Trận Đống Đa ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789) là một trong những chiến công oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong lịch sử chống bọn bành trướng bá quyền phương Bắc. Nhân dịp xuân về, xin hãy cùng nhau ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc trong mùa xuân xưa.
Con số hai mươi chín vạn viết trên đây tuy do Ngô Thời Nhậm, người trong cuộc, đưa ra trong một văn thư có tính tuyên truyền, thì cũng chưa hẳn sát với thực tế. Có tài liệu thì viết rằng lực lượng quân Thanh xâm lăng Đại Việt lên khoảng hai mươi vạn tức 200,000 quân, (Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ, Đại Nam, Hoa Kỳ, tái bản không đề năm, tr. 159 và 185.)
Cả hai số liệu nầy về hai phía Việt cũng như Trung Hoa đều cần phải nghiên cứu lại. Theo tâm lý thông thường, do tinh thần yêu nước, sử liệu Trung Hoa thường hạ số liệu quân đội viễn chinh xuống, để khi chiến thắng thì chiến thắng có giá trị, vì đem ít người mà vẫn thắng trận, còn khi thất bại thì thất bại không đáng kể, vì đem ít quân nên mới thất bại. Điều nầy có thể thấy rõ trong Cao Tông thực lục, là bộ chính sử nhà Thanh, chép thời vua Càn Long.
Ngoài ra, lính Trung Hoa thường đem theo vợ con và nhiều trợ thủ. Trong “Tám điều quân luật” trước khi quân Thanh xuất chinh năm 1788, Tôn Sĩ Nghị đã thông báo như sau trong điều thứ 8: “Lần nầy hành quân xa xôi qua biên ải, triều đình thương đến binh lính, đã chu cấp rộng ra ngoài thể lệ, mỗi người lính được cấp một tên phu. Các viên coi quân cần hiểu dụ trước cho mọi người biết…”(HLNTC, bản dịch tập 2, sđd. tt. 152, 179.)
Như thế, nếu e ngại số liệu 200,000 quân Thanh bị thổi phồng thì chắc chắn số liệu của Cao Tông thực lục gồm 10,000 của Tôn Sĩ Nghị và 5,000 của Ô Đại Kinh vừa thiếu sót vừa bị giảm thiểu, và giảm thiểu đến mức độ nào thì không có cơ sở để xác minh, nhưng với dân số đông đúc của Lưỡng Quảng, thì chắc chắn đạo quân nầy phải đông hơn rất nhiều.
Nếu theo chính sử nhà Thanh, hai cánh quân của Tôn Sĩ Nghị và Ô Đại Kinh sang Đại Việt tối thiểu cộng lại là 15,000 người; và nếu mỗi quân nhân được quyền đem theo một người phu (điều thứ 8 của quân luật Tôn Sĩ Nghị), thì số người Thanh qua Đại Việt tối thiểu là 30,000. Cần chú ý là các tướng lãnh và sĩ quan Thanh chắc chắn mỗi người đem theo hơn một người phu. Ngoài ra, còn có đoàn quân tiếp liệu của Tôn Vĩnh Thanh. Đoàn nầy không thể dưới 10,000 người vì theo ý kiến của Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh, nếu quân Thanh quyết định từ Thăng Long tiến vào đánh Quảng Nam thì phải cần đến mười vạn (100,000) phu trạm. (Cao Tông thực lục, bd. tr. 123.) Đoạn đường từ Nam Quan về Thăng Long dài khoảng 1/10 đoạn đường từ Thăng Long đến Quảng Nam, vậy số phu cũng phải khoảng một vạn (10,000) người. Ba số liệu nầy cộng lại đã được 40,000 người. Đây là con số tối thiểu, mà thực tế phải cao hơn nữa.
Có một điểm cần phải nhấn mạnh, là các bộ sử Việt cũng như Hoa trước đây, đều viết rằng quân Ô Đại Kinh từ Vân Nam vào Tuyên Quang, đến Phú Thọ và chưa đến Thăng Long cũng như chưa tham chiến.
Trong sách của mình, tác giả Hoa Bằng viết: “Thấy Nghị thua chạy, đạo binh Vân, Quý (Vân Nam, Quý Châu) vừa đến Sơn Tây, phải vội tìm đường tháo về.” (Hoa Bằng, sđd. tr. 197.) Trong sách Thánh vũ ký, Ngụy Nguyên viết: “Còn quân của Ô Đại Kinh tại Vân Nam thì chưa đến nơi.” ([Hoàng Xuân Hãn toàn tập], tr. 1343.)
Thật ra, theo những báo cáo của Ô Đại Kinh và Tôn Sĩ Nghị gởi về triều đình Trung Hoa được ghi lại trong Cao Tông thực lục, thì hai cánh quân nầy đã gặp nhau tại Thăng Long vào ngày 21-11, ngay sau khi Tôn Sĩ Nghị chiếm được Thăng Long (Cao Tông thực lục, bd. tt. 131, 136). Tiến quân chiếm đất từ biên giới phía tây đến tận Thăng Long thì rõ ràng đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh đã tham gia chiến trường nước ta. Hơn nữa, khi phát thảo kế hoạch tấn công Nguyễn Huệ, Ô Đại Kinh được phân công tiếp tục tiến thẳng xuống đánh Quảng Nam (Cao Tông thực lục, bd. tr. 112.)
