Lời tác giả – Chủ đích của bài nầy là nói lên sự thật để vinh danh các chiến hữu tham dự trận đánh Snoul, cũng như minh oan cho các chiến hữu đã bị bỏ quên trong Quân sử QLVNCH.
Tình cờ tôi thấy một Trang Nhà của anh Nguyễn Văn Tín,[1] em ruột của cố Trung tướng Nguyễn Văn Hiếu, vị Tư lệnh SĐ5BB đáng kính của tôi trong những năm 1969, 1970 và 1971. Ðọc xong tôi mới thông hiểu cho những đau đớn và uất ức của đại gia đình tướng Hiếu. Thế là thời gian không hàn gắn được những nỗi đau thương của con người; bà tướng Hiếu đã phải sống và chết trong những ngày buồn tủi của một kẻ tha hương; anh Tín đã cố gắng làm những gì anh có thể để minh oan cho người anh kính mến của anh. Lại còn biết bao nhiêu người cùng một hoàn cảnh như gia đình của tướng Hiếu, như gia đình của các chiến hữu của tôi trong cuộc Hành quân tại Snoul năm 1971. Thôi thế là cây muốn im mà gió lại nổi trở lại, tôi phải viết để nói lên một sự thật, bởi vì thật tội nghiệp cho các chiến hữu của tôi cùng với tướng Hiếu, cũng như Ðại tá Bùi Trạch Dzần đã bị bỏ quên oan uổng trong quân sử QLVNCH đã từ lâu.
Sự thật, tôi có cái lý do để lặng yên đã quá hơn ba mươi năm nay, bởi vì một lời nói tâm tình của tướng Hiếu, khi tôi gặp lại ông cuối năm 1971 tại Ðà Lạt, khi ông trở về dự lễ Mãn khóa 24SVSQ. Ông đã làm tôi cảm thấy quá nhỏ bé trước cái vĩ đại bao la của một kẻ chân thành yêu nước, khi tôi nghe ông nhỏ nhẹ tâm tình, “Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đang cầm quân giữ nước, vì vậy uy tín của Trung tướng phải được duy trì. Nếu anh nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn, thì anh sẽ hiểu rõ lý do chúng ta phải bỏ qua quá khứ, để quên đi một vài lỗi lầm của Trung tướng trong trận Snoul. Làm người thì đôi khi cũng phải gặp phải lỗi lầm.Tôi chỉ có một điều đau lòng là không đủ thẩm quyền để vinh danh các anh em trong trận Snoul mà thôi”.[2] Thôi thế cũng đủ cho tôi ngậm miệng suốt hơn ba mươi năm nay!
Bây giờ Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 không còn giữ nước nữa, thời gian cũng không hàn gắn được những nỗi đau đớn uất ức của con người. Thế là tôi có lý do để thất hứa với tướng Hiếu, để viết vội và viết đúng một sự kiện của quân sử. Viết vội vì tôi sợ các nhân chứng còn lại sẽ không còn mãi trên cái cõi tạm nầy nữa, để xác nhận hay thanh minh. Viết thật thì cần có tài liệu chính xác và nhân chứng để xác nhận. Ðó cũng là một cái khó của sự viết thật. Tôi đã cố tìm tướng Bùi Thanh Danh, cựu Tư lệnh Sư đoàn 5 VC năm 71-72, cựu tư lệnh Quân khu 7, tướng Lê Nam Phong, cựu Tư lệnh Sư đoàn 7 VC năm 71-72, cựu Giám đốc Học viện Lục quân 2 (Long Bình, Ðồng Nai)[3] , tuy nhiên chỉ liên lạc được với một số Sĩ quan của hai Sư đoàn nầy mà thôi. Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, QLVNCH, cũng không chịu trả lời lá thư của tôi. Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 là một vị tướng tài ba khi ông còn là Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, cho nên tôi nghĩ rằng ông phải có một lý do thầm kín để không nói lên một sự thật của trận Snoul. Tôi chỉ cầu mong rằng Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 sẽ có dịp nói lên những lý do ông đã án binh bất động trong tuần lễ cuối cùng của tháng năm, năm 71, cũng như cho lệnh Chiến đoàn 8 rút quân đơn thương độc mã, trong khi đơn vị nầy đang bị bao vây và tấn công từ ngày 24/5/71 đến ngày 30/5/71, để chúng tôi vẫn kính phục Trung tướng như là một vị tướng lãnh tài ba của Quân sử VNCH. Mong thay!
(Từ ngày 15/4/71 đến ngày 30/5/71)
1. TÌNH HÌNH:
A. Ðịch:
a. Sư đoàn 5VC đang hoạt động quanh khu vực Snoul, sẵn sàng xử dụng trận địa pháo và tấn công ồ ạt vào các căn cứ của ta. b. Sư đoàn 7VC và Sư đoàn 9VC hoạt động quanh khu vực Chup, Kampong Cham và hướng Nam Snoul. c. Sư đoàn 7VC được di chuyển về quanh khu vực Snoul để phối hợp với Sư đoàn 5VC trong kế hoạch bao vây và tiêu diệt CÐ8, từ ngày 15/5/71.[3,7]
B. Bạn:
a. Nhiều chiến đoàn dưới quyền chỉ huy của hai Tư lệnh Sư đoàn 18 và SÐ25 với tổng số quân số khoảng 20,000, nỗ lực chính của Quân đoàn, đang hành quân chung quanh khu vực Chup và Kampong Cham, và hướng Nam của Snoul, sẵn sàng tăng viện cho nỗ lực phụ tại Snoul.[4] b. Các Đại Đội Không Kỵ Hoa Kỳ: ĐĐ B/3/17/KK yểm trợ trực thăng trong khu vực hành quân của Chiến Đoàn 8; ĐĐ A/3/17/KK được tăng cường hoạt động cho Chiến Đoàn 8 kể từ ngày 01/5/71. Quan sát không thám từ phía Tây trong khu vực liên hệ chiến thuật/SĐ.[5] c. Lực lượng xung kích QÐ3 dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Sư đoàn 5, kể từ ngày 31/5/71, để tiến lên hướng Snoul đánh giải vây và tiếp thoái CÐ 8 rút về Lộc Ninh.[6,27]
2. NHIỆM VỤ:
a. Chiến Đoàn 8 tiếp tục nhiệm vụ ấn định, lợi dụng thời gian còn lại của mùa nắng, chỉnh đốn duy trì thế công trong giai đoạn 3 của hành quân TT02/21/85/NB: lùng và gây tổn thất cho địch và đồng thời ngăn chận sư xâm nhập của địch vào nội địa.[5] b. Chiến Đoàn 8 sẽ gia tăng hành quân cường thám lùng diệt địch, các đơn vị của SĐ5 sẽ khám phá kho tàng địch quanh vùng Snoul và kiểm soát chặt chẽ QL13 từ Lộc Ninh tới Snoul.[5]
3. THI HÀNH:
A. Quan niệm điều quân:
a. Thiết lập các căn cứ phòng thủ kiên cố. b. Tổ chức thường xuyên hành quân viễn thám, phục kích và tấn công hạn chế và thăm dò. c. An ninh trục lộ từ biên giới đến Snoul. d. Xử dụng pháo binh và không yểm để đánh phá ngày đêm các mục tiêu chung quanh khu vực Snoul.
B. Phân công:
a. Tiểu đoàn 3/9 – Tổ chức phòng thủ căn cứ tại tọa độ XU 650280. – Hoạt động trong khu vực tọa độ XU 590300, tọa độ XU 640320, tọa độ XU 680260, tọa độ XU 640260. – Trách nhiệm an ninh lộ trình QL13 từ tọa độ XU 670260 đến tọa độ XU 618310.
b. Tiểu đoàn 3/8 – Tổ chức phòng thủ căn cứ tại tọa độ XU 580330. – Hoạt động trong khu vực tọa độ XU 590300, tọa độ XU 640320, tọa độ XU 600350, tọa độ XU 540310 – Trách nhiệm an ninh lộ trình QL13 từ tọa độ XU 618270 đến tọa độ XU 575335.
c. Tiểu đoàn 2/7 – Trừ bị cho Chiến đoàn 8. – Hoạt động trong khu vực tọa độ XU 510380, tọa độ XU 490340, tọa độ XU 600350, tọa độ XU 540310. – Trách nhiệm an ninh lộ trình QL13 từ tọa độ XU 575335 đến Chợ Snoul và QL7 từ Chợ Snoul đến tọa độ XU 553363
d. Tiểu đoàn 1/8 – Ðược tăng phái chi đoàn chiến xa, tổ chức phòng thủ căn cứ tọa độ XU 562382. – Hoạt động trong khu vực tọa độ XU 540420, tọa độ XU 600420, tọa độ XU 510380, tọa độ XU 490340 – Trách nhiệm an ninh lộ trình QL7 từ tọa độ XU 553363 đến tọa độ XU 562382.
e. Tiểu đoàn 2/8 – Bảo vệ BCH Chiến đoàn 8. – Sẵn sàng làm lực lượng trừ bị cho chiến đoàn khi có lệnh.
f. Thiết đoàn 1 thiết giáp – Xuất phái một chi đoàn chiến xa cho Tiểu đoàn 1/8 – Trừ bị cho Chiến đoàn 8.
C. Yểm trợ hỏa lực: Tiểu đoàn pháo binh: Yểm trợ trực tiếp cho các tiểu đoàn.
TỔ CHỨC CÔNG SỰ PHÒNG THỦ
Tiểu đoàn 1/8 được tăng cường một Chi đoàn Thiết giáp khoảng 12 chiến xa M41 do Trung uý Minh, SQVBQGVN, làm chi đoàn trưỏng, để tổ chức phòng thủ, hành quân tấn công thăm dò và hành quân viễn thám trong khu vực trách nhiệm.
Vị trí của tiểu đoàn được bao bọc chung quanh bởi những rừng cây tre rất rậm rạp về hướng Ðông, hướng Bắc, hướng Ðông-Bắc và hướng Nam, và bởi những rừng cao su già cũng rất rậm rạp về hướng Tây và hướng Tây-Bắc. Ngoài ra không có một cao địa nào chung quanh vị trí của tiểu đoàn có thể chế ngự hay quan sát quân trú phòng.
Tiểu đoàn bố trí quân trên ba tuyến phòng thủ, tuyến phòng thủ chính A, tuyến kháng cự cuối cùng B, và tuyến nghe ngóng C. Tuyến A được bố phòng bởi ba đại đội với những hầm hố rất kiên cố để tránh pháo kích. Ðại đội 2 do Ðại uý Thao chỉ huy, cựu sĩ quan nhảy dù, trách nhiệm phòng thủ hướng Tây và Tây-Bắc; Ðại đội 3 do Trung uý Ninh chỉ huy, SQVBQGVN, trách nhiệm phòng thủ từ hướng Tây-Bắc đến hướng Ðông, và Ðại đội 1 do Trung uý Giỏi chỉ huy, trách nhiệm phòng thủ hướng Nam của tuyến A. BCH/TÐ, chi đoàn chiến xa, trung đội thám kích và trung đội vũ khí nặng trách nhiệm phòng thủ tuyến kháng cự cuối cùng B. Ngoài ra, chi đoàn thiết giáp và trung đội thám kích còn có nhiệm vụ làm lực lượng trừ bị cho tiểu đoàn.
Ngoài nhiệm vụ hành quân tìm địch và hành quân viễn thám hằng ngày, các đơn vị đã thiết lập các công sự kiên cố trên tuyến A, đồng thời mỗi đại đội còn có trách nhiệm khai quang từ tuyến A đến tuyến C, cũng như thiết lập các mìn bẫy tự động và điều khiển bằng đạn pháo binh giữa tuyến A và tuyến C. Trong vòng một tháng, các đại đội đã khai quang những cây tre và xử dụng những cây tre đã chặt được nầy để biến chế thành những chướng ngại vật cao khoảng hai mét tây, đồng thời mở rộng thị trường quan sát và tác xạ từ tuyến A đến tuyến C. Những quả mìn Claymore cũng như các tạc đạn của pháo binh được các binh sĩ biến chế thành những cạm bẫy tự động và điều khiển giữa hai tuyến A và C, và khoảng một trăm thước bên ngoài tuyến C, đã được hoàn tất vào khoảng giữa tháng 5/71.
Ngày 15/5/71, trung đội thám kích phục kích và bắn chết sáu Việt cộng đang tìm cách thám sát con suối tại tọa độ XU548385, cách tiểu đoàn khoảng một cây số rưỡi về hướng Tây. Ðây là một con suối độc nhất để tiếp tế nước uống cho toàn thể quân trú phòng. Vì thế BCH/TÐ tiên liệu rằng nếu địch vây đánh tiểu đoàn, chúng sẽ chế ngự con suối nầy trước tiên, để ngăn chận nguồn tiếp tế nước uống chủ yếu cho quân trú phòng. Vì thế các đơn vị đã xử dụng các vật dụng cơ hữu để lưu trữ nước uống cho một tuần lễ nếu bị bao vây. Ðặc biệt trong ngày 16/5/71, tướng Hiếu thăm viếng tiểu đoàn, đã chỉ thị cho BTL/SĐ5 cung cấp thêm các thùng chứa nước và đạn dược, nên khả năng cầm cự của quân trú phòng có thể lâu được khoảng hai tuần lễ, nếu tiểu đoàn bị bao vây và hoàn toàn bị cô lập.
Tướng Hiếu đã nói riêng với TĐT 1/8 về sự thật B52 như sau, “Đừng tin vào Mỹ hứa hẹn về B52, phải tự lực cánh sinh một mình ở vị trí tiền đồn tử thủ này nếu không có lệnh rút lui. Anh phải có sáng kiến đem sự sống cho tiểu đoàn và chi đoàn thiết giáp đang biệt phái cho anh. Nếu có lệnh của tôi rút về, anh phải giả vờ cho lệnh tử thủ tại chỗ trong máy truyền tin, vì Việt Cộng chắc chắn sẽ nghe rõ trong máy, đồng thời bảo ông Dzần cho máy bay B52 thả tại lộ trình anh dự định rút quân. Sau đó, rút lẹ!“
HÀNH QUÂN TỬ THỦ CỦA TÐ 1/8
TÐ1/8 và chi đoàn thiết giáp đã bị địch xử dụng hai tiểu đoàn của Trung đoàn E 6 và hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174, để tấn công, bao vây và cô lập hóa từ sáng ngày 24/5/71 đến ngày 27/5/71. Hơn nữa, hỏa lực phòng không và pháo binh địch đã vô hiệu hóa khả năng tiếp tế và tải thương của không quân và LLKK của Hoa Kỳ trong các ngày trên.
