TẤM LÒNG SON
HAY NỤ CƯỜI MONA LISA CỦA CÔ TẤM[1]
Cô Tấm ơi, cô Tấm ơi
Tôi đã tin cô, ở tuổi nầy
Tôi cho cô trọn trái tim ngay
Tim ngay nên nói lời chân chất
Không phải chuyện đùa, say, tỉnh, say
Cô Tấm ơi, Cô Tấm ơi
Vì sao khóe mắt lệ khoanh tròn?
Có phải ba đào chuyện nước non?
Oán giận ai dày lên phận mỏng?
Hay là trôi nước giữ lòng son?[2]
Cô với Xuân Hương cách biệt nhau
Một bên khí phách giữa cơ cầu
Còn cô, giai thoại rừng Lan tím
Cửa Phật cho Lan đổi sắc màu [3]
Còn tôi, ngòi bút trót cong rồi
Tiếng Việt không dùng, chỉ để chơi
Đùa mãi nay mai tôi thất chí
Vì giận con người lắm đãi bôi
Cô Tấm ơi Cô Tấm ơi
Mới vừa gặp đấy đã chia phôi
Nói cũng như không nói được lời
Mai sau tôi chết, cô đừng khóc
Xin mỉm cho tôi nửa nụ cười
©DƯƠNG NHƯ NGUYỆN
Sept 30 2012
Xin được giới thiệu Dương Như-Nguyện cùng Quý Độc giả:
- Tên thật Dương Như Nguyện
- Bút hiệu: Uyển Nicole Dương, Nhung-Uyên, Wendy Nicole (Nhu Nguyen) Duong.
- Sinh ở Hội An, Trung Việt
- Thời thơ ấu ở Huế và Sài Gòn
- Giải danh dự văn chương phụ nữ Lễ Hai Bà Trưng, là nguời cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà nhận giải Văn Học toàn quốc, 1975
- Được đào luyện tại trường Kịch Nghệ Hoa Kỳ, Nữu Ước và California (American Academy of Dramatic Arts)
- Cử Nhân Báo Chí Truyền Thông (Nam Illinois); Tiến Sĩ Luật (Houston); Thạc Sĩ Luật (Harvard)
Biography: Wendy Nicole Duong
Wendy Nicole Duong holds a BS in communication and journalism from Southern Illinois University, a JD degree from the University of Houston, and an LLM degree from Harvard. She was also trained at the American Academy of Dramatic Arts in Pasadena, California. She has been a journalist, public education administrator, attorney, law teacher, and a self-taught painter whose work focuses on l’Art Brut. A full time law professor at the University of Denver for 10 years, she has recently been selected as a US Scholar in the Fulbright Core Program for the next academic year (2011-12). Prior to her professorship, Ms. Duong spent 18 years in senior legal positions with three international law firms, the SEC, and the international major transactions group of Mobil Corporation.
Ms. Duong’s scholarship has concentrated on foreign direct investment, international business transactions, and patterns of global economic development. Also, much of her work has been influenced by her upbringing in Vietnam and led to her publishing pieces on Vietnamese women’s rights as well as human trafficking.
http://www.law.seattleu.edu/x10010.xml
________________________________________
[1] Đây là bản thứ 2, hoạ trên bản đầu tiên đả đăng ở BlogThơ http://banthohp.blogspot.com/2012/10/nha-van-viet-nam-va-nu-cuoi-mona-lisa.html
[2] Mà em vẫn giữ tấm lòng son -Thất ngôn tứ tuyệt – Văn bản: Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương)
[3] Truyền khẩu: đoạn cuối tích cô Tấm và tiểu sử Ỷ Lan Thái Phi đời Lý
Chuyện Cô Tấm và
Linh Nhân Thái Hậu
Bài viết của Vĩnh Liêm và Văn Uyên
LINH NHÂN THÁI HẬU: SỰ QUAY VỀ MUỘN MÀNG?
Câu chuyện người con gái hái dâu tên Lê Thị Yến1 làng Thổ Lôi tỉnh Bắc Ninh (sau này được nhà vua đổi tên là Siêu Loại) trở thành Ỷ Lan nguyên phi, vợ yêu cuả vua Lý Thánh Tông đã trở thành huyền thoại.
Với dân gian Ỷ Lan là nguyên mẫu cuả cô Tấm thảo hiền trong truyện cổ tích Tấm Cám. Bắc Ninh vốn là nơi chuyên về nghề nuôi tằm dệt vải, là quê hương cuả những làn quan họ diễm tình và cũng là nơi sản sinh nhiều mỹ nữ trong đó không ít đã trở thành những vương phi sũng ái cuả các bậc vua chúa.
