Ngày 27-1-2013 sắp đến sẽ đánh dấu 40 năm ký kết Hiệp Định Paris 1973, một biến cố lịch sử vô cùng quan trọng đối với Việt Nam vì những hậu quả của nó áp đặt trên mảnh đất này trong gần bốn thập niên cho tới ngày nay. Thay vì đưa đến “hòa bình trong danh dự”, hiệp định này mở đường cho CSVN xâm chiếm trọn vẹn miền Nam Việt Nam trong vòng hơn hai năm sau. Những tài liệu về chiến tranh Việt Nam được bạch hóa trong thời gian gần đây cho thấy những sự thật phũ phàng đã đưa đến Hiệp Định Paris 1973.
Tóm tắt diễn tiến Hiệp Định Paris 1973
Hình (1): Hiệp Định Paris 1973 được thỏa hiệp tại Bắc Kinh, chứ không phải tại Paris. Từ trái: Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger, Thủ Tướng Chu Ân Lai, và Chủ Tịch Mao Trạch Đông, Bắc Kinh, 1972.
Cuộc hòa đàm tại Paris bắt đầu từ 1968 vào cuối thời Tổng thống Lyndon Johnson và tiếp tục dưới thời Tổng Thống Richard Nixon nhưng không đạt được tiến bộ nào cả cho đến cuối nhiệm kỳ I của Ông Nixon khi Ông Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Nixon đạt được một số đồng thuận trong những phiên họp bí mật với Ông Lê Đức Thọ, Trưởng Phái Đoàn Thương Thuyết của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) và trong cuộc tiếp súc bí mật với các Ông Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tại Bắc Kinh. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu không đồng ý những điều kiện do CSBV đưa ra và đòi hỏi nhiều thay đổi. Hà Nội phản ứng bằng cách công bố chi tiết về những điều hai Ông Kissinger và Lê Đức Thọ đã đồng ý. Cuộc hòa đàm trở nên bế tắc. Một mặt Ông Nixon ra lệnh ném bom Hà Nội và Hải Phòng liên tục trong 12 ngày vào cuối năm 1972. Mặt khác, Chính quyền Hoa Kỳ áp lực VNCH chấp nhận điều kiện ngưng chiến.
Ngày 23-1-1973, hai Ông Lê Đức Thọ và Kissinger đồng ý về một thỏa hiệp sơ bộ. Bốn ngày sau đó, Hiệp Định Paris được chính thức ký kết vào 27-1-1973. Hiệp Định này đòi hỏi ngưng bắn toàn diện tại miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ rút hết số quân còn lại tại Việt Nam trong vòng 60 ngày, quân CSBV (khoảng 150,000 binh sĩ) được phép ở lại miền Nam Việt Nam tại những vùng CSBV đã chiếm đoạt, và tất cả tù binh Hoa Kỳ được hồi hương. Hiệp Định Paris cũng kêu gọi Chính Phủ VNCH và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam thực hiện một cuộc bầu cử dân chủ và tự do tại miền Nam Việt Nam để chấm dứt cuộc xung đột. Tổng Thống Nixon hứa sẽ sử dụng Không Lực Hoa Kỳ để bảo đảm sự thi hành hiệp định này.
Trong khi đàm phán, Hoa Kỳ tiếp tục rút quân và thi hành chương trình Việt Nam hóa để quân lực VNCH dần dần thay thế quân lực Hoa Kỳ.
Khoảng cách chạy tội
Hình (2): Hiệp Định Paris được ký kết ngày 27-1-1973
Việc mất miền Nam Việt Nam ít người Việt thời đó có thể dự đoán, nhưng không phải là điều ngạc nhiên đối với Hoa Kỳ mặc dù đã có Hiệp Định Paris. Thật vậy, chánh quyền Nixon không muốn thấy miền Nam Việt Nam sụp đổ trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, 1972, vì như thế có nghĩa là hi vọng thắng cử nhiệm kỳ II của Ông Nixon cũng sẽ sụp đổ theo.
