Chiều 27 tháng 9, sau nhiều ngày trì hoãn cơ quan công an đã công bố quyết định khởi tố 4 người gồm: Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, PCT HĐQT Ngân hàng ACB về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các ông Trần Xuân Giá, ông Trịnh Kim Quang, ông Phạm Trung Cang, và ông Lê Vũ Kỳ (từ trái sang phải-trên xuống) RFA file
Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan nguyên tư vấn kinh tế tài chánh cho Văn phòng Thủ tướng để tìm hiểu thêm nội dung câu chuyện.
Mặc Lâm: Ngày hôm qua chính phủ đã công khai cho biết đã khởi tố 4 người trong Hội Đồng Quản Trị của Ngân Hàng ACB, dưới cái nhìn của bà thì những diễn biến này có đáng khích lệ không trong lúc tình hình tài chánh ngân hàng đang yếu kém hiện nay ở trong nước?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ trong tình hình tài chính ngân hàng đang có biểu hiện yếu kém thì có lẽ việc tìm ra một số cá nhân gây ra những chuyện như vậy cũng cần thiết, bởi vì nếu chỉ nói yếu kém chung chung mà không tìm ra được chỗ nào, hay ai là người gây ra chuyện thì cũng sẽ không thể nào giải quyết được. Cho nên bắt đầu bằng việc truy tìm một số vi phạm pháp luật đối với việc sử dụng tiền của ngân hàng, ví dụ vụ ACB, thì tôi nghĩ rằng đây là việc cần thiết.
Sở hữu chồng chéo
Mặc Lâm: Sau khi người ta phát hiện ra cái lỗ hổng của các quy phạm pháp luật bị lạm dụng như chỉ một vài nhân viên ngân hàng bậc trung như bà Huỳnh Thị Huyền Như của Vietinbank lại có thể thu gom một lúc hơn 790 tỷ bạc với sự trợ lực của Ngân Hàng ACB, điều này xem ra rất nguy hiểm và nó đưa ra một câu hỏi là liệu vấn đề “sở hữu chéo” nhà nước có nên coi lại để trước khi nó trở thành một vấn nạn không thể giải quyết. Theo bà, ý kiến này như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Sở hữu chéo là một trong những vấn đề lớn nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, do nó có thể dẫn đến tình trạng họ có thể móc ngoặc với nhau giữa một số cá nhân, thậm chí giữa một số tổ chức để tạo nên những giao dịch ảo mà chỉ mang lợi cho một số ít người lạm dụng, nhưng nó gây hại chung cho cả hệ thống ngân hàng, nó làm cho sự tin tưởng hệ thống ngân hàng giảm đi rất mạnh trong công chúng.
Quản lý lỏng lẻo
Mặc Lâm: Về vấn đề quản lý thì các ngân hàng cổ phần thương mại thuộc trách nhiệm của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, thế nhưng Thống đốc Ngân hàng đã từng trả lời là không biết nợ xấu của ngân hàng hiện nay là bao nhiêu phần trăm. Sự quản lý lỏng lẻo như vậy bà có nghĩ rằng nó bắt nguồn từ chỗ thiếu vắng sự quản lý của hệ thống hay nó còn có một việc gì đó không trong sáng của cán bộ quản lý khi điều hành ngân hàng?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cho là phải xem lại hai mặt, ở đâu thì nó cũng vẫn có những vấn đề về hệ thống. Nếu hệ thống quản lý đã được đưa vào luật mà không được thực hiện thì nó có thể chưa ổn ở ngay bản thân hệ thống, những quy định chưa đầy đủ, không đủ công cụ để phát hiện những tình trạng nghiêm trọng xảy ra. Một mặt khác thì bao giờ thực hiện hệ thống cũng phụ thuộc vào con người thành ra các vấn đề con người ở đây nó có thể là về năng lực, về hiểu biết, về trình độ, và cũng không loại trừ có những động cơ cá nhân không đúng và gây hại cho công việc chung.
Thiếu nghiêm minh
Mặc Lâm: Việc đem đồng tiền của ACB để cho những ngân hàng khác vay với lãi suất trái với quy định của Ngân Hàng Nhà Nước, việc này chính bản thân ông Trần Xuân Giá cũng như 3 vị phó chủ tịch HĐQT của ACB đã phê duyệt, nhưng nhìn kỹ thì người ta thấy rõ ràng là nhà nước đã có một cách đối xử với 4 vị này không được hợp lý như việc bắt Bầu Kiên.
