Bác sĩ Nguyễn Quí Khoáng đang ở trong nước. Anh tham gia ký tên ủng hộ bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 do 71 nhân sĩ trí thức công bố ngày 19.01.2013 và bảo rằng ký như thế thì chỉ có “chết là cùng chứ gì“. Anh gọi hành động của mình là Mệnh lệnh từ trái tim.
Tôi cho rằng anh Khoáng bi kịch hoa, bi thảm hoá việc làm của minh. Chắc chắn Việt cộng sẽ không thủ tiêu, ám sát bất kỳ người nào trong số 71 người khởi xướng ký tên cũng như những người ký theo. Đương nhiên chẳng phải vì cộng sản Việt Nam đã “tiến bộ“ mà vì lý do đơn giản 2010-2013 không phải là 1976-1978.
Trước hết, thời 1976-1978 không làm gì có kiến nghị mà chỉ có tuyên bố. Tuyên bố hùng hồn, hấp dẫn vô cùng. Tuyên bố của trí thức Miền Nam gửi trí thức thế giới với nội dung chính là trí thức Miền Nam, một bộ phận của nhân dân Việt Nam, tự nguyện và chủ động lựa chọn chủ nghĩa xã hội để cùng nhân dân xây dựng đất nước. Không rõ anh Nguyễn Quí Khoáng có còn nhớ bản tuyên bố ngoạn mục đó hay không. Đứng đầu danh sách những người ký tên là Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Thới, Khoa trưởng Trường Đại học Khoa học Sàigòn. Đứng kế Giáo sư Lê Văn Thới là Giáo sư Thạc sĩ Y khoa Phạm Biểu Tâm, nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Sàigòn. Tôi không nhớ quí tính cao danh những vị khác nhưng đoán chắc thế nào cũng có Chu Phạm Ngọc Sơn, Bùi Thị Lạng êxêtêra. Ra lệnh ký tên vào tuyên bố không đến từ trái tim mà đến từ…Thành ủy, có nghĩa là đến từ công an. Kinh hoàng, kinh khủng lắm. Không ký tên lúc đó, chết như chơi. Chết thiệt chứ không phải giỡn đâu ạ. Mà chết oan ức và tối tăm, lãng nhách và oan nghiệt.
Như Dương Hùng Cường. Nửa đêm công an đến nhà bắt Dê Húc Càn mang đi mất tiêu. Công an bắt Doãn Quốc Sĩ, bắt cả Nguyễn Đan Quế. Đồng nghiệp Nguyễn Đan Quế bị bắt ban ngày, bà xã tôi dắt xe đạp ra khỏi nhà để đi dạy thì thấy công an ập vào nhà số 102/7 Nguyễn Trãi Chợ lớn, nhà Nguyễn Đan Quế-Tâm Vấn. Nhà chúng tôi ở số 102/9. Năm 1976, nhà thờ Vinh Sơn bị tấn công, nghe nói có cả xe tăng. Linh mục quản nhiệm Nguyễn Quang Minh đi tù chắc là mút mùa. Linh mục Trần Đình Thủ theo chân Ngài vì không chịu giao khu đất của Dòng Đồng Công cho bè lũ cướp cạn. Vụ án Hồ Con Rùa nổ bùng, không ai biết chi tiết. Nữ sĩ Thanh Nga bị bắn chết tươi cùng với chồng ngay giữa cựu thủ đô Miến Nam. Ở Rạch Giá, bác sĩ Lê Văn Tập bị đưa ra toà án nhân dân, lãnh án nặng nề, dường như chung thân khổ sai thì phải. Ban Tuyên huấn Thành ủy bắt Bác sĩ Văn Tần ở Bệnh viện Bình dân xuống Rạch Giá tham dự phiên toà rồi về tường thuật chi tiết lại cho đám bác sĩ ngụy tại trụ sở Hội Trí thức Yêu nước ở đường Nguyễn Thông. Từ năm 1977 đến năm 1983 Bác sĩ Nguyễn Quí Khoáng làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Như vậy có lẽ anh không phải đi tù khổ sai hoặc có đi thì cũng chỉ đi một thời gian tương đối ngắn và anh đã có một đồng nghiệp đồng liêu là Bác sĩ Nguyễn Công Tỷ, ra trường cùng một khoá với tôi năm 1962. Bạn Nguyễn Công Tỷ vẫn ở lại Việt Nam, như anh Nguyễn Quí Khoáng. Đi tù độ đó là đói thê đói thảm, là ở trần và mặc quần vải bao cát, như Bác sĩ Trần Xuân Ninh (Ninh con) chẳng hạn.
Còn nay, năm 2013? Kiến nghị, thỉnh nguyện, lên tiếng, góp ý ào ạt được tung ra, như bươm bướm. Có người có vẻ như đi tù. Nhưng đi tù mà trả lời phóng viên RFA qua điện thoại di động, đi tù mà đưa hình ảnh đám cưới bản thân lên mạng lưới. Nhất là không thấy ai đi tù mà phải dùng trang phục theo mốt Trần Xuân Ninh! Đã nói rồi, tất nhiên không phải công an cộng sản bỗng nhiên hoá thành “tử tế“ mà được như vậy đâu, Trời Đất ạ.
Tôi không hề có ý định phê phán anh bạn đồng nghiệp Nguyễn Quí Khoáng. Tôi không đến nỗi quá dại dột như vậy. Tôi chỉ muốn nói rằng năm 2013 này, Việt cộng không còn khả năng nhốt chặt giam chặt đồng bào quốc nội trong bầu không khí khủng bố đỏ nữa. Nếu năm 1977 chẳng hạn, người dân Việt Nam chỉ có mỗi tâm trạng trốn chạy, đào thoát thì năm 2013 này, họ chấp nhận ở lại. Ấy, người dân Đông Đức cũng từng hành xử như thế. Thoạt tiên họ chỉ nhằm nhằm vượt bức tường Berlin nhưng cuối cùng, họ bảo Wir bleiben hier,Chúng tôi ở lại đây. Chúng tôi ở lại trên lãnh thổ Đông Đức để đấu tranh giành tự do dân chủ cho toàn dân Đức.
Đồng bào quốc nội hẳn cũng muốn sống như người dân Đông Đức cũ hiện nay đang sống. Muốn được vậy, rõ ràng sau khi ký – mà chẳng chết ai đâu, chớ lo – thì phải làm nhiều chuyện khác.