… as in absolute governments, the King is law, so in free countries the law ought to be the king; and there ought be no other. (… vì trong các chính quyền chuyên độc, Vua là luật, vậy thì trong các quốc gia tự do, luật phải là Vua; và không nên có gì khác nữa)
Thomas Paine (Commense Sense, Jan. 1776)
… men have a duty to obey the law but have the right to follow their consciences when it conflicts with that duty (…con người có bổn phận tuân theo luật pháp nhưng cũng có quyền làm theo lương tâm mình khi luật pháp xung đột với bổn phận đó)
Ronald Dworkin (Taking Rights Seriously, 1970)
Từ khi Liên Bang Xô Viết tan rã và hình thành những quốc gia độc lập và bắt đầu xây dựng nền dân chủ non trẻ, đồng thời thế giới càng ngày càng tiến xa trên đường toàn cầu hoá, thì ý niệm về sự trị vì của luật pháp càng ngày càng được phổ biến. Các nhà lãnh đạo, các chính trị gia, các ứng cử viên vào các chức vụ cấp quốc gia cũng như địa phương tại các quốc gia dân chủ, cũng như độc tài đều đề cập đến ý niệm này một cách say sưa nồng nhiệt. Mọi người xem đó là viên thuốc trị bá bệnh giúp ổn định trật tự xã hội, xây dựng dân chủ, tôn trọng nhân quyền, phát triển kinh tế, cải thiện guồng máy công quyền nói chung, và hành chánh nói riêng vv. Tại Hoa Kỳ, khi vận động tranh cử Donald Trump, ứng cử viên chức vụ tổng thống của đảng Cộng Hòa không ngừng hô hào “luật pháp và trật tự” (law and order); ứng cử viên không thành công Clinton của đảng Dân Chủ và Tổng Thống Obama cũng lần lượt nói đến “sự trị vì của luật pháp” (the rule of law) trong bài diễn văn liền sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Trong hơn thập niên vừa qua, các cơ quan kinh tế, luật pháp thuộc Liên Hiệp Quốc đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, huấn luyện cho các quốc gia giao thời nói trên, cũng như cho các quốc gia đang phát triển. Hoa Kỳ, Canada, Liên Âu v.v. cũng dành không ít ngân quỹ và nhân sự để giúp cho việc cải tổ pháp luật, truyền bá và rao giảng “sự trị vì của pháp luật” ở các nước vừa nói, hy vọng rằng khi “nguyên tắc” này được tôn trọng, hay “lý tưởng” này được tiến gần, thì mọi sự tốt đẹp sẽ đến từng các quốc gia, cũng như cho toàn thế giới.
Về Thuật Ngữ Tiếng Việt
Trong bài viết này, thuật ngữ “sự trị vì của luật pháp” được dịch theo nguyên ngữ tiếng Anh “the rule of law”. Nó có thể hiểu một cách đơn giản là trong việc cai trị đất nước, luật pháp đứng trên hết, trên cả vua (nếu đó là vương quốc), nhà nước, các đảng phái chính trị và dân chúng. Nói cách khác, mọi người thuộc mọi tầng lớp trong nước đều là đối tượng bình đẳng trước luật pháp. Chính vì vậy mà “sự trị vì của luật pháp” còn được gọi là “tính thượng đẳng của luật pháp” (the supremacy of the law). Chúng tôi chọn cách dịch sát nghĩa, nhưng không ngắn gọn này, vì nó dễ hiểu và hy vọng sẽ tránh được sự hiểu lầm cho một người đọc vốn quen với một số thuật ngữ thông dụng hiện nay, chẳng hạn “pháp trị”, “pháp quyền”. Hơn nữa, nguồn gốc của thuật ngữ này là từ tiếng Anh, chứ không phải từ tiếng Pháp, tiếng Hoa, hay tiếng nước khác được dịch sang tiếng Anh. Theo từ điển The Oxford Encyclopedic English Dictionary, 1996, trang 1262, thì trong thuật ngữ này, “rule” có nghĩa là government (cai trị) hay dominion (chế ngự); do đó chúng tôi đề nghị dịch là “sự trị vì” để nói lên tính thượng đẳng của luật pháp; hơn nữa trong lịch sử Anh quốc, có lúc luật pháp đã thật sự đứng trên vua. (sẽ đề cập trong bài).
Để cho ngắn gọn trong sự trình bày, chúng tôi còn dịch “rule of law” thành “luật trị”, tức sự trị vì/ sự cai trị của luật pháp, để đối chiếu với đảng trị, gia đình trị mà người ta thường nghe và hiểu rõ nội dung. Theo cách dùng chữ này, thì “luật trị” có ý nghĩa khác biệt với “pháp trị” và “pháp quyền” như sẽ được đề cập phần sau. Nhưng ngay từ đây, xin đừng hiểu “luật trị” là cai trị bằng luật pháp. Nói cách khác, trong phần còn lại của bài viết 2 nhóm từ “sự trị vì của luật pháp” và “luật trị” được dùng thay thế cho nhau. Cũng cần nói thêm là trong thời kỳ chuyển tiếp, nhiều chế độ “cai trị bằng chính sách” trong khi chưa có đủ luật lệ mới để điều hành guồng máy nhà nước — Việt Nam sau 1975 là một thí dụ. Đối với một xã hội văn minh, tình thế này không thể tồn tại trong một thời gian dài.
Khoảng 9-10 năm trước đây, khi bản dự thảo hiến pháp (về sau thành Hiến Pháp 2013) của Việt Nam Cộng Sản được đưa ra thảo luận trong nước, đã có sự tranh luận về việc dùng thuật ngữ “pháp trị” hay “pháp quyền” để dịch thuật ngữ tiếng Anh “the Rule of Law”. Nhóm chủ trương dùng chữ “pháp trị” giải thích “pháp trị” là dùng pháp luật nghiêm khắt để cai trị, một chủ trương của nhóm pháp gia thời xa xưa bên Trung Hoa, mà tiêu biểu là Công Tôn Ưởng thời Đông Chu Liệt Quốc. Đối nghịch với trường phái “pháp trị” này là trường phái “nhân trị”, tức dùng lòng nhân để mà cai trị. Với ý nghĩa đó, “nhân trị” còn được coi như là đức trị (rule of virtues). Trước năm 1975, các sinh viên năm thứ nhất của Đại Học Luật Khoa và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đều được học bài học nhập môn này; do đó, khi ra trường và hòa mình vào xã hội có luật pháp kỷ cương, chẳng mấy ai dám liều lĩnh, quên “nguyên tắc thượng tôn luật pháp”, vì biết rằng luật pháp sẽ chẳng tha nếu mình vi phạm.
Nhóm chủ trương sử dụng chữ mới “pháp quyền” khẳng định “pháp quyền” là “rule of law”, nhưng khi đọc bản dịch, thì người ta không còn thấy dấu vết của “rule of law” ở đâu nữa. Thật vậy, Điều 2, khoản 1 tiếng Việt là:
Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Trong các bản dịch sang tiếng Anh này, giống hệt nhau trên mạng khiến người viết nghĩ là chỉ từ một bản dịch “chính thức” của nhà nước, Điều 2 khoản 1 trên đây được dịch như sau:
The Socialist Republic of Vietnam is a socialist state ruled by law and of the People, by the People and for the People. [Người viết thêm dấu gạch dưới].
Nếu hiểu “nhà nước pháp quyền” là nhà nước chịu sự chi phối cuả luật pháp theo lối viết tiếng Anh này, thì người viết thiết nghĩ dịch như sau có thể gọn gàng hơn:
The Socialist Republic of Vietnam is a law-ruled (or (or a law-governed) sate of the People, by the People and for the People.