Nguồn tài liệu thứ ba về chiến tranh Việt Hoa năm 1789 do người Tây phương có mặt ở nước ta đưa ra. Các tài liệu nầy cũng đưa ra những con số khác nhau: Thứ nhất là nhật ký của Hội Truyền giáo ở Bắc Kỳ về những sự kiện ở trong địa phận Giáo hội Bắc Kỳ từ tháng 10-1788 đến tháng 7-1789. Liên quan đến số lượng quân Thanh, tài liệu nầy gồm hai phần: Thứ nhất, khi quân Thanh chưa đến, vào ngày 21-10-1788, có lời đồn rằng nhà Thanh gởi 300,000 quân thủy bộ sang giúp Lê Chiêu Thống. Thứ hai, Tôn Sĩ Nghị làm lễ phong vương cho Lê Chiêu Thống (19-12-1788), tức lúc đó quân Thanh đã vào đất Việt, tài liệu nầy cho biết số quân Thanh là 280,000 người (28 vạn), một nửa đóng trong thành phố, một nửa đóng ở bên kia sông. (Nhật ký của Giáo hội Thiên chúa giáo Bắc kỳ về những sự kiện đáng ghi nhớ xảy ra trong địa phận giáo hội từ tháng 10-1788 đến tháng 7-1789, do Đặng Phương Nghi dịch, tập san Sử Điạ số 9-10, Sài Gòn, 1968, trong bài “Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ”, tt. 213, 216.)
Nếu một nửa đóng trong thành phố, nghĩa là có 14 vạn quân Thanh trong thành Thăng Long, thì thành Thăng Long lúc đó có đủ sức chứa, chỗ ở và nuôi ăn hàng ngày cho quân Thanh không? Ngoài ra, theo tài liệu Trung Hoa, quân Thanh mất hết một nửa khi trở về nước, vậy mất hết khoảng 14 vạn (so với 28 vạn khi ra đi), vừa chết vừa mất tích, trốn chạy thì con số nầy có thích hợp trong một cuộc chiến bằng võ khí chưa tối tân? Tuy nhiên con số 28 vạn của tài liệu nầy gần với con số 29 vạn mà Ngô Thời Nhậm đã viết trong “Tờ chiếu phát phối hàng binh người nội địa”.
Tài liệu Tây phương thứ hai do J. Barrow viết. Ông nầy đến nước ta năm 1792, ba năm sau chiến tranh. Trong hồi ký của mình, ông viết rằng số quân Thanh là 100,000 người. (Theo Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn tập 1, Hà Nội, Nxb. Thế Giới, 1999, tr. 674. Phan Huy Lê theo sách của J. Barrow, A Voyage to Cochinchina in the year 1792 and 1793, London: 1806, tr. 252.)
Tài liệu Tây phương thứ ba của giáo sĩ Pierre-Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830) đến Đàng Ngoài khoảng năm 1790, viết trong hồi ký xuất bản ở Paris năm 1812 rằng quân Thanh sang Đại Việt khoảng 40,000 người và bị giết tại trận khoảng 20,000 người (Theo Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn tập 1, Hà Nội, Nxb. Thế Giới, 1999, tr. 674. Phan Huy Lê theo sách État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des autres royaumes de Cambodge, Laos et Lac Tho par M. De la Bissachère, Paris, 1872, tt. 169-170.) Giáo sĩ De la Bissachère ở lại Đàng Ngoài cho đến năm 1798, nên có thể ông thu thập được nhiều nguồn tin và lượng định con số quân Thanh sang nước Việt. (Tiểu sử của giáo sĩ De la Bissachère theo http://archivesmep.mepasie.
Trước khi dẫn quân qua Đại Việt, theo lệnh của Thanh Càn Long, Tôn Sĩ Nghị phát hịch kêu gọi người Hoa đang làm việc trong các xưởng mỏ (có sách gọi những người nầy là “xưởng dân”) ở nước Việt hưởng ứng chiến dịch tấn công của quân Thanh và “hứa cho ân thưởng và cho miễn thuế để họ giúp sức đánh giặc… Các dân đinh [người Hoa] ở các công xưởng bên An nam nhận được hịch văn phủ dụ của Tôn Sĩ Nghị và nghe tin thiên triều cấp cho lương thực thì đều vui mừng, hăng hái tình nguyện xung phong giết giặc.” (Phan Huy Lê trích dịch hịch “Phủ dụ đầu mục”, sđd. tr. 668.)
