Kể từ ngày anh Lê Chí Quang tiết-lộ Đảng CSVN đã để mất biển và đất biên-giới cho Trung-quốc, 15 năm đã trôi qua mà chúng ta vẫn chưa tìm được ra một giải-pháp hữu hiệu ngõ hầu giành lại được dù chỉ một phần đất đai và biển đảo mà Trung-Cộng đã cướp của ta. Sở dĩ đã có sự việc đáng buồn này là vì sự nhu nhược của chế-độ Cộng-sản ở quê nhà và nhất là sự bất đồng của gần như toàn-dân ở trong nước đối với chính-sách bất lực của Hà-nội trước những gặm nhấm của Bắc-kinh trong bao nhiêu năm qua.
Khi lòng dân mà không ở với chính-quyền thì hiển-nhiên sự tiêu vong của chế-độ là chuyện có thể đoán trước được. Mà cái ngày tiêu vong đó xem chừng cũng không còn xa lắm.
Vậy chúng ta ở hải-ngoại có thể làm được gì để thay đổi tình-hình này?
Vấn-đề “chính-danh”
Một trong những lý-do chúng ta chưa làm được thật hữu hiệu cuộc vận-động trên trường quốc-tế về lập-trường và chủ-quyền khó cãi của ta, tức của Việt-nam, trên những quần-đảo như Hoàng-sa và ít nhất là một phần của Trường-sa. Điều này có thể giải-thích được phần nào vì những thói quen của chúng ta như:
Chúng ta chủ-quan và cho rằng cái gì ta biết thì thế-giới cũng phải biết. Điều này chưa chắc và trong cuộc thi đua trên trường quốc-tế để đưa ra quan-điểm của mình, Trung-Cộng đã chuẩn-bị đi trước ta từ nhiều thập niên–nhất là trên các báo chuyên ngành tiếng Anh–nên không lạ là thế-giới quen những luận-điệu của họ hơn những lập-luận của chúng ta.
Chúng ta cũng lại có thói chỉ thích nói cho nhau nghe mà không tìm cách thuyết phục người ngoài. Đây là một cái yếu kém của ngoại-giao VN và, lạ thay, lại còn phổ-biến cả trong cộng-đồng người Việt hải-ngoại. Sở dĩ tôi nói “lạ” là vì chúng ta đã hiện diện khá đông đảo ở khắp năm châu bốn bể từ gần 40 năm, con cái chúng ta giờ nói tiếng các nước như gió nhưng thử hỏi, có bao nhiêu cuốn sách hay bài báo đứng đắn viết về vấn-đề chủ-quyền biển đảo của Việt-nam. (Trong khi sách báo tiếng Việt–ta nói với ta–thì ê hề.)
Chúng ta, do đó, cần đổi cách suy nghĩ và lái việc làm của chúng ta vào những hướng tích-cực hơn–để tranh lại diễn-đàn quốc-tế ngả về phía ta. Và một trong những biện-pháp có thể làm xoay hướng cách nhìn của quốc-tế chính là đặt ra vấn-đề “chính-danh.”
Như cái mà ta gọi là “Biển Đông” (“Eastern Sea” trong tiếng Anh) thì người Phi-luật-tân lại gọi, một cách dễ hiểu, là “Biển Tây Phi-lip-pin” (“West Philippine Sea”). Trong khi thế-giới thì quen gọi là “South China Sea” (“Biển Nam Trung-hoa”) làm cho không ít người rút kết-luận từ đó, từ cách gọi đó, là cái biển 3 triệu cây số vuông đó ít nhiều thuộc về Trung-hoa.
Trong khi thực-sự thì ngay đến trong tiếng Hoa, tên biển đó–“Nam-hải”–cũng không hề ngụ ý là nó thuộc về nước nào. Chấp nhận cách gọi biển đó bằng “Biển Nam Trung-hoa” là đã mặc-nhiên cho người ta cảm-tưởng là cách nào đó, biển này đã dính líu đến Trung-hoa.
Nguyễn Thái Học Foundation và thỉnh-nguyện-thư xin đổi tên quốc-tế của Biển Đông
Chính bởi thế mà, trong mục-đích “chính-danh,” từ năm 2010, tổ-chức vô-vị-lợi Nguyễn Thái Học Foundation đã đưa lên mạng toàn-cầu một thỉnh-nguyện-thư yêu-cầu mọi người, bất cứ ai trên thế-giới, cũng có thể vào ký để vận-động đổi tên–mà hiện rất dễ làm cho chúng ta lầm lẫn–từ “Biển Đông” (“Eastern Sea”) đến “Biển Tây Phi-líp-pin” (“West Philippines Sea”) đến “Nam-hải” (“Southern Sea”) đến “Biển Nam Trung-hoa” (South China Sea)… sang thành một tên duy-nhất, “Biển Đông-Nam-Á” (“Southeast Asia Sea”).