Ngày 27/5/71, nhiều khu trục cơ và trực thăng võ trang đã thay nhau oanh tạc và bắn phá các vị trí pháo binh và phòng không địch, để yểm trợ cho trực thăng hạ cánh tải thương và tiếp tế, tuy nhiên hỏa lực địch vẫn tung hoành lên quân trú phòng, mặc dầu bãi đáp trực thăng đã thay đổi nhiều lần chung quanh vị trí phòng thủ. Như vậy TÐ1/8 và chi đoàn thiết giáp đã bị địch xử dụng hai tiểu đoàn của Trung đoàn E 6 và hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174, để tấn công, bao vây và cô lập hóa từ sáng ngày 24/5/71 đến ngày 27/5/71. Hơn nữa, hỏa lực phòng không và pháo binh địch đã vô hiệu hóa khả năng tiếp tế và tải thương của không quân và LLKK của Hoa Kỳ.
Khoảng 08:00G ngày 28/5/71, tiểu đoàn nhận được mật điện từ BCH/CÐ8, cho lệnh bỏ căn cứ và rút quân về giao tiếp với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul vào ngày mai, 29/5/71.
Khoảng 17:00G, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/8 xin gặp Thiếu tá Hùng, Trưởng ban 3 Trung đoàn 8, để nói chuyện bằng bạch văn trong máy truyền tin. TÐT nói, “Tôi đã nhận lệnh tử thủ cũng như tin mừng là chúng mình sẽ có B52 yểm trợ, tuy nhiên hiện nay có nhiều binh sĩ ngã bệnh vì thiếu nước uống sau năm ngày chiến đấu, lại không có tải thương hay tiếp tế. Tôi sợ rằng binh sĩ sẽ đầu hàng trong vòng 24 tiếng đồng hồ nữa, nếu họ không có tiếp tế nước uống gấp. Vì vậy tôi xin nhờ anh trình lên Ðại Bàng cho chúng tôi đánh chiếm con suối sáng ngày mai để kiếm nước uống. Tôi sợ nhất là hai tiểu đoàn địch, sẽ đánh bọc hậu và đánh cạnh sườn chúng tôi, từ vị trí ở giữa tiểu đoàn và chợ Snoul dọc theo QL7, nếu chúng tôi xuất quân ngày mai. Vì vậy, tôi xin anh trình lại với Ðại Bàng cho đánh tập trung B52 bằng hộp dọc theo QL7 để bình địa khoảng một cây số hai bên QL nầy. Nếu được như vậy là chúng tôi đủ sức chơi xả láng với chúng tại con suối nầy.” Thiếu tá Hùng thông minh trả lời, “Tôi hiểu rõ đề nghị của anh, tôi sẽ trình lên Ðại Bàng gấp để xem sao.” Khoảng nửa giờ sau, Ðại tá Dzần gọi máy để nói chuyện với Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/8, “Tôi chấp nhận đề nghị của anh, tuy nhiên anh phải chờ cho B52 đánh “Box” từ chỗ anh đến chợ để bảo vệ cho cạnh sườn và phía hậu của anh trước khi anh tấn công con suối.” Tiểu đoàn trưỏng Tiểu đoàn 1/8 trả lời, “Nhận rõ và thi hành”.
Ðêm 28/5/71, các đại đội bí mật chôn xác các binh sĩ bị tử thương, và chỉ để lại hai toán nghe ngóng trên tuyến C. Pháo binh từ BCH/CÐ8 tiếp tục pháo kích con suối và QL7 từ tiểu đoàn đến chợ Snoul, trong khi địch gia tăng trận địa pháo vào tiểu đoàn suốt đêm. Súng cối 60 ly và 81 ly của tiểu đoàn tiếp tục bắn các quả đạn chiếu sáng để đề phòng địch tấn công bất ngờ, tuy nhiên địch không còn tấn công ồ ạt như đêm 23/5/71.
Ðịa thế chung quanh khu vực phòng thủ của Tiểu đoàn 1/8 tạo rất nhiều bất lợi cho hai Trung đoàn địch trong kế hoạch xử dụng toàn khối9 (mass) để đè bẹp quân trú phòng bằng tấn công biển người, bởi vì các khu rừng tre già rất rậm rạp bao bọc từ ba hướng Bắc, Ðông và Nam của căn cứ đã hoàn toàn cản trở địch trong việc điều động nhanh chóng hàng ngang. Hơn nữa các cây tre không đủ sức để che chở hỏa lực bắn thẳng cũng như pháo binh yểm trợ của quân ta, nên địch đã chịu tổn thất nặng nề trong hai đợt tấn công đầu tiên vào quân trú phòng vào sáng 24/5/71. Riêng hướng Ðông, địch có thể điều động toàn thể hai tiểu đoàn để xung phong ồ ạt vào quân trú phòng, tuy nhiên địch đã bị vô hiệu hóa bởi những quả mìn tự động bằng đạn pháo binh, những quả mìn tự động Claymore, hỏa lực bắn thẳng của các chiến xa M 41 và bộ binh, và hỏa lực pháo binh yểm trợ từ BCH/CÐ8.
Ðịch cũng không đạt được yếu tố bất ngờ trong kế hoạch tấn công vì những quả mìn tự động cũng như các toán nghe ngóng và phục kích của quân ta.[9]
Ngoài ra địch lại hoàn toàn coi thường yếu tố an ninh[9] trong việc liên lạc truyền tin. Tất cả các cuộc đàm thoại bằng bạch văn trong máy truyền tin địch đã bị Ðại uý Bảo nghe rõ để chuẩn bị đối phó trước khi địch ra tay hành động. Yếu tố thiếu an ninh nầy cũng là một lý do cho việc địch thiếu yếu tố bất ngờ trong các kế hoạch tấn công vào quân ta.
Ðịch lại quá chủ quan khi rà máy và nghe lóm các cuộc đàm thoại bằng bạch văn của quân trú phòng. Từ ngày 24/5/71 đến đêm 28/5/71, địch đã áp dụng trận địa pháo liên tục ngày đêm, để tạo thiệt hại và uy hiếp tinh thần của quân trú phòng, tuy nhiên TÐ1/8 cũng như chi đoàn chiến xa chỉ bị thiệt hại tương đối nhẹ, dưới biển lửa hỏa lực pháo kích của địch. Lý do chính là nhờ sự phân tán mỏng của quân trú phòng, hầm hố kiên cố, và sự thiếu chính xác của các quả đạn pháo binh và hỏa tiễn địch. Ðịa thế phòng thủ không cho phép địch quan sát từ xa để điều chỉnh các quả đạn thiếu chính xác nầy. Vì vậy muốn điều chỉnh pháo binh và hỏa tiễn cho chính xác, tiền sát viên địch phải bò sát vào tuyến C để quan sát, tuy nhiên các tiền sát viên nầy đã gặp phải những quả mìn tự động, các toán phục kích cũng như các toán nghe ngóng của quân trú phòng. Tính chủ quan đã làm địch tin tưởng hoàn toàn vào việc nghe lóm truyền tin của quân ta để điều chỉnh hỏa lực cho trận địa pháo của địch. Những quả đạn trúng đích vào vị trí phòng thủ được báo cáo về BCH/TÐ là vô sự vì chúng ở xa quân trú phòng, trong khi những quả đạn nổ xa tuyến phòng thủ A, lại được báo cáo về BCH/TÐ là bị thiệt hại.
Sự chủ quan của địch cũng làm địch bị lầm lẫn trong kế nghi binh của quân trú phòng. Từ ngày 25/5/71 đến ngày 28/5/71, các đại đội luôn luôn than phiền về BCH/TÐ về việc thiếu nước uống, một số binh sĩ đã ngã bịnh và mất tinh thần. Ngoài ra các đại đội đồng thanh xin tiếp tế nước uống khẩn cấp, hay phải đánh gấp vào con suối để lấy nước uống. Ðịch hoàn toàn tin tưởng vào các cuộc đàm thoại trong máy truyền tin của quân trú phòng, bởi vì chúng thừa hiểu rằng các LLKK Hoa Kỳ đã không thể tải thương hay tiếp tế cho TÐ1/8 vì hỏa lực phòng không và trận địa pháo của chúng quá mạnh. Do đó địch chủ quan tin rằng cứ việc bao vây, pháo kích mạnh để ngăn chặn trực thăng tiếp tế và tải thương, là đủ để quân trú phòng đầu hàng vì thiếu nước uống. Sự thật, địch đã mắc mưu quân trú phòng trong kế hoạch “Trì Hoãn Chiến” để chờ tăng viện, theo kế hoạch “Ðiệu Hồ Ly Sơn” của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 và tướng Hiếu.
Khoảng 05:00G ngày 29/5/71, các toán nghe ngóng bí mật bò về tuyến C, trong khi trung đội thám kích rời BCH/TÐ để thám sát con đường mòn và QL7 về hướng Nam của căn cứ.Tất cả các hoạt động của quân trú phòng đều im lặng vô tuyến.
Khoảng 06:30G, BCH/TÐ nhận được ba tiếng “Click” trong máy truyền tin. Như vậy, theo ám hiệu đã được qui định sẵn, BCH/TÐ đã hiểu rõ rằng địch đã di chuyển khỏi các hầm hố cá nhân ở khoảng giữa đường từ tiểu đoàn đến chợ Snoul trên QL7 và con đường mòn.
Khoảng 07:00G, BCH ban hành khẩu lệnh hành quân như sau:
Tiểu đoàn sẽ xử dụng yếu tố nghi binh, thần tốc, bí mật tuyệt đối và phối hợp hỏa lực của nhị thức bộ binh-thiết giáp, để rút quân ngày 29/5/71.[9]
(1) Ðại đội 1 dẫn đầu cuộc rút quân, tiến nhanh về chợ Snoul, dọc theo bên trái của QL7 để giao tiếp với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul.
(2) Ðại đội 2 cũng dẫn đầu rút quân, tiến nhanh về chợ Snoul, dọc theo bên phải của QL7 để giao tiếp với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul.
(3) Chi đoàn trừ chiến xa theo sau Ðại đội 2, tiến theo hàng dọc, để bảo vệ cạnh sườn phải của Ðại đội 2, đồng thời trách nhiệm chở các thương binh nặng và các súng cối 81 ly của tiểu đoàn.
(4) Ðại đội 3 được tăng phái một chi đội chiến xa, có nhiệm vụ bọc hậu và gom nhặt các thương binh tử sĩ của tiểu đoàn.
(5) Trung đội thám kích rời vị trí nghe ngóng để giao tiếp đầu tiên với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul.
(6) BCH/TÐ theo sát Ðại đội 1.
Huấn thị phối hợp được ban hành như sau:
(1) Lệnh xuất phát được ban hành trong máy truyền tin bằng ám lệnh, “Các đơn vị phải tiếp tục đào hầm hố để tử thủ” khoảng 08:50G.
(2) Các đơn vị phải áp dụng yếu tố bí mật tối đa, bằng cách phải để lại tất cả cảc lều chõng, và im lặng vô tuyến cho đến khi được lệnh rút quân.
(3) Các binh sĩ phải được giải thích cặn kẽ về yếu tố thần tốc bằng truyền khẩu, nhất là tuyệt đối cấm nằm xuống đất khi địch tác xạ bằng đạn bắn thẳng hay pháo kích của địch, bởi vì trì hoãn di chuyển là tử thần cho cuộc lui binh nầy.
(4) Các đơn vị phải tự tổ chức kế hoạch tải thương cho nhau, với điều kiện không được trì hoãn việc tiến quân thần tốc.
Khoảng 08:30G, Tiểu đoàn 2/7 làm chủ tình hình tại chợ Snoul.
Khoảng 09:00G, BCH/TÐ lại nghe rõ bốn tiếng “Click” từ máy truyền tin của trung đội thám kích. Như vậy, lực lượng địch đã hoàn toàn rời khỏi lộ trình rút quân của tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng cho lệnh trong máy truyền tin rằng tiếp tục đào hầm hố để tử thủ. Chỉ trong vòng chưa đầy mười phút, các đơn vị cuối cùng của Ðại độ 3 đã rời khỏi căn cứ, để chạy theo một chi đội chiến xa. Ðại uý Bảo đã nghe rõ trong máy truyền tin địch, “Chúng ta đã mắc mưu đồ chó đẻ. Các đơn vị trở lại gấp rút để bao vây và đánh chết chúng nó.”
Khoảng 09:20G, Ðại đội 2 và các chiến xa đã thấy rõ địch đang dàn hàng ngang bên cánh phải trong rừng cao su, vừa chạy vừa bắn vào quân ta. Ðồng thời Ðại đội 1 và BCH/TÐ cũng bị hỏa lực bắn thẳng của địch từ các rừng tre rậm rạp từ cạnh sườn bên trái. Pháo binh địch bắt đầu pháo kích từng chùm vào trục tiến quân của tiểu đoàn, trong khi Ðại đội 3 báo cáo là địch đang theo bén gót đằng sau, nên yêu cầu đằng trước chạy nhanh hơn lên. Bất chấp biển lửa hỏa lực của địch, các chiến sĩ bộ binh cũng như thiết giáp tiếp tục vừa chạy vừa bắn trả vào quân địch. Hỏa lực của pháo binh từ BCH/CÐ8 cũng bắt đầu đánh phá các trục tiến quân của địch, làm địch trì hoãn xung phong vào cạnh sườn phải của Ðại đội 2. Nhờ thế các đại đội có đủ thì giờ để tiếp tục mang theo các binh sĩ bị thương
Khoảng 09:30G, bốn phi cơ trực thăng của LLKK Hoa Kỳ đã bay sát trên đầu của Tiểu đoàn để yểm trợ trực tiếp cho trận tao ngộ chiến giữa địch và ta. May thay hỏa lực phòng không của địch hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Lý do là địch đã sợ B52, nên đã di chuyển đêm hôm trước tất cả bộ binh cũng như các vị trí phòng không tại các vị trí nầy. Thế là các phi cơ tha hồ tung hoành trên không phận để tiêu diệt các cánh quân địch từ cạnh sườn phải, trái và đằng sau Ðại đội 3. Ðồng thời hỏa lực hùng hậu của các chiến xa cũng như bộ binh đã phối hợp để tiêu diệt hàng trăm con thiêu thân trong rừng cao su, bên phải của Ðại đội 2, đang tìm cách xung phong tuyệt vọng vào các cánh quân di chuyển thần tốc của toàn thể tiểu đoàn và thiết giáp. Tướng Hiếu, Tư lệnh Sư đoàn 5, cũng đã can đảm bay trên phi cơ chỉ huy sát ngọn cây cao su, ra chỉ thị cho tiểu đoàn tiếp tục tiến nhanh hơn, để tránh mưu đồ bao vây của địch trong trận tao ngộ chiến ngoạn mục nầy. Sự xuất hiện bất ngờ của tướng Hiếu trên đầu các lực lượng lui quân cũng gia tăng thêm tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ, để họ tiếp tục chạy nhanh hơn dưới biển lửa của trận địa pháo địch.
Khoảng 10:30G, toàn thể Tiểu đoàn 1/8 và các chiến xa đã giao tiếp với Tiểu đoàn 2/7 tại chợ Snoul. Các chiến xa hoàn toàn được bảo toàn, trong khi Tiểu đoàn 1/8 chỉ có thiệt hại tương đối nhẹ, mang theo tất cả các thương binh về BCH/CÐ8 tại Snoul.
Nghi binh[9] là một yếu tố chủ yếu cho sự thành công của việc rút quân, dưới áp lực tấn công, bao vây của hai trung đoàn địch trong năm ngày và năm đêm tại căn cứ của Tiểu đoàn 1/8. Nếu địch cứ tiếp tục chiếm giữ các hầm hố đã đào sẵn tại khoảng giữa chợ Snoul và vị trí của tiểu đoàn, tiểu đoàn sẽ phải chịu một thiệt hại rất nặng, nếu may mắn chọc xuyên được phòng tuyến của địch. Nếu tiểu đoàn không đủ sức để chọc thủng tuyến chặn địch nầy, chắc chắn là toàn bộ Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn chiến xa sẽ bị bao vây và bị tiêu diệt bởi hai trung đoàn địch.
Nhờ có yếu tố nghi binh, nên yếu tố thần tốc là yếu tố chủ yếu thứ nhất cho sự thành công của cuộc lui binh nầy.[9]Các binh sĩ đều hiểu rõ rằng, thời gian trì hoãn việc di động lui quân sẽ là tử thần cho họ, nên tất cả binh sĩ đã biểu lộ lòng quyết chiến và lòng gan dạ, bằng cách bất chấp hỏa lực địch để tiếp tục vừa chạy vừa bắn trả vào quân địch.
Phối hợp toàn diện trong việc điều binh, hỏa lực giữa thiết giáp-bộ binh, pháo binh[9] và hỏa lực không quân của LLKK Hoa Kỳ đã vô hiệu hóa âm mưu tấn công và bao vây của hai trung đoàn địch.
Tướng Hiếu đã biểu lộ lòng can đảm khi xông pha trận mạc với các chìến sĩ đang lâm trận, đã nâng cao tinh thần chiến đấu và niềm tự tin cho toàn thể các chiến hữu đang rút lui, trước hỏa lực và lực lượng áp đảo của hai trung đoàn địch.[10,11]
Và Bao Vây Của Hai Sư Ðoàn 5 Và 7 VC
CÁC ÐƯỜNG LỐI HÀNH ÐỘNG
Ðây là một cuộc rút quân hầu như tự sát, bởi vì Chiến đoàn 8 phải rút quân đơn thương độc mã trước sự bao vây và tấn công liên tục của hai Sư đoàn 5 và 7 VC, từ ngày 24/5/71 đến ngày 31/5/71. Nghi binh theo lối dùng truyền tin không còn hữu hiệu được nữa, bởi vì địch đã biết cách chơi máy truyền tin của quân ta rồi! Hai chiến đoàn ở hướng Tây-Nam Snoul vẫn án binh bất động trong các ngày trên, trong khi LLXKQÐ3 đang hoạt động ở phía Nam Ðồn điền Chup cho đến ngày 29/5/1971, mới được lệnh Quân đoàn về Thiên Ngôn (Tây Ninh), và chỉ được tăng phái cho Sư đoàn 5 kể từ ngày 31/5/71. Chiến đoàn 8 chỉ còn trông cậy vào hỏa lực yểm trợ của LLKK Hoa Kỳ trong cuộc rút quân sinh tử nầy. Vì vậy, Ðại tá Dzần, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 8, phải đắn đo chọn lựa một trong hai giải pháp thực tế để hoàn thành nhiệm vụ bất khả kháng nầy.
(1) Áp Dụng Kế Hoạch Trì Hoãn Chiến
Muốn áp dụng kế hoạch trì hoãn chiến, Chiến đoàn 8 cần phải có đủ ba điều kiện chủ yếu để bảo toàn lực lượng lui quân và chấp nhận một sự tổn hại tương đối nhẹ. Ðiều kiện thứ nhất là chiến đoàn phải có một lực lượng quân số gần tương đương với địch. Ðiều kiện thứ hai là chiến đoàn phải có thêm lực lượng tăng viện, để ít nhất uy hiếp cạnh sườn và mặt hậu của địch, cũng như cung cấp hỏa lực yểm trợ cho chiến đoàn trong khi lui binh. Ðiều kiện thứ ba là phía hậu của lộ trình lui binh phải được bảo toàn an ninh. Chẳng may, Chiến đoàn 8 không có các điều kiện nêu trên. Chiến đoàn 8 đang đương đầu với một lực lượng địch gấp năm hay sáu lần, trong khi hai chiến đoàn bạn ở hướng Tây-Nam vẫn án binh bất động, đồng thời LLXKQÐ3 vẫn chưa được tăng phái cho Sư đoàn 5 để giữ an ninh mặt hậu của lộ trình rút lui của Chiến đoàn 8. Tuy nhiên Chiến đoàn 8 còn có một lợi điểm hơn địch, Ðại đội A của LLKK Hoa Kỳ yểm trợ trực tiếp cho chiến đoàn trong cuộc lui quân nầy. Do đó Ðại tá Dzần phải tự đặt câu hỏi, “Liệu khả năng không yểm của đại đội không kỵ nầy có đủ sức để thay thế ba điều kiện cần thiết nêu trên hay không?” Ba yếu tố cần thiết cho sự thành công của không yểm là hỏa lực phòng không của địch, thời tiết và địa thế. Từ ngày 24/5/71 đến ngày 29/5/71, thời tiết rất tốt, thuận tiên rất nhiều cho không yểm, tuy nhiên khả năng phòng không của địch rất hùng hậu, đến nỗi các phi công không thể hạ cánh để tải thương và tiếp tế cho Tiểu đoàn 1/8, ngoài ra địa thế của khu vực hành quân hoàn toàn bất lợi cho không yểm, bởi vì những khu rừng cao su già quá rậm rạp và những rừng cây quá dày đặc từ Snoul đến biên giới Việt Nam. Do đó LLKK Hoa Kỳ rất khó nhận diện các cuộc chuyển quân của địch và ta ở trên đất, ngoại trừ dọc theo hai bên QL 13 về hướng Ðông-Nam được khai quang khoảng 50 mét. Ngoài ra, LLKK Hoa Kỳ cũng không có sĩ quan liên lạc ở trên đất với bộ binh để điều chỉnh và tác xạ theo yêu cầu trực tiếp của Chiến đoàn 8. Căn cứ vào những điều kiện khả hữu trên của chiến trường lúc bấy giờ, Ðại tá Dzần nhận định rằng LLKK Hoa Kỳ không thể thay thế ba điều kiện chủ yếu đã thiếu mất cho sự sống còn của Chiến đoàn 8 trong kế hoạch trì hoãn chiến nầy. Như vậy Ðại tá Dzần đã thấy rõ rằng, nếu áp dụng kế hoạch trì hoãn chiến trong trường hợp nầy, hai sư đoàn địch sẽ có đủ thì giờ để điều động quân từ hướng Ðông-Bắc và Tây-Bắc của Snoul để bao vây, cắt đứt các đơn vị, và tiêu diệt toàn bộ Chiến đoàn 8.
(2) Áp Dụng Kế Hoạch Rút Lui Bất Ngờ Và Thần Tốc [9]
Theo kế hoạch nầy, Chiến đoàn 8 phải chấp nhận một sự thiệt hại rất nặng nề, nhất là các vật dụng nặng nề và cồng kềnh, không thể di chuyển kịp thời với bộ binh và thiết giáp. Ưu điểm của kế hoạch nầy là địch không có thì giờ điều động toàn bộ hai sư đoàn cùng pháo binh và hai tiểu đoàn phòng không để bao vây, và tổ chức trận địa pháo lên các quân ta, không có hầm hố ẩn núp ở ngoài trời trong khi đang lui binh. Dĩ nhiên thà chấp nhận thiệt hại nặng nề còn hơn là bị tiêu diệt toàn bộ chiến đoàn, hay là bị bắt sống bởi hai sư đoàn địch. Hơn nữa chiến đoàn còn có hy vọng sẽ có dịp tiêu diệt lực lượng địch, hay gây thiệt hại cho địch trong khi lui binh. Do đó Ðại tá Dzần đã sáng suốt chấp nhận phải thi hành bất đắc dĩ cái hạ kế, “Nhất Công, Nhì Thủ, Tam Tẩu”, để cứu sống Chiến đoàn 8 trong nhiệm vụ lui binh gần như tự sát nầy.
QUAN NIỆM HÀNH QUÂN LUI BINH
Xử dụng yếu tố nghi binh và điều quân thần tốc, dưới hỏa lực không yểm của Ðại Ðội A của LLKK Hoa Kỳ, trong hai giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ lui binh từ Snoul đến Tiểu đoàn 3/9 trong ngày 30/5/71, và giai đoạn 2 sẽ lui binh từ Tiểu đoàn 3/9 đến LLXKQÐ3, để trở về Lộc Ninh trong ngày 31/5/71.[9]
PHÂN CÔNG GIAI ÐOẠN 1
(1) TÐ1/8 được tăng phái chi đoàn thiết vận xa M113, làm nỗ lực chính, phá vỡ tuyến bao vây của địch, để giao tiếp với TÐ3/8 và Tiểu đoàn 3/9 trong ngày 30/5/71.
(2) TÐ2/8 bảo vệ cánh sườn phải cho TÐ1/8 cho đến khi TÐ1/8 giao tiếp với TÐ3/8. Sau đó theo sau TÐ1/8 để làm lực lượng trừ bị cho chiến đoàn.
(3) BCH/CÐ theo sau TÐ1/8.
(4) Ðại đội công vụ và trung đội quân y trách nhiệm thu góp các thương binh và tử sĩ của TÐ1/8 và TÐ2/8.
(5) TÐ2/7 được tăng phái chi đoàn chiến xa, làm lực lượng bảo vệ phía hậu của chiến đoàn.
(6) TÐ3/8 phản công ra khỏi vị trí phòng thủ, bố trí yểm trợ cho TÐ1/8 và TÐ2/8, sẵn sàng di chuyển theo sau BCH/CÐ từ vị trí của TÐ3/8 đến TÐ3/9 để làm lực lượng trừ bị cho chiến đoàn.
(7) TÐ3/9 xử dụng hai đại đội để phản công ra khỏi vị trí phòng thủ, sẵn sàng yểm trợ và giao tiếp với TÐ1/8 trong ngày 30/5/71.
(8) Ðại đội A của LLKK Hoa Kỳ yểm trợ trực tiếp cuộc lui quân.
(9) Tiểu đoàn pháo binh xử dụng một nửa số đạn pháo binh để bắn phá các mục tiêu địch về hướng Tây-Bắc và Ðông-Bắc trong đêm 29/5/71, để đánh lạc hướng địch trong kế hoạch rút quân ngày mai, 30/5/71, đồng thời xử dụng một nửa số đạn dược còn lại để bắn phá từng chùm lên các mục tiêu trên đường tiến quân của TÐ1/8 và TÐ2/8 trong ngày 30/5/71. Sau đó phá hủy các khẩu súng trước khi lui binh.
HUẤN THỊ PHỐI HỢP
(1) Xử dụng yếu tố thần tốc để đánh xả láng nếu cần để tránh khỏi bị bao vây của địch.
(2) Tuyệt đối bảo mật truyền tin.
(3) TÐ1/8 và TÐ2/7 bố trí quân về hướng Tây-Bắc và Ðông-Bắc, xử dụng các toán tuần thám và phục kích trong hai hướng nầy trong đêm 29/5/71, để đánh lạc hướng địch trong kế hoach rút quân của ta trong ngày 30/5/71.
PHÂN CÔNG GIAI ÐOẠN 2
(1) TÐ3/8 được tăng phái một chi đoàn chiến xa, làm nỗ lực chính để về biên giới VN, vượt tuyến xuất phát lúc 07:30G ngày 31/5/71 để tiến dọc theo bên phải QL13. Nếu cần, TÐ3/8 sẽ đánh xả láng theo kế hoạch thần tốc để phá vỡ vòng vây của địch.
(2) TÐ3/9 bảo vệ cánh sườn trái của TÐ3/8 dọc theo bên trái của QL13. Nếu cần, TÐ3/9 sẽ đánh xả láng theo kế hoạch thần tốc để phá vỡ vòng vây của địch.
(3) BCH/CÐ theo sau TÐ3/8.
(4) TÐ2/7 bảo vệ cánh sườn phải của TÐ3/8.
(5) TÐ2/8 làm lực lượng trừ bị cho chiến đoàn, theo sau BCH/CÐ.
(6) TÐ1/8 tiếp tục được tăng phái chi đoàn thiết quân vận M113, bảo vệ phía hậu của chiến đoàn
(7) Ðại đội A của LLKK Hoa Kỳ yểm trợ trực tiếp cuộc lui quân.
