Vô Hình Chung hay Vô Hình Trung?
Đổi Viên Ngọc Quý Để Lấy Hạt Sỏi Thô!
Lang thang trên mạng toàn cầu hơn một năm trước đây, chúng tôi đọc được đoạn văn do bí danh anhcasg (Anh Cả Saigon?) viết như sau:
[Vô hình trung: Đây là một từ mới, không biết được đưa vào sử dụng từ bao giờ, nhưng những tự điển chữ Hán, chữ Việt xuất bản trước chiến tranh, không ghi.
Về chính tả, còn có người viết “vô hình chung”. Về nghĩa, mỗi người hiểu một cách. Tựu trung, có hai cách hiểu chính: 1-Theo nghĩa “không cố ý”; 2-Theo nghĩa của từ cũ “chung qui”.
Tôi thử tra tự điển, thì thấy:
-Tự điển Hán-Anh Mathews (1966) không ghi “vô hình trung”, nhưng có ghi “vô ý trung”, và định nghĩa là “thoughtlessly, inadvertently” (không dụng tâm);
-Tự điển Hán-Anh Viễn-Đông (1993) có ghi “vô hình trung”, và định nghĩa cũng gần giống cuốn vừa dẫn;
-Từ điển Việt-Hán của Hà-Nội (1990) chú nghĩa “vô hình trung” là “vô ý trung”;
-Tự điển Tiếng Việt Hoàng Phê (1988) định nghĩa “vô hình trung”: Tuy không có chủ định, không cố ý, nhưng tự nhiên là. Và cho thí dụ: -Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó.
-Tự điển Lê Văn Đức (1970) có ghi “vô hình trung”, nhưng giảng rất lúng túng: “Tóm lại, rút ra những phần cốt yếu mà khó thấy. Thí dụ: Làm chính trị phải có nhiều thủ đoạn để giải quyết trăm ngàn việc khó khăn phức tạp; nhưng vô hình trung, là làm cho nước mạnh dân giàu, an cư lạc nghiệp”.
Bốn cuốn trước hiểu “vô hình trung” theo nghĩa “không cố ý”. Riêng cuốn sau cùng hình như hiểu theo nghĩa “chung qui”, “rốt cuộc”.]
(http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20080314030637AAkIGiH)
Theo Tiến Sĩ Sử Gia Nguyễn Duy Chính (Việt Thức) cho hay:
[Để biết thêm rằng mình sai lầm tôi có tìm một vài cuốn từ điển tiếng Việt trong nhà thấy Đại Từ Điển Tiếng Việt [Nguyễn Như Ý chủ biên] (Hà Nội:VH-TT, 1999) tr. 1826:
vô hình trung: Không cố ý, không chủ tâm, tự nhiên mà có với thí dụ: Như thế vô hình trung anh lại không ủng hộ nó.
Tôi cũng tra Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị [tác giả Lê Ngọc Trụ (bản in trong nước trước 1975, Đại Nam tái bản hải ngoại không đề năm), tr. 117 cũng thấy viết vô hình trung trong mục chữ TRUNG [中]. Cụ Lê Ngọc Trụ là một học giả nổi tiếng nên chúng ta có thể theo mà không sợ nhầm lẫn…
Hán Ngữ đại từ điển (Thượng Hải từ thư, 1986) viết như sau:
無形中:亦作“無形之中”。
||不知不覺之間;不具備名義而有其實質之情況下。
瞿秋白《論大眾文藝‧大眾文藝的問題》:“無形之中對於革命的階級意識的生長,發生極頑固的抵抗力。”
峻青《秋色賦‧女英雄孫玉敏》:“她一氣教會了四十多個妹妹,能夠很熟練地埋雷,她無形中成了整訓中的婦女核心。”]
Từ các sự kiện trên đã cho chúng tôi ngạc nhiên lớn và không khỏi xót xa cho kho tàng ngữ vựng mà Ông Cha chúng ta để lại. Chúng ta đang vô tình đánh mất một viên ngọc quý để đổi lấy hạt sỏi thô thay vào trong các từ ngữ Hán Việt đã từng được dùng rất trong sáng và rõ ràng trong công trình vun đắp của tiền nhân.
Người viết bài (Chân Phương) xin tạm phiên âm đoạn Hán văn của Hán Ngữ đại từ điển mà sử gia Nguyễn Duy Chính đã đem về bên trên như sau:
Phiên âm: [Vô hình trung: diệc tác “vô hình chi trung”.
|| Bất tri bất giác chi gian; bất cụ bị danh nghĩa nhi hữu kỳ thực chất chi tình huống hạ.
Cù Thu Bạch; Luận đại chúng văn nghệ, đại chúng văn nghệ đích vấn đề: “Vô hình chi trung đối ư cách mệnh đích giai cấp ý thức đích sinh trưởng, phát sinh cực ngoan cố đích để kháng lực.”
Tuấn Thanh; Thu Sắc Phú, Nữ anh hùng Tôn Ngọc Mẫn: “Tha nhất khí giáo hội liễu tứ thập đa cá muội muội, năng cú ngận thục luyện địa mai lôi, tha vô hình trung thành liễu chỉnh huấn trung đích phụ nữ hạch tâm.”]
Xin dịch sang tiếng Việt như sau:
[Vô hình trung (hầu như, dường như): cũng được hiểu là “vô hình”
|| Sự vô tình; không có tên gọi đầy đủ để nói lên thực chất của sự việc.
Theo Cù Thu Bạch, trong “Luận đề về văn nghệ quần chúng”; thì:
“DƯỜNG NHƯ, trong sự phát triển về ý thức cách mạng giai cấp đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt.”
Tuấn Thanh, trong “Thu Sắc Phú, Nữ anh hùng Tôn Ngọc Mẫn”:
“Cô ấy liên tục dạy hơn bốn mươi chị em, huấn luyện bản lãnh đủ thành thạo việc chôn dấu địa lôi, cô ta HẦU NHƯ trở thành hạt nhân trong vấn đề rèn luyện và củng cố (lực lượng) phụ nữ.] (Chân Phương dịch)
Trong một câu văn khác, người Trung hoa đã dùng như sau:
[她无形中成了我们的顾问 – Tha vô hình trung thành liễu ngã môn đích cố vấn.
Cô ta HẦU NHƯ trở thành cố vấn của chúng tôi.]
Như thế, rõ ràng chữ “vô hình trung” không có nghĩa gì khác hơn là “hầu như, dường như” và là một trạng từ bình thường theo nghĩa tiếng Anh là “virtually”. Nghĩa này hoàn toàn khác với “vô hình chung” mà trước nay chúng tôi biết rằng chỉ mới được dùng từ thời Phong Hóa – Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn (1930’s).
Quả thật, chúng tôi đồng ý với nhận định của bí danh “anhcasg” rằng đây là một chữ “Hán Việt” mới được mượn và dùng trong giai đoạn chữ Quốc ngữ đang phát triển mạnh mẽ. Chính vì sự xuất hiện của nó trong dân gian và trong làng văn bút Việt Namchưa quá lâu, nên các từ điển Việt ngữ hầu như không kịp cập nhật ngoại trừ cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị do học giả Lê Ngọc Trụ viết (1959) như Sử Gia NDC đã dẫn. Cụ Lê Ngọc Trụ là một học giả khả kính về Việt ngữ và cũng là người hiệu đính bộ Việt Nam Tự Điển do Lê văn Đức chủ biên (Khai Trí, 1970). Vì thế, trong cuốn Việt Nam Từ Điển này cũng có chữ “Vô hình trung” và được giải nghĩa là: “Tóm lại, rút ra những phần cốt yếu mà khó thấy. Thí dụ: Làm chính trị phải có nhiều thủ đoạn để giải quyết trăm ngàn việc khó khăn phức tạp; nhưng vô hình trung, là làm cho nước mạnh dân giàu, an cư lạc nghiệp”.
Từ đây, chúng tôi nghĩ rằng, cái sai vô tình và ngoài ý muốn của cụ Lê Ngọc Trụ đã bị hậu sinh nhắm mắt noi theo một cách mù quáng mà không hề có sự tìm hiểu một cách độc lập… Trong đó, lần lượt có các cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (1988), Từ Điển Việt Hán của Hà-nội (1990), rồi Đại Từ Điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1999)…
Học sinh chép bài của nhau để nộp cho Thầy Cô giáo đã là điều xấu và đáng chê trách. Người nghiên cứu soạn sách, nhất là khi soạn tự điển cho quần chúng noi theo cũng “cọp dê” mà thiếu suy nghĩ kiểm chứng, thì hậu quả đến thật khôn lường! Nếu chỉ “sao y bản chính” từ người khác, thì soạn từ điển để làm gì, ngoài việc ham danh ham lợi?
Quả thật, như chúng tôi đã dẫn, “vô hình trung” (無形中, 无形中 – Viết theo lối giản thể) chỉ là một trạng từ có nghĩa “hầu như”, “dường như” và không giống như giải thích của các cuốn từ điển kể trên.
Sau đây, chúng tôi xin ghi nhận các trường hợp mà chữ “vô hình chung” (无形终) được dùng bởi các văn thi sĩ người miền Trung và miền Bắc là những người có được ảnh hưởng ít nhiều từ Phong hóa – Ngày nay, Tự Lực Văn Đoàn:
“Tôi viết ra được những bài viết, những bài thơ này chỉ là vì những Thầy Cô đã tận tâm dậy dỗ cho đám học trò chúng tôi và nhất là giáo sư Doãn Quốc Sỹ đã VÔ HÌNH CHUNG cho tôi cái hứng ngồi nghe Thầy đọc thơ văn trong lớp. Tôi đã phải sống xa quê hương quá lâu nhưng thực ra trong tôi, tôi luôn luôn có quê hương, có tình đồng hương và có tình Thầy Trò của riêng tôi.”
Ðàm Trung Phán – TÌNH THẦY TRÒ VÀ KIẾP THA HƯƠNG
Mùa Tuyết Rơi tạiCanada
Tháng 12, 1991″
“Lam Nguyên trong bài “Biểu Cảm Cách Tân”, (TG&TP, II, trang 223,) đã cho thấy VÔ HÌNH CHUNG Du Tử Lê đã là biểu tượng của “Tân kỳ biệt chí / mới mẻ độc đáo,” lời của tác gia Trung Hoa Tiết Bảo Thoa, khi bàn về tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần.”
(Lê Vương Ngọc – anh ruột nhà thơ Du Tử Lê, trong Tuyển Tập Du Tử Lê 50 năm).
Đặc biệt người em út trong gia đình Nhất Linh của Tự Lực Văn Đoàn là Bác Sĩ Nguyễn Tường Bách:
“Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc. VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó. Mỗi ngày, bài vở thư từ chồng chất trên các bàn giấy. Hai anh Khái Hưng và Thạch Lam có nhiệm vụ giải quyết, một công việc phiền phúc và khô khan. Sau này, khi rỗi, tôi cũng có khi đến giúp vào nhiệm vụ này. “ (Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách – trong Tưởng Nhớ Khái Hưng)
Cả ba thí dụ trên cho chúng ta thấy rằng, “vô hình chung” đã xuất hiện ít nhất trong khoảng thời gian phát triển mạnh nhất của tiếng Quốc Ngữ và đã được dùng với ý nghĩa của chữ “chung – 终” là “cuối cùng”, phù hợp với giải thích của Lê văn Đức trong mục chữ “vô hình trung” (do sự nhầm lẫn đáng tiếc của cụ Lê Ngọc Trụ gây ra).
Trên tất cả các lý lẽ vừa kể ra, chúng ta hãy tìm hiểu thẳng vào Hán văn để xem người Trung Hoa dùng chữ “vô hình chung – 无形终“ này ra sao:
1/ Thời Chiến Quốc, khi được Tề Hoàn Công hỏi về phép trị nước sao cho ngôi vua được vững bền; Quản Trọng nói:
柔为无形终不断! Nhu vi VÔ HÌNH CHUNG bất đoạn!
An dân (trị dân một cách mềm mỏng) TẤT không mất nước!
2/ 大道无形终有义
Đại đạo VÔ HÌNH CHUNG hữu nghĩa (phiên âm Hán-Việt)
Đạo lớn ĐƯA ĐẾN phép tắc. (Phùng Khánh dịch)
3/ 烟尘无形终被风所散
Yên trần VÔ HÌNH CHUNG bị phong sở tán
Khói bụi CUỐI CÙNG CŨNG theo gió tản tự tan.
4/ 魂去无形终虚 幻. 谁云作者太疯癫 只是少人?
Hồn khứ VÔ HÌNH CHUNG hư ảo. Thùy vân tác giả thái phong điên chỉ thị thiếu nhân?
Lạc hồn ĐẾN MỨC hoảng loạn. Ai hay chăng, ta đã cuồng điên vì nhớ người?
Trong bốn thí dụ vừa kể, ngoài câu số 2 do Ni Sư Trí Hải dịch, tất cả ba câu còn lại đều do người viết (Chân Phương) dịch lại theo hiểu biết mông muội của mình.
Với các thí dụ kể trên, chúng ta thấy rõ nghĩa của chữ “vô hình chung” trong bất kỳ trường hợp nào, Hán văn hay Hán Việt, đều có điểm chung với nhau là luôn luôn nhấn mạnh đến ý nghĩa của chữ “chung – 终” là “cuối cùng”.
Từ một nhầm lẫn vô tình của học giả Lê Ngọc Trụ và việc “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” tiếp theo sau đó của Lê văn Đức trong Việt Nam Tự Điển, các nhà soạn tự điển sau này của Hanoi đã “cọp dê” nguyên xi cái sai của người khác vào làm của mình. Nếu còn cắp sách đến trường, tác giả của những cuốn tự điển tiếng Việt sau này đã được hưởng hai trái trứng vịt to tướng chứ chẳng chơi!
Nói thế là còn nhẹ vì khi sinh tiền, Ông Cụ thường nhắc nhở chúng tôi rằng: “Làm bác sĩ chữa bệnh mà sai, giết một mạng người!
Làm tướng cầm quân mà sai, giết cả một đạo quân dưới trướng!
Viết sách sai, giết bao thế hệ theo sau mình!”
Lại còn có tác giả làm ra vẻ hiểu biết, tách từng chữ để dịch ra mỗi chữ một của hai chữ “vô hình chung” và “vô hình trung” và kết luận “vô hình trung” đúng hơn vì có chữ “trung” nghĩa là bên trong(?). Họ có biết làm thế khác nào dịch từng chữ “horse-fly” là “chuyến bay do ngựa kéo” không hả trời(!)
Chúng tôi gọi chữ “vô hình chung” là viên ngọc quý khi so với “vô hình trung” chỉ là hạt sỏi thô, không phải là điều quá đáng. Đơn giản, khi hiểu được ý nghĩa của nó, người ta sẽ dùng nó một cách hạn chế và đúng nơi đúng chỗ mà không bừa bãi như thói quen khoe chữ thời nào cũng gặp được:
1/ Ông Cha chúng ta đã có nhiều chữ khác trong Việt ngữ đủ để thay thế cho chữ “vô hình chung” này. Thế nhưng, sao các Cụ lại mượn thêm chữ mới từ Hán văn để làm tốn giấy bút của con cháu ngày sau? Xin thưa: Trong mọi trường hợp khi dùng chữ “vô hình chung” trong câu văn Việt ngữ, chúng ta đều có thể tìm ra được ngữ vựng tương đương để diễn tả điều cần viết hoặc nói ra. Điều đó có thể chứng thực khi chúng ta dịch từ Hán văn sang Việt ngữ trong bốn câu 1/, 2/, 3/, và 4/. Tuy nhiên mượn một tiếng Hán văn để Việt hóa và dùng trong trường hợp này (chữ “vô hình chung”), ý của Ông Cha chúng ta muốn nhấn mạnh một yếu tố quan trọng trong câu văn đó. Ý muốn nhấn mạnh, xin được giải thích rõ hơn trong phần kế tiếp sau đây.
2/ Như đã có lần đề cập trong bài viết của Sử Gia Nguyễn Duy Chính, chúng tôi được dạy rằng, “vô hình chung” là một trạng từ khá đặc biệt dùng để tạo thành mệnh đề hậu quả trong câu “điều kiện cách”. Thật vậy, trong mọi hình thức của câu văn nói hay viết, nó luôn luôn được dùng làm liên từ (từ nối) giữa hai mệnh đề giả thiết và mệnh đề hậu quả theo sau. Bốn câu Hán văn đã là bằng chứng nguyên thủy cho luận đề này. Chúng tôi xin được kể lại các trường hợp khác trong Việt ngữ khi dùng chữ “vô hình chung”. Bắt đầu với câu của GS Đàm Trung Phán:
“Tôi viết ra được những bài viết, những bài thơ này chỉ là vì những Thầy Cô đã tận tâm dậy dỗ cho đám học trò chúng tôi và nhất là giáo sư Doãn Quốc Sỹ đã VÔ HÌNH CHUNG cho tôi cái hứng ngồi nghe Thầy đọc thơ văn trong lớp.”
Kế tiếp là lời của bào huynh của thi sĩ Du Tử Lê khi viết về em mình:
“Lam Nguyên trong bài “Biểu Cảm Cách Tân”, (TG&TP, II, trang 223,) đã cho thấy VÔ HÌNH CHUNG Du Tử Lê đã là biểu tượng của “Tân kỳ biệt chí / mới mẻ độc đáo,” lời của tác gia Trung Hoa Tiết Bảo Thoa, khi bàn về tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần.“
Với hai ví dụ kể trên, vai trò liên từ và trạng từ dùng để thiết lập mệnh đề hậu quả đã rõ ràng. Và, ý của tiền nhân khi mượn chữ “vô hình chung” vào trong câu văn là nhấn mạnh đến tương quan nhân-quả của hai mệnh đề (các sự việc) trong câu đang nói hay viết ra. Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng nhìn thấy chữ “vô hình chung” được nằm ở đầu câu thì sao? Xin được chuyển sang đề mục tiếp theo.
3/ Có những trường hợp trong câu văn viết hoặc văn nói, chúng ta bắt gặp chữ “vô hình chung” nằm ở đầu câu thay vì ở giữa hai mệnh đề như một cấu trúc bình thường. Bào đệ của các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và Thạch Lam là BS Nguyễn Tường Bách viết:
“Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc. VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó.”
Trong đoạn hai câu văn phía trên, BS Nguyễn Tường Bách đã lúng túng trong diễn đạt của mình. Để đúng văn phạm, ông không thể ngắt chúng thành hai câu độc lập vì câu thứ hai hoàn toàn không có nghĩa nếu không có câu đầu tiên. Vì thế, BS đã có thể viết câu đó như sau:
“Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc; VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó.”
Trong câu văn đã được nối lại sau này bằng dấu chấm phẩy (;) thay cho dấu chấm của BS Bách, hai mệnh đề độc lập đã được nối với nhau để được đủ nghĩa và đúng với mục đích nhấn mạnh vào tính cách nhân-quả trong câu điều kiện cách này!
4/ Sự lúng túng và nhầm lẫn của BS Nguyễn Tường Bách xảy ra, chứng tỏ ông đã từng biết cách dùng chữ “vô hình chung” khi đặt ở đầu câu. Chúng tôi ngờ rằng do lâu ngày không dùng khiến ông quên mất. Nhưng chúng tôi tin chắc căn bản vẫn bám cứng trong những con người đong đầy chữ nghĩa như gia đình các ông.
5/ Vậy, khi nào người Việt, nhất là người Bắc đặt chữ “vô hình chung” này lên đầu trong một câu văn điều kiện cách mang tính nhân-quả? Hãy nghe mẹ chồng an ủi con dâu bằng câu nói sau đây:
“Vô hình chung, anh ấy là người bạc nghĩa, con à!” (2)
Vâng, đó là một câu nói đầy đủ ý và nghĩa trong văn phạm Việt ngữ cho dù chúng ta chỉ nhìn hoặc nghe thấy có một mệnh đề mà thôi!
Tuy chỉ nhìn hoặc nghe thấy một mệnh đề sau chữ “vô hình chung”, nhưng thật ra, trong câu đó người nói đã che giấu mệnh đề đầu tiên. Với một câu rõ ràng hơn, người mẹ chồng đã nói rằng:
“Mẹ tưởng anh ấy tử tế nhưng cuối cùng, anh ấy là người bạc nghĩa, con à!” (1)
Câu số (1) đã được thay thế bằng câu (2) vừa có ý che giấu sự thất vọng của người mẹ chồng đối với con trai mình, vừa muốn nhấn mạnh ý nghĩa chia sẻ và an ủi đối với nàng dâu bất hạnh!