Theo bà thì nếu nhìn vấn đề này ở một góc nào đó thì chính phủ có thể đã nhẹ tay đối với ông Trần Xuân Giá, vì ông ấy là người đã từng là một bộ trưởng của Việt Nam, và điều này có thể làm cho dư luận đặt ra những câu hỏi về tính nghiêm minh của pháp luật. Bà nhận xét như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Cá nhân tôi thấy nếu như những vụ việc xảy ra mà người ta thấy là trách nhiệm của những người liên quan chưa đến mức phải bắt giam thì cũng có thể khởi tố điều tra đã. Nếu như qua quá trình điều tra thấy có tội thì cần bắt giam, nếu như chưa đến mức điều tra được người ta có tội thì việc bắt giam có thể là chưa cần thiết.
Cá nhân tôi nghĩ, thí dụ như đối với ông Lý Xuân Hải chẳng hạn, nếu như chỉ cần yêu cầu ổng không đi ra khỏi nơi cư trú để tiếp tục cộng tác với các cơ quan pháp luật nghiên cứu tìm hiểu cho ra vấn đề thì có lẽ cũng là tốt hơn, chưa nhất thiết phải bắt giam ngay. Còn đối với những người kia thì việc yêu cầu họ không ra khỏi nơi cư trú và cộng tác với các cơ quan pháp luật trong cuộc điều tra thì cũng là bước đầu tiên cần thiết. Nếu như họ có tội thì rõ ràng là bước tiếp theo phải là những gì nặng nề hơn rồi.
Mặc Lâm: Mới đây Thủ Tướng đã chỉ đạo một cách rõ ràng là phải làm rõ và trừng trị những người mà ông gọi là “thâu tóm ngân hàng”. Nhưng theo nhiều chuyên gia tài chánh thì cụm từ “thâu tóm ngân hàng” không chính xác. Bà có nhận xét thế nào về nhận định này?
Bà Phạm Chi Lan: Thực ra thì trong quá trình phát triển của Việt Nam thời gian sau này có những hoạt động mà so với thời gian trước đây thì chưa từng có. Cũng có những khái nhiệm ở bên ngoài mà áp vào Việt Nam thì nó có thay đổi đi, nó không hoàn toàn khác như vậy, thí dụ như MNA của các nước, nó diễn ra rất nhiều và trong các công ty khác thì người ta thấy là bình thường. Nhưng trong lãnh vực ngân hàng kể cả nhiều nước nó đã xảy ra mấy cuộc khủng hoảng tài chính. Ở Việt Nam có lẽ mới lần đầu cho nên quan niệm có thể khác về các chi tiết, và khi họ gọi là “thâu tóm” thì coi nó như là một cái gì đó phạm pháp và không đúng.
Trong khi “thâu tóm” ở các nước nếu như hiểu theo cái nghĩa của các dự án người ta làm MNA thì rất là bình thương, là đúng pháp luật. Tôi cho ở đây có vấn đề về quy định pháp lý của Việt Nam cần phải xem lại, so sánh nó khác với các nước như thế nào, từ đấy mới có thể làm cho từ “thâu tóm” ở Việt Nam và các nước có ý nghĩa khác nhau. Về ý kiến của các chuyên gia tôi cho cũng đúng thôi khi họ nhìn trong điều kiện các nước khác thì “thâu tóm” cũng là chuyện bình thường.
Mặc Lâm: Thưa bà, có nghĩ rằng sau khi nhà nước mạnh tay đối với Ngân Hàng ACB thì chính bản thân ngân hàng này sẽ trở thành cứng cáp hơn và hoạt động hiệu quả hơn với một dàn nhân sự mới hoàn toàn đối với ngân hàng này?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ là không những đối với ACB mà các ngân hàng khác cũng phải lấy đó làm gương, tránh ỷ lại, và hoạt động đúng theo pháp luật. Đối với hệ thống của nhà nước thì bản thân Ngân Hàng Nhà Nước cũng như các cơ quan liên quan cũng sẽ phải xem lại các quy định của mình, thí dụ nó chưa đủ hoặc là chưa minh bạch, chưa đủ rõ để cho người ta thực hiện thì phải điều chỉnh tiếp. Phải sớm đưa ra những quy định nào chưa có để từ đó có cơ sở cho các ngân hàng chấn chỉnh hoạt động tốt hơn.
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn bà Phạm Chi Lan đã dành cho chúng tôi thời gian trả lời cuộc phỏng vấn này.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA