Văn Luận Nhập Cuộc
VĂN LUẬN[1] chú trọng tới tác văn nhiều hơn tới tác giả. Văn luận nhằm điều nghiên và phân tích các công trình sáng tác văn học nghệ thuật trên ba tiêu chuẩn phẩm chất, kỹ thuật sáng tác, và tầm ảnh hưởng.
Người cầm bút, dù viết lách chỉ để giải đáp một vài thôi thúc tình cảm hoặc vì lương tâm cá nhân, cũng đã dấn thân, nhận trách nhiệm về hành động có suy nghĩ, có chủ đích. Song song, phê bình văn học nghệ thuật cần chú trọng nhiều tới việc (1) phân tích tư tưởng nội tại trong văn thi phẩm, (2) khai sáng các kỹ thuật, văn pháp liên hệ, và (3) đối chiếu những phương thức cấu tạo làm chuẩn v.v. Vậy, phê bình văn học nghệ thuật ở khía cạnh văn luận sẽ tiếp nối công trình sáng tác, tìm hiểu và cân nhắc đối tượng văn học nghệ thuật để làm gạch nối với độc giả, hơn là chỉ trích cá nhân hoặc miệt thị, chê bai vì thành kiến hoặc phản ứng nhất thời.
Văn luận cũng nhằm mở rộng Giao Văn quốc tế, tức là trao đổi văn hoá và văn học đối chiếu qua các hệ thống sáng tác, các trào lưu tư tưởng, văn cách và văn đạo khác nhau trên thế giới, với mục đích duy nhất là hội nhập và soi sáng phẩm giá nhân bản. Theo quan niệm đó, Văn luận khai triển mạch giao văn đối chiếu bằng cách so sánh những bài thơ tuyệt tác, những đoản văn hay, mới lạ — sâu sắc về tư tưởng, đặc biệt về hình thức và văn pháp. Chuyển ngữ phải có giá trị, phải ngang sức với nguyên tác phẩm. Dịch thuật cần đủ tầm vóc và thực lực mới có thể “giao chuyển” tư tưởng nội tại nơi tác phẩm gốc đến tâm hồn người đọc tác phẩm dịch.
Do đó, giao văn đối chiếu là cơ hội để so sánh văn thể và văn phong của đối tác. Tỷ dụ, thơ “Bài cú” — Haiku Nhật — cần được chuyển thành thơ thiền, với một văn thể, văn phong siêu thoát, mới đạt được ý và khí thơ nguyên thủy. Như vậy, muốn dịch thơ cho “thoát”, dịch giả cũng phải là một nhà thơ, hoặc có khả năng lĩnh hội thơ tuyển chọn trước khi “chuyển tác”. Hiện tượng liên tạo thi văn này được nhà văn luận nữ Julia Kristeva[2] gọi là “Intertextualité”, mà chúng tôi tạm dịch là “Liên thảo” [động tác kết sinh] hay “liên bản” [hiện tượng đối chiếu].
Văn luận rút cuộc là một bản đại hoà tấu liên tạo thi văn, mà giao hưởng và thưởng ngoạn chỉ đạt được bằng mức độ giao cảm linh biến giữa tác giả, bình giả, và đọc giả — qua tác phẩm và hiện tượng sáng tạo liên hệ.
Văn Hoá Chân Chính
Chúng ta luôn luôn coi Việt Nam là nguồn gốc văn hoá và trào lực tư tưởng gắn liền với đời sống chúng ta đến ngày nay. Nhưng chúng ta không có bổn phận và lý do để che đậy và tiếp tục những thiếu sót, hà tì của thứ di sản tinh thần sa đọa, hoặc lỗi thời. Chúng ta không thể a tòng với đường lối sai lạc, phá sản đang diễn tiến tại Quê hương xứ sở.
Chúng ta lại không hề “mất nước”, vì đất nước kia về phương diện tình cảm, văn hóa còn nguyên vẹn trong ngôn ngữ, tâm hồn và đời sống mạch lạc của người Việt hải ngoại.
