Một ngày trọng đại sắp sửa trôi qua mà tôi sợ các cơ-quan truyền thông của người Việt ở hải-ngoại, không trừ cả một đài điền thế cho tiếng nói tự do của VN là Đài RFA, sẽ để cho nó lẳng lặng trôi qua vì lý-do đó là chuyện cũ, chuyện 40 năm qua rồi, không còn mấy ai nhớ đến nó và do đó, cho nó qua luôn.
Lối suy nghĩ này thật khôi hài bởi người Việt chúng ta thường tự-hào là chúng ta thường yêu và nhớ lịch-sử nước nhà. Chúng ta nhớ chuyện bà Trưng, bà Triệu, hãnh-diện chuyện nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên, nhớ Lý Thường-kiệt với trận đại-thắng quân Tống trên sông Như-nguyệt, hát “Nước non Lam-sơn,” biết ơn Quang Trung đại-phá quân nhà Thanh… song chuyện gần chúng ta hơn thì tự-nhiên chúng ta mắc bệnh Alzheimer.
Không những thế, càng gần thì hình như chúng ta càng hiểu lầm vấn-đề, đổi trắng thay đen… như trong nước các nghĩa-trang “liệt-sĩ Trung-Cộng” thì chình ình ở trong các tỉnh biên-giới, nơi quân TC sang xâm-lược và tàn-phá nước ta vào năm 1979. Chưa hết, gần đây ở ngay thủ-đô Hà-nội của nước VN Cộng-hòa XHCN còn có lễ “biết ơn” quân-đội nhân-dân TC dạy dỗ, huấn luyện cho hàng trăm hàng ngàn sĩ-quan (lên đến những hàng cao-cấp nhất) trong “quân-đội nhân-dân” Việt-nam!!!
Chúng ta thường chê người Mỹ là chóng quên, không có ý-thức lịch-sử sâu đậm như chúng ta. Thế thì sao trận Nhật đánh Trân-châu-cảng (Pearl Harbor) thì đến 81 năm sau, vào ngày 7 tháng 12 vừa rồi, người ta vẫn kỷ-niệm?
Đã đến lúc chúng ta phải xét lại vấn-đề
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại vấn-đề. Một Hiệp-định Hòa-bình Paris mà không đem lại “hòa-bình” mà không thành vấn-đề sao? Một hiệp-định hòa-bình mà hai người chủ chốt thương-thuyết nó sau được giải thưởng Nobel Hòa-bình để giờ đây câu chuyện đó còn là nỗi nhục cho ủy-ban (ở Na-uy) tuyển chọn giải đó vào năm 1973 mà không đáng nói sao? Một hiệp-định hòa-bình mà dẫn đến sự hiện diện của khoảng 3 triệu rưởi người Việt ở hải-ngoại ngày hôm nay mà ta không cần biết chi-tiết nó nói gì và nó có bị vi-phạm hay không sao? Và nếu có thì ai vi-phạm? Vi-phạm thế nào?
Do đó mà tôi biết ơn ông Nguyễn Quốc Khải đã mở màn cho việc xét lại Hiệp-định Paris cách đây 40 năm với bài “Sự thật phũ phàng về Hiệp định Paris 1973” gởi cho RFA ngày 17/12 cách đây gần một tháng dù như có nhiều điều trong đó tôi không đồng-ý với cách đọc của ông (tôi đã trả lời, cũng trên RFA, bằng một bài viết vào ngày hôm sau).
Từ đó, ông Khải và tôi đã có một số bài trao đổi qua lại, nói chung là khá nghiêm chỉnh bởi chúng tôi chủ-yếu chỉ dựa vào những dữ-kiện lịch-sử, tránh được những sự cãi vã không cần thiết hay đi vào đả-kích cá-nhân.
Người Cộng-sản Hà-nội muốn quên
Dựa vào những dữ-kiện mà cả tôi lẫn ông Nguyễn Quốc Khải đưa ra thì Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973 chỉ là một quả lừa vĩ-đại của Hà-nội nhằm đá Mỹ ra khỏi VN và sau đó thôn-tính miền Nam (bất kể Chương V của Hiệp-định đã nói thật rõ ràng, rõ như ban ngày: trong việc “thống nhất đất nước hai miền, không bên nào được thôn tính bên nào”). Cái khác giữa ông Khải và tôi là: Ông cho Hà-nội làm thế (“thôn tính miền Nam) là họ có quyền, nghĩa là có quyền xé bỏ cả lời cam-kết long-trọng của họ (với chữ ký của họ), còn tôi thì coi đó là một sự vi-phạm trắng trợn mà ta phải nhắc nhở, không cho Hà-nội và dư-luận thế-giới (kể cả nước Mỹ) quên về chuyện này.
Tóm lại, Hà-nội càng muốn quên thì ta càng cần phải nhắc, nhắc cho đến không ai quên được những việc làm ô nhục của Hà-nội–dù như kết-quả của sự phản-bội đó đến nay, 40 năm sau, vẫn chưa đổi thay được bao nhiêu.
