong lịch sử, thừa nhận sự ngược đãi đối với khoảng người từng sống trong các trại trẻ mồ côi trên khắp nước này trong suốt nửa thế kỷ qua.
Không phải ai cũng dốc lòng nghĩ đến ân huệ cho những người đã ra ơn, giúp đỡ, mà trong nhiều hoàn cảnh người mang ơn đã có thái độ phản trắc nhắm ngay những ân nhân của mình. Trong phong trào cải cách ruộng đất năm 1949 tại Bắc Việt, biết bao nhiêu những đứa con nuôi, kẻ ăn người ở, khi đói rét, thiếu ăn được những người phú nông cưu mang trở lại đấu tố, lên án đem lại cái chết cho hơn 15,000 người. Ðiển hình cho sự “vô ơn bạc nghĩa” của những người Cộng Sản là bản án tử hình dành cho bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, mẹ nuôi của Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Ðồng và Trường Chinh, có con trai một là trung đoàn trưởng một trung đoàn của quân đội CS Bắc Việt. Trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà cũng đã hiến 100 lượng vàng cho chính quyền mới thành lập.
Chịu sự vô ơn, ai cho bằng những bà mẹ đào hầm nuôi quân, che chở, nuôi ăn, liên lạc cho những cán bộ nằm vùng xưa kia, ngày nay đã trở thành những bà mẹ “dân oan” nghèo đói, bị cướp đất, cơm đùm gạo bới đi hằng trăm cây số gặp những đứa “mẹ mẹ, con con” ngày xưa, để khiếu kiện, kêu oan. Mới đây trong một vụ án “vu khống, mạ lỵ” xẩy ra trong cộng đồng người Việt tại Austin Texas, thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên khi biết nạn nhân bị vu khống mạ lỵ lại là người đã kiếm việc làm, cho mượn tiền “down” và đứng “co-sign” mua nhà cho kẻ chịu ơn, và con người phản phúc, vô ơn này đã trở lại vu khống, mạ lỵ ngay ân nhân của mình.
Thế giới này biết bao nhiêu kẻ đã chịu ơn người, bao nhiêu người đã ra ơn cho kẻ khác. Người ban ơn đôi khi đã quên, người chịu ơn ít người còn nhớ đến ai đã giúp đỡ mình. Nhưng ít ra đã làm người, không trả ơn thì cũng đừng như quân vô ơn phản trắc, bội bạc!
Tạp ghi Huy Phương