II. Cách mạng: khái niệm hay ý niệm?
Một vài người đã đọc các phần đầu của bài này không thỏa mãn vì đã không được dẫn nhập ngay từ đầu vào một khái niệm nhất định về cách mạng. Phản ứng này không phải là không có lý. Nhưng người viết đã cố ý để chậm lại vào cuối bài việc bàn luận về khái niệm cách mạng. Trước hết là vì chữ cách mạng có rất nhiều nghĩa, nếu đề cập ngay tới nội dung của nó khi vừa vào bài viết, e người đọc dễ lầm tưởng rằng họ sẽ được đưa dắt đi lang thang trong cõi lý thuyết! Thứ đến, vấn đề “Cách mạng tháng Tám“, tự bản thân nó không phải là một vấn đề lý thuyết mà là một vấn đề thực tiễn. Nếu chỉ lo bàn về lý thuyết thì sẽ không đi thẳng được vào đối tượng nghiên cứu đã hiện hữu trong thực tế. Sau nữa, chính biến mùa thu l945 là do những người cộng sản tạo nên, những người không cộng sản không có phần tham dự tích cực nào vào đó. Cho nên cần miêu tả chính biến đó dưới nhãn quan cộng sản để rồi về sau trở lại chiếu rọi vào đó những ánh sáng không cộng sản.
Chữ cách mạng có nhiều nghĩa là do nguồn gốc của nó, do những cách khác nhau nó được sử dụng trải qua các thời đại. Đối với người Việt Nam, chữ cách mạng có hai nguồn gốc. Gốc thứ nhất: chữ “cách” là gốc Hán, âm Bắc Kinh đọc là “gé”, có nghĩa nguyên thủy là da thú đã thuộc kỹ sau khi đã cạo hết lông. Nghĩa mở rộng là thay đổi (xem Lý Lạc Nghị, Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1998). Chữ “mệnh“, âm Bắc Kinh đọc là “mịnh” có nghĩa là mệnh lệnh, sinh mệnh, vận mệnh, v.v… (sđd). Nhưng từ kép “cách mệnh” lấy từ Kinh Dịch, quẻ Cách: “Thiên địa cách nhi tứ thời hành, Thang Vũ cách mệnh ứng bồ thiên nhi thuận hồ nhân, cách chi thời, đại hỉ tai! nghĩa là: “Trời đất đổi thay mà bốn mùa đi qua, vua Thang vua Vũ làm cách mạng thuận lòng trời, ứng hợp lòng người, lớn đẹp thay thời cách mạng!” Vua Thang, một vua chư hầu đã nổi lên đánh thắng vua Kiệt nhà Hạ lập nên nhà Thường để cứu dân, vua Vũ (Võ Vương), một vua chư hầu hội họp chư hầu đánh thắng vua Trụ nhà Thương, bạo chúa xa xỉ, đam mê tửu sắc, giết oan trung thần, v.v… Vua Vũ đã sáng lập ra nhà Chu. Hai vua Thang và Vũ được kể như hai người đã tuân mệnh trời, tự ý cách bỏ mệnh trời đã trao cho Kiệt, Trụ. Do đó, người ta coi hai người này đã làm “cách mệnh“. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử ở Việt Nam, ít thấy nói tới “cách mệnh” dù rằng đã có nhiều cuộc thay đổi đột ngột người cầm quyền. Nhân vật độc nhất nói tới “cách mệnh” có lẽ chỉ có Cao Bá Quát. Năm 1854, được đổi ra Sơn Tây, phủ Quốc Oai làm Giáo Thụ. Ông bí mật giao kết gián tiếp với người đầu mục một nghịch đảng phù Lê là Nguyễn Kim Thanh nuôi ý đồ lật đổ Tự Đức và triều Nguyễn. Năm ấy, lúc khởi nghĩa ở Mỹ Lương, ông đề trên cờ hiệu hai câu:
“Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu, Thuấn,
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ, Thang”.
Bình Dương là kinh đô của nhà Hạ, Bồ Bản là kinh đô của nhà Thương. Vua Kiệt bị vua Thang đánh bại tại Minh Điều, vua Trụ mất ngôi cho vua Vũ (Võ) trong trận đánh ở Mục Dã. Hai câu thơ có ý nói ở trong triều, Tự Đức không phải là Nghiên Thuấn thì trong dân gian đã có Lê Duy Cự để làm cách mệnh như các vua Thang, vua Vũ. Cuối thế kỷ trước đầu thế kỷ này, vấn đề cách mệnh được đặt ra cho những người chống Pháp trong các phong trào Văn Thân, Cần Vương, Duy Tân, v.v… Các nhà nho làm cách mệnh Việt Nam phần lớn phải chọn Trung Quốc làm nơi an toàn nên tư tưởng cách mệnh của họ vẫn chưa ra thoát điển mẫu “Thang, Vũ”.
