1- So sánh hai cuộc Cách Mạng Pháp và Nga
Thế kỷ 20 đã bị ảnh hưởng rất nặng nề vì cuộc Cách Mạng tại nước Nga, nơi đó đảng Cộng Sản Bolshevik đã lên nắm chính quyền vào tháng 11 năm 1917. Cuộc Cách Mạng Cộng Sản này đã có tầm vóc rất lớn lao, ngang với cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789. Cả hai cuộc cách mạng cùng có các nguyên nhân sâu xa và cùng gây nên các ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trong nhiều thập niên.
Prise de la Bastille
Hai cuộc cách mạng Pháp và Nga đều là các phong trào giải phóng, chống lại phong kiến và chuyên chế tại cuộc Cách Mạng Pháp và cuộc Cách Mạng Nga muốn tiêu diệt chế độ tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Cả hai cuộc cách mạng không phải là các phong trào chính trị thuần quốc gia để đối phó với các xáo trộn nội bộ mà đều muốn gây ảnh hưởng ra các nước bên ngoài, kêu gọi các kẻ phục tùng trên khắp thế giới.
Do đời sống bị đe dọa, các người nổi dậy trong hai cuộc cách mạng đã có các phản ứng mạnh mẽ, họ đã đoàn kết lại thành một khối chính trị để lật đổ chế độ cũ, tạo dựng nên chế độ mới, nhưng rồi các xung độ nội bộ khiến cho một nhóm nhỏ các nhà cách mạng có lòng cương quyết hơn, biết tổ chức chặt chẽ hơn, đã loại trừ được những nhà cách mạng khác, đàn áp các kẻ bất đồng chính kiến để bảo vệ lý tưởng riêng hay thúc đẩy các nguyên nhân cách mạng, chẳng hạn như các người dân chủ Jacobin năm 1793 và các người cộng sản Bolshevik năm 1918. Việc thanh toán nội bộ này đã diễn ra gay gắt và đã loại trừ một số nhà lãnh đạo cách mạng đầu tiên trong vài tháng như ở nước Pháp và trong vài năm như tại nước Nga.
Hai cuộc cách mạng Pháp và Nga đã có các tương đồng, song không phải là không có các dị biệt. Vào cuối thế kỷ 18, khi cuộc Cách Mạng Pháp xẩy ra, nước Pháp đang là một nước tân tiến tại châu Âu so với các quốc gia khác. Nước Pháp đã là trung tâm của các phong trào trí thức của thời kỳ Khai Sáng (Enlightment). Khoa Học của nước Pháp đang dẫn đầu thế giới và các sách báo, tạp chí Pháp được nhiều người đọc và học hỏi tại khắp mọi nơi trong khi đó, vào khoảng năm 1900, nước Nga lại là một quốc gia lạc hậu nếu so sánh với nhiều nước trong vùng. Cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 đã nhờ sức mạnh của giới trung lưu (the middle class), giai cấp này đã tiến lên, tạo ra áp lực trong các cải cách chính trị và kinh tế trong khi tại nước Nga, giai cấp trung lưu cũng tích cực tham gia vào thời kỳ ban đầu nhưng về sau, đã không thể đối phó được với các bất mãn của đa số quần chúng khiến cho các nhà lãnh đạo cách mạng Nga đã phải dựa vào hai giai cấp công nhân và nông dân.
Các nhà cách mạng Pháp và các nhân vật độc tài Jacobin là những người lý tưởng, suy nghĩ về cách cải tạo xã hội, và họ đã làm chính trị một cách tài tử, gặp thời cơ nên đã vận dụng các thủ đoạn để cải tổ xã hội trong khi tại nước Nga, các nhà cách mạng lại là những người chuyên nghiệp (professional), đã trù tính cuộc lật đổ Sa Hoàng từ trước và các nhà độc tài Bolshevik đã chuẩn bị các chương trình cải cách trong 20 năm.
Cuộc Cách Mạng Pháp đã xẩy ra sau các dàn hòa không thành kéo dài tới một thế kỷ, những người lưu vong Pháp đã quay trở về xứ sở và giòng họ Bourbon đã phục hồi được quyền uy vào lúc ban đầu. Các lý tưởng được đề cao vào thời kỳ đầu của cuộc Cách Mạng Pháp như bình đẳng trong chủ quyền quốc gia, luật pháp bảo vệ cá nhân và tài sản, và mọi người đều chấp nhận một chính quyền theo Hiến Pháp và có đại diện của người dân (a representative constitution government). Cuộc Cách Mạng tại nước Nga thì trái ngược: các người lưu vong đã không được trở về quê hương, giòng họ Romanovs không lấy lại được ngai vàng, các kẻ chống đối cách mạng đã bị loại trừ trong khi vào lúc đầu, cuộc Cách Mạng Nga có vẻ thành công nhưng càng về sau, càng có sự khác biệt với những mưu sự đầu tiên.
Nước Nga vào thế kỷ 19 đã hướng về cả hai phía là châu Âu và châu Á. Nước Nga tuy thuộc về châu Âu nhưng phần lớn đất đai lại nằm bên ngoài của châu Âu và đôi khi các chính sách của nước Nga chống lại châu Âu. Vào khoảng năm 1900, nước Nga tuy là quốc gia suy kém nhất so với các quốc gia của châu Âu như nước Pháp, nước Anh, nhưng đối với các quốc gia không thuộc châu Âu, nước Nga là xứ sở phát triển, tân tiến, đã được một phần nào kỹ nghệ hóa. Cuộc Cách Mạng Nga đã khiến cho các dân tộc bị trị quan tâm, vì chủ trương của cuộc cách mạng này là chống lại chủ nghĩa đế quốc (imperialism) theo đó các người châu Âu đi giành chiếm các thuộc địa. Các nhà cách mạng cộng sản Nga cho rằng chủ nghĩa đế quốc với ý định thực dân, là trình độ cao cấp nhất của chủ nghĩa tư bản (capitalism) và cả 2 chế độ tư bản và đế quốc đều đáng bị loại trừ.
Như vậy khi thiết lập nên nước Nga Cộng Sản, các nhà cách mạng Nga đã muốn đứng ở vị trí giữa thế giới phương Tây theo tư bản và thế giới của các quốc gia bị trị. Các nước thuộc thế giới thứ ba này đã coi con đường cách mạng cộng sản là một phong trào phản kháng quốc tế chống lại chế độ tư bản bóc lột, chống lại cách thống trị và độc tôn của người châu Âu. Các cuộc vùng lên tại châu Á đã nhờ cuộc Cách Mạng Nga khởi đầu và thêm sức mạnh.
Lenin và các nhà cách mạng Bolshevik ngay từ lúc đầu đã không phải là những người tạo ra cuộc cách mang vô sản. Họ là những nhân vật nắm lấy phong trào đó sau khi cuộc nổi dậy đã xẩy ra. Hoàn cảnh đã xô đẩy họ dấn thân vào trào lưu cách mạng, và họ đã lợi dụng mọi cơ hội, dùng mọi thủ đoạn để giành giật chính quyền rồi sau đó, tổ chức xã hội Nga dựa theo lý thuyết xã hội cấp tiến của Engels và Marx. Cũng giống như các cuộc cách mạng khác, cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga đã bắt đầu từ các bất mãn xa xưa của nhiều loại người dân trong một xã hội bị bóp nghẹt lâu ngày.
Alexander II
2- Nước Nga dưới thời Sa Hoàng
Cuộc thất bại của quân đội Nga sau cuộc chiến tranh Crimea (1853-1856) đã cho thấy nước Nga không theo kịp các nước khác ở châu Âu về các chương trình canh tân quân sự. Cai trị nước Nga thời bấy giờ là Sa Hoàng Alexander II (trị vì 1855-1881) lên ngai vàng trong thời chinh chiến kể trên. Uy tín của các nước châu Âu vào thời đó đang lên cao. Sa Hoàng thấy rằng cần phải canh tân đất nước nên đã ban hành một số chương trình cải tổ theo khuôn mẫu của châu Âu.