Có lẽ, chỉ có các bà mẹ chồng người Bắc mới tìm được lối diễn đạt ý nghĩ một cách kín đáo và phức tạp đến như thế mà thôi!
Nói chung, người ta dùng “vô hình chung” đứng ở đầu câu khi cố tình giấu đi mệnh đề giả thiết và mong đợi rằng người nghe hoặc người đọc đủ khả năng hiểu ngầm mệnh đề đã không được nói hoặc viết rõ ra đó!
6/ Cuối cùng, vì các lẽ kể trên mà chúng ta thấy trước kia “vô hình chung” đã ít được dùng bừa bãi trong Việt ngữ. Và đó cũng là lý do khiến các nhà soạn từ điển Việt ngữ không kịp cập nhật cho đến năm 1959 khi cụ Lê Ngọc Trụ ghi lại một cách nhầm lẫn trong Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Rồi sau đó, sự nhầm lẫn này bị “cọp dê” mà không được nghiên cứu, kiểm chứng một cách kỹ lưỡng. Ngày nay, khi những người thiếu hiểu biết nhưng lại “sính chữ” vớ được một chữ Hán Việt “vô hình trung” được ghi, không chỉ trong tự điển mà còn là “Đại Tự Điển”, thì còn gì bằng mà không vung vít xài cho có vẻ “trí thức” với đời?
Người ta đang ném đi viên ngọc quý “vô hình chung” trong kho tàng ngữ vựng Việt ngữ (Hán-Việt) một cách không thương tiếc để nhặt hạt sỏi to tướng “vô hình trung” với nghĩa què quặt và đem lên sùng bái như món trang sức thời thượng… Có còn gì mỉa mai hơn cho tiền nhân ra sức vun bồi Quốc ngữ cho chúng ta đang dùng và… phá hủy?
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời!
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui!
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!…
(Tình Ca – Phạm Duy)
Falls Church, VẠ
1/12/13
Chân Phương
6 Comments
Chu Việt
Tác giả tra cứu công phu, một nỗ lực đáng quý. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ chủ yếu do thói quen, không dễ gì thay đổi sớm chiều.
Đoạn văn do BS Nguyễn Tường Bách viết, theo tôi, rất mạch lạc và gẫy gọn, không có gì là sai lầm hay lúng túng. Thay hai câu (sentence) bằng hai mệnh đề (clause) rồi dùng chấm phẩy (semicolon) chắp lại thành một câu như tác giả đề nghị chỉ khiến cho câu văn dài lê thê mà thôi.
ChânPhương
Thưa Bác Chu Việt,
Vài ý nghĩ sơ thiển và mộc mạc viết ra đã được Bác khen là công phu khiến kẻ hậu sinh chúng tôi vô cùng hổ thẹn. Cũng chân thành tạ ơn những điều chỉ giáo Bác đã ưu ái dành cho trong lời bình luận. Nay người viết chúng tôi có lời ngu muội xin thưa.
1/ Đầu tiên, Bác dạy: [Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ chủ yếu do thói quen, không dễ gì thay đổi sớm chiều.]
Trong câu này nếu chúng tôi không lầm, câu nói trên đã hàm ý đánh giá sự đứng đắn trong quan điểm chuyên môn của người viết? Điều đó có nghĩa là, những gì chúng tôi trình bày về sự gian trá, cẩu thả, và bịp bợm của những kẻ làm từ điển trong nước chỉ là những công trình đi thuổng của người khác và không may bị tổ trác trong trường hợp này, chữ “vô hình chung”?
Trong sự chân thành của con trẻ hiếu học, chúng tôi mong rằng sẽ được chỉ dẫn rõ hơn nếu đã hiểu sai về ý này của Bác!
2/ Ý thứ hai cũng là ý chính trong câu nói của Bác đã được dẫn phía trên, nói về khuynh hướng khó đổi của thói quen trong ngôn ngữ, vì thói quen đã bị hiểu và thực hiện sai.
Chúng tôi xin hoàn toàn đồng ý với Bác về hậu quả tai hại đã gây ra từ những kẻ soạn sách, soạn từ điển một cách vô lương tâm như thế!
Những kẻ cẩu thả, ham danh hám lợi vô lương tâm… ăn cắp và sao chép để soạn ra những cuốn từ điển tai hại như thế; đáng trách đã đành. Họ đáng trách, có thể vì miếng cơm manh áo, vì được sống trong môi trường xem thường đạo đức, vì đua đòi vật chất… mà không còn nghĩ đến lương tâm của người cầm bút. Dẫu sao, họ cũng còn bị những giới hạn đôi khi ngay cả vì ý thức hệ đã tạo nên tập quán suy nghĩ nô lệ nên thiếu ý thức độc lập!
Nhưng đáng trách hơn, chính là những người trí thức tại hải ngoại đã thoát khỏi chế độ phi nhân cs lại tự biến mình thành cái loa đi phổ biến những sai sót về chuyên môn như thế!
Họ đáng trách bởi vì sau bao năm được hít thở không khí tự do là điều xa xỉ, ước mơ bao năm không có được của đồng bào trong nước; nhưng lại không từ bỏ thói quen lười suy nghĩ và chỉ nhai lại những gì đọc được như loài vẹt. Họ đáng trách hơn, vì khi nghiên cứu và bàn cãi về chuyên môn thì chỉ biết quăng ra những bằng cấp thủ đắc được, chứ không hề biết dùng sự kiện có thật để bảo vệ quan điểm của mình. Trong suy nghĩ thô lậu của người viết, đó mới là những kẻ đáng thương hại. Sống lâu nơi xã hội văn minh, họ vẫn chưa gột rửa được thói quen mọi rợ…
Đã không ít tác giả từng đặt vấn đề, tại sao tinh cách của người Việt (dân tộc) chúng ta thua xa người Nhật? Thì đây, tư cách của những kẻ được gọi là trí thức đang sống tại hải ngoại, đã như vậy… Thử nghĩ, quảng đại quần chúng của dân tộc Việt Nam còn thấp đến cỡ nào nữa? Người viết chúng tôi tránh sao khỏi xót xa?
Trở lại với những cái sai như chữ “vô hình trung” bị ăn cắp và “tổ trác” kia. Hậu quả đã không quá tệ đối với giới trẻ sinh ra và lớn lên tại nước ngoài đã và đang muốn trau dồi Việt Ngữ, nếu không có sự tiếp tay phổ biến những cái sai đó một cách vô ý thức từ các Tiến Sĩ ngôn ngữ học có mác “Việt Kiều” hoặc từ các website chuyên môn như “Việt Học”! Hậu quả cũng tương tự đối với đại chúng người Việt hải ngoại muốn tìm hiểu thêm về tiếng Mẹ đẻ của mình!
