1. Mở bài
Sau một tuần lễ phóng hỏa tiễn và không kích dữ dội giữa phe Palestine Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và Do Thái (Israel), một thỏa thuận ngừng bắn được ký vào lúc 9 giờ tối và có hiệu lực kể từ 12 giờ đêm, giờ địa phương, ngày thứ tư 21-11-2012.
Thủ lãnh Ahmed Said Khalil al-Jabari |
Cuộc ngừng bắn là kết quả của những vận động ngoại giao tích cực của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon đối với Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Kể từ ngày 14-11-2012, dân quân Palestine Hamas đã phóng trên 1,500 hỏa tiễn và rocket vào lãnh thổ Do Thái. (Rocket khác với hỏa tiễn là, rocket chỉ mang đầu nổ và không được hướng dẫn đường bay, như đạn đại bác, đạn súng cối hoặc đạn được phóng bằng súng vác vai). Để trả đủa, Do Thái đã thực hiện trên 500 cuộc không kích vào các mục tiêu trên Dải Gaza.
Thiệt hại sơ khởi do Trung tâm Nhân Quyền Palestine phổ biến là có 160 người Palestine bị giết, gồm có dân quân và thường dân, trong đó có 23 trẻ em. Số người bị thương lên tới con số 1,200 trong đó trên 300 trẻ em. Nhiều toà nhà chính quyền và dân sự bị phá hủy.
Phía Do Thái có 4 thường dân và 1 binh sĩ tử thương.
Chiếc xe chở ông al-Jabari bị bắn cháy thành than |
Cuộc ngưng bắn mong manh, một ngày sau, một người Palestine trong nhóm người gây bạo động ở bên kia hàng rào kẻm gai làm biên giới, đã bị quân Do Thái bắn chết khi anh ta cố treo cờ Hamas lên hàng rào.
Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn nhưng mâu thuẩn chính yếu giữa người Palestine và Do Thái vẫn chưa được giải quyết. Đó là người Palestine muốn thành lập một quốc gia độc lập được quốc tế công nhận, và người Do Thái muốn có những biện pháp cụ thể của thế giới Á Rập trong khu vực, bảo đảm sự tồn tại của nước Do Thái. Nhưng ý muốn của Do Thái không được bảo đảm vì Iran và nước đồng minh tay sai là Syria chủ trương tiêu diệt Do Thái, xóa tên nước nầy trên bản đồ thế giới. Iran và Syria đã từng cung cấp hoả tiễn cho Hamas và lực lượng Hezbollah ở Libăng để phóng vào Do Thái, gây bất ổn không ngừng.
Ranh giới Do Thái-Gaza. |
Các cơ sở của chính quyền Hamas ở Dải Gaza bị không kích |
Các cơ sở của chính quyền Hamas ở Dải Gaza bị không kích |
2. Tình báo Do Thái tiết lộ lý do tấn công vào Dải Gaza
Ngày 19-12-2012, tờ New York Times dẫn lời từ nguồn tin tình báo Do Thái cho biết, cuộc không kích vào Dải Gaza không những chỉ để trả đủa việc Hamas phóng hàng trăm rocket vào nước nầy, mà điều quan trọng hơn cả là loại bỏ khả năng phóng hỏa tiễn Fajr-5 được Iran sản xuất. Khi người Do Thái thấy hoả tiễn Fajr-5 của Iran phóng từ Dải Gaza thì họ nghĩ đến một ngày nào đó, những hỏa tiễn có mang đầu đạn nguyên tử sẽ đánh vào họ, cho nên phải sớm tiêu diệt những giàn phóng đó.
2.1. Phải diệt con người nguy hiểm
Lãnh tụ quân sự của Hamas là Ahmed Said Khalil al-Jabari được đánh giá là “một người nguy hiểm” vì là người thực hiện và điều khiển lực lượng hỏa tiễn Fajr-5 nầy, cho nên mục tiêu đầu tiên của Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (Operation Pillar of Defense) là loại trừ ông ta.
