Gần đây vấn-đề này lại thấy xuất-hiện, người viết xin được ghi lại thiển-kiến đã ghi trong tác-phẩm Tiếng Việt Tuyệt Vời (in lần thứ hai) cách đây trên một thập niên. Để cho sự biện-giải được dễ thấy, xin được chú-dẫn thêm các bảng trích-đọan trước khi vào bài.
Tại sao không viết là “kyếm ăn” mà viết là “kiếm ăn”? Vì i phát-âm ngắn hơn y. Cho nên “iêm” đọc nhẹ hơn “yêm”. Do đó, từ “kiếm” vốn đọc nhẹ nên không viết là “kyếm”. Cũng vậy, la-liếm khác với yểm-trợ, vì âm “yểm” vốn mạnh hơn “liếm” đòi phải vận-dụng hơi, sức nhiều hơn, đọc có vẻ chậm hơn, âm “y” được nhấn mạnh, phân-biệt, tách riêng với “ê” tuy rằng cả hai âm y và êm đọc liên-kết làm một: “y-êm”.
Chính vì sự nhấn mạnh và kéo dài của âm y mà ui khác uy là thế. Với âm i ngắn, hai tiếng “lúi-húi” phát ra âm ngắn hơn, khi đọc miệng chúm lại và gần như giữ nguyên ở vị-thế này, chỉ khẽ cử-động thêm một chút sang hai bên, trong khi với âm y kéo dài và nhấn mạnh, tiếng “túy-lúy” phát ra âm dài hơn, mạnh hơn, khi đọc miệng chúm lại có thể giữ lâu một chút làm đà đẩy hơi mạnh ra khi mở rộng miệng sang hai bên mép, nghe như phân-biệt rõ hai âm u và y tách rời. Tuy nhiên khi một từ chỉ có duy nhất mẫu-âm đơn là i hoặc y, chính-tả thường có sự lẫn-lộn giữa i và y. Ta vẫn thường thấy viết:
– hòn bi, cái bị, quả bí, bĩ cực, so bì, bỉ mặt.
– cái chi? chị em, chí-khí, chuông chì, kim chỉ, chỉ-tệ.
– di-chuyển, dị-biệt, cô dì, dạn-dĩ.
– đi học, định-cư, đình làng, đĩnh-đạc, đỉnh chung.
– hy-vọng, hý-trường, hỷ-tín
– ky-cóp, kỳ cọ, kỹ-nghệ, kỷ-hà-học, ký tên.
– tỉnh lỵ, lý lẽ, liên-lỷ, lỳ-lợm
– lông mi, mí mắt, bột mì, mĩ-miều.
– bên ni, vải nỉ, cái “nị”
– Phan Rí, rù-rì, rỉ tai.
– si mê, kẻ sĩ, liêm-sỉ, đen sì.
– ti-tiện, bé tí ti, liền tù tì, tì-vết, tỉ-tê
– tinh-vi, bởi vì, câu ví, cái vỉ, vĩ-đại, vị nể, địa-vị.
– xi mạ, xì hơi, xí-xọn, xấp-xỉ, xị rượu.
– y nguyên như cũ, ỷ lại, tính ỳ
Nhưng gần đây, nhất là các từ bắt đầu bằng phụ-âm h, k, l, thường thấy viết không phân-biệt i với y. Sự thống-nhất chính-tả thiển-nghĩ cũng nên sớm được giải-quyết.
Chúng tôi nhận-định có 3 trường-hợp viết i ngắn hoặc y dài:
1) Khi một từ phát-âm là i (chỉ có i hoặc y đứng một mình).
2) Khi i hoặc y có trong mẫu-âm ghép (kết-hợp với nguyên-âm khác, ví-dụ: IÊ, IÊU…) và mẫu-âm biến-dạng (mẫu-âm kết-hợp phụ-âm cuối từ, ví-dụ: IM, IÊM…, YÊM, YÊT…)
3) Khi một từ có mẫu-âm đơn-thuần duy-nhất là nguyên-âm chính gốc i hoặc y (không phải là mẫu-âm biến-dạng có ghép thêm phụ-âm cuối từ), mẫu-âm này đứng sau phụ-âm đầu từ để tạo nên từ.