Lúc đó người Hoa tập trung nhiều ở các xưởng mỏ phía tây bắc và các thị trấn ven biển phía đông bắc. Số người nầy không nhiều, có thể làm nội ứng hay tình báo, lúc quân Thanh mới xâm nhập vào nước ta. Phía đông nam Thăng Long, nơi sẽ xảy ra chiến trận, ít người Hoa sinh sống.
Không có tài liệu nào đặc biệt về võ khí của quân Thanh. Trong “Tám điều quân luật”, Tôn Sĩ Nghị tự tin súng ống của quân Thanh hơn hẳn súng “phun lửa” của quân Tây Sơn (điều thứ 5), nhưng họ Tôn tỏ ra rất sợ tượng binh (voi trận) của quân Tây Sơn. Điều nầy chứng tỏ ông ta có nghiên cứu về quân đội Tây Sơn. Ông đã dạy cho lính Thanh cách đối phó với tượng trận (điều thứ 4). Quân Thanh có đoàn kỵ binh thiện chiến nhưng không có tượng binh vì không thể đưa voi trận từ Trung Hoa, vượt núi rừng biên giới để qua nước Việt.
2. LỰC LƯỢNG NHÀ TÂY SƠN
Ngay sau lễ đăng quang ngày 25 tháng 11 năm mậu thân (22-12-1788), vua Quang Trung xuất quân cùng ngày hôm đó, lực lượng không được rõ. Ông đến Nghệ An ngày 29 tháng 11 (26-12-1788). Nhà vua dừng quân tại đây để tuyển thêm tân binh ở vùng Thanh Hoa (sau đổi thành Thanh Hóa năm 1841), Nghệ An và sắp đặt lại đội ngũ. Trong cuộc tuyển binh cấp tốc nầy, cứ ba suất đinh lấy một người. Theo Hoàng Lê nhất thống chí thì “… chưa mấy lúc, đã được hơn một vạn quân tinh nhuệ.” (HLNTC, bd. tập 2, tr. 179.)
Theo Cương mục, “khi qua Nghệ An và Thanh Hoa, [Quang Trung] lấy thêm quân lính đến 8 vạn người…” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội, bản dịch tập 2, 1998, tr. 845.) Theo Liệt truyện, tổng cộng số lính trước sau khoảng hơn mười vạn quân (100,000) và mấy trăm con voi chiến (Đại Nam chính biên liệt truyện, Huế: bản dịch của Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 517.) Các số liệu nầy có thể đã được thổi phồng đôi chút, nhưng ở mức độ nào thì cũng không có cơ sở để xác minh. Cần chú ý là lúc đó dân số vùng từ Quảng Nam ra Thanh Hoa trong vùng cai trị của vua Quang Trung khoảng gần một triệu người (và riêng Bắc hà khoảng năm triệu rưỡi người). (Li Tana, Nguyễn Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, New York: Cornell University, 1998, tr. 159.)
Vua Quang Trung chia quân làm hai hạng: hạng thiện chiến gồm lính Thuận Quảng (Thuận Hóa và Quảng Nam) đã được huấn luyện lâu ngày và tham dự nhiều chiến trận; hạng tân tuyển gồm tân binh Thanh Nghệ (Thanh Hoa và Nghệ An). Quân Thuận Quảng chia làm 4 doanh: tiền, hậu, tả, hữu, và dùng quân Thanh Nghệ làm trung quân.
Võ khí và sắc phục quân Tây Sơn được một tác giả đồng thời với sự kiện, mô tả lại trong Lê quý dật sử như sau: “Tây Sơn cho quân mặc áo màu, phần nhiều là màu đỏ tía, trên đỉnh nón mũ đính lông chiên đỏ, lại thường mặc áo gấm màu. Binh khí của họ thường dùng hỏa tiễn hỏa sào buộc trên đầu ngọn giáo, gọi là hỏa hổ [tức súng phun lửa]…” (Khuyết danh, Lê quý dật sử [chữ Nho], Phạm Văn Thắm dịch, Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1987, tr. 77.) Trong Đại Nam quốc sử diễn ca, các tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (thế kỷ 19, thời vua Tự Đức) đã tả sắc phục quân Tây Sơn như sau: “Mão mao, áo đỏ, chật đường kéo ra.” (câu 1830) (Mão mao: mũ lông.)
Điểm đặc biệt của quân đội Tây Sơn, được sách Thánh vũ ký của Ngụy Nguyên (Trung Hoa) ghi lại là “đại bác chở bằng voi mà xông vào trận”. (Hoàng Xuân Hãn toàn tập, tập 2, sđd. tr. 1344.) Cần chú ý sách Thánh vũ ký là tài liệu Trung Hoa chứ không phải của người Việt để tự ca tụng mình.