Vì muốn bảo vệ thanh danh cho Hoa Kỳ và sự nghiệp chính trị của mình, Ông Nixon đã làm đủ mọi thứ để giữ miền Nam Việt Nam khỏi phải rơi vào tay CSVN trong nhiệm kỳ I (1969-1972). Trong cuộc họp bí mật đầu tiên với Thủ Tướng Chu Ân Lai vào tháng 7, 1971 tại Bắc Kinh, Ông Kissinger bán đứng miền Nam Việt Nam cho Cộng Sản.
Trên một tài liệu thuyết trình cho chuyến đi Bắc Kinh bí mật đầu tiên, Ông Kissinger ghi chú rằng Hoa Kỳ cần một thời gian chạy tội. Trung Quốc có sự cam kết của Hoa Kỳ. Ông Kissinger viết nguyên văn như sau:
“We need a decent interval. You have our assurance.”
Theo những tài liệu do các phụ tá của Ông Kissinger ghi chép lại những lời đối thoại của ông với Thủ Tướng Chu Ân Lai, Ông Kissinger nói rằng Hoa Kỳ sẽ ấn định thời hạn chót cho việc rút quân và trong thời gian rút quân sẽ có ngưng bắn trong khoảng 18 tháng và đàm phán. Nếu thỏa hiệp thất bại, dân Việt Nam sẽ tự giải quyết. Nếu chính phủ miền Nam Việt Nam không được quần chúng ưa chuộng, lực lượng của Hoa Kỳ càng rút nhanh, chính phủ này càng sớm bị lật đổ và Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.
Nguyên văn bằng tiếng Anh như sau:
“We will set a deadline for withdrawals, and during withdrawals there should be a cease-fire, and some attempt at negotiations. If the agreement breaks down then it is quite possible that the people in Vietnam will fight it out. If the [South Vietnamese] government is as unpopular as you seem to think, then the quicker our forces are withdrawn the quicker it will be overthrown. And if it is overthrown after we withdraw, we will not intervene. We can put on a time limit, say 18 months or some period [for a cease-fire]. National Security Advisor Henry Kissinger, Beijing, July 9, 1971.
Hoa Kỳ cũng không muốn miền Nam Việt Nam mất nhanh chóng trong vòng sáu tháng sau khi Hiệp Định Paris ký kết để Hoa Kỳ không bị mang tiếng thua trận. Nhưng nếu là hai năm, sẽ không có vấn đề gì cả. VNCH cần phải tự lực chiến đấu trong một thời gian đủ dài để chịu trách nhiệm về cuộc bại trận cuối cùng. Sau đây là phần phát biểu thâu băng của Ông Nixon về vấn đề này:
“The country would care if South Vietnam became Communist in a matter of six months. They will not give a damn if it’s two years.” President Richard M. Nixon, March 17, 1973.
Ông Kissinger trước đó cũng có quan điểm tương tự về việc mua thời gian để tháo chạy mà không bị bẽ mặt:
“We’ve got to find some formula that holds the thing together a year or two, after which – after a year, Mr. President, Vietnam will be a backwater. If we settle it, say, this October, by January ’74 no one will give a damn.” National Security Adviser Henry A. Kissinger, August 1972.
Cả hai ông Nixon và Kissinger đều đồng ý rằng VNCH có thể sẽ mất sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vào tháng 11, 1974. Nếu xẩy ra vào mùa xuân 1975, thời điểm này tốt hơn là mùa xuân 1976.
Nhà Sử Học Ken Hughes thuộc University of Virginia nhận xét rằng:
“Nhiều người có tư tưởng phóng khoáng nghĩ rằng Ông Nixon thật sự cương quyết muốn ngăn chặn Cộng Sản thắng ở Việt Nam. Nhưng Ông ta chỉ cương quyết ngăn chặn Đảng Dân Chủ thắng tại Hoa Kỳ mà thôi.” Sử Gia Ken Hughes, June 2010.
Vào tháng 2, 1972, Ông Nixon viếng thăm Bắc Kinh lần đầu tiên, làm thân với Trung Quốc, khởi sự thảo luận với Chủ Tịch Mao Trạch Đông và Thủ Tướng Chu Ân Lai về chính sách một nước Trung Hoa, và đạt được sự bảo đảm của Bắc Kinh về giải pháp hòa bình trong danh dự đối với Việt Nam với một khoảng cách chạy tội (decent interval).
