Dân Chủ & Pháp Trị, Hai Tất Yếu Của Thái Bình
Bài trước viết tiễn năm Thân, nói chuyện Nhơn Quyền. Bài nầy viết đón năm Dậu tiếp tục đi tìm những cần thiết để có một quốc gia yên lành tử tế sanh hoạt ôn hòa, thái bình, thạnh vượng. Cùng với Nhơn Quyền, phải có một tập tục sanh hoạt chánh trị Dân Chủ, một hệ thống luật lệ và một tổ chức quản trị hành chánh Pháp Trị.
Ba yếu tố Nhơn Quyền, Dân Chủ và Pháp Trị là ba cái cẳng của cái kiền ba chân để có một quốc gia ngự trên một chế độ chánh trị vững chắc. Một chế độ chánh trị vững chắc mới tạo được một nền kinh tế phồn thạnh, mới đưa đất nước đến phú cường !
1. Tổ Chức Pháp Trị
Đó là giấc mơ của các hệ thống cơ chế Nhà nước Dân chủ trên thế giới. Ở Pháp, ngay từ những năm sau Thế Chiến II, 1945, sau mỗi lần có thay đổi chánh phủ lãnh đạo là mỗi lần đều có nói trong chương trình sự cần thiết là phải sữa đỗi chế độ Luật Pháp Nhà Nước. Ngay cả ngày hôm nay trong các thể chế Cộng hòa, với định nghĩa một đất nước thống nhứt, «một và không phân chia» (un et indivisible), quan niệm phân chia quyền hạn (séparation des pouvoirs) hay tam quyền phân lập, hay quan niệm phân chia quyền lực cho nhơn dân, dân chủ tham dự, vẫn còn mù mờ không rõ ràng. Tại sao khó khăn như vậy? Có phải tại từ ngàn xưa, quyền lực thường nằm trong tay kẻ cầm quyền: thời của các Vua Chúa, độc đoán, độc tài? Ở Pháp, ngay từ những ngày đầu nền Cộng Hòa (vì Jean Bodin là người đề nghị nền Cộng Hòa ngay từ thế kỷ thứ XVI), Jean Bodin (Angers Pháp 1530 – Laon Pháp 1596), tuy là nhà luật gia với một tư tưởng rất Tân Thế giới («Không có của cải hay sức mạnh nào bằng con người – il y a ni richesse ni force que l’homme » Six Livres de la République Livre V Chapitre II – Sáu Luận Thư về nền Cộng Hòa, Tập V Chương II), vẫn có cái suy nghĩ rằng, dù với một nền Cộng hòa, cũng nên giao quyền Lập Pháp cho các Nhà Cầm quyền. Và ngay cả ngày nay, những nhà luật gia hay chánh trị gia tân thời vẫn còn lẫn lộn cầm quyền và làm luật: « Nếu ta cầm quyền ta sẽ ban những Luật như thế nầy …. – Moi, président, je ferais … ». Hứa hẹn, hứa hẹn… Lời nói, lời nói, … quyến rũ… ngọt ngào… huyền ảo (của những con buôn giấc mơ) – Paroles, paroles…Như bài ca Dalida hát cùng với Alain Delon … được nghe thuở thiếu thời!
Ở Pháp thiên hạ vẫn còn tôn sùng các vị cầm quyền sáng giá : Vua Henri IV đã dẹp yên vấn nạn Giáo Chiến, tướng Bonaparte, với những tranh giành ảnh hưởng sau cuộc Đại Cách Mạng, tướng De Gaulle, với những vấn nạn do các Đảng Phái…Và ngày nay ? Với tình hình khủng hoảng kinh tế, một quốc gia như nước Pháp phải trả một cái giá rất đắt, vì phải vòng vo thương thuyết, vì phải đi tìm những giải pháp chánh trị và kinh tế ngoại lệ, phá cách, phá lệ, phá rào. Phải, hoặc, sử dụng ở chổ nầy, những luật phá rào kinh tế (dérèglementation) hoặc, bãi bỏ ở những chổ khác, những rào cản thuế vụ (niches fiscales), hoặc ban bố ơn huệ tài chánh bằng những luật thuế vụ khuyến khích (incitations fiscales), … trong khi cũng còn, phải áp dụng những biện pháp cải tổ, do các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, thuộc cả hai phe cầm quyền và đối lập đề nghị, theo cả hai trường phái tự do (kinh tế thị trường) và xã hội (kinh tế chỉ đạo).
