– Anh có biết gì về Hoàng Đạo, có ý nghĩ về Hoàng Đạo. Nói tóm lại, anh có viết được cho VĂN một bài về Hoàng Đạo không?
Tôi loáng thoáng nghe câu hỏi của Trần Phong Giao, trong khi mải nhìn một cô gái ở trong một tấm váy-liền-với-áo giống như một cái ống may bằng vải dầy lụng bụng. Hoàng Đạo? Tôi biết gì về Hoàng Đạo? Không, tôi không biết gì cả. Nhưng tôi nghĩ về Hoàng Đạo? Chẳng lẽ tôi không có ý nghĩ nào về nhà văn lớn ấy hay sao?
Nhưng mà không, không thật! Tôi nhớ lại: quả thật chưa bao giờ tôi đọc hết một bài nào của ông, càng không đọc bất cứ tác phẩm nào của ông. Tôi nhớ lại: từ khi còn cắp sách đến trường, tôi đối với Hoàng Đạo vẫn chỉ có một cảm tưởng lạnh lẽo khó chịu. Khó chịu cho tôi, vì tôi thấy nhiều người kính phục ông mà không biết tại sao tôi không phục ông, mà chỉ kính –kính như một người ngang hàng với ông anh ruột của anh rể tôi.
Không lẽ tôi lầm? Nếu tôi không lầm thì rất nhiều người khác phải lầm thay tôi. Có thể như thế chăng? – Thật khó tin! Vì vậy mà tôi khó chịu, khó chịu vì lẽ phải bảo tôi nên kính phục Hoàng Đạo, mà sao tôi không tuân theo lẽ phải!
Nhưng rồi thời gian qua đi. Câu hỏi của T.P.G được đặt ra đã được một năm. Tôi tiến gần tuổi năm mươi hơn. Tôi cũng có dịp nghĩ nhiều hơn, và đọc kỹ hơn, về Hoàng Đạo. Nhất là một hôm, giở chồng sách cũ, tôi gặp cuốn Chân dung Nhất Linh, rồi qua Nhất Linh, tôi nghĩ đến Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo còn giỏi hơn Nhất Linh! Nhiều người bảo tôi như thế. Người ta bảo Hoàng Đạo giỏi về sách lược, chiến lược. Có người nói Hoàng Đạo không may chết đi, nên Nguyễn Tường Tam mới dở dang sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Người ta nói, tôi không biết có đúng không. Nhưng nhờ câu nói đó mà, hôm nay, tôi hiểu tại sao tôi không biết cảm phục Hoàng Đạo.
Tôi hiểu hố sâu nào ngăn cách, khiến cho tôi không thấy được hết giá trị của ông. Hố sâu đó chính là cái hố sâu ngăn cách những người có theo học lý thuyết Mác-xít với những người chỉ nghiên cứu có nền văn minh chính thức của một dân tộc vừa tiến bộ, vừa tự do, là dân tộc Pháp hồi bấy giờ.
Thật là tự nhiên, tôi theo học mấy ông thầy tự họ lại là tín đồ của Karl Marx, nên có ngu tối đến đâu, tôi cũng bị thuyết phục rằng chế độ thực dân đầy rẫy bất nhân, và chế độ tư bản đầy rẫy bất công. Chế độ tư bản thực dân phải chết, không nghi ngờ gì, và không giảm khinh chút nào! Tôi đồng ý như vậy: bất cứ ý nghĩ nào của những người thuộc chế độ đó cũng sai lầm, bất cứ vẻ đẹp nào cũng cần được xét lại. Tôi giữ vững lập trường này được bốn, năm năm. Trong thời gian này, cố nhiên tôi không phục Hoàng Đạo.
Nhưng tôi vẫn phục Khái Hưng, Nhất Linh và vẫn thích đọc báo Phong Hóa, Ngày Nay. Nguyên nhân sự tôn sùng này hoàn toàn có tính chất văn nghệ. Tôi theo học tư tưởng mác-xít, nhưng không chịu tham gia bất cứ tổ chức cách mạng mác-xít nào. Lý do là tôi theo học tư tưởng mác-xít vì nó đánh đổ tư tưởng dân chủ tư bản tây phương, nhưng tôi không hoạt động vì tôi thấy tư tưởng mác-xít vẫn chưa hoàn toàn đúng.