Kéo dài chương trình Rút Quân và Việt Nam Hóa chiến tranh
Những tài liệu mới giải mật cũng cho thấy Ông Nixon và Ông Kissinger tin rằng:
- Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh sẽ không làm cho miền Nam Việt Nam có đủ khả năng để tự bảo vệ.
- Những điều kiện “hòa bình” mà Ông Kissinger đã thương thuyết sẽ làm miền Nam Việt Nam sụp đổ sau một thời gian một hoặc hai năm (khoảng cách chạy tội).
Để che đậy sự thất bại của chiến lược Việt Nam Hóa và thương thuyết, Ông Nixon với sự khuyến cáo của Ông Kissinger, kéo dài cuộc chiến tranh đến năm thứ tư (1972) của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên – dài đủ để tránh sự sụp đổ của VNCH trước ngày bầu cử nhiệm kỳ II. Chính vì vậy mà Ông Nixon kéo dài chương trình rút quân qua nhiều năm.
Trong cuốn băng thâu bí mật tại phòng bầu dục trong Tòa Nhà Trắng, Ông Nixon nói:
“We’ve got dates in mind. We’ve got dates everywhere [from] July to August to September [to] October [to] November to December [to] January of 1973.” President Richard Nixon, September 4, 1971.
Quân số Hoa Kỳ ở Việt Nam bắt đầu giảm từ cao điểm 543,000 người vào năm 1968 và đến đầu năm 1973 mới chấm dứt, tức là sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, 1972.
Đối với công chúng, Ông Nixon phải rút một số quân về nước đủ để thỏa mãn hai mục tiêu:
- Chứng tỏ chương trình Việt Nam hóa thành công.
- Giữ lời hứa khi tranh cử.
Đối với sự nghiệp chính trị, Ông Nixon hoàn toàn bám vào lịch trình tranh cử để hoạch định chương trình rút quân, dù có đạt được thỏa thuận với Hà Nội hay không (Theo Ông Nixon sắc xuất chỉ có 40% – 55 %) và bất kể VNCH có đứng vững sau khi quân Hoa Kỳ rút về nước hay không.
Hãy nghe cuộc đối thoại giữa Tổng Thống Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Kissinger vào ngày 11-3-1971:
Nixon: “We’ve got to get the hell out of there.”
Kissinger: “No Question.”
Tuy nhiên trước công chúng Hoa Kỳ, Ông Nixon vẫn hứa một giải pháp hòa bình trong danh dự. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ rút quân ra khỏi Việt Nam chỉ khi nào chương trình Việt Nam hóa hoặc cuộc thương thuyết thành công – khi miền Nam Việt Nam có thể tự bảo vệ và tự quản trị.
Hoa Kỳ thất hứa không can thiệp trong trường hợp Hiệp Định Paris bị vi phạm
Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tin rằng những điều kiện Hoa Kỳ cho phép 150,000 quân CSBV ở lại miền Nam sẽ khiến VNCH sụp đổ. Theo tài liệu mới được bạch hóa, trong buổi họp với Tướng Alexander Haig, phụ tá Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, tại Saigon vào ngày 4-10-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rằng theo đề nghị của Hoa Kỳ, chính phủ VNCH tiếp tục tồn tại. Nhưng đây chỉ là giải pháp đau lòng và sớm muộn chính phủ này sẽ sụp đổ và theo đó Ông Thiệu sẽ phải tự sát.
Nguyên văn bằng tiếng Anh như sau:
“In the proposal you have suggested, our Government will continue to exist. But it is only an agonizing solution, and sooner or later the Government will crumble and Nguyen Van Thieu will have to commit suicide somewhere along the line.” President Nguyen Van Thieu, Saigon, October 4, 1972.
Ông Thiệu cực lực phản đối đề nghị hòa bình giả tạo của Hoa Kỳ làm cho cuộc hòa đàm ở Paris ngưng lại. Ông Nixon phải hứa sẽ tăng viện trợ quân sự và Hoa Kỳ sẽ trở lại Việt Nam nếu CSBV tấn công. Đồng thời Ông Nixon đe dọa sẽ cắt viện trợ để buộc Ông Thiệu phải chấp nhận đề nghị của Hoa Kỳ. Một tài liệu mới được bạch hóa cho thấy rằng Ông Nixon đe dọa đến cả tính mạng của Ông Thiệu:
“I don’t know whether the threat goes too far or not, but I’d do any damn thing, that is, or to cut off his head if necessary.” President Richard Nixon, January 20, 1973.
