Paul Doumer, Toàn quyền Đông dương, trong báo cáo gửi về Pháp năm 1902, cho rằng kể từ năm 1897 “không một lính Pháp nào bị giết nữa”. Trong thực tế, các cuộc kháng chiến vũ trang chống Pháp, khởi đi ngay từ khi Pháp chiếm Nam kỳ năm 1862 chỉ thật sự tạm chấm dứt năm 1913 khi Hoàng Hoa Thám tử trận –tạm chấm dứt vì song song với các cuộc kháng chiến vũ trang, giới sĩ phu yêu nước vẫn không ngừng chống đối sự đô hộ của người Pháp bằng nhiều hình thức khác nhau. Những gì xẩy ra tại Trung Hoa và Nhật Bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng đã tác động mạnh mẽ vào giới sĩ phu yêu nước dẫn đến những thay đổi quan trọng trong tư tưởng và hành động của họ, vừa trong cuộc đấu tranh dành độc lập vừa trong đường lối xây dựng một nước Việt mới.
Tại Trung hoa, sau khi thất bại trong các trận đánh với một số nước Âu châu, và với Nhật bản, nhiều sĩ phu và quan lại đã đưa ra các chủ trương canh tân –từ cuộc“vận động tự cường”do Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương chủ xướng đến “Mậu tuất biến pháp” do Khang Hữu Vi đưa ra. Những cố gắng canh tân này được tiến hành trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, không những đã quá trễ, mà trong thực tế còn bị Từ Hy Thái Hậu, người nắm thực quyền trong triều đình nhà Thanh lúc đó, bác bỏ. Năm 1908, khi vua Phổ Nghi lên ngôi lúc mới 2 tuổi, nước Trung Hoa bước vào giai đoạn cuối cùng của thể chế quân chủ tồn tại hơn 2000. Những vận động chính trị cách mạng bên ngoài triều đình đã thành công, đưa Trung Hoa đến thể chế cộng hòa sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911.
Những biến động này tại Trung Hoa không giúp gì cho triều đình và giới sĩ phu Việt Nam trong việc đối phó với quân Pháp vì kể từ năm 1884 người Pháp đã chiếm đóng toàn cõi Việt Nam. Trung hoa quá rộng lớn nên chỉ bị các nước Âu châu chiếm đóng vài vùng nhỏ nhằm mục đích thương mai. Nhờ đó, các sĩ phu yêu nước còn có thời gian để kịp thực hiện thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ chấm dứt chế độ quân chủ mở ra thời kỳ mới cho Trung Hoa. Trong khi đó tại Việt Nam, từ năm 1862 khi miền nam Việt Nam đã rơi vào vòng Pháp thuộc, đa số sĩ phu yêu nước ở cả ba miền đất nước phải tập trung vào cuộc kháng chiến vũ trang giành độc lập.
Nhật bản là quốc gia thứ hai đã tác động lên tư tưởng của giới sĩ phu Việt Nam nhưng muộn hơn, có lẽ là sau trận chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895) nhưng rõ nhất là sau khi hạm đội Nga bị hạm đội Nhật đánh bại tại eo biển Đối Mã giữa Triều Tiên và Nhật Bản năm 1905. Trước đó hạm đôi Baltic của Nga, trên đường lên phía bắc để lâm trận đã ghé vịnh Cam Ranh. Huỳnh Thúc Kháng, trong tự truyện, cho biết ông cùng hai chí sĩ khác là Trần Quí Cáp và Phan Chu Trinh đã giả làm thương nhân lên tầu Nga quan sát.
Môt hạm đội tầu thuyền tối tân như thế chắc đã gây ấn tượng mạnh cho ba chí sĩ Việt, nhưng sau đó tin tức về việc Nhật đánh bại hạm đội Nga chắc chắn còn tạo tiếng vang lớn hơn nữa trong toàn giới sĩ phu Việt lúc đó. Có thể tin tức chi tiết về chương trình canh tân của Nhật chưa đến Việt Nam, và có thể chỉ sau chiến tranh Trung-Nhật và nhất là sau sự biến Cam Ranh, giới sĩ phu Việt Nam mới chú tâm vào Nhật bản thay vì Trung hoa trên đường đi tìm ngoại viện trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Và đến lúc đó những tư tưởng chính trị Nhật bản mới ảnh hưởng đến môt số sĩ phu yêu nước vừa không thể chấp nhận theo Tây học vừa chưa thấy một triển vọng sáng sủa nào nơi chính giới Trung hoa. Để từ đó xuất hiện phong trào Duy tân và Đông du thay vì Bắc du mà chúng ta sẽ đề cập đến trong bài tới.