Tuy nhiên họ đã bắt đầu tiếp thu tư tưởng cách mệnh phương Tây, nhưng phải qua những con kênh Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Trung Sơn, v.v… Cũng vì lẽ đó mà sự đổi mới tư tưởng cách mệnh của họ đã rất giới hạn, ngay ở những người đã có dịp xuất ngoại và giao thiệp rộng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Ở trong nước, đầu thập niên 30, Tự điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa cách mệnh là “dùng cách bạo động mà thay đổi cuộc chính trị”. Các đảng chủ trương tranh đấu bằng vũ lực – trừ Đảng Đại Việt Duy Dân – cũng không thấy đưa ra được một toàn bộ lý thuyết. nào về cách mệnh. Đầu những năm 40, tổ chức cách mệnh không cộng sản của người Việt ở hải ngoại (Trung Quốc), Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, có bài hát chào cờ như sau:
“Cờ Đồng Minh đã nêu cao theo gió bay tung,
Tranh quang cùng ánh dương rực hồng,
Binh, thương, công, nông,
Chúng ta một lòng,
Ta cùng xung phong,
Đuổi quân thù đòi lại núi sông.
Đứng lên đả đảo Đế quốc!
Dựng lên nền dân chủ tự do nâng đỡ lân bang nô lệ thoát lao lung…”
Nói tóm lại, trên đại thể, cơ sở tinh thần của cách mệnh không cộng sản Việt Nam tới gần giữa thế kỷ XX vẫn còn mang nặng dấu vết của tư tưởng cách mệnh Trung Quốc từ những năm 2200 trước Công nguyên truyền lại! Nhưng với cuộc đệ nhị thế chiến, tư tưởng ấy bắt đầu bộc phát và biến đổi. Nhờ có sự tiếp sức của tư tưởng cách mệnh phương Tây, nội dung của chữ cách mạng thêm phong phú. Gốc mới phương Tây này đã làm lu mờ gốc cũ phương Đông. Và bởi thế, khi dùng chữ cách mệnh để dịch chữ “révolution” thì cần nhớ rằng nội dung của chữ cách mạng đã đổi khác và phải hiểu nghĩa mới của chữ cách mệnh là nghĩa của chữ “révolution”. Chữ này được khai sinh từ thời Trung Cổ, khởi đầu là tiếng chuyên môn dùng trong thiên văn để chỉ sự vận hành của một hành tinh chuyển động trên quỹ đạo của nó, đi hết một vòng rồi quay lại chỗ cũ. Do nguồn gốc này, cách mệnh hiểu theo nghĩa phương Tây có hàm nghĩa “chu kỳ“, tương tự như nghĩa trong Kinh Dịch “Trời đất đổi thay mà bốn mùa đi qua”. Rồi mỗi thế kỷ lại mang đến cho nó một nghĩa mới, thoát thai từ nghĩa cũ. Giữa thế kỷ thứ XVI, chữ “révolution” bất đầu có nghĩa là sự thay đổi đột ngột và quan trọng trong trật tự xã hội, trật tự tinh thần. Đầu phần nửa sau thế kỷ XVII, chính biến năm 1688 bên ở nước Anh trong đó Guillaume d’Orange truất phế Jacques II mở đường cho nền quân chủ thế tục thay thế nền quân chủ thần quyền, Người Anh gọi chính biến này là cuộc Cách mệnh Vinh quang (Glorious Revolution). Cuối thế kỷ XVIII, có hai biến cố lớn: các thuộc địa của Anh ở Mỹ tuyên bố độc lập đối với chính quốc và, tại Pháp, dân chúng nổi dậy lật đổ nền quân chủ chuyên chế. Đó là hai cuộc cách mạng nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Thế kỷ XIX, Marx và Engels mang thêm cho nội dung từ “révolution” hai nghĩa “giai cấp đấu tranh” và “thay đổi bằng bạo lực“. Đến thế kỷ XX, với những cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), Cách mạng tháng Mười (1917), v.v… chữ “révolution” đã rời bỏ hẳn địa hạt tinh thần hay chuyên môn để đi vào đời sống xã hội. Nó được dùng để gọi tên những cuộc nổi dậy thay đổi chính quyền, trật tự chính trị, kinh tế, xã hội, v.v… Ngày nay, chữ “revolution” đã có một nội dung khá phức tạp, nhất là người ta lại còn dùng nó vào những nghĩa bóng, đôi khi trái ngược hẳn với nghĩa đen, tỉ dụ khi nói “cách mạng ôn hòa”, “Cách mạng Nhung”, “Cách mạng Xanh”, v.v…
Dù sao, trong tư tưởng phương Tây, cách mạng vẫn còn giữ hai ý nghĩa nó đã có trải qua các thời đại là thay đổi bằng vận động và thay đổi để quay về điểm khởi hành. Người thời xưa cho rằng xã hội tốt hay xấu là do người cầm quyền. Muốn thay đổi phải chỉnh đốn lòng người. Người thời nay nhờ sự phát triển của các khoa học xã hội đã tìm ra được nhiều nguyên nhân ở nơi các định chế nên còn chủ trương thay đổi định chế để sửa đổi xã hội. Vì văn hóa nhân loại tích lũy lâu đời nên vấn đề quay về xuất phát điểm trong hành động cách mạng không còn đơn giản như thời xưa. Bởi thế, người ta chưa tìm ra được những thuộc tính nhất định của hiện tượng thay đổi xã hội để khái quát nó thành một khái niệm. Cho nên thay vì nhìn nhận một khái niệm về cách mạng duy nhất cho mọi không gian, thời gian, người ta chỉ muốn có nhiều ý niệm nghĩa là khái niệm sơ lược về cách mạng.
