Trong đời tôi thỉnh thoảng có những gặp gỡ ngẫu-nhiên mà tôi hoàn-toàn không ngờ vì không thể nào biết trước được. Đó là trường-hợp tôi gặp ông Lech Walesa (đọc Va-oeng-xa), cựu-lãnh-tụ Công-đoàn Đoàn-kết Ba-lan và nguyên-Tổng-thống Ba-lan đầu tiền thời hậu-CS ở Hội-nghị Nhân-quyền ở Krakow tối mồng 6 tháng 12 năm ngoái.
Sáng hôm nay, 12/2/2013, tôi giở báo ra coi thì cả hai tờ Washington Post lẫn Washington Times đều đăng ở trang đầu những vị hồng-y mà người ta đang đồn đoán là có thể sẽ được bầu lên làm Giáo-hoàng thay đương-kim Giáo-hoàng Biển Đức XVI (Benedict XVI), người vừa tuyên-bố sẽ từ chức vào ngày 28/2 tới đây.
Tôi ngạc-nhiên quá khi thấy trong 6-7 vị mà người ta đang cho là có nhiều cơ may nhất sẽ được bầu vào tháng 3 lên thay Đức Giáo-hoàng Biển Đức lại có ngay một vị mà tôi cũng mới gặp ở Krakow, vào sáng thứ Bảy, 8/12/2012, hai hôm sau ngày tôi gặp ông Walesa. Đó là Đức Hồng-y Peter Kodwo Appiah Turkson, thường được gọi ngắn trong tiếng Anh là Cardinal Peter Turkson, 64 tuổi. Là một trong những người trẻ nhất trong số các hồng-y được phỏng-đoán là có thể sẽ được bầu lên làm tân-Đức Giáo-hoàng vào tháng tới, ông gốc người Ghana ở Phi-châu, mới thụ phong linh-mục có vào năm 1975 và được phong chức Hồng-ý mới cách đây 10 năm, vào năm 2003.
Giáo-hội Công-giáo với vấn-đề nhân-quyền
Sáng hôm đó, tôi dụng-ý có mặt ở buổi họp khoáng-đại vì có một số đề-tài về nhân-quyền mà tôi rất quan tâm. Đó là “sự bảo vệ sinh-mạng con người trong giai-đoạn còn ở trong bào-thai” (“The Protection of Human Life in the Prenatal Phase”) do Giáo-sư người Đức Christian Hillgruber trình bầy. Sở dĩ tôi muốn dự nghe phần này vì ngay tối hôm trước, G.S. Hillgruber đã làm thân với tôi rồi hai chúng tôi rủ nhau đi ăn cơm tối với nhau. Vì ông đã đếnKrakownhiều lần nên ông chọn được một tiệm ăn khá sang và rất ngon ở ngay quảng-trường Chợ phiên nằm giữa thành phố.
Ông hỏi tôi về vấn-đề phá thai ở VN. Tôi cho ông biết là trước kia, Việt-nam có rất ít phụ nữ phá thai nhưng từ khi Cộng-sản vào thì chuyện phá thai, nạo vét như cơm bữa, đến nỗi bà bác-sĩ Dương Quỳnh Hoa, người của Mặt Trận GPMN (tức của Cộng-sản trước đây), khi còn sinh-thời cũng phải than trời đây là một trong những triệu-chứng suy đồi đạo đức rõ ràng nhất của VN dưới thời CS.
Hôm sau, khi đến nghe ông tôi mới được biết là ở Đức thai-nhi được bảo vệ tính-mạng ngay từ khi còn trong bụng mẹ mà qua ngay luật hiến-pháp. Cũng chính trong buổi khoáng-đại này mà tôi được biết về “nanotechnology” (những kỹ-thuật siêu-vi về y-khoa) có thể gây hại cho con người mà chính con người bị bệnh khi được chữa bằng những kỹ-thuật này (tỷ như một cái máy hình đưa vào trong cơ-thể mình mà chỉ bằng cái đầu tăm hay nhỏ hơn nữa) không biết. Đây là những loại vấn-đề về “bioethics” (“đạo-đức sinh-học”) đang được dạy trong các trường y-khoa mà chúng ta là bậc cha mẹ gần như không có một sự hiểu biết nào cả.
