Huỳnh Thục Vy là một cây bút chính luận trẻ tuổi ở Việt Nam với những bài viết phê phán thực trạng trong nước được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại qua các trang blogs. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những bài viết của cô về các đề tài cách mạng, dân chủ, nhân quyền, luật pháp… không chỉ thể hiện một kiến thức tự học có nền tảng mà còn một sự suy nghĩ sâu sắc vượt tuổi của mình. Có lẽ cô là một trong những cây bút chính luận hiếm hoi đã có nỗ lực nối truyền thống tâm linh của mình với con đường cách mạng dân chủ và nhân quyền của dân tộc.
Những bài viết của Huỳnh Thục Vy, cũng như hoạt động của cả gia đình cô, đã khiến cho chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách trấn áp. Cha của cô là nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn bị đe dọa là phải làm áp lực với con gái chấm dứt các bài viết của mình: “…Nếu con anh gặp vấn đề gì thì thời gian còn lại trên cuộc đời này sẽ rất vô nghĩa!” Lê Khánh Duy, hôn phu của Huỳnh Thục Vy, cũng bị công an nhắn gửi những lời hăm dọa độc ác: “Tao nói với mày, con Vi nó hết cơ hội làm lại cuộc đời rồi, nó muốn con nó phải sống trong xã hội thế này thế nọ. Tao chắc với mày, biết nó có thể còn đẻ được nữa hay không!”
Chúng tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thục Vy sau khi cô bị áp giải từ Sài Gòn về Quảng Nam sau cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 năm 2012. “Dạ, con là Huỳnh Thục Vy đây!” tiếng nói nhỏ nhẹ của đứa con gái xứ Quảng kiên cường từ bên kia đầu dây điện thoại.
Huy Phương: Chào Huỳnh Thục Vy! Trước hết xin cháu cho độc giả Người Việt biết sơ qua vài dòng về tiểu sử của cháu, vì cũng có nhiều người chưa biết nhiều về cháu trước khi chúng ta bắt đầu vào câu chuyện.
Huỳnh Thục Vy: Con sinh năm 1985. Gia đình con nguyên quán ở Tam Kỳ, nhưng gia đình con chuyển về sinh sống ở xã Tam Phú. Con mồ côi mẹ từ năm lên sáu (1991). Qua năm sau, 1992 thì ba con (Huỳnh Ngọc Tuấn) bị bắt, về tội viết văn “tuyên truyền chống chế độ,” về sau sửa lại là tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự, và bị kết án tù bởi một bản án của tòa án Quảng Nam-Ðà Nẵng. Mẹ mất được một năm thì cha vào tù, gia đình con gặp quá nhiều khó khăn nên hai người cô của con, đều không lập gia đình, là Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng đã đem chị em con về nuôi, từ đó đến nay. Sau đúng 10 năm (27 thángg 10, 2002) ba con ra tù, trở về, chịu thêm 4 năm quản chế. Qua năm sau (2003) thì con mới tốt nghiệp lớp 12, gia đình quá nghèo, nên không thể tiếp tục đi học, phải xin đi làm công nhân cho một hãng điện của Nhật ở Ðà Nẵng.
Người ta thường gọi con là blogger, nhưng thật ra con không có blog riêng. Mà chỉ viết bài rồi gửi cho chú, bác thân hữu của gia đình và nhất là trên Ðàn Chim Việt từ năm 2008.
Huy Phương: Gia đình cháu có liên hệ gì với chế độ VNCH trước năm 1975 không? Ðộng lực nào đã thúc đẩy cháu bắt đầu viết những bài đăng trên Ðàn Chim Việt, những bài báo mà chính quyền trong nước hiện này không ưa, và cũng chính vì đó mà bản thân cháu cũng như gia đình bị trù dập không nương tay?
Huỳnh Thục Vy: Gia đình con không có ai phục vụ trong chế độ VNCH, ông nội con là một nông dân. Năm 1975, cha con mới 18 tuổi. Gia đình con không có liên quan gì nhiều đến cả hai phía trong cuộc chiến tranh Việt Nam vì thế mối tương quan tình cảm của con trong cuộc chiến hầu như rất ít.
