HOA PHI HOA
hoa phi hoa gió chiều buông phấn
bạc cánh rừng bóng khép ái ân
nụ vương rêu vắng buồn hoang tụ
áo mỏng hương hồn thoáng ánh thân
mưa không mưa dòng khuya ngây lả
phơn phớt hồng môi nắng vực xa
cố nhân dấu ấn tay khuyên nhạc
tơ lụa năm xưa héo phận hoa
tình say tình chữ nghiêng tâm khảm
tóc kết mây núi biếc ngả xuân
em đi để lại mùi hương cũ
đất nước hao gầy dạ khúc ngân
Lưu Nguyễn Đạt
Đất Trinh, Mùng 3 Tết Quý Tỵ
4 Comments
nguyen tri thanh
Đạt thân,
Cảm ơn Đạt.
Tứ thơ chải chuốt, ý thơ phong phú.
Nguyễn TríThành
HNguyen Tue
Kính anh Lưu Nguyễn Đạt.
Cám ơn anh đã gởi một bài thơ hay.
Tôi thích nhất 4 câu cuối cùng:
tình say tình chữ nghiêng tâm khảm
tóc kết mây núi biếc ngả xuân
em đi để lại mùi hương cũ
đất nước hao gầy dạ khúc ngân
Kính chúc anh vui khỏe.
HNT
Anh Le
Bác ơi,…Bác thuộc tướng Râu hùm …Hàm én ..Mày ngài…Quan Võ …Mà lại làm thơ hay quá…!!!!!!!!
Anh Le
ChânPhương
Quả là ngọt ngào những tứ thơ mượt mà đến từ “miền đất Trinh Nguyên” của những ngày đầu Xuân Quý Tỵ qua bàn tay của nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt:
Hoa phi hoa …
Mưa không mưa …
Tình say tình …
Em đi để lại mùi hương cũ
Đất nước hao gầy dạ khúc ngân
Bài thơ không chỉ họa lại ý và tứ của một bài từ nổi tiếng của Bạch Cư Dị. Nó còn thể hiện được quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của một “thứ sử thi” đầy lòng nhân ái đời nhà Đường. Vì thế, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không đem nguyên tác bài từ của Bạch Cư Dị về đây để cùng được thưởng thức:
花非花
花非花霧非霧
夜半來天明去
來如春夢幾多時
去似朝雲無覓處
Hoa phi hoa
Hoa phi hoa vụ phi vụ
Dạ bán lai thiên minh khứ
Lai như Xuân mộng kỷ đa thời
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ
Trong số rất nhiều học giả đi trước đã từng dịch bài từ “Hoa phi Hoa” của Bạch Cư Dị này, người đọc thích nhất các bản của dịch giả Liêu Quốc Nhĩ và Quỳnh Chi vì nét mềm mại và tự nhiên của chúng:
Chẳng phải là hoa, chẳng phải sương
Nửa khuya em đến, sáng em về
Đến như giấc mộng xuân không đợi
Đi tựa mây trời không định nơi
LIÊU QUỐC NHĨ dịch thơ.
Là hoa mà chẳng phải hoa
Phải sương lan nhẹ âm ba mơ hồ ?
Chợt về nửa giấc tương tư
Rồi như mây sáng viễn du cuối trời
QUỲNH CHI dịch thơ.
Tất nhiên, người đọc cũng không tránh khỏi chút tham vọng cố gắng lột được cả ý lẫn nghĩa của bài từ xưa:
Có chăng hoa, phải chăng sương?
Hôm đến mai đi gót hường thụy dung
Đến như gối mộng tao phùng
Mơ tan tỉnh giấc muôn trùng tìm nhau.
(Bản dịch của Chân Phương)