Hình (3): Ông Lê Đức Thọ và Ông Henri Kissinger tại cuộc hòa đàm Paris.
Hiệp Định Paris chỉ giúp Hoa Kỳ rút được quân ra khỏi Việt Nam an toàn, chấm dứt việc can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào cuộc chiến tại Việt Nam, nhưng đã không mang lại hòa bình cho Việt Nam. Thật vậy, khoảng một năm sau, vào tháng 1, 1974, Tổng Thống Thiệu tuyên bố Hiệp Định Paris không còn giá trị sau khi Cộng quân lợi dụng cuộc ngưng chiến trong năm 1973, tiến hành những trận đánh nhỏ để chiếm những vùng xa xôi hẻo lãnh.
Trong khi đó Quốc Hội Hoa Kỳ tiếp tục giảm viện trợ cho Việt Nam từ 2.2 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1973, 1.1 tỉ Mỹ kim cho tài khóa 1974, và 700 triệu Mỹ kim cho tài khóa 1975. Tình trạng miền Nam Việt Nam trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối năm 1974 khi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật 1974 Foreign Assistance Act, chấm dứt tất cả những viện trợ quân sự. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ không thể thể dùng không lực để trợ giúp miền Nam Việt Nam khi CSBV vi phạm Hiệp Định Paris.
Sau khi Đạo Luật Viện Trợ Ngoại Quốc 1974 ban hành ít lâu, CSBV tiến đánh và chiếm tỉnh Phước Long vào đầu năm 1975 và bẩy ngày sau tỉnh Bình Long thất thủ. Khi không thấy Hoa Kỳ có phản ứng nào cả, ngày 8-1-1975 Hà Nội ra lệnh tổng tấn công để giải phóng miền Nam bằng cách xua quân ngang nhiên vượt qua biên giới Bắc Nam, tấn công toàn diện Vùng I và II Chiến Thuật vào tháng 3, 1975 và cuối cùng chiếm Saigon vào 30-4-1975 đúng với thời hạn mà hai Ông Nixon và Kissinger dự đoán.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Schlesinger điều trần trước Quốc Hội vào ngày 14-1-1975 rằng Hoa Kỳ không giữ lời hứa với Tổng Thống Thiệu. Bẩy ngày sau, Tổng Thống Gerald Ford, người thay thế ông Nixon từ chức vì vụ Watergate, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không sẵn sàng tái tham chiến tại Việt Nam.
Kết luận
Hoa Kỳ dưới thời Nixon đã bỏ rơi đông minh của mình là một điều đáng hổ thẹn đối với một quốc gia biết tôn trọng những giá trị cao quý. Nhưng may thay, những sử gia và những nhà phân tách Hoa Kỳ ngày nay đã phanh phui ra sự thật và lên án nặng nề những lỗi lầm đó. Về phía người Việt, hơn ai hết, chúng ta cũng có trách nhiệm về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam và đưa phần đất này vào tay Cộng Sản. Một bài học lớn là đừng bao giờ chui vào vòng nô lệ của bất cứ ngoại bang nào dù là đồng minh.
Gần đây, có vài nhóm người Việt tại hải ngoại chủ trương vận động quốc tế để phục hồi lại Hiệp Định Paris 1973, đặc biệt mới đây nhất là Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH (UBLĐLTVNCH), một hình thức chính phủ lưu vong nhưng không dùng danh xưng tổng thống hay thủ tướng, của Ông Nguyễn Ngọc Bích (75 tuổi). Các tổ chức này tin rằng nếu vận động quốc quốc tế làm sống lại Hiệp Định Paris 1973 (nhưng không nói gì đến Hiệp Định Geneva 1954 mà chính VNCH đã xé bỏ), Hà Nội sẽ phải trả lại miền Nam Việt Nam cho VNCH.
