Việt Nam kết án nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình vì ‘chống đối nhà nước’
Tuy nhiên, theo luật sư này, nhạc sĩ Việt Khang vẫn chưa hài lòng.
Ông Hải nói: “Việt Khang rất muốn được tự do càng sớm càng sớm càng tốt để trở về đoàn tụ với gia đình bởi vì Việt Khang có nói rằng ông không có ý đồ hoạt động chính trị, và ông chỉ là một người thu âm bình thường. Ông muốn cuộc sống bình thường với gia đình, với đứa con bốn tuổi, và ông đề nghị nhà nước Việt Nam khoan hồng, xem xét cho ông.”
Ông Hải cho biết, tại tòa, nhạc sĩ Việt Khang nói rằng ông viết các bài hát để nói lên nỗi lòng của mình và thể hiện lòng yêu nước của ông đối với việc Trung Quốc gây hấn tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Nhưng theo vị luật sư bào chữa, ông Khang cũng thừa nhận bài hát có khía cạnh nào đó có nội dung được coi là chống nhà nước Việt Nam.
Ông Hải cho biết: “Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình thừa nhận là thành viên của một tổ chức trên mạng là ‘Tuổi trẻ yêu nước’. Tổ chức này, theo như họ thừa nhận, có tập hợp các tài liệu, thông tin để nhằm chống nhà nước Việt Nam. Việt Khang chỉ là một người được giới thiệu làm thành viên, và anh chưa làm gì ngoài việc sáng tác hai bài đấy và đưa lên mạng, trong đó có trang của ‘Tuổi trẻ yêu nước’. Còn anh Trần Vũ Anh Bình có phụ trách một phần của trang đó là phần nhạc Việt. Họ thừa nhận là họ có trách nhiệm đối với các hành vi này, và đề nghị nhà nước khoan hồng.”
Luật sư Hải cũng cho biết một bài hát khác của Việt Khang đã được người biên tập của trang ‘Tuổi trẻ yêu nước’ sửa một đoạn, một câu nhỏ, từ ‘đoàn quân chống quân xâm lược phương bắc’ thành ‘chống những kẻ bán nước Việt Nam’, nên cụm từ này bị hiểu là để ám chỉ và phỉ báng chính quyền.
Ông Hải cho biết: “Chính vì thế họ cho rằng điều đó phỉ báng chính quyền và thuộc hành vi tuyên truyền, chống nhà nước. Nhưng chúng tôi cũng nói rằng là cái này chỉ là suy diễn, ám chỉ. Tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa là một tội nặng như thế thì cần phải được chứng minh một cách rõ ràng.”
Luật sư Hải nói thêm: “Nếu không, có rất nhiều bài báo, bài viết cũng có ám chỉ này nọ mà cứ suy diễn ra như thế này thì rất là dễ quy tội cho những người thực sự họ không phải làm như vậy.”
Trang web ‘Tuổi trẻ yêu nước’ chưa lên tiếng về tình tiết được đưa ra trong phiên xử hôm 30/10.
Luật sư Hải cho biết hai nhạc sĩ sẽ kháng cáo, và ông hy vọng sẽ có kết quả tốt hơn tại phiên tòa phúc thẩm.
Sau phiên xử, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ kết án nhạc sĩ Việt Khang.
Phát ngôn viên của đại sứ quán cho rằng vụ kết án này là một động thái mới nhất trong một loạt các bước đi của Việt Nam nhằm giới hạn quyền tự do ngôn luận, đồng thời kêu gọi Hà Nội phóng thích nhạc sĩ này cùng với tất cả các tù nhân lương tâm khác.
Một số tổ chức bảo vệ nhân quyền như Hội Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch cũng chỉ trích bản án và kêu gọi phóng thích các nhạc sĩ.
Tháng trước, Việt Nam đã kết án ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) mức án 12 năm tù giam về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Trong khi đó, bà Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm tù giam và ông Phan Thanh Hải bị án 4 năm tù giam. Ba blogger này còn bị quản thúc tại gia từ 3 tới 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Nguồn: VOA’s interview; Amnesty International; Human Rights Watch
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình bị tuyên án về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Bản án 4 năm tù của Việt Khang và 6 năm tù dành cho Anh Bình bị quốc tế xem là một hành động thêm nữa chứng tỏ những vi phạm trầm trọng của chính quyền Hà Nội đối với quyền tự do tư tưởng của công dân, một trong những nhân quyền căn bản mà Việt Nam đã ký cam kết tôn trọng với quốc tế.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch Phil Robertson phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Rõ ràng đây là một diễn tiến hết sức đáng ngại cho thấy chính quyền Việt Nam đang mở rộng chiến dịch đàn áp quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân, bỏ tù từ những người chỉ trích nhà nước, các blogger bất đồng chính kiến, và bây giờ là tới các nhạc sĩ. Điều này chứng tỏ Hà Nội hoàn toàn không dung chấp bất kỳ ý kiến nào trái với quan điểm độc đoán của nhà nước. Bản án dành cho những nhạc sĩ này quá đỗi nhẫn tâm. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ, Liên hiệp Châu Âu và các nước trên thế giới quan tâm đến nhân quyền áp lực Việt Nam mạnh mẽ để họ phải phóng thích hai nhạc sĩ này ngay lập tức và vô điều kiện.”
Hôm 31/10, Thượng nghị sĩ Ron Boswell của Australia ra thông cáo báo chí nhấn mạnh việc bỏ tù hai nhạc sĩ ôn hòa Việt Khang và Anh Bình cho thấy một mức thấp kém nữa của Việt Nam giữa lúc Hà Nội tíêp tục giữ một thành tích nhân quyền tồi tệ cùng cực.
Ông Boswell nói hai nhạc sĩ bị chính quyền Việt Nam gán cho là tuyên truyền chống chế độ là hai người vô tội chỉ thực thi quyền công dân của họ để chất vấn hành động của chính quyền.
Ông Boswell kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam lắng nghe lời kêu gọi của quốc tế, tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, và phóng thích tất cả các tù nhân bị giam giữ chỉ vì đã phơi bày các hành động của nhà nước ra ánh sáng.
Hồi đầu năm, Thượng nghị sĩ Boswell đã lên tiếng trước Thượng Viện Australia về vụ việc của Việt Khang trước khi ông cùng với thượng nghị sĩ Mark Furner đệ trình kiến nghị thư đề nghị chính phủ Australia cải thiện các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam để áp lực Hà Nội phóng thích các công dân Việt Nam bị bắt giam phi lý.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ án của nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình.
Trong hơn 1 tháng qua tại Việt Nam có 6 người có các hoạt động chống Trung Quốc bị bắt giam hoặc bị tuyên án về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Nửa tháng trước khi tuyên án 10 năm tù đối với hai nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình, chính quyền đã bắt giam nữ sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên.
Trước đó vào cuối tháng 9, ba blogger gồm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG bị tuyên án tổng cộng 26 năm tù cũng với tội danh tương tự.
Trà Mi, VOA
31.10.2012
Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?
Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Saigon, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”. Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có lẽ cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ – những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012. Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình. Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu… nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ trở thành chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.
Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, án lệ và lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, bản năng sáng tạo và phản ánh hiện thực của giới nghệ sĩ qua cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.
Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.
Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết tương đồng, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.
Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó. Chưa bao giờ viên đạn của phe Taliban đã bắn vào đầu của cô bé Yousafai, 14 tuổi, trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của cả 3 cô gái nhóm Pussy Riot. Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được quan tâm, chia sẻ như bây giờ.
Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa. Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.
Có lẽ trong phiên toà, những người xét xử cũng ngại ngùng và cố gắng tránh đi công việc ấu trĩ đó, nên đã không dành thời gian bàn sâu về các bài hát, mặc dù án vẫn định. Lẽ ra những bài hát đó phải được mở lên ngay tại toà, hoặc photo đầy đủ cho tất cả mọi người xem – nghe, như một chứng cứ cụ thể.
Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên. Trong Schindler’s list của đạo diễn Steven Spielberg, khi những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến lúc dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng. Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan. Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?
Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”. Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng liệu có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó, đang cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc từ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ? Nếu không, tôi hoang mang tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?
Những con người đó không làm chính trị. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội theo cảm nhận nghệ sĩ của mình. Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó. Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.
31-10-2012
Tuấn Khanh