I. Diễn-đàn Chữ Nghĩa
Trong một dịp tình cờ tôi mới được biết có diễn-đàn này cách đây hơn hai tuần trong khi tiếng súng khai hỏa thật sự đã được châm ngòi từ mấy tháng trước qua bài ‘Câu văn thất nghĩa’ của Gs Nguyễn Ngọc Phách đăng trong tờ báo Việt Luận Xuân Mậu Dần 1998. Để có được biết được đầu đuôi câu chuyện tôi đã tìm đọc lại tất cả những bài viết và ý kiến độc giả liên hệ đăng trên các tờ báo Việt-Luận, Việt-Nam Thời Nay, Ti-vi Tuần-san, và TV Victoria. Tôi được biết diễn đàn khá sôi nổi này có sự tham-gia của các nhà văn, nhà báo, nhà giáo mà tên tuổi họ trong làng báo Việt-ngữ tại Úc không mấy xa lạ gì với chúng ta. Theo những người biết chuyện thì trong số các vị này có vị viết bài dưới bút hiệu khác nhau. Người ta thấy có tác-giả Nguyễn Ngọc Phách, Ngụy Lão, Thường Đức, Nguyễn Lương Triều, Đào Phụ Hồ, Hữu Nguyên, Võ Thanh Liêm, Hoàng Chí Hải, Lão Ngoan Đồng và Nguyễn Tư cho dù là ông Nguyễn Tư không trực-tiếp tham-gia vào diễn-đàn nói trên.
Chung chung mà nói có được diễn-đàn bàn về nghệ-thuật phiên-dịch và bàn về tính-chất trong sáng của tiếng Việt cho mục-đích thông-tin phục -vụ cộng-đồng Việt-Nam tại hải-ngoại là một điều đáng mừng. Thật sự thì những cuộc bàn cãi, tranh cãi về chữ nghĩa thì ở đâu và thời nào cũng có. Ngay ở Úc, trước đây chúng ta cũng đã đọc thấy rải rác trên báo chí Việt-ngữ thỉnh thoảng lại có ý kiến độc-giả bàn về cách dùng chữ dịch từ. Ở Mỹ, cách đây khoảng hơn hai năm (từ tháng 8-95 tới tháng Giêng 97) trên tờ Nguyệt san Thế kỷ 21 xuất-bản tại Garden Grove, miền Nam California, cũng đã có một cuộc tranh-luận dằng dai về ‘chữ và nghĩa’ kéo dài cả sáu tháng trời. Bắt đầu từ năm ngoái, trên tờ Tuần báo Thời Báo xuất-bản tại Oakland, gần San Francisco, miền Bắc California, thường xuyên có mục “Dùng Từ dùng Chữ cho Đúng’ của Giáo-sư Nguyễn Đình-Hòa, trong đó tác-giả đưa ra những nhận-xét, phê-bình dựa trên những điều nghe thấy và đọc được qua báo-chí Việt-ngữ và chương-trình phát thanh, truyền-hình tiếng Việt. Còn ở Anh, qua Đài BBC Luân-đôn, chương-trình phát-thanh Việt-ngữ, theo chỗ tôi được biết, ít ra trong thời-kỳ tôi còn làm việc ở đó hồi đầu thập-niên 80, thì trong Ban Việt-ngữ thường xuyên và liên-tục có những nhận-xét, phê-bình lẫn nhau, lúc thì nhẹ nhàng lúc thì gay gắt, về vấn-đề dịch-thuật, vấn-đề dùng từ dùng chữ và cũng là nguyên-nhân gây mối bất hòa, gây bầu không-khí không mấy thân-thiện cởi mở, giữa đồng-nghiệp với nhau. Tôi cũng sẽ rất lấy làm lạ nếu có ai cho tôi biết là không hề có những lời nhận-xét, phê-bình giữa đồng-nghiệp với nhau hoặc của thính-giả gọi đến, gửi đến, hoặc nhắn gửi đến cho Chương-trình Việt-ngữ của Đài SBS về các vấn-đề tương-tự.