Phóng viên tờ Telegraph, Phoebe Greenwood thường trú ở Gaza tường thuật, cảnh tượng kinh hoàng xảy ra trên đường phố lúc 16 giờ ngày 14-11, chiếc xe chở thủ lãnh Ahmed al-Jabari nổ tung khi trúng một hỏa tiễn từ phi cơ bắn xuống. Một nhân chứng cho biết, chiếc xe KIA nổ tung và bốc cháy dữ dội, mảnh vở thủy tinh văng tứ tung, kim loại cháy như than. Một đám thanh niên kéo 2 cái xác cháy đen ra khỏi xe.
Do Thái cho biết, al-Jabari nguy hiểm ở chỗ ông đã chuyển đổi những dân quân kém hiểu biết trở thành một lực lượng có trình độ và có khả năng nắm bắt các kỹ thuật khá phức tạp và triển khai loại hỏa tiễn tầm ngắn Fajr-5.
Al-Jabari được xem là cha đẻ của nền công nghiệp quốc phòng Hamas. Ông đã chuẩn bị các cơ sở để phát triển hỏa tiễn tầm xa, phi cơ không người lái, mục đích thám thính và tấn công Do Thái.
Viên chức Do Thái cho biết lực lượng Hamas được xem như là một tiền đồn của Iran, bên nách Do Thái, khi chiến tranh Iran-Do Thái xảy ra.
Các nhà quan sát nêu nhận xét, cái chết của al-Jabari sẽ làm tê liệt kế hoạch phát triển quân sự của Hamas, họ sẽ mất một thời gian dài để tìm người có khả năng thay thế.
2.2. Hoả tiễn Fajr-5
Tin tình báo Do Thái tiết lộ, Hamas đang nắm trong tay khoảng 100 hỏa tiễn Fajr-5 do Iran sản xuất. Fajr-5 là hỏa tiễn tầm ngắn 70km, đường kính 333 ly (mm), dài 6.4m, nặng 900kg, đầu nổ 175kg. Hoả tiễn được đặt trên những xe tải 6×6 bánh, mỗi xe trang bị 4 quả.
Loại hoả tiễn nầy được lắp ráp tại Gaza, sau khi chuyển từ Iran đến Sudan bằng đường biển. (Sudan ở Đông Phi châu, sát dưới Ai Cập). Từ Sudan, bộ phận rời của hoả tiễn được chở bằng xe tải đến Ai Cập, rồi từ đó được đưa đến Gaza bằng đường hầm từ bán đảo Sinai của Ai Cập.
Các chuyên gia Iran được cấp thông hành du lịch, với những cái tên giả, được chính phủ Sudan phê duyệt, họ đến Gaza để chuyển giao kỹ thuật và lắp ráp hỏa tiễn.
Vì hoả tiễn dài 6.4m nên phải tháo rời thành những bộ phận nhỏ, nhưng những xe tải hạng nặng dù được ngụy trang, khi được đưa vào Gaza, đã tố cáo cho tình báo Do Thái biết nó dùng để làm gì.
Ông Jeffrey White, nhà phân tích thuộc Tình báo QP/HK cho biết, ngoài loại Fajr-5, Hamas còn có vài trăm hoả tiễn Grad của Nga với tầm bắn 40km, đã đến Gaza từ Lybia.
Israel nói họ nhắm tới hơn 900 mục tiêu ở Gaza |
trong khi 500 tên lửa từ Gaza trúng vào Israel |
Trụ sở bộ nội vụ của chính quyền Hamas tại Gaza cũng bị san phẳng vào ngày 16/11/2012 |
3. Vai trò của Iran trong cuộc xung đột Do Thái – Hamas
Xung đột Do Thái-Hamas xảy ra ác liệt trong 8 ngày, kể từ 14-11-2012, người hưởng lợi là Iran.
Trước đó, Do Thái cho biết họ sẵn sàng tấn công Iran để phá hủy những cơ sở hạt nhân của nước nầy. Thế nhưng, cuộc chiến Do Thái-Hamas nổ ra, đã phá hỏng hoặc làm trì trệ ý định của Do Thái đối với Iran.
Ông Vladimir Sazhin thuộc Viện Nghiên cứu Đông phương học nêu nhận xét: “Trong bất cứ khía cạnh nào, việc xung đột Do Thái-Hamas đều có lợi cho Iran, dù xét về mặt tuyên truyền hoặc thuần túy quân sự hay chính trị. Tình hình ở Dải Gaza làm trì hoãn việc nổ ra cuộc tấn công của Do Thái vào các cơ sở hạt nhân của Iran”.
