Trong chuyến Mỹ Du mới đây, tôi được đọc bài tựa đề “Giàu và Nghèo” trong “Câu chuyện cuối tuần” của Lê Phan đăng trên nhật báo Người Việt, vùng Orange County, số ra ngày Chủ Nhật 28 tháng 10, 2012. Bài viết khá dài của một ‘columnist’, một nữ kí giả, đã từng ở Melbourne, Úc, và có thời kì làm trong Ban Việt Ngữ Đài BBC, London. Cũng xin nói thêm, chị Lê Phan là ái nữ của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát, dưới thời VNCH.
Trong bài viết chị nói về tình trạng “giàu nghèo” trong xã hội Mỹ ngày nay, nhân trước ngày bầu cử tại Hoa Kỳ. Ngoài những chuyện phân tích chi tiết gì khác đáng đọc, tôi đặc biệt chú ý đến đoạn chị viết về một thời xa xưa khi chị mới sang du học bên Mỹ:
“Tôi còn nhớ trên con đường đi từ New York City về vùng upstate của tiểu bang nơi tôi theo học, bên lề đường, những nhà nông chất đống những nông sản không ai canh gác. Kế bên đống bắp với một tấm bảng ngộ nghĩnh ‘So fresh the ears still wiggle’ (Tươi quá đến nỗi nó còn vẫy tai)”.
Câu chị dịch “Tươi quá đến nỗi nó còn vẫy tai”, tôi thấy có cái gì không ổn, khó có thể thấy đó là một lời quảng cáo, rao hàng ngộ nghĩnh được. Có thể là vì tôi méo mó nghề nghiệp trong chuyện “dịch và mắc dzịch” chăng?
Nguyên nhân, theo tôi, “the ears” ở đây là “the ears of corn” (= trái bắp), không phải là “the human ears” (= tai người), nên dịch “nó còn vẫy tai” thì tôi thấy là chưa “đạt”. Người Việt mình đâu có nói “vẫy tai”, mà chỉ nói “vẫy tay”, khi muốn mời gọi ai đến, hay ‘chào từ giã’ (= good bye) người nào.
Thông thường, gần đây mỗi khi có chuyện “mắc dzịch”, là tôi tham khảo với bạn bè trong Nhóm CNDD (= Chữ Nghĩa Dầm Dề) để cùng nhau suy nghĩ, cho nhau ý kiến, hi vọng có thể học hỏi lẫn nhau.
Từ Hóc Môn, vùng phụ cận Sài Gòn, anh Thiếu Khanh Nguyễn Huỳnh Điệp lên tiếng:
Theo thiển ý, cụm từ “so fresh the ears still wiggle” được viết thiếu (hoặc được ‘giản lược’) mất chữ “that”. Nếu được viết “(It’s) so fresh that the ears still wiggle” thì có lẽ không có gì phải tranh cãi. Và, cũng theo thiển ý, có lẽ nên dịch câu đó là ‘tươi roi rói’ thì hợp với cách nói tiếng Việt bình thường hơn. Cái bảng để bên đống bắp có lẽ (nên) được viết: “Our corn is so fresh that the ears still wiggle” (?) (= Bắp của chúng tôi còn tươi roi rói).
Với nhận xét trên, anh Frank Hải Phạm, ở Bắc California cho biết:
Trong phong cách văn nói, người Mỹ thường bỏ chữ “that” trong chức năng ‘liên từ’ (conjunction). Hơn nữa, dùng chữ “that” as a conjunction sẽ làm câu nói ‘stilted’ và có vẻ ‘pedantic’. Trong văn viết, và nhất là trong formal English, họ vẫn giữ “that” as a conjunction. Chúng ta không tranh cãi gì.
Riêng về chữ “tươi rói” của anh Thiếu Khanh, anh Phạm Hải bàn tiếp:
Có lẽ nên dịch câu đó là tươi roi rói thì hợp với cách nói tiếng Việt bình thường hơn. Theo Tự Điển Tiếng Việt của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (Khai Trí, 1970):
Tươi rói: [đồng nghĩa với tươi chong = hớn hở, có vẻ vui]. Thí dụ: Tuồng mặt tươi rói; [đồng nghĩa với tươi rắm rói = mới làm thịt ra, mới đập chết, thịt còn đỏ]. Thí dụ: Cá (tôm hay thịt) tươi rói.
Anh Hải không nghĩ “tươi rói” có thể dùng với “rau, quả, bắp, củ”. Riêng về chuyện “vẫy tai” do tôi cà-khịa, người từ Bắc Cali có ý kiến:
Anh Trịnh Nhật (TN) cho là “Tươi quá đến nỗi nó còn vẫy tai” không thể là câu quảng cáo ngộ nghĩnh… Tôi nghĩ nó ‘ngộ nghĩnh’ cho những ai biết tiếng Anh, biết tại sao có chữ “vẫy tai”, nhưng nó lạ tai và khó hiểu cho những ai không biết tại sao có chữ “vẫy tai”.
Đáp lời anh Hải, tôi viết:
Nói thế cũng phải thôi. Nhưng dịch là dịch cho ai… Trong trừơng hợp này là cho người Việt. Cho nên việc giải nghĩa chữ “tai” (trùng hợp “ears of corn” vs “human ears”) trong tiếng Anh… không thực sự là cần thiết. Anh VC nói đúng “tai người” không biết vẫy, chỉ có “tay người” mới vẫy mà thôi! “wiggle” trong trường hợp của ‘trái bắp’, tôi nghĩ, có thể dịch là “ngọ nguậy”.
Mà việc gì phải thêm chữ “đến nỗi” cho nó “làm yếu đi” câu quảng cáo, rao hàng.
Anh Nghiêm Ngọc Tâm (NNT), ở Nam Cali vào cuộc:
Tôi hình dung “… the ears of corn still wiggle.” là những quả bắp đã lột vỏ trông tươi mát, nõn nà như những con sâu nhộng đang ‘ngúc ngoắc’ (=wiggle), ‘ngọ nguậy’ trong thúng, giỏ… còn ‘sống, tươi’ (= fresh), ở đây với nghĩa bắp mới hái tươi.
Qua hình ảnh đó dịch sát nghĩa là: “Bắp còn tươi tới mức các quả bắp còn đang ngúc ngoắc.”(= hình tượng các quả bắp như các sâu nhộng tươi sống).
Còn dịch bóng bẩy thì theo anh Tu Dinh và anh Phạm Hải. Dịch “vẫy tai” do tác giả nhìn, hiểu nghĩa “ears” là “tai”. Còn thiếu “râu bắp” (corn silk) trong hình.
Anh Hải còn giúp làm sáng tỏ những từ ngữ liên quan tới ‘trái bắp’ như sau:
Để cho rõ ràng, trái bắp có ‘Vỏ’ (màu xanh trong hình dưới) gọi là ‘husk’, ‘Hạt bắp’ gọi là ‘grains’ (of corn). ‘Ruột’ (lõi) bắp gọi là ‘kernel’. ‘Phần cứng ruột bắp’ gọi là ‘cob’. ‘Phần hạt + ruột bắp’ (hình dưới) gọi là ‘ear’.
Chữ ‘ear’ ở đây cho ‘trái bắp’ và ‘ear’ (= lỗ tai) có từ nguyên khác nhau.
Câu “So fresh the ears still wiggle” là cách chơi chữ hay trong tiếng Anh.
Lê Phan dịch là:
“Tươi quá đến nỗi nó còn vẫy tai”,
Tôi nghĩ không đến nỗi tệ (cho độc giả biết tiếng Anh, hiểu cái dí dỏm của nguyên ngữ, “ear of corn + wiggle”). Cái gượng gạo trong cách dịch, theo tôi, không phải ở chữ “vẫy tai” mà ở chữ “đến nỗi”. “Đến nỗi” trong cấu trúc (structure) tiếng Việt:
Mệnh đề 1 + “đến nỗi” (hay đến mức) + Mệnh đề 2
Mệnh đề 1 nói về một mức độ cao, dẫn đến kết quả ở mệnh đề 2.
Trời quá tối đến nỗi tôi không thấy gì cả.
(It was so dark to see.)
Cô ấy đẹp đến nỗi ai cũng phải nhìn.
(She is so beautiful that everybody must look at.)