Tất cả đó là lý do mà một kẻ “ngoại đạo” đối với văn bút, tức là chưa từng góp phần vào thế giới thơ văn của nước nhà là chúng tôi phải lên tiếng trong loạt tản bút “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!” này đây!
3/ Bác dạy rằng: [Đoạn văn do BS Nguyễn Tường Bách viết, theo tôi, rất mạch lạc và gẫy gọn, không có gì là sai lầm hay lúng túng. Thay hai câu (sentence) bằng hai mệnh đề (clause) rồi dùng chấm phẩy (semicolon) chắp lại thành một câu như tác giả đề nghị chỉ khiến cho câu văn dài lê thê mà thôi.]
Vâng, Bác dạy chính xác vì quả thật nếu nối hai mệnh đề độc lập vào với nhau; câu văn của BS Nguyễn Tường Bách đã dài lê thê. Tuy nhiên, nếu không nối chúng vào với nhau, thì câu thứ hai trở thành vô nghĩa:
Tương tự văn phạm Anh và Pháp văn, trong văn phạm Việt ngữ đòi hỏi nghĩa của mỗi câu văn độc lập cần phải đủ và trọn nghĩa. Đối với một mệnh đề độc lập, ý của nó cần được liên kết với ít nhất một trong những mệnh đề khác trong câu văn đó. Tuy nhiên, đối với mỗi câu văn viết, ý của nó cần phải trọn vẹn. Một câu không có ý trọn vẹn được gọi là “câu què” hay “câu cụt”.
Câu thứ nhất của BS Bách, [Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc.] là tuyệt vời và đầy đủ.
Nhưng xét thấy câu thứ hai của BS Bách, [VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó.] là một “câu què” vì không những chưa đủ ý; nó còn đòi hỏi ý của câu đi trước nó để được trọn vẹn. Vì thế, chúng tôi đã mạo muội nối chúng lại để tránh sự què quặt của câu thứ hai này!
a) Cách chữa thứ hai cho đoạn văn gồm hai câu đó của BS Bách là bỏ hẳn câu/mệnh đề đầu tiên, [Gia đình Khái Hưng ở ngay bên tòa soạn cho tiện công việc.] để xem như là mệnh đề này cần được hiểu ngầm. Do đó, đoạn văn chỉ còn lại như sau:
[VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó.]
Tuy nhiên, trong trường hợp này câu văn đã trở thành tối nghĩa hoàn toàn như trên chúng tôi đã trình bày, bởi vì ít nhất người đọc sẽ không hiểu BS Bách đang đề cập đến chức vụ gì!
Đây là lý do mà chúng tôi buộc lòng phải đưa ra nhận xét rằng, BS Bách đã lúng túng vì quên mất khi nào mới được dùng “vô hình chung” nơi đầu câu nói hoặc viết!
Một lần nữa, kẻ hậu sinh sơ học chúng tôi xin được cảm tạ sự chiếu cố và chỉ dẫn tận tình của Bác Chu Viên.
Kính chúc Bác và các tác giả Tiền Bối một cuối tuần an hòa!
Trân trọng,
Chân Phương.
Duy Nguyen
Thưa bác Chân Nguyên và quý vị bạn đọc xa gần,
Chúng ta đang đi vào con đường mà Cụ Nguyễn Hiến Lê từng sợ: Đó là lãnh vực rất phức tạp và rất dễ gây mích lòng, tranh cãi.
Lại thêm một điều nữa: Người Tàu chê người Việt “dốt” không biết dùng chữ. Ngược lại, người Việt “cười mũi” người Tàu: chúng tôi dùng tiếng Tàu của các anh theo kiểu của chúng tôi, các anh làm sao hiểu nổi!
Thưa quý vị,
Người mình đã bị người Tàu cố tình tiêu diệt hầu như hoàn toàn về phương diện ngôn ngữ và văn hoá. Nhưng rất may, nhờ tinh thần bất khuất và kiên trì, chúng ta đã giữ được tiếng nói và nếp sống. Chỉ bị mất chữ viết.
Nay tôi xin lên tiếng, vì không sợ mích lòng như cụ Lê vì chúng ta sẽ bàn thảo trên tình thật “tôn trọng sự thật” và tìm hiểu rốt ráo vấn đề chứ không có ý gì khác nên mạo muội góp lời.
Thứ đến xin nêu ý kiến về “ngữ-từ” (phrase mà tôi tự đặt, thay cho nhóm từ, cụm từ): vô hình trung/chung. Nghĩa của nó rất đơn giản: vô tình.
Thí dụ: Anh ta làm việc ấy đã vô hình chung/trung gây tổn hại cho chúng ta. Nay nói dễ hiểu hơn: Anh ta làm việc ấy đã vô tình gây tổn hại cho chúng ta.
Ở đây, hiện ra một vấn đề? Chung hay Trung? Tôi xin thưa: Vô hình chung! Tại sao? Người Việt dùng tiếng Tàu mượn của người Tàu theo nghĩa riêng, nên bị chê là “dốt” rồi bị chúng ta cười lại!
Này nhé, Tàu nói: Hiệp chúng quốc HK, chúng ta: Hiệp chủng quốc HK
Tàu nói “tử tế” là tỉ-mỉ, cặn kẽ; mình hiểu là “tốt bụng”
Tàu nói “tiểu tâm” là cẩn thận, mình hiểu là “nhỏ mọn”
Tàu nói “đồng cảm”, mình nói “thông cảm”
Tàu nói “bố trí” bàn ghế, mình dùng cho “sắp xếp nhân sự”
Tàu nói “chúng cư” mình đổi ra “chung cư”
Tàu nói “vị” chỉ cả mùi lẫn vị, mình có cả hai: mùi, vị.
Tàu nói “khốn nạn” (tội nghiệp, khổ sở); mình cho là “lừa đảo, gian manh” (Hình như người Bắc hiện nay dùng chữ này theo nghĩa của người Tàu thì phải. Nhờ kiểm chứng lại)
Tàu nói “đồng cư” (sống chung) mình cho là “chung chạ” với ý không hay.
Tàu nói “bản lĩnh” thì minh hiểu nhẹ hơn “vốn liếng”
Tàu nói “lịch sự” chỉ người từng trải; mình hiểu “cư xử nhã nhặn”
…
Chưa kể mình dùng hai chữ Tàu và Việt khác nhau: Tôi tiễn anh ra cửa, so với Tôi tống anh ra cửa, Tôi đưa anh ra cửa. Con ra ngoài chơi nghe mẹ, so với Con ra ngoại chơi nghe mẹ. Ôi phong phú, phong phú!
Hoặc, chỉ một chữ HẢO ‘tốt’ của Tàu mà mình chế ra chữ “háo” để dùng chỉ ai “háo danh, háo thắng, háo sắc” và chứ “háu” để có thêm ý nghĩa tham lam “nhìn ai đó hau háu, háu đói. Bố các anh Tàu hiểu được cha ông chúng ta!
Tóm lại, nếu bỏ công ra tìm tòi, có thể kể ra cả hàng trăm trang giấy ghi sự khác nhau giữa “cái nghĩa” của từ-ngữ mà vì tham vọng thông trị của Tàu đã áp đặt lên đất nước trên ngàn năm dân mình chung sống với cái tiếng đó nên phải tương kế tựu kế nương theo.
Ngày tôi còn đi học, tôi chỉ nghe thầy dạy ba chữ VÔ HÌNH CHUNG, mặc dầu học bên phần chữ Hán thì biết có VÔ HÌNH TRUNG, nhưng với tinh thần Việt Hoá cao độ trên không bao giờ tôi nhầm lẫn cả. Chỉ có sau này, khi cộng sản bán nước cho Tàu mới mang “nguyên con” chữ Tàu dùng làm chữ Việt:
hậu cần thay cho tiếp tế, tiếp liệu
thủ trưởng thay cho trưởng phòng, đơn vị
trợ lý thay cho phụ tá
khai triển thay cho triển khai
hộ khẩu thay cho tờ khai gia đình
….
Thât là đau lòng !!!
Xin mạo muội góp lời để cuộc thảo luận thêm sôi nổi.
Nay kính,
Duy Nguyên
Van Hong
Kính các Bác,
tôi thấy có điều hơi lạ là khi tranh luận, các bài viết mang quá nhiều tính cách tấn công cá nhân. Chẳng biết để làm gì?! Đơn giản hoơ và dễ làm cho người đọc tiếp thu hơn, có lẽ ta nên tập trung vào sự việc đang tranh luận.
Chẳng hạn bác Chân Phương cho rằng, chữ “vô hình trung” là sai, thì cần gì phải nói rằng: “…sự gian trá, cẩu thả, và bịp bợm của những kẻ làm từ điển trong nước…”, nghe … kinh quá. Những cách nói như thế chỉ xây tường ngăn cách.
Cách dùng ngôn ngữ lệ thuộc khá nhiều vào thói quen. Ta chỉ cần phân biệt thế nào mới là đúng và thế nào là thói quen.
Tuy nhiên, những từ ngữ bác Duy Nguyên đưa ra và cho rằng “Chỉ có sau này, khi cộng sản bán nước cho Tàu mới mang “nguyên con” chữ Tàu dùng làm chữ Việt…” tôi thấy không đúng, vì “nguyên con” chữ Tàu thì ta có nhiều lắm.
Ngoài ra những chữ Bác đưa ra đuo30ư giải thích không chính xác, chẳng hạn “hộ khẩu” được hiểu là “một đơn vị gia đình” độc lập, trong đó “gia đình” được hiểu là những người cùng sống chung trong một đơn vị cư trú trong tương quan hành chánh, và không nhất thiết là vợ chồng, bố mẹ, con cái… theo nghĩa gia đình trong tương quan họ hàng. “Tờ khai gia đình” (hoặc sổ gia đình) hiện nay được gọi là “sổ hộ khẩu” cũng theo nghĩa trên. Chữ “hộ khẩu” tôi đoán là nó phát xuất từ thời tem phiếu. Và đó mới là điều đáng nói. Khi đơn vị gia đình chỉ con được xem là những “miệng ăn” thì bảo sao xã hội không tàn tạ!
“Thủ trưởng” chỉ có nghĩa chung chung là người lãnh đạo một đon vị tổ chức nào đó. Khi nói “trưởng phòng” thì ta đã cụ thể hóa một chức vụ.
v.v.
ChânPhương
Thưa Bác Duy Nguyên,
Đầu tiên, xin cảm ơn các ý kiến phản hồi tích cực của Bác. Thứ đến, cũng xin cảm ơn vì Bác đã viết ra nhiều điều chúng tôi muốn nói mà chưa có dịp đề cập đến một cách cặn kẽ như Bác đã làm.
Thật vậy, dù Việt ngữ chúng ta từng phải vay mượn (mà có ngôn ngữ nào không từng phải vay mượn trong suốt vài thiên kỷ vừa qua của lịch sử?), nhưng tiền nhân của chúng ta vẫn luôn ghi lại sắc thái của người Việt trong cách dùng của mình trên từng từ ngữ vay mượn này.
Với sự quý mến trong tinh thần xây dựng của thân hữu (nếu Bác Duy Nguyên không trách chúng tôi đã quá phận khi dùng chữ “thân hữu” vì biết mình còn kém tuổi Bác), chúng tôi xin được hoàn toàn đồng ý với Bác về điểm không dùng các chữ “nhóm từ” hoặc “cụm từ” thay thế cho “phrase” vì khó phân biệt rạch ròi trong phân tích văn phạm.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được trình bày lại những gì mình đã học và nhớ được về định nghĩa của các thành phần trong câu văn Việt ngữ, khi còn bé ở bậc tiểu và trung học đệ nhất cấp:
Vì tiếng Việt của chúng ta là tiếng đơn âm nên tưởng như dễ dàng định nghĩa các đơn vị trong cấu trúc của câu văn. Tuy nhiên trong thực tế, ngữ vựng (vocabularies) của chúng ta bao gồm nhiều chữ đơn âm, thí dụ như “bàn”, “ghế”, “bạn”, “tôi”…; và các từ ghép/kép như “hoảng sợ”, “vui mừng”, “hớn hở”… ; thậm chí có chữ bao gồm cả ba âm như “đại thế chiến”, “hợp chủng quốc”, “vô hình chung”,… do đó, sự phân biệt về các thành phần cấu tạo câu trong Việt ngữ để được rõ ràng, các sách giáo khoa Việt Văn/Quốc Văn ngày trước đã dựa theo các ngôn ngữ đa âm và có những định nghĩa sau đây cho thành phần cấu tạo câu:
1/ “Chữ cái” hay còn gọi là mẫu tự, là đơn vị đầu tiên trong bảng mẫu tự ABC.
2/ “Chữ” là đơn vị căn bản trong một câu văn nói hay văn viết tạo ra được một âm trong khi nói, thí dụ như “bàn”, “đi”, “học”… Trong Anh ngữ, được hiểu là “word”.
3/ “Từ” để chỉ các “từ ghép” hay còn được gọi là “từ kép” để chỉ các đơn vị bao gồm bởi hai hoặc ba “chữ” không thể tách rời nhau trong một câu văn viết hoặc nói. Anh ngữ tương đương là “compound word”. Chúng ta đã có các thí dụ này là “đại thế chiến”, “hợp chủng quốc”, “vô hình chung”,”Đấng Toàn Năng”, “Đấng Chí Tôn”…
3a/ Tuy Việt ngữ được biết đến như là không có hình thức của số nhiều, nhưng khi nói đến nhiều chữ hoặc nhiều từ/từ ghép hoặc cả hai; chúng ta có các chữ “từ vựng” để dùng. Từ ghép này được dùng tương đương như “words” hoặc “compound words” hoặc thay thế một lúc cho cả hai chữ tiếng Anh đang được nói đến.