Đế quốc Nga vào thời kỳ này là một hệ thống chính trị rất khó mô tả và khó điều khiển. Một số nhà trí thức thân tây phương cho rằng nước Nga phải theo khuôn mẫu của châu Âu trong khi một số người Slav lại tin rằng nước Nga có một định mệnh đặc biệt nên việc bắt chước châu Âu chỉ làm yếu đi sức mạnh của đất nước. Định chế căn bản của nước Nga thời đó là tính cách độc đoán của Sa Hoàng. Đây không phải là thể chế chuyên chế (absolutism) với thần quyền giữa vua và thần dân như tại các chế độ phong kiến. Sau khi cao trào Cách Mạng Pháp phổ biến các tư tưởng Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái tại châu Âu thì tại nước Nga, Sa Hoàng đã cai trị xứ sở không theo luật pháp mà bằng các sắc lệnh (ukase) và bằng cách đàn áp của cảnh sát và quân đội. Sa Hoàng đã cho nhập cảng vào đất nước Nga các phương pháp kỹ thuật của châu Âu cùng các chuyên viên, nhưng những phương pháp mới đã được áp đặt bằng chế độ thư lại thuần túy và thiếu hẳn sự hợp tác của các thành phần dân chúng.
Định chế căn bản thứ hai của nước Nga thời đó là chế độ nông nô (serfdom). Đại đa số dân chúng trong nước là các nông nô, một loại nô lệ giống như người da đen ở châu Mỹ. Các nông nô này thuộc về địa chủ, họ bị mua đi và bán lại, dùng vào việc canh nông cũng như các công việc khác như tại nhà máy, hầm mỏ… , họ có thể là các thợ thủ công, các thợ máy tại các thành phố nhưng họ phải nộp một số lợi tức cho địa chủ và phải trở về quê khi địa chủ gọi đến. Giới chủ nhân này (the gentry) đã nắm quyền hành địa phương, và luật pháp đã không can thiệp vào sự bóc lột hay quan hệ giữa giới chủ nhân và giới nô lệ. Hai giai cấp này không bao giờ kết hôn với nhau. Họ khác nhau không những về kinh tế mà còn về diện mạo và chân tay, về cử chỉ, lời nói và y phục…
Giới trí thức Nga thời bấy giờ gồm các giáo sư Đại Học, các sinh viên và các người hiểu biết do tìm đọc các sách vở của châu Âu. Họ tin rằng người trí thức phải đóng góp cho xã hội, làm thay đổi lịch sử. Đặc tính của họ là chống lại chính quyền áp bức và Nhà Thờ Chính Thống Giáo (Orthodox Church) vốn là cánh tay phải của Sa Hoàng, cũng vì thế các trường Đại Học và báo chí đã bị chính quyền Nga kiểm duyệt chặt chẽ.
Khi lên ngôi Sa Hoàng, Alexander II muốn có được sự ủng hộ của các người cấp tiến trong giới trí thức nên đã cho phép người dân Nga được quyền ra nước ngoài, đã giảm bớt việc kiểm soát đại học, việc kiểm duyệt báo chí, nhờ đó nhiều nhật báo và tạp chí đã ra đời và các tờ báo xuất bản tại nước ngoài có thể được du nhập vào nước Nga, chẳng hạn như tờ Sao Bắc Đẩu (Polar Star) chủ trương do nhà cách mạng người Nga tên là Alexander Herzen ở London. Chính quyền Nga lúc bấy giờ không muốn làm xáo trộn hệ thống lao động và kinh tế, và cũng không muốn tạo ảnh hưởng tới giới chủ nhân (the gentry class) vì nhờ giới này mà nền cai trị được tiến hành. Nhưng Sa Hoàng cũng đã ban hành một số chương trình cải cách đất nước. Các hội đồng địa phương gọi là Zemstvos gồm nhiều thành phần, phần lớn là giới địa chủ và cũng gồm cả giới nông dân, để lo các vấn đề giáo dục, y tế, xã hội, tiếp tế thực phẩm và bảo trì đường lộ.
Lần đầu tiên tại nước Nga, một chương trình thống nhất được thi hành: các sắc dân người Ba Lan, Ukraine, Lithuania, Caucasia, các cộng đồng người dân gốc Đức và gốc Hồi giáo tại miền Trung Á đều bị bắt buộc sát nhập vào nền Văn Hóa Đại Nga. Nhà triết học và điều hành chính của chương trình thống nhất này là Pobiedonostsov, người đứng đầu Nhà Thờ Chính Thống Giáo và chỉ đứng dưới Sa Hoàng. Ông Pobiedonostsov đã viết một số bài báo đả kích tư tưởng thuần lý và giải phóng của Tây Phương (western rationalism and liberalism) và cho rằng người Slav phải có một đặc tính quốc gia và Nhà Thờ Nga phải đào tạo ra một giới tu sĩ có bổn phận bảo vệ các tín đồ khỏi bị ảnh hưởng xảo trá của phương Tây.
Dưới thời Sa Hoàng Alexander II, luật pháp được cải tiến, quân đội được tổ chức lại. Năm 1861, bản Tuyên Bố Giải Phóng (the Emancipation Proclamation) đã phóng thích giai cấp nông nô khỏi các địa chủ, tuy thế nông dân vẫn chỉ có được một nửa diện tích canh tác, họ vẫn chưa được hưởng các quyền lợi về công dân, về giáo dục và trợ cấp, đa số người dân quê còn phải gánh chịu nặng nề về thuế má, họ vẫn lạc hậu, thiếu ăn, thường tham gia vào các vụ ăn cướp và đốt nhà của các chủ đất giàu có.
Nước Nga thời thập niên 1870 đã có các nhóm bình dân (populist group) như nhóm Đất đai và Tự do (Land and Freedom), nhóm cách mạng Ý Muốn của Nhân Dân (People’s Will) chủ trương ám sát các nhân vật có thế lực. Sau nhiều âm mưu, nhóm cách mạng sau này đã giết chết Sa Hoàng Alexander II vào năm 1881. Người kế vị là Sa Hoàng Alexander III (trị vì 1881-1894) đã dùng trở lại chính sách đàn áp, báo chí bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, các nhà hoạt động chính trị bị bắt và bị hành hạ, các chính quyền địa phương bị tước bớt quyền hành, các sắc dân và tôn giáo thiểu số như người Ba Lan theo đạo Thiên Chúa Catholic bị ngược đãi và người Do Thái bị tàn sát, nhóm cách mạng Ý muốn của Nhân Dân bị tiêu diệt. Trong khi đó các chương trình kỹ nghệ hóa cũng được bắt đầu với sự trợ giúp của tư bản ngoại quốc và được điều hành bởi Bộ Trưởng Tài Chính Sergei Witte từ năm 1892 tới năm 1903, nhờ đó đường xe lửa đã được xây dựng và đã có các nhà máy sản xuất ra than và thép. Ảnh hưởng của việc kỹ nghệ và đô thị hóa đã tạo ra một nhóm người bất mãn khác, đó là giới lao động thành thị.
Nicholas II
Kế vị Sa Hoàng Alexander III là Sa Hoàng Nicholas II (trị vì 1894-1917). Nicholas II là một nhân vật mềm yếu, thiếu thông minh và sáng suốt, ham thích săn bắn, chèo thuyền và trượt tuyết trong khi đó lại muốn cai trị đất nước Nga theo cách độc tài của vua cha. Năm 1891, Nicholas yêu thương công chúa Alexandra of Hess-Darmstadt. Nàng công chúa này sống phần lớn tuổi trẻ trong lâu đài Kensington dưới sự chăm sóc của Nữ Hoàng Victoria nước Anh.
Alexandra là một con người cứng dắn, có tính tình ưa áp đảo và lại là một người rất mộ đạo. Bà hoàng hậu này có tham vọng là chuẩn bị quyền cai trị đế quốc Nga dành cho Hoàng Tử Alexis. Do các cuộc hôn nhân gần giữa các gia đình vương giả của châu Âu, Hoàng Tử Alexis đã mắc một chứng bệnh kỳ dị là bị chảy máu không cầm được (haemophilia) và bệnh đó đã được chữa khỏi bởi một tay đạo sĩ chuyên cầu nguyện có tên là Grigori Rasputin. Rasputin là một tên thầy tu gốc nông dân, ít học, hay say sưa, rất dâm đãng và lại có tài hùng biện, tự nhận mình là người có thần linh. Do đã chữa khỏi bệnh cho Hoàng Tử Nga nhiều lần, Rasputin đã gây được niềm tin nơi Hoàng Hậu Alexandra rồi qua đó tới các chính sách của Sa Hoàng Nicholas II.