Nhưng cũng sáng hôm đó, tôi rất thích thú khi được nghe buổi trình bầy đặc-biệt của Đức Hồng-y Peter Kodwo Appiah Turkson, Chủ-tịch Hội-đồng Công-lý và Hoà-bình của Toà Thánh, đến từ Roma. Đề-tài trình bầy của ông hôm đó là “Giáo-hội Công-giáo trong vấn-đề Bảo vệ Nhân-quyền” (“The Catholic Church in Human Rights Protection“).
Tôi quan-tâm và muốn nghe về đề-tài này bởi như ai cũng biết, trong lịch-sử của Đạo Công-giáo cũng đã có những thời-gian mà Giáo-hội rất thiếu bao-dung nên đã có những toà án dị-giáo (“Inquisition“) từ TK 15 đến TK 17 ở những nước như Ý và Y-pha-nho rồi cũng chính Giáo-hội đã tuyên án nhà khoa-học Galileo (1564-1642) khi ông theo nhà khoa-học Tiệp Copernic để khẳng-định là trái đất xoay tròn chung quanh Mặt Trời. Rồi lại cũng có những giai-đoạn như trong Thế-chiến II khi Giáo-hội Công-giáo yên lặng, không lên tiếng trước những vụ thảm-sát kinh-hoàng người Do-thái do Đức Quốc Xã hay ngay gần đây khi nhiều tu-sĩ trong Giáo-hội bị tố-cáo bạo-hành tình-dục với trẻ em.
Đi vào nghe là để biết một giáo-hội với những tì vết như vậy thì họ giải-quyết làm sao để vẫn giữ được niềm tin của các con chiên. Tôi do đó rất tò mò và muốn được nghe xem Giáo-hội Công-giáo đã có những hành-xử như thế nào để ngưng những tệ-hại như thế ngay trong lòng giáo-hội.
Khi bước lên bục giảng, Hồng-y Turkson cho rằng sự bất bao dung, rất đáng tiếc, vẫn còn hoành-hành ở trên thế-giới. Chính người Công-giáo ngày nay vẫn còn là đối-tượng của sự bất bao dung ở một vài nơi như Ấn-độ,Pakistanvà Trung-Đông. Vấn-đề này chỉ giải-quyết được khi ta tin phẩm-giá con người là một điều Chúa cho chúng ta và “quyền sống (the right to life) từ khi được tạo ra cho đến khi chết một cách tự-nhiên là nhân-quyền đầu tiên và trên hết” và mọi quyền khác đều từ đó mà ra.
Đức Hồng-y cho rằng ông không biết gì nhiều về bản Tuyên-ngôn Quốc-tế Nhân-quyền bởi khi nó ra đời (1948), ông mới được 2 tháng tuổi. Nhưng đến năm 1963 thì Đức Giáo-hoàng Gioan XXIII đã đưa ra giáo-lệnh Pacem in terris (“Hoà-bình trên thế-giới”), theo đó các quyền của con người gồm: quyền sống; quyền thân-thể được bất khả xâm-phạm, trong đó có mọi quyền về ăn mặc, có chỗ trú thân, được săn sóc y-khoa, được nghỉ ngơi và được hưởng những dịch-vụ xã-hội; những quyền được chữa bệnh, được đền bù khi bị tai-nạn ở chỗ làm việc, khi goá bụa, tuổi cao hay khi bắt buộc mất việc, tóm lại không phải tự ý mình; quyền thờ Chúa hay Phật của mình; quyền chọn chỗ đứng của mình trong xã-hội; các quyền kinh tế; quyền hội họp và lập hội, lập đảng; quyền di-dân và nhập tịch; và các quyền chính-trị.
Chính dựa trên những ý-tưởng khoáng đạt trên mà chế-độ apartheid (chia tách chủng-tộc) ở Nam-Phi đã phải chấm dứt. Và vào năm 2008, Đức Giáo-hoàng Biển Đức XVI đã đến Liên-hiệp-quốc và khẳng-định tính phổ-quát của các nhân-quyền. Giáo-hội Công-giáo không chấp nhận là có những nhân-quyển riêng biệt cho từng khu-vực và đặc-biệt chống đối những ý-thức-hệ tìm cách viết lại định-nghĩa của các nhân-quyền được cả thế-giới công-nhận.
Xuất phát từ những nhân-quyền phổ-quát nói trên, Giáo-hội Công-giáo bảo vệ quyền sống từ khi tạo sinh, quyền xây dựng gia-đình lành mạnh cho những người con trong gia-đình, quyền phát triển trong tự do, quyền có công ăn việc làm, tóm lại quyền có đời sống tâm-linh và tôn-giáo.