Nhưng việc cần thiết, phải làm, để cải tổ nền Pháp trị,
Và chúng tôi tha thiết nghĩ là rất cần thiết, là cải tổ ngành Tư pháp, vì trên nguyên tắc, ngành Tư pháp phải được độc lập và thoát khỏi quyền lực chánh trị, và nếu có thể, nên trao quyền kiểm soát cho dân, qua việc nhiệm cách của Quốc hội.
Ngành Tư pháp phải được độc lập, phải có nhiều quyền hạn và nhiều trách nhiệm hơn. Viện Kiểm Soát, hay Tối Cao Pháp Viện phải được độc lập, thoát khỏi ảnh hưởng quyền lực chánh trị và thành viên phải do dân cử. Chương trình và đường hướng chánh trị của ngành Tư pháp phải được đưa ra bàn cải trước Quốc hội hằng năm và biểu quyết.
Ngược lại, tại những quốc gia độc tài, như Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam ngày hôm nay, việc phân nhiệm tam quyền, chỉ là hình thức múa rối, bằng cách “Đảng cử dân bầu người dân cử” : nghĩa là Đảng cử tay sai, đồng bọn, ra diễn tuồng “phân nhiệm, chia quyền” với nội bộ bè đảng. Chỉ những người có thẻ Đảng, có cảm tình với Đảng, tay sai của Đảng, mới đóng vai vế “hành pháp, lập pháp và tư pháp” và có khi cả quyền thứ tư là quyền thông tin. Đúng là “chia chác” đồng đều theo quy hoạch đảng phiệt, theo hệ thống lớp lang “xã hội chủ nghĩa”… cộng sản ! Vì vậy, chúng ta cần phải định nghĩa rõ ràng những từ ngữ và những ý niệm chánh trị sau đây.
2. Cộng hòa, Đế quốc, Dân chủ, Quân chủ
Theo thông lệ, thiên hạ cho Cộng hoà và Dân chủ là hai quan niệm hoặc đối nghịch lẫn nhau hoặc thay thế cho nhau. Theo Aristote,
Cộng hòa là định nghĩa cho một thể chế tổ chức xã hội mà lợi ích hàng đầu là phục vụ cho lợi ích chung – (Rès Publica = Phục vụ cho Cái Chung – Pour La Chose Publique). Quyền lực do pháp luật áp dụng bình đẳng cho mọi thành phần cá nhơn có tự do trong xã hội. Thể chế ngược lại là thể chế độc tài, hay đế quốc.
Dân chủ – quyền lực ở nhơn dân, về phương thức quản trị. Một quốc gia theo chiều hướng dân chủ, có thể dùng phương thức quản trị Quân chủ: Vương Quốc Anh, Vương quốc Bỉ, Đan Mạch, … hay dùng phương thức quản trị bằng giai cấp quý phái như thời Cộng hòa Venise, và cả một vài quốc gia cộng hòa ngày nay trên thế giới.
Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ, phân tích và đi sâu vào trình độ Văn hóa và giai cấp xã hội, các nhà cầm quyền ngày nay trên các quốc gia tiên tiến đếu xuất thân từ những Trường Đại học chuyên môn về Luật học và Chánh trị học, đặc biệt đào tạo những chánh trị gia lỗi lạc: ở Mỹ là các Học đường Harvard, Columbia, ở Anh, Oxford, Cambridge. Đặc biệt ở Pháp, có phải các trường Chánh trị học (Sciences Politiques) và các Trường Quốc Gia Hành Chánh (ENA Écoles Nationales d’Administration) đều huấn luyện và cung ứng một giai cấp quý tộc bằng cấp.