Nàng Tấm cuả chúng ta chắc hẳn phải xinh đẹp, thông minh và giàu ước mơ tham vọng. Sử kể rằng vua Thánh Tông đời Lý đã 40 tuổi chưa có con trai, vua bèn đến chùa cầu tự. Ngự giá đi đến đâu, dân làng đều dàn hầu hai bên đường để chiêm vọng. Lúc qua làng Thổ Lôi có người con gái hái dâu thấy xe vua đi, cứ đứng tựa gốc lan chứ không ra xem. Vua lấy làm lạ truyền gọi vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (phu nhân tựa cây lan), sau sinh ra thái tử Càn Đức, Ỷ Lan được phong làm nguyên phi (đứng đầu các phi)2.
Sở dĩ nàng có hành động khác thường vì nàng thừa thông minh để hiểu rằng nhà vua đang trông chờ phép lạ mà các hoàng hậu3 và phi tần chốn hoàng cung đã không đáp ứng được, đó là sinh cho nhà vua một hoàng tử; một cô gái xinh đẹp và tràn đầy sức sống như nàng sao lại không ước mơ và tự tin rằng đây là duyên trời dành riêng cho mình. Có lẽ trái tim vị vua 40 tuổi đã rung động trước nhan sắc hồn nhiên tươi thắm cuả người con gái hái dâu nên không những không bắt tội khi quân mà lại cho là điềm lạ và lập tức đưa nàng về cung. Như một giấc mơ, chỉ trong phút chốc từ chốn dân dã nàng bước vào cung điện lầu son gác tiá, từ địa vị phu nhân, ba năm sau, khi sinh Càn Đức (tháng giêng Bính Ngọ-1066)4 trở thành nguyên phi.
Ỷ Lan không chỉ có công sinh ra Càn Đức để nối dõi ngôi vua mà còn có tài trị nước. Theo Toàn Thư vào năm Kỷ Dậu (1069) vua đi đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin nguyên phi giúp việc nôi trị vững vàng, lòng dân ca ngợi, vua nói: nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì sao? Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.
Nhưng tột đỉnh hạnh phúc ấy chỉ được 9 năm ngắn ngủi, tháng giêng Nhâm Tý (1072) vua Thánh Tông băng, thái tử Càn Đức 7 tuổi nối ngôi tức Lý Nhân Tông. Có lẽ nhà vua mất quá nhanh nên không kịp lập di chiếu trao quyền phụ chính cho ai, Lý Đạo Thành lúc đó giữ chức thái sư, hẳn nhiên chức phụ chính thuộc về ông và ông đã ủng hộ Dương hậu làm nhiếp chính5. Sử chép Nhân Tông tôn mẹ ruột làm hoàng thái phi và mẹ đích là Thượng Dương thái hậu buông rèm nhiếp chính.
Cuộc sống hậu cung chứa đầy những cơn sóng ngầm cuả ghen ghét và toan tính độc ác. Ỷ Lan được nhà vua sũng ái tất có lắm kẻ thù. Dương Hậu là một đối thủ đáng gờm nay được quyền nhiếp chính, còn bà là mẹ đẻ lại bị tước quyền, bị đẩy vào tình thế bất an, thử hỏi làm sao không bất bình lo sợ. Thái hậu còn trẻ, nếu cho rằng khi gặp vua Thánh Tông chừng 17-18 thì lúc này bà khoảng 26-27, số tuổi chưa đủ để bà có một suy nghĩ và hành động chín chắn, nên đã khóc với vua Nhân Tông “mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”.Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 72 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi buộc phải chết chôn theo Thánh Tông. Hoàng thái phi được tôn làm Linh Nhân thái hậu, cầm quyền nhiếp chính (Quý Sửu – 1073)6. Trong vụ đảo chính này có lẽ Ỷ Lan đã dựa vào Lý Thường Kiệt (là thái uý nắm giữ binh quyền), Lý Đạo Thành do can ngăn đã bị giáng chức đổi ra coi châu Nghệ An7. (Phải chăng tác giả truyện Tấm Cám đã mô phỏng hành động bức tử Thượng Dương thái hậu cuả Ỷ Lan mà hư cấu nên tình tiết nàng Tấm phỉnh gạt Cám để giết Cám?)
Linh Nhân thái hậu đã phạm một tội ác tày trời, đó là bức tử 73 sinh mạng nhằm củng cố quyền lực cuả mình, tội ác này đã làm mai một tiếng thơm cuả bà từ trước mà phải đợi đến 12 năm sau, qua sử sách ta mới thấy những chứng cứ rằng bà đã thành tâm sám hối tội lỗi cuả mình:
-Năm Ất Sửu (1085) bấy giờ thiên hạ vô sự, thái hậu đi khắp nơi, ý muốn dựng chùa xây tháp (Toàn Thư ghi nhầm là hoàng hậu).