Cũng cần nhớ lại là 2 chữ “pháp quyền” này mới được ghi thêm vào Hiến Pháp 2013, chứ không có trong các hiến pháp trước đó. Từ câu tiếng Anh này, người đọc có thể hiểu pháp quyền có nghĩa là cai trị bằng /bởi luật pháp; và cả câu sẽ có nghĩa nôm na như sau: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa [thừa] được cai trị bằng luật pháp, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhưng theo Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Ủy Viên Trung Ương Đảng, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao trong bài Một số vấn đề về nhà nước pháp quyền ở nước ta trên Tạp Chí Cộng Sản Thứ Hai 14/11/2007, thì “Nhà nước pháp quyền là nhà nước được xem xét dưới góc độ pháp luật trong đó tính tối cao của pháp luật được tôn trọng vv.” [Người viết cho in nghiêng]. Người viết nghĩ với học vị và chức vụ của ông, ý kiến của TS Hiệu phản ảnh trung thực ý muốn của những người soạn thảo Hiến Pháp. Điều đó có nghĩa là “nhà nước pháp quyền” là nhà nước trọng nguyên tắc sự trị vì của luật pháp, do đó dịch sang tiếng Anh “rule of law state” như bản dịch “không chính thức” (unofficial) dưới đây của International Institute for Democracy and Electoral Assistance (viết tắt International IDEA) là chuẩn vì vẫn giữ được cái lõi “rule of law” quen thuộc trong ngôn ngữ của giới nghiên cứu chính trị và luật pháp nước ngoài:
The Socialist Republic of Vietnam is a socialist rule of law state of the People, by the People and for the People. [Người viết thêm dấu gạch dưới]
Tuy nhiên, chữ “state” có nhiều nghĩa trong đó có 2 nghĩa đáng lẽ không nên lẫn lộn: nước (quốc gia), và nhà nước (tổ chức chính quyền của nước đó). Do đó, người viết thiết nghĩ Khoản 1 bản tiếng Việt có thể dịch gọn (không luộm thuộm như trong bản dịch phía Việt Nam và rõ nghĩa hơn so với trong bản dịch “không chính thức” của International IDEA), như đề nghị dưới đây:
The State of the Socialist Republic of Vietnam is a socialist rule-of-law state of the People, by the People and for the People. (có thể không cần hai dấu gạch nối, như International IDEA)
Thật ra “sự trị vì của luật pháp” tuy đã có một lịch sử lâu dài, nhưng vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. Theo người viết, dù chỉ là một ý niệm chưa được định nghĩa rõ ràng, hay một lý tưởng muốn theo đuổi, nếu nay được đưa vào hiến pháp thì e rằng nó sẽ khiến Hiến Pháp trở thành quá tải! Hay nói đúng hơn là Hiến Pháp quá ôm đồm và tạo thêm mơ hồ khi nó phải gánh thêm ý niệm “sự trị vì của luật pháp”, ngoài cái lý tưởng “chủ nghĩa xã hội” mà đến nay vẫn chưa được định nghĩa cụ thể. Lý tưởng luật trị, cũng như các lý tưỏng chính trị khác như xã hội dân sự, dân chủ, nhân quyền, tự do cá nhân v.v. đã được làm sống lại và hiện đại hóa trong thời đại toàn cầu hiện nay, nhất là từ sau khi chủ nghĩa cộng sản không còn đất đứng như trước đây.
Bài viết này đề cập đến các phần sau đây:
– Sơ lược về sự phát triển của ý niệm luật trị
– Vài quan điểm kinh điển về luật trị
– Luật trị trong thời đại toàn cầu hóa
– Đo lưòng nguyên tắc luật trị
1. Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Ý Niệm Luật Trị
Trong lịch sử Tây phương, ý niệm luật trị phát triển từ Hy Lạp, chậm nhất cũng từ thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch. Thời đó, Hy Lạp có một nền dân chủ đại chúng. Trong lĩnh vực xử kiên, các nam công dân thành Athens (trừ nô lệ) từ 30 tuổi trở lên lần lượt được cử làm phán quan để xử kiện. Các phán quan này phải căn cứ theo luật pháp để phán quyết, ai vi phạm luật pháp hiện hành sẽ bị nghiêm trị. Triết gia Socrates đã bị đưa ra xét xử vì ông chế nhạo các vị thần mà dân thành Athens thờ phượng, là thầy của một người học trò theo giặc (thành Sparta), cũng là bạn của một nhóm chống đối chính quyền đương thời. Socrates có thể trốn thoát ngục tù với sự giúp đỡ của một môn đệ, nhưng ông từ chối. Ông cho rằng bỏ trốn tức là phủ nhận và do đó làm tổn thương thành Athens, cũng như thủ tục tố tụng của nó. Theo ông, luật pháp của thành Athens không có trách nhiệm đối với cái án tử hình ông mang, mà chính những kẻ kết án ông, do thiên lệch, mới là những kẻ có tội. (Philosophy: History and Readings, S. E. Stumpf & J. Fieser, 8th ed, trang 40)
Một môn đệ khác của Socrates là Plato đồng ý là chính quyền phải dựa vào luật pháp. Theo ông, khi luật pháp là đối tượng của một quyền lực khác, mà không phải là của chính mình, thì nhà nước sẽ sụp đổ; nhưng nếu luật pháp là chủ nhân ông của chính quyền, và chính quyền là đầy tớ, thì tình thế sẽ đầy hứa hẹn và người ta sẽ hưởng ân sủng của các thần linh gieo rắc. Ông còn cho rằng luật pháp phản ảnh trật tự thiêng liêng, phù hợp với điều Thiện; nếu trái lại, thì đó chỉ là luật giả (bogus law, tiếng lóng gọi là “luật dõm”). (On The Rule of Law, Brian Z Tamanaha, trang 9)
Aristotle, một môn đệ uyên bác của Plato, khẳng định rằng luật pháp cai trị thì tốt hơn là người cai trị. Và ông chủ trương những người phụ trách về luật pháp cũng phải tuân theo luật. Do đó mà nhiều người cho rằng chính Aristotle là người đầu tiên đưa ra ý niệm mà cách dịch hiện đại sang tiếng Anh là “rule of law”, mặc dù câu viết của ông được dịch sát sẽ như sau: “It is better for the law to rule than one of the citizens and so even the guardians of the laws are obeying the law.” (Luật pháp trị vì thì tốt hơn là một trong những công dân trị vì, thế nên ngay cả những người phụ trách luật cũng tuân theo luật.) Cũng từ đó, nhiều người cho rằng Aristotle đối kháng “rule of law” với “rule of men” (The Rule of Law, Tom Bingham, trang 3). Ở đây, cũng cần lưu ý là nếu dịch “rule of men” là “nhân trị”, thì lại gây thêm rối rắm! Vì viết theo chữ quốc ngữ, nhân là người mà cũng có thể hiểu là lòng nhân.
Hầu hết các tác giả khi nghiên cứu về luật trị (rule of law) đều cho rằng luật gia người Anh, A.V. Dicey, tác giả quyển Introduction to the Study of the Constitution, nền tảng cho việc nghiên cứu về luật trị, xuất bản năm 1886 (sẽ bàn thêm ở phần dưới), là cha đẻ của thuật ngữ này. Nhưng theo 2 tác giả hiệu đính Pietro Costa và Danil Zolo trong tác phẩm The Rule of Law: History, Theory and Criticism in năm 2007, thì Dicey đã viết rằng luật gia William Edward Hearn giới thiệu thuật ngữ này năm 1867. Người viết đọc Dicey thì không tìm ra xác minh đó. Tuy nhiên, khi đọc William Ed. Hearn lý luận về căn cứ quyết định của các quan tòa, (trong quyển The Theory of Legal Duties and Rights: An Introduction to Analytical Jurisprudence, xuất bản lần đầu vào năm 1883) người viết thấy một đoạn như sau đây:
The policy of this rule is the urgent need of certainty in law. “It is generally more important, said Lord Cottenham, that the rule of law should be settled than that it should be theoretically correct.” [người viết cho in nghiêng]
Lord Cottenham tên thật là Charles Christopher Pepeys (1781-1851) là một luật gia và chính trị gia nước Anh, từng giữ nhiều chức vụ cao cấp trong đó Solicitor General). Tuy nhiên, theo Wikipedia, thì trước đó, Samuel Rutherford (1600-1666), một nhà thần học đã dùng thuật ngữ này trong tác phẩm Lex, Rex (The Law of the Prince), xuất bản năm 1644.
