Các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia có quân đội không tương xứng cho thấy một điều quá rõ ràng rằng các bên tham chiến có số lượng tương đối nhỏ vẫn có thể giành phần thắng trong các chiến dịch quân sự trước các lực lương ưu việt hơn.
Tuy nhiên, hỏa lực vẫn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Việc một quốc gia phát huy sức mạnh phụ thuộc phần lớn vào các tiềm lực quân sự của chính quốc gia đó. Phát huy và vận dụng thành công sức mạnh đó chính là một vốn quý then chốt về mặt ngoại giao.
Business Insider dẫn nguồn website Global Firepower xếp hạng các quân đội mạnh nhất trên thế giới hiện nay dựa trên nhiều nhân tố đa dạng, trong đó bao gồm nhân lực hiện có, tổng số nhân sự làm việc trong ngành quân đội, và khả năng tiếp cận tới các nguồn vốn chiến lược. Trong bảng xếp hạng không tính đến các tiềm lực hạt nhân.
1. Mỹ
Ngân sách quốc phòng của Mỹ là 612 tỉ USD. Mặc dù phải cắt giảm chi tiêu, Mỹ vẫn chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn tổng cộng ngân sách quốc phòng của 10 quốc gia kế đó cộng lại.
Lợi thế lớn nhất về mặt quân sự (phi hạt nhân) của Mỹ là hạm đội gồm có 19 hàng không mẫu hạm, so với tổng số 12 tàu sân bay của phần còn lại của thế giới. Loạt tàu sân bay này cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ tác chiến và phát huy sức mạnh ở khắp nơi trên thế giới.
Mỹ cũng có nhiều chiến cơ hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới, công nghệ tinh vi như loại súng ray điện từ, nguồn nhân lực hùng hậu và được huấn luyện tinh nhuệ – đó là chưa tính đến kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay.
2. Nga
Hai thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, quân đội Nga một lần nữa lớn mạnh trở lại. Chi tiêu quốc phòng của Kremlin đã tăng gần như 1/3 kể từ năm 2008 và được cho là còn tăng thêm 44% trong ba năm tới. Hiện nay, ngân sách quốc phòng Nga vào khoảng 76,6 tỉ USD.
Nga hiện có 766.000 bộ đội chuyên nghiệp và lực lượng dự bị là 2.485.000 người. Các binh sĩ này có 15.500 xe tăng – lực lượng thiết giáp mạnh nhất trên thế giới.
3. Trung Quốc
Trung Quốc theo đuổi chính sách khiến chi tiêu quốc phòng tăng vọt trong năm qua – 12,2%. Ngân sách Trung Quốc dành cho quốc phòng vào khoảng 126 tỉ USD nhưng thực tế có thể cao hơn nữa. Mức chi tiêu này làm cho nhiều quốc gia ở châu Á lo ngại trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều tranh cãi liên quan tới biên giới với nhiều quốc gia trong khu vực.
Quân đội Trung Quốc có quy mô ‘khổng lồ’ với 2.285.000 bộ đội chuyên nghiệp và 2.300.000 bộ đội dự bị.
4. Ấn Độ
Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ có khả năng sẽ tăng vì quốc gia này muốn hiện đại hóa đội quân của mình. Hiện tại, ước tính ngân sách quốc phòng của Ấn Độ là 46 tỉ USD, và dự kiến Ấn Độ sẽ là xếp thứ tư trong số các quốc gia chi mạnh tay nhất cho quốc phòng vào năm 2020. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu các mặt hàng quân sự nhiều nhất trên thế giới.
Ấn Độ có các tên lửa đạn đạo với tầm bắn có thể trúng mọi mục tiêu ở Pakistan hoặc hầu hết mục tiêu ở Trung Quốc.
5. Vương quốc Anh
Mặc dù thu hẹp quy mô, nhưng Anh vẫn có khả năng phát huy sức mạnh trên khắp thế giới. Hải quân Hoàng gia Anh đang lên kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth vào phục vụ năm 2020. Tàu sân bay này có khả năng chứa 40 máy bay F-35B tối tân của Mỹ đi khắp thế giới.
