Dân Indonesia đang trải qua một cuộc trắc nghiệm. Câu hỏi là: Chế độ dân chủ đã thật sự bám rễ trong xã hội nước này hay chưa? Tuần trước trong mục này đã kể chuyện cuộc bầu cử ở Indonesia để rút lấy một bài học xây dựng dân chủ sau khi chế độ độc tài sụp đổ: Những người tranh đấu xây dựng dân chủ phải chuẩn bị để tiếp tục tranh đấu với các thế lực độc tài trong cuộc chạy đua vận động lấy lá phiếu dân bàu. Nếu không chuẩn bị thì có thể thua, những người chủ trương độc tài có thể trở lại nắm chính quyền, bằng lá phiếu của dân. Tuần này, chúng ta lại rút ra những bài học về thực thi dân chủ.
Dân Indonesia đã bỏ phiếu vào Thứ Tư tuần trước; cuộc chạy đua có vẻ sát nút. Cuối ngày bỏ phiếu, các tổ chức nghiên cứu bằng cách phỏng vấn các cử tri sau khi bỏ phiếu đã đưa ra các kết luận khác nhau, các cơ quan truyền thông cũng vậy. Ðài tivi MetroTV chiếu trực tiếp hình ảnh cuộc bỏ phiếu suốt ngày, cuối cùng là hình ông Joko Widodo, thống đốc thủ đô Jakarta (thường gọi tên là Jokowi) tuyên bố ông thắng. Trong khi đó, trên đài TVOne thì Tướng Prabowo Subianto đang ngỏ lời cảm ơn các cử tri giúp ông đắc cử. Kết quả chỉ được Ủy Ban Bầu Cử (viết tắt KPU, theo ngôn ngữ chính của Indonesia) công bố chính thức vào ngày 22 Tháng Bảy năm 2014, mà sau đó người thất cử vẫn có thể thưa kiện trước Tòa Án Hiến Pháp; ở nước ta trước đây gọi là Viện Bảo Hiến. Người đắc cử sẽ lên thay thế đương kim Tổng Thống Susilo Bambang Yudhoyono vào Tháng Mười năm nay. Theo Hiến Pháp, ông Yudhoyono không được tranh cử.
Mặc dù đa số các tổ chức nghiên cứu đứng đắn dự phóng ông Widodo chiếm đa số phiếu, nhưng việc kiểm phiếu và cộng phiếu của một nước 250 triệu dân, sống trên 6,000 hòn đảo (chưa kể 11,000 hòn đảo quá nhỏ) sẽ tốn nhiều thời giờ. Nếu ai cố ý gian lận thì cũng khó kiểm soát được tất cả, nhưng cách tổ chức cuộc bỏ phiếu rất minh bạch và công khai khiến cho số phiếu gian lận rất nhỏ.
Trong ngày bỏ phiếu, các cử tri theo dõi rất sát mọi hành vi ở chung quanh phòng phiếu. Khi cuộc bỏ phiếu chấm dứt, các lá phiếu được đếm ngay, và mọi người dân có quyền chụp hình kết quả từng phòng phiếu, đưa ngay lên các mạng xã hội. Có người đã viết ra một “app” (nhu liệu dùng trong các điện thoại di động), tên là iWitness (tôi Làm Chứng) giúp cho ai cũng có thể so sánh kết quả ở từng phòng phiếu với kết quả niêm yết ở Ủy Ban Bầu Cử trung ương (KPU). Ban vận động của Jokowi dành sẵn nhiều đường điện thoại để các cử tri báo tin nếu thấy ở phòng phiếu nào có việc làm mờ ám, bất bình thường.
Ủy Ban Diệt Tham Nhũng của Indonesia (KPK) cũng góp phần chống bầu cử gian lận. Năm nay, KPK đặt người theo dõi các cuộc kiểm phiếu tại từng làng và ở trung ương; một việc chưa làm được trong các cuộc bỏ phiếu trước. Ủy Ban Bầu Cử KPU cũng thực hiện một sáng kiến trước đây chưa từng làm, là niêm yết ngay kết quả đếm phiếu ở từng thùng phiếu, từng địa điểm bỏ phiếu, ngay trên website của họ, để cuộc bầu cử được trong sạch, quang minh.