“Tiên hạ thủ vi cường”. Iran ra tay trước nên Do Thái lâm vào thế bị động.
3.1. Iran tiếp tế vũ khí cho Hamas
Từ lâu, Mỹ và Do Thái đã nghi ngời Iran xử dụng nước Sudan để cung cấp vũ khí cho dân quân Hồi giáo Palestine Hamas ở Dải Gaza nhưng cả hai nước nầy đều từ chối việc đó.
Cuối cùng, ngày 21-11-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Ali Akbar Salehi cho biết: “Trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nếu có một quốc gia nào muốn mua vũ khí, thì chúng tôi sẵn sàng bán cho họ”.
Trong tuần trước, khi số rocket và hỏa tiễn của Hamas sắp cạn thì Chủ tịch Quốc hội Iran, Ali Larijani hối thúc các nước Á Rập, noi gương Iran viện trợ quân sự cho Palestine. “Nếu các nước Arab muốn giúp đở nhà nước Palestine thì nên gởi viện trợ quân sự đến cho họ”.
Một vụ không kích dải Gaza của Israel nhìn từ Israel |
3.2. Con đường tiếp tế vũ khí của Iran đến Gaza
Mặc dù đã có thỏa thuận ngưng bắn nhưng Do Thái vẫn lo ngại việc chuyển vũ khí vào Gaza khiến cho cuộc xung đột tái phát khốc liệt hơn vì các vũ khí ngày càng tối tân.
Mạng tình báo Debka của Do Thái tiết lộ, một tàu Iran trọng tải 150 tấn mang 220 hỏa tiễn tầm ngắn và 50 hỏa tiễn Fajr-5, đã khởi hành từ cảng Bandar Abbas miền Nam Iran, vào ngày 18-11-2012 để đi đến Biển Đỏ (Hồng hải-Red Sea) nhằm mục đích cung cấp vũ khí cho Hamas.
Để tránh hệ thống theo dõi của Do Thái, chiếc tàu nói trên bắt đầu cuộc hành trình với cái tên Valie Asr, thuộc sở hữu của một công ty tư nhân Iran. Sau đó, chiếc tàu nhanh chóng đổi tên thành Cargo Star, mang cờ đảo quốc Tuvalu, một hòn đảo 11 ngàn dân ở giữa Hawaii và Úc châu. Tiếp đó, 4 tàu lớn của Sudan chờ sẵn ở cảng nước nầy để nhận hàng từ chiếc Cargo Star, rồi theo hướng bắc lên Biển Đỏ để tới eo biển Tiran. Ở đó, hàng được chuyển qua những tàu cá của Ai Cập, cuối cùng, vũ khí được đưa tới Dải Gaza thông qua những đường hầm từ bán đảo Sinai (Ai Cập) qua Gaza.
Được biết, trong cuộc hành trình trên biển, hai tàu chiến Iran có chở trực thăng và một khu trục hạm Shahid Naqdi của Hải quân Iran, vốn hoạt động thường trực ở Biển Đỏ, đã hộ tống những tàu hàng cho tới lúc cuộc giao dịch hoàn tất.
Ông Menai, người sở hữu một số đường hầm Ai Cập-Gaza nói với đài CNN: “Vũ khí được đưa sang Gaza chủ yếu là từ Sudan, và gần đây có một số từ Lybia đến. Vũ khí được giấu trong hàng hóa trên các xe tải, từ các đường hầm lớn ở Sinai chạy sang Dải Gaza”.
4. Đường hầm buôn lậu ở Gaza
4.1. Tổng quát về đường hầm
Dải Gaza có chung biên giới với Ai Cập ở bán đảo Sinai, dài 11km.
Từ thành phố Rafah ở biên giới phía Ai Cập những đường hầm được đào sâu dưới mặt đất 15m dài 800m qua trại tỵ nạn Palestine cũng mang tên Rafah.
Đường hầm buôn lậu ở Dải Gaza |
Đường hầm buôn lậu ở Rafah, 2009 |
Năm 2010, có ước lượng khoảng 1,000 đường hầm với 7,000 người phục vụ cho các hoạt động buôn lậu từ Ai Cập sang Gaza.
