Cộng sản tàn ác, thâm hiểm, đểu cáng. Vì vậy phải chống nó. Chừng nào còn cộng sản thì còn phải chống. Chống một cách tự nhiên. Không thể bảo rằng cải cách ruộng đất, thảm sát Mậu thân, tù đày khổ sai, đánh tư sản mại bản v.v..đã thuộc về quá khứ; giờ chẳng cần nhắc nhở nữa. Và nên để cho những con người lịch sử dính dáng đến các tội phạm lịch sử ngủ yên với lịch sử.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và bà Tống Lệ Dung năm 1937
Suy nghĩ như thế tỏ ra nông cạn, hời hợt; nếu không là thiên cộng, theo cộng. Biết bao nhiêu trí thức đã tiếp tay cho tội ác các đảng cộng sản. Lẽ ra, sau khi chế độ cộng sản cáo chung ở châu Âu, phải không còn đầu óc bình thường nào thuộc cộng đồng người Việt lưu vong đi theo cộng sản nữa, một khi đã học được bài học lịch sử nhãn tiền.
Nhưng thực tế trái ngược hẳn. Có kẻ đào tẩu trối chết tháng tư 75 sang được Mỹ bây giờ quay trở lại Hànội cùng bầy cộng nô hát bài hát của Phạm Tuyên. Có kẻ no cơm rững mỡ trên đất Hoa Kỳ bỗng dưng cho đăng bài báo tán dương cộng phỉ, mạ lỵ chế độ quốc gia, bêu riếu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà để rồi có người hết sức vận dụng kiến thức luật học nhằm bênh vực cho hành động đốn mạt đó. Các thành phần dân tộc vừa kể đang sống đoạn đời chống đối, phá hoại ngày nào của những Jane Fonda, Simone de Beauvoir. Nhưng nếu Jane Fonda đã tự thú trong My life so far (2003): All of us were deceived; nhưng nếu Simone de Beauvoir đã cảm thán trong Mémoires d’une jeune fille rangée (1958): J’ai été flouée thì có một số những kẻ gọi là có học (có thể là trí thức) người Việt vẫn đang dốc lòng dốc sức làm lợi cho Việt cộng. Họ chưa sống đến thời điểm để mà nhìn trở lại và thấy là mình deceived, mình floué. Họ rất cần một bài học. Bài học đó, nhân vật lịch sử Nguyễn Mạnh Tường có thể cung cấp miễn phí cho họ.
Xã hội lạc hậu và bán khai Việt Nam những năm đầu thập niên 30 thế kỷ trước đã vô hình trung tạo nên một vầng hào quang giả tạo xung quanh tên họ Nguyễn Mạnh Tường.
Ai đi học thì cũng lên lớp, ai lên lớp thì cũng đi thi, ai đi thi thì cũng có bằng. Ông Nguyễn Mạnh Tường học tiếng Pháp từ thuở ấu thơ, hết trường Paul Bert đến trường Albert Sarraut. Ông đỗ Tú tài Pháp. Ông tiếp tục sang Pháp học Đại học. Theo đuổi đủ học trình, ông tốt nghiệp. Tập quán Đại học đòi hỏi ông phải trình thèse. Ông trình luận án về luật Hồng Đức để lấy tiến sĩ luật. Ông trình luận án về nước Annam trong văn chương Pháp để lấy tiến sĩ văn chương(1). Đầu đề (hay các đầu đề) luận án tiến sĩ văn chương của ông Tường không gây được ấn tượng mới lạ, bổ ích khi đọc chúng. Nhưng đầu đề luận án tiến sĩ luật khoa L’individu dans la vieille cité annamite. Essai de synthèse sur le Code des Lê thì lại khiến tôi thắc mắc, ngạc nhiên. Tôi không tìm được tài liệu hay nhân chứng nào xác quyết rằng người thanh niên 23 tuổi Nguyễn Mạnh Tường là một bậc thâm nho.(2)
Tuy nhiên không phải cứ giỏi chữ Hán là hiểu thấu đáo các danh từ chuyên môn luật học, khoa học để có thể chuyển dịch chúng sang các ngôn ngữ khác một cách chính xác.(3) Đó là về phía thí sinh. Về phía giám khảo thì chẳng lẽ hội đồng giám khảo xét duyệt luận án Nguyễn Mạnh Tường qui tụ toàn những nhà Hán học cự phách người Pháp vào tầm cỡ Paul Démiéville, Étiemble, Paul Schneider? (chư vị này không hề là nhân viên giảng huấn đại học). Trò không biết chữ Hán, thầy không biết chữ Hán mà lại có một công trình học thuật trình bày trước hội đồng khoa học luật học dựa vào một bộ luật chữ Hán để được công nhận học vị tiến sĩ!! Lạ một điều là chẳng ai để ý đến khía cạnh này cả. Trái lại một số người cứ hùa theo nhau mà khen lấy khen để, coi như đây là một kỳ tích, một vĩ nghiệp. Phần tôi thì không rơi vào cái khối người lên đồng tập thể đó. Tôi chỉ chấp nhận rằng đây là một bí mật của Trường Đại học Luật khoa Montpellier!!