Năm nay khác?
Nếu trong những năm qua, các báo đài, kể cả các đài quốc-tế, đã tránh né việc phân-định, phán xét ai phải trái trong việc thực-thi Hiệp-định Paris 1973 thì tôi mong là năm nay, chúng ta sẽ có một thái-độ khác đi.
Tại sao? Tại vì ta không thể trốn tránh được sự thực lịch-sử–dù vai trò của ta ở trong đó không lấy gì làm đẹp. Cũng như chuyện Cải cách ruộng đất ở miền Bắc hay chuyện Mậu-thân ở Huế, chúng cứ việc cách ta nửa thế-kỷ hay hơn nữa, câu chuyện chưa được phanh phui đến ngọn nguồn thì lịch-sử vẫn còn thiếu sót nếu không muốn nói là méo mó, gian lận.
Năm nay cũng còn khác nữa là vì kỷ-niệm 40 năm, đang có triệu-chứng là Hà-nội muốn nhắc lại chuyện Hiệp-định Paris để nói như ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ-trưởng Quốc-phòng của Hà-nội hôm đầu năm (1/1/2013), là “Cách can dự của Mỹ, như họ tuyên bố là ủng hộ các giải pháp hòa bình và luật pháp quốc tế, làm cho một số nước đồng tình mà có thể không lưu tâm đúng mức đến mặt trái của nó.” Ông cho biết đã từng nói với một quan chức Mỹ: “Nếu như các ông làm đúng những gì đã nói thì tôi hoan nghênh, còn nếu không các ông sẽ buộc phải rời khỏi khu vực như năm 1975 rời khỏi Việt Nam.”
Nói cách khác, Hà-nội, qua ông Nguyễn Chí Vịnh, đang muốn trắng trợn nói với Mỹ là: chúng tôi đã lừa được ông năm 1973 để đuổi ông ra năm 1975 (thực ra Mỹ đến đó đã không còn một quân-nhân tác-chiến nào ở VN từ tháng Giêng 1973), chúng tôi vẫn có thể đi với Bắc-kinh (cái mà ông Vịnh gọi là “tương đồng ý thức hệ”) để đá ông khỏi Biển Đông!
Một chuyện có liên-hệ trực-tiếp đến chuyện sống còn của đất nước ngày hôm nay như thế mà không đáng để cho các báo đài bàn đến hay sao?
Nguyễn Ngọc Bích
2 Comments
Nguyễn Quốc Khải
Đây là những ý kiến của độc giả gửi đến ông Bích về bài này:
Ông Tào Lao viết (21-1-2013): “Có lẽ ông Nguyễn Ngọc Bích mê sảng nên nói nhảm. Hiệp định Paris là một thắng lợi vô cùng to lớn của cộng sản Bắc Việt, chính nhờ nó mà Mỹ rút quân tạo điều kiện cho Bắc Việt chiếm miền Nam một cách nhanh chóng. Vậy tại sao cộng sản lại phải cồ quên??? Nó không bao giờ quên mà còn đánh bóng, thổi kèn thật to để lòe thêm thiên hạ. Chỉ có ông Bích đang ngủ mê nên nói nhảm là chúng “cố quên”.
Ô. Nguyễn Quốc Khải viết (19-1-2013): “Ông Nguyễn Ngọc Bích nói rằng ‘Hiệp định Paris 1973 Cộng Sản càng muốn quên thì ta càng phải nhắc.’ Tôi nghĩ ông Bích suy diễn một cách sai lầm. Đối với chúng ta, như LS Nguyễn Hữu Thống tuyên bố, Hiệp Định Paris 1973 chỉ đem lại “hòa bình cho những nấm mồ.” Đối với người Mỹ, như Ông Frank Snepp nhận định, Hiệp Định Paris 1973 chỉ đem lại một khoảng cách chạy tội (decent interval) cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với CSVN, Hiệp Định Paris 1973 là một thắng lợi to lớn. Nhờ đó, họ đẩy được Mỹ ra khỏi Việt Nam và chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Do đó họ đâu có muốn quên. Chứng cớ dành dành là Hà Nội đang chuẩn bị ‘kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp Định Paris.’ Điều này khiến tôi nghi ngờ về khả năng suy luận của ông Bích.
Ô. Nguyễn Bình Nam viết (20-01-2013): “Lạy trời tại sao lại có cái tựa lôm côm đến thế ‘Hiệp định Paris 1973: CS càng muốn quên thì ta càng phải nhắc’ dạo này người ta tổ chức các sự kiện dầm trời và chiếu phim tài liệu về Hiệp định Paris ở trên VTV1 ở khung thời gian vàng… nói lấy được …”
Ô. Trung Kiến viết (21-1-2013): “Qua bài viết mới ‘Hiệp định Paris 1973: CS càng muốn quên thì ta càng phải nhắc’ này của ông Nguyễn Ngọc Bích cho thấy, ông đã bị chao đảo trong suy nghĩ và nhận định mất rồi! Có thật csvn muốn quên HĐ Paris 1973, mà chính nó (HĐ Paris) đã tạo cho họ chiến thắng VNCH như ông Bích nghĩ?