Con là một người dân bình thường ở Việt Nam, có lương tri trung bình, có một kiến thức trung bình cũng có thể hiểu được tất cả những điều tồi tệ, xấu xa đang xảy ra ở Việt Nam, mà những điều tồi tệ xấu xa này xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị. Chỉ cần một lương tâm và một kiến thức trung bình thôi, người ta ai cũng hiểu, nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi hoặc người ta có liên quan đến quyền lợi với chế độ này. Con cũng như tất cả những người khác lớn lên trong những khó khăn như vậy và trực tiếp đã có những cảm nghĩ sống động về cái xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản này thì mình phải nhận ra những điều này chứ không thể không biết được. Con đã có những cảm nhận thực tế về chế độ này và phải viết bài để nói lên những cảm nhận đó. Con đã có học một chút luật để hiểu thêm những vấn nạn của Việt Nam hiện tại, về hệ thống chính trị mà luật pháp là một vấn đề quan trọng.
Huỳnh Thục Vy (bên phải) và thân phụ (giữa) cùng cậu em trai út Huỳnh Trọng Hiếu.
(Hình: Huỳnh Thục Vy cung cấp)
Huy Phương: Khi cháu đã dấn thân vào con đường viết lách và phê phán chế độ Cộng Sản này, cháu có nghĩ đến những khó khăn, nguy hiểm sẽ đến với cháu không?
Huỳnh Thục Vy: Chế độ này cai trị bằng khủng bố, bằng đe dọa vin vào sự sợ hãi của người dân. Sợ hãi vì khủng bố cũng là chuyện bình thường, nhưng con nghĩ, sống sao cho đúng nghĩa là một người có lương tâm và có tri thức. Vì con người có tự do nên con nghĩ là viết và phải viết để nói lên những cảm nghĩ của mình về cuộc sống, về xã hội. Ðó là quyền của con người và không ai có thể cướp đoạt của mình được. Nếu có một kẻ nào đó hay một chế độ nào đó có thể tước đoạt cái quyến ấy của con, thì chính hành động đó đã trưng bày rõ cái bản chất xấu xa của người ta và công luận trong nước cũng như hải ngoại và toàn thế giới sẽ lên án. Con hy vọng những bài viết nói lên chính kiến của mình sẽ cho các bạn trẻ có một cái nhìn chính xác về xã hội Việt Nam hiện tại, và việc mở rộng tư duy, mở rộng kiến thức, nâng cao dân trí có thể làm cho dân chủ bén rễ ở Việt Nam để chúng ta có hy vọng cho tương lai, xây dựng một nền dân chủ cho đất nước.
Huy Phương: Từ khi những bài viết của Huỳnh Thục Vy hiện diện trên Ðàn Chim Việt và được phổ biến, phát tán rộng rãi trên Internet, thái độ của chính quyền Việt Nam như thế nào và bản thân cháu cũng như gia đình đã bị khó khăn, gặp hoạn nạn như thế nào?
Huỳnh Thục Vy: Con bắt đầu viết bài từ năm 2008, nên qua năm 2009, con đã bị công an địa phương gửi giấy mời lên “làm việc”. Con đã giữ thái độ bất hợp tác bằng cách không tuân hành giấy mời, nên sau đó công an đã đến nhà con để trực tiếp hạch hỏi và hăm dọa. Từ đó đến nay gia đình đã bị sách nhiễu, quấy rối nhiều lần một cách vô lý.
Ngày 8 tháng 11 năm 2011, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đưa một lực lượng công an chìm nổi, phối hợp với đoàn thanh tra của Sở Thông Tin-Truyền Thông Quảng Nam, chừng 200 người án ngữ mọi nẻo đường chung quanh ngôi nhà gia đình con đang cư ngụ ở Ðội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Họ đột nhập vào nhà con, khám xét, niêm phong và tịch thu bộ computer, 1 thùng CPU rời, 1 máy in hiệu Canon, 1 bộ loa, và các dụng cụ dùng cho máy vi tính với tội trạng: “Phát tán trên mạng những tài liệu chống đảng, nhà nước, phá hoại sự đoàn kết dân tộc.”