Giả sử rằng UBLĐLTVNCH có khả năng làm chuyện này, mặc dù tôi nghĩ là không có một cơ may nào cả, Ông Nguyễn Ngọc Bích sẽ không thâu tóm phần đất dưới vĩ tuyến thứ 17 cho chính phủ của ông ngay được. Hiệp Định Paris đòi hỏi tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam, UBLĐLTVNCH sẽ phải ra tranh cử với Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Nhưng trước hết, UBLĐLTVNCH sẽ phải đưa hàng triệu người Bắc 75 về nguyên quán ngoại trừ 150,000 quân CSBV được Ông Kissinger và Ông Chu Ân Lai cho phép ở lại miền Nam từ 1973 đến nay. Để đỡ tốn giấy mực, tóm tắt lại, ý tưởng phục hồi Hiệp Định Paris là hoang tưởng nếu không muốn nói là bệnh hoạn. Ngay cả nước Mỹ cũng muốn quên Hiệp Định Paris 1973 khốn nạn này do chính họ dựng lên.
Nguyễn Quốc Khải
13-12-2012
Tài liệu tham khảo:
1. Larry Berman, “No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam,” The Free Press, 2001.
2. Finding Dulcinea, “On this Day: Paris Peace Accords Signed, Ending American Involvement in Vietnam War,” January 27, 2012.
3. Trọng Đạt, “Nixon và Hòa Bình Trong Danh Dự,” 27-01-2012.
4. Kennedy Hickman, “Vietnam War end of conflict, 1973-1975,” Military History.
5. Ken Hughes, “Fatal Politics: Nixon’s Political Timetable For Withdrawing From Vietnam,” Diplomatic History, Vol. 34, No. 3, June 2010.
6. Stanley Karnow, “Vietnam A History,” Penguin Books, 1997.
7. Jeffrey Kimball, “Decent Interval or Not? The Paris Agreement and the End of the Vietnam War,”December 2003.
8. Henry Kissinger, “Years of Renewal,” Simon & Schuster, 1999.
9. Richard Nixon, “No More Vietnam,” Arbor House, New York 1985.
10. Frank Snepp, “Decent Interval,” Random House, 1977.
11. Global Security, “A Decent Interval – Who Lost Vietnam?” May 7, 2011.
12. Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia, “Hiệp Định Paris 1973.”
2 Comments
Dế Mèn
Chiến lược của Hoa Kỳ tại Đông Dương, nhìn chung, không thay đổi về mặt tổng thể – thời điểm là từ khi người Pháp bại trận năm 1954 cho đến 1975. Trong chiến lược đó, người Mỹ có vẻ coi VN là “điểm” để thử thái độ, tham vọng, tiềm lực, cũng như sự đoàn kết giữa 2 nước lớn là TQ và LX trong khối CS. Năm 1973, mệt mỏi, người Mỹ rút ra khỏi VN bằng một “biện pháp ngoại giao lịch sự” là hiệp định Paris, năm 1975 miền Nam bị nhuộm đỏ; việc này xét cho cùng, chẳng khác gì sách lược của Mỹ đã nói ở trên.
Chúng ta nhìn lại bản chất cam kết đồng minh giữa Hoa kỳ – Việt Nam, so sánh với các cam kết đồng minh Hoa Kỳ-Nhật, Hoa Kỳ-Hàn, hay Hoa kỳ-Philippines. Người Mỹ ít khi nhúng tay quá sâu vào chính trị của các nước này. Thái độ tham gia vào cuộc chiến VN của HK cũng khác so với khi họ tham chiến tại bán đảo TT năm 1950- 1953. Trong cuộc chiến TT, người Mỹ đổ quân vào, tích cực và quyết liệt đẩy lùi quân CS về vĩ tuyến 38 và đảm nhận vai trò giám sát đình chiến, bảo vệ Nam Hàn, đóng quân chặn ngang biên giới. Với Nhật, họ cũng đóng quân tại nhiều vị trí chiến lược để phòng bị TQ, LX. Họ đã không làm những điều tương tự tại Nam VN.
Năm 1954, đối với TT Diệm, Hoa Kỳ là niềm hy vọng của lòng tốt, là sự trông cậy dựa vào liên minh của chính sách “be bờ ngăn làn sóng đỏ”. Thế đồng minh còn sáng tỏ. Khi người mỹ thay đổi sách lược, muốn trực tiếp tham gia và điều khiển cuộc chiến, thì ông Diệm là vật cản trở cần phải nhổ bỏ. Chính anh em ông Diệm đã tìm cách xoay trở tình thế, tìm một hướng đi mới cho đất nước trong tình trạng rất khó khăn chật vật. Rốt cuộc với lòng yêu nước và tính khí khái, ông Diệm đã nhận lấy cái chết đau thương.