3b/ Tương tự, một cách tổng quát hơn chúng ta có “từ ngữ”, “ngữ vựng” được dùng cho diễn tả số nhiều cho đến khái niệm “vocabularies” trong Anh và Pháp ngữ.
4/ “Thành ngữ” là các nhóm bao gồm nhiều chữ và từ ghép được dùng một cách quen thuộc trong sinh hoạt văn nói và văn viết hằng ngày. Tự điển Anh Việt của Nguyễn Văn Khôn dịch từ chữ “phrase”. Cần lưu ý định nghĩa này gói gọn trong lĩnh vực văn phạm nên được hiểu ngầm đó là “văn phạm thành ngữ” và khác với “ca dao thành ngữ” có nghĩa hơi khác một chút.
Thí dụ cho các “văn phạm thành ngữ” này trong đời sống hằng ngày của chúng ta có “tiếng Mẹ sinh từ lúc nằm nôi”, “túp lều tranh hai trái tim vàng”… Chúng là những đoạn của một câu văn hoặc một mệnh đề chưa đủ nghĩa để tạo thành câu hoặc tạo thành mệnh đề.
5/ “Mệnh đề”, là một đơn vị có hình thức của một câu văn hoàn chỉnh về mặt văn phạm (tức là có chủ từ, động từ, và có thể có cả túc từ nữa). Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ ý trọn vẹn để đứng một mình thành câu văn độc lập. Mệnh đề cần phải được bổ túc thêm ý nghĩa từ một mệnh đề khác hoặc đôi khi (hiếm hoi) bởi một thành ngữ để tạo thành câu văn hoàn chỉnh. Câu văn thứ hai được viết bởi BS Nguyễn Tường Bách trong bài này, [VÔ HÌNH CHUNG, anh cũng như một vị “Tổng Thư Ký tòa soạn” tuy không có chức vụ đó.], thật ra chỉ là một mệnh đề; vì khi đứng một mình, nó không đủ ý!
Định nghĩa này không khác gì “clause” trong Anh và Pháp ngữ
6/ “Câu” là phần cuối cùng trong cấu trúc văn phạm của câu văn. Xin được tóm tắt gồm hai loại câu đơn giản và phức tạp vì ít có sự nhầm lẫn trong chúng ta.
Trên đây, chúng tôi mạo muội trình bày theo trí nhớ nhất thời của mình để được xác định “vô hình chung” và “vô hình trung” là những “từ ghép” trong văn phạm Việt ngữ mà chúng ta đã được dạy trước năm 1975 tại Saigon.
Định nghĩa theo cách này tuy không hoàn hảo một cách tuyệt đối, nhưng đã rõ ràng hơn nhiều so với “ngữ pháp” ngày nay được dạy trong học đường VN.
Nó là nguyên nhân khiến cho các “nhà nghiên cứu về ngôn ngữ” trong nước phải điên đầu khổ sở với chính các lý thuyết “ngữ pháp” của mình…
Trở lại với nghĩa của từ ghép “vô hình chung” hay “vô hình trung” theo cách dùng của người Việt nam xưa nay:
Chúng tôi xin được đồng ý với Bác Duy Nguyên khi đã lần lượt dẫn chứng các cách dùng của GS Đàm Trung Phán, Bào huynh của thi sĩ Du Tử Lê là Lê Vương Ngọc, và người em út của gia đình Nhất Linh là BS Nguyễn Tường Bách về chữ “vô hình chung” này. Đó là cách dùng của người Việt Nam chúng ta khi mượn chữ Hán để làm thành một từ Hán Việt.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể đồng ý với nghĩa “vô tình” như đã được giải thích:
1/ Vì “vô tình” là một trong hai nghĩa của chữ “vô hình trung”, chứ không phải là nghĩa của “vô hình chung”, theo Hán Ngữ đại từ điển như Sử Gia Nguyễn Duy Chính đã dẫn.
2/ Tuy nhiên trong cách dùng của người Việt chúng ta, điển hình qua ba thí dụ mà chúng tôi đem về từ GS Phán, Lê Vương Ngọc, và BS Bách, đều phù hợp với cách dùng “vô hình chung” của người Trung Hoa xưa và nay. Điểm phù hợp đó nằm trong chiếc chìa khóa của sự tinh tế của chữ “chung” với ý nghĩa “chung quy”.
Thật vậy, nếu “vô hình trung” chỉ có nghĩa “vô tình” bình thường mà chính người Trung hoa đang dùng hàng ngày thì điều đó chẳng có gì đáng nói. Và rõ ràng Ông Cha chúng ta cũng chẳng cần phải mượn một từ ghép gồm ba âm tiết để làm thêm phức tạp cho ngữ vựng tiếng nước nhà.
Khi mượn “vô hình chung” từ Hán tự và dùng nó như một từ Hán Việt, tiền nhân ta có dụng ý NHẤN MẠNH đến quy luật nhân-quả trong câu văn đang được nói hoặc viết ra. Quy luật được nhấn mạnh trong tương quan nhân-quả, có nghĩa là trong câu gồm hai mệnh đề (A) và (B) sẽ dẫn đến điều kiện sau đây: nếu có (B), TẤT PHẢI đã có (A).
Vì sự tinh tế trong việc nhấn mạnh đó mà “vô hình chung” đã không được dùng thường xuyên trong văn nói và văn viết hằng ngày. Người biết dùng chữ “vô hình chung” sẽ dành để nói hoặc viết nó trong những câu văn thích hợp và đúng vị trí của nó, chứ không hề dùng bừa bãi tràn lan như những kẻ “sính chữ” thường làm.
Nếu xem nghĩa “vô hình chung” hay “vô hình trung” chỉ là “vô tình” một cách bình thường như thế, chúng ta thử thay thế câu dưới đây bằng chữ “vô hình chung/trung”:
Sáng nay tôi đi học và tình cờ nhặt chiếc lá vàng rơi trên sân trường! (1)
Sáng nay tôi đi học và vô hình chung/trung nhặt chiếc lá vàng rơi trên sân trường! (2)
Rõ ràng, câu số (2) là ngôn ngữ của người Hỏa tinh chứ không phải là một câu văn của người Việt da vàng.
Phải chăng, tác giả của câu số (2) đang muốn nhấn mạnh điều này: nếu tôi không đi học, tôi đã chẳng nhặt được chiếc lá vàng?
Trừ phi việc nhặt được chiếc lá vàng là một biến cố thật đặc biệt mà tác giả muốn ghi lại, trong ngôn ngữ hằng ngày để nói và viết; mỗi chữ “tình cờ” đều được thay thế bằng “vô hình chung/trung”, chúng ta chẳng nghe thấy là ngớ ngẩn lắm hay sao?
Thế mà, bản thân chữ “vô tình” khi vẫn được dùng thường xuyên đúng vị trí của nó bao đời nay có làm nhàm chán tai mắt người đọc người nghe hay không?