Điều đáng nói, là chúng ta sẽ làm gì ngày hôm nay và những ngày mai để chúng ta “không mất con người” ngay trong lòng chúng ta. Chỉ với bản chất và tình người, chúng ta mới bảo toàn được chúng ta và có đủ tư cách và khả năng xây dựng lại một Quê hương xử sở có hình dáng và tiếng nói con người.
Con đường mà người làm văn hoá chân chính ngày hôm nay chọn lựa sẽ hội nhập vào hạnh ngộ và lẽ phải. Hạnh ngộ vì họ có cái may mắn gặp gỡ được nhau, để nói với nhau những gì họ muốn nói, muốn nghe. Buồn thì nói là buồn. Yêu thì nói là yêu. Cả điều gì họ không ưa thích, họ cũng có quyền nói tới, nếu đó là sự thật, là lẽ phải.
Nhưng họ sẽ dành ưu tiên tìm hiểu, xây dựng và chia sẻ cái hay, cái đẹp của tư tưởng tích cực, của giá trị và phẩm chất con người. Với lập trường đó, văn luận sẽ là công việc tồn trữ những dấu vết tình tứ, nhiệt thành để nhớ đường về cố quận, nhưng cũng là nỗ lực nhập cuộc để tới “nơi đó”, chỗ mà con người còn hiện diện, còn kiếm lại được nhau nguyên vẹn, toàn diện.
Nơi đó hiện hình khi người làm văn hoá chân chính ngày hôm nay mở rộng lòng mình và ngộ được tình người.
Vậy hướng đi của người làm văn hoá chân chính ngày hôm nay là để “mở đuờng” cho giai đoạn tốt đẹp đó; là để khai sáng một chu kỳ mới, một thực trạng xã hội mới mà chúng ta có sáng kiến và chủ động.
Tai hoạ và điêu linh — những đổ vỡ tập thể và cá nhân đã đến với chúng ta ở nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta đã chấp nhận, đã kiên trì chịu đựng mọi thống khổ của thời cuộc điên đảo, táo bạo. Nhưng chúng ta không bị khuất phục, tiêu tan bởi những bạo lực và bất công đó. Chúng ta đã trả giá rất cao về cuộc sống đầy đọa trên quê hương xứ sở; đã thử thách cả tính mạng, khi xuyên rừng, vượt biển, cũng như đã mất mát hết cả để quyết tâm sống sót đến ngày hôm nay tại nơi đất khách quê người.
Sự hy sinh của mỗi gia đình, mỗi cá nhân chúng ta đều tột bực. Chúng ta đã thẩm định và ý thức vượt thắng mọi cam go, thách đố, mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện uớc nguyện tồn sinh trong lẽ phải, nhân phẩm và nhân đạo. Đó là căn bản, là lẽ sống và sức mạnh của chúng ta, của những người Việt tại hải ngoại. Và đó cũng là những thách thức thúc đẩy cuộc sống thành tư tưởng, thành sáng tạo.
Có lẽ, mục đích tối hậu của người đáp ứng văn hoá chân chính là tạo dựng cho mình một đời sống có chiều sâu, có ý nghĩa, và tiếp đó, cảm hoá người khác trong việc tạo dựng một đời sống có chiều sâu, có ý nghĩa. Phải chăng đó cũng là một thử thách lớn lao đối với những người làm văn học nghệ thuật tại hải ngoại khi họ phải cung cấp một trào lực văn học mới trong một hệ thống sáng tạo cô lập, bất lợi, bất toàn.
Tuy nhiên, gắn bó với một trào lực văn học mới phải được coi như một “nhu cầu tồn sinh” đối với người làm văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Trào lực văn học mới đó nhằm bổ túc nền văn học dân tộc ở hai khía cạnh: (1) khai triển hướng tư tưởng nhân bản đối chiếu trong một hệ thống “văn hoá mở rộng” để bổ túc cho một nền “văn hoá đóng cửa”, tiêu cực, quá khích và hẹp hòi trong nước; (2) tiếp tục bổ túc về mặt kỹ thuật văn tác, điều nghiên và tồn trữ tài liệu để kịp thời hội nhập với đà tiến hoá Nhân văn thế giới ngày hôm nay và ngày mai.