-Tháng 8 năm Đinh Sửu (1097) thái hậu làm nhiều chùa tháp (Toàn Thư).
-Tháng 2 năm Quý Mùi (1103) thái hậu xuất tiền trong kho để chuộc lại con gái nhà nghèo bị cầm thế đem về gả cho những người goá vợ (Toàn Thư, Đại Việt sử lược).
-Năm Ất Mùi (1115) thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn 100 chùa (Toàn Thư, Cương Mục). Theo Đại Việt sử lược tháng 3 năm này chùa Sùng Phước ở làng Siêu Loại (quê thái hậu) hoàn thành.
Đại Việt sử lược ghi “Để sám hối việc đã lỡ lầm đó, Linh Nhân hoàng thái hậu lập nhiều chùa chiền thờ Phật và việc chuộc bần gia nữ”. Việt Sử Tiêu Án thì đánh giá việc sám hối làm phúc ấy là quá muộn. (trang 53 – bản điện tử)
Thời Lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn trong xã hội, các vua Lý đều rất sùng đạo, vua Lý Thánh Tông là bậc tu hành thuộc thế hệ thứ nhất cuả phái Thảo Đường8. Tất nhiên Ỷ Lan cũng mộ Phật thương người, nhưng do tham sân hận mà đã gây nên tội ác. Khi tham vọng và sự trả thù đã được thoả mãn thì Phật tánh trong bà xuất hiện làm cho bà không thể có những giấc ngủ yên lành. Cứ cho Thượng Dương thái hậu là người đáng bị trừng phạt nhưng cớ sao lại bắt 72 cung nữ vô tội phải chết oan? Bà là người hiểu rõ luật nhân quả, sự báo ân trả oán trong kinh Phật nên lại càng muốn chuộc lỗi. Tuy nhiên vì thời gian thái hậu buông rèm nhiếp chính kéo dài đến 12 năm , cũng là thời gian Đại Việt phải giải quyết những cuộc chiến tranh với nhà Tống ở phương bắc (1075-1077) và Chiêm Thành ở phương nam nên bà chưa thể có những công trình to tát để chứng minh sự thành tâm sám hối dù có thể thái hậu đã từng lập đàn giải oan cho các vong hồn bị bà bức hại.
Hẳn do nhân lành tiền kiếp, trong sự quay về này Linh Nhân thái hậu đã được nhiều vị thiền sư danh tiếng đời Lý Nhân Tông – thường được nhà vua và thái hậu vời vào cung để giảng kinh hay đàm đạo – trợ duyên như Giác Hải, Không Lộ, Chân Không, Mãn Giác, Thông Biện…mà gần gủi và có ảnh hưởng lớn đối với bà là Đại sư Mãn Giác và Quốc sư Thông Biện.
Đại sư Mãn Giác (1052-1096) tên Trường, con cuả viên ngoại lang Lý Hoài Tố (trước họ Nguyễn, được vua đổi sang họ Lý), năm 20 tuổi (1071) được chọn vào cung hầu thái tử, học rộng hiểu nhiều, thích chú tâm vào thiền học , rất được thái hậu yêu mến. Trong khoảng Anh Vũ Chiêu Thắng (1076-1084) Sư dâng biểu xin xuất gia (có thể ý chí xuất gia càng mãnh liệt khi chứng kiến sự bức tử – NV) và khi đạt đạo đã được vua và thái hậu lúc mới lưu tâm đến thiền học mời về ở chùa gần cung Cảnh Hưng để tiện việc hỏi han. Mãn Giác là người được vô sư trí (trí tuệ không do thầy dạy) nên rất được vua và thái hậu trân trọng gọi là Trưởng lão9. Sư là người đầu tiên dẫn dắt con đường tu hành cho thái hậu và hướng dẫn cách giải oan các vong hồn. Đại sư Mãn Giác đã từng tháp tùng cuộc tuần du cuả thái hậu năm Ất Sửu (1085), ý cuả thái hậu muốn để Sư chọn những vị trí thích hợp cho viêc xây chùa dựng tháp10.
Sau Đại sư Mãn Giác thì Quốc sư Thông Biện (?-1134) là người được thái hậu thường xuyên đến trai tăng để hỏi han về Phật học. Sư họ Ngô, hiệu là Trí Không. Do kính phục sự uyên bác về Phật pháp, thái hậu đã phong Sư làm Tăng lục, ban cà sa tiá và hiệu Thông Biện đại sư. Về sau thái hậu triệu Sư vào cung, phong làm Quốc sư, hỏi han yếu chỉ cuả thiền11. Sự thông tuệ và đức độ cuả Quốc sư đã làm thái hậu thấm nhuần lẽ vi diệu cuả giáo lý Đức Phật.