Thành thử:
“Tươi quá đến nỗi nó còn vẫy tai”
Người đọc tiếng Việt (không đọc câu nguyên ngữ hay không biết tiếng Anh) sẽ không hiểu được tại sao “nó còn vẫy tai” là kết quả của mức độ “tươi quá”. ..
Nhưng: (Trái bắp) tươi quá đến nỗi còn vẫy tai? (= So fresh the ears still wiggle). Dịch sát nghĩa có chữ ‘tai’ (ear) cho ‘bắp’ và ‘vẫy tai’ thì tôi xin chịu. Nếu dịch ý thì có thể nói:
Bắp tươi mới hái như gái mười tám đây, Bà con ơi!
Bắp tươi chong như gái chưa chồng đây, Bà con ơi!
Bắp mới hái như gái đỏng đảnh đây, Bà con ơi!
Anh Chu Xuân Viên, bút hiệu Viên Chu (VC) ở Virginia thì bảo:
Câu tiếng Anh hay và gọn, vừa chơi chữ, vừa mời gọi, hết chỗ chê. Có điều là người ít ai có thể “vẫy” hay ‘ngọ nguậy cái tai’.
1. Theo anh Tu Dinh (ở Colorado), mỗi ngôn ngữ có cái hồn riêng của nó. Đã là hồn thì không thể trực dịch, chỉ có thể diễn ý.
2. Như thường lệ, nhà thông thái Phạm Hải đi từ A đến Z để mô tả một trái bắp (‘thiếu râu ngô’, như nhà thơ NNT đã chỉ ra) rồi sau khi phân tích cú pháp, đã kết luận:
Bắp tươi mới hái như gái mười tám đây, Bà con ơi!
(no guarantee a 18-year old girl is still fresh)
Bắp tươi chong như gái chưa chồng đây, Bà con ơi!
(again, no guarantee. ‘chông’ hay ‘trông’?)
Bắp mới hái như gái đỏng đảnh đây, Bà con ơi!
(I don’t understand why you use “đỏng đảnh” [= fickle, coquettish, haughty?])
Ba câu này hay ở chỗ có vần vè (hái/gái, chong/chồng) nhưng theo tôi chưa ‘đạt’.
4. Anh NNT hiểu đúng nghĩa của “wigggle” (= ngọ nguậy) thường dùng cho ‘giun, giòi bọ’, vv…
5. Anh TK đề nghị tươi rói nhưng theo anh PH, không thể áp dụng cho người, tôi cũng nghĩ vậy.
6. Sau hết, tôi cũng xin đóng góp 2 câu dịch thoát ý:
Bắp tươi mới hái như gái một con.
Bắp quá tươi như rươi đầu mùa (Bắc kỳ).
Anh NNT tiếp ý bàn chuyện ‘mắc dzịch’: Tôi thấy hợp với anh VC ở hai điểm:
1. Con rươi, và 2. Wiggle.
Người Miệt Bể Miền Bắc có ‘con đuông’ (xem ‘con rươi’ của anh VC trong hình!). Người Miệt Vườn Miền Nam có ‘con đuông’, là một loại sâu cây dừa, mập mọng béo hơn của anh VC và vàng ngậy như bơ, nghe nói phụ nữ thích món nầy lắm. Bạn có thể hình dung những con đuông như những ‘quả bắp non’ (= baby corn) cũng có hình dạng, mầu sắc như vậy.
Do đó, tôi nhìn những quả bắp tươi, non nằm đầy trong thúng giỏ cũng chẳng khác gì đám con đuông lúc nhúc ‘ngo ngoe/ ngọ nguậy/ ngúc ngoắc’ (= wiggle), tuy thực tế bắp cứng đâu có động đậy (trừ khi có 5 ngón tay, hay 10 ngón tay xoa lăn nó cho nó ‘cục cựa, dẫy dụa, uốn éo, quằn quại’…
Vậy, phụ với anh VC ta có câu dịch rất gợi cảm, hấp dẫn:
“Bắp tươi như đuông, rươi còn ngọ nguậy đây, Chị Năm ơi!”