Theo chiều hướng đó, Văn Học Việt Nam Hải Ngoại phải là một nền văn học nghệ thuật chân chính có sứ mạng tôn trọng và phát huy đời sống nội tâm của con người dấn thân vượt thoát gian nan, tìm tự do, lẽ phải và nhân đạo để hóa giải những bế tắc lịch sử và sửa sai những hà tì xã hội. Văn học nghệ thuật chân chính đó không những là những tấm gương phản ảnh đời sống trung thực, mà còn là ánh sáng phá bỏ tối tăm của bất công và bất toại. Văn học nghệ thuật chân chính đó là những dấu hiệu bao quát, tinh vi chỉ đường tới hạnh phúc và lẽ phải. Như vậy, văn học nghệ thuật chân chính không những chỉ là tiêu khiển, là an ủi vỗ về, mà còn là kích thước xác định trình độ tiến hóa của một dân tộc, của những con người tôn trọng và bảo vệ lẽ sống, lẽ phải.
Con người và vạn vật có chân giá trị và vẻ đẹp nội tại. Đôi khi nghệ thuật và kiến thức chỉ là sự khơi mào chỉ dẫn tới giá trị và vẻ đẹp ẩn náu trong nhân cách, trong lòng vạn vật, như điển tích của “cánh hoa tuyệt vời trong viên kim cương có tì vết”:
Vốn trước đây có một nhà vua rất hãnh diện về gia tài quý báu do ông cha để lại, trong đó có viên kim cương nước xanh trong vắt. Nhưng một hôm, quan hầu cận hốt hoảng tới trình vua rằng viên kim cương bỗng dưng nứt rạn giữa lòng. Vua đau đớn vô cùng, bèn triệu tập các nhà khắc thạch lừng danh tới nhận định hư thực. Ai đến cũng đều lắc đầu, tỏ vẻ bất lực trước vết nứt làm suy giảm giá trị của viên đá quý. Bỗng có một nhà khắc thạch từ đâu tới xin yết kiến vua, rồi cam kết sẽ làm viên kim cương hoàn mỹ trở lại. Sau một tuần lễ làm việc cặm cụi bên viên đá quý, nhà khắc thạch đã trao lại vua một tác phẩm tuyệt vời: ngay trong lòng viên kim cương, trước đây nứt rạn, đã được khắc trổ một bông hoa xanh tinh khiết, tuyệt vời. Vua vui mừng đem châu báu tặng thưởng tài năng nhà khắc thạch, nhưng ông này từ chối và khẳng định rằng ông chỉ làm sáng tỏ cái đẹp sẵn có ngay trong lòng viên kim cương.
Nền văn hoá Tây phương, đặt trên quan niệm khoa học phân tích đã gặp bế tắc trong trạng thái vi phân nguyên tử: đơn vị nhỏ nhất không thể đạt tới bằng tư tưởng phân tích và kỹ thuật khoa học hiện tại. Kể cả toàn cõi vũ trụ đa dạng cũng không thể đo lường bằng nhãn quan, hoặc bằng dụng cụ quan sát thiên văn sẵn có. Càng tìm hiểu trong thể vi phân tách mảnh, càng thấy trào lực sinh tạo không thể ở vào thế cô lập, mà phải là một hiện tượng cực hạn vô thường, hiện hữu theo hướng Hội Nhập, ngay cả trong thế phối hợp đối nghịch.
Đó cũng là cách hồi sinh trong hàn gắn và tụ tập căn bản. Nếu nền văn hoá Tây phương đặt trên căn bản biện chứng đối nghịch như sáng và tối, mặt trăng và mặt trời, bản ngã và tha nhân, địa ngục và thiên đường, âm và dương, sống và chết v.v., trong thể tách biệt song cực, bất khả tiếp nhập, thì những nền văn hoá khác trên thế giới lại có khuynh hướng giao kết đối nghịch, tạo sinh bằng hội nhập các hiện tượng phân tách. Tư tưởng đó không ở trạng thái song hành bất nhập, mà lại tạo dựng những con đường cong gặp gỡ, lôi cuốn nhau trong vòng sinh tạo luân hồi, vô hậu, vô nguyên, như một hiện tượng trùng khởi, toàn hợp. Đó là vòng tròn tự duy, là đạo, là con đường thiên định hoàn tụ đa thể, hợp nhất thành nguyên thể.