Đến đây, về phương diện nguồn gốc, chúng ta có thể tạm xem Samuel Rutherford là cha đẻ của thuật ngữ “rule of law”.
Trước Samuel Rutherford trên 400 năm, quan điểm luật pháp đứng trên tất cả đã được long trọng ghi vào bản tuyên ngôn Magna Carta bằng tiếng Latin, ra đời năm 1215 sau sự thắng thế của giới quý tộc Anh đối với vua King John. Theo tinh thần của bản tuyên ngôn này, thì không ai sẽ bị bắt giữ, bị cầm tù, bị tước đoạt quyền hay tài sản, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị lưu đày, hay bị áp chế bằng vũ lực v.v. trừ phi được xét xử công bằng và theo luật.
Mặc dù về sau, Hoàng Gia Anh cũng như Giáo Hội La Mã lấy lại quyền lực của mình, nhưng tinh thần tuyên ngôn Magna Carta vẫn bàng bạc trong dân chúng. Mãi đến hơn 500 năm sau, tuyên ngôn Magna Carta mới thực sự hồi sinh. Thực vậy, sang Thời Đại Bừng Sáng (the Enlightenment) thế kỷ 18, tính chính đáng/chính danh (legitimacy) của vương quyền cũng như của Giáo Hội La Mã bị thử thách mạnh mẽ. Các nhà triết gia chính trị như John Loke, J.J. Rousseau viện dẫn lý lẽ, luật thiên nhiên, cũng như sự đồng thuận của nhân dân như là nguồn gốc của quyền lực nhà nước và nghĩa vụ chính trị của công dân. Năm 1770, William Pitt the Elder, một nghị sĩ của Viện Quý Tộc (The House of Lords), một người rất có cảm tình với các thuộc địa Mỹ Châu, gọi tuyên ngôn này là “Thánh Kinh của Hiến Pháp nước Anh” (the Bible of the English Constitution.” Thật ra nước Anh không có một “Bản Hiến Pháp” như chúng ta thường thấy ở những quốc gia khác; mà Hiến Pháp của Anh chỉ là tập hợp những bộ luật, những nguyên tắc, và Magna Carta vẫn còn duy trì trong Satute Book cho đến khi luật cải cách the Law of Reform Act ra đời năm 1863. Được mang sang các thuộc địa châu Mỹ, Magna Carta ảnh hưởng không ít đến Hiến Pháp Hoa Kỳ và luật lệ của hầu hết các tiểu bang. (Theo 1215 The Year of Magna Carta, do Danny Danziger & John Gillingham, nxb Touchstone, 2003, trang 267-268) . Trước khi trở thành tổng thống thứ hai (1797-1801) của Hoa Kỳ, và khi chưa tin tưởng Hoa Kỳ sẽ độc lập khỏi Anh, John Adam trong một bài viết đăng trên tờ Massachusetts Gazettes ra ngày 6 Feb. 1775 đã viết: “Họ [Aristote, Livy, và Harrington] định nghĩa một nền cộng hòa là sự trị vì của các luật, chứ không phải của con người. Nếu định nghĩa này đúng, thì hiến pháp nưóc Anh, là một thể chế cộng hòa, không hơn không kém, trong đó nhà vua là vị phán quan thứ nhất.” (They define a republic to be government of law, and not of men. If this definition be just, the British constitution is nothing more or less than a republic, in which the king is first magistrate.) Tiếp theo, ông bàn về sự truyền ngôi báu trong hoàng gia và các hoạt động của quốc hội Anh, để lập luận rằng vì các thuộc địa trên thực tế không thể có đại diện tại nước Anh, cho nên các thuộc địa phải có đại diện tại bộ phận lập pháp tại vùng đất mới này; bằng không thì nước Anh sẽ mất các thuộc địa. [“John Adams: The Rule of Law and the Rule of Men”, trong The Annals of America, Vol. 2, trang 308-310]
Muốn tìm hiểu thêm về lịch sử của ý niệm luật trị, quý độc giả có thể nghiên cứu thêm tác phẩm The Rule of Law của Tom Bingham (2010) nói trên, hoặc tác phẩm On The Rule of Law: History, Politics, Theory của Brian Z. Tamanaha (2014).
Ở đây cũng xin nói thêm về khái niệm luật trị trong hệ thống pháp luật của nước Pháp. Theo Danilo Zolo, một trong 2 người hiệu đính quyển The Rule of Law nói trên, thì lý thuyết về “nhà nước pháp quyền” (l’État de droit, thường được dịch sang tiếng Anh là “law-ruled state”) được hình thành khá trể, do Raimond Carré de Malberg vào thời Đệ Tam Cộng Hòa, chịu ảnh hưởng phần lớn ý niệm Rechtsstaat của Đức (được sử dụng đầu tiên vào thập niên 1830, coi tự do cá nhân là mục tiêu chính của các hoạt động của nhà nước). Theo ông, sự bảo vệ các quyền tự do cá nhân chống lại sự tùy tiện của nhà nước là mục tiêu chính của nhà nước pháp quyền. Để đạt mục tiêu này, nhà nước pháp quyền phải tự hạn chế thẩm quyền của mình bằng cách tuân theo những qui định có giá trị chung cho xã hội và cho từng cá nhân. Ông cũng đề nghị xét lại thẩm quyền của Quốc Hội (Đệ Tam CH), và chủ trương thẩm quyền của nó cũng như tất cả thẩm quyền của các định chế khác phải tôn trọng tinh thần luật trị. Cũng theo ông, nhà nước hợp pháp (État légal) chưa nhất thiết là nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Một nhà nước pháp quyền còn phải cung ứng cho các cá nhân những phương tiện hợp pháp để chống lại ý chí của cơ quan lập pháp mỗi khi cơ quan này vi phạm những quyền cơ bản của nhân dân. (trang 13-15)
Ngoài l’État de droit, tùy theo trường hợp, người Pháp còn dùng các nhóm từ khác như la primauté de la loi, hay l’autorité de la loi v.v. để chỉ ý niệm luật trị.
2. Vài Quan Điểm Về Ý Niệm Luật Trị
Như được đề cập ở phần trên, luật trị là một ý niệm chưa có một nội dung được mọi người đồng ý. Tuy nhiên, nó đã được nghiên cứu khá nhiều. Dưới đây, xin trình bày ngắn gọn một vài công trình nghiên cứu được coi như kinh điển và làm nền móng cho nhiều nghiên cứu sau đó.
Trước hết phải kể đến Albert V. Dicey (1835-1922). Trong tác phẩm đề cập ở trên, ông chủ trương luật trị bao gồm 3 yếu tố sau đây:
(1) Không ai bị trừng phạt hay chịu thiệt thòi về thân thể hay của cải, trừ phi vi luật và được xét xử theo thủ tục bình thường trước tòa;
(2) Không ai đứng trên luật pháp, mọi người đều bình đẳng trước tòa;
(3) Các quyết định ảnh hưởng đến tự do cá nhân bắt nguồn từ hiến pháp, hay các định chế mà các quan tòa phải hành xử.
