Giải Nobel văn học năm 2012 vừa trao cho nhà văn TQ Mạc Ngôn- tác giả Đàn Hương Hình, Vú To Mông Nở… theo thiển nghĩ của tôi là xứng đáng, mang vinh dự về cho văn học TQ và châu Á. Mấy ngày qua, có lẽ vì quá căm phẫn bọn bá quyền TQ hung hăng bành trướng độc chiếm biển Đông nên có người viết comment trên trang của anh Ba Sàm rằng “Mạc Ngôn còn nợ nhân dân VN một lời xin lỗi về cuốn Ma Chiến Hữu” hoặc như ông Vũ Xuân Tửu viết hẳn một Entry trên trang Nguyễn Trọng Tạo.org rằng “Ma Chiến Hữu xuyên tạc, bài xích VN”. Nhớ lại 4 năm trước, sau vụ án cuốn Rồng Đá, cư dân mạng lại xôn xao bàn luận quanh cuốn Ma Chiến Hữu, kết tội tác giả khá nặng nề nên theo gợi ý của anh GS.Trần Hữu Dũng- chủ trang web viet-studies, tôi đã viết bài về tác phẩm này của nhà văn Mạc Ngôn. Nay công bố lại để mọi người cùng suy ngẫm…
Từ vài tháng nay, quanh vụ cuốn Ma Chiến Hữu, nhiều bạn đọc trong nước và hải ngoại chẳng hiểu sao cứ xem tôi như người trong cuộc. Họ viết thư hỏi tôi sao lại im lặng? Thật lòng mà nói, sau vụ cuốn “Rồng Đá”, tôi thấy mệt mỏi đôi chút. Mặt khác, tôi đang bận tham gia làm một bộ phim tài liệu lịch sử 2 tập về Thái sư Trần Thủ Độ với anh Minh Chuyên, chưa có dịp đọc cuốn “Ma Chiến Hữu” cho cặn kẽ nên không dám viết về nó. Giờ bình tĩnh đọc lại, tôi cũng muốn viết đôi dòng sao cho chân thực, khách quan.
Sơ lược về cuốn sách
“Ma Chiến Hữu” là 1 trong bộ tác phẩm gồm 7 cuốn sách của nhà văn TQ- Mạc Ngôn (Ma Chiến Hữu, Châu Chấu Đỏ, Bạch Miên Hoa, Trâu Thiến, Con Đường Nước Mắt, Hoan Lạc và Người Tình Nói Chuyện Mộng Du) do Nxb Văn Học, Chi nhánh phía Nam kết hợp với công ty Phương Nam tổ chức biên dịch và ấn hành khoảng đầu Quý I/2008.
Trên bàn làm việc của tôi lúc này đang có đủ 2 cuốn “Ma Chiến Hữu”, 1 ấn hành lần đầu vào tháng 2/2008, còn 1 tái bản vào tháng 1/2009. Cuốn đầu dày 198 trang, giá bìa 23 ngàn, cuốn sau do cách trình bày hơi khác trước nên dày 214 trang, giá bìa 35 ngàn. Hình minh họa và bố cục bìa khác nhau, nhưng cả 2 đều là bìa mềm, chất lượng giấy như nhau, đủ thấy có sự tăng giá theo cung- cầu của thị trường.
Nhiều người bảo tôi, cuốn đầu bày bán ê hề gần cả năm trời, nhưng ít người mua. Chỉ khi xảy ra vụ cuốn “Rồng Đá” (11-12/2008), cư dân mạng chợt xôn xao bàn tán về “Ma Chiến Hữu”, sách bỗng nhiên bán chạy và người ta liền đục nước béo cò, vội cho tái bản với giá gấp rưỡi. Mà thôi, đó chỉ là nhận xét tầm phào ở ngoài quán nước vỉa hè, tôi không dám lạm bàn sẽ sinh rắc rối. Vậy nội dung tác phẩm này của Mạc Ngôn nói gì khiến cư dân mạng xôn xao bàn luận?
Đâu là hồn cốt “Ma Chiến Hữu”?
Giá trị của tiểu thuyết, trước hết phải là hồn cốt câu chuyện hay những thông điệp tư tưởng chuyển tải đến người đọc, thông qua hình tượng nghệ thuật và thủ pháp riêng mới của tác giả làm nên sự cuốn hút.
