Lord Byron được nhiều người coi là nhà thơ người Anh lãng mạn nhất. Cuộc đời mạo hiểm và các bài thơ đặc sắc là những điều hấp dẫn của nhà thơ này. Thi sĩ Byron thường hay dùng các dòng thơ để mô tả tình cảm khi ông đang sinh sống tại châu Âu hay miền Cận Đông (the Near East) và các lời thơ của Byron đã phản ánh các kinh nghiệm và các niềm tin của tác giả. Thơ phú của Byron thi đôi khi mãnh liệt, đôi khi dịu dàng, đôi khi kỳ lạ nhưng trong nội dung của các bài thơ, thi sĩ Byron đã nhấn mạnh rằng mọi người được tự do chọn lựa lối sống riêng tư của mình.
1. Cuộc đời của Lord Byron
George Gordon Byron chào đời vào ngày 22/1/1788 trong thành phố London nhưng trong 10 năm đầu, hầu như cậu Byron sinh sống với người mẹ tại Tô Cách Lan (Scotland). Cha của Byron là Đại Úy John “Mad Jack” Byron đã bỏ bê vợ con rồi ông ta qua đời khi cậu bé Byron lên 3 tuổi. Byron thừa hưởng danh hiệu “Lord” khi lên 10 tuổi sau khi ông chú qua đời. Sau đó Byron trở lại nước Anh, theo học tại Harrow School rồi Đại Học Cambridge, là hai trong vài ngôi trường danh tiếng nhất của nước Anh.
Tập thơ đầu tiên của Byron có tên là “Hours of Idleness” (Các Giờ Nhàn Rỗi, 1807) đã bị tạp chí Edinburgh phê bình nặng nề, đây là một tạp chí văn chương của miền Tô Cách Lan. Đế tấn công hầu như mọi nhân vật văn chương của thời kỳ đó, Byron đã đáp lại bằng các lời thơ châm biếm trong tập thơ “English Bards and Scotch Reviewers” (Các Nhà Thơ Anh và các Nhà Phê Bình Tô Cách Lan, 1809).
Từ năm 1809 tới năm 1811, Byron đã du lịch qua miền nam của châu Âu và một phần của miền Cận Đông (the Near East). Vào năm 1812, Byron cho phổ biến 2 tập thơ ngắn (2 cantos) của Quyển Thơ Childe Harold’s Pilgrimage (cuộc Hành Hương của Childe Harold). Các tập thơ này được viết tại các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Albania và Hy Lạp, ngay sau đó đã khiến cho tác giả nổi danh.
Các tập thơ kể chuyện về miền đất phía đông như “The Bride of Abydos” (Cô Dâu của Abydos, 1813) và “The Corsair” (Người Corsair, 1814), đều làm cho mọi người phải chú ý.
Vào năm 1815, Byron kết hôn với cô Anne Isabella Milbanke, họ có một con gái tên là Ada nhưng gia đình này không được hòa thuận bởi vì có tin đồn rằng Byron đã phạm tội vô luân khi kết hôn với người em gái cùng cha khác mẹ tên là Augusta Leigh. Byron rời nước Anh vĩnh viễn vào năm 1816.
Byron đã trải qua nhiều tháng trường tại Thụy Sĩ, nơi đây ông gặp nhà thơ Percy Bysshe Shelley. Byron sau đó định cư tại nước Ý và đã có mối tình với bà Bá Tước Teresa Guiccioli, rồi về sau cũng tham gia vào cuộc cách mạng của nước Ý.
Byron cũng viết ra các kịch thơ như “Manfred” (1817) và “Cain” (1821). Công trình thơ văn cuối cùng của Byron là tập thơ dài anh hùng ca chưa hoàn thành “Don Juan”. Vào năm 1823, khi đang viết dở dang tập thơ Don Juan, Byron tham gia vào chiến tranh giành độc lập của người Hy Lạp chống lại các người Thổ Nhĩ Kỳ (Turks), nhưng sau một thời gian ngắn mắc bệnh, Byron qua đời vào ngày 19/4/1824 tại Missolonghi, nước Hy Lạp.
2. Các Thơ Phú của Lord Byron
Tập thơ đầu tiên có tên là “Hours of Idleness” (Các Giờ Nhàn Rỗi, 1807) bao gồm các lời thơ lãng mạn và trí thức của nhà thơ trẻ tuổi, nhưng trong tập thơ “English Bards and Scotch Reviewers” (Các Thi Sĩ Anh và các Nhà Phê Bình Tô Cách Lan, 1809), Byron đã dùng thể văn châm biếm, chỉ trích, của nhà thơ Alexander Pope trong tập thơ “Dunciad”.