Chúng tôi không rõ Bác Duy Nguyên gốc gác từ miền nào của đất nước chúng ta? Nhưng nhận xét của cá nhân chúng tôi là hầu hết người Bắc di cư 1954 và con em của họ tưởi từ 30 trở lên đều dùng chữ “vô hình chung”. Điều này tương tự với người miền Trung trong giao tiếp văn hóa và văn chương cũng như học đường tại Saigon trước thời mất nước 1975. Riêng người miền Nam tại Saigon trước năm 1975 được đi học cũng dùng chữ “vô hình chung” theo các bài chính tả tiểu học của Thầy Cô giáo người Bắc.
Đặc biệt, sống trong các xóm gia binh lao động, chúng tôi nhận xét thấy trong số đồng bao ta người miền Nam, những người ít được đến trường lớp để học hành, đã phát âm thành “vô hình dung”.
Điều này xảy ra vì sự bắt chước một cách chân chất của người lao động ít học. Họ chỉ nghe được âm thanh hao hao, nhất là khi được phát âm bởi người Bắc di cư trong thời gian đầu nghe còn chưa quen tai. Rồi, sự liên tưởng giữa chữ “hình dung” là tưởng tượng… Đã có được từ kép “hình dung”, thì “vô hình dung” có nghĩa ngược lại, họ ngây thơ nghĩ như thế! Lâu dần không có ai giúp họ sửa lại nên thành thói quen!
Như Bác đã xác nhận, trong học đường ngày xưa chúng ta được dạy là “vô hình chung” chứ không phải là “vô hình trung”. Thật vậy, trước khi viết bài này, chúng tôi đã điện thoại hỏi hết những người thân thích bạn bè mình. Chỉ hai người bạn học cùng lớp không chắc chắn vì không còn nhớ rõ. Hơn ba mươi người khác đều nói “vô hình chung”.
Điều này rõ ràng nói lên sự tai hại của những “công trình nghiên cứu” mang tính ăn cắp và ngu xuẩn đang mỗi ngày làm nghèo đi chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang được thừa hưởng!
Ai là những kẻ gây ra và ai là người tiếp tay một cách tích cực cho những việc làm sai trái này? Bài trước, chúng tôi đã đề cập đến điểm này rồi, xin được miễn lập lại cùng một ý!
Bác viết, [Tàu nói “khốn nạn” (tội nghiệp, khổ sở); mình cho là “lừa đảo, gian manh” (Hình như người Bắc hiện nay dùng chữ này theo nghĩa của người Tàu thì phải. Nhờ kiểm chứng lại)]
Gia đình chúng tôi là người Bắc di cư 1954. Chính xác hơn, từ Sơn Tây giọng nói bên Ngoại chúng tôi được mệnh danh là “bo vang” vì không phát âm được rõ dấu huyền trong những chữ cuối câu. Những người Sơn Tây phát âm rõ hơn như các các thi sĩ Quang Dũng, ca sĩ Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Bắc, Khánh Ly, Đức Huy,… đều nhờ hoặc sống từ vùng Bất Bạt ra gần đến Hà Đông và Hanoi hoặc bản thân gia đình họ đã sinh sống tại Hanoi ngay từ tấm bé. Gia đình Phạm Đình Chương là một ví dụ.
Trong gia đình chúng tôi và bạn bè người Bắc di cư 1954 dùng chữ “khốn nạn” với cả hai nghĩa. Nó vừa được dùng để chỉ hoàn cảnh khốn khổ, tội nghiệp, khổ sở… Ngày còn bé, mười tuổi, chúng tôi mải chơi đá banh trong xóm. Trái banh da bay vút vào mặt chảy máu cam. Đứa bé ngỗ nghịch ngày ấy lách vội vào nhà sau để rửa mặt mũi đầy máu me. Mẹ bắt gặp, vừa hốt hoảng vừa xót xa: “Sao thế? Khốn nạn thân con tôi, vào đây Mẹ rửa mặt bôi thuốc cho!”
Tất nhiên, vẫn còn nghĩa thứ hai dùng trong các câu chửi rủa… Và, người nghe lẫn người đọc đều có thể hiểu và phân biệt hai nghĩa khác nhau của cùng một chữ này!
Một lần nữa, xin cảm ơn những ý kiến đóng góp giá trị của Bác Duy Nguyên.
Kính bút,
Chân Phương.
ChânPhương
Kính Bác Van Hong,
Bác cho rằng:
[tôi thấy có điều hơi lạ là khi tranh luận, các bài viết mang quá nhiều tính cách tấn công cá nhân. Chẳng biết để làm gì?! Đơn giản hoơ và dễ làm cho người đọc tiếp thu hơn, có lẽ ta nên tập trung vào sự việc đang tranh luận.
Chẳng hạn bác Chân Phương cho rằng, chữ “vô hình trung” là sai, thì cần gì phải nói rằng: “…sự gian trá, cẩu thả, và bịp bợm của những kẻ làm từ điển trong nước…”, nghe … kinh quá. Những cách nói như thế chỉ xây tường ngăn cách. ]
Nhận xét của Bác quả là điều bất hạnh cho đất nước chúng ta, vì sao? Đã từ lâu, chúng ta từng quen nghe và thực hành những điều dối trá mà không dám đương đầu với sự thật. Nó bắt đầu với những sự kiện nhỏ nhặt… cho đến ngày nay, như Bác đang nhận xét: [không nên nói thẳng sự thật, dù sự thật đó là sai…]
Tổ Quốc mà Ông Cha đã để lại, ngày nay đã không mãi bị giày xéo bởi lũ bán nước, hại dân,… như hôm nay; nếu mọi việc làm sai trái của lũ ngợm đều bị vạch mặt chỉ tên một cách rõ ràng, thay vì bênh vực và ngăn cấm các việc gọi đúng tên của việc làm là gian trá, cẩu thả, bịp bợm,…
Phải chăng, vạch mặt chỉ tên các việc làm sai trái đó nghe… kinh đến độ; người ta đành sống với lũ “sâu bọ lên làm người” hơn là cất lên tiếng nói của người dân bị trị?
Nếu đồng bào trong nước nhìn thấy đó là bức tường ngăn cách, nếu trí thức trong nước và tại hải ngoại đều thấy rằng các sự thật này là những điều không nên được nói ra; thì đó quả là điều bất hạnh:
1/ Bất hạnh cho chính người dân trong nước đã chọn cho mình cái không khí tự do của thiên đường xhcn.
2/ Bất hạnh cho những kẻ “trí thức” cả ở trong nước và tại hải ngoại đều muốn trở thành khuyển ưng cho một chế độ vô nhân cs hiện nay.
3/ Nếu cả hai điều trên đây đều đúng, thì quả thật đồng bào tôi xứng đáng bị gian đảng cs đè đầu cỡi cổ hơn bao giờ hết.
Chân Phương.