1. Chuyện Thái Hà và Quyền Tư Hữu
Mấy ngày vừa qua, chuyện xảy ra tại giáo xứ Thái Hà lại trở nên một trong những chủ điểm tin tức nóng trên các trang thông tin trong và ngoài nước.
Vấn đề trở nên phức tạp và nghiêm trọng khi nhà cầm quyền thực hiện chiêu bài “quần chúng tự phát bày tỏ bức xúc trước việc nhà thờ phản đối dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tại bệnh viện Đống Đa.” Mục đích của việc xua nhóm người được gọi là “quần chúng tự phát” đến nhà thờ Thái Hà gây rối, mạ lỵ các linh mục, tu sĩ có lẽ không gì khác là để thị uy, trấn áp giáo xứ Thái Hà. Chiêu bài này nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã thực hiện cách đây hơn 3 năm đối với giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Hà Nội.
Tưởng cũng cần nhắc lại chuyện Thái Hà cách đây 3 năm, thay vì đặt vấn đề về nguồn gốc đất đai, thay vì đề cập đến chuyện chiếm dụng đất đai trái phép, nhà cầm quyền lái vấn đề sang chuyện gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại của công. Lần này cũng vậy, khi nhà thờ Thái Hà đặt vấn đề đòi lại tu viện đã bị nhà nước chiếm dụng trái luật, nhà cầm quyền lái vấn đề sang chuyện nhà thờ phản đối một dự án mang tính lợi ích cộng đồng! Dựa vào cớ đó, họ đã huy động truyền thông và nhóm người được gọi là “quần chúng tự phát” vào cuộc để thực hiện chiến dịch công kích giáo dân và giáo sĩ thuộc giáo xứ Thái Hà.
Thực ra, chuyện giáo xứ Thái Hà xét cho cùng là hệ lụy của vấn đề quyền tư hữu vốn là một trong những quyền căn bản của con người bị chính quyền cộng sản tước đoạt. Vì thế, bài viết ngắn này sẽ không phân tích chi tiết vụ việc đang diễn ra tại giáo xứ Thái Hà. Thay vào đó, bài viết sẽ nhắc đến quyền tư hữu của con người được đề cập trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội để cho thấy rằng việc Thái Hà đòi lại tu viện đã bị chiếm dụng trái phép là việc làm cần thiết nhằm khẳng định công lý và tự do mà mỗi người sinh ra phải được hưởng, chứ không thể bị tước đoạt bởi bất cứ thể chế nào.
Giáo huấn của Giáo hội về quyền tư hữu của con người
Một trong những giáo huấn cơ bản của Giáo hội liên quan đến quyền tư hữu của con người được đề cập cách cụ thể trong Thông điệp Rerum Novarum (Tân sự) của Đức Giáo Hoàng Leo XIII. Với thông điệp này, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng: “Làm sao mà ta không ngạc nhiên cho được khi thấy người ta chủ trương những quan niệm hủ lậu mà phản đối lại rằng: cá nhân có quyền dùng đất ruộng và hưởng hoa màu nhưng đâu có quyền làm chủ đất ruộng họ đã tạo lập hay phần điền thổ họ đã cầy cấy. Sao họ không thấy lý luận như thế là cướp công mồ hôi nước mắt của nông dân… Toàn thể nhân loại từ cổ chí kim đã giải quyết vấn đề cho hợp lý. Luật thiên nhiên là căn bản ưu tiên, ta phải noi theo để phân công chia của và hoạch định quyền tư hữu. Không phải vì những dư luận trái ngược của một nhóm người quá khích mà ta phải vi phạm đến lý đương nhiên…. Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt.”
Cảnh tỉnh những nguy cơ chối bỏ quyền tư hữu của con người, Đức Pio XI trong Thông điệpQuadragesimo Anno (Tứ Thập Niên) nhắc lại lập trường của Đức Leo XIII, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Mục đích Đức Tiên Giáo hoàng ý thức mục vụ đã theo đuổi, là phục hưng lại giới vô sản trong xã hội. Đó là một phận sự thượng khẩn, ta phải thúc đẩy anh em tận tình lo thi hành. Về phận sự ấy ta phải tha thiết nhấn mạnh, vì ta nhận thật những huấn lệnh của Đức Tiên Giáo hoàng đã bị khinh bỏ, hoặc bị người ta cố tình im lặng không nói đến, hoặc vì người ta ý thức phận sự, nhưng tưởng là quá nặng nề không ai thực hành được mà lại không ai có quyền trốn tránh không chịu nhận được.”