Trong số những người ngưỡng mộ ông Nguyễn Mạnh Tường qua tư cách “lưỡng khoa tiến sĩ“, không hề có bất cứ ai nêu ra được một hoặc vài khía cạnh độc đáo, mới lạ, có giá trị, sensationnels của hai/ba luận án mà ông là chủ nhân. Vọng ngoại, mặc cảm khiến người ta không còn ý thức trong nhận thức. Người ta khen theo phản xạ dây chuyền. Trong khi đó thì công trình nhằm đạt học vị cao nhất ở bậc đại học của ông Nguyễn Mạnh Tường liên quan đến văn học “An nam“ từng khiến thầy trò Dương Quảng Hàm-Nguyễn Hiến Lê phải nhỏ lệ và ông “nghè“ họ Nguyễn đã bị Nguyễn Hiến Lê cùng nhóm bạn đồng học “ghét lây“ (4). Có thể nói mà không sợ sai là cả hai/ba luận án Nguyễn Mạnh Tường hầu như không hề bước ra khỏi tủ sách thư viện hai trường đại học luật khoa và văn khoa Montpellier(5).
Đỗ đạt xong ông Nguyễn Mạnh Tường về nước. Nhưng rồi ông lại ra đi. Ông sang châu Âu những năm từ 1932 đến 1936 để du lịch và nghiên cứu. Ông ngừng chân ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Dẫu vậy ông Tường không hề biết đến.
1) chuyến đi Liên Xô của Gide năm 1936 với hai tác phẩm Retour de l’URSS và Retouches à mon Retour de l’URSS;
2) năm 1933 André Breton bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Pháp và bị tống xuất ra khỏi AEAR (Association des Écrivains et Artistes Révolutionnaires), một công cụ ngoại vi của đảng cộng sản Pháp;
3) Paul Éluard vào đảng cộng sản Pháp năm 1927 để bỏ đảng năm 1933,
4) Arthur Koestler vào đảng cộng sản Đức năm 1932 để bỏ đảng năm 1938;
5) tham gia Đại hội Văn học ở Mạc Tư Khoa mùa hè 1934, André Malraux đập thẳng thừng nhà văn Nga Nikoulin vì chủ trương quản lý tư tưởng của tên bồi bút cộng sản. Ngoài ra, trước đó không lâu, Mayakovski tự tử bằng một phát súng lục bắn thẳng vào tim năm 1930.
Không biết đến loi de vérité của Gide, không biết đến amour de la vérité của Malraux nên lưỡng khoa tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường cúc cung tận tụy phục vụ chế độ tàn bạo cộng sản Bắc Việt qua hành động và ngôn ngữ dẫm nát chân lý, xuyên tạc sự thực nhằm vu cáo chế độ Việt Nam Cộng Hoà tại Hội nghị Luật gia Dân chủ ở Bruxelles tháng 5 năm 1956.
Trong cuốn tự truyện viết bằng tiếng Pháp Un Excommunié, Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Kẻ bị mất phép thông công, Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức), do Quê Mẹ xuất bản năm 1992 tại Paris, và căn cứ vào bản dịch của Nguyễn Quốc Vĩ, chúng ta được biết luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lợi dụng diễn đàn của Hội Luật gia Dân chủ ở Bỉ để một mặt xấc xược lăng mạ chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, mặt khác, trắng trợn vu khống chế độ quốc gia. Ông Tường cho rằng chính Miền Nam đã gây ra cảnh chia đôi đất nước, tạo nên nỗi đau đứt ruột cho nhiều gia đình bị phân ly. Ông kết án chế độ quốc gia đã cho tàu tuần cao tốc bắn chết những người yêu chuộng tự do tìm cách vượt sông Bến Hải để sang bên kia bờ vỹ tuyến 17 nhằm đặt chân vào thiên đường xã hội chủ nghĩa của ông. Ông tố cáo nền công lý tự do dân chủ đã sử dụng máy chém hành hình hàng loạt những công dân vô tội đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Và ông vận dụng tài năng hùng biện để công khai cổ xúy chiến tranh Nam-Bắc, ông sử dụng xàm ngôn xảo ngữ để hô hào xâm lược Việt Nam Cộng Hoà.