Báo cáo cho biết, những đường hầm được xây dựng với kỹ thuật khá hiện đại. Một số có điện, quạt gió thông hơi, hệ thống liên lạc nội bộ, hệ thống và phương tiện di chuyển bằng đường ray (rail). Miệng đường hầm nằm trong những ngôi nhà hoặc vùng lân cận thành phố Rafah, như khu rừng olive chẳng hạn.
Vũ khí buôn lậu như hỏa tiễn, súng cố, và hàng hóa các loại như: thuốc tây, thuốc lá, rượu, vật liệu xây dựng, xe ôtô và phụ tùng, ngựa đua và cả việc buôn người nữa (ra vào Gaza).
Chi phí 90,000 USD để xây dựng và điều hành một đường hầm cở trung bình. Chi phí cho một người đi buôn từ Ai Cập qua Gaza là 1,000 USD.
Một khẩu súng trường ở Ai Cập giá 320 đô la thì ở Gaza giá 1,000 đô la. Một hộp mực in giá 8 xu (0.08 USD) ở Ai Cập, thì giá 3 đô la ở Gaza.
4.2. Điều hành và quản lý đường hầm
Những tổ chức an ninh của chính quyền Palestine quản lý những đường hầm vũ khí, nhưng thu nhập tài chánh về hàng lậu thì lọt vào tay một người thuộc gia đình Arafat là Moussa Arafat, người em họ của Yasser Arafat, cựu Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)
Các tấm bạt che phủ lối vào những đường hầm buôn lậu |
Năm 2009, Ai Cập đã dựng một rào cản dưới lòng đất ở biên giới để ngăn chận các đường hầm đang hoạt động và gây khó khăn cho việc đào các đường hầm mới. Tuy nhiên, Do Thái vẫn còn lo ngại vì Tổng thống Mohammed Morsi, vốn thuộc nhóm Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đã tích cực ủng hộ nhóm Hồi giáo Hamas, cũng là một chi nhánh của Huynh Đệ Hồi.
5. Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (Operation Pillar of Defense)
Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ (Operation Pillar of Defense) của Do Thái chính thức khai diễn từ ngày 14-11-2012 trong đó đã giết chết thủ lãnh quân sự của Hamas là Ahmed Said Khalil al-Jabari và phá tan những cơ sở quân sự, kho vũ khí và cơ xưởng sản xuất vũ khí. Phát ngôn viên quân đội Do Thái cho biết: “Các cơ quan tình báo của chúng tôi đã phát hiện ra chương trình sản xuất phi cơ không người lái của Hamas và tất cả những máy bay đó đã bị phá hủy”.
Chiến dịch khai diễn từ ngày 14-11-2012 và ngừng bắn sau 8 ngày, vào lúc 12 giờ đêm ngày 21-11-2012.
5.2. Hệ thống đánh chặn hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome Intercepting System)
Hệ thống đánh chặn hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome Intercepting System) là loại vũ khí mới. Do Thái triển khai ngày 27-3-2011. Trong tháng 11 năm 2012 hệ thống nầy được bố trí để bảo vệ các khu dân cư.
Hệ thống phòng thủ phi đạn Iron Dome của Israel |
Đó là hệ thống di động, hoạt động cả ngày lẫn đêm trong mọi thời tiết. Đánh chặn hỏa tiễn tầm ngắn trong vòng 70km.
Hệ thống có 3 thành phần:
1. Một dàn Radar để phát hiện và theo dõi hướng đi của hỏa tiễn (Detection&Tracking radar)
2. Một trung tâm xử lý dữ kiện (Battle Management&Weapon Control)
3. Một đơn vị phóng hỏa tiễn (Missile Firing Unit)
Hệ thống radar phát hiện và theo dõi đường bay của hỏa tiễn, thông báo cho trung tâm xử lý dữ kiện, nếu đúng là bay đến khu dân cư cần bảo vệ, thì bị bắn hạ ngay lập tức.
Một Vòm Sắt có 3 bệ phóng, mỗi bệ 20 quả, tổng cộng 60 quả. Hệ thống có khả năng bảo vệ một diện tích là 150km2.
Ngày 9-3-2012, Vòm Sắt đã bắn hạ 56 hỏa tiễn nhắm vào khu dân cư trong một loạt 71 trái được phóng vào Do Thái.
