Ngày 7/12, Tạp chí Time chọn Tổng Thống Đắc Cử [TTĐC] Donald Trump là Nhân Vật Của Năm 2016 [Person of the Year], nêu lên những thay đổi đột ngột trong nền chính trị Hoa Kỳ phát sinh từ chiến dịch vận động tranh cử và chiến thắng của doanh nhân New York này… Tạp chí này nói rằng “Khó mà đo lường mức độ phá cách của ông.” [VOA]
Trung Quốc theo dõi tình hình cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vẫn không sao hiểu nổi thái độ và tác động của Donald Trump từ khi tranh cử tổng thống sẵn sàng [a] buộc tội Trung Quốc cướp mất việc làm của người Mỹ; thao túng tiền tệ; nên đã [b] doạ nạt sẽ áp mức quan thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; rồi [c] nay là tổng thống đắc cử lại thực tiễn mở đường hợp tác. Hư thực ra sao? Tới mức nào?
I. Mức Độ Phá Cách Của TTĐC Donald Trump Khi Muốn Thay Đổi Định Hướng Chính Trị Hoa Kỳ
1. TTĐC Donald Trump chọn Thống Đốc Terry Branstad Làm Sứ Thần Tại Bắc Kinh
Thống đốc [TĐ] TB Iowa Terry Branstad sẽ được đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Sự thân tình lâu năm giữa TĐ Terry Branstad và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lý do Branstad được chọn vào chức vụ đại sứ này. Ngay từ trước khi có kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ, UCV Donald Trump khi gặp TĐ Branstad tại thủ phủ Des Moines, Iowa, đã cả quyết ”Ông sẽ là người đầu tiên được đề cử để đối phó với Trung Quốc [“You would be our prime candidate to take care of China“].
Thực vậy TĐ Branstad là người bạn lâu năm của Chủ Tịch Tập Cận Bình, khởi đầu từ năm 1985 khi có sự giao hảo trong địa hạt canh nông giữa các tỉnh lỵ nông nghiệp do Tập Cận Bình quản lý lúc khởi nghiệp và TB Iowa của TĐ Branstad. Hoa Kỳ và cả Trung Quốc đều kỳ vọng vào sự bổ nhiệm sứ thần này “nhằm phát triển quan hệ khả quan, lâu bền Trung-Mỹ” [we’re willing to work together to push the Sino-US relationship to consistent, healthy and steady development]. Đây chính là cứu cánh đối ngoại của TTĐC Donald Trump tại khu vực Châu Á, Đông Nam Á, trong một hoàn cảnh đổi thay, lưỡng lợi.
Nhưng đồng thời, TTĐC Donald Trump lại điện đàm với Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, vô hình trung đi ngược lại với truyền thống ngoại giao xưa nay của Mỹ [trọng thể diện/political correctness] và như thế có thể làm Bắc Kinh tức giận chăng?
2. TTĐC Donald Trump Điện Đàm Với TT Đài Loan Thái Anh Văn
TTĐC Donald Trump và TT Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: AFP
Dù biết rõ quan hệ ngoại giao Mỹ – Đài Loan đã bị cắt đứt từ năm 1979 bởi TT Jimmy Carter, TTĐC Donald Trump vẫn thoải mái điện đàm với nữ TT Đài Loan Thái Anh Văn, ngày mùng 2 tháng 12, khi bà ta gọi chúc mừng ông Trump đắc cử.
Trung Quốc có gửi công hàm phản đối cuộc điện đàm trên, yêu cầu Hoa Kỳ “xử lý vấn đề Đài Loan một cách cẩn trọng” và nhắc Washington từ 1979 đã cam kết theo đuổi chính sách “Một nước Trung Hoa”, vì Đài Loan đã bị hạ cấp xuống thành một “tỉnh” của Trung Quốc.
Tuy nhiên văn phòng TTĐC Donald Trump vẫn thông báo “Trong cuộc thảo luận, hai bên [TTĐC Donald Trump và nữ TT Thái Anh Văn] nhấn mạnh quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh gắn bó mật thiết” giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.
Những người trong cuộc đã cho rằng cuộc điện đàm từ bà Thái Anh Văn, người mà ông Trump gọi là “tổng thống Đài Loan” nhưng Trung Quốc chỉ coi là “lãnh đạo Đài Loan”, đã nằm trong sách lược mà TTĐC Donald Trump dự tính kỹ lưỡng, nhằm thúc đẩy một chính sách mới, dùng Đài Loan làm đối trọng với Trung Quốc, song song với luật quốc phòng mới của Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ quân sự với Đài Loan.
Phải chăng với chính sách bắt cá hai tay của TTĐC Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ dùng Đài Loan nhằm kiềm chế Trung Quốc về ảnh hưởng chính trị kinh tài tại chấu Á, đồng thời để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ về mặt phân định quyền lợi song phương với Hoa Kỳ, mà không đến nỗi phải gây chiến thương mại, lẫn quân sự?