Hai tập thơ ngắn đầu tiên của Quyển Thơ “Childe Harold’s Pilgrimage” (Cuộc Hành Hương của Childe Harold, 1812) gồm các lời thơ ẩn dụ, giả tưởng, dùng tới các đoạn thơ và các nét văn chương của nhà thơ Edmund Spencer trong thời đại Elizabeth.
Tác phẩm “Turkish Tales” (Các Truyện Thổ Nhĩ Kỳ, 1813-16) mang đặc tính được gọi là “nét anh hùng Byron” (the Byronic hero). Các đặc tính của loại anh hùng này là u sầu, thách đố, tự tin một cách hãnh diện. Trong hai tập thơ ngắn số III (Canto III, 1816) và số IV (Canto IV, 1818), Byron đã nhận mình là Harold qua đó trình bày sự mất mát và thách thức mà nhà thơ đã cảm thấy khi sinh sống ở nước ngoài.
Trong các năm về cuối, Byron đã viết ra nhiều loại văn thơ, chẳng hạn như các bi kịch lịch sử và dựa theo Thánh Kinh, như “Sardanapalus” (1821) và “Cain”. Nhưng tác phẩm chính của thời kỳ sinh sống tại nước Ý là tập thơ dài “Don Juan”, trong đó người kể truyện có tinh thần tự do, tự mâu thuẫn, với giọng văn thay đổi vừa tình cảm, vừa châm chọc, vừa tự tin… , rồi trong thơ phú của Byron, sự khinh thường (scorn) là sức mạnh chính được mô tả từ lúc khởi đầu tới thời kỳ cuối cùng của nhà thơ Byron.
3. Bài Thơ “Love” của Lord Byron
và phần chuyển ngữ của Nhà Thơ Hà Bỉnh Trung.
A. Phần tiếng Anh
LOVE
Yes, love indeed is light from heaven
A spark of that immortal fire
With angels shared, by Alla given,
To lift from earth our low desire.
Devotion wafts the mind above
But heaven itself descends in love;
A feeling from the Godhead caught,
To ear from self each sordid thought;
A ray of Him who formed the whole
A glory circling round the soul!
Lord Byron
B. hần Chuyển Ngữ
Tình Yêu
Vâng, thưa đúng thế thưa người
Tình yêu là ánh sáng trời anh linh,
Một tia lửa tự lửa tình
Muôn đời bất diệt trời dành vẹn nguyên,
Những cơn mê vọng thấp hèn
Thiên thần chia sẻ vượt trên cõi trần.
Lòng tin hướng thượng tin thần
Nhưng Trời lại tự xuống gần nhân duyên;
Cảm thông ý Chúa Bề Trên
Xin từ bỏ những cuồng điên tục trần;
Xin nhờ ánh sáng hồng ân
Hào quang vinh dự sáng ngần hồn ta!
Hà Bỉnh Trung
(chuyển ngữ)
4. Bài thơ “So We’ll Go No More A Roving” của Lord Byron
và phần thơ chuyển ngữ của Nhà Thơ Tâm Minh Ngô Tằng Giao.
A. Phần Tiếng Anh
So We’ll Go No More A Roving
So we’ll go no more a roving
So late into the night,
Though the heart be still as loving
And the moon be still as bright.
For the sword outwears its sheath,
And the soul wears out the breast,
And the heart must pause to breathe,
And Love itself have rest.
Though the night was made for loving
And the day returns too soon,
Yet we’ll go no more a roving
By the light of the moon.
Lord Byron
B. Phần Thơ Chuyển Ngữ
Rong Chơi Chi Nữa Đôi Ta
Rong chơi chi nữa đôi ta
Dưới trời khuya khuắt nhạt nhòa bóng đêm,
Dù tình vẫn rộn con tim,
Và trăng còn sáng êm đềm trên cao.
Bởi vì kiếm đã mòn bao,
Và tâm hồn đã hanh hao lòng người,
Tim cần đôi lúc thảnh thơi,
Ngày thuyền tình cũng có thời thả neo.
Dù đêm dành để thương yêu,
Và ngày vội vã về gieo ánh hồng,
Đôi ta tuy vẫn mặn nồng
Lang thang chi nữa dưới vầng trăng treo.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(chuyển ngữ)
Phạm Văn Tuấn
biên khảo
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]
Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, tập thể, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation]. Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.