Tóm lại, hệ thống chỉ bảo vệ một diện tích 150km2 mà thôi, ngoài diện tích nầy thì để cho nổ tự do, thường là ở những khu vực không người ở.
Nhờ hệ thống Vòm Sắt nầy mà các thành phố Do Thái được bảo vệ an toàn 90%.
5.3. Hamas dùng lá chắn sống (Human shield)
Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu cho biết, dân quân Hamas đã đặt các dàn phóng hỏa tiễn và rocket ở những khu đông dân cư như bịnh viện, trường học, sân chơi, dùng người Palestine làm lá chắn sống. Phát ngôn viên quân đội Do Thái: “Chúng tôi đã cho phát hành những cảnh được quay về các vụ bắn rocket từ sân nhà thờ Hồi giáo, nhà cầu nguyện, khu công cộng, và nhà của dân chúng. Ngay khi Thủ tướng Ai Cập đến Hamas trong 3 tiếng đồng hồ ngừng bắn, mà Hamas đã phóng 50 hỏa tiễn vào Do Thái, có ý dùng Thủ tướng nầy làm lá chắn sống”.
Iron Dome detection and tracking rada |
Đơn vị Battle Management & Control (BMC) của khẩu đội pháo Vòm Sắt |
Hệ thống phòng thủ phi đạn Iron Dome của Do Thái |
Ngày 18-11-2012, Bộ Ngoại giao Hamas từ chối, không cho 22 người ngoại quốc xin được ra khỏi Dải Gaza, gồm có: 9 công dân Ý, 1 Canada, 1 Nam Hàn, 1 Pháp và 6 nhà báo Nhật Bản. Những nhân viên từ thiện người Thổ Nhỉ Kỳ thuộc Hội Lưỡi liềm đỏ cũng không được ra khỏi Gaza để lánh nạn. Mục đích giữ họ lại làm con tin và làm lá chắn sống.
Cũng trong ngày nầy, đài phát thanh Do Thái kêu gọi người Palestine ở Dải Gaza như sau: “Hởi dân chúng Gaza, Hamas đang đùa với lửa trên sinh mạng của các người. Quân đội Do Thái chuẩn bị bước sang giai đọan thứ hai của chiến dịch, các người hãy tự bảo vệ tánh mạng, hãy tránh xa các cơ sở quân sự và dân quân Hamas”.
Làm thế nào mà tránh xa được? Không đặt những dàn phóng hỏa tiễn ở khu dân cư thì đặt ở đâu? khi mà 1.6 triệu người sống trên một diện tích rất hẹp là 360km2, mật độ dân lớn nhất thế giới là 4,400 người/km2. Dân chúng chỉ có một con đường là chạy sang cửa khẩu mà Ai Cập vừa mới mở ra ở biên giới.
6. Phản ứng của quốc tế đối với xung đột Do Thái-Hamas
Trong chiến dịch “Đất sét nung” (Stones of Baked Clay) nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas đã phóng 1,147 rocket, nhưng hệ thống phòng thủ diệt hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome Intercepting System) của Do Thái đã tiêu diệt ít nhất 342 quả hướng vào các mục tiêu dân cư, số còn lại rơi vào những khu vực khác.
Liên Âu, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp cùng các nước phương Tây bày tỏ sự ủng hộ quyền tự vệ của Do Thái, và lên án Hamas. Theo thăm dò dư luận của hảng CNN, thì công chúng Mỹ nghĩ rằng “Do Thái đã hành động hợp lý về quân sự ở Dải Gaza”.
1. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc
Buổi tối 14 rạng 15-11-2012 Hội Đồng BA/LHQ họp khẩn cấp nhưng không đưa ra một quyết định nào cả. Ngày 18-11, TTK/LHQ ông Ban Ki-moon cho biết ông rất buồn khi thấy thường dân chết và bạo lực phải được chấm dứt.
2. Liên Âu
Đại diện Ngoại giao Liên Âu, bà Catherine Ashton phát biểu: “Những hỏa tiễn phóng từ Gaza đã tạo ra khủng hoảng hiện tại, không thể chấp nhận được và phải chấm dứt. Do Thái có quyền bảo vệ người dân của họ, và tôi hy vọng rằng Do Thái phải bảo đảm sự phản ứng có chừng mực”.