Do đó, khác với Trung Hoa và Nhật Bản, Việt Nam đã mất thế chủ động quá sớm trước khi có thể tiến hành các canh cải cần thiết để đối phó với phương Tây. Và khi mà các cuộc kháng chiến vũ trang thất bại, giới sĩ phu yêu nước đã chia thành hai khuynh hướng trên đường đấu tranh giành độc lập. Một hướng chủ trương giành độc lập trước canh tân sau để không bị nô lệ Pháp, một hướng cho rằng cần canh tân trước mới đủ sức giành được độc lập. Khuynh hướng trước do Phan Bội Châu lãnh đạo, khuynh hướng sau do Phan Chu Trinh đề xướng.
Điều đáng chú ý là cả hai vị này, trước khi tích cực vận động cho khuynh hướng chính trị của mình, đều đã vào thăm Hoàng Hoa Thám tại căn cứ kháng chiến của ông trong thời gian vị lãnh đạo kháng chiến vũ trang này tạm đình chiến với Pháp. Không có sử liệu nào cho thấy các sĩ phu tài danh này, một Hán học một Pháp học, đã trao đổi những gì với con Hùm Xám Yên Thế. Người ta chỉ có thể suy đoán là cả hai đều thấy rõ cuộc kháng chiến vũ trang như thế không thể thành công. Để từ đó hai ông đã quyết tâm thực hiện cuộc mưu cầu đại sự theo cách của riêng mình. Có thể nói cả hai ông, dù có hai nền học vấn khác nhau, chịu ảnh hưởng bởi hai luồng tư tưởng khác nhau, cũng đều hiểu rằng thời thế đã khác.
Trong thực tế, người Pháp đã ổn định được tình hình Đông Dương, đã bắt đầu tiến hành công cuộc đồng hóa toàn diện Việt Nam. Một nước Việt mới đang ra đời bất chấp nhân dân và sĩ phu Việt có muốn và có chấp nhận hay không –một nước Việt thoát khỏi vòng ảnh hưởng của văn minh Hán đã tồn tại suốt cả ngàn năm nhưng lại bị Âu hóa cho đến ngày nay.
Khi Paul Doumer cho rằng kể từ năm 1897 không còn người lính Pháp nào bị chết chỉ có một ý nghĩa như thế. Và cũng chính Paul Doumer là Toàn quyền Pháp đầu tiên tiến hành một chương trình xây dựng một Đông Dương mới, mà trước hết là một nước Việt hiện đại, với đường quốc lộ 1 và đường hỏa xa song song cùng chạy xuyên bắc nam Việt Nam. Với người dân Việt lúc đó chắc chắn những công trình này đã tạo nên những ấn tượng và tác động to lớn. Thêm vào đó là những hoạt động kinh tế, thương mại, công xưởng kỹ nghệ, ngân hàng, và sau cùng là giáo dục –những chương trình kiến thiết hoàn toàn mới lạ. Chính nền giáo dục tây học, lúc đầu còn phôi thai, dần dần phát triển rộng khắp, qua hệ thống trường ốc qui mô hiện đại, từ sơ học đến đại học, đã làm thay đổi hoàn toàn lối suy nghĩ của tầng lớp trí thức mới, nhất là tại các thành thị. Từ phong tục tập quán, đến ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, văn thơ, cho đến các buổi lễ hội…hầu như không có một khía cạnh nào trong đời sống thường ngày của người Việt mà không bị tác động và thay đổi.
Nền văn hóa tư tưởng Pháp vào Việt Nam trước hết qua việc quảng bá Pháp ngữ, và các công trình dịch thuật. Công việc này tạo ra hai tác dụng song hành nhưng lại dẫn đến hai hiệu quả khác nhau. Pháp ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức của nhà nước, nhưng quốc ngữ lại có dịp phát triển và trở thành ngôn ngữ của xã hội, của người dân. Lúc đầu, người Pháp chỉ muốn dùng quốc ngữ như một chuyển ngữ vừa để chấm dứt Hán tự vừa đễ dẫn vào Pháp ngữ. Nhưng chính những trí thức Việt Tây học đầu tiên đã giúp quốc ngữ trở nên phổ thông qua công trình dịch thuật của họ.
Phạm Quỳnh (1892-1945) Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936)
Ở Nam kỳ có Trương Vĩnh Ký mà chúng ta đã nói đến trong bài trước. Ngoài ra, còn có hai người nữa cũng đi đầu trong công việc này là Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. “Cả hai đều cộng tác với Pháp. Cả hai đều theo chủ trương “Pháp-Việt đề huề” do các Toàn quyền Pháp đề ra”. Cả hai đều sử dụng quốc ngữ và tích cực phổ biến quốc ngữ. Phạm Quỳnh nổi tiếng với câu nói: “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”. Nguyễn Văn Vĩnh cũng nói: “Nước Nam sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ”. Phạm Quỳnh chuyên dịch các sách về tư tưởng, về triết học và chính trị, còn Nguyễn Văn Vĩnh thường dịch các tác phẩm văn chương nghệ thuật.