Các nhà quan sát ngoại quốc đồng ý rằng việc gian lận rất khó, vì suốt ngày các cử tri đã theo dõi rất kỹ hành động của nhân viên phòng phiếu. Các thùng phiếu không được niêm phong rồi chuyển đến một nơi khác đếm, mà được đếm ngay tại chỗ; trước mắt bàn dân thiên hạ. Ðây là một thủ tục đã được thi hành trong các cuộc bỏ phiếu lớn, nhỏ trước đây từ khi Indonesia thiết lập chế độ dân chủ. Việc cộng các kết quả cũng khó gian lận, vì năm nay KPU đã niêm yết kết quả tất cả các địa phương, ai cũng có thể làm tính cộng để kiểm lại. Tuy nhiên, nhiều hiện tượng bất thường vẫn xuất hiện. Tại một làng Madura, nơi Tướng Prabowo nắm chắc phần thắng, Jokowi sau cùng không được một lá phiếu nào. Mà tại làng đó, có nhiều người tham gia ban vận động của Jokowi, chính họ và gia đình họ đều bỏ phiếu tại đó!
Nhật báo The Jakarta Post hôm qua cho biết Ủy Ban Quốc Gia Về Nhân Quyền của Indonesia (Komnas HAM) đã vận động thành công trong việc giúp cho những người “yếu thế” trong xã hội được thi hành quyền công dân của họ. Thí dụ, Komnas HAM trình bày kết quả về việc bỏ phiếu của những người đang ở trong nhà thương, ở tù, người tàn tật đều được giúp để đi bỏ phiếu dễ dàng. Những người không đủ sức đi bộ tới phòng phiếu thì được xe hơi chở đi. Nhờ đó, tại nhà thương Semarang [Trung bộ Java], trong kỳ bầu cử trước chỉ có 14 người đi bầu, trong số 900 bệnh nhân có quyền bầu cử, lần này, số cử tri bỏ phiếu đã lên tới 1,200 người.
Chúng ta có thể công nhận rằng thể chế dân chủ đã được thực hiện với những bước chắn chắn trong xứ Indonesia, sau năm 1998 lật đổ chế độ độc tài kéo dài 32 năm của Tướng Suharto. Các công dân Indonesia chứng tỏ nền dân chủ nước họ đã trưởng thành. Mức độ trưởng thành được thấy rõ khi các cử tri biết họ đang lựa chọn cái gì, giữa hai ứng cử viên Joko Widodo và Prabowo Subianto.
Tướng Prabowo Subianto là con một bộ trưởng trong chính phủ Suharto thời xưa và kết hôn với con gái của nhà độc tài này (sau đã ly dị). Ông bị quân đội sa thải vì bị tố cáo đã bắt cóc những nhà tranh đấu dân chủ trong năm 1998, năm cuối cùng của chế độ độc tài. Ông lưu vong tại nước Jordan một thời gian rồi về nước, dấn thân vào chính trị. Năm nay là lần thứ ba ông tranh cử tổng thống, cho nên đầy kinh nghiệm. Ông Prabowo đã thuê một chuyên viên tranh cử ở Mỹ làm cố vấn. Ðó là ông Rob Allyn, người đã giúp cựu Tổng Thống Goerge W. Bush trong chiến dịch đánh bại đối thủ John McCain trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa năm 2000. Sau khi được cố vấn, ban vận động của Tướng Prabowo đã phao tin đồn rằng ông Jokowi là một người Trung Hoa và không theo Hồi Giáo; khiến cho tỷ số ủng hộ ông ta sụt giảm nặng (đang dẫn trước 39% xuống 4%)!