Nói tóm lại, diễn-đàn hoặc nói rõ hơn là những nhận-xét, phê-bình về chuyện chữ nghĩa, dịch-thuật là chuyện nên có. Lợi-điểm là ở chỗ nó giúp cho những người làm công-tác phiên-dịch, phát thanh và viết lách, phải luôn luôn thức-tỉnh, cảnh-tỉnh, thận-trọng hơn trong lúc làm việc. Tuy nhiên, thành-quả của diễn-đàn tự-do này gặt hái được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thái-độ cao-ngạo hay khiêm-tốn của người phê-bình và thái-độ phục-thiện hoặc ngoan-cố của người bị chỉ-trích, phê-bình. Theo văn-hóa Á-đông nói chung, hay văn-hóa Việt-nam nói riêng, chúng ta đặt nặng vấn-đề ‘mất mặt’, và khi ai làm cho ta bị ‘mất mặt’ thì ta rất khó chấp nhận được ý kiến của kẻ tấn-công mình cho dù thế nào đi nữa. Và rồi ta tìm cách phản-công lại dưới hình-thức này hay hình-thức khác, dễ gây mối bất-hòa. Với tôi, vì chủ-trương ‘dĩ hòa vi quí’, ‘thêm bạn bớt thù’, tôi nghĩ rằng mục-đích của người phê-bình là xây-dựng cộng-đồng, truyền-bá điều hiểu biết của mình đến đại đa-số quần-chúng và muốn được lòng cả người nghe, người đọc lẫn người bị chỉ-trích, hay ít ra cũng không chủ-ý làm người bị chỉ-trích phải bực mình, phẫn-nộ. Có điều ta cũng nên nhớ rằng khi bàn về văn-chương chữ nghĩa hay vấn-đề phiên-dịch ta thường chỉ bàn về tính-cách tương-đối của đề-tài, khác với toán-học ta có thể bàn về tính cách tuyệt-đối như một cộng một là hai (1+1 = 2). Chúng ta cũng đừng quên rằng khi bàn đề-tài loại này ta có thể dễ mắc phải căn-bệnh chủ-quan mà vô-tình phạm-phải lầm lỗi. Ai trong chúng ta lại không biết câu nói trong văn-chương bình-dân Việt-nam ‘văn mình vợ người’. Tầu thì họ nói là “không thấy sân nhà mình đầy rác mà chỉ thấy mái nhà hàng xóm đầy tuyết phủ’. Tây thì cũng đại loại nói là ‘bên này dẫy núi Pyrénées là chân-lý, bên kia là sai lầm’, còn về chuyện dịch thì tiếng La-tinh đã có câu “dịch là phản dịch’.
II. Khuôn vàng thước ngọc
Nhiều người trong chúng ta có lúc phải tự hỏi đâu là ‘khuôn vàng thước ngọc’ cho việc phiên-dịch? Tôi đã so sánh tính-cách tương-đối và tuyệt-đối giữa văn-chương và toán-học để gián-tiếp trả lời câu hỏi vừa nêu. Toán-học dựa trên định-đề, chẳng hạn như định-đề Euclid trong phạm-trù hình-học mặt phẳng là một sự-kiện hiển-nhiên, không cần phải chứng-minh, ai cũng thấy và cũng đồng-ý như vậy cả. Nếu đồng ý định-đề ấy thì mọi giải-thích chi-tiết dựa trên định-đề ấy sẽ hợp lý. Nói khác đi, ta phải đồng ý trước hết ở một cấp-độ cao hơn, tổng-quát hơn. Về vấn-đề phiên-dịch, để dễ cho việc bàn thảo tôi xin được giới-hạn đề-tài trong phạm-vi phiên-dịch thông-tin cộng-đồng, mà thật sự cũng là đề-tài dịch-thuật được nêu ra trên diễn-đàn. Vậy thì liệu ta có thể có một cái gì đại loại như định-đề toán-học hay không? Liệu chúng ta có thể đồng ý trên căn-bản tổng-quát hay không? Nếu đồng ý với nhau trên nguyên-tắc chung, thì chúng ta sẽ dễ đồng ý hơn khi bàn về những tiểu-tiết dựa trên nguyên-tắc chung đó và do đó giảm bớt được những sự tranh-cãi, có khi đi đến chỗ mạt sát nhau. Vậy thì nguyên-tắc chung đó là gì?
