Kính gửi bác TBT Nguyễn Phú Trọng:
Trước hết, cháu xin tự giới thiệu về mình. Cháu là một công dân Việt Nam và về tuổi tác thì chỉ đáng tuổi con bác. Cháu viết thư này để cảm ơn bác đã gỡ rối cho cháu một vấn đề mà cháu cứ trăn trở mãi. Chuyện là thế này ạ.
Sau khi xem cái clip “Xe chở bia gặp nạn, nhiều người đổ xô hôi của” trên báo Tuổi Trẻ, cháu cảm thấy rất là bức xúc. Tại sao một đám đông lại có thể lao vào ăn cướp của một người bị nạn như thế nhỉ? Cháu dùng từ ăn cướp, chứ không phải hôi của. Và lại là giữa ban ngày ban mặt, giữa đường giữa chợ chứ? Họ có còn tí tẹo nào liêm sỉ, tự trọng, chứ chưa nói đến tình người không?
Suy nghĩ của cháu lại càng trở nên rối tinh rối mù sau khi đọc những dòng này trên báo Người Lao Động:
“Những gì vừa xảy ra cho thấy con người cấu xé, cướp giật nhau để kiếm sống. Thậm chí, không phải để kiếm sống mà chỉ vì thói quen, vì quán tính của cái xấu, cái ác trong con người. Cũng cần phải nghiền ngẫm một câu hỏi, tại sao hôm nay chúng ta rêu rao nhiều giá trị đạo đức, nhưng cũng là lúc mà lòng nhân ái, tình người bị xem thường nhất, thiếu vắng nhất.
Có thể chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, một ngành kinh tế nghèo nàn, giáo dục, y tế lạc hậu, hạ tầng giao thông yếu kém; nhưng thật khó để chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về một nền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng hiện nay!”
Câu hỏi ấy cứ khiến cháu trăn trở mà chẳng biết trả lời thế nào. Một câu hỏi lớn không lời đáp! Nhưng vài ngày sau, cháu đọc được phát biểu này của bác trên VTC: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ, bước chân sang nước Phật đã phải hối lộ nên chúng ta phải xem xét, tỉnh táo, sáng suốt…“
Eureka! Bây giờ thì cháu đã hiểu!
Chao ôi! Bác Trọng ạ, đọc những lời vàng, ý ngọc của bác, cháu thấy mới là mát lòng, mát dạ chứ! Bao nhiêu uẩn khúc cứ thế là thông suốt, tỏ tường. Cái cảm giác khi ta ngộ ra một vấn đề gì đó trăn trở bấy lâu, nó sung sướng lắm bác ạ. Đến ở nước Phật còn có nạn hối lộ, thì trách chi đám dân quê nước ta đi ăn cướp tập thể phải không bác?
Trăm năm bia đá cũng mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Có những câu nói khiến con người trở nên bất tử. Câu nói của bác, cháu xin ghi lòng tạc dạ. Đời con, đời cháu, đời chắt, đời chút, đời chít của cháu, cháu dứt khoát sẽ dạy cho bọn nó sống mà nhớ lấy, bác TBT hồi xưa đã nói vậy đấy, để chúng nó có cái nhìn tỉnh táo, sáng suốt hơn và bao dung hơn.
Nhân bác nói chuyện nhà Phật, cháu cũng xin nói chuyện nhà Phật, gọi là câu chuyện làm quà cho vui thôi ạ. Đức Phật đã dạy rằng vạn pháp là vô thường, có sinh có diệt. Đừng nên bám víu vào cái gì mà phải biết xả bỏ tất cả. Không chỉ của cải, danh vọng, thậm chí người thân, mà ngay cả giáo pháp của Đức Phật, Ngài cũng dạy rằng khi nào không cần đến nó nữa thì phải biết buông xả nó: cũng như cái bè đưa ta qua sông, qua đến bờ bên kia rồi thì phải biết bỏ nó lại mà đi tiếp chứ đừng khiêng nó theo.
Thế đấy bác ạ, Phật Pháp nhiệm màu thế, do chính Đức Phật truyền dạy mà Ngài còn dặn chúng sinh phải biết buông xả. Đức Phật chưa bao giờ dạy tăng ni Phật tử phải “tuyệt đối trung thành” với Phật Pháp cả. Cháu chào bác nhé và một lần nữa xin cảm ơn bác đã cho cháu sáng mắt, sáng lòng ạ.
Zhivago Yuri