Tri thức của ông Tường nghèo nàn đến nỗi ông không biết là ngoại trưởng Trần Văn Đỗ đã không chịu ký vào mớ giấy lộn mệnh danh là Hiệp định Genève, thính giác ông hạn chế đến nỗi ông không hề nghe vang vọng tiếng sáo Võ Thành Minh bên bờ hồ Léman. Nhãn quan ông thiển cận đến nỗi ông không hiểu được điều sơ đẳng mà một em bé học trò tiểu học cũng biết : không hề có một người dân Tây Đức nào liều chết vượt tường sang Đông Đức, chẳng làm gì có một công dân Nam Hàn nào thí mạng vượt vùng phi quân sự để lọt vào lãnh thổ Bắc Hàn. Mà chỉ có ngược lại, chỉ có ngược lại, chỉ có ngược lại mà thôi.
Nạn nhân trên sóng nước Bến Hải là nhà thơ nhà văn Vũ Anh Khanh, tác giả Tha la xóm đạo, bị những tên đồng loã khốn nạn của ông Nguyễn Mạnh Tường tàn sát trên đường vuợt tuyến. Cái máy chém của ông Nguyễn Mạnh Tường quả có một nạn nhân, đó là Ba Cụt, nhưng nạn nhân này không hề chết vì đấu tranh đòi thống nhất đất nước. Ăn nói hàm hồ, lập luận xảo trá, ông Nguyễn Mạnh Tường vì quá sợ không biết “phải ăn nói ra sao với lãnh đạo đây?“(sic!) nên đã tự bán đứng nhân cách. Hơn nữa, qua những lời hoa ngôn điêu ngữ gian dối hô hào chiến tranh Nam-Bắc, ông đã góp phần trực tiếp vào những vụ tận diệt lương dân Tết Mậu Thân, thảm sát trẻ thơ ở Cai Lậy và ngay cả vụ Mỹ Lai nữa. Riêng đối với vợ con, ông Nguyễn Mạnh Tường, qua cung cách ứng xử của bản thân, đã mang tội lớn gây cho họ cảnh sống dở chết dở khiến tiểu gia đình của ông mất hết khả năng chống đối, chỉ còn sức tàn chống đói.
Người ta phục ông Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường nói tiếng Pháp cừ khôi, diễn thuyết không cần giấy tờ ghi chép, cứ hai tay đút túi quần thao thao bất tuyệt trong khi Tây Đầm cắm cúi ghi. Ngày nay biết bao nhiêu người Việt Nam có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức v.v..”à la Nguyễn Mạnh Tường”! Tôi cũng có thể nói cho công chúng Đức nghe, tôi cũng có thể giảng cho bác sĩ Đức hiểu theo cung cách Nguyễn Mạnh Tường. Bởi vì vốn dĩ thần tượng giảng huấn của tôi là nhị vị giáo sư Paul Hagenmuller và Nguyễn Hữu. Mà chắc ông Tường không phụ trách trình bày về đông y bằng Đức ngữ như tôi!
Sau cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Mạnh Tường vì lên tiếng về luật lệ nên bị thất sủng và bị đoạ đày. Người ta bảo ông đã đánh vào xương tủy của chế độ độc tài đảng trị. Sau 1975, tôi cũng từng đập thẳng vào hệ thống lý luận khoa học của miền Bắc qua cuốn Đông y xybécnêtíc do Trương Thìn in (và Trương Thìn cũng biết là tôi đập!). Tôi từng phang túi bụi học thuyết Pavlov, tôi từng hết tay đả phá lý luận Lyssenko, tôi từng thẳng thừng vạch rõ Kim Bong Han là bịp bợm và tôi làm những việc này một cách công khai, trước mặt Ban Tuyến huấn Thành ủy Sàigòn. Đến nỗi giới chức lãnh đạo thành Hồ phải mời tiến sĩ Phan Phải từ Hà nội vào giải thích cho họ về học thuyết di truyền hiện đại, đồng thời đưa ông tiến sĩ tốt nghiệp ở Liên Xô lên cả tivi nói chuyện cùng quần chúng6. Thế nhưng tôi đâu có bị cộng sản trù dập; trái lại, vào một ngày đẹp trời, cộng sản để cho tôi cùng gia đình năm người thơ thới lên máy bay rời nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tường kể xấu, kể tội cộng sản. Đó có thể xem là việc của riêng ông. Ân thì đền, oán thì trả. Người quốc gia chân chính có trình độ cần/nên nhìn ông một cách chín chắn. Mực thước khen ngợi Ông trong một số vấn đề nhưng không nhẹ dạ khen ngợi những điều chẳng có gì đáng để khen ngợi. Khi ông Nguyễn Mạnh Tường lên tiếng sau cải cách ruộng đất thì chúng ta ghi nhận lòng can đảm của ông. Khi ông tường thuật những hành động tàn nhẫn của cộng sản đối với bản thân ông và gia đình, chúng ta hoan nghênh ông.