Những hành động từ bi cuả thái hậu tuy một phần là muốn chuộc tội và cầu phúc cho con12, nhưng cái chính là nhờ ảnh hưởng cuả đạo Phật. Bà đã hiểu rõ nguồn gốc mọi tội lỗi là từ vô minh, đời người vô thường, vinh hoa phú quý chỉ phù vân, cái tâm an lạc mới đáng quý. Thái hậu từng có bài kệ Ngộ đạo “Sắc là không, không là sắc, sắc không đều không bận, mới hiểu được chân không”13.
Như vậy, từ khi vua Thái Tông chính thức trị vì, Linh Nhân thái hậu đã giốc tâm vào việc tu học. Bà đã góp công đức để Phật giáo phát triển cũng như làm nhiều việc thiện để sám hối những lầm lỡ trước đây cuả mình. Dưới ảnh hưởng cuả thái hậu, Lý Nhân Tông cũng là vị vua sùng đạo, nhân từ, thương dân. Những năm thiên tai, mất mùa đói kém, nhà vua thường tha tội nhân, giảm tô thuế…Trong suốt thời gian nhiếp chính cuả Linh Nhân thái hậu và trị vì cuả Lý Nhân Tông, ngoài chiến công thắng Tống oanh liệt, đất nước ta thanh bình, dân cư no ấm.
Thái hậu Linh Nhân đã ra đi thanh thản vào mùa thu tháng 7 năm Đinh Dậu (1117) khi mà trước đó vào mùa xuân năm này bà vẫn còn minh mẫn và với tấm lòng thương dân vô hạn đã nhắc nhở vua Nhân Tông định rõ lệnh cấm giết trộm trâu để nông dân được yên ổn cày cấy làm ăn14.
Sám văn Từ Bi Thuỷ Sám Pháp có dạy:
“Hà nhân vô tội
Hà giả vô khiên
Phàm phu ngu hạnh
Vô phi thị tội”
Tạm hiểu là:
“Ai mà không phạm tội
Ai mà chẳng lỗi lầm
Kẻ phàm phu hành động ngu si
Cho nên ai cũng phạm tội”.
Là một chúng sinh, Linh Nhân thái hậu cũng không tránh khỏi lỗi lầm. Thế nhưng “ Vô biên thắng phước giai hồi hướng” (kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), sự quay về Bến Giác với tâm vô ngã cuả Linh Nhân thái hậu không phải quá muộn màng, ngược lại đã khiến chúng ta phải suy gẫm và ngưỡng mộ.
_____________
1 Theo dân gian
2 Theo” Ngự chế Việt sử tổng vịnh” cuả Dực Tông Anh hoàng đế. (Việt sử tiêu án thì chép” Nhà vua đi du quan đến làng Thượng Lôi (làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thấy một người con gái hái dâu đứng nấp vào đám cỏ tranh…Theo Toàn thư và Cương mục thì người con gái hái dâu nép vào đám cỏ lan)
3 Theo Đaị Việt sử lược vua Lý Thánh Tông lập 8 hoàng hậu.
4 Theo Toàn Thư ngoài Càn Đức, Ỷ Lan còn sinh thêm hoàng tử Minh Nhân vương (không rõ tên) vào tháng 2 Mậu Thân (1068).
5 Theo Hoàng Xuân Hãn – Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao triều Lý trang 84
6 Toàn Thư ghi nhầm 76 thị nữ
7 Hoàng Xuân Hãn – Sđd. Về sau Lý Đạo Thành được phục chức ở bên cạnh thái hậu để giúp đỡ
8 Thiền uyển tập anh trang 153 – bản điện tử -Lê Mạnh Thát dịch
9 Thiền uyển tập anh – phần Đại sư Mãn Giác trang 51-52 (bản điện tử)
10 Hoàng Xuân Hãn – Sđd trang 466-467
11 Thiền uyển tập anh – phần Quốc sư Thông Biện trang 48-49-50-51 (bản điện tử)
12 Vua Lý Nhân Tông không có con trai, về sau lập con cuả Sùng Hiền hầu là Dương Hoán làm thái tử
13 Thiền uyển tập anh trang 51 – bản điện tử
14 Toàn Thư ghi tháng 2 (trang 117 – bản điện tử), Cương Mục ghi tháng 3 (trang 150 – bản điện tử)
Ảnh Đền thờ Linh Nhân Thái Hậu.
(Nhờ Trang chủ post lên cho các Bạn cùng xem).