DIỄN TIẾN HÀNH QUÂN GIAI ÐOẠN 1
Chiều ngày 29/5/71, TÐ1/8 đã tung ra ba toán phục kích và hai toán tuần thám về hướng Tây-Bắc của Snoul, đồng thời các binh sĩ tiểu đoàn đã hiểu rõ nhiệm vụ đánh xả láng ngày mai, 30/5/71, để mở đường máu cho các lực luợng theo sau. Quan niệm hành quân ngày 30/5/71 cũng tương tự như quan niệm hành quân của ngày 29/5/71 trong cuộc lui binh của TÐ1/8 từ hướng Bắc về chợ Snoul, nên họ đã quen thuộc với kế hoạch sắp đến của chiến đoàn vào hôm sau. Tuy nhiên trong ngày 30/5/71, các binh sĩ TÐ1/8 hiểu rõ là họ sẽ đóng vai trò của những chàng hiệp sĩ “Samurai” để xung phong thẳng vào địch, và chỉ nằm xuống khi họ bị thương hay tử thương mà thôi.
TÐ1/8 đã nghe rõ trong đêm 30/5/71, rất nhiều phi cơ oanh tạc liên tục từ hướng Tây-Bắc và Ðông-Bắc của Snoul. Như vậy tướng Hiếu cũng đang áp dụng kế hoạch nghi binh để trợ giúp cho kế hoạch lui quân của Chiến đoàn 8 vào ngày 30/5/71. Các cuộc oanh tạc nầy còn có mục đích tiêu diệt và ngăn chặn các cuộc chuyển quân của địch từ hướng Tây-Bắc và Ðông-Bắc của Snoul về hướng Ðông-Nam của cuộc lui binh vào ngày mai, 30/5/71.
Khoảng 08:00G ngày 30/5/71, không quân oanh tạc các mục tiêu trên lộ trình rút quân của Chiến đoàn 8, cũng như các mục tiêu chiến thuật, để ngăn chặn các cuộc điều binh bao vây của địch.
Khoảng 08:30, pháo binh CÐ8 bắn phá từng chùm trên lộ trình tiến quân của TÐ1/8 để giao tiếp với TÐ3/8 đang bị địch bao vây.
Khoảng 09:00G, TÐ1/8 xử dụng Ðại độ 2 và Ðại đội 3 cùng chi đoàn M113 làm nỗ lực chính vượt tuyến xuất phát, trong khi Ðại đội 1 bảo vệ cạnh sườn trái của Ðại đội 2. Các cấp chỉ huy từ tiểu đoàn trưởng đến trung đội trưởng đều trang bị thêm súng cá nhân M16, để xung phong tuyến đầu với binh sĩ. Vượt khỏi tuyến xuất phát khoảng một cây số, TÐ 1/8 đã thấy rõ địch dưới các hầm hố cá nhân trong rừng cao su, bắt đầu đồng loạt khai hỏa khi tiểu đoàn tiến sát vào địch khoảng 200 mét, đồng thời pháo binh địch bắt đầu mở trận địa pháo từng chùm lên lộ trình tiến quân của tiểu đoàn. Bất chấp biển lửa của địch, Chi đoàn Thiết quân vận M113 cùng Tiểu đoàn 1/8 tiếp tục vừa di chuyển vừa bắn trả, từ cây cao su nầy đến cây cao su đằng trước của lộ trình tiến quân, mặc dù đã có một số binh sĩ bị gục ngã.
Khoảng 09:40G, địch xử dụng trận địa pháo lên toàn trục tiến quân của Chiến đoàn 8, đồng thời Tiểu đoàn 2/8 bị địch chọc thủng phòng tuyến từ cánh sườn phải, phải chạy ép về phía Tiểu đoàn 1/8. May thay sáu phi cơ trực thăng trang bị vũ khí và hỏa tiễn của LLKK Hoa Kỳ đang quần thảo trên các ngọn cây cao su, để tác xạ vào địch đang xung phong ồ ạt vào Tiểu đoàn 2/8, chặn đứng ngay đợt xung phong đầu tiên của địch vào Tiểu đoàn 2/8. Ðồng thời Tiểu đòan 1/8 nghe rõ trong máy truyền tin rằng Tiểu đoàn 2/7 đang bị áp lực pháo kích và xung phong ở đằng sau. Tướng Hiếu đã bay trên đầu của Tiểu đoàn 1/8, ra lệnh trực tiếp cho tiểu đoàn phải chọc thủng phòng tuyến địch gấp với mọi giá, để mở đường máu cho chiến đoàn đang bị địch bao vây ở đàng sau. Bấy giờ địch và ta đang quần thảo trong vòng khoảng 100 thước, nên Tiểu đoàn 1/8 và Chi đoàn thiết quân vận M113 chỉ trông cậy vào hỏa lực cơ hữu để xung phong đánh cận chiến với địch đang ở trong các hầm hố cá nhân. Khẩu lệnh xung phong được truyền rất mau đến các binh sĩ ở hàng đầu, bởi vì các sĩ quan chỉ huy đều ở vị trí hàng đầu với các binh sĩ trong lúc nầy. Bất chấp hỏa lực bắn thẳng từ phía trước, bên hông phải cũng như trận địa pháo tàn khốc của địch, những chàng “Samurai” của thiết giáp và bộ binh vừa bắn vừa xung phong vào tuyến phòng thủ của địch. Xác địch và ta đã lẫn lộn trên các hầm hố cá nhân và giao thông hào của địch, trong khi các thiết vận xa tiếp tục chạy cán lên địch không chạy kịp ra khỏi các hầm hố. Máu địch của địch và ta đã hòa lẫn cùng nhau trong trận đánh cận chiến để đời và ngắn ngủi, không đầy khoảng mười lăm phút đồng hồ, để toàn thể Tiểu đoàn 1/8 và các chiến sĩ anh hùng thiết giáp vượt qua khỏi tuyến kháng cự của hơn một tiểu đoàn địch. Hình ảnh Tiểu đoàn trưởng và Tiểu đoàn phó của Tiểu đoàn 1/8 phải bật khóc trên tuyến kháng cự nầy, khi họ thấy và nghe những tiếng kêu cứu đau lòng của các chiến hữu bị thương nặng đang nằm bên xác địch, “Ðại Bàng ơi, đừng bỏ em, cho em theo với,” đủ nói lên cái mức độ tàn khốc và đau lòng của trận chiến xung phong cảm tử nầy của thiết giáp và bộ binh. Những khuôn mặt đau đớn, cùng những cặp mắt van xin cầu khẩn của các chiến hữu phải bị bỏ lại cho đại đội công vụ đằng sau thu nhặt, vẫn còn xuất hiện thường xuyên trong các giấc mộng hãi hùng của sĩ quan Tiểu đoàn trưởng 1/8 trên mảnh đất tạm dung nầy.
Thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, các chàng “Samurai” tiếp tục thanh toán các ổ kháng cự đàng sau trên đường giao tiếp với Tiểu đoàn 3/8 với một đoạn đường còn lại khoảng chừng hai cây số. Ða số các ổ kháng cự của địch đã hoảng sợ bỏ chạy trước khi quân ta vượt qua, nên Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết vận xa đã giao tiếp với Tiểu đoàn 3/8 vào khỏang 11:00G, tuy nhiên Tiểu đoàn 2/8 và BCH của chiến đoàn vẫn còn bị kẹt lại ở đàng sau, bởi vì địch đã xử dụng trận địa pháo và tấn công cánh sườn phải của Tiểu đoàn 2/8 quá mãnh liệt. Tiểu đoàn nhận lệnh phải ở lại và án ngữ quanh khu vực Tiểu đoàn 3/8, để yểm trợ cho cánh quân ở đàng sau đang quần thảo ngang ngửa với địch. Ðại uý Bảo có đủ thì giờ để rà máy truyền tin địch, nghe rõ địch đang ra lệnh cho các đơn vị điều động để bao vây và chia cắt Chiến đoàn 8 còn lại ở đàng sau, cũng như những tiếng phàn nàn của địch trong việc di chuyển các ổ phòng không từ hướng Bắc của Snoul về hướng Ðông-Nam tại khu vực đang giao tranh của địch và ta. Ðại uý Bảo liền báo gấp cho BCH của chiến đoàn về âm mưu nầy của địch, đồng thời nghe rõ Tướng Hiếu chỉ thị cho Chiến đoàn vượt gấp theo Tiểu đoàn 1/8. Chính tướng Hiếu đã can đảm bất chấp hỏa lực địch, bay sát trên các ngọn cây cao su để quan sát địch, và chỉ thị cho LLKK Hoa Kỳ tác xạ tiêu diệt các cánh quân địch đang xung phong vào Tiểu đoàn 2/8 và Tiểu đoàn 2/7. Ðại tá Dzần cùng Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 thiết giáp vượt lên với Tiểu đoàn 2/8 để tấn công vào địch bên cánh sườn phải của tiểu đoàn 2/8, yểm trợ hữu hiệu cho Tiểu đoàn 2/8 đang cố gắng ép qua bên trái để tiến nhanh qua lỗ hổng do Tiểu đoàn 1/8 đã phá vỡ để tiếp tục giao tiếp với Tiểu đoàn 1/8. Sau cùng, BCH, Thiết đoàn 1 và Tiểu đoàn 2/8 đã anh dũng tiêu diệt cánh quân địch ở bên sườn phải để mở đường cho Tiểu đoàn 2/7 theo sau, dưới áp lực tấn công và trận địa pháo tàn khốc của địch. May mắn thay địch không có đủ thì giờ để di chuyển các ổ phòng không từ hướng Tây-Bắc và Ðông-Bắc của Snoul về hướng Ðông-Nam để bắn phá các trực thăng yểm trợ của LLKK Hoa Kỳ. Do đó các anh hùng đồng minh tha hồ tiêu diệt các cánh quân của địch đang điều động bao vây Chiến đoàn 8, theo chỉ thị của tướng Hiếu.
Khoảng 12:00G, Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết quân vận nhận lệnh tiếp tục tiến quân từ vị trí Tiểu đoàn 3/8 đến vị trí bố quân của Tiểu đoàn 3/9, trong vòng khoảng chín cây số dọc theo hướng Ðông-Nam của QL13. Ðịch bắt đầu gia tăng trận địa pháo khi Tiểu đoàn 1/8 vừa rời khỏi vị trí, với mục đích trì hoãn cuộc lui binh của quân ta, tuy nhiên Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết quân vẫn bất chấp biển lửa của pháo binh địch, vượt khỏi khu vực trận địa pháo khoảng hai trăm thước, để tiếp tục thanh toán các ổ kháng cự địch dọc theo QL13. Trong giai đoạn nầy, Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết quân vận chỉ trông cậy vào hỏa lực cơ hữu của mình, bởi vì LLKK Hoa Kỳ phải dành ưu tiên cho các cánh quân ở đàng sau, đang quần thảo với địch từng giây từng phút để cố vượt ra khỏi vòng vây của địch. May mắn thay Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết quân vận chỉ gặp phải những ổ kháng cự và phục kích địch tương đối yếu ớt, nên nhờ hỏa lực yểm trợ hùng hậu của các chiến xa cũng như kế hoạch điều binh nhanh chóng của bộ binh, TÐ1/8 và chi đoàn thiết quân vận đã giao tiếp với Tiểu đoàn 3/9 vào khoảng 17:30G trong ngày, trong khi BCH chiến đoàn và các đơn vị theo sau phải tiếp tục quần thảo với địch theo sau bén gót, cũng như phải đương đầu với các cuộc phục kích vận động chiến của địch dọc theo QL13.
DIỄN TIẾN HÀNH QUÂN GIAI ÐOẠN 2
Ðêm 30/5/71, Chiến đoàn 8 phòng thủ ngoài khu vực phòng thủ của Tiểu đoàn 3/9, trong khi pháo binh và không quân đánh phá suốt đêm dọc theo QL13 đến Snoul, để tiêu diệt và ngăn ngừa các cuộc chuyển quân của địch về hướng Ðông-Nam của QL13. Trong đêm nầy, sương mù dày đặc suốt đêm đến khoảng 9:30G sáng ngày 31/5/71, đến nỗi bộ binh chỉ thấy nhau trong tầm khoảng cách không quá mười lăm thước, vì vậy cuộc lui quân phải bị trì hoãn khoảng hai tiếng đồng hồ theo kế hoạch đã dự trù.
Từ 07:30G đến 09:30G ngày 31/5/71, pháo binh của LLXKQÐ3 liên tục bắn phá các mục tiêu dự trù trên lộ trình lui quân, trước khi Chiến đoàn 8 vượt tuyến xuất phát để giao tiếp với LLXKQÐ3, mới được tăng phái cho Sư đoàn 5 trong ngày nầy, 31/5/71.
Khoảng 09:30G, chiến đoàn bắt đầu lui quân về hướng Ðông-Nam của QL13 theo kế hoạch dự trù, trong khi LLXKQÐ3 cũng tấn công từ biên giới về hướng Tây-Bắc dọc theo QL13, theo thế trên đe dưới búa để áp đảo đối phương. Các trực thăng yểm trợ hỏa lực của LLKK Hoa Kỳ cũng bắt đầu đánh phá các mục tiêu hai bên QL13 để bảo vệ cạnh sườn cho bộ binh.
Khoảng 11:30G, Tiểu đoàn 3/8 và Tiểu đoàn 3/9 đã giao tiếp với LLXKQÐ3, trong khi BCH Chiến đoàn 8 đang lọt ổ vận động phục kích của địch, và Tiểu đoàn 1/8 cũng đang bị địch uy hiếp ở đàng sau, đồng thời LLXKQÐ3 cũng đang giao tranh mạnh hai bên QL13, cách BCH/CÐ khoảng 500 thước. Ðại tá Khôi yêu cầu Ðại tá Dzần dừng lại, để chờ cho LLXKQÐ3 thanh toán xong địch rồi mới di chuyển, tuy nhiên Ðại tá Dzần quyết định đánh gấp theo thế “Trên Ðe Dưới Búa” để phá âm mưu bao vây của địch. BCH Chiến đoàn 8 và BCH Thiết đoàn 1 đã anh dũng xung phong vào ổ phục kích để tiêu diệt địch, dưới sự yểm trợ của LLXKQÐ3 và LLKK Hoa Kỳ. Trung tá Ðinh Văn Tọa, Trung đoàn phó Trung đoàn 8, và Thiếu tá Trương Hồng Cẩm, Thiết đoàn phó Thiết đoàn 1, đã anh dũng tử trận trong cuộc xung phong nầy. LLXKQÐ3 cũng đã anh dũng tiến lên tiêu diệt địch khoảng hơn 4/5 quân số.