Càng đọc kỹ, tôi càng thêm khẳng định “Ma Chiến Hữu” là tác phẩm Mạc Ngôn phản đối cuộc chiến tranh Trung- Việt (2/1979) rất vô nghĩa và bẩn thỉu. Dường như nhiều người chưa đọc hoặc đọc không kỹ, chỉ bám vào mấy lời PR của Nxb Văn Học ở đầu cuốn sách nên đã kết tội oan tác giả và tác phẩm.
Cái gọi là “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” như lời Nxb viết, nực cười thay đó lại là cách viết mỉa mai của Mạc Ngôn về việc người ta đem khái niệm chủ nghĩa anh hùng rất chung chung, mơ hồ làm thứ Doping tinh thần cho những người lính nông dân mỏng học, nghèo xác để họ mù quáng lao vào cuộc chiến tàn khốc với Việt Nam mà thôi.
Lừa lọc và giả trá là bản chất thâm căn cố đế của những kẻ chủ mưu gây nên cuộc chiến này. Bối cảnh câu chuyện được Mạc Ngôn mở ra bằng một trận lũ lụt bên kia biên giới sao mà giống với cảnh lũ lụt ở Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang hay ở mấy tỉnh miền Trung của Việt Nam đến thế. Vì trận lũ này mới có cuộc gặp gỡ giữa người dẫn chuyện Triệu Kim với hồn ma lính Tiền Anh Hào.
13 năm trước, họ là đồng đội của nhau, ôm giấc mộng vớ vẩn trở thành anh hùng như Đổng Tồn Thụy ngày xưa, nay họ nghe theo lời bịp bợm bảo vệ Tổ Quốc mà tràn qua biên giới đánh nhau với kẻ thù Việt Nam, không nhìn thấy địch, chỉ thấy súng đạn từ phía đối phương bắn sang cũng là súng đạn do Trung Quốc sản xuất. (từ trang 7 – trang 45). Kể từ đây, cuộc đối thoại âm dương giữa Triệu Kim và hồn ma Tiền Anh Hào đã dẫn dắt bạn đọc vào nghĩa trang có 1600 ngôi mộ lính Trung Quốc tử trận, hằng đêm rên rỉ khóc than, nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con đang phải sống điêu đứng lầm than nơi quê nhà xa lắc.
Những dòng chữ viết về gia cảnh của hồn ma tử sĩ Hoa Trung Quang và Khương Bảo Châu ở quê nhà khiến người đọc ứa nước mắt. (từ trang 47- trang 73). Cái nghĩa trang tác giả hư cấu kia sao mà giống như trong lời kể của nhà báo Huy Đức rằng, ở Vị Xuyên- Hà Giang có một nghĩa trang gồm 1.680 ngôi mộ liệt sĩ Việt Nam, thì 1.600 người hy sinh ngày 17/2/1979, cũng đủ vừa tròn 1 trung đoàn hồn ma lính chiến như Mạc Ngôn đã viết. Liệu còn bao nhiêu nghĩa trang như vậy ở 2 bên biên giới đang làm nhức nhối lương tâm hai dân tộc?…
Bằng bút pháp đồng hiện và thả nổi sự kiện, có lúc ngòi bút của tác giả dắt ta ngược thời gian chứng kiến cảnh những người lính trẻ nông dân đói ăn, đói tình khi rèn cán chỉnh quân ở hậu cứ, trước ngày ra trận. Đọan văn miêu tả hồn ma Tiền Anh Hào thú nhận với Triệu Kim về cuộc làm tình chớp nhoáng giữa anh ta với cô Ngưu Lệ Phương mang tính bi hài, nhưng cũng rất người, rất lính. (từ trang 111- trang 173).