Trong ý nghĩ non dại của tôi, lúc ấy, tôi cho rằng người ta chỉ có thể phấn đấu hết mình, và hy sinh không ngần ngại, nếu người ta theo một đường lối hoàn toàn đúng. Trong ý nghĩ non dại của tôi, chủ nghĩa mác-xít không hoàn toàn đúng. Tôi đã nói như vậy với thầy Mai, thầy mắng tôi kiêu ngạo, chính mình không hiểu hết mà dám bảo người ta không đủ. Tôi xác nhận uy tín của thầy Mai rất lớn, nhưng không đủ lớn để thuyết phục tôi, sau những cuộc thảo luận đại khái như sau:
– Người ta sống để làm gì?
– Để tranh đấu.
– Tranh đấu để làm gì?
– Để cho đời sống tốt đẹp hơn, no ấm hơn.
– Đời sống tốt đẹp rồi, no ấm rồi, thì làm gì nữa?
– Cuộc tranh đấu sẽ tiếp tục giữa con người và thiên nhiên.
– Để làm gì?
– Để làm cho khoa học tiến bộ.
– Khoa học tiến bộ để làm gì?
– Để làm cho đời sống tốt đẹp hơn, no ấm hơn.
À, câu trả lời đã đi được một vòng tròn rồi. Thầy học của tôi bực mình, gắt rằng người ta phải sống thực tế, thực tế là lo cho đời sống ngày hôm nay, ngày mai. Kẻ nào đi quá xa là không tưởng, không tưởng là một trạng thái tinh thần nguy hiểm, trái với lý thuyết duy vật. Tôi phải im. Nhưng một hôm khác lại hỏi:
– Cộng sản là thế nào?
– Là chia đều mọi hưởng thụ.
– Làm thế nào chia đều một vật mà tôi thích nó nguyên vẹn, mà người khác cũng thích nó như vậy?
– Tương lai chỉ có sự lợi ích và nhu cầu, không có cái thích phi lý ấy.
– Nhưng nếu là một người đàn bà.
– Người đàn bà cũng thế.
– Nhưng nếu tôi và U (một học sinh khác) cùng yêu một người?
– Một nền giáo dục khoa học sẽ làm cho không có sự lộn xộn ấy.
Tôi lại phải im. Lần này thì tôi thua, thua và buồn. Bởi lúc bấy giờ, sự nghiên cứu của Pavlov về phản ứng theo điều kiện chưa được nhiều người hiểu rõ, nhưng tôi đã lờ mờ cảm thấy trong tình yêu quả nhiên có một phần lớn do thói quen thật. Tình yêu mà bị chỉ huy thì thật buồn, nhưng dù sao thì đời người cũng đỡ lộn xộn. Tôi chờ một dịp khác để trở lại vấn đề tranh đấu:
– Tại sao phải tranh đấu?
– Vì đó là bản năng của con người.
– Nếu con người sinh ra đời lười biếng thì sao?
– Thì sẽ bị đào thải.
– Ai đào thải?
– Đa số.
– Để làm gì?
– Để xây dựng cuộc sống cho tốt đẹp hơn, no ấm hơn.
Tôi im lặng, nhưng tôi không chịu. Đa số chỉ có quyền tiêu diệt thiểu số nếu có tranh chấp, còn nếu thiểu số yên phận sống nghèo hèn thì tại sao lại bị đào thải? Tôi biết câu trả lời: nhân danh tương lai chung của nhân loại, người ta có quyền bắt một thiểu số hy sinh. Tôi không cãi được, nhưng tôi cho thế là bất công. Vả lại cũng thiếu thực tế. Lúc thì bảo phải sống cho hôm nay, lúc lại bảo phải chết cho tương lai. Đằng nào nghe cũng có lý, nhưng vẫn không thực tế. Tuy nhiên, tình thầy trò, cách đây 30 năm, không cho phép tôi cãi đến cùng.