Khoảng 12:30G, LLXKQÐ3 hoàn toàn làm chủ chiến trường, để đơn vị cuối cùng của chiến đoàn, Tiểu đoàn 1/8, rút quân an toàn về biên giới.
Ðịch đã mắc mưu kế nghi binh của tướng Hiếu và Ðại tá Dzần trong đêm 29/5/71, nên địch cứ lầm tưởng rằng Chiến đoàn 8 sẽ mở cuộc hành quân tấn công họ về hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc vào ngày 30/5/71. Do đó địch đã lầm lẫn không cho điều động hai tiểu đoàn phòng không và tập trung thêm bộ binh, từ hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc về hướng Ðông-Nam, để tham gia trực tiếp chiến trường ngày 30/5/71 tại khoảng một cây số trên QL13 ở hướng Ðông-Nam của Snoul.
Cuộc rút quân bất ngờ và thần tốc của Chiến đoàn 8 cũng như hỏa lực không yểm của LLKK Hoa Kỳ đã hữu hiệu tiêu diệt và chận đứng, hay trì hoãn các cuộc điều binh của địch từ hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc về hướng Ðông-Nam để tham dự chiến trường thật sự ngày 30/5/71.[9]
Tinh thần quyết chiến của các chiến hữu Chiến đoàn 8 được khích lệ bởi sự hiện diện thường trực của tướng Hiếu, trong khi ông đã can đảm bất chấp hỏa lực pháo binh và bộ binh của địch, bay sát các cánh quân của địch, quan sát và điều chỉnh hỏa lực tác xạ của LLXK Hoa Kỳ cho chính xác vào các lực lượng địch.[10,11]
Ðại tá Dzần cùng Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn 1 đã quyết định sáng suốt và can đảm vượt lên sát với Tiểu đoàn 2/8, để yểm trợ cho tiểu đoàn nầy đang bị địch uy hiếp cánh sườn phải cũng như để bẻ gãy kế hoạch bao vây và chia cắt của địch.
LLXKQÐ3 đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc lui binh cuối cùng của CÐ8 ngày 31/5/71. Nhờ thế, CÐ 8 chỉ bị thiệt hại nhẹ trong ngày lui binh ngày 31/5/71. Ngoài ra, LLXKQÐ3 cũng đã phá vỡ kế hoạch địch tiếp tục bao vây và tiêu diệt CÐ8.
Mặc dù tướng Hiếu đã xử dụng các hàng rào điện tử[12] để dò thám những hoạt động di chuyển của địch trong vùng hành quân trách nhiệm của Sư đoàn, tuy nhiên địch đã khôn khéo tránh xa những vị trí trên. Ngoài ra địch luôn luôn lẩn tránh các cuộc hành quân tìm địch của CÐ8 xung quanh khu vực Snoul từ đầu tháng năm của năm 1971.
Vào khoảng giữa tháng năm, địch đã bí mật di chuyển Sư đoàn 7VC về chung quanh khu vực Snoul, để phối hợp với Sư đoàn 5VC trong việc chuẩn bị bao vây, tổ chức trận địa pháo, và tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn 8 và các đơn vị tăng phái cho TRÐ8. Kế hoạch của địch đã bảo mật thật tuyệt diệu đến nỗi tình báo của ta và đồng minh chẳng ai hay biết.[7] Tuy nhiên tướng Hiếu với giác quan thứ sáu, đã thông báo CÐ8 trong công điện mật ngày 4/5/71[12], phải tổ chức phòng thủ kiên cố, và tổ chức các cuộc hành quân tấn công hạn chế, bởi vì ông đã có linh cảm là địch sắp xuất đầu lộ diện. Làm tướng mà có được cái linh tính nầy phải là một tướng lãnh tài ba hiếm có!
Khoảng ngày 15/6/71, hai tuần lễ sau trận Snoul, địch đã xử dụng kế hoạch phản tình báo rất tuyệt diệu, bằng cách thả rất nhiều tù binh từ hướng Tây Ninh trở về, ngoại trừ các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 1/8. Sở dĩ địch không thả các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn 1/8, bởi vì TÐ 1/8 đã lâm chiến hơn sáu ngày và năm đêm với địch, nên các binh sĩ nầy đã hiểu rõ lực lượng thật sự của địch đã tham chiến trong các ngày trên. Riêng các binh sĩ thuộc các đơn vị khác đa số chỉ lâm chiến hai ngày trong cuộc lui binh, nên địch đã thành công trong việc nhồi sọ và tuyên truyền với các binh sĩ nầy là địch chỉ có một Trung đoàn tấn công CÐ8 mà thôi. Kết quả là Quốc Hội VNCH, Tướng Tư Lệnh Quân đoàn 3, tình báo của ta và đồng minh đã ngây thơ tin tưởng ở tin tức sai lầm nầy, để địch có cơ hội để chuyển bại thành thắng.
Trong khi đó tình báo của ta và đồng minh cũng như BTLQĐ3 lại xem thường những tin tức xác thực từ chiến trường Snoul gởi về từ Ðại tá Dzần, qua tướng Hiếu. Ðại tá Dzần đã kiên nhẫn nghe và đếm những vị trí pháo binh và phòng không của địch, để ước tính chính xác rằng địch đã xử dụng hai Tiểu đoàn pháo binh và hai tiểu đoàn phòng không xung quanh khu vực Snoul. Theo bản cấp số của VC, mỗi Sư đoàn VC chỉ có một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn phòng không mà thôi. Ðó là lý do Ðại tá Dzần đã báo cáo với tướng Hiếu là địch có ít nhất cũng phải một Sư đoàn 5, được tăng cường ít nhất một tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn phòng không. Sự thật, địch đã xử dụng hai Sư đoàn 5 và 7 để tấn công Chiến đoàn 8 qua tin tức của một Tiền sát viên VC bị bắt sống bởi Tiểu đoàn 1/8 ngày 26/5/71[7]. Tuy nhiên Ðại tá Dzần rất cẩn thận chỉ báo những gì ông đã thấy và nghe, bởi vì TÐ1/8 đã bị địch bao vây và tấn công liên tục năm ngày và năm đêm tại vị trí của Tiểu đoàn, nên Tiểu đoàn 1/8 không thể chuyển tên tù binh nầy về Bộ chỉ huy chiến đoàn. Trong ngày 29/5/71, TÐ1/8 phải rút quân cấp bách, nên tên tù binh nầy đã lẩn trốn trong khi binh sĩ Tiểu đoàn đang lo chiến đấu với địch để sinh tồn.
Dĩ nhiên tướng Hiếu hoàn toàn tin tưởng ở các tin từ Ðại tá Dzần, bởi chính ông là vị tướng lãnh duy nhất bay trên chiến trường Snoul hằng ngày từ ngày 24/5/71 cho đến ngày 31/5/71, bất chấp cả các hỏa lực phòng không hùng hậu của địch ở hướng Bắc và Tây Bắc của Snoul. Chính tướng Hiếu đã trình lên Trung tướng Minh hai lần về tin tức chính xác nầy từ Ðại tá Dzần, tuy nhiên Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã chủ quan bác bỏ tin nầy, vì ông chỉ dùng tin tức của đồng minh lúc bấy giờ là địch chỉ xử dụng một Trung đoàn địch để tấn công Trung đoàn 8 mà thôi, và hai Trung đoàn còn lại của Sư đoàn 5 VC để phục kích và cầm chân lực lượng xung kích của Quân đoàn tại khoảng một cây số trên QL13 trong nội địa Cam Bốt từ biên giới Việt Nam.[2]
Tóm lại, địch đã có rất nhiều lợi thế trên phương diện tình báo và phản tình báo trong trận chiến tại Snoul, bởi vì Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 không tin tưởng các báo cáo chính xác về lực lượng địch tham chiến tai Snoul từ Ðại tá Dzần qua tướng Hiếu, và Trung tướng Quân đoàn 3 và Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị mắc mưu kế hoạch phản tình báo của địch qua các tin tức từ binh sĩ được thả về ngày 15/6/71.
Căn cứ vào tin tức của VC[7] cũng như tin tức từ báo chí [13,14], Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, tư lệnh Quân đoàn 3, kiêm tư lệnh chiến trường Cam Bổt, đã chuyển từ thế công lúc cố Ðại tướng Ðỗ Cao Trí còn làm Tư lệnh QÐ3, sang thế phòng ngự từ tháng tư năm 1971 cho đến ngày 31/05/71. Trung tướng cũng đã có một quyết định đúng trong dự định rút quân của CĐ8 cuối tháng năm 1971, bằng cách tăng phái lực lượng xung kích của Quân đoàn 3 cho Sư đoàn 5 trong ngày 31/5/71, theo lời của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Chỉ huy trưởng Lực Lượng Xung Kích Quân đoàn 3.[6,27] Tuy nhiên lực lượng xung kích nầy đã được tăng phái quá trễ vào ngày 31/5/71, thay vì phải được tăng phái cho Sư đoàn 5 kể từ ngày đầu tiên của chiến trường, 24/5/71, hay ít nhất trước ngày lui binh, 29/5/71.
Ðặc biệt từ ngày 24/5/71 đến ngày 31/5/71, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã án binh bất động nỗ lực chính của các Chiến đoàn ở khu vực Chup, Kampong Cham, và hai Chiến đoàn đang ở gần hướng Nam của Snoul;[10] ngoài ra, ông cũng không chịu báo cáo về BTTM tình hình và ý định của địch để xin thêm không yểm và lực lượng trừ bị.[10]
Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ để lại một số sĩ quan tham mưu của Quân đoàn 3 tại Lộc Ninh, và không có sự hiện diện thường trực của ông tại Lộc Ninh.[10,29] Trung tướng Minh cũng không bao giờ bay trên lãnh thổ Cam Bốt để thám sát tình hình và chỉ huy điều động hai nỗ lực chính và phụ của ông.[10]
Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng đã từ chối nhiều lần việc tướng Hiếu yêu cầu xử dụng nỗ lực chính từ hướng Nam của Snoul để thi hành kế hoạch “Ðiệu Hổ Ly Sơn”, như đã thảo luận bí mật giữa hai vị tư lệnh từ trước.[2] Sau cùng, ông đã ra lệnh cho tướng Hiếu rút quân đơn thương độc mã, trước áp lực tấn công của hai Sư đoàn VC vào ngày 28/5/71.[2]
Trong cương vị của một vị Tư lệnh hành quân ở Cam Bốt, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 phải chọn lựa một trong các hành động như sau:
(1) Xử Dụng Kế Hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn, bằng cách điều động nỗ lực chính ở hướng Tây-Nam Snoul để đánh bọc hậu địch, xin tăng cường không yểm, đồng thời xin lực lượng tăng viện của BTTM cho lực lượng xung kích của Quân đoàn để tiếp tục giao tiếp với CÐ8 và đánh bọc hậu từ hướng Ðông của Snoul, kể từ ngày 25/5/71.
(2) Xử Dụng Kế Hoạch Trì Hoãn Chiến Cho TRÐ8, bằng cách điều động một phần nhỏ của nỗ lực chính để uy hiếp phần sau lưng của địch, xin tăng cường không yểm đồng thời xin lực lượng tăng viện của BTTM cho lực lượng xung kích của Quân đoàn để tiếp tục giao tiếp với TRÐ8 và đánh bọc hậu từ hướng Ðông của Snoul, kể từ ngày 25/5/71.
(3) Xử Dụng Kế Hoạch Trì Hoãn Chiến Hạn Chế Cho TRÐ8, bằng cách án binh bất động nỗ lực chính, xin tăng cường không yểm đồng thời xin lực lượng tăng viện của BTTM cho lực lượng xung kích của Quân đoàn để tiếp tục giao tiếp với CÐ8 và đánh bọc hậu từ hướng Ðông của Snoul, kể từ ngày 25/5/71.
(4) Xử Dụng Kế Hoạch Lui Binh Trước Áp Lực Tấn Công Của Ðịch, bằng cách án binh bất động nỗ lực chính, tăng phái cho Sư đoàn 5 LLXKQÐ3 trong giai đoạn cuối của cuộc lui binh vào ngày 31/5/71, không xin tăng cường không yểm đồng thời không xin lực lượng tăng viện của BTTM cho lực lượng xung kích của Quân đoàn để tiếp tục giao tiếp với CÐ8 và đánh bọc hậu từ hướng Ðông của Snoul.
Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã quyết định chọn đường lối hành động 4, bởi vì một vài lý do thầm kín, chỉ có ông có thể giải thích được cho các chiến hữu trong lúc nầy mà thôi. Là một vị tướng tài ba khi ông còn là Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, Trung tướng Minh thừa hiểu rõ rằng với giải pháp 4, tức là một giải pháp hạ cách, CÐ8 phải chịu rất nhiều thiệt hại hay có thể bị tiêu diệt hoàn toàn cả CÐ8 nếu quân số địch hơn một Sư đoàn.
Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã vi phạm những điều căn bản trong nguyên tắc chiến tranh[9], khi ông thay thế cố Ðại tướng Ðỗ Cao Trí để làm Tư lệnh hành quân tại Cam Bốt.
Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã xử dụng tối đa lực lượng của Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25 làm nỗ lực chính ở hướng Tây Nam của Snoul, cũng như tối đa lực lượng của Sư đoàn 5 làm nỗ lực phụ câu địch tại Snoul trong kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn. Vì thế ông chỉ còn lại một Chiến đoàn xung kích làm lực lượng trừ bị. Trong ngày 31/5/71, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 đã xử dụng quá trễ lực lượng xung kích nầy để giao tiếp với CĐ8, trong kế hoạch lui binh trước mùa mưa. Dĩ nhiên đáng lẽ ra ông phải xin lực lượng trừ bị cấp thời từ Bộ Tổng Tham Mưu cũng như Không quân Việt Nam để tăng cường cho CĐ8 từ những ngày đầu tiên lâm chiến của CÐ8, tuy nhiên trên thực tế ông đã không bao giờ báo cáo tình hình khẩn trương cũng như xin tăng viện trong các ngày trên.