6. Pháp
Pháp đã cắt giảm 10% nhân công trong lĩnh vực quốc phòng để dành tiền mua trang thiết bị công nghệ cao. Paris đã chi 43 tỉ USD trong năm vừa qua cho quân sự, số tiền chiếm 1,9% GDP. Mức chi này thậm chí còn thấp hơn mục tiêu chi cho quốc phòng mà NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên.
Dù cắt giảm ngân sách cho quốc phòng, nhưng Pháp vẫn có khả năng phát huy sức mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, với các đợt triển khai quân quan trọng ở Cộng hòa Trung Phi, Chad, Mali, Senegal và nhiều nơi khác.
7. Đức
Sức mạnh quân đội Đức không tương xứng với sức mạnh kinh tế của quốc gia này. Gần đây, Đức đã bắt đầu cân nhắc tới việc hỗ trợ quân sự cho các thành viên NATO ở đông Âu.
Đức cũng nghĩ tới việc có vai trò quân sự năng động hơn trên thế giới. Chi tiêu quốc phòng hàng năm của Đức là 45 tỉ USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia chi nhiều nhiều tiền nhất cho quân đội.
Đức chỉ có 183.000 bộ đội chuyên nghiệp với thêm 145.000 quân dự bị. Đức đã loại bỏ thời hạn phục vụ quân đội vào năm 2011 trong một nỗ lực nhằm tạo ra một đội quân chuyên nghiệp hơn.
8. Thổ Nhĩ Kỳ
Chi tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ cho quốc phòng trong năm 2014 dự kiến sẽ cao hơn năm 2013 là 9,4%. Cuộc nội chiến tại Syria và khả năng đụng độ với tổ chức ly khai người Cuốc có thể là các lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ tăng ngân sách cho quốc phòng – hiện đang ở mức 18,2%.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cử quân đội tham gia nhiều chiến dịch khác nhau trên thế giới, chẳng hạn như các chiến dịch ở Afghanistan, hoặc nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Balkan.
9. Hàn Quốc
Hàn Quốc tăng chi tiêu quốc phòng do Nhật Bản và Trung Quốc cùng mạnh tay cho quân sự và mối đe dọa từ Triều Tiên. Hiện, Seoul chi 34 tỉ USD cho quốc phòng.
Hàn Quốc có 640.000 bộ đội chuyên nghiệp cộng thêm 2.900.000 bộ đội dự bị, 2.346 xe tăng và 1.393 máy bay chiến đấu. Quân đội Hàn Quốc được huấn luyện tinh nhuệ và thường xuyên tập trận với Mỹ. Không quân Hàn Quốc đứng thứ sáu trên thế giới.
10. Nhật Bản
Sau 11 năm, Nhật Bản tăng chi tiêu cho quốc phòng trong bối cảnh tranh cãi với Trung Quốc về biển đảo ngày một căng thẳng. Tokyo cũng bắt đầu mở rộng quân đội sau hơn 4 thập kỷ. Nhật Bản chi 49,1 tỉ USD cho quốc phòng, đứng thứ 6 trong số các quốc gia chi nhiều tiền nhất trên thế giới.
Quân đội Nhật được trang bị vũ khí hiện đại. Tokyo có 247.000 bộ đội chuyên nghiệp và 57.900 quân dự bị, cùng với 1.595 máy bay chiến đấu (không quân Nhật đứng thứ năm thế giới) và 131 tàu.
11. Israel
Ngân sách quốc phòng của Israel vào khoảng 15 tỉ USD. Một phần lớn ngân sách quốc phòng của Israel dành cho công nghệ phòng thủ. Một trong những ví dụ kể đến là lá chắn phòng thủ tên lửa có tên Vòm Sắt. Israel dự định thay thế Vòm Sắt bằng hệ thống lá chắn phòng thủ laser.
Lê Thu