A. Nguyên tắc chung
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin được nói thêm một chút là người phiên-dịch-viên, trước khi bắt tay vào việc, phải tự hỏi rằng:
(1) Tài-liệu này dịch ra với mục đích gì?
(2) Dịch cho ai và họ hiểu được đến đâu?
Nói khác đi là phải để ý đến mục-đích, đối-tượng của tài-liệu mình phiên-dịch và trình-độ văn-hóa, kiến-thức ngôn-ngữ của thính-giả và độc-giả.
Một khi xác-định được các điểm trên, tức là đã xác-định được nguyên-tắc chung của công-tác mình phải làm, và từ đó suy-luận ra để giải-quyết các tiểu-tiết này dựa trên nguyên-tắc chung đó. Trở lại với vấn-đề của chúng ta là vấn-đề phiên-dịch thông-tin cộng-đồng thì thường mục-đích tài-liệu là quảng-bá thông-tin cho những người trong cộng-đồng Việt-Nam tại Úc.
Đối-tượng của tài-liệu là những thành-viên trong cộng-đồng người Việt, có vốn liếng tiếng Anh còn ít ỏi, chưa thể đọc hiểu báo chí, nghe hiểu đài phát thanh, hoặc truyền hình Úc được. Về trình-độ văn-hóa và kiến-thức về ngôn-ngữ của những người trong cộng-đồng này thì ta có thể nói đa-số là có trình-độ cấp trung-tiểu học, đã quen thuộc với ngôn-từ dùng trước hoặc sau 1975 vì họ đã sống tại cả hai miền Nam Bắc hoặc đã tiếp-xúc với nhau bằng cách này hay cách khác.
Các điểm tôi vừa nêu ra về mục-đích, đối-tượng, văn-hóa và ngôn-ngữ là mình vừa đặt được một nguyên-tắc chung và với nhận-thức thông-thường ta dễ đồng-ý với nguyên -tắc chung đó. Khi đã đồng-ý với nguyên-tắc chung đó thì các vấn-đề sau đây sẽ được đặt ra.
B. Tiêu chuẩn chung
Trước tiên và trước nhất là ngôn từ, văn phong sử dụng khi phiên dịch phải đạt được những tiêu chuẩn:
(1) dễ hiểu,
(2) ngắn gọn,
(3) chính-xác,
(4) tự-nhiên.
Những tiêu-chuẩn chung tôi đặt ra cho việc dịch thông-tin quảng-bá cho cộng-đồng chỉ là cái nhận thức thông thường, chỉ là cái “common sense”. Nếu ta dựa vào những tiêu-chuẩn chung ấy ta sẽ bớt đi được những sự tranh cãi vô ích khi đi vào chi-tiết, mà những sự tranh cãi vô ích này có thể dễ là mầm mống gây bất hòa. Nhưng nói thế, tôi cũng không cứng nhắc trong quan-điểm của mình khi nói thêm rằng: “không phải lúc nào người phiên-dịch cũng có thể đạt được tất cả những tiêu-chuẩn đó, nên phải tuỳ theo tầm quan-trọng của mục-đích tài-liệu mà có thể phải đặt tiêu-chuẩn này ưu-tiên hơn tiêu-chuẩn kia”. Để dịch những từ-ngữ mà mình nghĩ là số đông không hiểu hoặc hiểu lầm thì mình có thể phải mở ngoặc và giải-thích liền, mặc dù trong bản gốc tiếng Anh không có lời giải-thích đó. Trường-hợp có thể bị hiểu lầm từ nghĩa này sang nghĩa khác thì nên chọn một từ khác để tránh sự hiểu lầm, vì một từ có thể bị hiểu sang hai ba nghĩa khác nhau. Nói khác đi là có khi tiêu-chuẩn “chính-xác” phải nhường bớt chỗ cho tiêu-chuẩn “ngắn gọn”, hoặc tiêu-chuẩn “tự-nhiên” phải nhường bớt chỗ cho tiêu-chuẩn “chính xác”’ v…v… Khi nói “ngắn gọn” tôi không câu nệ là lúc nào cũng phải ngắn gọn, khi cần phải giải-thích vì mục-đích tài-liệu đòi hỏi, ta có khi cũng phải nói dông dài.