Điều quan trọng ở điểm (3) này là Dicey tin tưởng vào các cơ chế và tổ chức đã bàng bạc hay ăn sâu trong lòng dân chúng –tức dân Anh– hơn là các bản hiến pháp thành văn hay bản tuyên bố của các nước khác. Nhận định này của ông bị nhiều nhà nghiên cứu công kích, với lý do là nếu chưa có được một truyền thống như nước Anh, thì sẽ lấy gì làm khởi điểm để từ đó nuôi dưỡng và phát huy tinh thần tôn trọng nguyên tắc luật trị? Đây là trường hợp của Hoa Kỳ, nơi mà tiến trình học hỏi qua những khuyết điểm hay thất bại (learning curve) giúp quốc gia này củng cố và phát triển trên nhiều lãnh vực, trong đó có sự tôn trọng luật pháp và các quyền tự do. Ngoài ra, quan điểm của Dicey đã trở nên quá giản dị trong thời đại hiện nay, khi mà lập pháp phải đương đầu với nhiều vấn đề hơn, và bộ máy hành pháp và hành chánh thừa hành phải thi hành –kịp thời, chi tiết, chính xác –nhiều điều luật liên quan đến kỷ thuật tân tiến và mối liên lập phức tạp với thế giới bên ngoài mà các nhà lập pháp không tiên liệu được khi thông qua các bộ luật.
Lon L. Fuller (1902-1978), một giáo sư luật nổi danh của Harvard University, trong quyển The Morality of Law, xuất bản năm 1969, chủ trương rằng căn bản tinh thần nội tại của luật pháp (the internal moral basis of law) phải hội đủ 8 yếu tố sau đây:
(1) luật phải tổng quát (general), không đi vào các trường hợp đặc biệt;
(2) luật phải được công bố (public), nghĩa là dân chúng phải biết trước để liệu bề mà hành động;
(3) luật phải cho tương lai (prospective), không hồi tố (non-retroactive); đó là hệ luận của điều (2), tức luật áp dụng phải ban hành trước khi vụ án xảy ra và sau đó bị đem ra xử;
(4) luật phải đầy đủ, rõ ràng (comprehensive, clear), để người bình thường cũng có thể hiểu;
(5) luật phải không mâu thuẩn nhau (noncontradictory), có nghĩa là người chịu sự chi phối của luật lệ chỉ phải theo một điều và không phải theo điều ngược lại; nếu có sự mâu thuẩn, thì phải có sự hướng dẫn của hệ thống tư pháp;
(6) luật có thể thi hành được (possible to perform; able to conform person’s behavior), nghĩa là không vượt quá khả năng thể chất, trí tuệ, tài chánh v.v. của công dân;
(7) luật phải tương đối ổn định (relative stable), tức không thường xuyên thay đổi đến nỗi người dân không biết đâu mà lường; và
(8) luật phải phù hợp (congruent) với luật lệ hiện hành, tức luật mới không được trái với luật hiện hành.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng 8 yếu tố mà Fuller đưa ra trên đây chỉ là khía cạnh hình thức (formal aspect) và người ta có thể ban hành một đạo luật hội đủ các điều kiện hình thức này, nhưng về thực chất nó không bảo đảm được nhân quyền hay đưa đến kỳ thị. Một số luật gia lại cho rằng, khi ra một luật mới, những nhà lập pháp luôn luôn muốn bày tỏ hoặc bảo vệ một giá trị, một mục tiêu nào đó, và các yếu tố mà Fuller đưa ra là nhằm giúp đạt được giá trị hay mục tiêu đó. Ngày nay, khi guồng máy hành pháp và hành chánh càng ngày càng cồng kềnh, thì các đòi hỏi nói trên sẽ trở thành những hướng dẫn hữu hiệu cho các quyết định thi hành luật mới.
Bàn về luật trị, thì không thể không nói đến Friedric von Hayek (1899-1992), một học giả gốc người Áo, di cư sang Hoa Kỳ năm 1950 và dạy ở University of Chicago (1950-62). Ông từng được Giải Nobel Kinh Tế (1974, chia với Gunnar Myrdal), và huy chương Presidential Medal of Freedom (1991) do Tổng Thống G.H. W. Bush trao tặng. Trong quyển The Road to Serfdom (xb năm 1944 khi ông sống ở Anh), ông đồng ý nguyên tắc luật trị là hòn đá tảng của tự do, và đưa ra nhận xét rằng sự bành trướng của bộ máy hành chánh với tính chất cưỡng bách của nó ảnh hưởng không ít đến nguyên tắc luật trị vốn được trân quý. Ông lý luận rằng nguyên tắc này bảo vệ cũng như cổ vũ tự do vì nó giúp cho người dân tiên liệu được hậu quả của việc làm để từ đó mà định hướng hành động của mình.
Trong một công trình nghiên cứu đồ sộ khác, The Constitution of Liberty (xb lần đầu năm 1960, và được hiệu đính công phu bởi R. Hamowy, do The University of Chicago Press xb năm 2011), ông lược xét nguồn gốc, bàn về ảnh hưởng của nguyên tắc luật trị đối với tự do, đối với chính sách kinh tế; cùng các mối quan hệ giữa tự do và những vấn đề hiện đại, và trở thành những đề tài tranh luận nóng bỏng mỗi khi có bầu cử ở Hoa Kỳ trong mấy chục năm nay, gồm sự vươn lên của nhà nước an lạc (welfare state), nghiệp đoàn và nhân dụng; an sinh xã hội; thuế khoá và tái phân lợi tứ; khung tiền tệ; trợ cấp nhà cửa; nông nghiệp; giáo dục v.v.
Hayek ít bàn về tòa án và các thủ tục pháp lý, mà thay vào đó, triển khai các yếu tố hình thức như tính tổng quát, sự bình đẳng và tính chắc chắn của nguyên tắc luật trị. Theo ông, tổng quát có nghĩa là luật phải trừu tượng, áp dụng cho mọi người trong những tình huống đã được mô tả sẵn. Bình đẳng là áp dụng cho mọi người mà không có sự phân biệt tùy tiện; nếu có thì phải có sự chấp thuận của đa số, chẳng hạn sự phân biệt nam nữ trong vấn đề gia nhập quân đội. Tính chắc chắn (certainty) có nghĩa là nguời ta biết trước được luật sẽ hiệu lực như thế nào đối với hành động của mình. Ba yếu tố đó giúp con người định hướng được hành động của mình, muốn làm gì thì làm miễn luật không cấm; không phải lo sợ sự tùy tiện của nhà cầm quyền cũng như những người cầm cán cân công lý, nghĩa là nguyên tắc luật trị giúp bảo vệ tự do.
Theo Tamanhana, “Đối với Hayek, công lý sống bám vào dân luật về quyền sở hữu, khế ước, và quyền lợi dân sự (torts); và luật hình sự… Công lý là sự thi hành các luật ban hành trước. Tiêu chuẩn công lý của ông ta thì trống rỗng về thực chất, vì nó không kéo theo sự đánh giá luân lý nào cả và không phải thỏa mãn tiêu chuẳn nào khác trừ tiêu chuẩn phổ quát (universality)” … Công lý của Hayek là sự diễn đạt nguyên tắc luật trị theo cách khác mà thôi. (Sách đã dẫn, trang 70-71).
Thật ra, Hayek có đề cập đến một thứ công lý, nhưng chỉ để lập luận chống lại nó. Ông viết: “Sự đòi hỏi chính quyền phải thực hiện không những công lý hình thức (formal justice), mà còn công lý thực chất nữa (substantive justice), tức là công lý phân phối (distributive justice) hay công lý xã hội (social justice) đã được đẩy mạnh từ cuộc Cách Mạng Pháp.” Tiếp theo, Hayek trích lời chế nhạo của Anatole France, như sau:”Sự bình đẳng hoành tráng trước pháp luật cấm cản người giàu và kẻ nghèo ngủ dưới gầm cầu, đi ăn xin ngoài đường, và ăn cắp bánh mì.” (Nguyên văn tiếng Pháp ghi ở Chú Thích: của sách: ‘La majestueuse égalités de lois, qui interdit au riche come au pauvre de coucher sous les ponts, de mendier dans les rues et de voler du pain’). [The Constitution, trang 342-3]
Hayek còn cho rằng sự bình đẳng trước pháp luật có thể tự nhiên sẽ đưa tới sự bình đẳng làm ra luật pháp, và điều sau có thể hủy bỏ đìều trưóc, vì đây là hai nguyên tắc hoàn toàn khác nhau. Để bài bác cái công lý xã hội nói trên, ông đưa ra một giả thuyết cực đoan rằng một chính quyền độc đoán áp chế cử tri phổ thông nhưng bảo vệ nguyên tắc luật trị có thể duy trì chế độ dân chủ tốt hơn nền dân chủ thích can thiệp vào guồng máy kinh tế và phân phối xã hội. (Spectrum: From Right to Left in the World of Ideas, do Perry Anderson, Verso xb 2005, tr. 15-16)
Từ các yếu tố thuộc khía cạnh hình thức của các quan điểm kinh điển trên, người ta cũng có thể rút ra những hệ luận lý thú. Chẳng hạn, đối với 2 yếu tố không ai được đứng trên luật pháp, và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, thì người ta suy ra rằng phải có những định chế “đứng ngoài”, “tách biệt”, tức là phải có một hệ thống tư pháp với tòa án và các quan tòa độc lập. Hay là từ các yếu tố luật phải tổng quát, phải được công bố, phải tương đối ổn định, chúng ta thấy được sự cần thiết của một thứ luật tổng quát hơn, ổn định hơn và phải được soạn thảo và công bố long trọng hơn; đó là luật hiến pháp, thường được gọi tắt là hiến pháp. Từ yếu tố luật phải được công bố, người công dân bình thường có quyền suy diễn rằng một khi đã được công bố, thì phải được áp dụng khi luật bắt đầu có hiệu lực, vì không áp dụng có nghĩa tiếp tục duy trì những bạc đãi hay ưu đãi cũ cho một số đối tượng nào đó. Chẳng hạn một quốc gia ban hành đủ mọi luật cải tiến quyền lợi người khuyết tật, nhưng nhà cầm quyền nấn ná không áp dụng, tức tiếp tục bạc đãi họ. Hay ban hành luật lệ môi sinh tiên tiến không kém các nước kỹ nghệ phát triển, nhưng không áp dụng cho các nhà máy hay cơ xưởng nào đó, nhất là do người ngoại quốc làm chủ, tức là tiếp tục ưu đãi họ.
3. Luật Trị Trong Thời Đại Toàn Cầu Hóa
Đối với nhiều người –nhất là ở các nước độc tài — nếu nguyên tắc luật trị hội đủ những yếu tố mà các tác giả kinh điển đưa ra thì quả là gần đạt đến lý tưởng rồi. Tuy nhiên, qua một số nhà phê bình, chúng ta lại thấy lóe ra một khía cạnh khác của nguyên tắc này: đó là khía cạnh thực chất (substantial aspect). Trong vài thập kỷ nay, cả hai khía cạnh càng ngày càng được nghiên cứu sâu rộng hơn. Tại Hoa Kỳ, Hiệp Hội Triết Lý Chính Trị và Luật Pháp (American Society for Political and Legal Philosophy, ASPLP) đã có 2 hội nghị thường niên về nguyên tắc luật trị. Lần đầu tổ chức vào tháng Giêng năm 1992 mà kết quả cụ thể là quyển The Rule of Law, xuất bản năm 1994. Lần thứ hai tổ chức vào tháng Giêng năm 2010, với quyển Getting to The Rule of Law ra đời năm 2011.
Viện Nghiên Cứu Về Việc Quốc Tế Hóa Luật Pháp Hague (The Hague Institue for the Internationalisation for Law, HiiL) cũng đã tổ chức 2 hội nghị quốc tế. Lần đầu năm 2009, cho ra đời quyển Rule of Law Dynamics: In An Era of International and Transitional Governance ra đời năm 2012. Lần sau, năm 2012 với quyển The Rule of Law at National and International Levels xuất bản năm 2016.
Ngoài ra, còn có hằng chục công trình nghiên cứu khác mà tựa đề thường có nhóm chữ “The Rule of Law” kèm theo. Nhiều tác phẩm về chính trị, luật pháp, kinh tế, phát triển, trị quản (governance) xuất bản trong những năm gần đây hâu như không thiếu những chương hay mục bàn về nguyên tắc luật trị và ảnh hưởng của nó đối với lãnh vực nghiên cứu liên hệ.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Úc, một số nước trong Liên Âu, cùng nhiều tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc đã dồn không ít công của để cổ vũ, huấn luyện và tổ chức giúp các nước Cộng Sản cũ, cũng như các nước đang phát triển, cải tiến guồng máy chính trị, hành chánh, kinh tế dưới ngọn cờ nguyên tắc luật trị.
Dưới đây là một số quan điểm về luật trị qua các nghiên cứu vừa kể.
- Theo Joseph Raz, “Một hệ thống luật pháp không dân chủ dựa trên sự phủ nhận nhân quyền, sự nghèo đói tràn lan, sự phân biệt chủng tộc, sự bất bình đăng về giới tính, và sự thù ghét về tôn giáo, có thể, về nguyên tắc, phù hợp với những đòi hỏi của nguyên tắc luật trị, hơn cả những hệ thống luật pháp của các nền dân chủ tiến bộ Tây phương … Nó sẽ xấu xa khôn lường, nhưng nó sẽ vượt trội về một phương diện: nó phù hợp về hình thức (conform) với nguyên tắc luật trị … Một đạo luật […] có thể hình thành chế độ nô lệ mà vẫn không vi phạm nguyên tắc luật trị.” (The International Rule of Law Movement, hiệu đính bởi David Marshall, do Human Rights Program Harvard Law School xb năm 2014, trang 6). Nói khác đi, nếu chỉ được chuyên chú khía cạnh hình thức thuần túy, thì người ta có thể tước đoạt nội dung của nguyên tắc luật trị.
- Donal Dworkin đề nghị một phương pháp lý luận mới về luật pháp, và gọi đó là một hình thức lý luận luân lý (a form of moral reasoning). Ông cho rằng “Không gì bảo đảm rằng luập pháp chúng ta [Anh Quốc] sẽ công bằng (just). Điều đó không có nghĩa là chúng ta tách rời mối liên hệ giữa luật pháp và luân lý; mà điều đó có nghĩa là chúng ta làm phức tạp thêm sự liên hệ giữa luật pháp và luân lý.” Trong quyển Justice for Hedgehogs, ông cho rằng cái lớn lao của đời người là giá trị, mà nội dung là các câu trả lời cho các câu hỏi như: sự thực là gì, đời sống có ý nghĩa gì, những đòi hỏi về luân lý là những gì, đòi hỏi công lý được định nghĩa ra sao. Theo ông, mỗi người đều có trách nhiệm về cuộc đời quý báu của mình, và có bổn phận tôn trọng những điều kiện mà theo đó những kẻ khác có thể thể hiện trách nhiệm của họ. “Đó là ý nghĩa của ‘uy tín con người’ (human dignity) đối với mình, và nó yểm trợ cả những nguyên tắc về trách nhiệm (the principles of responsibility), vốn rất quan trọng về khía cạnh công bằng mà con người may mắn có, lẫn những nguyên tắc về tương kính (the principles of mutual respect) được đại diện trong nguyên tắc luật trị. (Ronald Dworkin: An Appreciation do Jeremy J. Waldron đọc ngày 6/5/2013 tại London, nhân Lễ Tưỏng Niệm Dworkin). Nói cách khác, uy tín này bao gồm sự tôn trọng chính mình và sự đề phòng việc đối xử tùy tiện của kẻ khác đối với mình; và đó chính là ý nghĩa thực chất của nguyên tắc luật trị. (Getting to The Rule of Law, tr. 53-61).
Quan điểm của Dworkin quả đã làm sáng tỏ và làm phong phú thêm triết lý chính trị của luật pháp nói chung, và của nguyên tắc luật trị nói riêng. Nó cần phải đưọc cổ vũ trong mọi xã hội, và phải được coi là nền tảng, là bước bắt đầu cho mọi công cuộc cải tổ pháp lý và hành chánh, nhất là tại những quốc gia mà chính quyền độc tài và toàn trị. Tại các nước dân chủ, nếu quần chúng không nhận ra được rằng nhà cầm quyền đã hành xử tùy tiện, thì các tổ chức xã hội dân sự, các luật gia, các nhà trí thức, thậm chí các công dân bình thường sẽ tức khắc lên tiếng qua các phương tiện truyền thông, thậm chí phương tiện pháp lý, khiến nhà cầm quyền phải chùn bước và kiểm điểm lại hành động của mình. Trong khi đó, tại các nước độc tài, độc đảng, người dân vốn đã được giáo dục nhồi sọ từ nhỏ rằng lãnh tụ, rằng đảng cầm quyền luôn luôn lãnh đạo tài tình sáng suốt, không bao giờ sai, cho nên một mặt họ cảm thấy mình bé nhỏ, ít hiểu biết, do đó “phải” tuân lệnh nhà cầm quyền. Mặt khác, họ còn sợ hãi vì sự bất tuân hay chống lại dễ dẫn đến sụ trù dập, tù tội v.v. Trong những năm gần đây, tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước khác, tình thế này được cải tiến một phần nhờ các phương tiện truyền thông, cũng như nhờ sự dũng cảm của một số nhà tranh đấu dân chủ, luật sư, bloggers –những đốm sáng trong các xã hội tăm tối. Mặc dầu một số những người này đã và đang bị đàn áp, tù đày, nhưng nhờ họ đưa tin và hướng dẫn, mà người dân bình thường đã bớt mặc cảm thấp bé, cảm thấy tự trọng và cảnh giác về cách hành xử bất hợp pháp của nhà cầm quyền, không những đối với mình, mà còn đối với những thành viên khác trong cộng đồng nữa. Đó là bước đầu tốt cho một xã hội luật trị.
Ronald Dworkin còn đi xa hơn nữa khi bàn về quyền vi phạm luật pháp. Theo ông, con người có bổn phận phải tuân theo luật pháp, nhưng đồng thời cũng có quyền hành động theo lương tâm của mình khi luật pháp xung đột với bổn phận. Ông chủ trương chính quyền phải có hành động cụ thể chứng tỏ rằng mình tôn trọng các quyền tự do cá nhân của công dân. Khi chính quyền không tôn trọng luật pháp, thì những cố gắng nhằm tái lập sự tôn trọng luật pháp sẽ khó đưa đến kết quả hữu hiệu. (Taking Rights Serioulsly, Contemporary Political Philosophy: An Anthology, 1997, tr. 328-340)
- Nguyên tắc luật trị được chủ trương áp dụng không những trong phạm vi quốc gia, mà còn trong phạm vi quốc tế nữa. Trước năm 2012, theo Liên Hiệp Quốc, một nền luật pháp tôn trọng nhân quyền khi nó tôn trọng nguyên tắc tối thượng của luật pháp, sự bình đẳng trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, công bằng trong việc áp dụng, tam quyền phân lập, nhân dân được quyền tham dự vào việc làm ra luật, tính chắc chắn của luật pháp, tránh hành động tùy tiện, minh bạch về thủ tục và pháp lý. (United Nations Secretary General 2004). Nói khác đi, tôn trọng khía cạnh hình thức của nguyên tắc luật trị là đủ bảo đảm nhân quyền.
Tuy nhiên đến năm 2012 thì quan điểm của LHQ đã thay đổi, chú trọng cả khía cạnh nội dung. Theo Tuyên Ngôn về Nguyên Tắc Trị Vì Của Luật Pháp của LHQ (The 2012 Declaration on The Rule of Law), thì giữa các quyền con người, nguyên tắc luật trị và dân chủ liên kết nhau và hỗ tương củng cố cho nhau. Louise Arbour, cựu Uỷ Viên Nhân Quyền LHQ (UN High Commissioner for Human Rights (2012), lý luận như sau về luật trị:
“Nguyên tắc luật trị chính hiệu là phần thực chất và bao trùm những đòi hỏi về quyền con người. Nó phản ảnh ý tưởng bình đẳng về thực chất: không phải chỉ có nghĩa là không ai được đứng trên luật pháp, mà còn có nghĩa là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và chịu sự chi phối của pháp luật, và đuợc quyền hưởng sự bảo vệ và các lợi lộc một cách bình đẳng….Với sự hiểu biết có tính cách thực chất này, luật pháp phải phục vụ cho một mục tiêu cao hơn là chỉ điều hành đơn thuần và trật tự về cách cư xử của con người; luật pháp phải tăng tiến tự do, an ninh và công bằng, và phấn đấu đạt được sự quân bình toàn hảo giữa luật pháp và công lý.” (The International Rule of Law Movement, trang 7-8)
Vì LHQ có nhiều bộ phận thi hành, bảo vệ và cổ súy nguyên tắc luật trị, nên LHQ chia các hoạt động liên hệ đến nguyên tác này thành 3 nhóm sau đây nhằm mang lại hiệu quả, hiệu năng và trách nhiệm cho các cơ quan thuộc 3 nhóm đó:
(1) Luật trị ở mức độ quốc tế, gồm các hoạt động liên hệ đến Hiến Chương LHQ, các hiệp ước đa phương, các cơ chế giải quyết các tranh chấp quốc tế, công lý tội phạm quốc tế, san định và huấn luyện luật quốc tế, v.v.
(2) Luật trị với nội dung liên hệ đến tình trạng xung đột và hậu xung đột, gồm các hoạt động liên hệ đến công lý tại các quốc gia chuyển đổi chế độ; tiến trình tư vấn; các định chế nhân quyền trong nước, v.v.
(3) Luật trị với nội dung liên hệ đến sự phát triển dài hạn, gồm có các hoạt động tăng cường các định chế pháp lý và tư pháp; cảnh sát; cải tổ hình phạt; chống tham nhũng; tội phạm và lậu chuyển xuyên quốc gia; yểm trợ an ninh; giáo dục về pháp lý, v.v.
Trong các chương trình đào tạo và huấn luyện về nguyên tắc luật trị tại các quốc gia hậu Cộng Sản hay các chế độ giao thời khác, các cơ quan thuộc 3 bộ phận kể trên cũng như các quốc gia Liên Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc v.v. sử dụng một trong 2 phương pháp sau đây:
Phương Pháp Cải Tổ Từ Trên Xuống (Top-Down Reform), dựa trên các giả định là (1) Nhà nước và các định chế là trung tâm quyền lực; (2) Các định chế pháp lý và an ninh độc quyền sử dụng quyền lực; (3) Các định chế phục vụ nhân dân; (4) Luật pháp chế ngự các hoạt động của nhà nước và trách nhiệm của công dân (nguyên tắc luật trị).
Chủ trương cải tổ từ tên xuống bị chỉ trích từ nhiều lý do. Trước hết, một sự cải tổ sâu rộng như thế sẽ đòi hỏi nhiều công sức, và nhất là phải mất nhiều năm mới thấy được kết quả. Những người đang làm việc trong cơ chế sẽ bị biến mất hay cải tổ nhiều, cũng như những công dân hưởng lợi lộc nhờ cơ chế đó, thường phản đối và bất hợp tác. Kế đến, những chính trị gia, các quan chức ngành tư pháp và cảnh sát cảm thấy uy tín và quyền hành bị tước đoạt. Nói một cách tổng quát, người ta sẽ viện dẫn lý do văn hóa, cũng như sự chưa chuẩn bị về dân trí, chính trị để chống đối, bất hợp tác, trì hoãn hay chỉ hợp tác chiếu lệ với sự thay đổi mà những ý niệm, định chế bị họ coi là “áp đặt, “ngoại lai” hoặc cả hai. Công cuộc cải tổ tại Nga, và một số nước trước đây thuộc Liên Bang Xô Viết, và một số nước Đông Âu là những cải tổ tương đối không thành công theo phương pháp này. Cuộc cải tổ tại Iraq sau khi Sadam Hussein bị lật đật đổ là một trường hợp điển hình.
Phương Pháp Cải Tổ Từ Dưới Lên (Bottom-Up Reform)
Ở một nước chưa có một nền tảng về nguyên tắc luật trị, hay chưa có một ý chí chính trị vững chắc cho công cuộc cải tổ, thì làm sao phổ biến nguyên tác luật trị theo phương pháp “từ trên xuống” khi mà nhân dân không thể chờ đợi?
Những người chủ trương phương pháp “từ dưới lên” cho rằng nền tảng căn bản của nguyên tắc luật trị là các mối liên hệ. Các mối liên hệ quan trọng nhất ở cấp địa phương là mối liên hệ với nhau giữa cơ quan hành chánh địa phương, tòa án địa phương, công an cảnh sát địa phương, đại diện đảng cầm quyền địa phương vv. và đặc biệt là với nhân dân địa phương. Một điều khoản được long trọng ghi trong hiến pháp, một đạo luật được quốc hội thông qua, một văn kiện dưới luật được các phủ bộ hay địa phương ban hành lại được chính quyên địa phương giải thích một cách tùy thiện, bất nhất và áp dụng khắc nghiệt đối với nhân dân thì họ sẽ nghĩ ngay rằng những văn kiện này không tôn trọng nguyên tắc luật trị về hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, nếu sự thi hành chỉ được nghiêm chỉnh thực hiện sau khi có sự tham khảo ý kiến rộng rãi giữa các cơ quan chính quyền với nhau, nhất là với các tổ chức xã hội dân sự, tôn giáo, và ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, thì nhân dân mới có thể xem đấy là nền tảng của nguyên tắc luật trị và từ đó các cải tổ “từ dưới lên” mới có cơ hội thành công.
- Ngày nay, với sự lan tỏa của hiện tượng toàn cầu
hóa, qua sự lớn mạnh của các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc, qua sự tăng gia các tổ chức chính trị kinh tế vùng, qua nhiều hiệp định đa phương, thì ngay cả tại những quốc gia vốn có một nền tảng pháp lý truyền thống lâu dài và vững chắc, nguyên tắc luật trị của họ cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của các nguyên tắc luật trị, về phương diện hình thức lẫn nội dung, của LHQ và của các nước khác. Ngược lại ý niệm về nguyên tắc luật trị của họ cũng như của các luật gia cũng ảnh hưởng đến LHQ và các nước đối tác. Sự ảnh hưởng hổ tương của nguyên tắc luật trị của một quốc gia và thế giới bên ngoài là điều khó phủ nhận. Tuy nhiên, sự vận dụng nguyên tắc luật trị được nghiên cứu và đề nghị bởi các cơ quan LHQ và các học giả nổi tiếng để thay đổi nội dung và hình thức nguyên tắc luật trị trong nước đã bắt đầu từ nhiều năm nay và tại nhiều quốc gia; nhưng sự thiết lập nguyên tắc luật trị phổ quát (a universal rule of law) ở mức độ quốc tế, thì chỉ mới bắt đầu chưa tròn thập kỷ nay.
Tuy nhiên ảnh hưởng qua lại đó chỉ mới là hình thức. Sự tương tác về nội dung mới là quan trọng. Trong Phần Giới Thiệu quyển The Rule of Law xb 2016 đã đề cập ở trên, André Nollkaemper giải thích rằng “Quyển sách được hình thành là vì càng ngày sự chồng lấp lên nhau về nội dung giữa luật quốc tế và luật quốc gia càng tăng, đã khiến cho có mối tương tác giữa các định chế quốc tế và quốc gia. Luật quốc tế và các định chế quốc tế mô tả các tiêu chuẩn liên quan chẳng hạn đến nhân quyền, tội phạm, thương mại, và đầu tư, tất cả được qui định giống như bởi luật quốc nội. Sự thi hành các tiêu chuẩn này ở trong nước được xem xét lại bởi các định chế quốc tế, chẳng hạn như các tòa án về nhân quyền, tòa án hình sự, tòa hòa giải về đầu tư, và các bộ phận giám sát không có tính cách xử kiện (trang 5). Tổng Thư Ký LHQ Annan trong phúc trình lên phiên họp cao cấp của Đại Hội Đồng năm 2012, trước hết đề cập đến “sự tuân thủ” (compliance) luật quốc tế như là bước đầu để tăng cường nguyên tắc luật trị quốc tế (international rule of law). Sự giúp sức của các tòa án và các cơ quan phán xử đặc biệt quốc tế (international courts and tribunals) cho thấy rõ sự quan trọng của “sự tuân thủ”, được coi là yếu tố cốt lõi của pháp lý và nguyên tắc luật tri.
Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít quốc gia tranh biện (contest) bằng cách tránh né, giải thích lại, tái xét, hay bác bỏ luật quốc tế hay qui định quốc gia thi hành luật quốc tế. Nói cách khác, nguyên tắc luật trị quốc tế còn đang thời kỳ phôi thai, chưa được lý thuyết hóa chặt chẽ, chưa thuyết phục được các quốc gia có chủ quyền phải tuân theo. Chúng ta không quá lạc quan là một ngày gần đây, nó được hoàn toàn tôn trọng; nhưng với sự phát triển của các tổ chức pháp lý, và sự tương tác giữa luật pháp quốc nội và luật pháp quốc tế, với sự hợp tác càng ngày càng tăng về kinh tế, thương mại, y tế, khí hậu v.v., các quốc gia sẽ thấy lợi hơn nếu tôn trọng nguyên tắc này – dĩ nhiên phải được hiện đại hóa và được chấp nhận.
- Đo Lường Nguyên Tắc Luật Trị
Như đã nói, luật trị là một ý niệm trừu tượng, có tính cách qui phạm với những yếu tố mà các luật gia mong muốn nó có. Từ những yếu tố — đôi khi mang tên khác nhau –được khá nhiều các luật gia đồng ý rằng nếu hội đủ, thì nguyên tắc luật trị đáng được coi là mẫu mực. Hiện nay trên thế giới có khoảng 10 tổ chức hằng năm đưa ra những nghiên cứu của mình về luật trị. Lâu đời nhất có lẽ là Vera Innstitue of Justice, thành lập 1961 tại Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về tình hình pháp lý tại Hoa Kỳ. Năm 2008, Vera hợp tác với tổ chức World Justice Project — một sáng kiến của America Bar Association—mới ra đời 2 năm trước đó– để đưa ra dự án Vera-Altus Indicators Project nhằm bổ sung Rule of Law Index hiện hành bằng cách thích ứng các tiêu chuẩn pháp lý (de jure standards) với những biện pháp thực tế (de facto measures), và được sử dụng trong các cuộc thăm dò tại 4 thành phố lớn: New York City (Mỹ), Santiago (Chile), Lagos (Nigeria) và Chandigarh (Ấn Độ). Sau đó, Vera hợp tác với Liên Hiệp Quốc (bộ phận duy trì Hoà Bình) để nghiên cứu nguyên tắc luật định dưới khía cạnh an ninh trật tự tại Haiti, Liberia và South Sudan, và đưa ra cẩm nang UN-backed Guide for Rule of Law Indicators mà khi công bố ngày 6/7/2011, Ivan Sinomovic, Phụ Tá Tổng Thư Ký Đặc Trách Nhân Quyền, đã tuyên bố: “Nguyên tắc luật trị là điều kiện tiên quyết nhằm đạt được 3 mục tiêu trụ cột lớn của Liên Hiệp Quốc –hòa bình và an ninh, phát triển và các quyền con người.” (The Rule of Law is a pre-condition for achieving the three pillars of the United Nations –peace and security, development and human rights.).