Điều nầy có nghĩa là vua Quang Trung phối hợp giữa tượng binh và pháo binh, tạo thành hỏa lực yểm trợ bộ binh khi tấn công. Đội tượng binh ở Thăng Long của vua Lê và chúa Trịnh đã bị Nguyễn Huệ đưa về nam sau cuộc bắc tiến lần thứ nhất năm 1786. (Gabriel Devéria, Histoire des relations de la Chine avec l’Annam-ViệtNam, Paris: Ernest Lebroux, Éditeur, Librairie de la Société Asiatique de l’École des Langues Orientales Vivantes, 1880, tr. 17.) Theo sách Lê quý dật sử, đội tượng binh được vua Quang Trung đem từ Thuận Hóa ra Thăng Long chống quân Thanh. Lương thực hàng tháng của các thớt voi tùy theo trọng lượng từng thớt voi lớn nhỏ (Lê quý dật sử, sđd. tt. 87, 96.)
Các khẩu đại bác đã được di chuyển theo quân đội Tây Sơn cũng từ Thuận Hóa ra Bắc, vì tại Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã lập đội pháo binh mạnh mẽ. Theo Toàn thư, khi ra bắc năm 1593 để chúc mừng vua Lê trở về Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã sử dụng những khẩu đại bác dẹp yên các cuộc nổi dậy sau năm 1593. (Ngô Sĩ Liên và nhiều tác giả, Đại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội, 1998, bd. tập 3, tr. 185.) Sau thời Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn đã tổ chức lò đúc súng tại Phường Đúc, làng Dương Xuân Thượng, Phú Xuân (gần Long Thọ, Huế ngày nay).
Không có tài liệu nào mô tả những khẩu đại bác thời Tây Sơn, nhưng dựa vào những khẩu đại bác thời nhà Nguyễn (sau thời Tây Sơn), còn sót rải các ở miền Nam, và có thể nhìn thấy trước tòa lãnh sự Pháp ở Đà Nẵng trước 1975 trên đường Bạch Đằng, thì những khẩu đại bác thời nầy nhỏ. Xin đừng so sánh với 9 khẩu thần công to lớn trưng bày trong thành nội Huế vì 9 khẩu đại bác nầy được đúc để trưng bày trước hoàng thành mà thôi. (Theo tin trong nước, ngày 29-6-2004, ngư dân Bình Thuận trục vớt được 3 tấn tiền cổ và một súng thần công dài khoảng 0,85 m. và đường kính nòng súng 0,075 m., nặng khoảng 300 Kg. [vnn-news.com, California 29-6-2004.])
Đại bác nhỏ như chúng ta thấy còn sót lại nầy mới dễ đặt trên lưng voi để ra trận như Thánh vũ ký mô tả. Cách sử dụng đại bác trên lưng voi phải chăng nhà Tây Sơn học được từ người Miến Điện và từ người Xiêm La (Thái Lan)? Chiến sĩ hai nước nầy chuyên sử dụng voi khi ra trận. Nhiều hình ảnh lưu lại cho thấy người Miến và người Xiêm đặt súng thần trên lưng voi, mũi súng hướng về đằng đuôi để khi bắn, voi bớt sợ. Cần chú ý là quân Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm La tại Rạch Gầm và Xoài Mút ở gần Mỹ Tho vào tháng 12 năm giáp thìn (1-1785) và bắt nhiều tù binh Xiêm La.
Dầu sao, chính hỏa lực của các khẩu đại pháo do lực lượng Tây Sơn đem từ Phú Xuân ra Thăng Long, đặt trên lưng voi đã giúp phá vỡ thành trì đồn Ngọc Hồi, đưa đến chiến thắng Đống Đa mùa xuân năm 1789, khiến cho quân Thanh phải sợ hãi nên Ngụy Nguyên mới nhắc lại trong Thánh vũ ký.
Trong tương quan lực lượng giữa hai bên, có một điểm không thể thiếu sót là việc tình báo chiến lược. Sau khi rút lui khỏi Thăng Long, chắc chắn đại tư mã Ngô Văn Sở để lại nhiều điệp viên theo dõi tình hình tiến quân của lực lượng Tôn Sĩ Nghị và báo cáo đầy đủ lại cho các chủ tướng Tây Sơn. Trong khi đó, ngược lại, quân Thanh không có đường dây tình báo, không có người len lõi vào hàng ngũ Tây Sơn, nên có thể nói là ít hiểu biết về quân đội Tây Sơn, cũng như không nắm vững các hoạt động chuyển quân của lực lượng vua Quang Trung. Chẳng những thế, quân Thanh lại còn kiêu căng, xem thường sức mạnh đối phương.
II. CHIẾN TRẬN
1. KẾ HOẠCH HÀNH QUÂN
Cuộc chiến tại sông Thọ xương (Một bức họa của Trung Quốc về trận đánh)
A. VỀ PHÍA QUÂN THANH (thế thủ):
Đoàn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị dẫn đầu đến Thăng Long ngày 20 tháng 11 năm mậu thân (1788). Sau khi phong vương cho Lê Chiêu Thống (19-12-1788), Tôn Sĩ Nghị sắp đặt việc đóng quân quanh thành, từ Thăng Long đến Hà Hồi (huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Hà Đông), lập đồn trại cách khoảng từ đồn nọ đến đồn kia, đặt súng đại pháo, và chôn địa lôi bên ngoài. Ngoài ra, họ Tôn lập thêm ba căn cứ bảo vệ Thăng Long ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết (huyện Thanh Liêm, Hà Nam), ở làng Nhật Tảo huyện Duy Tiên (Hà Nam) và ở Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì (Hà Đông).