Với những ý kiến trên trên tôi xin trở lại bàn về đề-nghị dịch cụm từ Constitutional Convention mà Giáo-sư NNP đã đề-nghị dịch là Hội-nghị Hiệp-thương Chính-trị Toàn quốc (hay Toàn Úc), tất nhiên ông cũng không câu nệ cho rằng đây là cách dịch duy nhất, bắt buộc. Tôi xin lần lượt nhận-xét từng tiêu-chuẩn đề ra là dễ hiểu, ngắn gọn, chính xác, tự nhiên để bàn về đề-nghị này.
Vậy thì cụm từ Hội-nghị Hiệp-thương Chính-trị Toàn quốc (hay Toàn Úc) có dễ hiểu không? Thưa rằng ‘ không’. Có ngắn gọn không? ‘Không’. Có chính xác không? ‘ Không’. Có tự nhiên không? Thưa rằng ‘có’, tự nhiên tức là nghe ra văn tiếng Việt, chứ không phải là văn dịch.
Không dể hiểu vì ‘hiệp-thương’ và ‘chính-trị’ dễ bị hiểu lầm. Độc-giả, thính-giả tại đây dễ nghĩ ngay tới là ‘hội-nghị bàn về vấn-đề thương-mại’ và ‘chính-trị’ là ‘hội-nghị bàn về vấn-đề chính-trị’. Đành rằng là ta có thể lập luận là chữ ‘hiệp-thương’ đã được dùng trong các phương-tiện truyền-thông Cộng-sản để bàn về ‘hội-nghị hiệp-thương chính-trị’ hơn 20 năm trước đây. Tuy nhiên, trong thành-phần cộng-đồng sống tại đây, có mấy ai nhớ được ‘hiệp-thương’ trong nghĩa đó hay không. Đó là vấn-đề mà người dịch cần nghĩ tới. ‘Chính-trị’ cũng dễ bị hiểu lầm vì đó là một đề-tài quá rộng, làm cho người ta dễ liên-tưởng đến ‘chính-trị đảng-phái’. Thật-sự ra hội-nghị này chỉ có tính-cách bàn về vấn-đề liên-quan tới hiến-pháp, và những người đại-biểu tới tham-dự hội-nghị là những người được dân chúng bầu ra, không nhất thiết đại-diện quan-điểm của các đảng-phái chính-trị mà có thể chỉ là những người hoặc là bênh-vực cho việc duy trì thể-chế quân-chủ hoặc là thay đổi thể-chế quân-chủ thành thể-chế cộng-hòa. Và như dựa vào nguyên-tắc nêu trên thì đây đã phạm vào tiêu-chuẩn không dễ hiểu, gây hiểu lầm và như thế là không chính-xác. Còn về ngắn gọn thì hiển nhiên là không. Vì trong tiếng Anh chỉ có hai từ Constitutional Convention nhưng tiếng Việt có đến bốn từ ghép ‘Hội-nghị’, ‘Hiệp-thương’, ‘Chính-trị’, ‘Toàn-quốc’. Thêm nữa, dịch-giả dùng ‘Hội-nghị’ và ‘Toàn-quốc’, ta có thể thu gọn lại bằng từ ‘Đại-hội’.
Tại sao khi dịch Constitutional Convention là ‘Hội-nghị Hiến-pháp’ lại không thể được? Lý do đã được đưa ra trên diễn-đàn là hiến-pháp không thấy được dùng như là tính-từ. Về phương-diện ngôn-ngữ mà nói thì tiếng Việt ta thường không có những dấu hiệu tự-tại trong một từ để cho ta biết được từ đó là tính-từ hay danh-từ, khác với các ngôn-ngữ Ấn-Âu. Nhưng vị-trí của từ cũng có thể cho ta biết được tự-loại của từ ấy. Thí-dụ khi nói về chính-trị hay bàn về chính-trị thì chính-trị là danh-từ. Nhưng khi nói về lập-trường chính-trị thì chính-trị là tính-từ. Trong ‘Hội-nghị Hiến-pháp’ mặc dù không có dấu hiệu bề mặt gắn liền với từ đó như trong tiếng Anh. Và như Ông Đào Phụ Hồ đã nói có thể trong tiếng Anh họ chủ ý không muốn nói rõ hết trong đề tựa Constitutional Convention thì mình cũng không cần phải dịch nó cho thật rõ.