Hai hiện tượng giúp vào việc phổ biến quốc ngữ và văn hóa tư tưởng Pháp và phương Tây là sách in và báo quốc ngữ, trong đó sách dịch đóng vai trò quan trọng, còn báo chí là một hiện tượng hoàn toàn mới đối với người Việt, nhất là báo quốc ngữ. Ngay khi người Pháp chiếm Nam Kỳ đã có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo, ra mắt ngày 25 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn, do Trương Vĩnh Ký làm chủ nhiệm, và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Từ đó tiếp tục xuất hiện các tờ báo quốc ngữ khác khắp ba miền. Cho đến năm 1930 hầu hết các báo xuất bản trên toàn cõi Việt Nam đều là báo quốc ngữ.
Trong khi đó, trong các trường học sơ cấp và trung cấp, quốc ngữ chỉ được giảng dậy như ngôn ngữ phụ, và càng học lên cao Pháp ngữ càng trở thành ngôn ngữ chính và gần như duy nhất. Nhờ các sách dịch và các báo quốc ngữ, quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính trong xã hội và được đại đa số nhân dân sử dụng. Các trí thức yêu nước cũng tích cực phổ biến quốc ngữ như một phương tiện vận động canh tân đất nước, mở mang dân trí và chống lại sự đô hộ của người Pháp. Quốc ngữ trở thành khí cụ tinh thần của người dân bị trị, còn Pháp ngữ là công cụ cai trị và đồng hóa của chính quyền thuộc địa. Hai lằn ranh ngày càng rõ nét. Thượng tầng xã hội do tầng lớp thống trị thực dân chiếm lĩnh. Nhân dân tại đáy tầng, nền tảng của xã hội, của dân tộc, vừa duy trì văn hóa và sinh hoạt tinh thần của dân tộc, vừa phát huy truyền thống yêu nước chống nô lệ, qua thơ ca, ca dao, tục ngữ, vè và chữ quốc ngữ. Nền văn hóa dân gian trước kia chỉ truyền khẩu ngày nay người dân đã có chữ viết. Chính từ nơi nền tảng văn hóa đáy tầng này mà tinh thần độc lập dân tộc luôn được nuôi dưỡng để chờ cơ phục dậy, thời nào cũng thế. Khác chăng là từ đầu thế kỷ 20, dưới thời Pháp thuộc, đáy tầng dân tộc có thêm quốc ngữ. Với chữ quốc ngữ dễ học dễ đọc, kiến thức và văn hóa mới của thế giới được truyền bá rộng khắp, thẩm thấu vào mọi tầng lớp nhân dân, đem đến những chất liệu mới bồi dưỡng thêm cho nền văn hóa dân tộc, vốn vẫn tiềm tàng nơi xóm làng dân giã. Từ nay hai lớp trí thức và bình dân đã có chung một chữ viết, một hiện tượng thiếu vắng suốt chiều dài lịch sử tiền Pháp thuộc. Đây là một thành quả mà thực dân Pháp không dự trù và cũng không mong muốn –một trong nhiều thành quả quan trọng mà sự giao tiếp với phương Tây đã đem đến cho dân tộc chúng ta.
Và như thế, vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, tại ba miền Việt Nam, một tầng lớp trí thức mới đã ra đời đồng thời với sự hình thành một quần chúng Việt mới, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 tại các thành thị mới phát triển. Bối cảnh này là kết quả của chính chương trình xây dựng và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Chính bối cảnh đó đã thúc đẩy thế hệ tri thức mới tìm về dân tộc như một kích thích cỗi gốc cho cuộc vận động độc lập, như Hoài Thanh đã nhận xét trong cuốn Thi Nhân Việt Nam: “Ảnh hưởng Pháp đã giúp ta nhận thức cái cá tính của ta. Hoặc trở về thơ Việt xưa, hoặc tìm đến thơ Đường, thơ Pháp, đi đâu thì ta cũng cốt tìm ta. Ta tìm và nhiều lần ta đã gặp.”
Bối cảnh đó đã tạo môi trường và điều kiện xuất hiện các cuộc vận động văn hóa chính trị mới vừa chống Pháp giành độc lập, thích hợp hơn và hữu hiệu hơn, vừa mở đường cho việc tìm tòi một hướng đi mới cho dân tộc trong thời đại mới. Cuộc phục hưng và phục hoạt Việt đã ươm mầm từ đó.
Đoàn Viết Hoạt