Thưa Quý vị,
Cách đây 58 năm, ngày 20 tháng 7 năm 1954, đất nước Việt bị chia cắt làm hai do các thế lực quốc tế dàn xếp, đi ngược lại nguyện vọng của người dân Việt. Hôm nay, thêm một lần nữa Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng xin được hầu chuyện cùng Quý Vị trong chương trình Hội Thảo “Định hướng đấu tranh cho Việt Nam tự do” kỳ II.
Hai thuyết trình viên trước vừa trình bày một khía cạnh văn hóa và những việc cần làm của Văn Bút Việt Nam hải ngoại một khi Đất Nước tự do.
Đề tài thứ hai, Diệt Việt Cộng qua các định hướng chuyển đổi việc phát triển nông nghiệp thành phát triển công nghiệp nhẹ ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), cùng việc đô thị hóa cho vùng nầy. Cộng thêm việc giải tán quốc doanh để cải tổ thành tư doanh, phù hợp với tiến trình tự do kinh doanh, và phù hợp với trào lưu dân chủ trên thế giới, cũng như khuyến khích việc cạnh tranh để tăng giá trị thành phẩm và giảm thiểu giá thành…từ đó nâng cao đời sống của người tiêu thụ, tức người dân Việt.
PHẦN I. NHẬN ĐỊNH BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VN HIỆN NAY
Chúng ta cần xác định cốt lõi của sách lược lý tưởng đấu tranh của hàng ngũ người Việt Quốc gia là những tinh hoa của đất nước mong tìm một giải pháp tốt đẹp cho Việt Nam tương lai, chớ không phải nhằm tái lập thể chế VNCH cũ.
Bối cảnh chánh trị hiện tại cho thấy nước Việt Nam đang có những vấn nạn trầm kha là do hệ lụy của một quá trình mù quáng áp đặt chủ nghĩa CS hoang tưởng lên toàn dân VN, sau khi chiếm đoạt được miền Nam, thống nhất đất nước, và sau đó bị hụt hẩng do sự sụp đổ của đàn anh Liên Xô, đồng thời phải đương đầu với Trung Cộng, trong khi vẫn phải duy trì “mối liên hệ hữu cơ” của Ðảng CSVN và Ðảng CSTQ đóng vai chỉ đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Chiếm được miền Nam, CS giải tán Mặt Trận Giải phóng Miền Nam làm sáng mắt dân miền Nam tập kết, Ðồng thời đổi Ðảng Lao động chánh thức thành Ðảng Cọng sản. Bước đầu vẫn duy trì lập luận tuyên truyền như sau:
(1) Bêu xấu chế độ VNCH là chế độ thối nát,
(2) Xã hội tiêu thụ phồn vinh giả tạo,
(3) Công bố mô hình “Ðảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân “làm chủ”,
(4) Xác định quyết tâm thực hiện chế độ toàn trị,
(5) Xây dựng nền kinh tế theo thủ thuật “kiểm kê, kiểm soát và phân phối”,
(6) Tuyên truyền mục tiêu “lao động theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”,
(7) Triệt để diệt trừ giới tư sản mại bản, bài bác nguyên lý kinh tế thị trường.
Do nạn đói nghèo của toàn dân xảy ra tiếp đó sau hai kế hoạnh ngũ niên đầu tiên, CS Bắc Việt mới nhận thấy phải trở thành nạn nhân của luận điệu tuyên truyền theo những khẩu hiệu hoang tưởng mác xít của chính mình.
Do đó, khi đứng bên bờ vực thẳm, CS đã tự cứu nguy bằng lập luận về thời kỳ quá độ, theo đó, xây dựng nền kinh tế thị trường trong nhà nước XHCN, tức là theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nên một giai cấp tư bản đỏ đóng vai chủ đạo, gây nên bao nhiêu thảm trạng, bóc lột thâm tệ các tầng lớp người dân thấp cổ bé miệng.
Vì vậy, vấn đề quan trọng trong định hướng đấu tranh của người Việt QG là cần tập trung sự tích cực diệt trừ mô hình lãnh đạo và quản trị đất nước trên căn bản độc quyền của Ðảng CS.
Muốn tiếp tục theo định hướng đấu tranh của người Việt QG như vừa nói, xin hỏi cộng đồng người Việt hải ngoại đã làm gì trong suốt cuộc tranh đấu quá lâu dài suốt 37 năm qua?
PHẦN II. NHẬN ĐINH THỰC TRẠNG CỘNG ĐỒNG Việt Nam TỴ NẠN CỘNG SẢN TRÊN THẾ GIỚI
Bây giờ, xin nêu lên thực trạng của các cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta trên toàn thế giới, qua các hoạt động bất lợi, có tác động làm hư đại cuộc, cũng như vô hình chung làm ngăn trở tiến trình mang lại dân chủ pháp trị cho đất nước.
Đó là:
- Phong trào làm công tác từ thiện;
- Việc gởi tiền về giúp thân nhân;
- Sự bình thường hóa bang giao với VNCS của Chánh phủ Hoa kỳ.
- Những biện pháp giải quyết cần được trù liệu để ứng phó, trên căn bản cùng thông hiểu giữa nhau, mới bảo toàn được lực lượng đấu tranh cho đến ngày thành công hoàn toàn.
Thưa Qúy Vị,
Chúng ta là những người Việt nam tị nạn CS Bắc Việt, sau hơn 37 năm sống tha hương, nhìn lại về Việt nam, chúng ta đều thấy có rất nhiều vần đề của đất nước cần phải điều chỉnh lại.
Vì sao?
Xin mỗi người trong chúng ta hãy tự suy ngẫm.
Chúng ta đã làm gì nơi hải ngoại đối với con người, đất nước và xã hội đã cưu mang mình, hay đối với mọi người nơi quê nhà đang đau khổ vì bị áp đặt dưới ách thống trị của CS Bắc Việt?
Tuy nhiên trước mắt, với tư cách tị nạn, sống trên mảnh đất tạm dung, dù ở Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, thì dường như “chúng ta là người khách trọ hữu tình nhưng bạc nghĩa”?
A. ĐỐI VỚI NƠI ĐẤT TẠM DUNG
1. Chúng ta thật sự là người “tử tế” chưa?
Xin thưa, chưa hẳn.
Chúng ta vận động gửi Thỉnh nguyện thư yêu cầu Hoa Kỳ ngưng viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, trong khi đó, hàng năm chúng ta gửi về Việt nam một lượng ngoại tệ rất lớn, lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, như thế có phải là chúng ta đã vô tình “cứu nguy” cho chế độ CSBV đang bên bờ vực thẳm không?
Cựu Tổng thống George W. Bush đã từng làm cho chúng ta công phẫn (hay bị chạm nọc!) khi ông nhận định về cung cách hành xử của chúng ta trong vấn đề Việt Nam là “they deserve it!” (xin tạm dịch: Cho đáng kiếp!). Câu nhận định ngắn ngủi làm chúng ta đau, nhưng thưa Quý vị, xin lắng lòng nghĩ lại, quả thật đôi khi những hành xử của chúng ta cũng “xứng đáng” với lời trách móc trên.
2. Chúng ta đã làm cái gọi là “từ thiện”?
Chúng ta đã làm gì khi Hoa kỳ gặp tai nạn thảm khốc rúng động toàn thế giới vào ngày 11- tháng 9 năm 2001? Sau đây là những con số thống kê về sự đóng góp của cộng đồng tị nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biến cố “911”:
– Ngoài cs Việt Nam đóng góp $250.000, triệu phú (hotel) Trần Đình Trường góp 2 triệu Mỹ kim, chúng tôi không ghi nhận các đóng góp khác của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, nếu có chăng chỉ là các hội đoàn đơn lẻ với số tiền không đáng kể.
Đối với trận bão Katrina 29/8/2005, chúng tôi không thấy cs Việt Nam đóng góp, cũng không có danh sách cộng đồng Việt Nam qua các Hội đoàn, mà chỉ biết cộng đồng Houston giúp đỡ hiện kim và hiện vật, cũng như các Hội đoàn Nam và Bắc California và nhiều nơi khác tổ chức văn nghệ, tiệc gây quỹ…nhưng số tiền thu được chẳng là bao so với sự cưu mang của đất nước và người dân Hoa Kỳ đối với bà con tị nạn kể từ sau 30/4/1975.
Còn nói về Nhật Bản gặp tai nạn động đất và sóng thần Tsunami vào ngày 12/3/2011, trên trang mạng, chúng tôi nhận thấy có ghi cs Việt Nam và “nhân dân” giúp đỡ nạn nhân là 7.783.393 Mỹ kim, trong khi đó cả thế giới giúp Nhật Bản trong vụ nầy lên đến 520 Tỷ Yen (tương đương gần 7 tỷ Mỹ kim). Hoàn toàn không thấy đóng góp của cộng đồng người Việt hải ngoại trong danh sách hàng ngàn NGO và các hội từ thiện trên thế giới.
Vậy mà chúng ta thường nói với nhau rằng: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
NHƯNG CHÚNG TA ĐÃ LÀM, bằng nhiều cách tùy theo từng nhóm, chẳng hạn giúp xây các cơ sở tôn giáo, xây viện mồ côi, công tác khám bịnh, đào giếng v.v…không kể việc đổ tiền vào sự cứu trợ mỗi khi có thiên tai như nhà cháy, lũ lụt, bão tố…Những việc trên đây là bổn phận và trách nhiệm của những người đang quản lý đất nước.
Vậy CS Bắc Việt đã làm gì?
Mỗi khi có thiên tai, CS Bắc Việt chỉ cần “xách bị ăn mày, xin ông đi qua, xin bà đi lại”, và chúng ta lại mở lòng cứu giúp, vì họ “dạy bảo” rằng chúng ta hôm nay là “khúc ruột ngàn dậm” của họ, mà trước kia họ lại nói rằng chúng ta chỉ là đám “ma cô, đĩ điếm, ngụy liếm gót giày đế quốc”.
Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Năm 2002, cá nhân chúng tôi đã cảnh báo tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở ĐBSCL, nhưng chỉ một ngày sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CS, Phan Thúy Thanh đã kết án chúng tôi là vô cảm với 300.000 nông ngư dân. Họ phủ nhận sự thật đó vì họ sợ ảnh hưởng đến việc mới giao thương với Hoa Kỳ, và vì Việt Nam mới vừa được phép xuất cảng tôm cá vào Hoa Kỳ! Vậy CSBV có vô cảm với việc ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tai hại đến sự sống còn của 300.000 nông ngư dân không?
Vậy quý vị làm từ thiện nghĩ sao?
Thưa Quý vị.
Sự thực là chúng ta đang giúp Việt Nam quá nhiều, nhưng giúp nước Mỹ, nơi cưu mang chúng ta, quá ít, nhưng lại tiếp tục muốn nước Mỹ và thế giới ủng hộ công cuộc chúng ta đấu tranh giải thể CSBV.
Chúng ta nghĩ rằng đã làm đủ bổn phận “công dân Hoa Kỳ” là tuân hành luật pháp, đóng thuế, có nhiều thanh niên đi lính làm nghĩa vụ công dân…nhưng dường như chúng ta sống trên đất Mỹ như một người tình của nữ thi sĩ TTKh là “tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời”.
Hầu như chúng ta hoàn toàn không lưu tâm đến những gì xảy ra cho đất nước tạm dung nầy (người viết muốn nói “chúng ta” là một số đông gồm cả chính bản thân người viết). Vì thế:
- Xin đừng làm những người khách trọ vô tình (mượn lời của một bài viết trên mạng internet). Xin chia sẻ những gì xảy ra cho nước Mỹ, cho môi trường sống chung quanh mình.
- Xin được sống làm người tử tế, lương thiện, văn minh và có tấm lòng với người bản xứ cũng như với bà con cật ruột của mình.
- Xin đừng để những lời trách móc xảy ra nữa, như lời của TT Bush hay bất cứ lời của người bạn bản xứ nước mình đang cư ngụ.
3. Gửi tiền và đi về Việt Nam.
Xin thử suy xét về hai khoản nầy.
- Người Việt sống ở Hoa Kỳ vào khoảng 1.6 triệu người. Theo thống kê của World Bank, năm 2011, lượng tiền đổ về Việt Nam đạt 9 tỷ Mỹ kim, trong đó 5 tỷ về Sài Gòn. Cũng theo một thống kê khác, lượng tiền nầy đa số xuất phát từ Mỹ.
- Về vấn đề đi về Việt Nam, ngoài một số nhỏ ngoại lệ bắt buộc phải về vì quan hôn tang tế, vì người thân bịnh tật hay mất đi. Chúng ta có thể nói rằng, trong số 400-500 ngàn người về hàng năm, tuy với nhiều mục đích khác nhau, nhưng tựu trung đa số người về là làm ăn với CS Bắc Việt, hay chỉ du lịch, mua vui, thậm chí tìm những thú vui vô đạo đức, dùng tiền để thõa mãn “thú tính” của con người.
Tất cả những điều đó chỉ làm:
- Mất uy tín của người Việt hải ngoại, và
- Vô hình chung kéo dài sự sống “thừa thãi” của chế độ đang đi vào buổi xế chiều. (Ước tính 500 ngàn người về và tiêu xài trung bình US $5000, VC sẽ có 2.5 tỷ Mỹ kim tiếp máu cho VC).
Như vậy, chúng ta thấy việc đi về Việt nam và gửi tiền về quê hương chỉ góp một phần ít vào ngân sách VC, nhưng còn phần lớn thì chạy vào túi đảng viên các cấp của chế độ tham nhũng, bóc lột tàn bạo!
Đối với những người đi về Việt Nam nhiều lần dưới danh nghĩa “làm ăn” hay “du hí”…, chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng và dứt khoát với họ.
Xin đan cử quyết định của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA- Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Kể từ năm 1988 đến 2000, cơ quan nầy đã phế bỏ quyền tị nạn và quyền lợi được hưởng tiền trợ cấp xã hội, y tế và các phúc lợi khác do chính phủ cấp cho 22.417 người, vì họ đã về Việt Nam nhiều lần.
Xin cảm ơn quyết định này của Cơ quan Bảo vệ Người Tị nạn và Vô Tổ quốc (OFPRA- Office Francais de Protection des Réfugiés et Apatride).
Xin mỗi người trong chúng ta hãy lắng tâm cùng suy nghĩ, để tìm ra phương thức cảm hóa hay thay đổi suy nghĩ của nhóm người vô ý thức này.
B. ĐỐI VỚI QUÊ HƯƠNG?
Nhằm mục tiêu mời gọi những đóng góp cho việc định hướng đấu tranh và xây dựng một Việt Nam tương lai, chúng tôi mạo muội trình bày một số quan điểm, trong đó những việc cần phải làm một khi đất nước trở về với dân tộc đích thực, nghĩa là thoát ách “đô hộ” của cộng sản Bắc Việt.
Chúng tôi hình dung mô hình chuyển đổi một Việt Nam tương lai ngõ hầu rút ngắn công cuộc tái thiết, ổn định và phát triển quốc gia. Muốn vậy, chúng ta phải đặt trọng tâm trong ba lãnh vực hàng đầu, đó là, giáo dục, y tế và môi trường.
1. LÃNH VỰC GIÁO DỤC VNCH
Vào năm 1958, một Đại Hội nghị giáo dục toàn quốc (miền Nam từ vỹ tuyến 17 trở vào) đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng cho nền giáo dục Việt Nam là nhân bản, dân tộc, khai phóng.
- Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người;
- Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan đến những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu hiệu cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia;
- Nền giáo dục việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới.
Đến năm 1970, thêm một nguyên tắc khác được đem vào làm chuẩn cho nền giáo dục miền Nam. Đó là lấy sự tôn trọng tinh thần khoa học, như các quốc gia tân tiến trên thế giới, làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ giáo dục tại Việt Nam.
Từ đó, giáo dục miền Nam đã có những bước đi vững chắc trên nền tảng của Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng-Khoa học. Đây chính là kim chỉ nam làm cho nền giáo dục miền Nam liên tục tiến bộ nâng cao phẩm chất giáo dục quốc gia, và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên miền Nam trở thành những thành viên ưu tú của đất nước trong suốt thời kỳ 1958-1975.
Còn tình trạng giáo dục Bắc Việt & Việt Nam sau ngày 30/4/1975 thì sao?
Giáo dục nông thôn trước năm 1975, trình độ trung bình của thanh niên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long từ 14 đến 25 tuổi là lớp 7.5 theo thông kế của UNESCO. Cũng trong thời điểm nầy, trình độ của lớp tuổi trên ở Đồng bằng sông Hồng là 5.5. Hiện tại, tình trạng đã đảo ngược, trình độ ở ĐBSCL là 5.0 và ĐBSH là 7.0.
Phải chăng đây là một chính sách san bằng và triệt hạ miền Nam. Trường học, ngoài việc thiếu thốn phòng ốc, tài liệu học tập ngoài các sách giáo khoa từ chương và một chiều hoàn toàn hạn chế tinh thần suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh, thậm chí không có nơi cho học sinh tiểu tiện. Học sinh phải nín tiểu, nín tiêu…tạo thành một hiện tượng trường ốc có một không hai trên thế giới.
Về nước uống cho học sinh hầu như không được để ý đến, học sinh phải nhịn khát. Nhiều nơi được các nhà thiện nguyện ngoại quốc và người Việt tị nạn giúp đỡ các bình lọc nước…nhưng các bình lọc nầy chỉ hiện diện ở trường học một thời gian ngắn rồi biến mất về nhà của…cán bộ.
Do đó, việc làm cấp bách cho Việt Nam tương lai là phải đặt trọng tâm vào việc kiến thiết lại hệ thống giáo dục miền ĐBSCL đồng thời với việc cải thiện hệ thống y tế công cộng của vựa lúa rất quan trọng này của cả nước.
Bây giờ nhìn vào xã hội hiện tại, chúng ta có thể hình dung một cách rõ ràng, qua báo chí cs, trên các mạng lưới, hình ảnh thày gạ dâm trò để nâng điểm cao hay cho biết đề thi, cảnh học sinh lớp 9 dở trò dâm ô với nhau trong khi cô giáo đang giảng dạy trên bảng, và hàng vạn tệ nạn khác xảy ra hàng ngày trên khắp các nẻo đường Việt Nam từ thành thị đến thôn quê.
Xã hội Việt Nam hiện nay ngày càng băng hoại và chính hình ảnh nầy đã và đang đánh dấu buổi hoàng hôn của chế độ CS Bắc Việt.
Do đó một Việt Nam DÂN CHỦ PHÁP TRỊ tương lai cần phải có một nền giáo dục đặt nặng vào các mục tiêu sau:
- Giúp cho thanh niên thu thập được nền văn hóa phổ thông, đồng thời chuẩn bị cho họ bước vào các ngành chuyên môn ở bậc đại học và kỹ thuật.
- Khuyến khích việc học ngoại ngữ, chú trọng đến việc sinh hoạt hiệu đoàn để học sinh quen sống tập thể, có tinh thần tháo vát, biết giúp ích mọi người, đồng thời rèn luyện những đức tính cần thiết cho đời sống thực tế của một công dân tương lai.
- Đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe của học sinh và phát động phong trào thể dục thể thao toàn quốc, nhằm thực hiện mục tiêu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.
- Và nhứt là đề cao môn đạo đức học và công dân giáo dục hầu tạo dựng một tầng lớp thanh niên ưu tú về khoa học, đạo đức, và ý thức công dân để kiến thiết quốc gia.
Nếu sự áp dụng CHÍNH SÁCH QUỐC GIA GIÁO DỤC CỦA VNCH được sáng suốt thi hành, trên nền tảng Nhân bản-Dân tộc-Khai phóng-Khoa học, vào việc thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục băng hoại của chế độ hiện hành, thiết tưởng một Việt Nam trong tương lai sẽ thoát khỏi sự thụt lùi trong một vài thập niên hậu Cộng sản.
Bây giờ hãy thử so sánh từng điểm của nền giáo dục trước năm 1975 với hiện trạng “giáo dục” ngày hôm nay, dưới chế độ CSBV, chúng ta thấy gì?
- Nhân bản: Nhân bản thời xã hội chủ nghĩa là tự do đàn áp, tra tấn và “cướp ngày”;
- Dân tộc: Dân tộc trong nghĩa Hán tộc đại đồng, chữ Tàu phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông;
- Khai phóng: còn có nghĩa là khai thông biên giới và chỉ tiếp cận với một văn hóa duy nhứt là văn hóa của Hán tộc;
- Và Khoa học: là khai thác, tận dụng tối đa sức lao động của người dân để cung phụng cho lý tưởng “đại đồng” của chủ nghĩa, tức là toàn đảng cùng giàu cùng hưởng thụ.
Vậy chính sách giáo dục quốc gia của VNCH thời trước 1975 khác xa HOÀN TOÀN giai đoạn giáo dục của xã hội chủ nghĩa hôm nay về căn bản và kết quả !
2. LÃNH VỰC Y TẾ
Nhìn vào tình trạng y tế dưới chế độ CSVN hiện tại, chúng ta thấy gì?
CSBV đã xây dựng hàng trăm sân golf, những khu du lịch cho người ngoại quốc, còn bịnh viện vẫn là những cơ ngơi cũ của miền Nam để lại. Bịnh viện bị thoái hóa cộng thêm với hàng ngàn tệ nạn ăn cắp thuốc men, nạn cò để được chữa bịnh, nạn đút lót tiền bạc để có thuốc “ngoại” v.v…Và biết bao việc làm trái tai gai mắt của những người “lương y như từ mẫu xã hội chủ nghĩa”.
Cả một hệ thống y tế hoàn toàn không đặt căn bản vào việc bảo vệ sức khỏe của người dân ngoài mục tiêu…làm tiền. Dĩ nhiên, vẫn có những bịnh viện mới xây, tối tân dành riêng cho một thiểu số ít ỏi có thể trả y phí hàng trăm, hàng ngàn Mỹ kim một ngày, làm sao 90% dân số với mức lương dưới 100 đô la/tháng có thể được vào chữa trị?
Đó là ở các thành thị.
Còn nông thôn thì sao?
Nhìn lại từ đầu, chúng ta thấy nông thôn hoàn toàn bị bỏ rơi, một trạm y tế địa phương chỉ là nhưng căn nhà nhỏ, không có dụng cụ tối thiểu để cứu cấp nhứt thời.
- Vấn đề của chúng ta trong tương lai là phải thiết lập tức khắc hệ thống y tế dân dụng đi sâu vào tận thôn xóm, những vùng hẻo lánh.
- Phải hết sức cố gắng đem lại một phúc lợi đồng đều cho mọi người dân, nhất là cho nông dân. Đó là tầng lớp chịu thiệt thòi nhứt của dân tộc, và cũng lại là tầng lớp đã bị CSBV lợi dụng trong công cuộc đấu tranh giai cấp trong cuộc chiến Việt Nam. Họ đang bị bóc lột tàn khốc cho việc phát triển nông nghiệp làm giàu cho chế độ.
- Cho nên, việc mang lại ý thức y tế công cộng và mở rộng chương trình cấp cứu y tế sẽ phải là ưu tiên hàng đầu một mai đất nước thoát ách thống trị của tầng lớp thái thú Tàu nhưng nói tiếng Việt.
3. LÃNH VỰC MÔI TRƯỜNG
- Sau hai kế hoạch ngũ niên thất bại, và để giải tỏa tình trạng đói nghèo, VC Bắc Việt bắt buộc phải mở cửa từ năm 1986 hầu mong thoát cảnh bế tắc trên.
- Sau gần 30 năm phát triển không kế hoạch, không ứng hợp với việc bảo vệ mội trường, có thể nói ngày hôm nay, tất cả môi trường sống của người dân Việt, từ không khí, nguồn nước và lòng đất đều bị ô nhiễm nặng đưa đến sự giảm thọ, bệnh nan y, và dẫn đến con số tử vong cao trên toàn quốc.
- Mức ô nhiễm trầm trọng đến nỗi những dòng sông khắp nơi từ Bắc chí Nam không còn khả năng tự điều tiết để thanh lọc được nữa, và dần dần biến thành những dòng “sông đen”. Và một quốc gia như Việt Nam với vũ lượng lớn hàng năm lên đến trên dưới 2000 mm nước mưa, mà giờ đây tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
- Do đó, một việc làm khẩn thiết không kém việc tạo lập nền móng giáo dục và y tế công cộng một mai Đất Nước thanh bình trở lại là cần phải duyệt xét toàn thể cung cách phát triển đồng hành với việc bảo vệ môi trường, thanh lọc nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cùng quản lý và kiểm soát chặt chẽ phế thải trong các nhà máy sản xuất từ không khí, phế thải rắn, cho đến phế thải lỏng…
- Đây là một công việc hết sức quan trọng cần phải bắt tay vào việc ngay sau khi chế độ chuyên chính vô sản chấm dứt.
Thưa Quý Vị,
Thời gian không cho phép chúng ta trì trệ.
Bao lâu đất nước còn trong tay CS Bắc Việt, việc phục hoạt môi trường sống cho con người ngày càng khó khăn hơn nữa.
Ngoài 3 yếu tố căn bản Xây dựng một Việt Nam tương lai, còn hai chính sách cần được lưu ý đến là:
- Chính sách người cày có ruộng và
- Tính dân chủ pháp trị mà người miền Nam trước 1975 đã được hưởng.
Đây là một gia tài quý đã được người đi trước thực hiện và đã mang lại thành công trong việc thâu ngắn khoảng cách giàu nghèo trong dân chúng, và nhứt là tạo điều kiện cho người dân thẩm thấu được tinh thần dân chủ pháp trị, một nền móng căn bản cho dân chủ, tự do, và nhân quyền.
Chính cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Văn Bông đã khơi mào tinh thần trên trong những bài thuyết giảng ở Học viện Quốc gia Hành Chánh và Luật khoa cùng quảng bá trong giới sinh viên, học sinh và trên báo chí.
Chính sách Người cày có ruộng và tinh thần dân chủ pháp trị.
Về chính sách Người cày có ruộng (Promulgation date of Land to the Tiller Law), ngày 26/3/1970, ngày ban hành Luật Người cày có ruộng nhằm hữu sản hóa nông dân, ngõ hầu thâu ngắn cách biệt giữa người giàu và nghèo.
Trong khi đó, kể từ sau 1954, ngoài Bắc dùng chính sách đấu tố tàn bạo với danh nghĩa “lấy của người giàu chia cho người nghèo” và hiện tại vẫn tiếp tục dùng chính sách trên, cướp đất, cướp ruộng công khai để “vỗ béo” cho tầng lớp lãnh đạo hiện tại.
Ở miền Nam, không nói Cải cách Ruộng đất mà nói Cải cách Điền địa. Trong 20 năm, từ 1955-1975, Miền Nam tiến hành 2 cuộc Cải cách Điền địa. Không kể một cuộc Cải cách Điền địa do Cựu Hoàng Bảo Đại ban hành năm 1949, nhưng không thành công. Ruộng đất vừa được phân phối xong thì liền bị Việt Minh tịch thâu, hoặc Việt Minh ngăn cấm nông dân nhận ruộng hoặc làm ruộng. Mặt khác, chiến tranh không cho phép nông dân sanh sống trên phần đất canh tác của mình, phải tản cư.
Cải cách Điền địa ở Miền Nam thực hiện từ khi Tổng thống Ngô Đình Diệm nắm quyền bằng Dụ số 57 ngày 22 tháng 10 năm 1956 . Chánh sách điền địa thêm một lần nữa được Tổng thống Nguyễn văn Thiệu tiếp nối rốt ráo hơn bằng Đạo luật số 003/70 ngày 26 tháng 03 năm 1970, dưới tên gọi mới là Luật Người Cày Có Ruộng.
1. CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH ĐIỀN ĐỊA CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM.
Ông Ngô Đình Diệm, ngày 7 tháng 7 năm 1955, được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chánh phủ. Ở chức vụ Thủ tướng Chánh phủ, ông ban hành 2 Dụ, số 2 và số 7 năm 1955, liên quan đến vấn đề thuê ruộng, vì từ trước, ở Việt nam, việc thuê ruộng không có giấy tờ hợp đồng giữa người thuê mướn và chủ ruộng nên thường chủ ruộng lấn ép làm thiệt hại quyền lợi của người thuê.
Giá thuê ruộng từ 40% đến 60%, tùy theo ruộng tốt xấu, trên số lúa thu hoạch. Luật về thuê ruộng qui định lại rõ qui chế tá điền. Từ nay:
- Giá thuê ruộng từ 10 đến 15% trên số lúa thu hoặch cho ruộng làm 1 mùa / năm;
- Giá thuê từ 15 đến 25% cho mùa gặt chánh của ruộng 2 mùa/năm.
- Thời hạn hợp đồng là 5 năm, có tái ký. Tá điền có quyền trả ruộng và phải báo trước chủ ruộng 6 tháng. Chủ ruộng muốn lấy ruộng lại phải báo trước tá điền 3 năm .
Vì chiến tranh nhiều người bỏ ra thành thị sanh sống nên số ruộng bỏ hoang tính ra lên đến 500.000 mẫu tây. Trong thời gian Chánh phủ cho kiểm kê, nếu chủ ruộng vẫn vắng mặt, số ruộng này bị trưng thu để cấp phát cho tá điền.
Sau khi chấp chánh, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57 ngày 22 tháng 10 năm 1956 qui định Chánh sách Cải cách Điền địa theo đó, điền chủ có quyền giữ cho mỗi người 100 mẫu đất, phải canh tác 30%, số còn lại cho mướn theo điều kiện luật hợp đồng đã ban hành.
Ruộng truất hữu, chủ ruộng được bồi thường theo giá ruộng, 10% bằng tiền mặt, 90% trả bằng trái phiếu với lãi xuất 3%/năm. Người giữ trái phiếu có quyền sử dụng trong các dịch vụ như trao đổi, kinh doanh, mua bán. Ruộng truất hữu bán lại cho tá điền trả góp trong 12 năm vốn và lãi xuất 3% như đối với điền chủ cũ.
Có lối 1035 điền chủ bị truất hữu vì mỗi người có trên 100 mẫu. Diện tích ruộng truất hữu là 430.319 mẫu, tính thêm 220.813 mẫu của Pháp kiều. Năm 1958, tổng số ruộng truất hữu là 651.132 mẫu.
Số tá điền trở thành điền chủ từ năm 1957-1963 là 123.193 người . Ngoài ra còn 2857 người mua trực tiếp từ chủ ruộng, nâng con số điền chủ – mỗi người có tối thiểu 5 mẫu – lên 126.050 người. Và số ruộng mua riêng này là 252.213 mẫu.
Chánh sách Cải cách Điền địa ở trong Nam làm cho chủ ruộng và tá điền đều hài lòng. Số ruộng đất bị Việt Minh trước đây tịch thu phát cho tá điền vì chủ ruộng vắng mặt, nay Chánh quyền đem trả lại cho chủ và bồi hoàn tiền nếu bị truất hữu.
2. CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG CỦA TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU.
Cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ túc thêm Dụ số 57 và thiết lập Luật Người Cày Có Ruộng ban hành ngày 26/3/1970 đặt trên căn bản đồng thuận và bồi thường dựa trên nguyên tắc tương đối công bằng. Đó là, người có ruộng trên 15 mẫu hay có ruộng mà không canh tác sẽ bị truất hữu và được bồi thường theo theo thời giá hiện hành, 20% bằng hiện kim, và 90% bằng công khố phiếu và sẽ được truy lãnh 8 năm sau đó do Ngân hàng Quốc gia (miền Nam) bảo đảm với mức lời 10% mỗi năm. Kết quả của Luật nầy, tính từ năm 1970 đến 1973, có tất cả 770.145 mẫu đã được truất hữu từ 51.695 điền chủ.
3. CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA ÔNG HỒ CHÍ MINH & CSBV
Dưới thời CCRĐ của CS Bắc Việt, về thuế nông nghiệp, chúng ta thử nhìn lại sơ lược để có ý niệm cụ thể nông dân bị phá sản.
- Thuế sẽ đánh 5% trên 100 kg lúa, 45% cho 1000 kg lúa trở lên, tối đa là 64% . Thêm vào đó, nông dân trả phụ thu cho đảng 15%. Cả 2 thứ thuế phải nộp một lần, cho đảng và Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa và một phần gởi cho Kominforme làm nghĩa vụ quốc tế.
- Thử làm bài toán để biết nông dân nộp bao nhiêu mồ hôi nước mắt cho thuế nông nghiệp. Chúng ta lấy 1000 kg lúa. Thuế lấy 45% là 450 kg. Trên số này, nông dân bị trừ 15% thuế phụ thu là 67,5 kg. Nông dân phải nộp thuế nông nghiệp cho 1000 kg lúa thu hoặch được là 517,30 kg . Nếu chủ ruộng không trực tiếp canh tác phải nộp thêm 25% phụ thu nữa .
- Diện tích ruộng canh tác và số lúa thu hoặch phải do nông dân bình (nghĩa là do cái gọi là” nông dân” quyết định chứ không do người chủ đất chia ra).
- Còn “chính sách người cày mất ruộng” (Cải cách ruộng đất) đã được đảng ưu ái bằng dùi cui, đôi khi người dân phải lấy mạng làm mộc để bảo vệ nguồn sống cuối cùng của bản thân và gia đình.
- Bồi thường được quy định là khoảng 1 Mỹ kim cho một thước vuông, trong lúc đó thời giá là từ 1000 đến 2000 Mỹ kim/m2 (vụ đàn áp mới nhứt của dự án Ecopark tại Văn Giang, Hà Nội).
Một “công dân” tên Tám Khỏe trên mạng lưới toàn cầu ngày 13/1/2010 nhận định chính sách Cải cách ruộng đất (CCRĐ) như sau:” Chủ yếu CCRĐ là chuẩn bị con đường đưa dân tộc Việt trở thành nô lệ cho một “giai cấp” mới, là đảng viên đảng CSVN.
Chính sách CCRĐ/ CSBV nầy không phải là một sai lầm mà là một tội ác có tính toán của ông Hồ nhằm biến người dân trong vùng kiểm soát của CS thành những “con vật” mất hết ý chí phản kháng, chỉ biết cúi đầu vâng phục Bác và Đảng. Tất cả “con vật” trên mang cùng một họ; đó là họ “SỢ” (tất cả chúng ta đều mang chung một họ Sợ, lời của Nguyễn Tuân).
Cải cách Ruộng đất diễn tiến long trời lở đất này đã được nói nhiều với đầy đủ chi tiết nên thiết tưởng không cần lặp lại thêm nữa. Duy có con số tử vong chính xác của nạn nhân chưa được xác nhận.
Ngày nay, theo báo cáo chánh thức của Viện thống kê Hà nội, số tử vong là 172.008 người trong đó có 70 % bị chết oan ức bao gồm những tiểu địa chủ bị kích lên cho đủ 5 % theo tiêu chuẩn của Trung quốc qui định, những cán bộ đảng viên đi theo kháng chiến chống thực dân vì lòng yêu nước tinh ròng không cộng sản. Nhưng con số tử vong thật sự có thể cao hơn nhiều do nhu cầu bưng bích của chế độ.
Cũng trong thời gian đó, nhiều sĩ phu Bắc hà, trong đó đại diện là Nguyễn Mạnh Tường đã đưa ra phương hướng sửa đổi những sai lầm của chế độ bằng “một chế độ pháp trị chân chính” mà ông đã mô tả trong quyển sách “Tiếng nói trong đêm khuya” (Une voix dans la nuit), nhưng không được lắng nghe mà ông còn bị trù dập cho đến chết.
Thưa Quý vị,
Từ những nhận định và phân tích trên đây, hướng về Việt Nam tương lai, chúng ta có thể hình dung được một mắc xích tháo gỡ cho sự tắt nghẽn của Đất Nước do CS Bắc Việt để lại.
Đó là:
A. Một là tinh thần dân chủ pháp trị,
B. Hai là chính sách Người cày có ruộng,
C. Ba là sách lược Giáo dục, Y tế và Môi trường.
Thực hiện được những điều trên theo thứ tự ưu tiên, Tương Lai Việt Nam chắc chắn sẽ được thâu ngắn lại, và con đường kiến quốc, tạo dựng lại một xã hội có kỷ cương, có đạo lý, và khôi phục được nền văn hóa đặc thù của tổ tiên đã bao năm gầy dựng.
Để kết luận bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin trích dẫn phần kết luận của cố Cố vấn Ngô Đình Nhu trong quyển sách Chính Đề Việt Nam (nhà xuất bản Đồng Nai, Sài Gòn, in lại do Kim ấn quán (Los Angeles năm 1988).
Ông NGÔ ĐÌNH NHU đã khẳng quyết là:
”Trung Cộng giải quyết không được công cuộc phát triển của dân tộc Trung Hoa. Nhưng số người 800 triệu (thời điểm 1960) dân cần phải nuôi, là một thực tế không thể phủ nhận được. Sự bành trướng mà TC bắt buộc phải thực hiện, dưới áp lực nhân khẩu kinh khủng đó đã mở màn. Nếu chúng ta không thức tỉnh thì một trong những nạn nhân đầu tiên của sự bành trướng nói trên sẽ là chúng ta”.
Quả thật đây chính là một lời tiên tri cách đây hơn 50 năm, và ngày hôm nay, TC không cần phải thôn tính nước ta, mà chính những người cộng sản Bắc Việt đã tự hiến dâng đất nước thân yêu và 90 triệu con dân Việt cho TC nhằm mục đích bảo vệ quyền lực và quyền lợi của họ. Lịch sử dân tộc sẽ không bao giờ quên khắc ghi tội ác trên của CSBV.
Cám ơn sự lắng nghe của Quý vị,
Mai Thanh Truyết
Kỷ niệm ngày chia cắt Việt Nam 20/7/1954