Năm 1965, đối với ông Thiệu, người Mỹ đã gần như là đạo diễn của cuộc chiến tranh và của chính trường miền Nam. Người Mỹ muốn ông Thiệu, hay các tướng lãnh khác, như những con rối made in USA, và ông Thiệu khi nhậm chức TT thì ít nhiều, dù muốn dù không, cũng phải chấp nhận vai trò đó. Liên minh Việt-Mỹ là liên minh phụ thuộc, nếu không muốn nói là chủ-tớ. Không phải là ông Thiệu không muốn tìm cách thoát khỏi “gọng kìm lịch sử” đó, nhưng ông gần như không hề có cơ hội. Năm 1973, người Mỹ đã xong với cuộc chiến Đông Dương, đã có giải pháp cho VN với hiệp định Paris, ông Thiệu bàng hoàng với thái độ phũ phàng của đồng minh. Bị đe dọa tính mạng và địa vị, ông Thiệu không khí khái bằng ông Diệm, chấp nhận ký vào bản hiệp định, mặc dầu rất uất nghẹn. Giải pháp còn lại cho cuộc chiến là hy vọng rất mong manh vào viện trợ càng lúc càng nhỏ giọt của Hoa Kỳ và lời hứa hư ảo của Nixon, cam kết ném bom nếu CS vi phạm hiệp định. Ông Thiệu biết tính mạng của miền Nam khi ấy đã là “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng không có giải pháp nào khả thi. Ông đã trông chờ trong tuyệt vọng.
Không vị TT nào của các nền cộng hòa miền Nam muốn “chui vào vòng nô lệ của ngoại bang hay đồng minh”. Gặp thời thế, thế thời phải thế. Vấn đề là cục diện thế giới đã phân cực và họ phải chấp nhận. Nếu muốn chống cộng, anh phải đi với Mỹ. Anh không thể trực diện chống cộng bằng cách đi với khối thứ 3. Vấn đề là các chính phủ miền Nam không hiểu rõ chiến lược của Hoa Kỳ để có 1 đối sách phù hợp. Khi nhận chân ra bản chất của liên minh, nhận chân ra ý đồ của người Mỹ, thì tình thế như đã bên bờ vực, hiểm nguy đã cận kề; các chính phủ miền Nam đều lâm vào thế bị động, bế tắc, vô kế khả thi.
Bài học gì có thể rút ra từ lịch sử? Điều chúng ta đã biết và cần nên nhớ, đó là “quốc gia không có bạn bè”, và “đồng minh chỉ là liên kết đôi bên cùng có lợi”. Do vậy mà “quốc gia không thể có bạn bè lâu dài” cũng như “không nên có kẻ thù vĩnh viễn”. Cần phải biết đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trên để rồi từ đó có đối sách phù hợp cho từng giai đoạn.
Nguyễn Quốc Khải
Ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH có vài thắc mắc về bài trên đây. Là tác giả của bài viết này, tôi xin góp một vài ý kiến dưới đây:
1. Ông Bích có ý trách cứ RFA không phỏng vấn cựu Đại Sứ Bùi Diễm là không đúng. Ký giả Đỗ Hiếu của Đài Á châu Tự Do đã phỏng vấn Ông Bùi Diễm về Hiệp Định Paris 1973 vào ngày 27-1-2012. Tôi chỉ mong Ông Bùi Diễm cho biết quan điểm của ông về việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973.
2. Bài hát “I’m Dreaming of a White Christmas” phát thanh vào ngày 29-4-1975 (thay vì 29-4-1973). Cũng do lỗi đánh máy mà Ông Nguyễn Ngọc Bích viết rằng vào ngày 21-7-1054 (thay vì 21-7-1954), Hoa Kỳ và Quốc Gia Việt Nam (QGVN) tuyên bố không ký vào Hiệp Định Geneva 1954. Đây là một chuyện quá nhỏ mọn ta nên bỏ qua một bên để đặt trọng tâm vào những điểm quan trọng.