Ở Vatican II, theo Hồng-y Turkson, giáo-lệnh Dignitatis humanae (“Về phẩm-giá con người”) khẳng-định quyền tự do tôn-giáo. Và một năm sau, Công-ước Quốc-tế về các Quyền Dân-sự và Chính-trị của LHQ cũng khẳng-định chuyện này trong Điều 18 và Điều 27. Chính dựa vào những quyền và giáo-lệnh trên mà Giáo-hội Công-giáo đã cải thiện được tình-hình nhân-quyền trong giáo-hội, như chính Đức Giáo-hoàng Biển Đức XVI đã thanh lọc được một số tu-sĩ đã có hành-vi bạo-hành tình-dục đối với trẻ em.
Cuộc gặp gỡ hoàn-toàn ngẫu-nhiên
Nói xong, Hồng-y Turkson đã xuống ngồi một cách rất tự-nhiên bên cạnh tôi. Tôi bèn bắt chuyện và xin xem bài viết của ông. Ông bảo: “Tôi chỉ có một bản đem theo thôi nhưng nếu ông muốn thì tôi xin tặng.” Thế là có mỗi mình tôi tại hội-nghị có được bài nói chuyện của Đức Hồng-y Turkson.
Đến giờ giải lao, chúng tôi vì đang dở câu chuyện nên tiếp-tục đi ra ngoài tìm cà-phê và nói chuyện tiếp. Câu chuyện một lúc xoay về chức-vụ của ông ở Toà Thánh. Tôi nói: “Chắc ông biết Đức Hồng-y Nguyễn Văn Thuận, cũng có chức tương-tự như của ông?”
“Ồ, tôi biết chứ. Ngài là vị tiền-nhiệm của tôi và chính Ngài là người đầu tiên ở trong chức-vụ mà tôi đang cáng đáng.”
Và không cả đợi tôi hỏi, ông liền tiếp:
“Chắc ông cũng biết là Toà Thánh đang muốn phong thánh cho Ngài. Chính chúng tôi đang lo xúc-tiến hồ-sơ đó. We are working on it.“
GS Nguyễn Ngọc Bích
TIN VATICAN
ĐTC Biển Đức 16 rời bỏ chức vụ Giáo Hoàng kể từ lúc 20 giờ ngày thứ năm, 28 Tháng 2 tới đây.
Trong công nghị lúc 11 giờ sáng hôm qua, 11-2, trước sự hiện diện của các Hồng y và GM, ĐTC tuyên bố:
“Anh em rất thân mến.
“Tôi triệu tập anh em đến dự Công nghị này không phải để chỉ nói về 3 cuộc phong thánh, nhưng còn để thông báo cho anh em một quyết định rất quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi, vì tuổi cao, không còn thích hợp nữa để thi hành sứ vụ Phêrô một cách thích đáng nữa.
Tôi ý thức rõ sứ vụ này, do yếu tính thiêng liêng, phải được chu toàn không những bằng hoạt động và bằng lời nói, những còn bằng đau khổ và cầu nguyện. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, đang chịu những biến chuyển mau lẹ và bị giao động vì những vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với đời sốngđức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó cho tôi.
Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ sứ vụ Giám Mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, được ủy thác cho tôi do tay các Hồng Y ngày 19 tháng 4 năm 2005, để từ ngày 28 tháng 2 năm 2013 sắp tới, Tòa Roma, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống tòa từ lúc 20 giờ và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng Y để bầu vị Giáo Hoàng mới”.
“Anh em rất thân mến, tôi chân thành cám ơn anh em vì tất cả lòng quí mến và công việc mà anh em đã cùng mang gánh nặng sứ vụ của tôi, và tôi xin lỗi vì tất cả những thiếu sót của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy phó thác Hội Thánh cho vị Mục Tử Tối Cao, là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và cầu xin MẹMaria của Ngài, với lòng từ mẫu xin Mẹ trợ giúp các Hồng Y trong việc bầu vị Giáo Hoàng mới. Về phần tôi, cả trong tương lai, tôi muốn hết lòng phục vụHội Thánh của Thiên Chúa bằng cuộc sống dành trọn cho việc cầu nguyện”.
Vatican ngày 11 tháng 2 năm 2013
Biển Đức 16, Giáo Hoàng