(Hình minh họa: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)
“Chưa thể đoán được đâu,” ông Michael Steiner của Viện Nghiên Cứu Chính Sách (Institute for Policy Studies) trình bày với những người tham dự cuộc hội thảo về bầu cử và ảnh hưởng kinh tế mới được tổ chức hồi đầu tuần tại thủ đô Washington, DC. Nhà phân tích từng làm việc với chính phủ Dân Chủ lẫn Cộng Hòa giải thích thêm “mỗi ngày có ít nhất một cuộc thăm dò được công bố, kết quả đôi khi trái ngược hẳn với nhau” do đó, “đoán người thắng, kẻ thua ngay trong lúc này là điều khó khăn.” “Khó lắm,” ông Steiner nói tiếp. “Bây giờ mà đoán thì rất dễ sai.”
Ðiều đó hoàn toàn đúng.
Chỉ 60 ngày trước khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 diễn ra, người dân Hoa Kỳ vẫn chưa nghiêng về phía ông Cộng Hòa Donald Trump, cũng chẳng ngã về hướng bà Dân Chủ Hillary Clinton. Bằng chứng rõ nhất là kết quả hai cuộc thăm dò được những cơ sở truyền thông hàng đầu của nước Mỹ mới phổ biến cho thấy kết quả hoàn toàn trái ngược nhau: CNN nói rằng ông Trump đang dẫn trước 2% (45%-43%), tờ The Washington Post cho hay vừa thực hiện cuộc thăm dò toàn quốc, kết quả cho thấy tỷ lệ cử tri khắp nơi ủng hộ bà Clinton hơn ông Trump tới 4%. Chỉ dựa theo kết quả hai cuộc thăm dò này đủ thấy điều ông Steiner nói chẳng sai, chưa biết ai là người thắng kẻ bại.
“Từng có lúc bà Clinton được xem là cầm chắc chiến thắng trong tay để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ,” chiến lược gia Steven Matthews, từng làm việc với đảng Cộng Hòa, nói. “Sau ngày Ðại Hội Ðảng Dân Chủ bà Clinton trông như chắc thắng, nhưng ngay lúc này nói đúng nhất là bà cựu ngoại trưởng Mỹ và ông tỷ phú Trump có số phiếu ủng hộ ngang nhau, không ai hơn cũng chẳng ai kém.” Con đường dẫn ông Trump lẫn bà Clinton tới chỗ có được 270 phiếu cử tri đoàn “vẫn còn xa vời, không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra trong hai tháng tới.” Cách hay nhất, theo lời ông Miller, “phải đợi cho tới lúc tình hình rõ rệt hơn.”
Một số nhà quan sát bầu cử cho rằng số người ủng hộ ông Trump đang tăng nhờ vào hai yếu tố: Thứ nhất, “chuyện xấu xa liên quan đến bà Clinton ngày một nhiều, khiến cử tri phải thắc mắc, không biết có nên ủng hộ bà như họ từng nghĩ hay không.” Thứ nhì, “ông Trump thay đổi nhân sự. Tiếp tục đưa ra những lời lẽ cứng rắn về chính sách, khiến cử tri Hoa Kỳ có cảm nghĩ ông là người nói thật, làm thật” chứ không hứa suông như các chính trị gia “từng hứa hẹn chỉ để kiếm phiếu chứ không làm gì cả” mà họ đã gặp. Lợi thế đó, vẫn theo chiến lược gia Steven Matthews, “là những điểm giúp ông Trump cơ hội tạo cân bằng trong cuộc đua, không còn ở kèo dưới như trước nữa.”
Những cuộc thăm dò này ảnh hưởng thế nào đến cuộc vận động của ông ông Trump và bà Clinton? Cựu ngoại trưởng Mỹ trả lời: Chẳng hề quan tâm, chẳng thèm chú ý gì đến kết quả thăm dò. Thứ Ba vừa rồi trên chuyến máy bay đi vận động, bà cho các nhà báo biết “tôi không chú ý tới thăm dò, ngay cả những cuộc thăm dò cho hay tôi đang có lợi, tôi cũng chẳng chú ý tới, (thành ra) khi có kết quả thăm dò không có lợi cho tôi, tôi cũng chẳng để ý đến.” Bà Clinton nói thêm “chúng tôi sẽ tiếp tục đường hướng (vận động) đã vạch ra.”
Bên ông Trump đưa ra cái nhìn hoàn toàn khác. Trong email gửi cho những người ủng hộ, ông phát ngôn viên Jason Miller viết rằng: “Chúng ta đã đến gần mức chiến thắng, người dân Hoa Kỳ nhận rõ nước Mỹ đang cần Tổng Thống Trump.” Ngay ông Chủ Tịch Reince Priebus của đảng Cộng Hòa toàn quốc cũng nở nụ cười thật tươi, nói rằng “gió đang xuôi chiều,” tin tưởng ngày cùng mọi người ăn mừng chiến thắng chẳng còn xa.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài NPR, bà Kellyanne Conway, trưởng ban tranh cử của ông Trump, hãnh diện khoe “kế hoạch để ông Trump vẫn là ông Trump” (Let Trump be Trump) đã đem lại kết quả, “người dân thích ông Trump, người dân muốn nghe vị tổng thống tương lai của họ nói những điều ông suy nghĩ trong đầu về đất nước, họ muốn thấy ông Trump của những ngày đầu tiên, và đó cũng là điều họ muốn thấy khi ông Trump ngồi làm việc ở Phòng Bầu Dục.” Ðiều đó “chứng tỏ cho mọi người thấy chúng tôi lắng nghe tiếng nói của cử tri, đón nhận ý kiến của từng người một, trong khi phía bà Clinton chỉ nghe tiếng nói của những người bề thế, lắm tiền nhiều bạc, đâu nghĩ đến người dân.” Cũng với lợi thế đang lên, ông Trump chẳng ngần ngại báo trước: Nếu được tín nhiệm để trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông sẽ chỉ thị cho các tướng lãnh “trong 30 ngày phải tiêu diệt ISIS,” đồng thời không ngần ngại gọi đối thủ Hillary Clinton là người “không hội đủ những tiêu chuẩn tối thiểu để lãnh đạo quốc gia.” Cũng với ý tưởng đó, ông Eric Trump, con trai của ông, gửi email cho những người ủng hộ cha mình, nhắc nhở “lịch sử đang chuyển mình, người dân Hoa Kỳ chán ngấy những bộ mặt của chính trường Washington, DC,” nhắc nhở mọi người tiếp sức để “chúng ta không bao giờ phải chứng kiến cảnh bà Clinton đi bách bộ trong sân Tòa Bạch Ốc.”
Bên bà Clinton đương nhiên không chịu ngồi yên. Trước hết là email đảng Dân Chủ gửi ra với nội dung kêu gọi bình tĩnh trước tin ông Trump dẫn trước 2% số phiếu cử tri toàn quốc, nhắc lại “từ ngày đầu ai cũng biết đây là cuộc vận động rất cam go, không cho phép chúng ta (các đảng viên Dân Chủ) ngừng nghỉ cho tới ngày thành công.” Email thứ nhì của chính bà cựu ngoại trưởng gửi cho những nhà tài trợ, trong đó nhắc tới chuyện ông Trump chê bai các tướng lãnh là người không đủ bản lãnh để điều quân, đồng thời “còn ca ngợi nhà lãnh đạo Vladimir Putin của Nga là tài ba, được dân chúng ủng hộ hơn Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.”
“Chỉ với những điều đó thôi,” email bà Clinton viết tiếp, “đủ cho mọi người thấy ông ấy (Trump) không xứng đáng để lãnh đạo nước Mỹ.”
Bầu cử tổng thống 2016: Ai hơn ai?
Bất kể ông Cộng Hòa Donald Trump hay bà Dân Chủ Hillary Clinton đang dẫn đầu những cuộc thăm dò cử tri, giới quan sát bầu cử Hoa Kỳ đặt nhiều chú ý vào số phiếu cử tri đoàn (electoral vote) mà ông tỷ phú xuất thân từ New York lẫn bà cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ đang có cũng như có thể có, để xem ai là người sẽ chiếm đủ 270 phiếu, trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Ðúng 60 ngày trước khi cử tri Mỹ đặt chân đến phòng phiếu, bà Clinton được dự đoán vẫn có nhiều cơ hội chiến thắng hơn ông Trump vì những lý do sau đây:
1-Tổng số phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang Dân Chủ sẽ bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton: 189 phiếu.
2-Tổng số phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang được dự đoán đang nghiêng về phía bà Clinton: 84 phiếu.
3-Tổng số phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang Cộng Hòa sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Trump: 154 phiếu.
4-Tổng số phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang được dự đoán đang nghiêng về phía ông Trump: 70 phiếu.
5-Tổng số phiếu cử tri đoàn ở các tiểu bang chưa quyết định ủng hộ ông Cộng Hòa hay bà Dân Chủ: 111 phiếu.
Một số cuộc thăm dò mới nhất cũng cho thấy những tiểu bang có tên dưới đây sẽ định đoạt kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay: Iowa (6 phiếu), North Carolina (15 phiếu), Georgia (16 phiếu), Nevada (6 phiếu), Florida (29 phiếu), Arizona (11 phiếu), Missouri (10 phiếu), Ohio (18 phiếu), Virginia (13 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu).
Nguyễn Văn Khanh
(Nguồn: Financial Times/AP/yahoo.com)