Nhưng khi ông hồ đồ buộc tội chính quyền quốc gia thì chúng ta phải chỉ ra rằng ông sai trái. Trong vấn đề này người cộng sản tỏ ra sắc sảo, nhạy bén, lợi hại – và thủ đoạn – hơn hẳn người quốc gia khi cái quan định luận về Nguyễn Mạnh Tường (7). Trên Wikipedia phần tiếng Việt – rõ ràng là do những người cộng sản trình bày – chỉ thấy ghi nhận rằng ông Nguyễn Mạnh Tường đã hai lần tham dự các hội nghị quốc tế vào năm 1952; lần thứ nhất ở Bắc Kinh (Hội nghị Bảo vệ Hoà bình Châu Á-Thái Bình Dương) và lần thứ hai, ba tháng sau, ở Vienne (Đại hội Hoà bình Thế giới). Kẻ thù của chúng ta đã thấy rõ tội ác mà ông Nguyễn Mạnh Tường từng trót phạm đối với tổ quốc dân tộc tại Hội nghị Luật gia Dân chủ Bruxelles năm 1956 và chúng đã bắt đầu tẩy xoá những bằng chứng tội phạm; song song với vô số biện pháp khác cùng chiều hướng và mục đích như áp lực bắt đục bỏ bia tỵ nạn ở một số nước Đông Nam Á, lưu manh xuyên tạc vụ thảm sát Mậu Thân v.v..
Trên thế giới có rất nhiều người đã từng hăng hái thu thập những kiến thức về chủ nghĩa xã hội, đã từng đam mê nghiên cứu học thuyết Marx-Lénine, đã từng đề cao, tán dương, tin tưởng thiên đường cộng sản. Nhưng độc lập trong đường hướng và phương pháp tư duy, không mảy may lệ thuộc vào hành trang tri thức đã gom góp; họ, những người đáng kính đó, ở một khúc ngoặt của cuộc đời trí thức, đã can đảm đoạn tuyệt với đảng cộng sản, đã hạ bệ không thương tiếc thần tượng cũ. Và tích cực hơn nữa, họ dấn thân bênh vực các nạn nhân của độc tài đảng trị, họ đả kích kịch liệt chủ nghĩa Satan-Mephisto. Qua tư cách là những người có văn hoá, có dũng khí, có trí tuệ; họ đã sáng tác những áng văn chương sau khi phản tỉnh đáng được xem là những tác phẩm văn học lớn. Họ là André Gide, George Orwell, Vladimir Vladimirovitsh Mayakovski, Jean Paul Sartre, Roger Vailland, Roger Garaudy, André Breton, Marguerite Duras, Arthur Koestler, Paul Éluard, Gy’rgy Lukács, André Malraux, Henri Miller, Cesare Pavese, Charles Péguy, Theodor Plievier, Francis Ponge, John Steinback, Vercors v.v.. Ông Nguyễn Mạnh Tường không thuộc hàng ngũ của những nhân vật lịch sử vừa kể. Khác với họ, hoàn toàn khác với họ, ông chỉ có cái tiểu thông minh tầm thường để thung dung trót lọt học và thi nhưng không hề có cái đại trí tuệ xuất chúng của trí thức, của thiên sứ.
Trong chế độ quốc xã có những bác sĩ trở thành tội đồ của nhân loại vì tiến hành các thử nghiệm phi nhân trên thân thể những người chế độ không ưa, nhất là trên cơ thể người Do thái. Trong chế độ cộng sản Đông Đức cũ, có những bác sĩ IM (inoffizieller Mitarbeiter) cộng tác viên của cơ quan Mật vụ Stasi, chuyên nghề rình mò theo dõi người khác để báo cáo cho công an. Đối với những hạng người này – những hạng người đem kiến thức chuyên môn phục vụ ác quỷ ngạ quỷ – các cơ quan truyền thông báo chí Đức ngữ thường xuyên phổ biến tài liệu về chúng, mặc dầu nước Đức thống nhất đang hưởng qui chế dân chủ tự do; khác với Việt nam, đang có một cộng đồng hải ngoại một sống một chết với cộng sản và một tập thể đồng bào đang ngắc ngoải vật vờ dưới chế độ cộng sản. Do đó không thể không nhắc đến những con người, những hành động phải nhắc đến.