Cũng theo đường hướng của các vị tiền nhiệm, với nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người lao động nghèo trước các nhà nước độc tài, Đức Piô XII khẳng định rằng một xã hội yên ổn, tốt đẹp phải là một xã hội trong đó quyền tư hữu của con người được bảo vệ và duy trì tuyệt đối.
Đặc biệt, các Nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng xác quyết rằng: “Quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Sau cùng, những quyền này còn là một điều kiện tạo nên tự do của người công dân, vì khuyến khích họ đảm trách và thi hành phận vụ của mình.”
Hơn thế nữa, nhằm gìn giữ kho tàng giáo huấn của Giáo hội về vấn đề quyền tư hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Laborem Exercens (Lao Động Của Con Người) đã gợi nhắc lại rằng: “Trong toàn bộ tiến trình lịch sử… ngay từ lúc đầu, đã thấy xuất hiện vấn đề sở hữu. Thông điệp Rerum novarum trình bày về đề tài xã hội, cũng nhấn mạnh đến vấn đề trên bằng cách nhắc lại và xác nhận giáo lý của Giáo hội về sở hữu, về quyền tư hữu ngay cả trong lãnh vực các phương tiện sản xuất. Thông điệp Mater et Magistra cũng giữ một lập trường như vậy. Nguyên tắc trên đây, Giáo Hội đã nhắc lại lúc bấy giờ và bây giờ cũng vẫn luôn luôn dạy bảo, tự căn khác biệt với chương trình tập sản hóa do chủ nghĩa mác xít đề xướng và được đem thực hiện trong một số quốc gia trong những thập niên sau thông điệp của Đức Lêô XIII.” Tắt một lời, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn khẳng định rằng quyền tư hữu là một trong những quyền căn bản của con người và là nền tảng cần thiết đảm bảo cho tự do và công bằng xã hội.
Lập trường của Giáo hội trước chủ thuyết cộng sản vốn chối bỏ quyền tư hữu
Chủ thuyết cộng sản chối bỏ hoàn toàn quyền tư hữu. Điều này đi ngược lại với lợi ích căn bản gắn liền với tự do của con người. Vì vậy, dựa trên luật tự nhiên, Đức Leo XIII mạnh mẽ khẳng định: “Ai cũng thừa nhận tình trạng nhân loại đòi quyền tư hữu thì rất phù hợp nhân tính của con người, và là điều kiện cần thiết cho đời sống xã hội luôn luôn ôn hoà và thịnh đạt. Pháp luật chính phủ hoạch định, thì phải hợp công lý thì mới có giá trị. Vậy nó hợp lý hay chăng là nhờ nó tự ở luật thiên nhiên phát ra. Ðã hợp lý thì tất nhiên pháp luật nhân tạo kia phải xác định nhân quyền tư hữu và nếu có lẽ cần thì bảo vệ quyền ấy bằng cả quyền lực nữa.”
Cùng một quan điểm với Đức Leo XIII, Đức Piô còn nhấn mạnh hơn nữa: “Những tà thuyết bành trướng mãi, thì rất có thể ngăn đường đưa đến công bằng và hòa bình vĩnh viễn… Tạo hóa đặt quyền tư hữu làm phương tiện phân công chia của. Bỏ những nguyên tắc căn bản này là liều mình lạc xa đường chính.”
Dĩ nhiên, thẩm quyền Giáo hội cũng không vì vạch ra và bác bỏ những sai lầm nghiêm trọng của chủ thuyết cộng sản mà qua đó ủng hộ chủ thuyết tư bản vốn tuyệt đối hóa quyền tư hữu của con người. Trái lại, Giáo hội thường chỉ tương đối hóa quyền này và thường cân nhắc quyền này trong lợi ích toàn thể, hay nói khác đi là công ích. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp Laborem Exercens đã làm sáng tỏ điều đó: “Truyền thống Kitô giáo không bao giờ chủ trương đó là quyền tuyệt đối, không gì chạm đến được. Trái lại, quyền này được hiểu trong bình diện rộng lớn hơn thuộc quyền lợi chung của mọi người được sử dụng các lợi ích của cải của toàn thể tạo vật: quyền tư hữu phụ thuộc vào quyền công ích, vào việc sử dụng chung các lợi ích của cải.” Trong Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II cũng trình bày rõ ràng mối tương quan giữa công ích và quyền tư hữu: “Quyền tư hữu không cản trở những hình thức khác nhau của quyền sở hữu công cộng. Dĩ nhiên chỉ có thẩm quyền hợp pháp mới có thể buộc chuyển nhượng của cải tư nhân vào sở hữu công cộng tuỳ theo những đòi hỏi và trong giới hạn công ích, nhưng phải bồi thường tương xứng.”
Thay lời kết Chuyện Thái Hà xảy ra lần này xét bề nổi của vấn đề thì có thể vẫn là chuyện đi đòi đất. Nhưng qua chuyện đòi lại mảnh đất đã bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp và không hề có chuyện “bồi thường tương xứng”, các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà đang đòi lại một trong những quyền căn bản “tạo nên tự do của con người” mà đã bị người ta đánh cắp: QUYỀN TƯ HỮU.
Lm. Anthony Nguyễn Văn Dũng, DCCT
2. Đến lúc phải quan tâm đến Thái Hà
Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà đã dấy lên từ đầu năm 2008. Lần đầu tiên người dân Hà Nội và người dân trong nước bất ngờ khi thấy báo chí, truyền hình của chính quyền ồ ạt tung ra những bài báo, những thước phim lên án gay gắt giáo xứ Thái Hà. Bằng những lời quy kết nặng nề, những người yếu tim nghe phải sởn gai ốc khi nghe những cụm từ mà báo, đài chính quyền nói, nào là “chống đối chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đi ngược lại lợi ích nhân dân, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng việc đòi đất…”; nào là “cần nghiêm trị, phải loại bỏ, xử lý nghiêm minh, thích đáng, đưa ra trước pháp luật”. Vài người dân là cán bộ hưu trí, đảng viên lên báo, đài kêu gọi nhà nước cần phải dùng vũ lực, sức mạnh xử lý thẳng tay giáo xứ Thái Hà để làm gương….
Người dân Việt Nam thường ngợp trước những lời ghê gớm của báo chí nhà nước. Với một thói quen tâm lý kỳ lạ là cứ thấy cái gì lạ, khác biệt mà bị báo chí lên án là hùa theo. Mà trong những hướng tâm lý bị cuốn theo, bản năng con người thường chọn hướng cuốn theo an toàn nhất. Và ở đây là cuốn theo hướng của kẻ mạnh có tên gọi “chính quyền”.
Đôi khi vì e dè, ngần ngại người dân chọn biện pháp an toàn là im lặng, hoặc à ừ tỏ vẻ đồng ý với những ý kiến của chính quyền. Điều này vô tình khiến cho nhiều người khác cùng ngộ nhận theo hướng bị định sẵn. Người Việt Nam hiện nay ít khi dành thời gian và suy nghĩ tìm hiểu bản chất sự việc là thế nào, để có đánh giá của riêng mình, nhất là trong những sự việc của người khác, không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà xảy ra trong một hoàn cảnh như vậy, tâm lý người tiếp nhận thông tin từ báo đài cũng như vậy. Không riêng gì những người dân ngoại đạo, mà cả những người dân theo đạo, thậm chí là cả hàng ngũ chức sắc trong Giáo hội cũng bị cuốn theo với tâm lý như vậy. Những tâm lý thế này vô tình đã tiếp sức cho chính quyền, khiến chính quyền càng ỷ vào việc tăng cường truyền thông thiên vị, đưa lệch vấn đề để phục vụ mưu toan, che dấu mục đích chính của mình trong sự việc xảy ra.
Khái niệm mà ta thường nghe thấy như “lợi dụng tự do, tôn giáo để chống đối chính quyền, lợi dụng việc đòi đất để chống phá chính quyền” thường khi nghe câu này chúng ta thấy sự nhấn mạnh ở phần sau. Tiếp thu thông tin này người tiếp nhận thường bị ảnh hưởng bởi câu “chống đối, chống phá”. Trong những việc khác nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thì có lẽ chính quyền đã đạt được mục đích, thành công trong việc gieo rắc trong đầu người dân những thành kiến của mình. Nhưng, chính bởi sự kéo dài nhiều năm từ 2008 đến năm 2011 này đã mấy năm, chính quyền vẫn ra rả những luận điệu cũ mèm ấy, khiến người tiếp nhận thông tin sinh ra nhàm chán bỗng nảy sinh tò mò để nhìn lại, suy ngẫm sự việc, không còn bị cuốn theo những gì chính quyền nói bấy lâu. Nhiều người đã bất giác tự đặt câu hỏi: “Thế nào là tự do tôn giáo, có điều này không để lợi dụng. Thế nào là đòi đất, đất ở đâu, thế nào mà có chuyện đòi?” Những câu hỏi đặt ra và trên đường đi tìm câu trả lời đó, là một quá trình tìm đến sự thật của vấn đề.