Phần cuối cốt chuyện, qua lời kể của hồn ma Tiền Anh Hào, tác giả dành một số trang xúc động, mô tả chuyến hành hương tội nghiệp của ông bố ra biên giới tìm mộ và bốc hài cốt con trai về quê trong sự lưu luyến, buồn tủi của các hồn ma lính khác. Đọc đến đây, tôi bỗng bồi hồi nhớ lại chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở Quảng Nam. Nhờ chuyến đi ấy, tôi đã có thêm tư liệu và cảm hứng viết các truyện ngắn “Vị Phồn Thực”, “Âm Bản Chiến Tranh”, “Chù Mìn Phủ Và Tôi”…
Hình như khi viết cuốn “Ma Chiến Hữu”, tác giả Mạc Ngôn còn muốn đi xa hơn nữa, mượn đề tài cuộc chiến tranh Trung- Việt làm cái cớ để phơi bầy thực trạng bất công, mục nát của xã hội Trung Quốc thời đó, đầy rẫy bi ai, đói khổ và cả những chuyện mua quan bán chức trong xã hội, thậm chí ngay cả trong quân ngũ mà Tiền Anh Hào, Quách Kim Khố, La Nhị Hổ và bao anh lính nông dân khi ra trận vẫn ôm mộng thành anh hùng quân giải phóng! Cái danh hão một thời làm con người trở nên cuồng tín, mù quáng. Cảnh hai ông bố của họ ngồi tâm sự với nhau, người này khuyên người kia đút lót cho sĩ quan phụ trách để con mình được đề bạt, thăng tiến, nhưng họ chợt nhận ra mình chẳng có gì đáng giá trong nhà, đến bán máu lấy tiền lo lót thì máu cũng kiệt khô vì đói còn đâu. Đọc những dòng như thế, tôi rùng mình kinh hãi…
Thay lời kết
Mạc Ngôn là cây bút nổi tiếng trên văn đàn Trung Quốc đương đại, tài năng của ông được cả tỷ người Trung Quốc thừa nhận, độc giả nhiều nước hâm mộ, song không phải bất cứ tác phẩm nào của ông cũng đều là kiệt tác. Tôi rất đồng ý với TS Nguyễn Văn Diện cho rằng “Ma Chiến Hữu” là một trong những cuốn sách xuống tay nhất của Mạc Ngôn.
Ở tác phẩm này ông sử dụng bút pháp thả nổi sự kiện kết hợp với hiện thực kỳ ảo đã không thành công. Nhiều chỗ không hiểu do dịch giả Trần Trung Hỷ yếu về chuyển ngữ hay do tự thân nguyên tác, văn ông trở nên rối rắm, loãng và nhạt.
Độc giả nếu không đủ kiên nhẫn sẽ bỏ dở chừng hoặc đọc nhẩy quãng cho hết cuốn sách. Nói theo ngôn ngữ nghề văn là đọc không trôi trang. Tôi mở trang Web của siêu thị sách lớn nhất Tp Hồ Chí Minh (http://www.saharavn.com) tạm so sánh: Tại thời điểm viết bài này “Ma Chiến Hữu” có 968 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 18 người (82%), bình thường 1 người (4,5%), hay 1 người (4,5%), rất hay 2 người (9%). Trong khi đó mấy cuốn sách hót của tác giả Việt Nam năm 2008 rất trái ngược, có thể đơn cử như “Thời của Thánh Thần” có 4.306 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 11 người (6%), bình thường 13 người (7%), hay 16 người (9%), rất hay 137 người ( 78%); “Dưới Chín Tầng Trời” có 2.281 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 3 người (13%), bình thường 1 người (4%), hay 6 người (25%), rất hay 14 người (58%); “Rồng Đá” có 3.148 người đọc, kết quả bình chọn là không hay 4 người (2%), bình thường 11 người (6%), hay 21 người (11%), rất hay 156 người (81%)…
Xem thế đủ biết bạn đọc Việt Nam đánh giá cuốn “Ma Chiến Hữu” không cao, nhưng nó vẫn được ưu ái cho phép xuất bản rồi tái bản, còn 3 cuốn sách của tác giả trong nước vừa nêu thì bị lên bờ xuống ruộng. Thật bất công, vô lý, khi cuốn “Ma Chiến Hữu” và truyện ngắn “Chù Mìn Phủ Và Tôi” cùng chung một đề tài cuộc chiến Việt- Trung, 1 viết bằng tâm thế người Trung Quốc, còn 1 viết bằng tâm thế người Việt chúng ta thì số phận chúng thế nào mọi người đều rõ. Biết nói sao đây? Thôi thì lại như GS Hoàng Ngọc Hiến vẫn thường hay buông lửng: “Cái nước mình nó vậy”!?
Vũ Ngọc Tiến
Hà Nội 18/3/2009
Nguồn: Quê Choa