Riêng cá nhân tôi thì chỉ đơn giản xem Luật sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường là một ông Việt cộng.
1. Về đầu đề của luận án văn khoa do ông Nguyễn Mạnh Tường đệ trình, có tài liệu ghi là L’Annam dans la littérature française, Jules Boisières (sic) nhưng cũng có tài liệu ghi là Essai sur la valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset. Jules Boissière (1863-1897) là nhà thơ nhà báo Pháp từng sinh sống ở Bắc Việt thời Pháp thuộc, từng giữ chức phó công sứ, từ trần ở Hà nội; tác giả Fumeurs d’Opium.
2. Nữ sĩ Thụy Khuê – theo Wikipedia tiếng Việt – cho biết ông Tường “học thêm chữ nho và văn chương cổ điển Việt“nhưng chỉ sau khi ông đã đỗ tiến sĩ. Không rõ xuất xứ và mức chính xác của nguồn thông tin này.
3. Các tăng sĩ Phật giáo thường giàu vốn liếng Nho học. Thượng toạ Thích Tâm Ấn cũng vậy. Nhưng trong tập sách Châm cứu của mình, Thượng toạ dịch hai chữ thống kinh là chứng đau các kinh mạch. Thực ra thống kinh là phụ nữ hành kinh đau đớn. Bản dịch Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của Đình Thụ Hoàng Văn Hoè có nhiều chỗ sai lầm, thiếu sót. Nơi tập Ma Chẩn Chuẩn Thằng, dịch giả chuyển hai chữ tòng trị thành “lựa theo mà chữa“. Dịch như thế tỏ ra dịch giả thiếu căn bản về lý luận đông y. Lựa theo cái gì mà chữa? Phép tòng trị của đông y là một trong bốn phép trị liệu căn bản (phản, chính, nghịch, tòng). Tòng trị là bệnh ở gốc thì chữa theo gốc (trị bản), bệnh ở ngọn thì chữa theo ngọn (trị tiêu). Tôi chỉ nêu ra hai ví dụ mà thôi.
4. Nguyễn Hiến Lê.- Thầy học tôi : Cụ Dương Quảng Hàm. Tạp chí Bách Khoa số 1.11.1966. (dẫn theo Ngô Lâm và Quế Kế. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Sự nghiệp, Hình ảnh, Bút tích. Sinnamon Park, Qld 4073, Australia, 2006, tr.121-129).
5. Quốc triều hình luật đã được Raymond Deloustal chuyển dịch sang Pháp ngữ và cho đăng tải trên Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient (B.E.F.E.O.).Hanoi. Tomes 8 (1908), 9 (1909), 10 (1910), 11 (1911), 12 (1912), 13 (1913), 19 (1919), 22 (1922) dưới nhan đề La Justice dans l’Ancien Annam, Traduction et Commentaire du Code des Lê. Năm 1956, dưới sự bảo trợ của Trường Đại học Luật khoa Sàigòn, dịch giả Cao Nãi Quang dịch Quốc triều hình luật sang Việt ngữ.