Trong khi đó, đoàn quân Vân Nam do Ô Đại Kinh lãnh đạo đóng về phía tây bắc Thăng Long, hướng Phú Thọ, Sơn Tây. Khi được tin đồn Ngọc Hồi thất thủ, Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy, thì đoàn quân nầy vội vàng rút lui và trở về Vân Nam an toàn.
Như thế, sau khi tạm chiếm Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị chỉ mới lo việc phòng thủ các vùng chiếm đóng, chủ yếu là Thăng Long và các khu vực phụ cận, chứ chưa nghĩ đến việc tiếp tục thế công, tiến xuống phía nam tiêu diệt nhà Tây Sơn.
Vua Chiêu Thống và quần thần nhà Lê nóng lòng mở cuộc phản công đánh Tây Sơn, nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn chậm rãi vì lúc đó sắp đến lễ Tết nguyên đán âm lịch cổ truyền của người Việt và người Hoa. Lý do chính được các tài liệu mô tả là họ Tôn và quân Thanh ham hưởng thụ, trác táng và say sưa trong những ngày đầu chiếm đóng (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch, tập san Sử Địa 9-10, tr. 221), nhất là khi nhận được thư trá hàng của vua Quang Trung. “Lời lẽ trong thư rất nhũn nhặn, khiêm tốn” viết từ Thọ Hạc (Thanh Hoa) (Cương mục, bd. tập 2, sđd. tr. 845) khi nhà vua tạm đóng quân ở đó khoảng đầu tháng 12 âm lịch.
Đặc biệt hơn nữa là khi vua Quang Trung đến Hà Hồi, thì có một viên tướng Thanh tên là Đô Khou Coung đến yêu cầu vua Quang Trung chọn một trong hai điều kiện: hoặc ra quy hàng, hoặc sửa soạn giao chiến vào ngày mồng 6 tháng giêng năm mậu thân (31-1-1789). (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, tập san Sử Địa 9-10, tt. 223-224.)
Ngoài ra, tại Thăng Long quân Thanh công khai kêu gọi dân chúng ở kinh thành đến mục kích tại chỗ trận chiến sắp xảy ra mà quân Thanh tin tưởng sẽ bắt được toàn bộ quân Tây Sơn. (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Sử Địa 9-10, tt. 223-224.) Đáp lại, vua Quang Trung lặng lẽ gấp rút hành động, khiến quân Thanh không kịp trở tay.
B. VỀ PHÍA LỰC LƯỢNG TÂY SƠN (thế công):
Chiến thuật hành quân sở trường của vua Quang Trung là tấn công bất ngờ và thần tốc. Do đó, ngay sau lễ đăng quang và duyệt binh ngày 25 tháng 11 năm mậu thân (22-12-1788), nhà vua tức tốc dẫn quân bắc tiến.
Di chuyển trong bốn ngày, lực lượng Tây Sơn dừng lại tại Nghệ An ngày 29 tháng 11 (âm lịch). Tại đây, vua Quang Trung mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Nguyễn Thiếp (1723-1804) là một nhân sĩ nổi tiếng, người làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, xứ Nghệ An. Trong cuộc gặp gỡ, nhà vua bàn luận với Nguyễn Thiếp kế hoạch hành quân. Nguyễn Thiếp nói: “Người Thanh ở xa tới, mệt nhọc, không biết tình hình khó dễ thế nào, thế nên chiến thủ thế nào. Và nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp đi thì không ngoài 10 ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó.” (Hoàng Xuân Hãn toàn tập, tập 2, sđd. tr 1052.)
Lời bàn của Nguyễn Thiếp rất hợp ý với vua Quang Trung. Lo việc tuyển quân mười ngày ở Nghệ An và Thanh Hoa, vua Quang Trung lại tiếp tục dẫn quân ra đi ngày mồng 10 tháng chạp (5-1-1789). Ngày 20 tháng chạp (15-1-1789), nhà vua đến Tam Điệp. Nơi đây, lực lượng Tây Sơn ở Bắc hà do đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy đang đợi nhà vua. Ở lại Nghệ An và Thanh Hoa mười ngày, nghỉ ngơi tại Tam Điệp cũng mười ngày, vua Quang Trung lại mở cuộc tấn công ào ạt gấp rút trong sáu ngày sau đó để thanh toán chiến trường, chứng tỏ chắc chắn vua Quang Trung đã được tin tình báo từ Thăng Long cho biết cáo thị của quân Thanh về việc động binh xuất hành năm mới vào ngày mồng 6 Tết.