Cả ở những địa hạt quản trị lãnh đạo kinh tế, tài chánh và luật pháp, với phương thức bảo trợ lẫn nhau, các nhân viên Ngân hàng cao cấp là những thành viên (member-associate), các Luật sư cao cấp là những Luật sư associates. Tất cả các ngành quản trị lãnh đạo đất nước đều phải qua hệ thống bảo trợ nghề nghiệp (cooptation professionnelle). Phần quản trị lãnh đạo thực sự bình dân, do dân cử, chỉ còn ở phần hạ tầng cơ sở… như Xã trưởng các làng xã nhỏ. [
Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp sử dụng phương thức hổn hợp: một nền Công hòa, một Tổng thống dân cử với một quyền hạn quân chủ, với một chánh phủ quý tộc, quan chức hành chánh xuất thân trường ENA. Thậm chí Đảng đối lập, khi Tả lúc Hữu, cùng đếu do các viên chức cùng lò ENA điều khiển. Hiến Pháp thành lập nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp nầy phát xuất từ những ý kiến của Tướng De Gaulle không lấy gì làm Dân chủ cho lắm !
Để bổ túc cái thiếu thốn về sanh hoạt Dân chủ ấy :
Và để thực hiện một nền “Dân Chủ Chân Chánh”, dân chúng thường lập những Tổ chức Xã Hội Dân Sự. Vì hệ thống chánh trị (la structure politique) thiếu dân chủ, người ta phải tạo ra những “tác viên dân chủ” (des acteurs/actants démocratiques) ấy.
Đó là cách tổ chức Xã Hội Dân Sự (sociétés civiles)
Những hội đoàn, (ở Pháp, lập theo luật 1901 – tháng 7 /1901 ; ở những quốc gia theo luật anglo-saxon, là những hội đoàn “bất vụ lợi” / non profit organization), những hội đoàn phi chánh phủ (NGO : non governemental organizations), và các nghiệp đoàn [giáo giới, lao động, báo chí] v.v… Các tổ chức này là những “tác viên dân chủ” có khả năng tham dự [hoặc ảnh hưởng gián tiếp] vào quyền lực quản trị, hành chánh của Nhà nước.
Vậy chúng ta thấy rõ cần phải kêu gọi cải tổ hệ thống dân chủ ở nhiều địa hạt. Sau khi đề nghị cải tổ nền Pháp trị, bằng cải tổ lại ngành Tư pháp, chúng ta phải nghĩ ngay đến việc cải tổ cột trụ thứ hai của một nền Dân chủ tân tiến : đó là ngành Giáo dục.
Dân chúng tham dự vào chánh trị chưa đủ. Dân chúng cần phải có những hành động sáng suốt, có khả năng giành lấy những quyết định chánh đáng. Hiện nay, ở các nước tiên tiến và nhứt là ở Pháp, chỉ có một số ít trường dạy cho công dân bình thường thành những chánh trị gia có những hành động quyết định chánh trị. Ngoài hệ thống ưu tú Harvard, Columbia ở Mỹ, Oxford, Cambridge ở Anh và ENA (Quốc Gia hành chánh) ở Pháp, cần có một hệ thống “giáo huấn mở rộng” tìm cách quảng bá và phối hợp quan niệm chánh trị, kinh tế hành chánh vào các ngành nghề khác để tạo những người quản trị đất nước tương lai với những cái nhìn hổ tương với nhau, với những góc độ nghề nghiệp khác nhau, và xa hơn nữa với những tiểu sử giai cấp khác nhau. Đó là quan niệm “đầu tư kết sanh nhơn sự”, nương tựa và bổ túc lẫn nhau để thêm hài hoà, hữu hiệu.