3. NATO
Tổng Thư Ký NATO, ông Anders Fogh Ramussen cho biết: “Đương nhiên là Do Thái có quyền tự vệ và những cuộc tấn công vào người dân Do Thái phải được chấm dứt. Nhưng cộng đồng thế giới cũng mong Do Thái tỏ ra kềm chế”.
4. Úc châu
Thủ tướng Julia Gillard: “Úc lên án cuộc tấn công bằng hỏa tiễn liên tục vào Do Thái, và yêu cầu Hamas phải chấm dứt ngay lập tức. Úc ủng hộ quyền tự vệ của Do Thái”.
5. Trung Cộng
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho báo chí biết là Trung Cộng tỏ ra quan ngại về cuộc khủng hoảng và mong muốn các phía, đặc biệt là Do Thái hãy thể hiện sự kềm chế và tránh gây tổn thất nhân mạng của thường dân.
6. Cuba
Cuba lên án nặng nề hành động gây tội ác của Do Thái.
7. Ai Cập
Ai Cập kêu gọi Do Thái hãy ngừng tấn công. Do Thái nên nhớ rằng Ai Cập ngày nay đã thay đổi rồi.
8. Pháp
Ngoại trưởng Laurent Fabius nhận thức rằng Do Thái có quyền tự vệ, nhưng nên tự kềm chế.
9. Iran
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Do Thái có bản chất tàn bạo”.
10. Nga
Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov kêu gọi chấm dứt bạo động. Cuộc tấn công vào Do Thái, cũng như việc trả đủa của Do Thái không thể chấp nhận được. Chúng tôi kêu gọi các phía chấm dứt ngay xung đột để tránh một cuộc tắm máu mới nữa ở Dải Gaza.
11. Anh quốc
Ngoại trưởng William Hague: “Hamas phải chịu trách nhiệm về cơn khủng hoảng hiện tại. Tôi nghiêm khắc lên án việc phóng hỏa tiễn vào thường dân Do Thái, người dân Do Thái có quyền được sống bình an. Ngày 18-11 tôi đã cảnh báo Do Thái, nếu tấn công trên bộ vào Gaza thì sẽ mất sự ủng hộ của thế giới.”
12. Hoa Kỳ
Tổng thống Obama: “Việc tạo ra cuộc khủng hoảng bắt ngưồn từ sự gia tăng hỏa tiễn từ bên ngoài vào Gaza để phóng sang Do Thái. Không có một quốc gia nào trên trái đất nầy có thể tha thứ cho những cơn mưa hoả tiễn từ bên ngoài biên giới phóng vào công dân của một quốc gia khác. Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ của Do Thái và chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của Do Thái”.
7. Vài nét về Dải Gaza
Trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Do Thái đã đánh bại 5 quốc gia Á Rập Hồi giáo là Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq và Libăng (Lebanon) rồi chiếm đóng những phần đất thu được gồm có: Dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan (West Bank), cao nguyên Golan (Syria) và bán đảo Sinai (Ai Cập)
Gaza là một dải đất hẹp hình chữ nhật nằm nghiêng dọc theo bờ Địa Trung Hải (Mediterranean Sea). Có biên giới 51km với Do Thái ở phía đông, 11km phía nam với Ai Cập.
Dân số Gaza: 1,600,000. (GDP đầu người: 625 USD/năm). Diện tích: 360km2. Diện tích quá hẹp, mật độ dân cư cao nhất thế giới, 4,400 người/km2.
Năm 1993, Dải Gaza được Do Thái trao lại cho chính quyền hành chánh tạm thời Palestine. Tổ chức Hamas đang cai quản Dải Gaza.
Tháng 2 năm 2005, chính phủ Do Thái đơn phương rút quân ra khỏi Gaza, chấm dứt 38 năm cai trị vùng đất nầy. Tuy nhiên, quân đội Do Thái vẫn còn kiểm soát lãnh hải và không phận của Gaza.
8. Tóm tắt về tổ chức HAMAS
Các nhóm Hồi giáo chủ trương tiêu diệt Do Thái, nổi bật là HAMAS và Jiha Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jiha)
HAMAS là chữ viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya, có nghĩa là “Phong trào kháng chiến Hồi giáo”, được thành lập ngày 14-12-1987. Đó là hệ phái Hồi giáo Sunni, chủ trương thành lập một nhà nước Hồi giáo chính thống của người Palestine bằng cách xoá tên Do Thái trên bản đồ tức là tiêu diệt Do Thái mà Iran thường xuyên tuyên bố.