Nhà vua đưa ra kế hoạch tấn công như sau: Thứ nhất, đại tư mã Ngô Văn Sở và nội hầu Phan Văn Lân làm tiên phong. Thứ hai, đô đốc Lộc và đô đốc Tuyết cầm thuỷ binh vượt biển, đi vòng lên phía bắc, vào sông Lục Đầu, đô đốc Tuyết ở lại Hải Dương, để tiếp ứng, đô đốc Lộc tiến thẳng lên phiá bắc, tới Yên Thế để chận đường rút lui của quân Thanh. Sông Lục đầu là khúc sông Thái Bình, giáp giới Bắc Ninh và Hải Dương, là nơi tập trung 3 sông Nguyệt Đức (Đuống), Nhật Đức (Thương) và sông Cầu. Thứ ba, đô đốc Bảo và đô đốc Mưu (có sách chép là Long) lãnh tượng binh và kỵ binh đi đường bộ, vượt núi, tấn công các mục tiêu từ Hà Đông đến Thăng Long. Thứ tư Hô Hổ Hầu (không biết họ tên) chỉ huy hậu quân, lo việc đốc chiến. Thứ năm vua Quang Trung chỉ huy trung quân nhắm thẳng Thăng Long trực chỉ. Kế hoạch hành quân của vua Quang Trung chứng tả nhà vua rất am tường địa hình đất Bắc lúc đó.
2. DIỄN TIẾN CHIẾN CUỘC
TRẬN SƠN NAM:
Ngày 30 tháng chạp (25-1-1789), vua Quang Trung cho mở tiệc khao quân, tuyên bố ăn Tết trước khi lên đường, hẹn ngày mồng 7 năm mới, sẽ vào thành Thăng Long mở tiệc mừng chiến thắng. (HLNTC hồi thứ 14, bd. tập 2, sđd. tr. 182.)
Tối hôm 30 Tết, quân Tây Sơn vượt sông Giản (Giản Thủy) ở Ninh Bình. Đến Sơn Nam, trấn thủ Hoàng Phùng Nghĩa (có sách chép Lê Phùng Nghĩa), tướng của vua Lê Chiêu Thống, bỏ chạy. Các toán thám tử của quân Thanh đều bị quân Tây Sơn chận bắt giết sạch, nên tin tức không lọt về Thăng Long. (Cao Tông thực lục, bd. tr. 143.)
TRẬN HÀ HỒI:
Vua Quang Trung thúc quân tiếp đến Hà Đông. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu (28-1-1789), nhà vua cho quân vây kín đồn Hà Hồi (huyện Thường Phúc, Hà Đông), rồi ra lệnh các tướng đặt loa hô lớn; quân sĩ đồng thanh đáp ứng vang trời, làm cho quân trong thành nghe lớn tiếng, sợ hãi xin hàng.
TRẬN NGỌC HỒI:
Sau Hà Hồi, lực lượng Tây Sơn đến Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) sáng sớm mồng 5 Tết (30-1-1789). Đây là phòng tuyến chính của quân Thanh để bảo vệ Thăng Long. Vua Quang Trung biết quân Thanh phòng thủ ở đây khá kiên cố, trên thành có đại bác và chung quanh thành có địa lôi (mìn = landmine) bảo vệ.
Nhà vua sắp đặt cách tấn công như sau: Đi đầu là tượng binh gồm 100 thớt voi to khỏe (theo Cao Tông thực lục), trong đó có một số voi trang bị súng thần công (theo Thánh vũ ký), vừa bộ chiến tấn công, vừa phá thế trận địa lôi bao quanh thành Ngọc Hồi, vừa dùng súng phá thành. Sau tượng binh là toán cảm tử xung phong.
Theo Hoàng Lê nhất thống chí, vua Quang Trung cho lấy 60 tấm ván, ghép ba tấm thành một bức lớn, bện rơm (ngọn cây lúa bị cắt khi gặt) thấm nước bao bọc ở ngoài, 10 người khiêng một bức, tất cả có 20 bức đi trước. (HLNTC, bd. tập 2, sđd. tr. 183.) Theo sau mỗi bức ván lớn làm mộc che là 20 quân sĩ mang đầy đủ võ khí, dàn hàng ngang tiến tới. Theo Cao Tông thực lục, vua Quang Trung không dùng ván, mà dùng rạ (thân cây lúa còn lại sau khi gặt), bó thành bó tròn lớn làm mộc, lăn chạy trước, theo sau là khinh binh tấn công rất dũng mãnh. (Cao Tông thực lục, bd. tr. 144.)