Trong các năm từ 1906 tới 1911, nước Nga có Thủ Tướng là ông Peter Stolypin, người luôn luôn nhắc nhở Sa Hoàng về các trở ngại cai trị gây ra bởi tên Rasputin và Hoàng Hậu Alexandra trong khi đó, việc quản trị đất nước Nga còn bị rắc rối do các người khác như vị Bộ Trưởng Nội Vụ là ông Plehve. Sự thiếu sáng suốt của Sa Hoàng đã khiến cho nhà vua không nhận thức được giá trị từ các cải tổ của các ông Stolypin và Witte, lại còn bị lung lạc do các lời khuyên tầm thường của bà vợ Alexandra.
Nước Nga vào các năm 1877 tới năm 1905 đã gặp phải tình trạng thiếu đất đai canh tác (land hunger). Đất cày trung bình của nông dân bị giảm từ 35 mẫu xuống còn 28 mẫu trong khi phần đất thuộc châu Âu quá đông người khai khẩn. Chính quyền Nga đã khuyến khích việc di dân qua miền Đông bằng cách đặt ra Văn Phòng Định Cư Siberia (the Siberian Resettlement Bureau) vào năm 1896 cùng đường xe lửa xuyên Siberia (the Trans-Siberian Railway) và 3 phần 4 triệu người đã di cư về miền Đông trong các năm từ 1896 tới 1900, mặc dù miền đất mới này vẫn còn là phần đất ngục tù để giam cầm các kẻ phạm pháp.
Bộ Trưởng Tài Chính Sergei Witte lúc đó đã nhận ra sự tối quan trọng của nền nông nghiệp trong hệ thống kinh tế nhưng các cải tổ đã bị chống đối bởi giới quý tộc địa chủ. Việc cải tổ đất nước đòi hỏi phải đánh thuế nặng vào hàng ngoại quốc đồng thời xuất cảng nông phẩm, và muốn ổn định tiền tệ, nước Nga cần phải thu gom một số vàng dự trữ. Các vụ gặt từ năm 1893 tới năm 1896 rất tốt đẹp, đã giúp cho chương trình của ông Witte thành công nhưng nông dân Nga vẫn phải gánh chịu thuế má nặng nề về các sản phẩm chính, kể cả đường, trà và rượu Vodka. Do xuất cảng ngũ cốc, thực phẩm trong nước thiếu hụt. Chương trình kỹ nghệ hóa của ông Witte cũng làm mất đi một số lớn sức lao động của địa chủ. Vụ mất mùa năm 1897 đã khiến cho nhiều địa chủ lo bán đất, nhiều người gặp cảnh phá sản trừ một số ít thuộc giới trưởng giả thành thị và chủ đất giàu có.
Karl Marx
3- Lý thuyết Mác Xít và Đảng Cộng Sản
Căn bệnh Cách Mạng, một danh từ theo như lời của nhà văn Nga Dostoevsky, đã được truyền lan sang nước Nga dưới thời Sa Hoàng Nicholas II. Lý thuyết Mác Xít (Marxism) đã được mang vào nước Nga qua bản dịch cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital) vào năm 1869, hai năm sau khi bản chính được phổ biến tại nước Đức.
Lý thuyết cách mạng Mác Xít đã được trình bày trong Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản (the Communist Manifesto) của Karl Marx (1818-1883). Marx ra đời tại Trier trên miền biên giới Pháp-Đức, là con trai của một luật sư gốc Do Thái đã cải sang đạo Thiên Chúa khi Marx lên 6 tuổi. Marx đã theo học môn Luật tại các Đại Học Bonn và Berlin, và đã bị hấp dẫn bởi nền triết học Hegel (the Hegelian philosophy). Sau khi tranh luận với các người theo môn Triết Học Lịch Sử (the philosophy of history), Marx đã đặt ra nguyên tắc đầu tiên của chủ thuyết Mác Xít theo đó lịch sử là một tiến trình biện chứng (a dialectic process), đã tiến triển qua một loạt các xung đột và Marx đã kết luận rằng tiến trình biện chứng của lịch sử được xác định bởi các lực lượng kinh tế, mà không phải do các ý tưởng trừu tượng như Hegel đã chủ trương.
Sau khi không xin được một chân Giáo Sư dạy Triết Học tại một trường đại học nào, Karl Marx đã viết báo trong vài năm rồi do bị săn đuổi bởi các nhà kiểm duyệt, Marx đã di chuyển tới Paris, rồi Brussels và cuối cùng tới London. Sự hiểu biết về giai cấp công nhân của Marx rất sơ sài, cho đến khi Marx gặp Friedrich Engels (1820-1895) tại London vào năm 1842, và lúc đó Engels đang biên soạn cuốn sách Tình trạng của giới Lao Động tại nước Anh (the Condition of the Working Class in England). Engels đã cung cấp cho Marx các chi tiết về đời sống của giới công nhân trong các nhà máy, trong các hầm mỏ và tình trạng khốn cùng của các khu nhà ổ chuột, nhờ đó Marx đã phân tích ra các đặc tính của giai cấp vô sản.
Tại nước Nga, lý thuyết của Marx lúc đầu chỉ mang tính cách lý tưởng và phương pháp (idealistic and methodical), đã hấp dẫn các sinh viên và các nhà trí thức, và cuốn Tư Bản Luận (Das Kapital) rất được phổ biến trong giới sinh viên. Dân chúng của nước Nga vào thời đó phần lớn gồm các nông dân nghèo, lạc hậu, chưa hề biết tới ý thức về giai cấp (class conciousness) trong khi các nhà Mác Xít đầu tiên lại thiếu tiếp xúc với quần chúng, đã phản đối phương pháp khủng bố của nhóm cách mạng Ý muốn của Nhân Dân và Marx đã chọn giới công nhân kỹ nghệ (the industrial proletariat) làm một dụng cụ cách mạng. Chính vì các lý do này mà trong các thập niên 1880 và 1890, các tài liệu Mác Xít đã không bị chính quyền Nga cấm đoán.
Joseph Stalin
Tổ chức Mác Xít thực sự quan trọng đầu tiên là nhóm Giải Phóng Lao Động (the Emancipation of Labour group) lập nên do G.V. Plekhanov, người được cho là cha đẻ của chủ nghĩa Mác Xít Nga vì ông ta đã biết áp dụng lý thuyết Cộng Sản vào các hoàn cảnh của nước Nga. Năm 1883, Plekhanov và một nhân vật lưu vong tại Thụy Sĩ khác là Paul Axelrod (1850-1928) đã lập nên một tổ chức chính trị mà sau này trở thành đảng Xã Hội Dân Chủ Nga (the Russian Social Democratic party) hay đảng Mác Xít. Đảng Mác Xít này còn được các nhà lãnh tụ trẻ tuổi tham gia, đó là: Vladimir Ilyich Ulianov (1870-1924) với bí danh là Lenin, Lev Bronstein (1979-1940) với bí danh là Leon Trotsky, Joseph Stalin (1879-1953) và một số người khác nữa. Khi Lenin, lúc đó còn trẻ, gặp người vợ tương lai là Krupskaya vào năm 1894, nhân vật nữ cách mạng này đã thuộc về nhóm tranh luận Mác Xít.
Lenin, nhân vật được cho là cha đẻ của Chủ Nghĩa Cộng Sản, là một người lùn, mập, có đôi mắt xếch tinh nhanh, sắc bén và đôi gò má cao, là các nét Á châu của cha. Các bạn của Lenin đã mô tả Lenin giống như một người Kalmuck tức là một tu sĩ Phật Giáo Mông Cổ. Khi ngoài 20 tuổi, Lenin đã bị hói đầu và được gọi là ông già. Lenin là con của một vị thanh tra học đường tại một tỉnh trên giòng sông Volga, thuộc giai cấp trên trung lưu. Tuổi trẻ của Lenin là thời kỳ hạnh phúc và tiện nghi, nhưng khi đến 17 tuổi, một người anh của Lenin vì liên quan tới cuộc ám sát Sa Hoàng Alexander III, đã bị Sa Hoàng ra lệnh xử tử.