3. Trong bài báo giới thiệu cuốn “Decent Interval” của tác giả Frank Snepp, cựu nhân viên CIA tại Việt Nam và là một trong những người phụ trách cuộc di tản của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Snepp đã tường thuật nguyên văn như sau:
“Mid-morning of the 29th, the White House finally overrode Martin and decided to send in helicopters from the evacuation fleet offshore. The signal to evacuate: a Saigon radio broadcast of Bing Crosby’s I’m Dreaming of a White Christmas.”
Ông Bích kết tội Ông Frank Snepp “bịa đặt hoàn toàn” ra vụ phát thanh này. Tôi nghĩ Ông Bích hoàn toàn sai. Ông Snepp là người đã hộ tống Tổng Thống Thiệu ra khỏi Việt Nam để qua Đài Loan bốn ngày trước khi Saigon thất thủ. Ông là người dám nói lên sự thật về Việt Nam ngay từ 1977. Hậu quả là ông bị mất việc ở CIA.
4. “Khoảng cách chạy tội” là từ riêng của tôi, không phải dịch từ “decent interval” của hai ông Kissinger và Nixon. Tôi không phải là một sử gia mà chỉ muốn bình luận về một biến cố lịch sử.
5. Hiệp Định Geneva 1954 là một hiệp định đình chiến quân sự. Do đó chỉ có hai phe quân sự ký (Thiếu Tướng Henri Delteil của Pháp và Thiếu Tướng Tạ Quang Bửu của Bắc Việt). QGVN không ký và cũng không được phép ký dù muốn trong thời điểm đó, vào Hiệp Định Geneva 1954. Nhưng QGVN vẫn bị buộc phải tuân theo hiệp định này, kể cả việc rút quân và tổ chức cho dân di cư vào nam vĩ tuyến 17, ngoại trừ sau này từ chối cuộc tổng tuyển cử 1956. Sự thật là sợ thua nên Ông Ngô Đình Diệm đã không bằng lòng cuộc tổng tuyển cử. Miền Nam không ký nhưng tuân theo điều kiện của Hiệp Định Geneva 1954 trong 2 năm đầu. Nghĩa là trong giai đoạn này miền Nam chưa xé Hiệp Định Geneva. Đến năm thứ ba không đồng ý tổng tuyển cử, lúc đó miền Nam mới xé rào. Xé hiệp định hay xé rào hậu quả chỉ là một. Vấn đề đặt ra là tại sao không trở lại những hiệp định trước đó mà chỉ muốn phục hồi Hiệp Định Paris 1973.
6. Ông Bích chưa giải thích tại sao nên và làm thế nào để Ủy Ban Lãnh Đạo Lâm Thời VNCH (UBLĐLTVNCH) có thể vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973, trong khi đó ông hoàn toàn không có thực lực. Ủy Ban của ông có ba người, một người phó đã từ chức vì “việc tham gia không thuận lợi vào lúc này và không mấy thích hợp trong hoàn cảnh và giai đoạn này.” Ông Bích cũng chưa chứng minh được rằng Ủy Ban của ông có thể làm được gì hơn Chánh Phủ VNCH thành lập vào năm 2008 của cố Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn và sẽ không bị thất bại như Ủy Ban Luật Gia Vân Động Vãn Hồi Hiệp Định Paris của GS Vũ Quốc Thúc vào cuối thập niên 1980. Hơn 1/4 thế kỷ trước đã quá muộn rồi, liệu bây giờ có may mắn hơn không?
7. Nếu muốn trở lại Hiệp Định Paris 1973, chắc chắn phải đưa về Bắc hàng triệu người từ Bắc vào Nam sau 30-4-1975, trả lại nhà cửa đất đai cho những người bị đi tù cải tạo và vượt biên. Không thể để họ ở lại miền Nam nhưng không cho họ hưởng quyền công dân như đi bầu như Ông Nguyễn Ngọc Bích chủ trương được. Chỉ có 150,000 binh sĩ CSBV được ở lại miền Nam do hai Ông Chu Ân Lai và Kissinger cho phép chiếu theo Hiệp Định Paris 1973.
8. Vấn đề Biển Đông không nằm trong bài này nên xin miễn bàn.