Một cậu bé phất cờ Ai Cập và Tunisie ăn mừng sự sụp đổ của Hosni Mubarak trứoc sứ quán Ai Cập tại Tunis, ngày 11/2// 2011. REUTERS/Zoubeir Souissi
Năm 2011 là một năm đầy ắp những sự kiện làm thay đổi thế giới, thay đổi số phận, sự nghiệp của không ít chính khách. Nhìn lại những biến động xảy ra trong năm 201, phụ trương báo Le Monde cuối tuần này ghi nhận 2011 là một năm của sự sụp đổ.
Đó là sự sụp đổ của những thể chế độc tài đã ăn sâu bám rễ từ hàng chục năm qua ở những nước Bắc Phi mà người ta cứ nghĩ là vĩnh cửu, nay bỗng chốc bị cơn gió của “Mùa xuân Ả Rập” được khơi dậy từ nỗi bất công của người dân quét sạch, hay đó còn là sự sụp đổ của những cá nhân đây quyền lực gây khiếp sợ cho không biết bao người trong một thời gian dài. Năm 2011 cũng đã chứng kiến sự đổ vỡ sự nghiệp của những nhân vật đầy quyền thế nhưng lại không không chế ngự nổi “con quỷ” trong chính bản thân mình.
Trong số báo cuối năm này, phụ trang cuối tuần báo Le Monde lượt lại những sự kiện nổi bật năm 2011 qua bài viết: “2011, năm của sự sụp đổ”. Đầu tiên, tờ báo nhìn về Tunisia và nhà độc tài Zine El-Abidine Ben Ali. Sự việc bắt đầu vào tháng 12/2010 từ vụ tự thiêu của một người bán hàng rong bị cảnh sát tịch thu hàng hóa. Sau đó, làn sóng biểu tình bắt đầu lan rộng, đến mức mà tổng thống Ben Ali phải chạy sang tị nạn tại Ả Rập Xê Út. Đến tháng 2, người dân Ai Cập xuống đường biểu tình đòi tổng thống Mubarak ra đi. Phòng trào ngày một lớn mạnh, quân đội ngày càng rời xa ông. Đến ngày 11/2, ông chính thức từ chức sau 30 năm ngồi ghế tổng thống.
Tại Côte D’Ivoire, tranh chấp bầu cử tổng thống giữa hai ông Laurent Gbagbo và Alassane Ouattara đã đưa đất nước vào trong vòng nội chiến. Với sự giúp sức của quân đội nước ngoài, đặt biệt là Pháp, phe ông Ouattara đã bắt được ông Gbagbo vào ngày 11/4. Sau đó ông này bị đưa ra xét xử tại tòa án hình sự quốc tế ở La Haye. Đây là vị cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị xét xử ở tòa án này.
Đến đầu tháng 5, tức gần tròn 10 năm sau sự kiện 11/9, quân đặc nhiệm của Mỹ đã bất ngờ tấn công dinh thự của trùm khủng bố Oussama Ben Laden ngay trên lãnh thổ của Pakistan. Sự việc là một thắng lợi của tổng thống Obama, nhưng gây sóng gió không ít cho quan hệ hai nước.
Ngày 14/5, một vụ bê bối tình dục làm chấn động báo chí thế giới đã xảy ra tại khách sạn Sofitel New York. Ngày đó, ông Dominique Strauss-Kahn , khi ấy là tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF, đã bị cảnh sát Mỹ bắt giam vì bị một cô hầu phòng khách sạn tố cáo xâm hại tình dục. Dù ông DSK đã được trắng án, nhưng sự việc đã khiến ông mất chiếc ghế tổng giám đốc IMF và chiếc ghế tổng thống Pháp mà ông có nhiều khả năng giành được vào năm 2012. Đến lượt lãnh đạo nước Ý, dưới sức ép của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Âu, và của nhiều vụ bê bối tình dục, thủ tướng Silvio Berluscoli buộc phải ra đi vào giữa tháng 11.
Cuối cùng, Le Monde quan tâm đến số phận của ông Kadhafi tại Libya. Phong trào nổi dậy ở nước này bắt đầu vào tháng hai. Đến tháng tám, phe nổi dậy chiếm thủ đô Tripoli, và đến tháng 10 đã hạ sát một cách dã man nhà độc tài Kadhafi sau 42 năm ông này lãnh đạo đất nước.
Mỹ lập đã lập lại sai lầm chiến tranh Việt Nam ở Irak
Tạp chí Le Nouvel Observateur dành hồ sơ dày 48 trang khai thác những sự kiện nổi bật trên thế giới trong những thập niên 1960, trong đó có cuộc chiến tranh tại Việt Nam . Bài viết chạy dòng tựa khá ấn tượng: “Việt Nam: Một cuộc chiến bẩn thỉu và vô cớ”.