Từ ngày 23/5/71 đến ngày 31/5/71, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 không bao giờ thị sát chiến trường hay đích thân chỉ huy cuộc hành quân, mà chỉ để lại một số sĩ quan tham mưu của Quân đoàn 3 tại Lộc Ninh, và không có sự hiện diện thường trực của ông tại Lộc Ninh[10,29], ngoại trừ thỉnh thoảng bay thăm viếng Bộ chỉ huy nhẹ Sư Đoàn 5 tại Lộc Ninh mà thôi.[10] Hơn nữa ông lại đặt lực lượng xung kích dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn 5 quá trễ vào ngày 31/5/71, thay vì phải vào ngày 25/5/71. Quyết định quá trễ của ông đã bó tay tướng Hiếu trong việc xử dụng Chiến đoàn xung kích nầy để tiếp cứu CĐ8 và tiêu diệt địch kể từ ngày đầu tiên lâm chiến, 24/5/71.
Theo lời Ðại tá Dzần, kế hoạch lui quân đã được trình lên BCH/QÐ3 và đã được chấp thuận, tuy nhiên BTL/QÐ quyết định trì hoãn ngày D lại sau 2 ngày, để Q.Ð. còn tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Q.Ð. Việc hoãn lại ngày D có nhiều điểm bất lợi trên phương diện chiến thuật và an ninh bảo mật, bởi vì địch có đủ thì giờ để bôn tập, và kế hoạch H.Q. có thể bị tiết lộ.[28]
Thiếu trách nhiệm trong vấn đề chỉ huy[10] dẫn đến sự lượng giá sai lầm về tình hình địch và bạn trên chiến trường trong các ngày giao chiến với địch, bởi vì Tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ căn cứ vào bản ước tính tình báo sai lầm của Quân đoàn để chủ quan tin rằng lực lượng địch tham chiến tại Snoul chỉ có một Trung đoàn mà thôi, mặc dầu Ðại tá Dzần và tướng Hiếu đă nhiều lần báo cáo lực lượng địch đang lâm trận ít nhất cũng phải trên một Sư đoàn tại Snoul[2]. Hậu quả của việc lầm lẫn chủ quan nầy đã đưa đến sự lầm lẫn của Tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 trong việc nhận định Ðiểm và Diện của địch trên nhãn quan của một vị Tư lệnh chiến trường tại Cam Bốt.
Lầm lẫn giữa Ðiểm và Diện dẫn đến sự chọn lựa đường lối hành động sai lầm cho trận chiến tại Snoul, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 chỉ căn cứ vào báo cáo của nỗ lực chính đang bị cầm chân bởi chỉ một Sư đoàn 9 của địch còn lại tại khu vực nầy, để cho rằng đây là Ðiểm, trong khi thực tế cho thấy Ðiểm là tại Snoul, và Diện là tại nổ lực chính tại hướng Tây Nam của Snoul! Ðó cũng là lý do Trung tướng Minh không xin tăng cường lực lượng trừ bị của BTTM và không xin tăng cường không yểm của Không quân VN, mà chỉ trông vào lực lượng yểm trợ cơ hữu và của lực lượng không kỵ của Hoa Kỳ mà thôi.
Mặc dù sự chỉ huy và kế hoạch rút quân sai lầm của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, CÐ8 cùng các lực lượng tăng phái gồm Thiết giáp, LLXKQÐ3 và Pháo binh, đã chiến thắng cuộc lui binh dưới sự chỉ huy của tướng Hiếu, Ðại tá Dzần, và Ðại tá Khôi. Ngoài ra các chiến hữu tham chiến đã phá vỡ kế hoạch chiến lược dùng trận Snoul như là một ưu sách cho Hòa đàm tại Ba Lê, bằng cách bắt sống hay tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta tham chiến tại Snoul7. Oái oăm thay Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 lại bỏ quên các chiến công thật sự của các chiến hữu của ông, bằng cách cất chức tướng Hiếu và Ðại tá Dzần, cũng như đánh giá các chiến hữu trở về như là những bại binh!
Nỗi đau lòng của tướng Hiếu là không còn một lực lượng trừ bị nào cả cho ông, bởi vì ông phải trách nhiệm bảo vệ cả một lãnh thổ nội địa quá lớn[15], lại phải phải xử dụng toàn thể Trung đoàn 8 để làm nhiệm vụ phòng thủ câu địch trong kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn của Quân đoàn, lại còn phải trách nhiệm lo giữ an ninh Quốc lộ 13 từ biên giới đến Snoul. Làm tướng thì ai cũng muốn ở thế công, nay tướng Hiếu phải chịu đặt mình trong thế thủ, lại không có lực lượng trừ bị ít nhất cũng phải một Trung đoàn để phản công tiêu diệt địch, thì làm sao mà lại không thấy đau lòng.
Tuy nhiên tướng Hiếu đâu có chịu ngồi yên. Tướng Hiếu đã ra lệnh cho Chiến đoàn 8 tiếp tục chủ động chiến trường bằng cách thường xuyên mở các cuộc hành quân hạn chế tìm địch và các hành quân viễn thám hằng ngày để thu thập tin tức về địch, ngoài việc thiết lập một số hàng rào điện tử để dò thám các cuộc di chuyển của địch chung quanh khu vực Snoul.[12] Ngoài ra tướng Hiếu cũng thường thăm viếng các đơn vị tại Snoul để đôn đốc việc hành quân cũng như tổ chức các công sự phòng thủ.[2,10,11] Nhờ thế tinh thần binh sĩ Trung đoàn 8 và các lực lượng tăng phái không hề bị sút giảm trong thời gian hành quân hơn hai tháng tại Snoul.
Ðầu tháng 4/71, tướng Hiếu đã ở thường trực tại Bộ chỉ huy nhẹ của SĐ5 tại Lộc Ninh, để theo sát tình hình chiến trường tại Cam Bốt, đồng thời dễ dàng cho việc xử dụng phi cơ chỉ huy để thăm viếng các đơn vị hằng ngày. Ngày 21/4/71, Tướng Hiếu viết thư cho vợ: “Anh ở trên Lộc Ninh ngày thứ hai và mới về Lai Khê chiều thứ ba và tùy tình hình sẽ ở luôn đến thứ hai tuần tới,” chứng tỏ rằng tướng Hiếu thường có mặt tại Lộc Ninh để thi hành kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn của Quân đoàn.[2,12]
Trái hẳn với Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3,[10,13,14] tướng Hiếu đã có mặt thường xuyên trên đầu các đơn vị Chiến đoàn 8 đang lâm chiến với địch từ ngày 24/5/71 đến ngày 31/5/71. Ðặc biệt từ ngày 24/5/71 đến ngày 30/5/71, ông đã thấy rõ hỏa lực phòng không và pháo binh của địch, đến nỗi các phi cơ tiếp tế hay tải thương không thể hạ cánh được, tuy nhiên tướng Hiếu đã bất chấp nguy hiểm để tiếp tục bay trên đầu các đơn vị đang lâm chiến với địch ở dưới đất, để chỉ huy và trấn an các binh sĩ. Nhờ thế, tướng Hiếu đã thấy rõ tình hình thật sự tại chiến trường để tin tưởng những báo cáo của Ðại tá Dzần ở dưới đất.
Tướng Hiếu đã đề nghị lên Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 hai lần để xử dụng ít nhất hai Chiến đoàn từ hướng Tây Nam của Snoul để thi hành kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn của Quân đoàn, đồng thời xin thêm lực lượng trừ bị của Bộ Tổng Tham Mưu, để tăng cường cho lực lượng xung kích của Quân đoàn đang bị địch cầm chân tại biên giới, bởi vì địch đang xử dụng ít nhất Sư đoàn 5 VC tăng cường với ít nhất hai Tiểu đoàn pháo binh và phòng không của Sư đoàn 7VC. Oái ăm thay, ngày 28/5/71, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 ra khẩu lệnh cho tướng Hiếu là các lực lượng đang tham chiến tại Snoul phải lui quân đơn thương độc mã, bởi vì Trung tướng Minh vẫn chủ quan tin rằng Sư đoàn 5 VC chỉ xử dụng một Trung đoàn để tấn công CÐ8. Như vậy tướng Hiếu hoàn toàn bị bó tay trong việc xử dụng quân trừ bị để yểm trợ cho CÐ8 trong cuộc lui binh tự sát nầy.[2]
Tuy nhiên, tướng Hiếu đã không chịu bó tay hoàn toàn trong cương vị của một vị Tư lệnh chiến trường. Ông đã vùng vẫy cố gắng tìm kiếm tất cả những gì ông còn có thế có để cứu sống các chiến hữu của ông trong cuộc lui binh tự sát nầy. Ông đã yêu cầu Ðại tá Raymond Kampe, Cố vấn trưởng Sư đoàn 5, xin Lực Lượng Không Kỵ của Hoa Kỳ tăng cường thêm khả năng yểm trợ cho CÐ8, ngoài một Ðại đội Không Ky đã thường xuyên yểm trợ cho CÐ 8. Ông cũng yêu cầu Ðại tá Raymond Kampe và Ðại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 cùng bay với ông để dễ dàng phối hợp với lực lượng xung kích của Quân đoàn và hỏa lực yểm trợ từ Lực Lượng Không Kỵ của Hoa Kỳ.[10,11]
Ðặc biệt từ ngày 29/5/71 đến ngày 31/5/71, tướng Hiếu đã biểu dương tinh thần trách nhiệm và chức vụ lương tâm của một vị tư lệnh chiến trường tại Cam Bốt, bằng cách bất chấp hỏa lực phòng không hùng hậu của địch, đã bay sát các toán rút quân ở dưới đất để điều động và trấn an tinh thần binh sĩ, bất chấp lời khuyên ngăn của Ðại tá Dzần không nên cho trực thăng đáp xuống, vẫn cho phi cơ lao xuống để chứng kiến đại đội Thám báo8 lấy khẩu súng phòng-không của địch đặt gần sát chu vi ngoài căn cứ. Ngoài ra, ông lại đảm nhiệm luôn vai trò của một Sĩ quan Ðiều không, để yêu cầu Lực Lượng Không Kỵ của Hoa Kỳ bắn phá các mục tiêu, qua Ðại tá Kampe. Nhờ thế địch đã bị trì hoãn trong việc chuyển binh để bao vây và tiêu diệt các chiến hữu ở dưới đất. Ðặc biệt Lực Lượng Không Kỵ của Hoa Kỳ không bao giờ bắn lầm lên các quân ta ở dưới đất trong các ngày trên. Như vậy tướng Hiếu cũng làm tròn bổn phận của một Sĩ quan Ðiều không ngoại hạng nữa!
Ðặc biệt đêm 30/5/71, tướng Hiếu đã xử dụng một kế nghi binh tuyệt diệu. Ông đã ra lệnh Không quân Việt Nam cũng như pháo binh của CÐ 8 bắn phá liên tục suốt đêm về hướng Bắc và Tây Bắc Snoul, đồng thời ông đã ra lệnh Ðại tá Dzần xử dụng Tiểu đoàn 1/8 bố quân về hướng Tây Bắc Snoul, để địch lầm tưởng là Chiến đoàn 8 sẽ tổ chức tấn công vào các vị trí địch ở hai hướng nầy vào ngày mai, 30/5/71. Hiệu quả của kế nghi binh nầy đã được chứng minh khi Thiếu tá Hùng, Trưởng ban 3 Trung đoàn 8, nghe lóm trong máy truyền tin địch, “Tụi nó không có tấn công chúng ta đâu, chúng nó đang rút quân về hướng Ðông. Các đơn vị ra khỏi vị trí phòng thủ để bao vây và tiêu diệt chúng gấp.”
Tóm lại, tướng Hiếu đã làm những gì ông có thể làm để cứu sống các chiến hữu của ông trong môt cuộc lui binh dưới áp lực tấn công của hai Sư đoàn 5 và 7 VC. Ngoài ra, tướng Hiếu cũng đã biểu dương ba đức tính của một tướng lãnh tài ba. Ðó là Can Ðảm, Mưu Lược và Linh Tính của một võ sĩ nhà nghề
Ðại tá Dzần đã tổ chức thường xuyên hành quân theo lệnh của tướng Hiếu, cũng như sáng kiến của ông. Ngoài ra, các toán viễn thám của các Tiểu đoàn luôn luôn hoạt động cả đêm lẫn ngày, kể từ ngày Chiến đoàn 8 trách nhiệm khu vực Snoul. Ông cũng đã xử dụng Pháo binh và Không quân đánh phá ngày đêm các lộ trình khả nghi về sự di chuyển của địch trong khu vực trách nhiệm của chiến đoàn. Hậu quả là địch đã đánh giá Snoul phải là một vị trí chiến lược cho chúng. Do đó, địch đã quyết định xử dụng hai Sư đoàn 5 và 7 VC để tấn công và tiêu diệt Chiến đòan 8 cho bằng được. Như vậy Ðại tá Dzần đã thi hành đúng nhiệm vụ câu địch theo kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn của Quân đoàn.
Ðặc biệt đêm 24/5/71, ông đã cho lệnh Pháo binh yểm trợ rất chính xác cho TÐ 1/8 trong khi đơn vị nầy đang bị địch tấn công tại vị trí tiền đồn của Chiến đoàn 8, khoảng hơn ba cây số về hướng Bắc của BCH/CÐ8. Từ ngày 25/5/71 đến ngày 31/5/71, ông đã cho lệnh Sĩ quan Truyền tin dò tần số của địch để nghe lóm địch đàm thoại trong máy truyền tin. Ông cũng đã kiên nhẫn nghe và đếm những quả đạn pháo binh địch cũng như hỏa lực phòng không của địch, để ước tính khả năng tham chiến địch tại khu vực Snoul. Ông đã ước tính gần đúng là địch đang xử dụng Sư đoàn 5, tăng cường ít nhất một Tiểu đoàn Pháo binh và một Tiểu đoàn Phòng không để tấn công CÐ8 và các đơn vị biệt phái. Vì thế chính ông đã báo cáo về BTL/SĐ5 trong ngày 25/5/71 về tình hình địch đang lâm chiến để xin tăng viện cho CÐ 8.
Ðêm 28/5/71, ông cũng thông minh hiểu ngay kế nghi binh của TĐT/ TĐ1/8 dùng để rút quân TÐ1/8 về BCH/CÐ8 trong ngày 29/5/71 bằng cách nói bạch văn trong máy truyền tin với TÐT/TÐ1/8 rằng sẽ cho phi cơ B52 thả bom bình địa khu vực từ TÐ1/8 đến chợ Snoul vào ngày mai, 29/5/71. Ngoài ra, ông cũng đã xử dụng TÐ 2/7 để yểm trợ cho TÐ1/8, bằng cách cho lệnh TÐ2/7 tái chiếm chợ Snoul trong ngày 29/5/71, trước khi TÐ1/8 rút quân về chợ Snoul.