Chính vì thế mà tôi không theo mác-xít, cũng không theo tư bản. Tôi không đọc hết Hoàng Đạo vì ông có thái độ rõ rệt như thầy Mai tôi. Rất có thể cả hai ông cùng biết con đường mình đi chưa hoàn toàn đúng, nhưng vốn dĩ là những người suy tư nặng về thực tại hơn nặng về lý tưởng, nên các ông đã chấp nhận một thái độ chung cho cả cuộc đời (Trong khi đó thì tôi lang thang, trôi giạt, đi tìm một thứ mà, trong ngót 30 năm, chính tôi cũng chẳng biết là gì!)
Nhưng trở về Hoàng Đạo. Tôi đã đọc ông tương đối kỹ, và nhớ lại rằng tôi đã được nghe nói về ông khá nhiều. Tôi thấy có thể chia ý kiến của tôi làm hai phần: về nhà tư tưởng, về nhà báo và nhà văn.
Về Hoàng Đạo, nhà tư tưởng, tôi linh cảm ông là người sâu sắc, nhưng hẹp hòi, và rất có thể có đôi chút cố chấp –lẽ tự nhiên tôi đã không gặp được ông, nên chỉ từ tác phẩm của ông mà suy luận. Điều chắc chắn là Hoàng Đạo có học rộng, và hiểu nhiều, nghĩa là đã tiêu được cái mà ông học. Khi ông viết “Văn hóa Âu Mỹ đem trồng ở đất ta tự nhiên sẽ biến; những điều hợp với tinh thần riêng của dân tộc sẽ còn và nẩy nở ra, những điều không thích hợp sẽ tự nhiên bị đào thải” (1) thì người đọc có cảm tưởng ông rộng rãi, nhưng kỳ thật, ông viết câu đó có lẽ chỉ do sự thận trọng về nguyên tắc thôi. Sự thật, trong nhiều đoạn khác, người ta thấy rõ rệt ông xác nhận một ý chí tiến bộ “theo Âu Mỹ” một ý chí “chống thủ cựu” gần như tuyệt đối: “Vậy, mạnh bạo, chúng ta nên đua nhau vào con đường mới, rộng rãi và đầy ánh sáng của văn hóa Âu Mỹ” (1).
Với ngót 30 năm xa cách, thật khó mà biết động cơ chính của ý chí mới trong Hoàng Đạo là gì. Nhưng nếu người ta nhớ gia đình ông, hồi ông còn thơ ấu, đã có lúc rất nghèo túng; ông lại là người dễ xúc động trước cảnh lầm than, đói khổ của đồng bào thì thiết tưởng có thể nói trong Hoàng Đạo, sự tiến bộ bao hàm một phần lớn sự phồn thịnh về kinh tế.
Theo các đề tài tâm niệm thì trong 10 bài, trừ hai bài có mục đích trình bày quan niệm (2) một bài, khá lơ mơ, về lý tưởng (3) còn lại bảy bài, thì có đến bốn bài nói về phương pháp tự luyện để làm việc được giỏi dang, và tranh đấu được thắng lợi hơn (4). Tôi không phủ nhận giá trị của loạt bài này, nhất là cách đây 30 năm, xã hội ta còn giữ nhiều nếp sống cổ hủ và, rõ rệt hơn cả, là các vùng nông thôn còn có một đời sống vô cùng đói khổ, vô cùng tối tăm. Cứ như bề ngoài mà người ta dễ nhận thấy, sự đói khổ, sự tối tăm là những hình ảnh thường đi liền với sự ngu dốt, sự bẩn thỉu, sự mê tín dị đoan v.v… Người nghèo thì đê hèn, người ít học thường làm việc một cách bề bộn, người đàn bà trong xã hội cũ tuyệt đối phục tùng người đàn ông, và người dân của một nước bị ngoại thuộc luôn luôn bị hướng dẫn, và bị quyến rũ, bởi một trào lưu theo đuổi vinh hoa, phú quý (đỗ cao, làm lớn) thay vì được giáo dục để thấy rõ bổn phận công dân và sứ mạng chiến sĩ.
Hoàng Đạo là người có ý chí chống lại những thế lực làm cho nhân dân ta sa đọa về tinh thần và ngụp lặn trong cơ khổ. Đó có lẽ là những nguyên nhân đã khiến ông viết văn và đã đưa ông vào con đường cách mạng tư sản, mà, nói cho đúng ra, xứng đáng hơn với các danh từ “cuộc đấu tranh giành độc lập” và “công cuộc cải tiến xã hội theo đường lối dân chủ tư sản.” Sự lẫn lộn danh từ này còn tiếp tục đến tận bây giờ, và Hoàng Đạo, nếu còn sống (và tôi nghĩ như vậy) có lẽ cũng chỉ là một trong các lãnh tụ chính trị chỉ có lý tưởng cải tiến xã hội, nhưng vì nhu cầu (theo kịp sự đòi hỏi của quần chúng), cứ phải nhận mình làm cách mạng của thời đại chúng ta hôm nay.
Riêng phần tôi trước hết vì tôi còn nhỏ tuổi hơn Hoàng Đạo, và ơn cha mẹ, được ăn học trong một sự đầy đủ tương đối, nên, cho đến khi bắt đầu biết nghĩ, tôi không có được cái nhìn thực tế và nhân đạo của ông. Một vài trường hợp bị người ngoại quốc khinh khi, áp chế, khiến cho tôi biết cái nhục vong quốc, nhưng tôi nghĩ đến công cuộc tranh thủ độc lập với nhiều lãng mạn hơn Hoàng Đạo. Tôi cũng không theo con đường của thầy Mai tôi. Sự từ chối làm chiến sĩ vô sản làm cho tôi bị một số bạn hữu và người quen buộc vào tội thiếu đạo đức và thiếu can đảm. Tôi chịu đựng những lời phê bình khắc nghiệt của nhiều người, và có lẽ chỉ một mình thầy Mai tôi là còn giữ được một chút hoài bão mơ hồ nào đó nơi tôi. (5)
Một phần khác, chính cũng nhờ gia đình tôi được khá sung túc, cho nên tôi, thay vì cố gắng học thi lấy đỗ, lại quay ra đọc lan man đủ mọi thứ sách (Tôi nhớ có thời gian đến hai, ba tháng, tôi vào Thư viện Trung ương, mượn và đọc tất cả các sách tại thư viện, về các trận thủy chiến: Trafalgar, Falkland, Jutland, Coronel v.v…), và bắt đầu năm 1938, tôi đã bắt đầu đọc về phân tâm học và nguyên tử lực. Mặc dù tôi chẳng hiểu được bao nhiêu trong phần lý luận, cuốn sách nào về khoa học cũng có một phần kết luận mà bất cứ ai cũng thấy được phần nghĩa đen rành rọt: Sự đọc sách này ảnh hưởng đến tương lai của đời tôi rất nhiều, vì, ngay bây giờ, tôi đã mang mang chờ đợi những biến chuyển lớn lao do mọi ngành khoa học sẽ đem đến cho đời sống.
Thành thử, trái hẳn Hoàng Đạo đứng bằng hai chân trên mặt đất, tôi mơ hồ chờ đợi một giải pháp toàn bích không phải riêng cho xã hội và dân tộc Việt Nam, mà chung cho cả thế giới, cả nhân loại. Đã đành đó là một thiệt hại lớn cho tôi, vì, bây giờ đọc kỹ các tác phẩm của ông, tôi mới ý thức được tác dụng giáo hóa thực tiễn của nhà tư tưởng Hoàng Đạo. Tôi thành thật nghĩ rằng nếu xưa kia tôi biết đọc ông, cuộc đời tôi chắc hẳn đã tránh được nhiều vấp ngã đau đớn.
Những điều tôi muốn nói về nhà văn Hoàng Đạo có lẽ sẽ ngắn ngủi hơn, nhưng tha thiết hơn. Tôi vốn không được vinh dự quen biết, hay hơn nữa, “bầu bạn” với các nhà văn trong nhóm Đời Nay như Đinh Hùng, nhưng trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng tự coi như một học trò được chịu ơn rất nặng của họ.
Tôi nhớ đích xác, khi mới lớn lên, tôi đọc tạp nham đủ mọi thứ sách, từ “Thất kiếm thập tam hiệp” đến “Lưu cầu Hải ngoại huyết thư”, từ mấy cuốn truyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ả rập đến Les Faux Monnayeurs của Gide, Les Profils Perdus của Bourget… không kể các loại sách báo nghiên cứu về pháo binh, về không chiến, về tế bào, về bệnh ung thư v.v… Nhưng trong tất cả các sách báo tôi đã đọc, không có tờ báo nào “dạy” tôi nhiều bằng tờ Phong Hóa.
Không những dạy xúc cảm, dạy suy nghĩ, mà còn dạy cách suy nghĩ cho thông minh, với một chút diễu cợt thanh tao (đôi khi cần, cũng biết tục tĩu) và dạy cách kết luận cho gọn và mạnh. Ngay bấy giờ, không cần giở tài liệu, tôi cũng nhớ một đoạn tả anh lính săng đá với chị lầu xanh cãi nhau (6): “Anh có khố thì tôi cũng có khố” và câu kết bằng mấy chữ “cả khố đỏ lẫn khố xanh.” Đó là cách chơi chữ, câu trên có hơi tục một chút, đầy ý nhị. Nhất là cách kết thúc, bao giờ cũng đột ngột, có khi thâu tóm trọn ý của bài, có khi đưa đến một tư tưởng xa xôi nào khác, nhưng luôn luôn xúc tích, với một vẻ thấp thoáng cầu kỳ (của người có học rộng) mà lúc nào cũng minh bạch, dễ hiểu.
Chắc chắn không có thầy học hoặc sách báo nào dạy tôi nhiều bằng tờ Phong Hóa. Nghĩ lại một chút sự nghiệp của mình, tôi xác nhận về phần hình thức (từ chương), quả nhiên tôi đã lấy hình thức sáng tác của nhóm Đời Nay làm hình thức lý tưởng để theo chân, nối gót. Tất cả những đoạn mà tôi tự lấy làm hài lòng, có lẽ đều đáng kể là sản phẩm của một tên học trò trung thành của các nhà văn đó.
Mà nhà văn Hoàng Đạo bây giờ tôi mới hiểu, chính là bộ óc của nhóm Đời Nay. Hoàng Đạo chứ không phải Nhất Linh. Người chủ trương và điều hành tờ Phong Hóa nhất định phải là tác giả Trước vành móng ngựa. Nhà văn Nhất Linh, như sau này nhiều sự kiện đã chứng nghiệm, là một người nhiều mộng mơ hơn thực tế. Cung cách ông làm tờ Ngày Nay (tái bản ở Sàigòn) cho phép tôi quả quyết rằng tự tay Nhất Linh chưa hề phải lo việc điều hành tòa soạn một tờ tuần báo bao giờ (Tờ Ngày Nay, tái bản ở Sàigòn, được in ở nhà Nguyễn Đình Vượng là nơi tôi có thân tình đi lại, nên tôi được mục kích Nhất Linh bao biện, tự mình làm lấy đủ mọi việc, thật không tỏ là người đã chỉ huy công việc xuất bản những tờ Phong Hóa, Ngày Nay [loại đầu, in tuyệt đẹp], mà, nói riêng việc trình bày đã khó khăn lắm).
Tôi biết không cần trình bày gì nhiều về giá trị và ảnh hưởng của các cây bút trong nhóm Tự lực Văn đoàn. Những nhà văn hoàn toàn theo mới này, tuy có những trường hợp quá trớn –như từ chối ý nghĩa thiêng liêng của Trời, Đất– nhưng, cách đây 30 năm, thế lực thủ cựu còn mạnh nên ý chí tiến bộ không được phát huy cho có quyết tâm thì chắc chúng ta không có được ngày nay.
Mặc dù cái “ngày nay” của chúng ta cũng chẳng đẹp đẽ sung sướng tôi vẫn có thể đoan chắc với các bạn trẻ thuộc thế hệ tới sau tôi rằng từ 1940 đến 1945, thế hệ trẻ hồi bấy giờ đã yêu nước và làm cách mạng theo kiểu Đời Nay. Rồi từ 1945 trở đi, đến lượt môn đệ của Karl Marx làm mưa làm gió, nhưng sự thật là họ chỉ nắm được quyền lãnh đạo trung ương, còn công tác môi giới giữa trung ương và đại chúng là công tác của cán bộ, mà cán bộ là những ai, nếu không phải là những tên tuổi trẻ ngu dốt như tôi, chỉ vì muốn giành độc lập, và bất mãn với chế độ dân chủ tư bản, mà “hãy tạm thời theo họ đến khi giành được độc lập, rồi sẽ chống lại họ sau!”
Đến bây giờ, tuy đường lối vẫn chưa có đường lối nào được công nhiên áp dụng, chúng ta ít lắm cũng có thể nói rằng chính cái ý chí cải tiến xã hội, bị “gọi nhầm” là cách mạng vẫn còn cho phép chúng ta chống Cộng sản thắng lợi. Hoàng Đạo là một trong những người phát huy, và phát huy tới độ cao nhất cái ý chí ấy, cho nên tôi xin các bạn đọc thân mến cho phép tôi gọi Hoàng Đạo là một trong những vị tổ sư của công cuộc cách mạng xã hội mà, dù muốn dù không, chúng ta đang thực hiện.
Nguyễn Mạnh Côn
(10-6-LXVIII)
(1) Hoàng Đạo, Mười Điều Tâm Niệm, nhà sách Khai Trí xuất bản, giấy phép xuất bản đề năm 1961, trang 16 (dòng 2 đến dòng 6), và trang 17 (dòng 5 đến dòng 7).
(2) Các điều tâm niệm thứ 1 và 2: THEO MỚI, TIN Ở SỰ TIẾN BỘ
(3) Điều tâm niệm thứ 3: SỐNG THEO MỘT LÝ TƯỞNG.
(4) Các điều tâm niệm thứ 5, 7, 9, 10: LUYỆN TÍNH KHÍ, LUYỆN LẤY BỘ ÓC KHOA HỌC, LUYỆN THÂN THỂ CƯỜNG TRÁNG, CẦN CÓ TRÍ XẾP ĐẶT.
(5) Xin xem trong cuốn Mối Tình Mầu Hoa Đào, in lần 1, Giao Điểm, Sài Gòn, 1964.
(6) LTS. – Thật ra là lời khai của anh lính “… chúng con có khố thì chúng nó cũng có ạ” trước quan tòa. Xin đọc bài DUYÊN NỢ trong Trước Vành Móng Ngựa.
PHỤ BẢN
Hoàng Đạo (1907-1948)
Tên thật:Nguyễn Tường Long, là một nhà văn Việt Nam, trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Ngoài bút danh Hoàng Đạo, ông còn có những bút danh khác: Tứ Ly,Tường Minh.Cuộc đời
Đi học
Hoàng Đạo, sinh ngày 16 tháng 11 năm 1907 tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình công chức, gốc quan lại đã đến hồi sa sút.
Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918) làm Thông phán và mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật ở Cẩm Giàng (Hải Dương).
Hoàng Đạo là người con thứ tư trong một gia đình gồm sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm đến Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh)…Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam) và người em út là bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều đã ít nhiều dự vào nghiệp văn chương.
Khi ông chào đời, được cha đặt tên là Tứ (cho thuận vì trước đã có Tam [Nguyễn Tường Tam]), nhưng sau nghĩ lại, mới thấy cái tên này trùng tên người bạn thân của mình, nên gọi chệch là Tư (Nguyễn Tường Tư). Sau vì ông không đủ tuổi để đi thi, gia đình đã khai thêm bốn tuổi (thành ngày 3 tháng 4 năm 1903 trên giấy khai sinh) và đổi tên lại là Nguyễn Tường Long.
Lúc nhỏ, Hoàng Đạo đi học ở trường huyện Cẩm Giàng. Hết bậc tiểu học, Hoàng Đạo bị ốm nên tự học tại nhà. Năm 1924, ông đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, được bổ làm Tham tá ngân khố Hà Nội.
Tiếp tục học, ông đỗ bằng Tú tài Pháp năm 1929. Năm sau, ông thi vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân luật, ông được bổ làm Tham tá lục sự Tòa án Đà Nẵng rồi Hà Nội.
Theo Khúc Hà Linh, Hoàng Đạo học luật được một năm, thì có lệnh cử đi làm Tri huyện. Nhưng sau khi nghe mẹ lời khuyên, ông đã khéo từ chối[3].
Viết văn, làm báo, tham gia chính trị
Làm công chức ít lâu, năm 1932, Hoàng Đạo bước sang lĩnh vực báo chí. Khởi đầu, ông viết cho tờ Phong hóa của Nguyễn Tường Tam, rồi cùng với người anh này và Khái Hưng chủ trì bút nhóm Tự Lực văn đoàn.
Trên báo Phong hóa, ông lấy bút hiệu là Tứ Ly, chuyên viết những bài đả kích và châm biếm giới quan lại và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, tờ Phong hóa bị đóng cửa vì ông viết bài động chạm đến Tổng đốc Hà ĐôngHoàng Trọng Phu.
Năm 1938, ông cho xuất bản tác phẩm đầu tay: Trước vành móng ngựa, gồm những bài phóng sự đã đăng trên báo Phong hóa.
Năm 1939, Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt (sau đổi tên là đảng Đại Việt Dân Chính). Vì đảng chủ trương công khai chống Pháp và lật đổ triều đình Huế, cuối năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La. Mãi đến năm 1943 Hoàng Đạo mới được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội.
Trong thời gian đó, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay đến cuối năm 1941, mới bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội.
Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, Hoàng Đạo cùng Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách lo tục bản tờ Ngày nay (khổ nhỏ, số đầu tiên ra ngày 5 tháng 3 năm 1945) và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Việt Minh nắm chính quyền. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập.
Ngày 2 tháng 3 năm 1946 Chính phủ liên hiệp ra đời. Sau đó, Hoàng Đạo được bổ sung (không qua bầu cử) làm đại biểu Quốc hội khóa I, được cử giữ chức Bộ trưởng kinh tế một thời gian ngắn (sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, ngày 2 tháng 3 năm 1946, thì Chu Bá Phượng lên thay).
Một lần được cử lên Vĩnh Yên giải quyết việc một vụ gây rối, Hoàng Đạo đã tìm cách sang Trung Quốc. Ngày 22 tháng 7 tháng 1948, trên chuyến xe lửa từ Hương Cảng về Quảng Châu, khi vừa tới ga Thạch Long, Hoàng Đạo bị đột quỵ rồi mất, lúc 42 tuổi.
Thi hài ông được gia đình an táng tại thị trấn Thạch Long (Trung Quốc).
Năm 1933, được một người bạn của mẹ làm mối, ông lập gia đình với Marie Nguyễn Bình (1913-1975), con gái một quả phụ khá giả. Ông và vợ sống hạnh phúc và có cả thảy bốn người con (ba gái và một trai).
Tác phẩm
- Trước vành móng ngựa (phóng sự, 1938)
- Mười điều tâm niệm (luận thuyết, 1939)
- Bùn lầy nước động (luận thuyết, 1940)
- Con đường sáng (tiểu thuyết, cùng viết chung với Nhất Linh, 1940)
- Tiếng đàn (tập truyện ngắn, 1941)
Sách viết cho thiếu nhi (loại sách hồng):
- Con cá thần
- Lan và Huệ
- Con chim di sừng
- Sơn Tinh
- Lên cung trăng
Tất cả các sách trên đều do Nxb Đời Nay (Hà Nội) thuộc Tự Lực văn đoàn ấn hành.
Nhận xét
Về tác giả
Hoàng Đạo từng được bổ làm Tri huyện, với mức lương 140 đồng, nhưng ông đã từ chối. Ngày còn làm Tham Tá lục sự tòa án Đà Nẵng, có người cùng sở muốn làm mối cho ông một cô gái Huế, con một vị Hồng lô tự khanh rất có vị thế, nhưng ông cũng không ưng… Sau này, khi ông tham gia chính trị, thì anh em và đồng chí đều nể Nhất Linh, nhưng quý Hoàng Đạo, bởi ông mới là người mưu lược. Khi nhận được tin Hoàng Đạo mất, những người thân đã nói rằng: “Hoàng Đạo không còn, nhất định Nhất Linh sẽ từ bỏ chính trị”. Quả như vậy. Về nước gần mười năm (1950-1959), Nhất Linh xa lánh chính trị, tập trung vào việc viết sách báo, vui với thiên nhiên hoa cỏ…
Về tác phẩm
Trích đáng giá của:
- Nhà văn Vũ Ngọc Phan:
- Tiểu thuyết luận đề của Nhất Linh đều có khuynh hướng về gia đình…còn tiểu thuyết của Hoàng Đạo có khuynh hướng xã hội. Tác phẩm đầu tay của ông (Trước vành móng ngựa), làm người đọc vừa phì cười vừa thương tâm. Quyển Con đường sáng có những ý hay, nhưng tác giả quá thiên về tả cảnh…Những nhân vật không có những ngôn ngữ và hành động sâu sắc, nên cá tính của họ không được rõ…
- …Hoàng Đạo là một nhà văn sở trường về nghị luận, về châm biếm hơn là về tiểu thuyết. Ở hai loại trên, ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn loại tiểu thuyết ông không được giàu tưởng tượng cho lắm…
- Nhà nghiên cứu Văn Tâm:
- “Trước vành móng ngựa”, là tập phóng sự đặc sắc về tóa án. Tuy tác giả không mấy quan tâm đến “luận đề”, nhưng sự thật giản đơn được chọn lọc phản ánh, lại tự nói lên ý nghĩa sâu xa của nó, từ đó có khả năng thuyết phục độc giả một cách thấm thía về hiện thực dân sinh và dân trí bi đát đương thời…
Với “Mười điều tâm niệm”, Hoàng Đạo có hoài bão hướng dẫn lẽ sống đúng đắn cho thanh niên…Và chủ trương trong quyển này đã được tác giả hình tượng hóa qua cặp nhân vật nam nữ Duy và Thơ trong tiểu thuyết “Con đường sáng”. Duy, sau một thời gian chơi bời, đến khi chán nản muốn tự sát, thì bỗng giác ngộ ra được “con đường sáng”…Cụ thể là lẽ sống của thanh niên tân tiến là nhẫn nại mưu tính cho giới bình dân có được một cuộc đời êm đẹp. Duy kết hôn với Thơ, một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao, rồi cùng về nơi “ bùn lầy nước đọng” cứu giúp đám nông dân nghèo khổ, thất học và bệnh tật…Nhưng cuối cùng công cuộc cải lương hương xã của họ đã thất bại…”Con đường sáng” có lối văn trong trẻo, đôi chỗ trữ tình. Tác giả chứa đựng những nét hiện thực, nhưng các hình tượng nhân vật thì còn mờ nhạt, ít gây ấn tượng sâu sắc…
Nguyễn Mạnh Côn
Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979), là nhà văn Việt Nam trước 1975. Ngoài tên thật, ông còn ký bút danh: Nguyễn Kiên Trung, Đằng Vân Hầu.
Tiểu sử
Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, nhưng cư ngụ ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, và sau đó (1945) là báo Thống nhất. Có nguồn[1] nói rằng năm 1942-1943, ông cũng từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.
Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn làm nhân viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn, hay còn gọi là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Sơn Tây.
Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.
Năm 1954, ông di cư vào Nam làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, ông còn viết sách và làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Chỉ đạo (1956-1961), Chủ bút báo Văn Hữu, đồng thời cộng tác với các báo, như: Tia sáng, Tin mai…
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Mạnh Côn bị chính quyền mới bắt đi học tập cải tạo, và mất ngày 1 tháng 6 năm 1979 khi còn ở trong trại (theo website Văn Chương Việt)[2]. Tuy nhiên, trên trang Vietgle thì ghi ông mất năm Canh Thân (1980) [3].
Tác phẩm chính
Việt Minh, Ngươi Đi Đâu? (1957)
Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử (1958)
Kỳ Hoa Tử (1960)
Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960)