Nhân dịp soạn phần “VÀO TẬP” cho ấn phẩm Những Góc Nhìn Về Thơ Trần Thiện Hiệp, chúng tôi có dịp ghi như sau:
“… Ấn phẩm này tụ tập những Góc Nhìn Về Thơ Trần Thiện Hiệp. Đó là những góc nhìn về một góc nhìn sâu sắc, trong vắt của một tâm hồn bao la, mở rộng để đón nhận thân phận con người đầy đoạ trên mảnh đất Mẹ tàn phá, con người lạc lõng trong luân trầm, khổ ải. Một tâm hồn mở rộng để biến hoá nỗi đau kia thành bóng tối và ánh sáng; thành áng mây tinh khiết trở về trời; thành giọt sương pha ngọt cả vị cay…”
Đó là những góc nhìn về môt góc nhìn sáng tạo — của nỗ lực khai phá để mở rộng tư tường và làm mới ngôn ngữ; của dòng cảm hứng triền miên ngấm ẩm mảnh đất con người; của đáy lương tâm còn nguyên vẹn; của đam mê còn nồng cháy trong đêm, trong công cuộc tìm lại lòng người, tìm lại lòng nguyên thủy của trời đất, thiên nhiên, của tiếng nói đầu tiên trong trí nhớ nhân loại, trong huyền thoại của ý nghĩa ẩn náu, lãng quên.
Đó là những góc nhìn về môt góc nhìn chỉ đạo dẫn đường vào toàn bích, hé mở thành tôn giáo bỏ ngỏ, hoang vu. Hé mở thành cuộc hạnh ngộ tìm nguồn, để tạo lại cội nguồn, tạo lại tông tích siêu thoát. Hé mở thành hy vọng trong nỗi tuyệt vọng, trong cuộc hành trình với con người.
Đó là những góc nhìn về môt góc nhìn hội nhập: truyền thống Việt, tư tưởng Việt đã từ từ mở rộng để nhập vào một hệ thống siêu việt hơn, hệ thống sinh tồn của cả nhân loại, của cả tạo hoá vạn vật, vạn thể. Mở rộng để tiến tới một nền văn hoá nhân bản toàn diện, nơi mà con người có cơ hội tìm lại được nhau, tìm lại lẽ sống trong tình người, trong kiến thức và tâm thức — trong tự do và danh dự, trong an sinh và hạnh phúc.
Đó cũng là những góc nhìn trân trọng nhất, ưu tiên nhất của những người thành khẩn dấn thân vào sinh hoạt văn học nghệ thuật tại hải ngoại: dấn thân ngày hôm nay để tạo dựng cho ngày mai.”
Đó cũng là góc nhìn của Văn luận Nhập Cuộc. Về một nền Văn hoá Chân chính.
Những Dòng Mát Bất Tận
Vài ngàn năm trước đây có một kẻ sĩ tên Trang Tử đêm đêm nằm mơ thấy mình bay bổng nhẹ nhàng thành bướm, lúc chập chờn, lúc ám ảnh, trùng trùng điệp điệp. Thắc mắc quá, Trang Tử quyết tâm đi vấn hỏi thầy mình là Lão Tử và được giải đáp như sau: “Việc gì phải lo âu! Con tưởng con nằm mơ thành bướm, nhưng có thể, chính con là bướm đang nằm mơ làm người, vì đời người chỉ là một giấc mộng.”