Anh Tu Dinh viết đâu đó:
Tôi nghĩ, bắp tươi mà các nông trại bày bán ở dọc đường, là bắp còn để nguyên vỏ. Lột ra, mà bày bán ở dọc đường, hạt bắp sẽ bị bám bụi, mất vệ sinh, và hạt bắp sẽ cứng, và nhăn, vì mất nước, nếu gặp khí hậu khô (độ ẩm rất thấp). Bắp lột ra sẽ bị khô, và hạt bị nhăn, giống như vùng thân mật của mấy bà già, không giống như của con gái, còn no đầy, còn tươi, và còn độ ẩm.
Câu hỏi mà tôi (TN) muốn nêu lên với người từ Colorado là:
“Biết đâu chừng… trong đống bắp bên đường chỉ có một vài ‘trái bắp’ lột một nửa trái để phơi bầy “nửa kín nửa hở’ thôi? Nếu có hư một vài ‘trái’ thì cũng phải hi sinh, chứ biết làm sao? Quảng cáo mà!”
Ngoài việc tham khảo ý kiến của các bạn người Việt, tôi cũng có dịp hỏi hai người bạn Úc, rành tiếng Việt là anh Philip Coen (=Hoàng Bá Công) và anh Dave Gilbert (=Lê Minh Hiền). Tôi xin được tóm gọn phản hồi của anh Công và thêm phụ đề như sau:
“… The English is a ‘bit odd’ (=Câu tiếng Anh nghe ‘hơi kì’) — then again it comes from upstate NY where I know from experience that some of the locals are quite strange to say the least (= vùng Bắc Bang Nữu Ước là nơi theo kinh nghiệm tôi biết là có một số dân địa phương khá lạ phải nói vậy).
Obviously it is meant to be a pun (= chơi chữ) on the word “ears” — who wouldn’t want to translate a pun? (= Ai mà lại chẳng muốn dịch câu có ‘chơi chữ’?).
But the pun sort of misses the point if the ‘ears of corn’ are meant to ‘wiggle’ or for that matter ‘wriggle’. (Nhưng chơi chữ mà lại không đếm xỉa gì đến ‘trái bắp’ xem nó có tai không, mà tai có ‘ngọ nguậy’ hay ít ra cũng ‘giẫy giụa’ được không?)
Then again why should one’s hearing apparatus ‘wiggle’ on beholding a fresh ear of corn just off the stalk? (= … mắc mớ gì bộ phận thính giác lại phải ‘ngọ nguậy’ khi trong tay cầm trái bắp vừa mới hái từ cây bắp ra). It makes no sense (= vô nghĩa lí) — neither meaning in the pun leads to an enlightened view of the object!…”
Anh Dave Hiền xem ra đồng ý với anh Philip Công khi anh viết, mà tôi đã tóm tắt, và phụ đề thêm:
I agree with anh Công in that the intended pun makes sense only in the mind of the originator (= Ý định chơi chữ chỉ có nghĩa nằm trong đầu người khởi xướng). The question here relates to any possible connection between being ‘fresh’ and ‘wiggling’. I can’t think of one unless we’re talking about ‘maggots’(= con giòi), ‘snakes’, ‘worms’ or alike, in which case none of them have ears anyway. Perhaps they are ‘maggot ridden corn cobs’ (= Có lẽ đó là những phần cứng ruột bắp đầy giòi)! I have to be blunt and put it down to an uneducated or careless attempt at being witty (= … chỉ có người hay chữ lỏng, ruột để ngoài da, học đòi dí dỏm mới nói vậy).
It goes to show how nonsense can make such an impact in a world where predictability and certainty leads us like sheep. Had the sign simply said “So fresh the ears prick up” (= Giá mà tấm bảng viết ‘Tươi quá đến độ trái bắp còn vểnh tai lên kìa!’) then I’d say that was quite good… but then again, that was my weird sense of being witty! Maybe I’d do well in up-state NY!!
Sau khi học hỏi được những lời góp ý Anh-Việt đề huề của tất cả các thân hữu gần xa trên khắp mặt địa cầu, tôi xin thành thật cảm tạ Các Bạn hiền và xin được kết luận:
“Dịch quảng cáo là một nghệ thuật” đã đành, nhưng “Viết quảng cáo cũng là một nghệ thuật nữa kìa!”