Ngân Hàng Thế Giới cũng có nghiên cứu về luật trị, nhưng trong khuôn khổ một đề tài rộng rãi hơn –chúng tôi tạm gọi là trị quản (governance), một lãnh vực được khai thác mạnh mẽ từ sau cuộc cải tổ hành chánh trên toàn thế giới khởi sự từ đầu thập niên 1990; bao gồm cai trị trong lãnh vực công và quản lý trong lãnh vực tư.
Sau đây, chúng tôi xin đề cập đến vài công bố hằng năm của World Justice Project. Với sự yểm trợ tài chánh ban đầu năm 2006 của Bill & Melinda Gates Foundation, hiệp hội các luật gia Mỹ American Bar Association nói trên, một tổ chức vô vị lợi, còn được sự trợ giúp của nhiều tổ chức, công ty cũng như cá nhân, bắt đầu nghiên cứu sự thi hành nguyên tắc luật trị, dưới cái tên World Justice Project (WJP). WJP phân chia nguyên tắc luật trị ra làm 4 nguyên tắc dưới đây:
- Chính phủ và các viên chức, cơ quan thuộc quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật;
- Các đạo luật rõ ràng, được công bố, ổn định và công bằng, và bảo vệ các quyền căn bản, kể cả sự an toàn của con người và tài sản;
- Thủ tục, theo đó các đạo luật được thì hành, quản lý và cưỡng hành, được tiếp cận một cách công bằng và có hiệu năng;
- Các đạo luật được củng cố, và sự tiếp cận công lý được cung ứng bởi các viên chức cưỡng hành, luật sư, hay những người đại diện, những vị quan tòa tất cả đều có đủ khả năng, độc lập, và đạo đức, mà những người này phải đủ số, có nguồn gốc thích hợp, và phản ảnh được đặc trưng của cộng đồng mà họ phục vụ.
Bốn nguyên tắc trên, theo J. Heckman, R. Nelson & L. Cabatingan (Global Perpectives on The Rule of Law, tr.255) ) có thể xếp tương đương với 4 nguyên tắc ngắn gọn và quen thuộc do R.H. Fallon, Jr. đưa ra năm 1997, tuần tự như sau:
- tính siêu đẳng của quyền lực pháp lý (legal authority) đối với công dân và các giới chức chính quyền ;
- tính ổn định của các luật lệ,
- tính hiệu quả của luật lệ, và
- tính khả dụng (availability) của các định chế cưỡng hành không thiên vị.
Ngoài ra, Fallon còn thêm một nguyên tắc nữa mà WJP không có. Đó là nguyên tắc về khả năng của luật lệ, những tiêu chuẩn hay những nguyên tắc hướng dẫn con người trong cách xử sự.
Trở lại với WJP, người ta nhận ra rằng mỗi năm, 4 nguyên tắc lớn này lại được phân ra thành một số yếu tố (factors) để tiện việc thăm dò: 16 yếu tố vào năm 2009; 10 vào năm 2010; 11 vào năm 2011; 9 vào năm 2012 v.v. Đến năm 2016, thì 4 nguyên tắc đó được chia ra làm 8 yếu tố (lại còn được tế phân thành tổng cộng 48 chỉ số, indicators), và được áp dụng để nghiên cứu cho 113 quốc gia. Dưới đây là điểm số và thứ hạng của mỗi yếu tố cho trường hợp Việt Nam năm 2016.
Các Yếu Tố Điẻm Số Thứ Hạng
(0 – 1.0) (trên 113)
1.Hạn chế đối với quyền lực của chính quyền 0, 49 81
2.Không nhũng lạm 0, 45 67
3.Chính quyền cởi mở 0, 43 92
4.Các quyền căn bản 0, 54 68
5.Trật tự và an ninh 0, 79 35
6.Sư cưỡng hành luật lệ 0, 43 91
7.Công lý dân sự 0, 47 80
8.Công lý hình sự 0, 50 51
Nguồn: WJP Rule of Law Index 2016
Thật ra, điểm số, chỉ số, thứ hạng v.v. đối với một ý niệm trừu tượng và qui phạm như nguyên tắc luật định chỉ có giá trị tương đối, không giống như các độ đo trên hàn thử biểu. Khi đưa ra những nguyên tắc, những yếu tố và những chỉ số, các nhà nghiên cứu luôn cân trọng hai tính chất “mỏng” (thin) và “dày” (thick) của ý niệm luật định. Quá “mỏng” có nghĩa là chú trọng rất ít đến các yếu tố thuộc lãnh vực hình thức; quá “dày” có nghĩa là chú trọng quá nhiều đến các yếu tố thuộc lãnh vực nội dung. Văn hóa của một quốc gia, trong đó có phong tục, tập quán, tôn giáo, tình trạng dân trí, sắc tộc v.v. là một trong những tiêu chuẩn quan trọng dùng để cân trọng trong việc nghiên cứu và so sánh.
Kết Luận
Ý niệm luật trị được hồi sinh và phát triển chừng vài chục năm nay. Trong phạm vi quốc gia, nó được xem như là điều kiện căn bản để kiện toàn hệ thống luật pháp. Tính tiêu cực của nó là nhằm ngăn chặn sự tùy tiện, bốc đồng và vô lý của nhà cầm quyền; đặt vấn đề đối với tính chính đáng của nguồn gốc quyền lực. Kế đến nó còn nhằm bảo đảm mọi công dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đối xử. Khi nghiên cứu khía cạnh tiêu cực này, người ta có thể sẽ không lưu ý là nhiều khi luật pháp được áp dụng nhất quán và hợp lý, nhưng lại đưa đến hậu quả xấu, không như ý muốn của giới hữu quyền cũng như của công dân.
Trái lại, tính tích cực của nguyên tắc luật trị chú trọng đến nội dung và các cứu cánh mà nó phải phục vụ. Các cứu cánh này bao gồm nhân quyền, dân quyền, dân chủ, công lý, công bằng xã hội — quả là những phạm trù triết lý chính trị lớn lao. Vô hình chung, vì “nhân danh” các mục tiêu, hay vì quá hăng say lao về các mục tiêu chưa được xác định rõ ràng, mà nhà nước có thể xem nhẹ giá trị của nguyên tắc luật trị, cũng như các thủ tục xét xử, hay cả quyền lợi của thiểu số.
Hiểu được tính tiêu cực và tích cực của ý niệm về sự trị vì của luật pháp, người công dân bình thường cũng có thể rút ra những kết luận khách quan thích hợp về các hoạt động của chính quyền trong cả ba lãnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp từ cấp trung ương đến điạ phương. Vì thế truyền bá và giáo dục rộng rãi ý niệm này đến quần chúng –đặc biệt là tại các nước đang phát triển mà trình độ văn hóa và ý thức chính trị còn thấp– là bước đầu cần thiết và vững chắc để tạo dựng một xã hội trật tự, để từ đó đưa đến no cơm ấm áo.
Áp dụng nguyên tắc “luật trị quốc nội” đã khó, áp dụng nguyên tắc “luật trị quốc tế” lại càng khó hơn, vì những định nghĩa bất đồng, nhất là đối với những mục tiêu lớn như hòa bình, trật tự xã hội, công bằng nhân loại v.v. cũng như không có những phương thức cưỡng hành rõ ràng đối với những nước có chủ quyền, nhất là đối với những nhà nước ngang ngược, hai mặt (double standards) và thủ đoạn, chỉ biết sử dụng luật kẻ mạnh. Nguyên tắc luật trị quốc tế chỉ mới bắt đầu, và sự đồng thuận về hình thức lẫn nội dung còn đòi hỏi nhiều thử thách. Tuy nhiên, bắt đầu cũng có nghĩa là lóe lên những tia hy vọng.
Virginia, tháng 11 năm 2016
Lê Văn Bỉnh
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]
Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, tập thể, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation]. Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.