Do gia đình có tì vết chính trị, Lenin không thể theo đuổi ngành Luật Khoa, nên đành phải tham gia vào nhóm các nhà cách mạng chuyên nghiệp và những người này sống bằng tiền cho tặng của các nhà giàu có cảm tình, rồi vì tuyên truyền các công nhân gia nhập vào phong trào xã hội, Lenin đã bị chính quyền Sa Hoàng bắt và bị đưa đi đầy tại Siberia (Tây Bá Lợi Á) trong 3 năm. Nhân viên coi tù dưới thời Sa Hoàng đã đối xử tử tế với các tù nhân có học thức, khác hẳn bọn quản giáo rất tàn ác của chế độ Xô Viết sau này, nhờ thế Lenin và các bạn tù khác có thể ra ngoài, tới nhà cư dân địa phương hay hội họp cùng nhau để chơi cờ, đọc sách và bàn luận về các sách báo của châu Âu mà họ mượn được.
Năm 1900, sau khi mãn hạn tù, Lenin qua sống tại Thụy Sĩ cho tới năm 1917, ngoại trừ đôi lần trốn về đất Nga trong các thời gian ngắn. Lenin là người có trình độ hiểu biết cao, nhiều khả năng suy luận, lại có tài năng về chiến thuật chính trị, và đặc biệt là năng lực trí thức của Lenin chỉ tập trung vào một chủ đề, đó là cuộc cách mạng tại nước Nga.
Vào thập niên 1860 tại nước Nga có đảng Nông Dân (the Peasant party) hay còn được gọi là đảng của các nhà Cách Mạng Xã Hội (the Social Revolutionaries). Các người Mác Xít của năm 1898 tại nước Nga đã không có tinh thần cách mạng giống như các nhà Cách Mạng Xã Hội vì họ có một quan điểm khác về đường lối đấu tranh. Người Mác Xít đã không chấp nhận giới nông dân là một dụng cụ cách mạng, họ coi Cách Mạng là một phong trào quốc tế, liên quan tới mọi quốc gia và là một phần của tiến trình biện chứng của lịch sử thế giới, họ đặc biệt khâm phục đảng Dân Chủ Xã Hội Đức (the German Social Democratic party) và họ trông mong cách mạng thế giới sẽ nổ ra tại miền Tây của châu Âu. Các người Mác Xít Nga lúc đầu cũng không đồng ý về cách khủng bố và ám sát, và chính vì lý do này, cảnh sát của Sa Hoàng đã coi họ là ít nguy hiểm hơn các nhà Cách Mạng Xã Hội.
Năm 1903, các người Mác Xít Nga đã tổ chức đại hội đảng lần thứ hai tại Brussels và London. Tham dự là các người lưu vong như Lenin, các đại biểu của những đường dây bí mật từ đất Nga, các nhà Dân Chủ Xã Hội và một số người thuộc vài đảng phái kém quan trọng khác. Mục đích của đại hội là đoàn kết lại các người Mác Xít Nga nhưng thực ra, cơ hội này đã làm dạn nứt vĩnh viễn đảng Mác Xít thành hai đảng phái: đảng Bolshevik (có nghĩa là đa số) có chủ trương kỷ luật chặt chẽ, rút ngắn giai đoạn tư sản (the bourgeois phase), có ủy ban trung ương chỉ huy và ấn định các đường lối cùng kiểm soát mọi tầng lớp đảng viên, trái ngược với đảng Menshevik (có nghĩa là thiểu số) do Martov điều khiển. Đảng Menshevik cho rằng các nhà xã hội nên cộng tác với giới tư sản (the bourgeois) và mở rộng cửa đón nhận tất cả các cảm tình viên cũng như cộng tác với các người cấp tiến và dân chủ tư sản (bourgeois democrats) khác.
Lenin ưa thích dùng danh từ Bolshevik (đa số) để chứng tỏ đã được đa số đảng viên ủng hộ trong các đại hội đảng dù rằng sau năm 1903, phe Menshevik đạt được nhiều phiếu hơn. Từ nay, chủ nghĩa Bôn-xê-vích (Boshevism) hay Lê-nin-nít (Leninism) khác với chủ nghĩa Men-xê-vích về tổ chức và chiến thuật, họ cho rằng chủ nghĩa tư bản đã bóc lột giới công nhân, đã đi trước chủ nghĩa Xã Hội, việc đấu tranh giai cấp là định luật của xã hội; và luân lý, tôn giáo, triết học, chính quyền… chỉ là các vũ khí của giai cấp thống trị.
Lenin là nhà hoạt động chính trị có tài, một kẻ khuấy động đáng nể, một diễn giả hùng biện trước các công nhân và một vị tư lệnh trong cuộc chiến tranh giai cấp (the class war). Lenin đã làm phát triển các ý tưởng của Karl Marx về vai trò của Đảng, đã biết tận dụng mọi thủ đoạn về tên giả, mực vô hình, mật mã, thông hành giả, các nơi hò hẹn bí mật và đã dùng mọi âm mưu giảo quyệt làm phương tiện để đạt tới mục đích cuối cùng. Lenin đã phối hợp các truyền thống Cách Mạng Nga với chủ thuyết Mác Xít tây phương để tạo nên Chủ Nghĩa Cộng Sản (Communism) rất tàn bạo mà nhân dân Nga và một số dân tộc khác phải chịu đựng cho tới ngày nay.
4- Cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật năm 1904
Vào đầu thế kỷ 20, trung tâm chính sách của nước Nga tại miền Đông là vùng Siberia (Tây Bá Lợi Á), nơi này đường xe lửa đang được xây dựng và các đầu tư của Nga đang được thực hiện, chẳng hạn như đầu tư về cây rừng của ông Plehve, bộ trưởng Nội Vụ. Mặt khác, các hải quân đô đốc người Nga cũng muốn củng cố hải cảng nước ấm Lữ Thuận (Port Arthur) dùng cho lực lượng hải quân tại vùng biển phía Đông. Người Nga chiếm được hải cảng này sau áp lực với Trung Hoa vào năm 1898. Việc bành trướng của nước Nga về phía Đông, nhất là tại Mãn Châu, được coi như cần thiết vào lúc đó bởi vì hành động này của chính phủ Nga có thể làm nhẹ bớt sự phản đối trong nước và tăng cường vị trí của hải cảng Vladivostok. Trung Hoa vào thập niên trước đã phải nhượng bộ nước Nga, đã đồng ý để cho người Nga xây dựng một đường xe lửa xuyên qua Mãn Châu tới Vladivostok và hai bên đường xe lửa này là các đặc quyền khai thác về gỗ rừng, hầm mỏ cũng như các hoạt động kinh tế khác.
Mặt khác, trong một bức thư, Hoàng Đế Đức William II (1888-1918) đã ám chỉ người Nhật Bản là bọn khỉ nhỏ da vàng (little yellow monkeys) và đã khuyến khích Sa Hoàng Nicholas nên bảo vệ nền văn hóa tây phương khỏi hiểm họa da vàng (the Yellow Peril) và gọi Sa Hoàng bằng một danh hiệu tâng bốc là Thủy Sư Đô Đốc của vùng Thái Bình Dương trong khi đó, ông Sergei Witte, bộ trưởng Tài Chính, cố gắng ngăn cản Sa Hoàng trong chính sách bành trướng tại Mãn Châu.
Tại miền Đông của châu Á, Nhật Bản là một nước đang canh tân. Năm 1902, Nhật Bản đã lập nên một liên minh quân sự với nước Anh và thỏa ước này có giá trị trong 20 năm. Nước Anh là quốc gia cũng đang gặp rắc rối với nước Nga tại vùng Viễn Đông và Cận Đông.
Việc phát triển của người Nga tại vùng phía Đông sẽ là một trở ngại cho Nhật Bản sau này, nên giới quân sự Nhật Bản cho rằng nên phá hủy ngay lực lượng Thái Bình Dương của Nga tại hải cảng Lữ Thuận (Port Arthur) trước khi nơi này được củng cố. Tháng 2 năm 1904, Nhật Bản cắt đứt ngoại giao với Nga và mở một trận tấn công bằng thủy lôi vào hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang nằm trong hải cảng Lữ Thuận, đồng thời gửi bộ binh vượt qua biển Hoàng Hải (the Yellow Sea), vây hãm hải cảng này. Đội quân lớn lao của Nhật Bản cũng tiến về phía thành phố Thẩm Dương (Mukden) tại Mãn Châu. Một trận chiến tranh diện địa đã diễn ra tại Thẩm Dương với số quân tham dự của hai bên lên tới 624,000 người. Đây là trận đánh lớn nhất từ xưa tới nay và các nhà quan sát quân sự khi theo dõi, đã lo lắng cho các trận chiến về sau này tại châu Âu.