Cách đây không lâu, có một nhà thơ tên Anh Độ Đỗ Cẩm Khê cũng miệt mài lội nước xuyên rừng, ghé nơi bồng lai tìm hỏi Lão Tử và thưa rằng: Bẩm tôi … “Lúc nào cũng nghĩ làm thơ/Rồi thì ngày nhớ, đêm mơ tưởng hoài.” Lão Tử, vốn là thầy và cũng là “bạn tri kỷ chênh lệch tuổi”, bạn vong niên của Anh Độ Đỗ Cẩm Khê, gật gù một hồi, rồi ghé tai môn sinh mà thì thầm: “Chú mày cứ tưởng mình đang sống làm thơ, đêm ngủ thì nằm mơ là thi sĩ. Thật ra, Chú mày là Thơ-đang-nằm-mơ tưởng mình là Anh Độ Đỗ Cẩm Khê đấy thôi.” Nghe xong, Anh Độ Đỗ Cẩm Khê tủm tỉm cười, một cách rất hiền từ, rồi thản nhiên ra đi lúc 5 giờ chiều ngày 5 tháng 5 năm 1996, tại Thạch Trấn/Rockville, MD, Hoa Kỳ, như Lão Tử hồi nào cưỡi trâu tìm đường lên núi. Sau gần một thế kỷ loay hoay trên mảnh đất nhiều hà tì và đổ vỡ, bỗng nhiên Anh Độ Đỗ Cẩm Khê nhận ra đời là giấc mộng và mình là Thơ-mà-tưởng-là-Người.
Một hôm, Phú ông nói với Trang Tử:
“Thưa Thầy, cạnh nhà tôi có một cây đa to lớn. Thân nó ngoằn ngoèo, đầy khúc khuỷu, không ai có thể xẻ gỗ đó thành những tấm ván thẳng. Còn cành cây thì cũng cong queo, không cách nào cắt dùng vào bất cứ việc gì ! Nay nó đứng sừng sững bên đường mà chả có chú thợ mộc nào thèm ngó tới…Tư tưởng của Thầy cũng vậy: To lớn, vĩ đại và vô dụng!”
Trang Tử thản nhiên trả lời:
“Thế Ngài đã từng thấy con mèo rừng co rúm, rình mồi chưa? Nó nhẩy nhót nhẹ nhàng, rồi có lúc hụt cẳng, rơi vào bẫy. Còn con sơn dương kia vượt suối leo ghềnh, sừng thì chạm mây cao chót vót. Nó trông vĩ đại, phải không ? Ấy thế mà nó lại không bắt được chuột… Cây đa của Ngài cũng vậy: Vô dụng ư ? Vậy Ngài hãy đem nó trồng giữa nơi đồng không mông quạnh kia. Ngày nào đó, khi lỡ bước qua đường, Ngài sẽ có dịp dừng chân nghỉ lấy sức dưới bóng mát của nó. Cây đa ấy còn nguyên vẹn, không một vết búa rìu, không một ai hạ nó xuống. Vô dụng ư? Ngài đừng lo!”
Bóng mát cũng đủ làm “Cây Đa Vô Dụng” trở thành hữu dụng, khi có cơ hội. Cũng vì cần bóng mát của cỏ cây, của thiên nhiên mà “Hòa Bình Xanh” lại có đủ ý nghĩa: cung cấp dưỡng khí và sinh lực trên toàn trái đất; bảo toàn thanh thản, nghỉ ngơi ngay trong lòng người. “Hoà Bình Xanh” và bóng mát môi sinh là những thái độ quán chiếu, những quan niệm sống với bản thân và tha nhân, với cảnh vật và vũ trụ trong thế thuận hòa, nhẹ nhàng như thảo mộc, cỏ cây: “họ” biết có nhau để nhìn nhượng, để nương tựa và đùm bọc lẫn nhau, trong một thế sinh tồn có chu kỳ, có trật tự nhịp nhàng, có trên có dưới, có gốc rễ, có hậu quả đàng hoàng. Cỏ cây làm việc hữu hiệu, phân chia minh bạch. Họ không có chiến tranh, không đàn áp, không đầy đọa, bỏ tù nhau. Mỗi đơn vị mộc thảo là một đơn vị sống. Họ còn mang sức sống cho kẻ khác nữa. Họ luôn luôn có “mộc quyền” và sống rất tự nhiên, rất thoải mái. Từ lượng tới phẩm. Hoá ra Cỏ cây cũng có lẽ sống và đôi khi còn làm gương mẫu trong ý niệm sinh tồn. Đạo của họ là con đường xuyên vô ngả và vô ngã. Xuyên qua bằng ngả và dấu vô thường vậy.
Đạo của Trang Tử chuyển thành sinh lộ hay quan niệm sống một cách tự nhiên, không bị lệ thuộc vào hình thức phù phiếm, hạn hẹp. Đạo hài hoà với nguyên lý, với môi sinh thích hợp trong vũ trụ tuần hoàn. Điều này, Trang Tử đã lồng vào ý kiến giản dị của “Nhà điêu khắc” vừa hoàn tất công trình mỹ thuật:
“Tôi làm việc thủ công nghệ và không có bí quyết gì cả. Khi nhận công trình mỹ thuật, tôi không quá đắm đuối với đề tài sáng tạo. Tôi nghỉ ngơi, không bận tâm về kết quả, không nghĩ tới danh vọng, cũng như không để ý tới lời ca tụng, lẫn chỉ trích. Tôi bình thản xem xét công việc được giao phó, rồi vào rừng tìm nguyên liệu. Khi thấy thân cây trong cảnh thiên nhiên, với thế tự nhiên của nó, tác phẩm của tôi đã hiện hình. Khi tạo tác, tôi chỉ ghi nhận sự hài hoà giữa vũ trụ và các sinh lực chung quanh tôi.”
Sống là sáng tạo không ngừng. Và sáng tạo cũng là sống không lệ thuộc vào các tiêu chuẩn cứng rắn, hẹp hòi. Là tiến hóa nhẹ nhàng và tự nhiên như bàn chân đang “sống” thoải mái với đôi giầy ôm vừa vặn. Trong cảnh phù hợp này, bàn chân không còn yếu mềm, đôi giầy không nặng nề, vướng víu nữa. Tất cả đã tập trung vào sinh hoạt thích ứng với nhịp độ hài hoà cần thiết, không thừa, không thiếu. Trung Đạo là con đường không quá khích, không thái quá: vừa tầm tay, vừa đủ bước đi của từng người trong cuộc hành trình sinh tử. Tới nơi trong sự hể hả, thoải mái của từng giai đoạn, từng đơn vị, vì ít ai có thể mượn được đôi “hia bẩy dậm”, để đốt giai đoạn và lập tức tới đích như trong truyện cổ tích ngày xưa.
Đó cũng là cách nhìn phóng khoáng, không bị gò bó bởi thành kiến, bởi sự độc đoán chủ quan của những tư tưởng tự mãn, một chiều. Trang Tử lại kể thêm câu chuyện về:
“…Con Chim Biển vừa sa cánh trên hải đảo. Vị Chúa Đảo bèn ra lệnh mổ trâu giết bò thiết đãi trọng thể Con Chim Biển lạc đàn. Nhưng sau những bữa đại tiệc linh đình, kèn trống lễ lạc inh ỏi, Con Chim Biển lạc đàn đã lăn ra chết thê thảm, tâm hồn cô đơn và thất vọng vô cùng. Nó cần gió để bay, rừng để ngủ, sông hồ để tắm mát. Nó cần sâu bọ, rong rêu để nuôi dưỡng cơ thể. Trái lại, người bỏ nó vào lồng, cho nó cơm khô, canh lạ và tiêm nhiễm nó với những nghi thức tuyên truyền, những tư tưởng độc tôn, độc đoán của loài người. Họ đã không phân biệt được cá tính và nhu cầu của từng đơn vị sinh vật, nên khi họ áp đặt tư tưởng và lề lối sinh sống với những thành kiến cứng rắn, bất di bất dịch cho mọi trường hợp, cho mọi cảnh thế đối xử, vô hình chung họ đã giết chết đời sống chân thật.”
Văn hóa là công trình cuả nhiều người, nhiều thế hệ, nhằm chuyển hóa những trạng thái sơ khai hoặc bất toàn thành một khung cảnh thích hợp cho đời sống con người. Văn học nghệ thuật, vốn là khía cạnh sáng tạo của văn hóa, tiêu biểu cho sự chuyển biến của tư tưởng và cảm xúc, trong không gian và thời gian, để đạt tới một mức độ thăng bằng giữa nhân sinh quan và thế giới bao vi. Như vậy, dù tư tưởng và cảm xúc con người có thay đổi với đà tiến hoá của lịch sử và nhu cầu của cuộc sống, lẽ sinh tồn vẫn cho phép con người hướng về sự bảo toàn của nhân phẩm và hạnh phúc, dù là tạm bợ, là tương đối.
TẠM KẾT
“Có” nhân phẩm và hạnh phúc trong đời sống phải được coi là một trạng thái bình thường, hoặc một cứu cánh tất nhiên. Ngược lại, “mất” nhân phẩm và “thiếu” hạnh phúc là một khiếm khuyết trầm trọng, một tình trạng bấp bênh, không thể kéo dài mãi mãi. Vực sâu của những hà tì, những thiếu sót đó phải được bù đắp bằng những trào lực tiếp ứng thành khẩn, những ước vọng và yêu sách chính đáng.
Văn học nghệ thuật, qua khả năng nhận định và sáng tạo, là ý thức, là ước vọng và yêu sách chính đáng của đời sống con người vậy.
Quá khứ là nguồn gốc của đời sống hiện tại, với những kinh nghiệm có lúc tốt đẹp, có lúc bẽ bàng, gắn liền với thân phận con người. Quá khứ cần được nhìn nhận và định giá đúng mức, để ngày hôm nay chúng ta đủ sáng suốt tạo dựng quan niệm sống căn bản, làm chuẩn cho một tương lai đầy đủ ý nghĩa hơn. Sáng tạo phát khởi ngay từ đời sống tinh thần đó, mà giá trị cần thiết vẫn là tự do và hạnh phúc, tình yêu và nhân từ. Luận về văn học nghệ thuật là tìm lại nguồn gốc và trào lực của những giá trị tinh thần đó.
Sinh hoạt văn học nghệ thuật, ở địa bàn cá nhân hay tập thể, đều mang sắc thái một sự Thách Đố không ngừng, như một trào lực sinh tồn, với cố gắng và hy vọng tham dự vào một Nguồn Sống bất tận. Trào lực đó là khả năng đảm lãnh cơ hội suy tư và sáng tạo, hài hòa với trách nhiệm hành động. Đồng thời, trào lực đó cần được chia sẻ với tha nhân, với người đối diện, qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau tìm kiếm Niềm Hạnh Phúc chung, như một nhịp trường ca luân lưu mãi không chán, vì càng hát càng thêm hứng khởi.
Nhưng cái Đẹp, cái Hay trong trào lực sáng tạo nói chung chỉ nên theo đuổi nếu có khả năng tiêu biểu, cảm hóa và cải tiến được con người, mang lại hy vọng và cứu cánh chân chính cho cuộc sống.
Còn với cái bóng bẩy “ngụy tạo”, loè loẹt của xảo thuật tuyên truyền, của văn công văn bút “nghị quyết 36”, thì loại sáng tạo văn nô hồng hơn nghệ chỉ đưa tới mù quáng, bóng tối, câm nín và bẽ bàng.
Con người ắt sẽ có hạnh phúc khi ánh sáng tư tưởng và đạo đức cốt lõi khai triển trở lại trên mảnh Đất Việt, xoá bỏ mọi tối tăm, hà tì, sai quấy của chế độ cộng sản lừa đảo, bất nhân, vô nghĩa.
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt
[1] VĂN LUẬN, do TS Lưu Nguyễn Đạt trước tác, nhà xuất bản Cỏ Thơm ấn loát và phát hành năm 2000, khai triển một số lý thuyết và phương pháp điều nghiên văn học nghệ thuật như Structuralisme, Néo- Structuralisme, Sémiotique, Déconstruction qua De Saussure, Lévi Strauss, Roland Barthes, Riffaterre, Derrida, để [a] ứng dụng vào việc thẩm bình và phân tích một số tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước: Hồ Dzếnh, Bùi Giáng, Doãn Quốc Sỹ, Hà Bỉnh Trung, Du Tử Lê, Nguyễn Đăng Tuấn, Trần Thiện Hiệp v.v., cũng như để [b] so sánh, phối kiểm cơ cấu hình thành của sáng tảo trong thi phú, hội hoạ, nghệ thuật phim ảnh…