Đây phải nói là một việc làm rất ý-nghĩa bởi chúng ta đã vượt được lên những cách nhìn hẹp hòi từ một quốc gia (tỳ như VN hay Phi-luật-tân hay Trung-quốc) để vươn được lên tầm nhìn chiến-lược, tầm nhìn của toàn vùng. Nếu chúng ta vận-động được quốc-tế gọi đó là “Biển Đông-Nam-Á” thì thiết tưởng không có quốc gia nào quanh vùng và có bờ biển chung quanh sẽ phản-đối một cách gọi như vậy.
Vì ý-tưởng này là một ý-tưởng hữu lý nên không lạ là nó được sự ủng-hộ mạnh của nhiều học-giả và một số sử-gia như G.S. Phạm Cao Dương và tính cho đến nay, sau bốn năm, thỉnh-nguyện-thư của Nguyễn Thái Học Foundation đã thu hút được trên 70 nghìn chữ ký trên khắp thế-giới, từ trên 100 quốc gia và trong đó người Việt chúng ta chỉ là một thiểu-số. Tóm lại, đây là một cuộc vận-động đầy triển-vọng và chúng ta, những ai quan-tâm, nên thúc đẩy bạn bè chúng ta trên khắp năm châu ký vào.
Đường lưỡi bò: vạch đứt hay vạch liền
Đường lưỡi bò ở Biển Đông là một đường giả-tưởng mà một nhà vẽ bản-đồ Trung-quốc nghĩ ra vào năm 1947, thời Trung-hoa Dân-quốc của Tưởng Giới-thạch, nhằm nói lên vùng hoạt-động ngoài biển khơi của người Trung-hoa trong lịch-sử. Nó không hề là một ranh giới để cho Bắc-kinh có thể đòi chủ-quyền trong phạm-vi toàn-bộ cái lưỡi bò đó.
Bằng-chứng rõ ràng nhất là nhà địa-lý kia không hề có tham-vọng đòi hết cho Trung-hoa có thể trông thấy rõ ràng trong cách vẽ của ông ta. Nó không phải là một đường liền-lạc mà là một đường đứt vạch, lúc đầu là 11 vạch, sau đổi thành 9 vạch, rồi gần đây các bản-đồ của Bắc-kinh lại vẽ thành 10 vạch đứt nối.
Khi nó đã đứt vạch thì cũng có nghĩa là những chỗ không vạch chắc chắn, ngay trong đầu nhà địa-lý nọ, không thể thuộc về Trung-quốc được, ngay trong những mơ ước hoang đường nhất của anh ta.
Vậy mà trong không ít những mô-tả về đường lưỡi bò (hay lưỡi rồng) của Trung-Cộng, kể cả trên các áo “No U” in ra ở Việt-nam, chúng ta thấy cái đường lưỡi bò đó được hình dung như một đặc-khối trong một đường viền liên-tục, không có chỗ nào bị cắt đứt cả.
Rất có thể dụng-ý của chúng ta, như khi ta vẽ mấy cái áo “No U,” là muốn lên án cái tham-vọng bá-quyền vô độ và quá đáng của Bắc-kinh nhưng nếu không khéo, chúng ta lại đương-nhiên thành nhượng bộ cho họ cái lưỡi liền-lạc ngay ở một nơi mà chính họ–chính Bắc-kinh–cho đến giờ này cũng vẫn chưa có can đảm đòi hết. Có thế nên cho đến giờ này, Bắc-kinh cũng chỉ dám vẽ đường đứt vạch mà chưa dám đòi hết thành một khối bất khả phân ly.
Để kết, tôi xin đồng-bào ở trong nước cũng như ngoài nước hãy để ý hai vấn-đề nêu ra trong bài, và nếu có thể, tiếp tay làm cho rõ vấn-đề:
1. Vận-động với toàn-thế-giới chấp nhận cách gọi quốc-tế của Biển Đông là “Biển Đông-Nam-Á/Southeast Asia Sea,” và
2. Tránh vẽ đường lưỡi bò của Trung-Cộng thành một khối liền-lạc, bất khả phân ly.
Có thế chúng ta mới tôn trọng sự thật trong vấn-đề này và, may ra, dùng giải-pháp Việt-nam Cộng-hòa để đòi chủ-quyền bất khả tranh cãi của VNCH trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa.
GS Nguyễn Ngọc Bích