Như đã phân-tách, tuy cả hai là âm khẩu-cái (voyelle palatale) nhưng khi phát ra âm I, thanh nghe ngắn, gọn, nhẹ và nhanh, ít vận-dụng hơi từ họng đẩy ra, ngữ-học Pháp quen gọi là voyelle palatale non arrondie, như trong ami tiếng Pháp. Còn Y trái lại, được coi là một voyelle palatale arrondie, vì khi phát ra âm Y, thanh nghe nặng (sourde) có âm-hưởng (echo) do hơi âm ngân dài (prolongée) có tính- cách bành-trướng rộng lớn hơn (arrondie) bởi phải vận-dụng nhiều hơi hơn từ họng đẩy ra. Âm Y dài, vì thế, nghe mạnh hơn, có vẻ tạo phát hơn là âm I ngắn tự-phát và nhẹ. Cho nên:
Đối với trường-hợp 1:
Chúng tôi nghĩ không viết là I ngắn, mà nên viết là Y dài. Ta có các từ: y, ỳ, ý, ỷ, ỵ, ỹ. Ví-dụ: Anh chàng này chẳng có ý-tứ gì cả, ỷ có người gíúp đỡ nên cứ ỳ ra không chịu mó tay làm bất cứ việc gì, cứ y như là người ở trên cung trăng rớt xuống vậy, đã thế lại còn la hét ầm-ỹ.
Đối với trường-hợp 2:
Ví-dụ trong các từ la-liếm, tiêm-nhiễm, mẫu-âm IÊM phát âm nhẹ, vì ở đây I là một bán nguyên-âm (semi voyelle) trong mẫu-âm ghép IÊ, giống như pied trong tiếng Pháp. Trái lại trong các từ yêu-kiều, âu-yếm, mẫu-âm YÊU, YÊM phát âm mạnh, thanh đục, nặng và âm-hưởng hơn vì Y đứng đầu từ nên còn có chức năng của một bán-phụ-âm đầu từ như trong yeux tiếng Pháp và trong yesterday, young, yoke tiếng Anh. (the letter Y came progressively to take over the function of representing semiconsonantal i,- sách trích-dẫn cước-chú 1, vol. 23, vần Y). Ta viết tiêu-điều chứ không tyêu-điều vì I là bán-nguyên-âm hợp với ÊU thành mẫu-âm ghép IÊU.
Vì vậy, riêng có từ ỉa âm đầu từ không viết Y dài, bởi âm này là bán-nguyên-âm tạo thành mẫu-âm ghép IA, nếu là Y dài thành YA: hai âm này như được tách rời, vì Y dài ở đây mang thêm chức-năng của một bán-phụ-âm.
Ðối với trường-hợp 3:
Khi đứng một mình, I hay Y không đóng vai một bán-nguyên-âm. Nhưng khi nào thì I ngắn, khi nào thì Y dài? Câu trả lời tuỳ thuộc ở phụ-âm đầu từ ghép với I ngắn hoặc Y dài.
Có 2 cách phân-biệt:
*Thứ nhất.- Khi phụ-âm đầu từ có điểm phát-âm phía sau khẩu-cái, ngoại trừ G, GH, NG, NGH, KH, hay nói khác, khi phụ-âm đầu từ là K, L, H,.
*Thứ hai.- Khi đầu từ là các phụ-âm khác K, L, H.