Một lần nữa phải (mặc dù không muốn) nói đến Việt Nam để đo lường cái mức độ xa cách thiếu Dân chủ ấy. Toàn bộ bộ máy hành chánh nay đều do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Ghê gớm hơn và quỷ quyệt hơn, tất cả các bực thang hành chánh đều nhân đôi. Bên cạnh bộ máy hành chánh của Chánh phủ và Nhà nước, bộ máy hành chánh do Đảng nằm cạnh kiểm soát. Người dân bị kiểm soát bởi các thế lực kềm kẹp tại nhiều bề diện: diện “thi hành phần xác” do hệ thống hành chánh «dân sự» với những cường hào ác bá, cửa quyền tham nhũng bóc lột, diện chánh trị chỉ đạo, do các “apparachik”, người của bộ máy Đảng Cộng sản kiểm soát, nhưng nguy hiểm hơn là ở phần tư tưởng tức là phần hồn. Tất cả các chánh trị gia Việt Nam, với sở trường quản trị bằng bạo lực và tham nhũng, đều phát xuất ở một lò đào tạo tư tưởng độc nhất, đó là cái giáo đường Chủ nghĩa Cộng sản Mác Lê-nin Mao Hồ lỗi thời, cũ rích, đã từng phá sản cả trên 20 năm nay.
3. Phát huy Dân Chủ: bằng Cải Tiến Tổ Chức Xã Hội hay bằng Cải Tổ Nền Pháp Trị?
Khi chúng ta nhìn vào những phúc lợi đang được hưởng ngày nay của những công dân tại các quốc gia tân tiến trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải nhìn nhận rằng những tiên tiến ấy là do sự thắng lợi của những đấu tranh để cải tổ Xã hội về điều kiện làm việc, luật lệ làm việc, điều kiện tổ chức ngày giờ giữa những ngày nghỉ, ngày làm việc, lương bổng, đến những luật lệ xã hội, quỹ hưu bổng, tuổi về hưu… thậm chí đến quỹ Sức khoẻ, quỹ An Sinh Xã hội, Giáo dục và cưởng bức giáo dục, nhà ở.
Nhà nước Bác ái (Etat providence), vì cưu mang công dân của mình từ lúc mở mắt chào đời đến tuổi già xuống lỗ, đã tạo nên nền ổn định xã hội, song song với việc củng cố nền Cộng hòa (như nền Cộng hòa Pháp). Thủ tục Tổ chức Xã hội là những yếu tố điển hình của đời sống chánh trị tại đa số các quốc gia Âu châu. Thế nhưng, Thủ tục Tổ chức Xã hội có thể xóa bỏ các tranh chấp giữa những cộng đồng chủng tộc không? Những tệ nạn xã hội vẫn còn: phân chia nam nữ (gender, sexisme), kỳ thị chủng tộc, hà hiếp kẻ dưới quyền, đuổi người vô cớ … Thủ tục Tổ chức Xã hội không thể giải quyết mọi vấn đề, vì Thủ tục Tổ chức Xã hội không thay thế được tất cả đời sống chánh trị. Chỉ có,
Pháp luật mới cải tổ đời sống chánh trị, mới đem những cải thiện vào Xã hội, trên căn bản Pháp luật Chánh trị (droit politique).
Muốn phát huy tổ chức cải thiện xã hội, cần trước tiên có một nền Pháp Luật Chánh trị tiên tiến, có khả dụng cải tiến và hữu hiệu hoá cơ bản Dân chủ.
Kết Luận: Quái Tượng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam?
Danh xưng đó chỉ là một cái vỏ không rộng tuếch. Thực sự, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không phải là một Cộng hòa, vì thiếu nền Pháp trị, vì không có sự phân chia minh bạch về quyền lực. Tam quyền phân lập ở Việt Nam chỉ là một cuộc phân nhiệm do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Cũng từng ấy người cán bộ cao cấp lãnh ba nhiệm vụ khác nhau.