Nếu ta đồng ý với ý kiến đó thì cách dịch ‘Hội-nghị Hiến-pháp’ hay ‘Hội-nghị về Hiến-pháp’ hoặc ‘Hội-nghị bàn về Hiến-pháp’ càng dễ được chấp-thuận hơn. Tất-nhiên một bài viết về một đề-tài như vậy thì sẽ được giải-thích, hoặc giả nếu không được giải-thích thì ta có thể mở ngoặc giải-thích ngay cho độc-giả của mình. Về mặt lý-thuyết phiên-dịch thì dịch từ-ngữ mới là ‘Hội-nghị Hiến-pháp’ có thể chấp-nhận được, tương-tự như ta đã dịch European Economic Community là ‘Cộng-đồng Kinh-tế Âu-châu’ (hay Châu Âu) hoặc European Union mới đây được dịch là ‘Liên-hiệp Châu Âu’, tức là dịch thẳng từng chữ, từng từ, có thay đổi chăng là xếp cho nó đúng vị-trí từ-ngữ, cú-pháp tiếng Việt. Đây chỉ là một kiểu, một cách chọn lựa khi dịch mà trong thuật-từ chuyên môn quốc-tế người ta gọi là calque hay là through translation , tạm gọi là ‘dịch sát nghĩa’.
Nhưng không phải luôn luôn mình có thể dịch sát nghĩa được mà có khi mình phải ‘dịch thoát nghĩa’ bằng cách hoặc là mô-tả tính-chất sự vật, sự kiện hoặc nhiệm-vụ, chức-năng của tổ-chức, cơ-quan. Thí dụ như danh-từ computer đã được dịch ra là ‘máy điện toán’, ‘máy điện não’, ‘máy vi tính’. Nhưng thử hỏi cụm từ Rape Centre như ở Úc đây, liệu ta có thể dùng cách dịch sát nghĩa thành ‘Trung-tâm Hiếp-dâm’ được không, như Gs NNP đã có lần đề nghị giễu cợt đám sinh viên học ‘mắc dzịch’, hay phải dùng cách giảng-giải chức-năng để dịch thành ‘Trung-tâm chuyên lo cho nạn-nhân của những vụ hiếp-dâm’ hoặc ‘Trung-tâm săn-sóc cho phụ-nữ, trẻ em bị hiếp-dâm’ tùy theo nhiệm-vụ chức-năng của Trung-tâm mà mô-tả.
C. Dùng từ dùng chữ có sẵn
Nhân đây tôi cũng xin được nêu thêm một ý kiến là đi tìm những từ, những chữ có sẵn trong tiếng Việt để dùng khi dịch sang tiếng Anh. Đây là một việc đáng làm. Tuy nhiên, cần phải chú-ý xem từ-ngữ ấy có quá cổ đến độ những đối-tượng độc-giả thính-giả hiện nay không còn hiểu được ý-nghĩa nguyên-thủy của nó mà hiểu lầm sang ý nghĩa khác hay không. Trong khi đó có những từ tuy là mới được dịch ra nhưng đã được luân-lưu trong cộng-đồng và đã được hiểu theo như đúng theo nghĩa tiếng Anh của nó thì việc đi lùng tìm một từ-ngữ khác chỉ là việc tuy cũng tốt nhưng chỉ là việc làm thứ yếu. Thí dụ như là việc chọn lựa từ Khâm-sai hay Khâm-sai Đại-thần và Tổng Toàn-quyền để dịch từ Governor-General , hoặc chọn cụm từ Bộ Quan-hệ Lao-tư và Bộ Quan-hệ Kỹ-nghệ để dịch cụm-từ Department of Industrial Relations.