Jokowi là người thay đổi cách nhìn của người dân về giới làm chính trị tại Indonesia; ông khác hẳn các chính trị gia đã có mặt trên sân khấu kể từ khi dân chủ hóa. Ông là một nhà kinh doanh (bán đồ đạc dùng trong nhà), không thuộc một gia đình quyền quý. Ông làm thị trưởng thành phố Solo, cải thiện đời sống của dân, tái đắc cử với 90% số phiếu. Ông đắc cử thống đốc Jakarta năm 2012, đem lại nhiều dự án thay đổi thủ đô đang thi hành.
Nhưng điều khác biệt quan trọng giữa hai ứng cử viên không phải là cá nhân của họ mà về quan điểm nền tảng về cơ cấu quốc gia. Những người ủng hộ Tướng Prabowo nói rằng sau 16 năm thí nghiệm dân chủ, nước Indonesia cần một “bàn tay sắt” để đoàn kết quốc gia, duy trì ổn định, thúc đẩy các tiền bộ kinh tế; nếu không sẽ rơi vào hỗn loạn. Từ khi thiết lập chế độ dân chủ, dân Indonesia trực tiếp bàu người lãnh đạo trong 500 đơn vị hành chánh. Ông Prabowo muốn thay đổi chính sách “tản quyền,” muốn tập trung vào thủ đô.
Ông Jokowi không đồng ý trở về chế độ tập trung như thời Suharto. Những người bỏ phiếu cho ông biết rằng khi họ có quyền bầu những người lãnh đạo địa phương thì họ cũng có quyền đòi hỏi họ phải lo cho các nhu cầu thực tế của dân, từ điện nước, đến cống rãnh; nếu không được thì họ sẽ bỏ phiếu truất bỏ. Người dân có lúc cũng than phiền về các chính trị gia hoạt đầu, mị dân, nhưng họ biết rằng các quyền tự do họ đang hưởng sẽ bảo đảm khả năng cải thiện guồng máy chính trị, hơn là một chế độ độc tài, tập trung. Những quyền tự do đó đang thể hiện trong các báo đài đủ mầu sắc không bị ai gò ép, trong quyền tự do thương thảo về lương bổng với các chủ nhân xí nghiệp, và nhất là quyền thay đổi người cầm quyền bằng lá phiếu. Nước Indonesia đã sống “ổn định” suốt 32 năm dưới chế độ Suharto, mà hậu quả là kinh tế chậm lụt và xã hội bất công.
Nếu ông Jokowi đắc cử, ông sẽ phải sống chung với một Quốc Hội, bầu vào Tháng Tư vừa qua, trong đó đảng ông chỉ là một thiểu số. Nhưng trong 16 năm qua, dân Indonesia đã thể hiện một đức tính cần thiết trong đời sống dân chủ, là thỏa hiệp. Các đảng phái thỏa hiệp lập chính phủ liên minh, các tổ chức Hồi Giáo thỏa hiệp với các đảng chủ trương đề cao quyền thế tục, ngăn tôn giáo lũng đoạn chính trị. Tướng Prabowo mới tuyên bố rằng ông phản đối người ta gọi cuộc tranh cử này là một cuộc chiến tranh. Ông nói: “Chúng ta đều là anh chị em một nhà. Chiến tranh chỉ xẩy ra với kẻ thù mà thôi. Chúng ta sẽ bảo vệ thể chế dân chủ và ý nguyện của người dân.” Nếu thất cử, ông có thể sẽ ra tranh cử lần thứ tư, trong năm năm nữa. Người ta thường nghĩ rằng điều chính yếu trong thể chế dân chủ là giành lấy quyền hành. Nhưng một đặc tính quan trọng hơn nữa, là người ta biết chấp nhận thất cử và biết chờ đợi để “phục thù” trong kỳ bầu cử tới.
Kinh nghiệm thực thi dân chủ tại Indonesia là một nguồn cảm hứng thúc đẩy người Việt Nam nhìn vào đó mà tranh đấu cho quyền sống xứng đáng làm người tại nước mình.
Ngô Nhân Dụng