* Về cách 2: Ðối với các phụ-âm khác với K, L, H:
Các phụ-âm này ít dùng hơi sức từ họng hay cuống lưỡi đẩy ra nên ít mạnh hơn, không có điểm phát-âm phía sau khẩu-cái ngoại trừ G, GH, NG, NGH, KH tuy cùng với C, K có điểm phát-âm ở phía sau khẩu-cái, nhưng là những âm có thanh rè, nhẹ, khàn khàn không kêu vang như thanh của K và L. Ví-dụ G (và tương-tự là GH trong tiếng Việt), ngữ-học Pháp gọi đó là consonne occlusive vélaire, đọc theo tiếng La-tinh, ngữ-học Anh gọi đó là the sound of a velar stop như khi đọc các từ GET, GIVE (sách trích-dẫn cước-chú 1, vol. 10 vần G). Gọi là velar hay vélaire là do biến-thể của tiếng La-tinh VELUM, có nghĩa là tấm màn mỏng, từ đó còn có nghĩa là âm-thanh hơi khàn-khàn (Pronounced with back of tongue near soft palate, slight huskiness of voice- The Concise Oxford Dictionary of Current English, [veil & velar], p.1190).
Về cách 1: Ðối với các phụ-âm có điểm phát-âm hoặc ở phía sau khẩu-cái như L, K, hoặc ở trong cổ họng như H:
Phụ-âm K phát ra khi cuống lưỡi đập lên đáy vòm miệng lấp kín hốc mũi, thanh đục, nặng và sắc (consonne occlusive palatale sourde) phụ với mẫu-âm Y nhấn mạnh và kéo dài khiến cho thanh của từ đọc lên nghe mạnh và nặng: Ky, Ký, Kỳ, Kỷ, Kỵ, Kỹ vẫn mạnh hơn Ki, Kí, Kì, Kỉ, Kị, Kĩ (sách dẫn 1, trang 125, 128)
Riêng phụ-âm L vì lưng lưỡi đập vào điểm giữa của vòm khẩu-cái, nên có thể coi L như loại phụ-âm phía sau khẩu-cái cùng với C và K, đều là những thanh nghe mạnh hoặc âm vang như L (sonore) hoặc nặng, đục như C, K (sourde).
Còn âm của H là âm hở, âm của họng khi phải há miệng rồi đẩy hết hơi thật mạnh trong cổ họng ra ngoài, nếu ghép với Y dài thì cả hai mới phụ-lực cho nhau tạo nên từ, phát được ra thanh-âm mạnh. Hỉ đọc vẫn yếu hơn Hỷ là thế.
Ngoài ra, nếu xét theo từ-nguyên của hình tượng chữ viết, thì vào cổ-thời Ai-Cập, chữ K được tượng-hình bằng hai cẳng tay bắt chéo theo hình cái chén (a cupped hand), do đó từ Kaph có nghĩa là bàn tay, được người Do-Thái diễn-dịch là nắm đấm. Còn chữ L được tượng-hình bằng con sư-tử, do đó người Do-Thái diễn nghĩa từ Lamedh là cái roi của thầy giáo. Những hình ảnh ấy mang ý-nghĩa cứng rắn mạnh-mẽ cũng diễn-tả phần nào tính-cách của thanh-âm phù-hợp với mẫu-âm Y đứng sau. (sách trích-dẫn cước-chú 1, các vần K, vol.13; L, vol. 14.)
Do đó, có thể công-thức-hoá trong bảng ví-dụ sau đây:
Nếu nhất loạt thay Y dài bằng I ngắn như ở quê nhà hiện nay thì rõ là quá giản-tiện, nhưng về mặt ngữ-học, e rằng chữ viết không ký-âm chính-xác được tiếng nói.
Tóm lại:
Thông-thường viết là I, chỉ viết là Y dài khi:
a) từ nào duy nhất có một mẫu-tự phát ra âm I: Ta có các từ: y, ý, ỳ, ỷ, ỵ, ỹ.
b) đầu từ là một nguyên-âm phát ra âm I đứng trước mẫu-âm ghép hay biến-dạng: Ta có các từ yêu, yếu, yếu, yêm, yếm, yểm, yên, yến, yểng, yết. Do đó không có YA nhưng là IA (ỉa).
c) phụ-âm đầu từ là K,L,H.