Ngày 22 tháng 11 năm 2011, trên các tờ báo lớn của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đồng loạt đưa tin về việc xử phạt ba cha con 260 triệu đồng (tiền Việt Nam) vì đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chưa đầy một tháng sau, cả trăm công an đã xông vào nhà con, hành hung, đánh đập con, bà nội con, Mai Thị Yến, đã 85 tuổi, em trai con là Huỳnh Trọng Hiếu và hai người cô con. Họ đọc ba quyết định “xử lý vi phạm hành chính” về lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó: Phạt cha con 100 triệu đồng, bản thân con, Huỳnh Thục Vy 85 triệu đồng, và em trai con, Huỳnh Trọng Hiếu 85 triệu đồng. Tổng cộng 270 triệu đồng (!) Sau đó, họ tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động của toàn gia đình con và bắt em họ con là Huỳnh Ngọc Lễ (đang mặc áo “cắt lưỡi bò” No-U) lên xe chở về đồn công an vì “chống người thi hành công vụ” (do đã xông vào để bảo vệ cho con đang bị công an đánh). Sau khi họ rút hết khỏi nhà, hai người cô con đã phát giác ra việc mất 3,000 đô la, cất trong tủ áo, nhưng không biết kêu oan, khiếu nại ở đâu!
Huỳnh Thục Vy và Lê Khánh Duy. (Hình HTV cung cấp)
Huy Phương: Câu chuyện gia đình cháu đi Saigon biểu tình ngày 1 tháng 7, 2012 và sau đó bị áp tải về lại Quảng Nam như thế nào?
Huỳnh Thục Vy: Ngày 1 tháng 7, gia đình con gồm có ba chị em, vị hôn phu và anh rể con cùng vào Saigon để đi biểu tình chống Trung Cộng, phần con bị bắt đem về công an phường, làm việc hơn 13, 14 tiếng đồng hồ, đến khuya mới được thả về. Sau đó, ngày 4 tháng 7, 2012, công an đánh giấy mời gửi về nơi con tạm trú tại Saigon khi vào biểu tình, yêu cầu con đến đồn công an phường Tân Quy (Quận 7, TP.HCM) để làm việc, ký giấy phạt con 1 triệu rưỡi đồng “vi phạm hành chánh” về tội “gây rối trật tự công cộng.” Tại đây con thấy có mặt những nhân viên công an Quảng Nam, những người đã xét nhà và đánh đập gia đình con. Con tưởng đến đây là xong, toan đứng dậy ra về thì bất thình lình chúng thô bạo, lôi kéo con ra xe, một chiếc xe 12 chỗ ngồi, mang biển số Quảng Nam. Chồng con can thiệp thì bị công an dùng vũ lực ngăn cản và xô đẩy anh ấy một cách tàn nhẫn. Xe chạy rất nhanh, trong thời gian 17 tiếng, hình như họ muốn đưa con về cho kịp thời gian, với mục đích gì đó mà con không hiểu. Suốt 17 tiếng đồng hồ, không được ăn uống, ngủ nghỉ gì, và bị thẩm vấn liên tục trên đường đi, về đến đồn công an Quảng Nam mới được cho ăn chén cháo và uống nước. Chúng hỏi con đi biểu tình có dụng ý gì, viết bài có dụng ý gì, chuyện này con thấy đã quá nhàm rồi, nhưng chúng vẫn hỏi để làm cho đầu óc mình căng thẳng, cạn kiệt sức khỏe.
Sau khi về đến Quảng Nam con bị sụt ký nhưng nghĩ sức khỏe cũng không sao, tinh thần vẫờn bình thường. Trong lần này họ lại đến nhà, lấy đi hai máy laptop, hai điện thoại di động, nói là để trừ vào số tiền phạt 270 triệu đồng ($14,000 đô la) theo quyết định của họ năm ngoái. Từ đầu năm nay chính quyền đưa xuống cho ba cha con con một quyết định hành chính gọi là thi hành lệnh phạt, và cho biết có thể cưỡng chế tài sản của mình bất cứ lúc nào. Chỉ tiếc là hai laptop này không phải của con mà là của anh rể và chị chồng con. Máy của anh rể con là máy cực tốt, giá đến 20 triệu đồng.
Huy Phương: Một lực lượng không nhỏ những người đấu tranh chống chế độ CS hiện nay là những người đã bị chế độ này trực tiếp hay gián tiếp kỳ thị, bóc lột, khủng bố, và thậm chí sát hại. Chính cháu và gia đình cũng đã phải chịu đựng những khủng bố của chính quyền. Và, trong bất cứ cuộc cách mạng nào, người ta cũng vận động lòng căm thù đối phương để làm động lực đấu tranh. Nhưng trong bài Sự Nguy Hiểm của Truyền Thống, cháu viết: “Tự bản thân mình, tôi hiểu rằng hoa Dân Chủ Tự Do sẽ không thể nở trên cánh đồng hận thù và hẹp hòi.” Cháu có thể chia sẻ thêm những suy nghĩ của cháu về vấn đề này không?
Huỳnh Thục Vy: Ðối với con, một thể chế chính trị dân chủ, tự do, pháp trị là một mô hình thực sự tốt đẹp. Chính trị và xã hội dựa vào nền luật pháp nghiêm minh với tam quyền phân lập, với một chính phủ hiệu quả và một tòa án độc lập là ưu thắng. Nhưng một thể chế chính trị tốt đẹp và nền luật pháp minh bạch không thể hoạt động hiệu quả trong một xã hội với nền văn hóa suy bại. Nói khác hơn, một nền văn hóa xã hội tốt đẹp và lành mạnh hỗ trợ rất nhiều cho việc thiết lập một nền chính trị tốt. Bởi vậy con là người coi trọng văn hóa. Và con tin rằng nỗ lực dân chủ hóa phải đồng hành cùng với việc khai dân trí, phục hưng văn hóa cổ truyền tốt đẹp và kiến tạo văn hóa tinh hoa hiện đại. Tự do dân chủ là những giá trị tích cực, không thể hoạt động trên mảnh đất tiêu cực. Con coi trọng việc đào tạo những con người với phẩm chất tốt trong xã hội.
Huy Phương: Ðối với cháu, niềm tin vào chính mình như một người có lương tâm và có tri thức có thể đã đủ để thắng nỗi sợ hãi và để can đảm nói lên cảm nghĩ của mình về cuộc sống về xã hội, cụ thể là xã hội Việt Nam dưới chế độ toàn trị Cộng Sản. Cháu có lời động viên nào có thể giúp cho các bạn trẻ vượt thắng nỗi sợ hãi chế độ để cùng đồng hành với cháu và những người yêu nước khác nếu niềm tin vào lương tâm và tri thức của chính mình của họ chưa đủ?
Huỳnh Thục Vy: Tư lợi là bản chất cơ bản của con người. Vì người ta tư lợi, nên người ta cố bám víu vào chút lợi ích trước mắt, hoặc tiếc rẻ sự an toàn hiện tại mà không dám đấu tranh. Nhưng nếu có lời nào con muốn nói với các bạn trẻ thì đó là: bạn có biết rằng sự thờ ơ và thụ động của bạn có thể khiến bạn mất tất cả những lợi ích và sự an toàn hiện tại hay không? Bởi khi đất nước bị ngoại xâm, hoặc vì chế độ thối nát mà lụn bại, tương lai của bạn và con cháu bạn có sáng sủa không? Nếu bạn vẫn tiếp tục sống trong ích kỷ và sợ hãi, những cái bạn mất còn nhiều gấp bội phần những cái bạn có thể giữ được nhờ vào sự cầu an.
Huy Phương [Người Việt]