Tờ báo nhắc lại, trong hồi ký xuất bản năm 1995, Robert MacNamara, bộ trưởng quốc phòng dưới thời hai tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson, cho rằng, sáu tháng đầu năm 1965 là giai đoạn then chốt của cuộc chiến tranh Việt Nam, bởi đó là lúc Mỹ chuẩn bị và bắt đầu leo thang chiến tranh. Bằng chứng là vào cuối năm 1964, Mỹ chỉ có 23 000 “cố vấn” tại chỗ để giúp quân đội của chính quyền Sài Gòn, thì đến tháng 7 năm 1965, có đến 80 000 lính Mỹ đặt chân đến chiến trường này.
Cùng lúc đó, Mỹ thực hiện chiến dịch “Sấm rền” kéo dài ba năm tấn công miền bắc. Ước tính, số lượng bom Mỹ ném ở miền bắc còn nhiều hơn số bom được rãi trên toàn cõi Châu Âu hồi thế chiến thứ hai. Đó là giai đoạn then chốt, theo Macnamara, cũng vì chính giai đoạn này Washington bị kéo vào trong cuộc chiến không lối thoát. Một cuộc chiến chia rẽ người dân Mỹ sâu sắc nhất kể từ cuộc nội chiến Hoa Kỳ hồi giữa thế kỷ 19. Một cuộc chiến vô ích vì năm 1975 quân đội Hoa Kỳ phải tháo chạy khỏi Sài Gòn.
Từ chiến tranh Việt Nam, tờ báo nhìn về cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Irak vừa qua. Tờ báo nhận định, thật khó tin khi gần 40 năm sau, Mỹ lập lại sai lầm trong cuộc chiến Việt Nam, những sai lầm mà Macnamara từng cảnh báo: “Cố ý nói dối Quốc hội và báo chí, không hiểu rõ lịch sử và văn hóa của kẻ thù, đánh giá quá cao vai trò của công nghệ hiện đại, xem thường dư luận quốc tế…”
Qatar tài trợ cho dân chủ lẫn các phong trào Hồi giáo cực đoan
“Qatar: Vị quốc vương đáng gờm”, đó là tựa đề bài viết của tạp chí Le Nouvel Observateur phản ánh hiện tượng nước này vừa ủng hộ người nổi dậy trong mùa xuân Ả Rập, vừa ủng hộ các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Năm 1995, Quốc vương Qatar ông Al-Thani đã truất phế cha để lên ngôi. Khi ấy, Qatar chẳng có tiếng tăm gì trong khu vực, lại ở bên cạnh hai cường quốc Irak và Ả Rập Xê Út. Vì thế, ông Al-Thani đã tìm mọi cách thu hút sự chú ý của mọi người mà không ngại chấp nhận đánh đổi: cho Mỹ thiết lập trên lãnh thổ Qatar căn cứ không quân được xem là lớn nhất ngoài nước Mỹ, thiết lập quan hệ với Israel, động thái được xem là duy nhất trong các nước Vùng Vịnh, tài trợ và kết thân với những lãnh tụ Hồi giáo chính trị, ngay cả người Hồi giáo cực đoan, trong đó có lãnh đạo phong trào Hamas của Palestine và lãnh tụ đảng Hồi giáo Ennadha ở Tunisia.
Khi phong trào mùa xuân Ả Rập nổ ra, Qatar có đủ phương tiện để tiến lên vị trí tiên phong, từ một đài truyền hình quốc tế Al-Jazeera với 50 triệu khán giả, đến hàng khối tiền thu được từ dầu hỏa, rồi các mối quan hệ với cả hai phái “chính, tà ”. Thêm vào đó, ông Thani còn biết tranh thủ giai đoạn lu mờ của các nước Ả Rập để đưa Qatar tiến về phía trước.
Đối với Ai Cập, quốc vương Thani ghi hận từ lâu, bởi vào năm 1995, khi ông lật đổ cha mình, thì lính bảo vệ vị vua cha bị con truất phế đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Các quân nhân này được cho là của Ai Cập. Còn về phía tổng thống Ai Cập Mubarak, ông này lo ngại vị thế Qatar ngày càng lớn mạnh trong khu vực. Từ đầu phong trào nổi dậy ở Ai Cập, đài truyền hình Al-Jazeera không ngừng tuyên truyền giúp phe nổi dậy.
Đến với Libya , Qatar đầu tư nhân tài vật lực cho phe nổi dậy. Thani trang bị hẳn cho phe nổi dậy một kênh truyền hình trên lãnh thổ Qatar để phát sóng trên toàn lãnh thổ Libya . Trong hàng ngũ liên quân NATO, Qatar cũng gởi đến 6 máy bay tham gia không kích, và hàng trăm lính tham gia vào hàng ngũ quân nổi dậy.
Nói về việc đầu tư vũ khí cho phe nổi dậy, tờ báo cho biết, Qatar ưu ái các tướng lĩnh Hồi giáo cực đoan, như tướng Abdelhakim Bel Hadj, thống lĩnh quân đội của chính quyền quân nổi dậy tại Tripoli. Ông này từng là thành viên của phong trào Hồi giáo cực đoan Jihad thân cận với Al Qaida. Khi cuộc chiến kết thúc, tổng tham mưu trưởng Qatar còn đáp máy bay đến Libya để thị sát tình hình, và bị người dân phản đối dữ dội. Vị tổng tham mưu này còn giới thiệu ông Hadj cho các tướng lĩnh phương Tây. Hồi cuối tháng 10, chính quyền mới của Libya lên tiếng chỉ trích rằng Qatar đã vun tiền đầu tư cho những người hồi giáo cực đoan và có mưu đồ thống trị Libya. Như vậy, từ một “ân nhân”, Qatar bổng chốc trở thành “bị cáo”.
Tại Tunisia , người nổi dậy cũng bắt đầu phản đối quốc vương Qatar do cho rằng ông này đã tài trợ cho đảng hồi giáo Ennahda tranh cử. Còn ở Ai Cập, các tướng lĩnh quân đội đang nắm quyền điều hành đất nước ra lệnh cấm các tổ chức đảng hay hội đoàn nhận tài trợ từ nước ngoài. Mục đích sâu xa theo tờ báo là để ngăn chặn Qatar tài trợ cho tổ chức Huyng đệ Hồi Giáo.
Tuy nhiên, Qatar bề ngoài vẫn muốn giữ hình ảnh là ân nhân của các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập. Chiến trường mới mà Qatar nhắm đến là Syria . Tại Liên đoàn Ả Rập , Qatar đã không ngần ngại chỉ trích chế độ al-Assad. Qatar đã cử ông Hadj đến giúp quân đội phe nổi dậy ở Syria .
Tóm lại, Le Nouvel Observateur nhận định, Qatar có nhiều mối quan hệ nguy hiểm và nhiều tham vọng quá đáng, bởi thế, dù muốn gây thiện cảm với thế giới, nhưng mỗi ngày lại chuốt thêm những hận thù.
Hy vọng gì cho nhà lãnh đạo mới của Bắc Triều Tiên
Liên quan đến nhân vật kế thừa ông Kim Jong-il là Kim jong-un, phụ trang cuối tuần của Le Monde có bài đặt câu hỏi: “Nên đặt cho Kim Jong-un danh hiệu gì đây?”.
Tờ báo nhắc lại, từ khi được công chúng biết đến, chàng trai tuổi chưa đầy ba mươi này đã nhận được nhiều mỹ hiệu: Hoàng tử bé nhỏ đầy nhiệt huyết, đại úy trẻ, và hiện tại là Người kế thừa vĩ đại. Thế là từ đây, Kim Jong-un phải làm việc cho “xứng đáng”với cha mình, người có rất nhiều mỹ hiệu: “Mặt trời thế kỷ 21, Thiên tướng vinh quang, Nhà lãnh đạo chính trị xuất chúng, Vị chỉ huy bách chiến bách thắng có tinh thần thép…”
Tờ báo kết thúc dí dỏm: Chúng ta hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới sẽ không bị gán cho « mỹ hiệu » là : “Đứa trẻ khát máu”.
Tội “khi quân” vẫn còn ở Thái Lan
“Ở Thái Lan, phạm tội khi quân có phải là một vấn đề nghiêm trọng không?”, câu hỏi này cũng chính là tựa đề bài viết của phụ trang cuối tuần của Le Monde về tội xúc phạm hoàng gia ở vương quốc Thái Lan.
Tờ báo cho biết, ngày 8 tháng này, một công dân Mỹ gốc Thái Lan đã bị tòa án tại Bangkok tuyên án 30 tháng tù do đã dịch một bản bản tiểu sử thuộc diện cấm của nhà vua Thái Lan. Trước đó, một người Thái 61 tuổi cũng đã bị kết án 20 năm tù vì đã gửi bốn tin nhắn SMS cho một thư ký của thủ tướng, các tin nhắn này bị chính quyền cho là xúc phạm hoàng gia.
Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Wach, năm 2009, số vụ kết án tội khi quân ở Thái Lan là 164. Vào năm 2010, con số này đã tăng lên đến 400. Ở Thái Lan, hiện tại, đức vua không có quyền lực chính trị, nhưng lại được xem gần như là một thượng đế. Phó thủ tướng Thái Lan đã thông báo sẽ cho thành lập một ủy ban chuyên trách việc đóng các trang mạng bị cho là xúc phạm hoàng gia.
Tình trạng công nhân Trung Quốc bất mãn đã đến mức báo động
Từ mấy năm nay, tại Trung Quốc, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, người dân, nhất là những công nhân xuất thân từ nông dân tỉnh lẻ ngày càng cơ cực. Tức nước vỡ bờ, gần đây, họ không ngừng biểu tình, đình công đòi cải thiện điều kiện lao động và tiền lương. Tuần san L’Express phản ánh sự việc qua bài viêt: “Tại Trung Quốc: sự ngán ngẫm của giai cấp công nhân”.
Sự kiện được tờ báo dẫn ra là vụ đình công của công nhân ở một nhà máy thuộc tập đoàn Hi-P chuyên sản xuất linh kiện nhựa và điện tử cho hãng Apple tại Thượng Hải. Chủ nhà máy muốn dời công ty đến một địa điểm khác rất xa, gây bất tiện cho việc đi lại của công nhân, trong khi lượng giờ làm việc của họ đã khá nhiều, mỗi tháng họ chỉ có 3 hoặc bốn ngày nghỉ.
Đối với công nhân, việc dời nhà máy đồng nghĩa với việc sa thải họ. Họ cảm thấy bị chủ bạc đãi, bị cảnh sát chèn ép. Họ tập trung đứng suốt ngày bên ngoài hàng rào công ty. Một vài người đã bị bắt. Phong trào bắt đầu có qui mô kể từ năm ngoái. Khi đó, công nhân của các nhà máy thuộc hãng Honda cũng đình công dữ dội. Tại đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, 14 bốn công nhân đã lần lượt tự tử. Một số chủ nhà máy buộc phải nhượng bộ.
Vụ việc nhanh chóng được giới mạng quan tâm và tạo nên một cơn sốc mạnh. Kết quả là, liên tiếp sau đó xảy ra các vụ đình công khác. Đến hiện tại, giới chủ đã phải tăng lương công nhân lên từ 15% đến 20%. Tuy nhiên, dù lương tăng nhưng đời sống công nhân cũng không được cải thiện do giá cả cũng không ngừng tăng theo. Thêm vào đó, hai thị trường xuất khẩu chính của ngành công nghiệp Trung Quốc là Châu Âu và Mỹ đang thời kỳ thắt lưng buộc bụng nên đơn đặt hàng cũng giảm đi. Giới chủ tại Trung Quốc vì thế cũng gặp khó khăn và tìm cách giảm chi phí, trong đó có việc di chuyển nhà máy đến những địa điểm sâu trong đất liền, nơi mà giá nhân công còn tương đối rẻ. Làn sóng bất mãn lại trỗi dậy, hầu như ngày nào cũng có đình công.
Nói về phản ứng của chính quyền, tờ báo cho biết, sự phản ứng ở mỗi địa phương là khác nhau. Có nơi như Quảng Đông thì chính quyền khuyến khích công nhân và chủ thương thảo để tránh xung đột đáng tiếc, có nơi như Thượng Hải thì công an lại đứng về giới chủ để đàn áp người đình công. Trong khi đó, hoạt động của các công đoàn lại không hiệu quả và mang tính hình thức. Do đó, phần đông người đình công đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Ngải Vị Vị là nhân vật năm 2011
Ban biên tập phụ trang cuối tuần của Le Monde bầu Ngải Vị Vị làm nhân vật của năm 2011. Tờ báo dành 6 trang tổng kết quá trình “vào tù ra khám” của nghệ sỹ ly khai này. Nguyên nhân chọn ông được tờ báo đưa ra là “Do ông đã tạo ra diện mạo rõ ràng cho giới li khai Trung Quốc”.
Trong khi đó độc giả mạng của tờ báo này bầu chọn nhân vật của năm là nhà đấu tranh chính trị Stephane Hessel, 94 tuổi, người Pháp. Ông là tác giả của quyển sách mang tên “Indignez-vous” (Các bạn hãy phẩn nộ lên đi). Quyển sách dày 32 trang, được bán đến 2 triệu bản tại Pháp, và 2 triệu bản ở khoảng 40 nước khác, hiện tại đang tiếp tục được dịch và phổ biến trên thế giới. Quyển sách có tầm ảnh hưởng quan trọng, góp phần không nhỏ vào phong trào “Những người phẩn nộ” lan rộng từ Tây Ban Nha đến Mỹ và khắp nơi trên thế giới.
Lê Phước — Nguồn RFI
www.vietthuc.org