II. CHIẾN LƯỢC CỦA RIÊNG TTĐC DONALD TRUMP
Trong lúc đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón nguyên Ngoại Trưởng Kissinger của TT Nixon tại Đại lễ đường để “tìm hiểu về tình hình thế giới hiện nay và về tương lai quan hệ Mỹ – Trung”.
Kissinger có dịp tuyên bố: “Donald Trump là vị Tổng thống đắc cử độc đáo nhất mà tôi đã từng tiếp xúc: ông ấy không có chút hành lý chính trị nào. Trump không có bất kỳ nghĩa vụ nào trước bất kỳ nhóm người cụ thể nào, bởi ông ấy trở thành Tổng thống dựa trên chiến lược của riêng mình. Đây thực sự là tình huống độc nhất vô nhị” [Kissinger & CNN/Bloomberg].[1]
Đây là lúc bạn cũng như cựu thù cần biết rõ hơn về bản chất lãnh đạo của Donald Trump.
1. Donald Trump Quen Trò Chơi Đấu Trí “[Game Player]
Thật vậy, Donald Trump không có “hành lý chính trị”, nên không bị áp lực chính trị và truyền thống ngoại giao cổ điển bó chân, buộc tay khi ứng dụng sách lược kinh bang tế thế, từ đối nội tới đối ngoại. Căn bản, Donald Trump là một tay “chơi đấu trí” [Game Player] trường vốn khi đánh phé úp ngửa, nhưng biết người biết ta, đoán mặt bài, nước tiến, nước ngưng, đúng cung cách của một nhà thương lượng chuyên nghiệp [Dealmaker].
Chắc chắn Donald Trump đã tương đồng ý hợp với lý thuyết “Trò Chơi Đấu Trí [Game Theory] và thế quân bình thắng lợi dưới định lý “Nash Equilibrium”.[2]
Định lý “Nash Equilibrium” được dùng để nghiên cứu chiến thuật sao cho sự lựa chọn thắng lợi ở mức tối thuận. Sự tính toán thông minh đặt ở chỗ biết yêu sách, thương lượng, mặc cả hữu hiệu và biết ngưng đúng lúc, đúng mức cần thiết để thắng một cách khả quan nhất.
Căn cứ vào trò chơi đấu trí “mặc cả” kinh bang tế thế khu vực, một cách thông minh, có hứa hẹn một giải pháp cân bằng theo định lý Nash, thì hiểm hoạ chiến tranh giữa các siêu cường quốc và các đồng minh liên hệ sẽ không xẩy ra.
2. Rex Tillerson làm Ngoại Trưởng?
Đó cũng là lý do TTĐC Donald Trump định tuyển chọn Rex Tillerson, Chủ Tịch kiêm Giám Đốc Điều Hành Exxon Mobil làm Ngoại Trưởng trong Tân Nội Các. Theo Trump, “Tiller cỡ lớn hơn một thủ lãnh kinh doanh. Ông ta là một “tay đấu trí quốc tế” [a world-class player] có lợi thế giao dịch với rất nhiều chính khách cao thủ trên thế giới, như Putin của nước Nga.
“Rex Tillerson’s career is the embodiment of the American dream” [Trump]
TTĐC Donald Trump và “tân” Bộ Trưởng Ngoại Rex Tillerson cũng có thể dùng quân bài K/Vua/Putin như một nhân tố trợ lực giai đoạn, một mặt để tiếp tay diệt trừ nạn khủng bố ISIS tại Trung Đông, mặt khác để doạ Trung Quốc giáp ranh bạn-thù [chia-để-trị-frenemy], khi cần thiết.
Đối với TTĐC Donald Trump, nhiệm vụ chính của Ngoại Giao là bảo đảm đến cùng lợi ích quốc gia, qua tiến hành thương lượng [dealmaking] đích xác và thỏa thuận lưỡng lợi, mà phần thắng có thể tiên đoán trên bàn cờ quốc tế. “Được” keo này, “bày” keo khác.
Do đó hoà bình, thịnh vượng, thực sự khai triển một cách danh chính ngôn thuận, tự nhiên, quân bình, như một ván bài mở, mà người chơi có cơ hội thắng, nếu đủ vốn và đủ tay [world-class player] cầm bài đấu trí thương lượng; đủ minh mẫn khôn ngoan nhận thức và kết tạo hoà bình trong thắng thế [Peace Through Strength].
Wait & See.
Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Michigan State University
GHI CHÚ
[1] “Không hiểu nổi Donald Trump, Trung Quốc viện tới “người bạn cũ” Henry Kissinger”, Thu Hương, Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
[2] “Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump Tuyển Chọn Nội Các”, Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM, VIỆT THỨC: December 06, 2016