6. Bên cạnh huyền thoại Nguyễn Mạnh Tường, người cộng sản xây dựng lên nhiều huyền thoại khác trong y học, sinh học. Nhằm chứng tỏ tính ưu việt của nền y khoa xã hội chủ nghĩa, các thầy giáo Đại học Y khoa Hà nội trình bày học thuyết phản xạ của Pavlov theo một nội dung rất độc đáo. Họ chỉ nói vừa phải về phản xạ có điều kiện nhưng họ mở rất rộng học thuyết Pavlov vào lĩnh vực mệnh danh là “thần kinh cao cấp“ qua đó, tạo nên một nhân vật huyền thoại là Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, người tiếp thu Bệnh viện Vì Dân Sàigòn sau 1975, được đổi tên thành Bệnh viện Thống Nhất, chỉ nhận chữa các cán bộ cao cấp trong chế độ cộng sản. Hồi chánh viên Kim Nhật, trong Về “R“ viết như sau về Nguyễn Thiện Thành : “Bác sĩ Nguyễn Minh Nhân, nguyên trong chín năm kháng chiến chống Pháp là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, Quân y viện trưởng Khu 9, rồi Phân Liên khu Miền Tây. Năm 1954 tập kết ra Bắc được đi học Tiến sĩ Y khoa ở Mát-scơ-va chuyên về Thần kinh cao cấp. Nguyễn Minh Nhân đã đỗ thủ khoa, dẫn đầu mấy trăm y khoa tiến sĩ cùng khoá. Sau đó đi Bình Nhưỡng tham quan và nghiên cứu về khoa châm cứu do Bác sĩ Viện trưởng Viện Châm cứu Bắc Triều Tiên – Kim Bong Han hướng dẫn. Về Hà nội, Nhân được cử giữ nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Quân sự 103 và chuyên gia thần kinh cao cấp ở Trường Đại học Y khoa và Quân sự cao cấp của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự Hà nội. Mặt khác, Thành còn là bác sĩ trong Ủy ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung Ương Đảng, phục vụ bảo vệ sức khoẻ lãnh tụ. Năm 1963 đổi tên Nguyễn Thiện Thành ra Nguyễn Minh Nhân, đi tàu biển trở về Nam, đổ bộ lên mũi Cà mau rồi theo đường dây về R, đảm nhận chức vụ Phó Phòng Quân y R kiêm nhiệm chuyên gia nội khoa, cố vấn của Bệnh viện 320 – bệnh viện lớn nhất ở Miền Nam – và giảng viên thần kinh cao cấp của Trường Quân y Trung Cao R.“ (Kim Nhật. Về “R“ (Toàn bộ). Không để tên nhà xuất bản và năm xuất bản. tr. 488-490).
Sau 1975, ngấm ngầm chống dốt chống ngu để chống cộng, tôi yêu cầu Ban Giám hiệu Trường Trung học Y tế Trung ương số 3, cơ quan tôi làm việc (cùng với Ngô Thế Vinh, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Khen) thuyết trình đặc biệt cho anh chị em bác sĩ “ngụy“ chúng tôi về học thuyết Pavlov vì chúng tôi không được học về học thuyết này tại Trường Y khoa Sàigòn. Chư vị trong Ban Giám hiệu giẫy nẩy lên và bảo : “Đâu được, tụi tôi đâu có giảng cho mấy anh chị được, để tụi tôi nhờ anh Nguyễn Thiện Thành“. Nhưng rồi không thấy tổ chức cho vị thánh sống về thần kinh cao cấp đến Trường thuyết trình trong khi các bác sĩ “ngụy“ cứ phải luân phiên “báo cáo chuyên môn“ đều đều, tôi nhắc lại lời yêu cầu mời Giáo sư Tiến sĩ Viện trưởng Nguyễn Thiện Thành đến “lên lớp“ cho anh chị em chúng tôi.
Ban Giám hiệu kẹt cứng vì tôi nêu lý do là tôi được giao phụ trách giảng về thần kinh cao cấp cho sinh viên, học viên mà qua suốt quá trình học ở Trường Y khoa, tôi không hề được trang bị các kiến thức liên hệ. Mặc kệ, tôi nói gì thì nói, Ban Giám hiệu cứ hẹn rày hẹn mai. Ngược laị, trong một buổi chấm thi tuyển sinh, nhân dịp ngồi nói chuyện với bà vợ ông Nguyễn Thiện Thành – bà này cũng người Nam như chồng, nhũ danh Dương thị Minh, xuất thân y tá chiến khu, nhưng “phấn đấu“ theo học hệ chuyên tu để trở thành…bác sĩ làm việc ở Chợ Rẫy – tôi nhắc đến học thuyết Pavlov thì bả xì một tiếng rồi bảo tôi : “Thôi anh ơi, tui hỏi anh, khi bệnh nhân không ngủ được thì anh biểu tui cho Valium hay cho Pavlov?“. Tất nhiên bả thoải mái nói thế vì biết tỏng tôi là “ngụy“ và vì chỉ có một mình tôi nghe bả nói câu đó. Vào một dịp khác, Vụ Đào tạo Hậu Đại học Bộ Y Tế tổ chức “bồi dưỡng chuyên môn“ cho các bác sĩ giảng dạy tại các trường Trung học Y tế Phía Nam về giải phẫu sinh lý. Anh Nguyễn Quang Quyền, cùng khoá với anh Bùi Duy Tâm nhưng ở lại không di cư, được chỉ định phụ trách phần giải phẫu, còn tôi phụ trách phần sinh lý. Khoá học do OMS tài trợ phương tiện trợ huấn cụ. Tôi nhận giảng về sinh lý nhưng từ chối không chịu giảng về học thuyết Pavlov, viện lẽ không đủ trình độ; yêu cầu Bộ giao cho Viện trưởng Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành.