Kể cả xã hội dân sự và quyền tham dự chánh trị của người dân, Dân biểu là đại diện dân do « Đảng cử dân bầu » để ‘gọi là’ ! Các hội đoàn, đoàn thể đều do Đảng tổ chức, đề cử Ban lãnh đạo và gom lại trong một bộ phận ngoài Nhà nước là Mặt Trận Tổ quốc (nhưng do Đảng kiểm soát).
Vì không có Đảng đối lập nên Dân chủ không có, còn định nghĩa Xã hội Chủ nghĩa thì Xã hội và tổ chức xã hội cũng không tìm thấy…
Nói như vậy để nhắn với các vị đại diện Nhà Nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa chớ tuyên bố định nghĩa từ ngữ các tư tưởng hay các quan niệm như Dân Chủ, Tự Do, Nhơn quyền, Độc lập … làm gì ! Quý vị cứ thẳng thừng và hãnh diện tuyên bố : nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa chúng tôi là một nước độc tài, chúng tôi là Đảng Cộng sản, chúng tôi là người Cộng sản. Chúng tôi cầm quyền, làm luật, làm toà, làm hội đoàn, làm sản xuất, làm kinh tài, làm tiền, làm mật vụ, làm đủ mọi thứ, vì Đảng Viên, vì quyền lợi của Dân-có-thẻ-Đảng.
Ở Việt Nam của chúng tôi, không có Tự do, không có Nhơn quyền, không có Dân chủ.
Quốc gia Việt Nam chúng tôi là một quốc gia theo chế độ Cộng sản Quốc tế, chúng tôi không có biên cương giới hạn lãnh thổ gì với anh láng giềng Trung Quốc, cũng cùng chế độ Cộng sản Quốc tế như chúng tội. Hai chúng tôi là một, một chế độ, một Tổ quốc !
Như vậy “đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại, khúc ruột dư, ruột thừa, ruột thãi ngàn dặm” không nên hiểu mù mờ, vớ vẩn, và các anh Tây phương đấu tranh Nhơn quyền tào lao… không nên đi thăm, du dương ủng hộ các Nhà dân chủ Việt Nam bậy bạ, rủi gặp Côn an Việt cộng hỏi giấy tẩy chay, phải tông cửa sau trốn về ! Tội nghiệp lắm !!!
Cho nên dẫu rằng người « phi chánh trị », dù là thương cha nhớ mẹ, nhớ nước, thương nhà, dù là chỉ về ăn Tết, cũng không đi du hý Việt Nam, Ăn Tết ở quê nhà – nguy hiểm vì thức ăn đầy chất độc… vì tình trạng bất an do Côn An Cộng Sản hoành hành !
Rõ ràng và dứt khoát ! Mong lắm !
Hồi Nhơn Sơn, Tân Niên Đinh Dậu
TS Phan Văn Song
DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC
KHƯỚC TỪ TRÁCH NHIỆM [DISCLAIMER]
Những tài liệu đăng trên DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC nhằm thực thi tự do ngôn luận cá nhân, đa diện, tập thể, nên không phản ánh quan điểm hay lập trường của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC [Viet Thuc Foundation]. Mọi ý kiến và tài liệu đăng tại DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC chỉ có tính cách thông tin, tham luận nhằm giúp độc giả gần gũi với thời cuộc liên quan tới văn hoá, giáo dục, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tài chính, luật pháp, chính trị, v.v. hiện hành tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Quý độc giả cần tìm hiểu kỹ lưỡng về sự chính xác, mức độ cần và đủ của tài liệu trước khi ứng dụng. Do đó DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC khước từ trách nhiệm về nội dung và cách sử dụng những ý kiến, tài liệu và thông tin nhận được đăng trên bổn báo. Tuy nhiên, việc tham khảo thông tin và những ý kiến cần thiết, trình bày theo tinh thần cởi mở, tương kính, hoà nhã, sẽ giúp quý độc giả thêm phương tiện so sánh kiến thức một cách xây dựng, quy mô, đa dạng. Đó là điều mong ước của DIỄN ĐÀN VIỆT THỨC.