Ðặc biệt ông đã lựa chọn đúng kế hoạch rút quân cho CÐ8 trong hai ngày 30 và 31/5/71, sau khi loại bỏ kế hoạch đánh ngược lên Kratié, bởi vì Trung tá Ninh, trưởng phòng 2 của Sư đoàn 5 thông báo rằng, Sư đoàn 5 không có lực lượng tăng viện trong ngày rút quân 29/5/71. Ông đã chọn yếu tố Nghi Binh, Bất ngờ, Thần Tốc và Hỏa Lực cùng Ðiều Binh,[9] để tránh được kế hoạch địch xử dụng hai Sư đoàn để bao vây và tiêu diệt toàn bộ TRÐ8 và các đơn vị biệt phái, bởi vì ông đã thấy đúng rằng thời gian sẽ là yếu tố chủ yếu trong việc sinh tồn của một cuộc lui binh đơn thương độc mã nầy của TRÐ8 và các đơn vị tăng phái, dưới áp lực tấn công của hai Sư đoàn địch.
Lượng giá chiến trường được căn cứ trên ba yếu tố chủ yếu: sự tương quan lực lượng của hai bên, tình hình khả hữu lúc bấy giờ, và sự tổn thất của hai bên.
Chiến đoàn 8 đã phải tử thủ tại Snoul từ ngày 24/5/71 đến ngày 29/5/71, và phải rút quân theo lệnh với một quân số quá sức chênh lệch giữa ta và địch, 2000 quân của chiến đoàn để đối đầu với hơn hai sư đoàn địch vào khoảng hơn 20,000 quân. Như vậy, một binh sĩ của Chiến đoàn 8 phải đương đầu với 10 binh sĩ địch.
Trong một tuần lễ chiến đấu với hai sư đoàn địch, Chiến đoàn 8 không hề có các lực lượng bộ binh tăng viện từ hướng Tây-Nam của Snoul, như kế hoạch điệu hổ ly sơn đă dự trù. Như vậy ngoài giải pháp lui quân thần tốc và bất ngờ, Chiến đoàn 8 chỉ còn lại hai giải pháp khả hữu, rút lui theo kế hoạch trì hoãn chiến hay phải đầu hàng nhục nhã. Kế hoạch trì hoãn chiến chỉ đem lại sự tiêu diệt toàn bộ cho Chiến đoàn 8 như Ðại tá Dzần đã thấy rõ trong phần nhận định của ông, và kế hoạch đầu hàng cả chiến đoàn không thể chấp nhận được cho danh dự của QLVNCH, nói chung, và của toàn thể chiến hữu Chiến đoàn 8, nói riêng. Ngoài ra, Chiến đoàn 8 sẽ mất tất cả quân trang, quân dụng, thiết giáp và pháo binh cho hai giải pháp không thể chấp nhận nêu trên. Hơn nữa với giải pháp lui binh thần tốc và bất ngờ, Chiến đoàn 8 vẫn còn có cơ hội để bảo toàn đa số chiến hữu, một số quân trang quân dụng, lại còn có dip để gây tổn thất nặng nề cho hai sư đoàn địch, nếu kế hoạch nầy được thành công. Sự thật cho thấy rằng hơn 85% quân số của chiến đoàn đã trở về Việt Nam an toàn.
Ngày 3/6/71, Tướng Hiếu xác nhận sự thiệt hại chính xác của ta và địch, trong năm ngày giao tranh và tử thủ tại Snoul, quân ta đã giết 1043 địch, trong khi bên ta có 37 tử thương, 167 bị thương, và 74 mất tích. [16] Ngoài ra, Ðại tá Dzần cũng đã báo cáo chi tiết về sự tổn thất quân trang, quân dụng: 10 chiến xa và 14 thiết quân vận bị bắn cháy, 12 súng pháo binh bị phá hủy trước khi lui quân, 22 súng cối bị thất lạc, và một số quân xa. Con số hơn 200 súng cá nhân và phòng không của địch do TÐ1/8 và các đơn vị khác của CÐ8 lấy được không được tính vào sự lượng giá, bởi vì số vũ khí nầy đã bị CÐ8 bỏ lại cho địch, trong cuộc lui binh quá cấp bách nầy. Như vậy con số thiệt hại về nhân sự của Chiến đoàn 8 là 278, gồm bị chết, bị thương và mất tích; tức là 14% quân số của chiến đoàn, trong khi quân ta gồm thêm LLKK Hoa Kỳ[17] đã tiêu diệt 1043 địch. Kinh nghiệm cho thấy cứ một binh sĩ địch bị giết thì it nhất cũng phải có một binh sĩ địch bị thương. Do đó quân số tổn thất của địch vào khoảng 2086, có nghĩa rằng 10 binh sĩ thiệt hại của ta được đổi lại 75 binh sĩ thiệt hại của địch, trong năm ngày giao tranh tại khu vực Snoul, và hai ngày lui binh của Chiến đoàn 8 trước áp lực tấn công của hai sư đoàn địch. Con số 167 bị thương của quân ta được mang theo về Việt Nam trong cuộc lui binh, cũng đủ nói lên cuộc lui binh của Chiến đoàn 8 được diễn ra trong vùng trật tự và có kế hoạch. Trong số 74 bị mất tích của Chiến đoàn 8, chỉ có 26 binh sĩ tù binh được địch thả về từ hướng biên giới Tây Ninh khoảng hai tuần lễ sau ngày 31/5/71, ngoại trừ 6 binh sĩ tù binh của Tiểu đoàn 1/8 vẫn bị địch bắt giữ; 42 binh sĩ mất tích còn lại là đa số chiến hữu của Tiểu đoàn 1/8 và chi đoàn thiết quân vận đã tử trận trong khi xung phong để mở đường máu trong ngày lui binh, 30/5/71.
Tóm lại, Tướng Hiếu và Ðại tá Dzần là hai vị chỉ huy tài ba của chiến trường, đã đánh bại cả hai sư đoàn địch, để cứu sống hơn 85% quân số, và để bảo tồn các vũ khí trang bị nhẹ của chiến đoàn. Trái lại, hai tướng tư lệnh của sư đoàn địch là những bại tướng, trong kế hoạch bao vây và tiêu diệt toàn bộ Chiến đoàn 8.[7,9] Tư lệnh Quân đoàn 3 phải tự hãnh diện cho sự chiến thắng anh dũng của quân ta trong cuộc lui binh nầy. Do đó, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng phải chưa muộn để vinh danh các chiến hữu Chiến đoàn 8, tướng Hiếu và Ðại tá Dzần và LLXKQÐ3, đã hoàn tất nhiệm vụ khó khăn và chiến đấu anh dũng với hai sư đoàn địch tại ngoại biên từ ngày 23/5/71 đến ngày 31/5/71.
Hiện tượng sụp đổ của chính thể VNCH vào ngày 30/4/75 là hậu quả của những biến cố liên hệ dây chuyền của Quân sự, Chính trị và Ngoại giao của các lực lượng tham chiến tại Việt Nam, kể từ tháng 8/69. Ðặc biệt sự sai lầm của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn là khởi điểm cho những biến cố về sau của lịch sử Việt Nam.
Chiến dịch bí mật đàm thoại hòa bình của chiến tranh Việt Nam đã đi vào một khúc quanh quan trọng của lịch sử, khi Kissinger đã bí mật họp mật mười hai lần tại Ba Lê với phái đoàn Bắc Việt từ tháng 8/69, như Nixon đã tiết lộ[18]. Hai cuộc hành quân vượt biên cấp quân đoàn của QLVNCH đồng loạt kể từ ngày 8/2/71, là hậu quả của chiến dịch hòa đàm nầy để mặc cả trên bàn hội nghị, Hành quân Lam Sơn 719 và Hành quân Toàn Thắng 1. Hành quân Lam Sơn 719, theo Nguyễn Tiến Hưng kể lại, được soạn thảo bởi Hoa Kỳ và đưa cho Ðại tướng Cao Văn Viên ký[18,21]. Ðây là một cuộc đem con bỏ chợ tại Hạ Lào, bởi vì bên ta chỉ có 25,000 quân để đương đầu với 36,000 địch quân, tăng cường thêm hai Sư đoàn thiết giáp tối tân của Nga Sô cùng với nhiều trung đoàn pháo binh và phòng không. Kết quả là quân ta bị thua to và mất đi rất nhiều chiến sĩ ưu tú, trong khi tướng Wesmoreland án binh bất động vì không dám đem bốn sư đoàn của Mỹ vượt biên để cùng tham chiến với QLVNCH[18]. Như vậy tướng Wesmoreland hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc Hành quân Lam Sơn 719 nầy. Tuy nhiên trong thực tế, QLVNCH đã chịu những búa rìu của báo chí cũng như phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, để dẫn đến một sự chiến bại chiến lược trên phương diện quốc gia sau nầy. Ngoài ra đây là một cơ hội cho địch lượng giá khả năng chỉ huy điều binh trận địa chiến cấp quân đoàn của tướng lãnh ta và Hoa Kỳ, để chúng có yếu tố soạn thảo một chiến lược đấu tranh bằng trận địa chiến toàn diện về sau. May mắn thay, Ðại tướng Ðỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn 3, đã đích thân soạn thảo kế hoạch và chỉ huy trực tiếp Hành quân Toàn Thắng 1, để đem lại chiến thắng vẻ vang cho QLVNCH trong một cuộc hành quân cấp quân đoàn tại Cam Bốt. Do đó địch phải hoang mang trong việc lượng giá khả năng chỉ huy và điều binh trận địa chiến của tướng lãnh ta trên cương vị cấp quân đoàn sau hai cuộc hành quân viễn chinh của QLVNCH.
Nghị quyết tháng 5/71 do Bộ Chính Trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng CSVN là bước đầu để thăm dò lại khả năng chỉ huy và điều binh trận địa chiến của tướng lãnh ta trên cương vị cấp quân đoàn. Trận Snoul là khởi đầu cho Nghị quyết nầy. Ðịch đã xử dụng toàn bộ ba Sư đoàn 5, 7 và 9 để tấn công và bao vây Chiến đoàn 8 tại Snoul, đồng thời cầm chân nỗ lực chính của Quân đoàn 3 tại Tây-Nam Snoul, lực lượng tăng viện của LLXKQÐ3 tại Ðông-Nam Snoul. Chính những sự sai lầm của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 trong lãnh vực chỉ huy cũng như lượng giá chiến trường trong trận đánh Snoul, đã thúc đẩy địch quyết định mở rộng thêm chiến lược trận địa chiến trên toàn lãnh thổ miền Nam trong năm 1972 về sau.
Vào ngày 30/3/72, địch đồng loạt mở rộng chiến trường bằng ba chiến dịch, chiến dịch Nguyễn Huệ phía Ðông Nam Bộ là nỗ lực chính, chiến dịch Trị-Thiên cũng là nỗ lực chính, và chiến dịch Tây-Nguyên là nỗ lực phụ. Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, địch đã xử dụng toàn bộ ba Sư đoàn 5,7 và 9 để chiếm lãnh Lộc Ninh và các vùng lân cận, trước khi bao vây và tấn công An Lộc trong khoảng hai tháng. QLVNCH đã phải xử dụng Sư đoàn 5, hai Lữ đoàn Dù, một Liên đoàn 81 BCD, hai trung đoàn của Sư đoàn 21, cùng nhiều Liên đoàn Biệt động quân để giữ An Lộc, dưới sự yểm trợ hùng hậu của Không quân Hoa Kỳ, gồm cả các pháo đài bay B52. An Lộc đã được quân ta anh dũng giữ vững, tuy nhiên Quảng Trị đã bị mất trong tay địch, bởi vì các lực lượng trừ bị thiện chiến của ta đã bị cầm chân ở hai chiến trường Tây-Nguyên và An Lộc[25]. Ðặc biệt trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, địch đã học lóm mưu lược xử dụng truyền tin của quân ta trong trận Snoul, nên chúng đã xử dụng im lặng vô tuyến trước khi tấn công để đạt được yếu tố bất ngờ trong ngày đầu tiên của chiến dịch[7].
Chiến dịch Trị-Thiên và Nguyễn Huệ là hậu quả của sự ép buộc chính thể VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê ngày 27/1/1973, sau khi Nixon đã gởi bức thư dọa dẫm Tổng thống Thiệu[18,19,24]. Tiếp theo là việc rút quân cấp bách của Mỹ và Ðồng Minh trong vòng 60 ngày, căn cứ vào điều khoản 5 và 6 của hiệp định. Hơn nữa, căn cứ vào điều khoản 12(a), địch lại ở thế ngang hàng với chính thể VNCH, cũng như không phải rút quân khỏi miền Nam. Như vậy, chúng ta hầu như đã mất nước sau ngày ký Hiệp định Ba Lê gần như đầu hàng nầy[20,22,23].
Tiếp theo Hiệp định Ba Lê là việc Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH, trong khi Nga Sô lại thừa thắng xông lên, tăng cường thêm viện trợ các vũ khí tối tân hơn cho Bắc Việt. Lại còn Ðạo luật Quyền Hạn Chiến Tranh cho Tổng thống Hoa kỳ cũng được QHHK phê chuẩn vào hồi tháng 6/73[18] tăng cường thêm cho sự sụp đổ của miền Nam năm 75.[26].
Thử hỏi nếu kế hoạch “Ðiệu Hổ Ly Sơn” được Trung tướng Minh thi hành trong trận Snoul vào cuối tháng 5/71, liệu địch có đủ sức và tự tin để mở Chiến dịch Nguyễn Huệ mười tháng sau trận Snoul. Nếu không có Chiến dịch Nguyễn Huệ thì đâu có trận An Lộc, để khoảng một sư đoàn trừ bị thiện chiến của QLVNCH phải bị cầm chân tại An Lộc gần hai tháng. Nếu QLVNCH không bị cầm chân ở An Lộc thì chúng ta sẽ không mất Quảng Trị, bởi vì QLVNCH đã rảnh tay để có thể tăng cường ít nhất một sư đoàn trừ bị thiện chiến cho chiến trường tại Quảng Trị. Dĩ nhiên nếu chúng ta không mất Quảng Trị, thì đâu có sự ép buộc VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê, bởi vì địch đã bị thất bại mặc cả trên bàn hội nghị, khi chiến dịch Trị-Thiên của địch bị đánh bại bởi quân ta. Do đó đâu có việc Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ quân sự cho VNCH, cũng như việc duyệt ký Ðạo luật Quyền Hạn Chiến Tranh cho Tổng thống Hoa kỳ vào hồi tháng 6/73[18]. Vì thế, lịch sử VNCH đã thay đổi hoàn toàn sau năm 1975, cũng như không có hiện tượng sụp đổ của miền Nam trong năm 1975, để hơn hai triệu người Việt Nam phải sống kiếp lưu vong ở Hải ngoại, cũng như hàng vạn thuyền nhân bỏ mạng trên biển cả để tìm tự do, cũng như những năm tháng tù tội tàn nhẫn của địch dành cho Quân dân miền Nam.