Làm khó nhau thế nhưng tôi vẫn thất bại, chẳng thấy đại chuyên gia thần kinh cao cấp xuất hiện, mà phần gọi là “sinh lý học thần kinh cao cấp“ được giao cho Bác sĩ Đặng Ngọc Tốt, thuộc bộ môn sinh lý Trường Y Thành Hồ, phụ trách phổ biến. Nếu biết rằng học thuyết về thần kinh cao cấp là một học thuyết lếu láo, nếu biết rằng Kim Bong Han – âm Hán Việt là Kim Phượng Hán – của Bắc Triều Tiên là một gã đại bịp, thì mới thấy kinh tởm : tất cả huyền thoại xung quanh Nguyễn Thiện Thành chỉ xây dựng trên lừa đảo, dối trá trong y học! Huyền thoại học cộng sản xây dựng nên nhân vật Nguyễn Thiện Thành trên cơ sở lường gạt, bịp bợm vẫn cứ được không ít người tin theo – trong số có hồi chánh viên Kim Nhật – y như những lý thuyết bệnh hoạn điên rồ “xã hội xã hội chủ nghĩa không còn cảnh người bóc lột người, trong xã hội đó của cải vật chất dư thừa, mọi người làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu“ đã từng và vẫn còn là bùa mê thuốc lú đối với hàng triệu hàng tỉ con người. Con trai Nguyễn Thiện Thành là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, đương kim Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt cộng.
Người chính thức tiếp thu Trường Đại học Y khoa Sàigòn sau 1975 và làm Khoa trưởng Trường là Giáo sư Bác sĩ Trương Công Trung. Đây cũng lại là một nhân vật ít nhiều huyền hoặc. Xin tiếp tục đọc Kim Nhật : “Hoàng Minh Thọ tức Trương Công Trung, nguyên Quân y viện phó Khu 9, cùng với Nguyễn Thiện Thành là cặp bài trùng y khoa nổi danh ở miền Tây trong thời kháng chiến chống Pháp. Nếu Nguyễn Thiện Thành chẩn đoán nội khoa “bá phát bá trúng“, điều trị cừ, sáng chế ra dược liệu Filatov ở miền Nam đầu tiên thì Trương Công Trung dù chỉ xuất thân là sinh viên y khoa năm thứ tư (?,TVT), chiến trường Khu 9 đã tạo cho Trung trở thành một bác sĩ ngoại khoa lỗi lạc, mổ nhanh như gió, giải quyết mọi ca hóc hiểm nhất của chiến trường miền Tây. Năm 1954 tập kết ra Hà nội, Trung được đưa sang Liên xô làm nghiên cứu sinh ngoại khoa chuyên về bụng và ngực, giật mảnh bằng tiến sĩ y khoa của Viện Hàn lâm Y học Liên xô. Về Hà nội, Trương Công Trung làm chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện quân sự 103 và là chuyên gia ngoại, giảng ở Trường Đại học Y khoa và Trường Quân y Cao cấp của Viện Nghiên cứu Y học Quân sự Hà nội. Cùng lúc với Thành, Trung cũng vào Nam cuối năm 1963, đi bằng tàu xung kích đổ bộ ở bờ biển Ba tri (Bến tre). Từ Bến tre, Trung được đưa một mạch về R giữ nhiệm vụ Phó Trưởng phòng Quân y R kiêm Hiệu trưởng Trường Quân y Trung Cao R và là chuyên gia ngoại khoa của bệnh viện 320. Từ đó, tên được cải đổi là Hoàng Minh Thọ. Cả hai đều mang cấp bậc Thượng tá Quân y, hai trong bốn Phó Phòng Quân y R. Về quân y ở miền Nam, hai nhân vật đó được xem là hai “sư tổ“, “oai danh trùm thiên hạ“ chưa một nhân vật nào có thể được xếp ngang hàng dù rằng cũng được học ở Liên xô, Đông Đức trở về.“ (Kim Nhật, tlđd). Cá nhân tôi chưa hề được gặp ông Trương Công Trung này nhưng chắc nhiều đồng nghiệp Miền Nam bị kẹt lại sau 1975 biết ông ta.