Nhắc lại hay bàn luận về ‘Hiệp định Paris 1973’ là điều nên làm như để nhắc lại cho thế hệ con cháu chúng ta biết rõ về lịch sử VN cũng như VNCH, còn ‘phục hồi’ lại nó, hay như với đề tài ‘Giải pháp VNCH: Hoang tưởng, vô vọng hay chỉ là khó?’ của ông Nguyễn Ngọc Bích, thì thiển nghĩ…không nên mất thời giờ…vì rằng như lời cụ Bùi Diễm, người đã trực tiếp tham dự Hiệp định Paris 1973…cũng thừa nhận rằng; cái gì qua đi rồi thì cũng như “nước chảy qua cầu”…
Sau đây là những câu hỏi mà độc giả đã nêu ra ngay từ đầu của cuộc tranh luận, nhưng ông Nguyễn Ngọc Bích tiếp tục tránh né, không đi vào những điễm chính mà chỉ nói cà kê dê ngỗng:
(a) Việc phục hồi Hiệp Định Paris hoang tưởng hay khả thi? Nếu khó thực hiện thì khó ở những điểm nào và vì sao?
(b) Chính Phủ VNCH (lưu vong) mà ô. Bích là một thành viên, đã làm được gì trong bốn năm vừa qua, đặc biệt về việc vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973?
(c) Tại sao ô. Bích lại tách ra khỏi Chính Phủ VNCH (lưu vong) để lập UBLĐLTVNCH và cũng để vận động phục hồi Hiệp Định Paris 1973?
(d) Những việc vân động 20 năm trước đây đã thất bại, tại sao bây giờ ô. Bích vẫn muốn lập lại công việc này? Ô. Bích đã hỏi ý kiến những người đi trước ông như GS Vũ Quốc Thúc và LS Nguyễn Hữu Thống chưa?
(e) Ô. Bích đã gập ô. Phạm Gia Khiêm, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao của CSVN vào tháng 3, 2007. Mục tiêu để làm gì và kết quả ra sao? Ngoài ô. Bích còn một việt kiều thứ hai nửa tham dự, người đó là ai? Chuyện này có liên quan gì đến việc từ chức của một số người trong Ban Chấp Hành của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ không?
Nguyễn Quốc Khải
LS Nguyễn Hữu Thống: Hoa Kỳ Không Muốn Nhắc Nhở Tới Hiệp Định Paris 1973
An Phong
24-01-2013
Nguồn: tranh luận trực tuyến trên Đàn Chim Việt
Trong bài phỏng vấn của đài phát thanh chính thức của chính phủ Pháp Radio France International (RFI), LS Trần Thanh Hiệp, một thành viên của phái đoàn VNCH tham dự hòa đàm Paris 1973 nói “Hiệp định Paris tuy nói là chấm dứt chiến tranh tái lập hòa bình tại Việt Nam nhưng dường như chỉ là một ‘cái xác không hồn’ …”, “hiệp định này đã bị dìm chết” rồi. Còn ông Nguyễn Ngọc Bích lại cho rằng nó còn sống nhăn răng. Vậy tin ai bây giờ nhỉ? Vào mạng RFI nghe ông Hiệp nói dắn giỏi, rõ ràng, và lôi cuốn. Ông lại một người kinh nghiệm. Nên tôi phải tin ông Hiệp thôi. Đài RFI cũng đề cập đến ông Nguyễn Quốc Khải và Ô. Khải có cùng nhận định như ông Hiệp.
Tôi cũng tò mò hỏi ý kiến LS Nguyễn Hữu Thống về các vấn đề Hiệp Định Paris. Ông Thống hiện nay là chủ tịch Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền. Vào năm 1989 và 1990, LS Thống đã kiện CSVN tại tòa án Công Lý Quốc Tế về việc CSVN vi phạm Hiệp Định Paris 1973 và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ xét lại Hiệp Định này. Trước 1975, LS Thống là dân biểu và từng giữ chức phó chủ tịch của Quốc Hội VNCH.
LS Thống dự định sẽ giới thiệu một sách lược mới cho Việt Nam nhân dịp ngày 30-4-2013 sắp tới cho nên ông không tiện lên tiếng trong lúc này. Tuy nhiên ông đã trình bầy vắn tắt quan điểm của ông về Hiệp Định Paris như sau. Theo ông, người Hoa Kỳ không muốn nhắc nhở tới hiệp định này vì nó không là một niềm hãnh diện của họ. Do đó đặt vấn đề này hoàn toàn bất lợi trái lại chỉ gây ác cảm mà thôi. Việc phục hồi hiệp định Paris lại càng không nên.