Nói thế chẳng ngoa tí nào! Quí Vị Quí Bạn thử nghĩ coi… một ‘lời khuyên” hơn 10 năm trước tại Úc, nhắn nhủ người ‘bạn tình’ phải đeo “bao qui đầu” (= condom) trước khi làm tình để tránh bệnh ‘hắt-i-vê’ (HIV-AIDS):
“Tell him it’s not on, it’s not on.”
Tài “Chơi chữ” như thế quả là “Thượng thừa!” Phải không Quí Vị?
Trịnh Nhật
Người từ ‘Miệt Dưới’
Sydney, Úc-đại-hại
Tháng 11, 2012
One Comment
ChânPhương
6. Sau hết, tôi cũng xin đóng góp 2 câu dịch thoát ý:
Bắp tươi mới hái như gái một con.
Bắp quá tươi như rươi đầu mùa (Bắc kỳ).
(Ý kiến của Chu Xuân Viên, CXV)
__________________
Cá nhân tôi thấy, CXV đã nhầm lẫn rất đáng tiếc trong hai câu dịch “thoát ý” của mình:
Việt ngữ trong văn học dân gian cũng như trong văn chương bác học đều có dùng các cách so sánh (còn được gọi là mỹ từ pháp, tỷ và ẩn dụ) với hình ảnh, tục ngữ, thành ngữ, ca dao có sẵn trong kho tàng văn học nước nhà…
Tuy nhiên để đạt được sự thành công trong việc áp dụng các so sánh đó, đòi hỏi đầu tiên đối với người dùng các biện pháp so sánh này, là phải hiểu rõ ý nghĩa nguyên thủy của hình ảnh, tục ngữ, thành ngữ, ca dao… mà mình muốn đem ra sử dụng. Đòi hỏi tiếp theo, là sự so sánh đó có hợp lý hay không. Nếu so sánh là hợp lý, việc áp dụng tỷ dụ hoặc ẩn dụ đã thành công. Nếu không hợp lý, so sánh trở thành lệch lạc.
Trong hai thí dụ của mình, so sánh của CXV đều bị lệch lạc không đúng với ý của tác giả (CXV). Nôm na là hai thí dụ này đều lạc quẻ, như sau:
1/ “Bắp tươi mới hái như gái một con.”
Tác giả CXV có ý dùng một phần hình ảnh trong câu tục ngữ thường ngày, “gái một con trông mòn con mắt” để diễn tả cho tính cách xanh tươi của những trái bắp mới được hái. Tuy nhiên, so sánh này có phần gượng gạo vì câu tục ngữ dùng với ý nghĩa ca ngợi cái đẹp của người đàn bà đã trưởng thành và chín muồi trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý một cách toàn diện. Do đó, dùng hình ảnh “gái một con” để so sánh với tính chất tươi tắn của những trái bắp mới hái, quả là một điều đáng tiếc!
2/ “Bắp quá tươi như rươi đầu mùa (Bắc kỳ).”
Phải chăng hai chữ “đầu mùa” đã cho tác giả CXV ấn tượng còn tươi của rươi mới vớt lên khỏi mặt nước sông?
Thật ra, rươi mới vớt lên được chế biến ngay đều tươi cả; chẳng kể gì là đầu, giữa, hoặc cuối mùa.
Cẩn thận hơn trước khi muốn áp dụng “rươi đầu mùa”, tác giả đã có thể tìm và hiểu rằng đó là hình ảnh dùng để ám chỉ những gì xảy ra rất nhiều và đông đúc. “trộm cắp như rươi” là một thí dụ. Rươi đầu mùa không phải là hình ảnh thích hợp khi so sánh với cái tươi mát của bắp non mới hái xuống!
Các “Mỹ từ pháp” được dùng một cách cẩn thận và có chú ý trong sáng tạo; sẽ đem đến được những câu văn thơ mượt mà, uyển chuyển, đồng thời chuyên chở được những ý nghĩa thâm thúy.
Ngược lại, hình ảnh so sánh không thích hợp sẽ bị xem như đôi đũa lệch (ở đây người viết muốn nói đến các so sánh mang tính chất biền ngẫu). Hoặc giả, đôi khi giống như đang thưởng thức miếng cơm mới nấu bằng gạo thơm dẻo
rồi bất ngờ cắn phải hạt sạn… Chẳng biết có gì buồn hơn!
Trân trọng.
Chân Phương.