Tôi là một người dân, từng vì lười nhác mà lệ thuộc vào nguồn tin có sẵn của chính quyền trên đài, báo, truyền hình. Cho đến mới đây thấy báo đài nhà nước gợi lại chuyện Thái Hà với một thái độ rất thù hận, khiến tôi tò mò đi tìm hiểu thêm những thông tin khác ngoài thông tin mà báo đài nhà nước cung cấp. Tìm trên kho tàng đồ sộ thông tin trên Internet, mới thấy sự thật không phải như những gì mà chính quyền nói. Đó cũng là lý do giải thích tại sao chính quyền nói nhiều, nói dai, nói mãi thế mà vẫn không giải quyết được vấn đề. Vấn đề không giải quyết được càng không phải chính quyền có lương tâm, muốn có thời gian hòa giải, thuyết phục như họ nói, mà ngược lại, không giải quyết được vì chính quyền không có được chính nghĩa, không có lương tâm công bằng để giải quyết lý tình. Cố ỷ vào sức mạnh của bạo quyền có yểm trợ của truyền thông để thi hành những thù hận nhỏ nhen trong bản chất của mình.
Một câu nói bị cắt xén của TGM Ngô Quang Kiệt, một hình ảnh bị gán ghép của Linh Mục Nguyễn Văn Khải, một hành động cho côn đồ tấn công nhà thờ hết đêm rồi lại đến ngày. Những hành động không thể chấp nhận được của kẻ côn đồ, chứ đừng nói đến nó là hành động của một chính quyền cho mình là đúng đắn. Phải chăng càng có tổ chức lớn hơn, quy mô hơn thì sự xảo trá, đê tiện càng ghê gớm, quỷ quyệt hơn. Nếu có chính nghĩa thì tại sao nhà nước này phải cắt lời người ta, tại sao công an đưa loa cho người ta bảo gọi giúp thì báo chí lại bảo là tự dùng loa kích động…?
Bỗng nhiên, khi biết được những hành vi đê hèn ấy của chính quyền, tôi không còn muốn nghe gì họ nói nữa. Vì tôi biết rằng đơn giản một điều, người có chân lý, có lương tâm thì không bao giờ làm vậy. Chỉ có những kẻ bất nhân mới chơi trò tiểu xảo, man trá trắng trợn. Mà những kẻ đã bất nhân thì càng nghe chúng nói càng thêm bực bội.
Chúng ta thường nói, nghe gì cũng phải nghe hai tai, nghe hai bên. Nếu các bạn một lần nào đó thử đặt câu hỏi vì sao báo đài nhà nước phải ra rả bao năm như vậy về câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà, thì bạn hãy lên mạng tìm hiểu, vượt qua tường lửa, tìm kiếm những thông tin bạn sẽ thấy nhiều điều không phải như bạn từng nghe, từng thấy ở trên đài báo nhà nước.
Trách nhiệm của con người có nhiều với vấn đề xã hội, ví dụ trước những bất công có thể bạn không có đủ sức, trí, tài để đấu tranh với nó. Nhưng, nếu bạn cũng không tìm hiểu sự thật bằng một cách an toàn như ngồi nhà xem tin tức mọi chiều, thì quả thật bạn đã vô tình giúp cho những bất công, những điều dối trá có cơ hội để phát triển.
Và, biết đâu ngày nào đó, bạn là nạn nhân của sự dối trá, của sự bất công mà không ai hiểu cho bạn.
14/11/2011
Nam Đồng
3. Giáo xứ Thái Hà thắp nến cầu nguyện để sự thật được tôn trọng
Tối nay (12/11/2011), Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, khoảng hơn 4000 tín hữu đã tụ họp tại nhà thờ Thái Hà để cùng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho đất nước quê hương, đặc biệt cầu nguyện cho nhà “cầm quyền biết tôn trọng sự thật” sớm trao trả tài sản đã mượn để giáo xứ sử dụng vào việc phụng thờ Chúa.