Cuộc tấn công đồn Ngọc Hồi khai diễn sáng sớm mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789). Trong thành, quân Thanh bắn súng ra dữ dội, nhưng quân Tây Sơn nhất quyết thúc voi tiến tới, dùng súng đại bác phá hủy thành. Kỵ binh của quân Thanh tiến ra khỏi thành gặp tượng binh của Tây Sơn, bị voi trận tấn công, liền hoảng sợ bỏ chạy. Thành bị phá, quân Tây Sơn tràn vào thành đánh cận chiến. Quân Tây Sơn rất thiện nghệ về cận chiến, chia quân Thanh thành từng toán nhỏ, rồi tiêu diệt. Quân Thanh chết rất nhiều. Số quân Thanh bỏ chạy bị chính địa lôi của họ nổ làm cho thiệt mạng. Những kẻ thoát được, lại bị cánh quân Tây Sơn do đô đốc Bảo chỉ huy, từ hướng Đại Áng tiến lên đánh đuổi tiếp.
Dưới đây là hình ảnh vua Quang Trung trong trận chiến Ngọc Hồi ngày mồng 5 tháng giêng năm kỷ dậu do một người Tây phương lúc đó chạy loạn vì chiến cuộc, chứng kiến và kể lại.
“Ngày 30-1 [mồng 5 tháng giêng âm lịch], Quang Trung rời Kẻ Vôi [Hà Hồi] trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông, nhưng khi thấy họ chiến đấu không hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều sĩ quan và binh lính Trung Hoa làm rất nhiều người chết về tay ông. Ông luôn mồm hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu.” (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch, Sử Địa 9-10, tr. 224.)
TRẬN ĐỐNG ĐA:
Sau khi hạ đồn Ngọc Hồi, quân Tây Sơn tiếp đánh các đồn quân Thanh ở Văn Điển (Thanh Trì, Thường Tín, Hà Đông), Yên Quyết (ngoại thành Hà Nội). Quân Thanh thiệt hại nặng, đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thanh đều tử trận.
Ngoài ra, một cánh quân Tây Sơn khác đến vây Sầm Nghi Đống tại Loa Sơn (gò Đống Đa) ở Khương Thượng (ngoại ô Thăng Long). Sau một hồi chống cự quyết liệt, thế quân Thanh yếu dần, lại không được tiếp ứng. Sầm Nghi Đống biết không có cách gì thoát thân, liền thắt cổ tự tử trên cây đa. Binh sĩ dưới quyền Sầm Nghi Đống đều tử trận. (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch, Sử Địa 9-10, tr. 225.)
3. KẾT QUẢ
Được tin đồn Ngọc Hồi thất thủ sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Tôn Sĩ Nghị sai lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp cùng Phan Khải Đức (người Việt, trấn thủ Lạng Sơn đầu hàng quân Thanh) đi quan sát tình hình.
Liền trưa hôm đó, quân Tây Sơn xuất hiện tại Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc giáp và thắng yên cương, đã vội lên ngựa bỏ trốn cùng vài kỵ binh, bỏ lại lại ấn quân, sắc thư, cờ tiết… (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Sài Gòn: Nxb. Tân Việt in lần thứ 7,tt. 374-375.)
Sau khi qua khỏi cầu nổi Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh chặt đứt cầu nổi. (Cao Tông thực lục, bd. tr. 145.) Đây là người Thanh tự thú, chứ các sách Việt như Cương mục (bd. tập 2, sđd. tr. 847), Hoàng Lê nhất thống chí, (bd. tập 2, sđd. tr. 186) đều viết là cầu phao bị gãy. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy về hướng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Số người chết đuối nhiều không thể đếm hết được.
Lê Chiêu Thống, lúc bấy giờ có mặt trong doanh trại Tôn Sĩ Nghị, liền chạy theo họ Tôn, chỉ kịp sai người về cung hộ vệ thái hậu cùng hoàng tử vượt sông. Em vua là Lê Duy Chỉ đưa hoàng phi và cung tần đến bến sông thì cầu đã bị chặt đứt, không qua sông được, phải bỏ trốn về hướng tây.
Ô Đại Kinh đóng bản doanh ở Phú Thọ (lúc đó thuộc Sơn Tây), được tin Tôn Sĩ Nghị thất trận, nhờ một cựu quan nhà Lê tên là Hoàng Văn Thông hướng dẫn rút lui trở về lại Vân Nam.
Theo Thánh vũ ký, khi chạy về tới Trấn-nam quan, Tôn Sĩ Nghị “bỏ hết ngoài cửa quan lương thực, khí giới thuốc súng vài mươi vạn (cân). Quân ta [Thanh] và ngựa trở về không đầy một nửa.” (Hoàng Xuân Hãn toàn tập, tập 2, sđd. tr. 1344.) Đó là sự ghi nhận của sử liệu Trung Hoa.
Như thế, nếu cánh quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo đi vào từ biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn thấp nhất khoảng 10,000 cùng 10,000 trợ thủ theo sử liệu Trung Hoa như đã trình bày ở trên, và quân Thanh trở về không đầy một nửa, thì người Thanh (quân và phu) thiệt hại tối thiểu khoảng 10,000 người kể cả một số tướng lãnh nổi tiếng là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thanh, Sầm Nghi Đống.
Theo ghi nhận trong nhật ký của Giáo hội Thiên chúa giáo Bắc kỳ về những sự kiện đáng ghi nhớ xảy ra trong địa phận giáo hội từ tháng 10-1788 đến tháng 7-1789, thì riêng trận Ngọc Hồi – Thăng Long, quân Thanh chết khoảng 10,000 người, trong đó ít nhất một phần ba bị chết đuối vì chen nhau qua cầu khi bỏ chạy và sau đó cầu bị chặt gãy. (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch, Sử Địa 9-10, tr. 224.) Số liệu nầy trùng hợp với số liệu của Ngụy Nguyên, người nhà Thanh, trong sách Thánh vũ ký. (Hoàng Xuân hãn toàn tập, tập 2, sđd. tr. 1344.) Ngoài ra, tại Đống Đa, quân Thanh tử trận khoảng 1,000 người. (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, bđd. tr. 225.)
Trong số quân Thanh mất tích hay tử trận, có một số đã bỏ trốn. Theo thư của vua Quang Trung gởi sang nhà Thanh do Hô Hổ Hầu đưa qua Trung Hoa, khoảng 800 người đã ra trình diện hay bị bắt, và về sau được vua Quang Trung ra lệnh trả về Trung Hoa. (ĐNCBLT, bd. tập 2, tr. 521.)
Về phía Đại Việt, không có sử liệu Việt nào viết về sự thiệt lại của lực lượng Tây Sơn. Cũng theo nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, thì lực lượng Tây Sơn thiệt mất khoảng 8,000 quân trong trận Ngọc Hồi -Thăng Long, trong đó có một vị chỉ huy cao cấp là Đô đốc Lân (nhưng không phải Phan Văn Lân) mà vua Quang Trung rất thương tiếc. Nhà vua đã cử hành tang lễ vị đô đốc nầy rất trọng thể trong khi cuộc chiến còn tiếp diễn. (Nhật ký của Giáo hội Thiên Chúa giáo Bắc kỳ, Đặng Phương Nghi dịch, Sử Địa 9-10, tr. 225.)
Kết quả là lực lượng Tây Sơn đã toàn thắng oanh liệt trong mùa xuân năm Kỷ dậu 1789.
Trần Gia Phụng
One Comment
Dong Nat
Sử gia Trần Gia Phụng viết rất chi tiết và rất vô tư về chiến công của vua Quang Trung. Nhưng riêng về 2 Bà Trưng mà ông kết luận là bị Mã Viện bắt được và chém bêu đầu thì tôi thấy sai hoàn toàn :
1) Người phụ nữ rất tự trọng , họ chẳng thà bị tuẫn tiết hơn là bị bắt vì sợ bị làm nhục như Mã Viện sẽ cho lính hãm hiếp ! Do đó , 2 Bà sẽ chọn tuẫn tiết hơn là bị bắt sống làm nhục !
Hơn nữa nếu Mã Viện bắt được 2 Bà Trưng thì hắn sẽ cho điệu đi khắp nơi để thị uy , làm nhục nhuệ khí quân khởi nghĩa , chứ không vội vàng cho giải về TQ ! 2 cái đầu bị bêu chắc hẳn là giả mạo để trương cao thanh thế hơn .
2) Gần đây , nhiều tài liệu cho biết là tàn quân của 2 Bà đã xuống thuyền di tản đến tận Mã Lai và Indonesia. Xin sử gia nghiên cứu xem có thể 2 Bà đã được bí mật đem đi cho nên mới có tin đồn nhảy xuống sông Hát Giang hay bị Mã Viện bắt !
3) Điều lý thú nhất là sau này bà Triệu bị quân Ngô đánh thua cũng chọn việc tuẫn tiết ! Điều này có thể lý giải là bà Triệu đã bắt chước 2 Bà Trưng tự sát hơn là bị lọt vào tay giặc !
Tóm lại , tôi vẫn xem 2 Bà Trưng tuẫn tiết thì khả tín hơn là bị bắt vì các lý do nêu trên !
Mã Viện có thể bắt 2 người phụ nữ khác cho bêu đầu để tâng công với vua Hán. Trong khi người Việt cho 2 bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang trầm mình ! Nhưng cả 2 dư luận đều thiếu chứng cớ xác thực !
Nhưng nếu suy luận một cách logic thì có thể tin đồn 2 Bà tự sát tung ra để Mã Viện dừng cuộc truy lùng và các nghĩa quân đã bí mật mang 2 Bà xuống thuyền vượt thoát ! Mã Viện là tướng ngoài biên , ắt phải báo cáo với vua Hán là đã dẹp tan được quân khởi nghĩa và đã bêu đầu 2 Bà , không lẽ báo cáo là không bắt được hay giết được tướng giặc thì sự khiển trách sẽ rất nặng nề ! Tuyên bố bắt được 2 Bà và bêu đầu là cách hay nhất và chỉ có cách là bêu đầu giả để nâng cao chiến thắng của mình và thị uy là đúng nhất !