Nói về từ đã được luân-lưu và nhiều người biết trong tiếng Việt, ta nhận thấy thường là tiếng Việt-Nôm, hay thuần Việt, nhưng không nhất thiết phải là tiếng Việt-Nôm, mà có khi là từ Hán-Việt đã được dùng thông-dụng, mà người nghe người đọc đã có được khái-niệm, và hình-ảnh rõ ràng như trong trường-hợp cụm từ Hán-Việt phi-cơ trực-thăng và cụm từ Việt-Nôm hay Việt-Việt máy bay lên thẳng. Vậy, Hán-Việt, Việt-Nôm đều được miễn là phải dễ hiểu. Từ cầu tiêu, cầu tiểu, nhà vệ- sinh hiểu được rồi thì không cần thiết phải đổi ra nhà đái hoặc nhà gì khác mà tôi không tiện nói. Còn nhà hộ- sinh nếu nhiều người đã hiểu được nghĩa của nó là gì rồi thì không cần phải đổi ra là nhà đẻ; hoặc chương- trình hậu-đại-học thành ra chương-trình sau đại-học. Có những từ tiếng Anh, nhưng đã ăn sâu vào tâm-trí người Việt ở nước ngoài như đi shop, bán sale, claim tiền thuế, ăn tiền com-bồ. Tùy theo mục-đích, văn-cảnh mà dùng, chẳng hạn như trong văn nói, văn quảng-cáo. Khi mình biết thính-giả, độc-giả mình là ai và họ hiểu được đến đâu rồi thì mình không nhất thiết phải đổi thành ‘đi chợ’, ‘đi mua sắm’, ‘đi mua đồ’ hay ‘bán hạ giá’, ‘đại hạ giá’, hay ‘đòi tiền thuế’, ‘lấy lại tiền thuế’, ‘ăn tiền bồi thường’, ‘lãnh tiền bồi thường’ vì như thế có khi lại còn tối nghĩa, không đúng nữa là đằng khác.
Trịnh Nhật, PhD
Bổn cũ (13 năm có lẻ) soạn lại
One Comment
PH
Tôi xin có vài ý kiến
Convention = nghị hội
Theo định nghĩa
Convention = A formal meeting of members, representatives, or delegates, as of a political party, fraternal society, profession, or industry.
Ở Mỹ có Democratic National Convention, Republican National Convention, Libertarian Convention, AIAA Convention…
Những người tham dự convention phải là hội viên, đảng viên, thành viên của tổ chức ngành nghề nào đó. Ở VN (bây giờ) chúng ta thường nghe “Đại hội đại biểu toàn quốc”, “Đại hội Phật giáo toàn quốc”. Tôi nghĩ Convention nên dịch là Đại hội. Đây là cách dịch của Trung Quốc.
Hội nghị, tôi nghĩ khác với “Đại hội” vì (1) những người tham dự hội nghị không thuộc một đảng, một hội ái hữu, một ngành ghề (2) Hội nghị, khác với đại hội, chỉ xảy ra một lần, không tái tục. Chúng ta thường nghe “Hội nghị Genève” (Geneva Conference) “Hội nghị Ba Lê” (Paris Peace Conference). Tôi nghĩ Hội nghị nên dành để dịch Conference.
Constitutional = hiến pháp
Đồng ý Constitutional là hiến pháp, như constitutional law = luật hiến pháp, constitutional amendment = tu chính hiến pháp, nhưng trong ngữ cảnh constitutional convention có nghĩa đặc biệc (trong lịch sử Hoa Kỳ và những nước khác): những đại biểu họp lại để soạn thảo hiến pháp mới. Chúng ta đã nghe “Quốc hội lập hiến” (constitutional congress), “quân chủ lập hiến” (constitutional monarchy), “quyền lập hiến” ( constitutional right) nên ta có thể dịch
Constitutional convention = đại hội lập hiến
Đây cũng là cách dịch của Trung Quốc. Nếu Anh TN gõ vào Google “đại hội lập hiến” sẽ thấy chữ này đã được dùng để dịch “Constitutional convention”.
PH.