Hãy thử lấy trường hợp Việt Nam làm thí dụ. Đối với những người cộng sản thì chính biến mùa Thu 1945 là một cuộc cách mạng vì nó đã mang lại sự thay đổi quan trọng về phía người cầm quyền, trong trật tự xã hội, v.v… Đó là một cuộc cách mạng theo hệ quy chiếu của người cộng sản là tư tưởng Mác- Lênin. Ngược lại, đối với những người không chấp nhận hệ quy chiếu ấy thì những sự thay đổi do chính biến mùa Thu mang lại không phải là sự quay trở về xuất phát điểm trong sự vận hành của quỹ đạo dân tộc vốn không đi theo con đường giai cấp đấu tranh như cộng sản lập thuyết. Như vậy, không giải quyết được vấn đề tiến bộ và không thể nói là cách mạng. Làm cách mạng theo tư tưởng Mác-Lê không bao hàm quay trở lại trong một chu kỳ mà là tiến lên theo đường thẳng, làm lại dân tộc, làm lại con người, vì theo cộng sản dân tộc cũng như con người đã hiện hữu khi cách mạng vô sản nổ ra, chỉ là sản phẩm của thời tiền sử. Nói cách khác, dưới mắt người cộng sản, lịch sử chỉ thật sự bắt đầu với xã hội cộng sản!
Thời đại đang mang lại cho người Việt Nam kiến thức, kinh nghiệm thành bại quý báu về cách mạng. Đã đến lúc người Việt Nam chấm dứt việc chạy theo tư tưởng cách mạng phương Đông cũng như phương Tây. Cái gọi là Cách mạng tháng Tám đã mở đầu cho một quá trình sai lầm to lớn như lịch sử đã chứng minh. Thiết tưởng nên đặt vấn đề “Làm lại cuộc cách mạng tháng Tám” mà điểm xuất phát là sự chuyển quyền từ quân chủ sang dân chủ thực sự. Chứ không phải là sự thay thế hình thức chuyên chế cũ bằng một hình thức chuyên chế mới, dù chỉ ở trong giới hạn quá độ một đoạn đường dài vô định và không bao giờ tới đích.
LS Trần Thanh Hiệp
Mời xem tiếp:
55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền [Đoạn 1]
55 Năm Sau Nhìn Lại: Cách Mạng Hay Cướp Chính Quyền [Đoạn 3 — Chót]
One Comment
SOCRATES
Thật ra cho đến giờ phút nầy thì tất cả người dân trong nhửng đất nước cộng sản chỉ hiểu đại khái hai từ'”cách mạng” là cải cách cho đời sống người dân tốt hơn cả tinh thần lẩn vật chất.CSVN sử dụng hai từ nầy theo nghỉa phương Tây chứ có ai biết gì về Thang Chu.Ngòai ra, từ thời Lenin lảnh đạo đảng CSLX củng đả dùng từ tiếng Nga mà dịch sang Anh ngử class struggle, to overthow the authoritarian regime và to snatch authority.Còn CSVN củng đả sử dụng nhửng từ như: đấu tranh giai cấp-lật đổ chế độ độc tài và giành lấy chính quyền (đôi khi họ còn sử dụng từ cướp chính quyền) trong báo chí,bài hát hay tài liệu của Đảng.
Cách nay khỏang 1 năm, nhân kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tỉnh hay Bến Tre Đồng Khởi gì đó. Có một bài báo sử dụng từ”cướp chính quyền về tay nhân dân”. Sau đó một đảng viên của một trường Đảng đả lên tiếng và yêu cầu từ nay về sau báo chí nên dùng ùừ “giành” nghe cho có vẻ chính nghỉa hơn,chứ dùng từ “cướp’ thì coi như đồng nghỉa với băng đảng cướp theo kiểu Lương Sơn Bạc hay Cờ Đen trong thời cận đại.