Do bị vây hãm tại Lữ Thuận, nước Nga đã chuyển Hạm Đội Baltic qua giải cứu. Hạm đội này đã vội vã ra đi, thiếu chuẩn bị, mang theo cả các tầu thuyền cũ và các sĩ quan hải quân thiếu khả năng, và rồi vì nhầm lẫn, tàu chiến Nga đã bắn lầm vào tầu cào cá của nước Anh tại Biển Bắc (the North Sea). Nước Anh, vì đã ký hiệp ước với Nhật Bản, nên đã đóng cửa Kênh Đào Suez, không cho hạm đội Nga đi qua. Đô Đốc Nga Rozhdestvensky đành phải cho hạm đội đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, cực nam của châu Phi. Hạm đội Baltic nặng nề vì chở đầy than đá, đã bị Hải Quân Nhật Bản đánh chìm tại Eo Biển Đối Mã (Tsushima). Do đường xe lửa xuyên Siberia chưa được làm xong và sau chiến thắng tại Thẩm Dương của người Nhật Bản, nước Nga đã hoàn toàn bị thua trận.
Tới lúc này, Tổng Thống Hoa Kỳ là Theodore Roosevelt đã đứng ra dàn hòa vì không muốn một trong hai phe áp đảo tại Á châu. Hai phe lâm chiến Nga và Nhật đã hội họp tại Portsmouth thuộc tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ, và qua Thỏa Ước Portsmouth năm 1905, nước Nga đồng ý từ bỏ hải cảng Lữ Thuận, rời khỏi Triều Tiên và di tản khỏi Mãn Châu. Nhật Bản cũng nhận được nửa phía nam của hòn đảo Sakhalin của nước Nga.
Trận chiến tranh Nga-Nhật là trận chiến đầu tiên giữa các cường quốc kể từ năm 1870, đã dùng tới nền kỹ nghệ chiến tranh bắt đầu phát triển. Đây cũng là trận chiến do sự cạnh tranh khai thác các quốc gia chưa mở mang và đáng kể hơn hết, đây là lần đầu tiên một nước da vàng đã đánh thắng một nước da trắng, và trong nửa thế kỷ, đã vươn lên để đứng ngang hàng với các nước phương Tây.
Chiến thắng của Nhật Bản vào năm 1904 đã gây nên ba ảnh hưởng. Thứ nhất, chính quyền Nga sau lần thất bại khi bành trướng tại châu Á, đã quay về hướng châu Âu và đóng một vai trò tích cực tại vùng Balkans, khiến cho sau này xẩy ra các vụ xung đột nội bộ của châu Âu mà kết quả là trận Thế Chiến Thứ Nhất. Thứ hai, việc thất bại của nước Nga đã làm mất đi uy tín của Sa Hoàng, chứng tỏ sự yếu kém và vụng về của lực lượng quân sự Nga, điều này đã tạo nên nhiều phong trào chính trị chống đối trong nước Nga mà kết quả là cuộc Cách Mạng năm 1905 để rồi 12 năm sau, cuộc Cách Mạng Nga năm 1917 đã mang tới chế độ Cộng Sản Xô Viết. Ảnh hưởng thứ ba của cuộc chiến Nga-Nhật là các nước bị trị đã theo gương Nhật Bản, đều muốn canh tân, độc lập và bảo tồn đặc tính quốc gia. Các cuộc cách mạng quốc gia bắt đầu diễn ra tại Ba Tư (Persia) năm 1905, tại Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) năm 1908, tại Trung Hoa năm 1911… Người dân Ấn Độ và Nam Dương cũng nổi lên đòi Độc Lập. Cả 3 yếu tố: Thế Chiến Thứ Nhất, cuộc Cách Mạng Nga và sự vùng lên của châu Á đã chấm dứt sự độc tôn của người Âu và nền văn minh châu Âu.
5- Cuộc Cách Mạng Nga năm 1905
Vào đầu thế kỷ 20 tại nước Nga đã có ba đảng phái chính trị: đảng Dân Chủ Hiến Pháp (Constitutional Democratic), đảng Cách Mạng Xã Hội (Social Revolutionary) và đảng Dân Chủ Xã Hội (Social Democratic) nhưng các đảng phái này chưa có được cách tổ chức như ngày nay. Người dân Nga thời đó chưa biết bầu ra các đại biểu ngoại trừ các đại diện tại hội đồng tỉnh Zemstvos. Các đảng phái kể trên chỉ có đặc tính tuyên truyền, các nhà lãnh đạo chưa có đông người theo và các nhà trí thức theo đuổi nhiều lý thuyết khác nhau, đều bị theo dõi bởi mật vụ của Sa Hoàng, đều phải hoạt động trong bóng tối. Sự áp chế của chính quyền đã khiến cho nông dân đôi khi nổi lên chống lại giới địa chủ và các người thu thuế, các công nhân nhà máy thỉnh thoảng đình công và các phong trào chống đối chưa được một đảng phái chính trị nào tổ chức hay có các đường dây điều khiển.
Mặt khác, chính quyền Sa Hoàng từ chối mọi nhượng bộ. Sa Hoàng Nicholas II là một con người thiển cận, không chấp nhận các phản đối chống lại sự độc đoán của vương triều, của Nhà Thờ Chính Thống Giáo và nền Văn Hóa Đại Nga. Các vị bộ trưởng nơi triều đình lại không đồng ý với nhau về các chính sách quốc gia, một số trông chờ vào các thắng lợi bên ngoài nước để có thể mang lại uy tín cho chính phủ. Những thất bại của quân đội Nga trong trận chiến tranh Crimea và khi đối đầu với Nhật Bản tại miền Đông đã chứng tỏ chính phủ Nga thời đó bất lực tại ngoại quốc và không hữu hiệu khi cải tổ kinh tế trong nước. Dân chúng Nga lại đang thiếu ăn, thiếu sự công bằng trong việc trả lương và ấn định thời gian làm việc. Họ đòi hỏi quyền đại diện dân chủ trong chính quyền.
Sáng ngày Chủ Nhật 22 tháng 1 năm 1905 (tức là ngày 09 tháng 1 theo Lịch Julian cổ được dùng tại nước Nga thời đó), một nhóm công nhân nhà máy của thành phố St. Petersburg (sau này là Petrograd) đã theo Cha George Gapon, người tổ chức của Nghiệp Đoàn Công Nhân Nhà Máy Nga (the Union of Russian Factory Workers), đi tới Cung Điện Mùa Đông (the Winter Palace) của Sa Hoàng. Tới cung điện này còn có các đàn ông, đàn bà và trẻ em khác, tất cả gần 200,000 người. Đây là một đám đông không võ trang, chỉ muốn đòi hỏi ngày làm việc 8 giờ, tiền lương tối thiểu mỗi ngày một Rúp, đòi cải tiến tình trạng làm việc và đòi các hội đồng dân cử được bầu lên theo phiếu kín. Nhưng Sa Hoàng Nicholas II đã không cư ngụ tại đó mà tại Tsaskoe Selo, bên ngoài thành phố St. Petersburg. Khi đoàn người tiến tới gần Cung Điện Mùa Đông thì toán binh lính chờ sẵn đã nổ súng, giết chết hơn 100 người và làm trên 300 người bị thương.
Tin tức về biến cố Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu (the Bloody Sunday) này được loan truyền khắp nơi. Sa Hoàng từ nay không còn là người hiểu biết và yêu thương người dân Nga nữa, đằng sau chế độ độc đoán là các quan chức triều đình bị dân chúng căm thù cùng các chủ đất, các chủ nhà máy và các người đi thu thuế. Một làn sóng đình công đã lan tràn đi khắp nơi. Các người Dân Chủ Xã Hội (Social Democrats) phần lớn thuộc phe Menshevik hơn là Bolshevik, đã xuất hiện từ trong bóng tối, tổ chức các ủy ban công nhân gọi là Xô Viết tại hai thành phố Moscow và St. Petersburg, và Trotsky là Phó chủ tịch của Xô Viết tại thành phố sau này. Các nông dân cũng nổi lên, đốt nhà của địa chủ và cướp phá, còn các đảng viên Dân Chủ Hiến Pháp, các giáo sư, kỹ sư, sinh viên… đều đứng ra tổ chức các đoàn thể, tất cả đều đòi hỏi sự đại diện dân chủ trong chính quyền.
Trong hoàn cảnh này, Sa Hoàng đã nhượng bộ tối thiểu và chỉ hứa vào tháng 3 năm 1905 sẽ mời hợp tác các người được tín nhiệm của nhân dân, trong khi đó sự rối loạn vẫn tiếp diễn. Các đảng viên Menshevik, vì lúc đó Lenin chưa về tới đất Nga, kêu gọi tổng đình công. Ngân hàng, tòa báo, các văn phòng luật sư, bác sĩ đều đóng cửa, xe lửa ngừng chạy đồng thời các thủy thủ Nga cũng nổi loạn tại Kronstadt và trên hạm đội Hắc Hải (the Black Sea fleet). Chính quyền tê liệt. Sa Hoàng đành phải ban ra bản Tuyên Ngôn Tháng Mười (the October Manifesto) vào ngày 30, hứa hẹn một Hiến Pháp, các tự do cho dân chúng và một hội đồng cố vấn cho Sa Hoàng (duma) sẽ được mọi giai cấp bầu lên để thi hành luật pháp và kiểm soát hành chính. Tới lúc này, các người Dân Chủ Hiến Pháp hy vọng về các phương pháp đại nghị, các địa chủ muốn vãn hồi trật tự, các nhà kỹ nghệ vẫn lo ngại các cuộc tổng đình công còn các nhà trí thức cách mạng muốn tiếp tục sự xáo trộn cho đến khi nào vương quyền bị chấm dứt.
Khi các Xô Viết của thành phố St. Petersburg kêu gọi một cuộc tổng đình công khác vào tháng 11 thì các lãnh tụ của các phong trào nổi dậy dần dần bị mật vụ của Sa Hoàng lùng bắt gần hết, các nhà cách mạng khác bỏ chạy qua các nước châu Âu, chế độ quân chủ chuyên chế quay trở lại. Tháng 01 năm 1906, bản Tuyên Ngôn Tháng Mười bị bác bỏ bằng một luật mới là Luật Căn Bản của Đế Quốc Nga (the new Fundamental Law of the Empire) qua đó Sa Hoàng một lần nữa xác nhận quyền hành độc tôn, quyền kiểm soát Nhà Thờ Chính Thống Giáo, quyền tuyên chiến và quyền giải tán Hội Đồng Dân Cử bằng thông báo.
Cuộc Cách Mạng năm 1905 coi như bị thất bại nhưng ít nhất một hình thức đại nghị đơn giản bắt đầu thành hình tại nước Nga. Năm 1906, một hội đồng gồm các cận thần và cố vấn của Sa Hoàng, gọi là Duma, được lập nên. Đây là một thứ quốc hội rất sơ sài, bầu lên theo cách gián tiếp và không chia đều phiếu (nonequal voting) trong đó hai giới công nhân và nông dân được đại diện ít hơn giới chủ đất. Trong Hội Đồng Duma không có mặt các ứng cử viên Xã Hội (Socialist candidates) và phần lớn đại diện cho công nhân và nông dân là các người Dân Chủ Hiến Pháp cấp tiến (liberal Constitutional Democrats), còn được gọi là Cadets. Các người Cadets này đòi hỏi quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi nam công dân và các bộ trưởng trong chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Hội Đồng Duma. Hội đồng này còn gặp nhiều rắc rối khác. Các người khuynh hữu, ủng hộ chế độ độc đoán của vương triều và Nhà Thờ Chính Thống Giáo đã khủng bố nông dân, áp lực nông dân tẩy chay Duma trong khi các nhà cách mạng Xã Hội và các đảng viên Bolshevik và Menshevik cũng không thừa nhận Duma, thúc dục công nhân không cử đại diện vào Duma, đồng thời Sa Hoàng cũng không chấp thuận cách tổ chức đại nghị của châu Âu. Kết quả là sau 73 ngày, Duma bị giải tán, các người Cadets chạy trốn qua phần đất tự trị Viborg của Phần Lan là nơi cảnh sát của Sa Hoàng không tích cực lùng bắt.
Một hội đồng Duma thứ hai được tổ chức vào năm 1907, lần này có sự tham dự của các nhà cách mạng Xã Hội và các đảng viên Menshevik với kết quả là 83 nhà Xã Hội (socialists) được bầu cử. Hội đồng Duma thứ hai đã bất ngờ bị chấm dứt khi chính quyền không công nhận và 50 nhà Xã Hội bị bắt giam vì bị cho là có chiều hướng cách mạng. Sau đó, một hội đồng Duma thứ ba đã kéo dài được từ năm 1907 tới 1912, gồm nhiều đại diện chủ đất hơn và có khuynh hướng bảo thủ. Từ năm 1912 tới 1916 là thời kỳ của hội đồng Duma thứ tư, làm việc theo điều khiển của chính quyền.
6- Cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga năm 1917
Năm 1906, ông Peter Stolypin được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Nội Vụ của nước Nga rồi vào giữa năm đó trở nên Thủ Tướng. Trong thời gian tại chức từ 1906 tới 1911, ông Stolypin đã can gián Sa Hoàng về các lạm dụng của tên đạo sĩ Rasputin và ông ta đã muốn dùng các cải cách nông nghiệp để lôi cuốn giới nông dân về phía hoàng gia Romanov. Ông Stolypin cũng đã ra lệnh hủy bỏ chế độ chủ đất và khuyên các nông dân nên vay tiền của Ngân Hàng Nông Thôn (Land Bank). Mặt khác, ông Stolypin cũng khuyến khích người dân Nga di cư về miền Siberia. Tuy nhiên các chương trình cải cách của ông Stolypin đã không được Sa Hoàng cũng như các đảng phái đồng ý, lại gặp trở ngại vì phương cách kỹ nghệ hóa còn quá thô sơ và nạn dân số gia tăng. Năm 1911, ông Stolypin bị ám sát chết trong một rạp hát tại thành phố Kiev trước mặt Sa Hoàng và Hoàng Hậu.
Kết quả của sự thất bại về chương trình cải cách của ông Stolypin là các nông dân nghèo và không ổn định đã dồn về sống tại các thành phố, tạo nên những đợt người biểu tình phản đối chính quyền, đồng thời Sa Hoàng đã không coi trọng các hội đồng dân cử Duma trong việc dân chủ hóa đất nước.
Năm 1914 xẩy ra cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Với dân số trên 160 triệu người, Sa Hoàng có thể huy động một đạo quân 12 triệu lính để đánh nhau với người Đức và người Áo khi nước Nga bắt đầu tham gia vào cuộc chiến. Nhưng làm sao chuyển khối người khổng lồ này thành các đơn vị chiến đấu hùng hậu trong khi nền kỹ nghệ của nước Nga còn thô sơ, trong khi các vấn đề quân sự và kinh tế lại rất phức tạp và khó điều khiển và các cố vấn của Sa Hoàng đều là những người không có tầm nhìn xa trông rộng. Mấy tháng sau khi tuyên chiến, quân đội Nga đã tấn công nhưng đều bị đẩy lui bởi địch quân Đức vượt trội hơn về hỏa lực và chiến thuật. Vào đầu năm 1917, các lực lượng Đức đã chiếm được phần lớn các thành phố thuộc miền Tây của nước Nga. Hơn 9 triệu lính Nga đã bị giết, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Cuộc chiến tranh với quân đội nước ngoài đã đòi hỏi sự cộng tác của chính quyền với dân chúng để có thể thành công nhưng ở vào thời kỳ này, đã không có sự cộng tác đó. Trong các cuộc bỏ phiếu lập ngân quỹ tài trợ chiến tranh, những nhà xã hội vì không đồng ý, đã bị chính quyền bắt giam. Giới công nhân và nông dân bị áp chế và thiếu ăn. Giới trung lưu nhìn thấy cách quản trị yếu kém của chính quyền. Khi cuộc Thế Chiến nổ ra, các hội đồng tỉnh Zemstvos thành lập nên đại hội để yểm trợ việc động viên kỹ nghệ và nông phẩm. Nhóm kỹ nghệ gia tại Petrograd (tên mới của thành phố St. Peterburg) đã lập ra Ủy Ban Thương Mại và Kỹ Nghệ với mục đích vận dụng các nhà máy sản xuất tối đa, nhưng họ đã không được tín nhiệm bởi chính quyền hoàng gia trong khi đó, một số quan chức cao cấp bị tình nghi thân Đức và các nhà cách mạng lại lo sợ tính cấp tiến (liberalism) của hai nước Anh và Pháp mà nước Nga là một đồng minh. Nơi triều đình Nga, Hoàng Hậu Alexandra vốn gốc Đức, đã khinh rẻ giới cận thần, nghe lời khuyên của tên đạo sĩ Rasputin và thúc dục Sa Hoàng hành động độc đoán.
Cuộc chiến tranh với nước Đức và các thất bại của nước Nga đã làm sống lại các đòi hỏi chính trị mà đã âm ỉ kể từ cuộc Cách Mạng năm 1905. Các ủy ban Zemstvos đòi hỏi một hội đồng Duma. Tháng 11-1916, hội đồng Duma họp lại với tính bảo thủ cố hữu nhưng đã bất mãn trước sự bất lực và cách điều hành chiến tranh của chính phủ. Sa Hoàng Nicholas II khi đó vẫn tìm cách áp chế, làm trì hoãn hội đồng này. Súng liên thanh được phân phát thêm cho lực lượng cảnh sát, để dùng vào việc đàn áp. Các người ôn hòa và cấp tiến (liberals) thấy rằng cần phải có một cuộc đảo chính để cải tiến tình hình đất nước.
Vào mùa đông năm 1916, dân nghèo của thành phố Petrograd phải chịu đựng cảnh thiếu thực phẩm, giá bánh mì tăng cao. Ngày 23-2-1917, các phụ nữ của thành phố thấy rằng không dễ dàng mua được bánh mì nữa, các cuộc nổi loạn vì thực phẩm đã xẩy ra và phát triển thành cuộc nổi dậy chính trị, chắc chắn có sự tiếp tay của các nhà cách mạng trí thức. Đám đông đã hô to câu đả đảo Sa Hoàng. Ngày 24 tháng 2, 200 ngàn công nhân xuống đường biểu tình tại Petrograd. Đội kỵ binh hung dữ Cossak thường được chính quyền xử dụng để dẹp các người nổi loạn, nay cảm thấy buồn nản vì các đồng bạn đã bị thiệt mạng ngoài mặt trận và vì sự lầm than của dân chúng tại hậu phương, họ đã từ chối hành động. Ngày 26, có một số lính nổi loạn trong các doanh trại, rồi sau đó tham gia biểu tình với các đám đông dân chúng. Vài sĩ quan muốn dẹp loạn đã bị chính quân sĩ dưới quyền bắn chết.
Vào giai đoạn này, các nhà lãnh đạo giới trung lưu đòi hỏi phải giải tán các bộ sở của chính quyền và một hội đồng mới được thành lập từ đa số nghị viên của Duma. Cũng vào lúc này, trong thành phố Petrograd đã có hai tổ chức quyền lực: hội đồng Duma gồm các người ôn hòa, các người theo đường lối hiến pháp, còn phe nhóm kia là Xô Viết Petrograd, tức ủy ban công nhân, một tổ chức đóng vai trò giống như Công Xã Paris (the Paris Commune) của năm 1792. Ủy ban Xô Viết đã trở nên một trung tâm điều hành và một diễn đàn công cộng của giới lao động nổi dậy trong đó có nhóm Cách Mạng Xã Hội, các người Menshevik và Bolshevik.
Ngày 14 tháng 3, hội đồng Duma dưới áp lực của Xô Viết Petrograd đã thiết lập một chính phủ lâm thời (Provisional Government) dưới quyền của ông hoàng Lvov. Và cũng do nhượng bộ, các người cấp tiến Duma đã chấp nhận hai đòi hỏi, đó là sự thoái vị của Sa Hoàng và sự nhậm chức của một nhân vật xã hội vào chính phủ mới: ông Alexander Kerensky, một nhà Cách Mạng Xã Hội ôn hòa. Sa Hoàng Nicholas II khi đó đang ở ngoài mặt trận và trên đường trở về một lâu đài ở gần Petrograd, đã bị một toán quân sĩ thuộc phe cách mạng chặn lại. Một số tướng lãnh khi đó đã khuyên Sa Hoàng nên từ chức. Vua Nicholas II đã nhượng bộ vì quá mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần và đã tuyên bố thoái vị để rồi vào tháng 7 sau đó, cả gia đình vương giả này đã bị một toán quân Bolshevik bắn chết hết, vì họ e sợ rằng Sa Hoàng và gia đình có thể trở nên một tụ điểm chống đối lại cách mạng. Ngày 17 tháng 3 năm 1917, nước Nga trở nên một nước Cộng Hòa và sự chuyên chế của gia đình Romanov đã bị chấm dứt sau 300 năm.
Theo bước chân của các cuộc cách mạng trước đó tại châu Âu, chính phủ lâm thời đã kêu gọi một cuộc phổ thông đầu phiếu dành cho nam giới để tiến tới một quốc hội lập hiến vào cuối năm đồng thời vẫn duy trì chiến tranh với người Đức. Một hứa hẹn khác của chính phủ lâm thời là sẽ phân phối lại đất đai cho nông dân nghèo nhưng họ đã không hành động sớm.
Tháng 4 năm 1917, một biến cố khác đã xẩy ra mà không được thế giới bên ngoài chú ý, đó là sự trở về đất Nga của Lenin. Do sự cho phép của Bộ Chỉ Huy Tối Cao Đức, Lenin được phép từ một nơi lưu vong tại Zurich, Thụy Sĩ, đi qua lãnh thổ Đức trên một toa xe lửa bịt kín. Nhiều người còn tin rằng tiền trợ cấp của Đức cũng được đưa vào tay các đảng viên Bolshevik. Theo một số nhà chiến thuật Đức, Lenin được đưa về nước Nga như một thứ vi khuẩn (virus) để làm hư hỏng nỗ lực chiến tranh sau khi Sa Hoàng Nicholas II rút lui. Về mặt này, Lenin đã làm đúng như vậy nhưng cũng không làm lợi cho các tướng Đức Von Hindenburg và Von Ludendorff.
Đối với chiến tranh, Lenin có một hướng nhìn đặc biệt khác với các đồng chí. Lenin tới ga Finland của thành phố Petrograd vào ngày 3 tháng 4 và được một số người đón tiếp. Trước đám đông, Lenin đã hùng hồn kêu gọi một cuộc cách mạng xã hội toàn cầu. Lenin đã đòi hỏi phải chấm dứt ngay chiến tranh, tịch thu tất cả đất tư, phá hủy nền hành chính thư lại, quân đội và cảnh sát và mọi quyền hành phải được trao về cho các Xô Viết của công nhân. Điểm sau này có tính cách quyết định. Lenin đã đưa ra hai khẩu hiệu tuyên truyền là Bánh mì, đất đai và Hòa Bình, và Mọi quyền lực phải về tay Xô Viết (All Powers to the Soviets). Lenin đã hiểu rõ sự mệt mỏi của nhân dân Nga đối với chiến tranh trong khi chính phủ lâm thời lại không nắm vững điều này.
Các Xô Viết xuất hiện từ tháng 2 năm 1917 và vào lúc đầu, đã ủng hộ chính phủ lâm thời nhưng do vận động ngầm của Lenin, sự cộng tác đã bị phá hoại để không có sự hợp tác nào giữa đảng Bolshevik và Hội Đồng Lập Hiến Tư Sản. Lenin đã biết dùng một chương trình hành động thích hợp với các trông đợi của các người lính chiến quá mệt mỏi, các công nhân đói khát và các nông dân thiếu đất canh tác. Lenin cũng hứa hẹn nhiều thứ với nhân dân Nga mà chính phủ lâm thời đã không làm.