Ðành rằng ngôn-ngữ luôn luôn tiến-hóa. Người viết có nhớ đã đọc ở đâu đó, tác-giả Mark Twain khi bàn về sự cải-cách các vần chính-tả Anh-ngữ đã đưa ra ví-dụ thật khôi-hài. Nếu cứ thay đổi tuỳ-tiện theo thói quen, thì mỗi năm mỗi đổi, năm đầu C thành K hay S, rồi CH. Các năm sau thì W rổi Y, I, rồi CH, SH, và X thay cho TH….,riết rồi RESPECTIVELY sẽ viết thành RISPEKTIVLI và cuối cùng 20 năm sau, người ta sẽ có một đoạn văn viết biến-cải như sau:
“Fainali, xen, aafte sam 20 iers ov orxograefkl riform wi wud hev a logikl, kohirnt spelling in ius xrewawt xe Ingliy- spiking werld.”
Ðoạn văn này thay thế cho cách viết hiện-hành:
“Finally, then, after some 20 years of orthographical reform we would have a logical, coherent spelling in use through the English-speaking world.”
Quả thật đúng là khôi-hài! Sự cải-cách chữ viết cho gọn-gàng thống-nhất dĩ-nhiên là cần-thiết theo đà tiến-hóa của dân-tộc, nhưng phải cho hợp-lý. Nếu chỉ nhằm vào việc giản-dị-hoá tiện-lợi cho nhu-cầu của tập-quán mà không chú-trọng vào tính-cách ký-âm cho trung-thực thì chữ viết mất đi tính-chất đặc-thù của ngôn-ngữ, nhất là đối với chữ quốc-ngữ vốn là một ký-âm-pháp tuyệt-diệu rất khoa-học, thuận-lý có khả-năng ghi lại một cách chính-xác, đầy-đủ, trọn vẹn, linh-động và tinh-tế tiếng nói Việt-Nam, thứ tiếng hay nhất của nhân-loại, phong-phú, sống động, dồi-dào âm-sắc, hết sức uyển-chuyển vì phải vận-dụng tối-đa lưỡi, răng, môi và xoang miệng cũng như các dây thanh-quản.
Dẫu sao đây chỉ là những thiển-kiến cá-nhân của người viết, không ngoài ước-vọng giữ-gìn và làm đẹp cho Tiếng Mẹ.
Giáo-sư Đỗ Quang-Vinh
(trích Tiếng Việt Tuyệt-Vời, ấn-bản 2, Toronto, Canada, 2000, trang 149-150, 170-173, 155-161)
e-mail: doquangvinhvenguon@yahoo.com ; vinhdo33@yahoo.com
————————————————————————————————-
Cước-chú:
(1) Collier’s Encyclopedia, Crowell-Collier Ed. Corporation 1973
Đỗ Quang-Vinh: Cao-học Kinh-tế Đại Học Luật Khoa Sài-gòn, Bachelor of Education & Ontario Teacher’s Certificate (University of Toronto, Canada), đã dạy Việt-ngữ tại: Language International Toronto; Toronto Board of Education; MSSB. Toronto (1989-1998), cựu giáo-sư trường Trung-Học Rạchgiá, Petrus Ký và các tư-thục tại Saigon, v.v.. (1954-1986), tác-giả nhiều bài nghiên-cứu trên các báo Việt-ngữ hải-ngoại, thành-viên của Viện Việt-Học tại Nam Cali, Hoa Kỳ.
Tác-phẩm chính đã xuất-bản:
a- Sách Việt-học: 1- Học Đọc Tiếng Việt. 2- Ca Dao Đố Vui Học Tiếng Việt. 3- Tiếng Việt Tuyệt-Vời. 4- Về Nguồn (thơ). 5- Bút-Thuật Của Nguyễn-Du Trong Đoạn-Trường Tân-Thanh, 6- Lục Bát Đố Vui Học Tiếng Việt, v.v..
b- Sách tôn-giáo: Tin Yêu (thơ kinh & nhạc đạo), Hành-trang Lên Đường (tuyển-tập các bài về thần-học tín-lý và luân-lý nhìn trong bối-cảnh văn-hoá dân-tộc).Thánh-Vịnh Diễn Ca, 2010, Con Xin Làm Kiếp Phù-Sa, (thơ kinh toàn tập & nhạc đạo), 2011,Châm-Ngôn và Khôn-Ngoan Diễn Ca, 2012.