Nhà nước Hồi giáo chính thống dùng kinh Koran và luật của đạo Hồi làm căn bản luật pháp quốc gia. Đó là một thứ luật lạc hậu, kém văn minh, như là ném đá cho đến chết tội ngoại tình, cho phép đàn ông đa thê, chặt tay vì tội ăn cắp, khinh miệt phụ nữ, phạt đánh đòn bằng gậy ở nơi công cộng….
Hamas thực hiện đánh bom tự sát, bom khủng bố vào các khu đông dân cư và từ chối con đường thương thuyết hòa bình.
Lãnh tụ Hamas là Khaled Mashaal. Khẩu hiệu của Hamas là “Thánh Allah là mục tiêu. Nhà Tiên tri Mohammed là hình mẫu. Kinh Koran là Hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất, và được chết cho thánh Allah là sự thể hiện lòng trung thành”.
9. Bị phun máu đầu mà chưa tởn
Tổ chức Hamas chủ trương thánh chiến là con đường duy nhất và được chết cho Thánh Allah là sự thể hiện lòng trung thành. Hamas luôn luôn tấn công Do Thái trước, bằng cách phóng hỏa tiễn và rocket vào những thành phố với ý chí muốn trung thành với Allah, tử vì đạo. Dù bị mang đầu máu nhiều lần mà chưa tởn, đó là bài học lịch sử của cuộc chiến 24 ngày từ 24-12-2008 đến 18-1-2009 thiệt hại như sau:
Tổn thất hai bên trong chiến tranh năm 2008-2009.
Phía Do Thái:
– 10 lính bị giết
– 3 thường dân thiệt mạng
– 336 bị thương
Phía Hamas:
– 1,330 bị giết
– 5,300 bị thương
– 50,000 người Palestine chạy nạn
– 4,000 căn nhà bị phá hủy
Thiệt hại ở Gaza khoảng 2 tỷ USD.
10. Nước Do Thái
Do Thái là một dân tộc có kinh nghiệm đau thương vì mất nước, phải sống tản mác khắp nơi trên thế giới, lại bị họa diệt chủng do Đức Quốc Xã thực hiện, Người Do Thái có ý chí và tinh thần kiên cường trong chiến đấu bảo vể quốc gia để được sinh tồn.
10.1. Kế hoạch phân chia lãnh thổ của Liên Hiệp Quốc
Ngày 29-11-1947, Đại Hội Đồng LHQ đã chấp thuận Nghị Quyết số 181, giải quyết xung đột giữa Do Thái-Á Rập bằng cách phân chia nước Palestine thành 2 quốc gia, Do Thái và Palestine.
10.2. Do Thái tuyên bố Độc lập
Vào lúc nửa đêm ngày 15-5-1948, nhà nước Do Thái tuyên bố được thành lập. Hoa Kỳ, Liên Xô và nhiều quốc gia khác công nhận sự độc lập của quốc gia Do Thái (Israel)
Diện tích: 20,777 km2
Bắc giáp với Li băng (Lebanon). Đông giáp với Syria và Jordan ở Bờ Tây của sông Jordan. Phía Nam giáp Ai Cập và Dải Gaza (Gaza Strip)
Dân số: 7,746,000 (2011)
GDP đầu người: 29,531 USD/năm
Thủ đô: Jerusalem * Năm 1950, Do Thái tuyên bố Jerusalem là thủ đô chính thức. Chỗ ở của tổng thống, các trụ sở chính phủ, Nghị Viện… được đặt tại Jerusalem. Tuy nhiên, LHQ không công nhận như thế. Đa số các quốc gia đều xem Tel-Aviv là thủ đô và các toà đại sứ đều đặt tại Tel-Aviv. Quốc tế cho rằng, Jerusalem là vùng đất đang tranh chấp, và tình trạng của nó sẽ được giải quyết qua cuộc thương thuyết giữa Do Thái và Palestine.