Vào đầu năm 1917, tình trạng chiến đấu ngoài mặt trận xấu đi, nhiều đơn vị quân đội nổi loạn hay đào ngũ, nhiều sĩ quan bảo hoàng từ chối phục vụ chính phủ lâm thời, đa số quân lính gốc nông dân đã bỏ về quê vì họ không muốn vắng mặt lúc chia đất, các đơn vị trung thành bị các đội quân nổi loạn tấn công, các kẻ khuấy động Bolshevik hoạt động tại khắp nơi. Do đó, ý muốn phòng thủ của ông Kerensky trở thành một cuộc rút lui thảm bại. Tại các thành phố và nông thôn, tình trạng cũng bi đát, với nạn lạm phát rất cao tại Moscow và Petrograd, các đường giao thông bị gián đoạn đã làm cho bánh mì đắt như vàng. Vào lúc này, danh từ Cách Mạng đối với nông dân đồng nghĩa với cải cách ruộng đất. Cũng do khuấy động, nông dân đã nổi lên đốt nhà địa chủ, giết hại các người quý tộc, chiếm giữ đất đai. Trong hoàn cảnh hỗn loạn và do tuyên truyền hứa hẹn, đảng Bolshevik lúc trước nhỏ hẹp, nay đã được khá đông người mới ủng hộ.
Vào thời gian giữa ngày 3 tháng 6 và ngày 24 tháng 6 năm 1917, Đại Hội các Xô Viết Toàn Nga đầu tiên (the first All-Russian Congress of Soviets) đã họp tại thành phố Petrograd, đảng Bolshevik chiếm được 137 ghế trong số 1,090 ghế, trong khi đó các binh lính và thủy thủ tham gia với các người biểu tình ngoài đường phố, đòi lật đổ chính phủ. Chính phủ Kerensky lấy cớ này, ra lệnh đóng cửa tờ báo Pravda (Sự Thật) của nhóm Bolshevik, công bố rằng Lenin là một tên gián điệp của nước Đức, lùng bắt Lenin, Trotsky và các nhà lãnh tụ Bolshevik. Lenin đã phải chạy trốn qua miền đất Phần Lan (Finland).
Leon Trotsky, tên thật là Lev Davidovich Bronstein (1879-1940) sinh tại miền nam nước Nga, là con của một chủ trại giàu có gốc Do Thái. Vào tuổi thiếu niên, Trotsky đã có lần tổ chức đình công cho các công nhân của cha. Giống như Lenin, Trotsky đã bị cảnh sát của Sa Hoàng bắt hai lần và bị cầm tù. Trong thời gian nằm tù, Trotsky đã nổi tiếng trong số những người cấp tiến. Khi cuộc Cách Mạng xẩy ra vào tháng 2, Trotsky đang phụ trách xuất bản một tờ báo của các người Nga di cư tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Ngày 4 tháng 5 năm 1917, Trotsky trở về Petrograd. Trong các thời gian trước, Trotsky đã không đồng ý với Lenin về các lý thuyết xây dựng Đảng nhưng vào thời gian này, Trotsky đã sát cánh với Lenin trong việc tìm cách lật đổ chính phủ lâm thời.
Ngày 8 tháng 7 năm 1917, ông Kerensky được chính thức bổ nhiệm chức Thủ Tướng. Ông đã nhanh chóng liên hiệp các đảng phái xã hội cấp tiến và ôn hòa, và để làm vừa lòng phe hữu, ông đã ra lệnh chấm dứt việc chiếm giữ đất đai bất hợp pháp và đồng thời để làm cách biệt với các Xô Viết của thành phố Petrograd, bộ chỉ huy của ông đã dọn về Viện Smolny (the Smolny Institute) ở bên bờ phía tây của thành phố.
Rất không may cho ông Kerensky là phe hữu dưới quyền của Tướng Lavr Kornilov, chỉ huy trưởng quân đội Nga, định mở một cuộc đảo chính tại thành phố Petrograd. Ông Kerensky đã hành động một cách sai lầm là cấp phát võ khí cho các công nhân để đánh nhau với quân đội của Tướng Kornilov. Tới lúc này, các công nhân hỏa xa đã từ chối không chuyên chở quân lính của Tướng Kornilov về Petrograd trong khi Hồng Quân Bolshevik, một loại dân quân võ trang, lại được động viên về thành phố kể trên.
Trong khi ở Phần Lan, Lenin đã theo dõi diễn tiến của các biến cố. Ngày 7 tháng 8, Lenin lén lút trở về Petrograd. Ngày 9 tháng 8, ông Kerensky ra lệnh cho nhiều đơn vị quân đội rút lui khỏi thành phố Petrograd, một việc làm mà có người cho rằng ông ta dự mưu đầu hàng quân đội Đức trước khi Đảng Bolshevik nắm được quyền lực. Để đối phó với biến cố này, Xô Viết Petrograd đã cho thành lập Ủy Ban Cách Mạng Quân Sự (Military Revolutionary Committee) để chiếm các trại lính và võ trang các công nhân nhà máy trở thành các đơn vị Hồng Quân (Red Guard) trong khi đó Trotsky đi khắp các nhà máy, các trại đóng quân để chuẩn bị cho Hồng Quân chiến đấu.
Ngày 23 tháng 8 theo lịch cũ Julian (tức là ngày 6 tháng 11 theo lịch Gregorian), Hồng Quân đã chiếm Pháo Đài Peter and Paul mà không phải bắn một phát súng. Các người Bolshevik cho rằng ngày này là Ngày Khởi Nghĩa của cuộc Cách Mạng Cộng Sản Nga. 11 giờ đêm hôm 24 tháng 8, Lenin rời khỏi chỗ ẩn náu, cùng một số người võ trang tiến về Viện Smolny và kêu gọi dân chúng thành phố Petrograd nổi dậy. Các toán nhỏ Bolshevik có võ trang di chuyển đến nhiều địa điểm mà không gặp kháng cự. Các cơ quan của Chính Phủ Lâm Thời hầu như bỏ trống. 6 giờ sáng ngày 25, Ngân Hàng Quốc Gia, Trung Tâm Bưu Điện, Trung Tâm Điện Thoại, Nhà Ga chính, Nhà Máy Điện trung ương… đều ở trong tay các người Bolshevik. Không có tiếng súng kháng cự. Chiến hạm Aurora bỏ neo trên sông Neva đã kéo lên lá cờ đỏ, tượng trưng cho cuộc nổi dậy và hướng nòng súng về phía Cung Điện Mùa Đông, nơi ông Kerensky đang tìm cách chống đỡ. Một tùy viên của ông Thủ Tướng này đã nhắc với ông rằng: không còn một đơn vị binh lính nào mà Chính Phủ có thể trông cậy được. Ông Kerensky đã chạy khỏi Cung Điện sau buổi trưa và tìm cách trốn đi tị nạn, và sau đó tới Hoa Kỳ, nơi ông sống tới năm 1970. Lenin khi đó đã công bố rằng Quyền hành đất nước đã về tay Xô Viết Petrograd… Cuộc Cách Mạng của các công nhân, binh sĩ và nông dân muôn năm!
Vào đêm hôm 25, lúc 9 giờ 35, chiến hạm Aurora đã nổ súng, báo tin việc bắn phá Cung Điện Mùa Đông bắt đầu. Phần lớn các quan chức cao cấp bên trong đã đầu hàng Hồng Quân, kể cả quân đội của Chính Phủ Lâm Thời. Lúc 2 giờ 10 sáng ngày 26 tháng 8, các vị Bộ Trưởng còn lại của Chính Phủ Lâm Thời đã chính thức ký tên vào bản văn đầu hàng. Trong khi đó tại Viện Smolny, Đại Hội Xô Viết Toàn Nga hội họp, chính thức công nhận cuộc nổi dậy và chấp thuận một chính quyền mới với Lenin làm Chủ Tịch của Hội Đồng Các Ủy Viên Nhân Dân (Council of People’s Commissars), Trotsky làm Ủy Viên Ngoại Vụ, Stalin – một đệ tử của Lenin và cũng là chủ nhiệm đầu tiên của tờ báo Pravda (Sự Thật) – làm Ủy Viên Các Dân Tộc.
Từ nay bắt đầu Nền Độc Tài của Giai Cấp Vô Sản. Tháng 3 năm 1918, các đảng viên Bolshevik tự gọi mình là các người Cộng Sản. Cũng từ thời Lenin, khủng bố (terror) đã được dùng làm một phương tiện hữu hiệu để đối phó với các kẻ chống đối chính trị tại nước Nga và để biến đất nước Nga thành một miền đất Công An trị rất đáng ghê sợ mà cho tới ngày nay, Thế Giới bên ngoài chỉ biết rõ một phần hệ quả.
© Phạm Văn Tuấn
© www.vietthuc.org