Trong bài giảng lễ, linh mục Giuse Đỗ Đình Tư đã khởi từ ý nghĩa nguyên thủy của chữ “tử đạo” là làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, đồng thời mời gọi cộng đoàn hiện diện hãy can đảm lên tiếng, dấn thân cách mạnh mẽ cho công lý và hòa bình.
Đây không phải là lần đầu tiên giáo xứ Thái Hà thắp nến cầu nguyện cho quê hương đất nước, cho các vấn đề đang tồn tại trong xã hội, cho những mảnh đời bất công sớm tìm được bình an và công lý.
Theo nhận định của những người am hiểu tình hình, những đánh phá điên cuồng của nhà cầm quyền Hà Nội những ngày qua vào giáo xứ Thái Hà chỉ là những đòn thù hèn hạ nhắm lái hướng dư luận ra khỏi những vấn đề nóng bỏng hiện nay của xã hội Việt Nam như nền kinh tế đang đi tới bờ vực của sự sụp đổ, sự bức xúc của nhân dân ngày càng tăng, đặc biệt là trước phong trào yêu nước đang lên, chính quyền cộng sản Việt Nam cần phải chứng tỏ sự trung thành của mình với Bắc Triều.
Dù với bất cứ lý do gì, thì việc nhà cầm quyền Hà Nội xua côn đồ tới đánh phá một nơi tu hành, chửi bới các linh mục, tu sĩ là một hành động không thể chấp nhận được, bởi nó không chỉ cho thấy một nhà nước vô lương mà điều nghiêm trọng là làm cho sự chia rẽ sự đoàn kết dân tộc ngày càng sâu sắc mà có thể cả hàng trăm năm vẫn chưa thể hóa giải.Trong tình hình hiện nay, đã tới lúc giáo dân Công giáo, những anh chị em thiện chí, các biểu tình viên và những ai quan tâm tới sự tồn vong của đất nước, cần phải xích lại gần nhau để cùng nhau gìn giữ di sản của cha ông, nhất là bảo tồn và duy trì sự đoàn kêt dân tộc đã tạo thành sức mạnh Việt Nam mà hơn 60 năm qua, nhà cầm quyền cộng sản đã cố tình đánh phá.
4. Giáo xứ Hàm Long thắp nến cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà
Tối 13-11-2011, Lễ các thánh tử đạo Việt Nam, giáo xứ Hàm Long, đã tổ chức đem thắp nến cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, cho quê hương đất nước. Hơn 2000 giáo dân đã tới tham dự Thánh lễ.
Trong Thánh lễ và đặc biệt là bài giảng lễ, Cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý, quản hạt Hà Nội, chính xứ Hàm Long, kêu gọi mọi người tham dự cần phải hy sinh hơn nữa để sống chứng tá Tin mừng theo gương các thánh tử đạo Việt Nam.
Sau Thánh lễ hàng ngàn ngọn nến đã được các tín hữu thắp lên để cầu nguyện cho quê hương đất nước, đặc biệt cầu nguyện cho Giáo Xứ Thái Hà – Dòng Chúa Cứu Thế được bình an, sớm thoát mọi con nguy khốn.
Từ nhiều năm nay, cùng với giáo xứ Thái Hà, Giáo xứ Hàm Long luôn sát cánh hiệp thông với nạn nhân của bất công xã hội, luôn can đảm đấu tranh cho công lý và hòa bình, đặc biệt luôn hết lòng dấn thân bảo vệ những tài sản của Giáo hội bị cưỡng chiếm cách bất hợp pháp.
Sự dấn thân can đảm ấy khiến giáo xứ Hàm Long, cách riêng linh mục Giacôbê Nguyễn Văn Lý, gặp không ít khó khăn từ bên trong Giáo hội, cho tới bên ngoài. Nhà thờ Hàm long luôn bị theo dõi sát sao. Giống như giáo xứ Thái Hà, Hàm Long luôn có các camera theo dõi các sinh hoạt.
Dù vậy, giáo dân Hàm Long vẫn can đảm tuyên xưng lòng tin và diễn tả tình yêu Thiên Chúa ngang qua những việc làm cụ thể, những chia sẻ hiệp thông với các nạn nhân của bất công xã hội.
Chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, thì cũng hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Hàm Long, cho cha Giacôbê Nguyễn Văn Lý và các tín hữu Chúa nơi đây, luôn tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, tiếp tục can đảm làm chứng cho Tin mừng bằng một đời sống chứng tá đích thực.
14/11/2011
Nữ Vương Công Lý