Tác giả đã viết đầy đủ chi tiết phần năm ngà;y năm đêm tử thủ của TĐ1/8 đễ tường trình các thẩm quyền, tuy nhiên các chi tiết đã bị loại bỏ trong bài này, bởi vì hai lý do. Lý do thứ nhất là để tránh sự ngộ nhận là tác tiả đã cố đánh bóng cho tác giả, TĐ1/8 và chi đoàn thiết giáp. Lý do thứ hai chủ đích của bài này là để vinh danh cho toàn thể các chiến hữu đãm tham dự cuộc hành quân này, gồn bộ binh, thiết giáp và pháo binh. Phần còn lại về TĐ1/8 phải được viết vì có liên hệ đến tất cả Chiến đoàn 8, và tướng Hiếu.
Tác giả khẳng định rằng, Tướng Hiếu, Đại tá Dzần, Tướng Khôi cùng tất cả chiến hữu CĐ 8 và LLXKQĐ3 đã anh dũng chiến thắng hai sư đoàn VC trong trận thư hùng tại chiến trường ngoại biên từ ngày 24/5/71 đến ngày 31/5/71.
Các phần nhận định và phê bình về Quân đoàn và Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, sự lượng giá chiến trường trên phương diện chiến lược quốc gia là do sự suy luận của tác giả, chỉ là một tiểu đoàn trưởng trực tiếp tham dự trận nầy, căn cứ vào các dữ kiện hiện có trong tay, nên có thể thiếu khách quan và trung thực. Vì thế, tác giả đã tìm cách liên lạc với Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 từ tháng 01/2004 cho đến ngày Trung Tướng về cõi vĩnh cửu để trình Trung tướng đọc lại, để sửa sai, đính chính theo sự hiểu biết của Trung tướng cũng như vinh danh cho các chiến hữu tham dự cuộc hành quân nầy. Tác giả cũng đã đề nghị với Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, thay thế phần nói về Quân đoàn 3, phê bình về Trung tướng, và sự lượng giá chiến trường trên phương diện chiến lược quốc gia, bằng phần những minh xác của Trung tướng do chính Trung tướng viết trong bài nầy, để Quân sử VNCH được soi sáng và công minh. Nhờ thế các chiến hữu và Cộng đồng hải ngoại sẽ hiểu rõ những nỗi khó khăn và đau lòng của Trung tướng, để thông hiểu và vinh danh Trung tướng, một vị tướng lãnh tài ba đã cầm quân giữ nước.
Đau đớn thay tác giả không có sự hồi âm từ Trung tướng cho đến ngày Trung tướng về cõi vĩnh cửu, và đó cũng là lý do bài nầy đã phải cho lên mạng lưới internet, để độc giả cùng tham gia với tác giả trong nỗ lực tìm hiểu một sự kiện thật của Quân sử VNCH trong cuộc hành quân tại Snoul.
Tác giả ao ước đã từ lâu rằng phần viết về Quân đoàn 3 và Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 của tác giả là sai lầm, nếu có sự lên tiếng chính thức sửa sai của Trung tướng, để tác giả được có cơ hội xin lỗi Trung tướng cho tội phạm thượng của một thuộc cấp, cũng như chia xẻ những khó khăn và đau lòng của Trung tướng trong trận Snoul nầy. Hơn nữa tác giả cũng như người Việt có dịp để hiểu rõ sự thật của lịch sử, để có dịp vinh danh Trung tướng, cũng như đoàn kết lại thành một khối duy nhất, không còn việc đánh phá lẫn nhau nữa. Đây cũng là viên đạn cuối cùng của người lính già để trả nợ núi sông, để yên lòng an dưỡng tuổi già. Hôm nay, 28/04/2004, tôi biết rằng Trung tướng im lặng vì nhiều lý do riêng tư. Dù lý do riêng tư nào, tôi vẫn kính trọng Trung tướng.
Hình ảnh những khuôn mặt đau khổ của các chiến hữu phải bị bỏ lại trong cuộc lui binh thần tốc, những giòng nước mắt của các quả phụ, thân phụ và thân mẫu của các tử sĩ tại hậu cứ của TĐ1/8 tại Lai Khê sau khi TĐ trở về, cũng như hình ảnh của một lão tướng ngoài 74 tuổi, Chuẩn tướng Trần Quang Khôi[29], vẫn còn uất ức về trận Snoul và trận Dambe[30] liên hệ đến việc chỉ huy của Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3, sau bao năm trong ngục tù Cộng sản, rồi nay lại phải đi “cày” với cái tuổi ngoài 78 để mưu sinh, là những động lực chính cho việc tác giả viết bài nầy vào ngày 02/02/2004. Bốn năm sau, VN sắp bị nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng đến nơi, bởi chính sách độc tài, tham nhũng, hận thù của CSVN, cũng như CĐHN vẫn còn chia rẽ phân hóa và chưa chịu thống nhất lại thành một khối. Đó là động lực của bài cập nhật hóa này để thức tỉnh hai phe cho việc cứu nguy Tổ quốc yêu quí VN. Độc giả đang đi ngược giòng lịch sửm chứng kiến trận đánh Snoul năm 1971 để thức tỉnh một trách nhiệm lương tâm cho đến khi về cõi vĩnh cửu. Những hành động của các nhân vật trong trận đánh chỉ là những hành động thông thường của người lính VNCH trong các trận đánh vô danh hay hữu danh trong quá khứ. Tuy nhiên máu và nước mắt của các chiến hữu và thân nhân của họ đã đóng góp vào một biển hồ bằng máu và nước mắt của quân cán miền Nam. Chính cái biển hồ khô cạn này đã trải đường cho CĐVNHN có cuộc sống no ấm hay thành đạt của thế hệ thứ hai. Vì thế CĐHNVN không nỡ nào quên đi cái trách nhiệm lương tâm, để tiếp tục sứ mạng đang dang dở của những kẻ đã trải đường cho CĐ.
Chủ đích của bài nầy là nói lên một sự thật của quân sử QLVNCH, bởi vì sự thật phải được trả lại cho lịch sử.
Tướng Hiếu và Ðại tá Dzần cùng các chiến hữu của hai ông đã chiến thắng anh dũng trong cuộc rút quân đơn thương độc mã dưới áp lực của hai Sư đoàn địch, dưới nhãn quan của một Tư lệnh Sư đoàn và Trung đoàn trưởng. Ðại tá Khôi, Tư lệnh LLXKQÐ3, cùng LLXKQÐ3 cũng đã chiến thắng địch và bẻ gãy kế hoạch bao vây để tiêu diệt toàn bộ CÐ8 trong ngày 31/5/71. Tuy nhiên Trung tướng Minh đã thất bại dưới nhãn quan của một Tư lệnh Quân đoàn, bởi vì ông đã chọn lựa một kế hoạch rút quân sai lầm cho Chiến đoàn 8, cũng như tăng viện LLXKQÐ3 cho Sư đoàn 5 đã quá trễ, đồng thời ông cũng đã để mất một dịp để tiêu diệt toàn bộ hai Sư đoàn địch trong kế hoạch Ðiệu Hổ Ly Sơn, như đã dự trù bí mật giữa hai vị Tư lệnh tướng lãnh nầy[2]. Hậu quả là hai Sư đoàn nầy được nuôi sống để chúng có dịp mở cuộc tấn công vào Lộc Ninh và An Lộc khoảng mười tháng sau.
Sự yếu kém tình báo của ta và đồng minh, thiếu trách nhiệm chỉ huy, chủ quan tin tưởng quá nhiều vào tình báo của ta, đồng thời không chịu nghe những báo cáo chính xác về khả năng của địch đang lâm chiến tại Snoul của tướng Hiếu và Ðại tá Dzần, đã làm Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 3 lầm lẫn trong cương vị của một vị Tư lệnh Quân đoàn. Vì thế tướng Minh và Quốc Hội VNCH đã vô tình làm thay đổi bộ mặt thật của chiến trường, từ một kẻ chiến thắng để trở thành một kẻ chiến bại trên phương diện chiến thuật cũng như chiến lược. Hậu quả là có trên ba mươi phần trăm chiến hữu đào ngũ sau khi đã trở về VN, bởi vì họ cảm thấy bị bỏ quên, và sự nhân nhượng hình như đầu hàng của những điều khoản trong Hiệp ước Ba Lê năm 1973.
Vì thế lịch sử VNCH có thể thay đổi nếu không có những sự sai lầm như trên.
Bây giờ chúng tôi đã mất hết chỉ còn nhau, chúng tôi chỉ cầu mong cho Trung tướng Tự lệnh Quân đoàn 3 an nghỉ nơi chốn vĩnh cửu cũng như Quốc Hội VNCH xem lại một sự thật của lịch sử, để họ xích lại gần chũng tôi hơn. Dù sao thì tình huynh đệ chi binh vẫn còn trường tồn bất diệt, để giúp ích cho sự đoàn kết quân dân trong công cuộc đấu tranh chống Cộng hiện nay.
[1] Nguyễn Văn Tín, Trang Nhà Tướng Hiếu, http://www.generalhieu.com/
[2] Mạn Ðàm giữa tướng Hiếu và tác giả ngày 17/12/71 tại Ðà Lạt
[3] Các E-mail ngày 04/11/03, 18/11/03, 21/11/03 giữa ba sĩ quan tham mưu của Sư đoàn 5 Sư đoàn 7VC và tác giả
[4] Nguyễn Văn Tín, Trận Snoul Theo Lời Tường Thuật Báo New York Times, http://www.generalhieu.com/snoul-nyt-u.htm/
[5] Lệnh Hành Quân HQ/TT02/71/B5/KB của Sư đoàn 5, do tướng Hiếu ký ngày 04/5/71,http://www.generalhieu.com/TT02-u.htm/
[6] E-mail của tướng Trần Quang Khôi ngày 20/11/03
[7] Lê Kinh Lịch, Trận Ðánh Ba Mươi Năm, nhà Xuất Bản Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội, 1996, tr.405-406, 421, 432,http://www.generalhieu.com/xnun-u.htm/
[8] Carl J.Haaland, Operational Report-Lessons learned 3/17 Air Cavalry, 30 April 1971,http://splorg.org/vietnam/orll.html/
[9] Carl von Clausewitz, Principles of War, The Military Service Publishing Company, Harrisburg, Pennsylvania
[10] Mạn đàm giữa một sĩ quan tham mưu cao cấp của Quân đoàn 3 và tác giả ngày 22/11/03
[11] Mạn đàm với Colonel Raymond Kampe, cựu Cố vấn trưởng Sư đoàn 5, và tác giả ngày 24/11/03
[12] Nguyễn Văn Tín, Hành Quân Snoul, http://www.generalhieu.com/Snoul-u.htm/
[13] Trần Quang Khôi, Tường Trình Về Vai Trò Của Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh Và Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III,http://vietnam.glypto.com/webhtml-01/LD3KyBinh-1975-001.php
[14] Trần Quang Khôi, Fighting to the Finish, Armor, March-April 1996, p. 19-25,http://www.generalhieu.com/tqkhoi2-2.htm/
[15] George G. Layman, Các Khó Khăn Sư Ðoàn 5 Gặp Phải Trong Chương Trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh,http://www.generalhieu.com/vnmization5ID-u.htm/
[16] Internet: http://members.aol.com/spur317f/private/cambodia.htm
[17] Internet: http://members.aol.com/bear317/vcg.txt/, http://www.generalhieu.com/huychuong-my-snoul-u.htm
[18] Nguyễn Tiến Hưng & Jerold L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Ðộc Lập, C&K Promotion, Inc., Los Angeles, tr. 75, 78, 267,417.
[19] Trần Văn Ðôn, Our Endless War: Inside Vietnam, Novato, CA: Presido Press, 1978
[20] Goodman, Allen E., The Lost Peace: America’s Search for a Negotiated Settlement of the Vietnam War, Stanford, CA : Hoover Institution, 1978
[21] Nguyễn Duy Hinh, Hành Quân Lam Sơn 719, Indochina Monographs, US. Army Center of Military History, 1979
[22] Isaacs, Arnolds, Without Honor: Defeat in Vietnam and Cambodia, New York: Vintage Books, 1983
[23] Kissinger, Henry A., The White House Years, Boston: Little Brown, 1979
[24] Nixon, Richard, The Memoirs of Richard Nixon, New Yorks: Grosset and Dunlap, 1978
[25] Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972, Indochina Monographs, U.S Army Center of Military History, 1980
[26] Cao Văn Viên, The Final Collapse, Indochina Monographs. Washington D.C.: U.S Army Center of Military History, 1983
[27] Thư của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh LLXKQÐ3, ngày 5/01/2004
[28] E-mail của Ðại tá Bùi Trạch Dzần, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 8, ngày 04/01/2004
[29] E-mail của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh LLXKQÐ3, ngày 15/01/2004
[30] Hà Mai Việt, Thép và Máu, Thiết Giáp trong Chiến Tranh Việt Nam
Trần Văn Thưởng
Ngày 02 tháng 02 năm 2004.
Cập nhật ngày 10/05/2008
(Đôi lời giới thiệu về tác giả của trang chủ: Sau khi tham gia trận đánh Snoul với tư cách Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1/8, tác giả được bổ nhiệm về trường Võ Bị Đà Lạt. Đến năm 1974, tác giả được đề cử theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Leavenworth, và đến ngày mất nước tháng 5/1975 thì bị kẹt lại bên Mỹ. Hiện giờ tác giả là giáo sư toán tại một viện đại học Hoa Kỳ.)