10.3. Quân đội Do Thái
Quân đội Do Thái được xem là một lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông, và cũng nằm trong danh sách các lực lượng quân sự được trang bị và huấn luyện tốt nhất thế giới. Sức mạnh nằm ở “chất lượng” huấn luyện binh sĩ và huấn luyện các chuyên gia xử lý tình huống chớ không phải dựa vào lực lượng đông đảo.
Cả nam lẫn nữ công dân đến 18 tuổi phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Sau thời gian phục vụ quy định, họ được trả về lực lượng trừ bị, tham gia các công việc trong sinh hoạt quốc gia. Mỗi năm được gọi lại huấn luyện vài tuần lễ. Vì thế, mỗi công dân Do Thái là một chiến sĩ, một tay súng.
Do Thái có vũ khí nguyên tử, ước lượng khoảng 200 đầu đạn hạt nhân.
11. Tóm tắt những khó khăn trong việc thành lập quốc gia Palestine
Ngày 23-9-2011, Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, (Chính quyền Palestine chỉ là một tổ chức hành chánh tạm thời cai quản về trật tự, an ninh dân sự người Palestine, trong khi chờ đợi kết quả đàm phán giữa Do Thái và Palestine. Trên thực tế, quân đội Do Thái kiểm soát tất cả.) ông Abbas đệ trình lên LHQ xin được công nhận là một quốc gia thành viên của LHQ. Nhưng Hoa Kỳ và Do Thái phản đối vì còn nhiều khó khăn phức tạp vể lãnh thổ chưa giải quyết được. Đó là khu vực Bờ Tây sông Jordan (West Bank). Bờ Tây chia làm 3 khu vực A,B,C. Chính quyền Palestine cai quản khu đô thị thuộc khu vực A, và khu vực C là vùng nông thôn có nhiều người Palestine sinh sống.
Do Thái đã xây dựng những khu định cư ở Bờ Tây đưa dân đến đó là khu B, và Bờ Tây trở thành một vùng “xôi đậu”, “da beo” mà người Do Thái và Palestine gần như sống chung với nhau.
Đó là khó khăn trong việc giải quyết về các khu định cư của Do Thái. Thứ hai là, tổ chức Hamas bị xem là một tổ chức khủng bố, nếu công nhận một quốc gia Palestine tức là công nhận tổ chức khủng bố trở thành một lực lượng quân sự của Palestine. Hamas là cánh tay nối dài của Iran, chủ trương thánh chiến tiêu diệt người Do Thái.
12. Kết luận
Mâu thuẩn giữa Do Thái (Israel) với khối Á Rập Hồi giáo và người Palestine kéo dài từ lâu mà chưa giải quyết được. Người Palestine muốn thành lập một quốc gia độc lập được quốc tế công nhận, người Do Thái muốn có những biện pháp cụ thể, có hiệu quả để bảo đảm cho sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Hoa Kỳ mong muốn “hai quốc gia” Do Thái và Palestine được sống chung hòa bình, nhưng khối Á Rập Hồi giáo không từ bỏ chủ trương tiêu diệt Do Thái, nhất là Iran và đồng minh tay sai Syria, cương quyết xoá tên Do Thái trên bản đồ thế giới.
Đầu dây mối nhợ, chủ chốt gây bất ổn khu vực là Iran. Do Thái rất lo ngại bị tiêu diệt khi Iran có vũ khí nguyên tử trong tay. Iran là mối đe dọa cho an ninh khu vực, như Do Thái và các nước Á Rập ôn hoà thân Mỹ như Jordan, Saudi Arabia, Thổ Nhỉ Kỳ, cũng như những nước ở Địa Trung Hải trong khối NATO…Nguy hiểm nhất là vũ khí nguyên tử của Iran tràn lan, lọt vào tay những tổ chức khủng bố như Hamas, Hezbollah, Hồi giáo Palestine thánh chiến Jiha và những tổ chức khủng bố khác.
Hamas đã phóng hàng ngàn hỏa tiễn vào các thành phố Do Thái, nếu nước nầy không có hệ thống đánh chặn hỏa tiễn Vòm Sắt, thì thiệt hại nhân mạng sẽ như thế nào?
Hamas chỉ là con rối của Iran, bị đánh phun máu đầu nhiều lần mà chưa tởn, cứ muốn tử vì đạo để trung thành với Allah.
Trúc Giang
Minnesota tháng 11 năm 2012