Nhà sinh học xã hội chủ nghĩa Trofim Denissovitch Lyssenko (1898-1976) phủ nhận sự hiện hữu và/hoặc vai trò của gen. Học thuyết Lyssenko xem công trình của Mendel trong di truyền học chỉ có giá trị thống kê học mà không đạt được trình độ học thuyết sinh vật học. Theo Lyssenko, học thuyết Mendel không vạch rõ các qui luật thật của tính di truyền mà chỉ mượn những phương pháp toán học hình thức thay thế cho việc nghiên cứu các hiện tượng về mặt sinh vật học. Cùng với những nhà khoa học của nền sinh học duy vật chủ nghĩa khác, Lyssenko khẳng định rằng việc nhận thức các qui luật phát triển của cơ thể tất yếu sẽ giúp cho việc chỉ đạo sự hình thành và phát triển các tính cách của đời sau được luôn luôn tốt hơn – tốt hơn hàm nghĩa phù hợp với nhu cầu uốn nắn, đào tạo, quản lý, cải tạo xã hội chủ nghĩa mà mục tiêu tối hậu không nói ra ai cũng biết, là hình thành con người mới, con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lyssenko tiến hành thí nghiệm tác dụng của độ lạnh trên nhiều loại lúa mì rồi tuyên bố rằng qua một tiến trình chọn lọc kỹ lưỡng các loại thực vật để tạp giao và trong những điều kiện trồng trọt hợp với bản tính của giống lai, người ta có thể gây được một chủng loại hậu duệ hoàn toàn đồng thể. Trong tác phẩm Nông nghiệp sinh vật học phát hành năm 1952, Lyssenko đã viện dẫn nhiều tài liệu thực nghiệm nhằm hoàn toàn bác bỏ học thuyết Mendel cùng các định luật bị xem là giả dối của Mendel. Lyssenko tuyên bố tính di truyền sẽ xuất hiện trở lại trong quá trình phát triển của một cá thể thuộc một chủng loại động vật/thực vật nhất định nếu có những điều kiện bên ngoài thuận lợi. Bằng không thì cơ thể sẽ thay đổi và tính di truyền, về phương diện nó là đặc tính của sinh vật, cũng sẽ thay đổi nốt. Nếu có đủ các điều kiện cần thiết thì những thay đổi đó sẽ trở thành cố định và sẽ đi vào phát dục hệ thống. Mao Trạch Đông hết lòng ủng hộ Lyssenko. Tuy nhiên tại Cộng hoà Dân chủ Đức, giới khoa học không theo Lyssenko, do thái độ sáng suốt của Hans Stubbe, nhờ thế nền kinh tế nông nghiệp Đông Đức không bị ảnh hưởng tai hại.
Kim Bong Han/Kim Phượng Hán là cha đẻ hệ Kim Phương Hán (Bong Han system). Theo họ Kim, trong cơ thể con người có một hệ thống dẫn truyền bên cạnh hệ thần kinh và hệ huyết mạch. Hệ này gồm những ống dẫn, những tiểu thể mà Kim Phượng Hán báo cáo là đã quan sát được, đã nhuộm sắc được. Đó là hệ thống ống dẫn Kim Phượng Hán (Bong Han duct), tiểu thể Kim Phượng Hán (Bong Han corpuscule), vận chuyển chất dịch Kim Phượng Hán (Bong Han liquor ). Hệ Kim Phượng Hán nuôi tham vọng giải thích một cách duy vật cung cách tác động của khoa châm cứu cổ truyền; theo đó, luồng kích thích từ các kim châm khởi xuất, truyền đi theo các ống dẫn Kim Phượng Hán đến các tiểu thể Kim Phượng Hán. Nói cách khác, Kim Phượng Hán đã phát hiện ra cơ sở cơ thể học của khoa châm cứu. Tuy nhiên học thuyết Kim Phượng Hán gây rất nhiều tranh cãi và nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ, kể cả những đồng nghiệp đồng chí của họ Kim ở Roumanie, Albanie.
Pavlov, Lyssenko, Kim Bong Han mỗi người một vẻ, dốc tâm phụng sự chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa xã hội. Áp dụng hoạt động thần kinh cao cấp theo Pavlov (?) có thể “cải tạo“ con người; biến đổi chức năng di truyền theo Lyssenko có thể đào tạo những chủng loại người mới, ứng dụng hệ Kim Bong Han có thể vật chất hoá hệ thống kinh mạch của khoa châm cứu! .
7. Cái quan định luận : khi nắp quan tài đã đậy lại rồi thì xã hội có quyền bàn luận về công, tội của một người.
BS.Trần Văn Tích
Sinh năm 1932 tại làng Quảng Lượng, Quảng Trị. Bác sĩ Y khoa, hiện định cư tại Đức,Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong